giusehien
24-12-2007, 10:33 PM
Bạn Duc Ky mến! Đức Mẹ Tà pao ở Địa điểm: Giáo Phận PHAN THIẾT. Sau đây xin gởi bạn những chi tiết về Đức Mẹ Tà Pao để bạn hiểu thêm.
*************
TÀPAO – NƠI ĐỨC MẸ CHỌN
Hơn hai tuần nay, do ảnh hưởng bão số 3, số 4, áp thấp nhiệt đới nên mưa tầm tả suốt ngày đêm. Mưa bão thì mặc mưa bão, đoàn người đổ về Tàpao dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng công trình Mẹ Tàpao ngày một đông.
Tối 12.8, có khoảng 15.000 người hành hương dự đêm canh thức. Ngày13.8, ngày đại lễ, có hơn 50.000 khách hành hương dự lễ.
Số thiệp mời ban tổ chức gởi đi là 25.000 thiệp ( Các giáo xứ trong giáo phận 15.000 và khách hành hương 10.000). Lượng người đổ về Tàpao tăng lên quá nhiều ngoài dự đoán.
Có 3 ngã ba dẫn về Tàpao: Ngã ba căn cứ 6, ngã ba Ông đồn, Ngã ba cô đơn.
Từng đoàn xe từ Vũng Tàu, Hàm Tân, Phan Thiết, Nha Trang rẽ lối vào ngã ba căn cứ 6. Ngã ba Ông đồn là lối rẽ vào của đoàn khách từ các Tỉnh Miền Tây, Sài Gòn, Đồng Nai. Ngã ba cô đơn đón các đoàn khách từ Đà Lạt, Bảo Lộc, Phương Lâm, Định Quán xuôi về Tàpao. Có nhiều biển số xe từ các tỉnh miền trung, từ dưới vùng Cà Mau sông nước, từ vùng Cao nguyên cũng nối đuôi về Tàpao.
7 giờ sáng, đoạn đường từ 2 ngã rẽ Tánh linh và Bắc ruộng đổ về Lễ Đài dưới chân núi dài hơn 10km đã chật cứng người. Mưa vẫn rơi, đoàn người cứ tiến bước.
Mặt bằng nơi dự lễ rộng 1 hecta đã đầy ắp người từ 8 giờ sáng. Người ta phải đứng dọc theo mọi đường lớn nhỏ dự lễ qua 5 màn hình rộng. Dòng sông La Ngà nước lớn tràn bờ phả vào chân lễ đài. Trên triền núi, bên kia sông La Ngà thấp thoáng những nhóm người hướng về dự lễ.
Từ 8 giờ, cộng đoàn lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Những lời kinh nguyện, những bài thánh ca đưa tâm hồn mọi người lên cao. Ở trên núi, Mẹ Tàpao trìu mến nhìn đoàn con đứng đội mưa nguyện cầu cùng Mẹ. Những bài ca dâng kính Mẹ được mọi người hát lên bằng cả con tim yêu mến. Họ hát sốt mến như cầu nguyện những bài ca dâng Mẹ Tàpao: Lời ru trước ngàn năm mới của Anna Thiên Thanh, Đức Mẹ Tàpao của Lm Kim Long, Jos Hùng, Linh Huyền Dung phổ nhạc thơ Xuân Ly Băng…
9 giờ 30 đoàn kiệu Đức Mẹ tiến vào lễ đài giữa tiếng kèn tây và những tràng pháo tay vang dội.
Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Phan Thiết cùng 50 linh mục đồng tế bước lên bàn thờ. Lễ đài được dựng lên sát bờ sông hướng về Mẹ Tàpao trên núi.
Mở đầu phần nghi thức, Cha Quản lý TGM Phan thiết, Anrê Lương Vĩnh Phú đọc văn thư của UBND Tỉnh Bình Thuận, số 2005/ UBND-TH V/v: “chấp thuận việc đầu tư trùng tu, tái thiết tượng Đức Mẹ tại Núi Tàpao”, do Ông Phó Chủ Tịch Tỉnh Bình Thuận Hồ Dũng Nhật ký ngày 25.5.2006.
Tiếp đến, Cha J.B Hoàng Văn Khanh, trưởng ban tổ chức đọc lược sử Mẹ Tàpao.
Hôm nay, ngày 13.08.2006, Đức Giám Mục Phaolô Giáo Phận Phan Thiết cử hành thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng công trình Đức Mẹ TaPao trên địa bàn giáo hạt Đức Tánh, Giáo phận Phan Thiết. Hơn lúc nào hết, đây là dịp thuận lợi và thích đáng để chúng ta cùng nhìn lại cách thoáng qua về Đức Mẹ Tàpao qua hai góc độ :
1. Nguồn gốc Thánh tượng Đức Mẹ Tàpao
2. Hiện tượng Đức Mẹ Tàpao.
1. NGUỒN GỐC THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ TÀ PAO
Thánh tượng Đức Mẹ Tàpao là một trong năm thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ Miền Trung vào Miền Nam và cao nguyên Trung phần vào năm 1959.
Ngày 8.12.1959, Đức Cha Marcello Piquet, Giám mục Giáo phận Nha trang, đã cử hành lễ Cung Hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao, với sự hiện diện của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha trang, Ban mê thuột, đồng bằng sông Cửu long…Có thể nói Lễ Cung hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tàpao là một Đại lễ tôn giáo có tầm cỡ quốc gia.
Từ năm 1964 đến năm 1975, toàn bộ vùng Bắc Ruộng thuộc quyền kiểm soát của Chính Quyền cách mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Hầu hết bà con giáo dân sơ tán về vùng Nam sông La Ngà và những nơi khác, nên Tượng đài Đức Mẹ Tàpao không ai chăm sóc và dường như bị lãng quên…
Sau biến cố 1975, vào khoảng tháng 10 năm 1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng Kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm đã tiến hành việc kiếm tìm lại Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao. Khoảng Phục Sinh năm 1989, một số giáo dân xứ Nghị Đức và Huy Khiêm âm thầm thăm viếng Tượng Đài Mẹ và phát hiện đầu, tay, chân Thánh Tượng bị bể nát. Khoảng cuối tháng 6 năm 1991, nhận dịp lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những anh em này được sự cho phép và cổ vũ của Đức Giám Mục Phan Thiết bấy giờ là Đức Cha Nicolas Huỳnh văn Nghi, sự khích lệ của linh mục FX Đinh Tân Thời quản xứ Duy Cần (tức Gia an hiện nay) đã đến nhờ điêu khắc gia Lê Phát (hiện đang ở giáo xứ Ngũ Phúc, Xuân Lộc) đắp vá và sửa sang lại Thánh Tượng Mẹ. Công trình hoàn tất ngày 30.7.1991. Kể từ ngày 01.8.1991, Thánh Tượng Mẹ Tà Pao lại sừng sững trên ngọn núi Tà Pao, thuộc Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận, để ai ai cũng có thể chiêm ngắm và được Mẹ ban phúc lành.
2. HIỆN TƯỢNG ĐỨC MẸ TÀ PAO
Sự việc bắt đầu bằng câu chuyện ba em học sinh Phương Lâm thấy Đức Mẹ hiện ra và bay về phía bên kia núi. Ngày 29.9.1999, lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, một nhóm giáo dân vùng Phương Lâm và phụ cận, rồi sau đó các vùng Dốc mơ, Gia kiệm, Hố nai, rồi Sàigòn… tuôn đổ về vùng giáp ranh giữa Phương lâm và Tánh linh với ước mơ được nhìn thấy Mẹ.
Khoảng đầu năm 2000, sau thời gian tìm kiếm và được biết ở Tàpao thuộc huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận có tượng đài Đức Mẹ trên núi Tàpao, đoàn người đổ xô về Đức Mẹ Tàpao để chiêm ngắm, cầu nguyện và xin ơn…Và rồi từ đó, biết bao câu chuyện lạ và ơn lạ được tường thuật lại như những chứng từ ân sủng Thiên Chúa ban qua trung gian cầu bầu của Đức Mẹ Tàpao. Ơn lạ cụ thể nhất không ai có thể chối cãi, đó là : nhờ lòng kính mến và thành tâm khẩn nguyện cùng Mẹ Tàpao mà bao linh hồn được ơn sám hối ăn năn, đổi mới cuộc đời quay về nẻo chính đường ngay, bao gia đình tan vỡ được hàn gắn hoà thuận, bao kẻ âu lo thất vọng được an ủi và lấy lại niềm tin yêu cho cuộc sống…
Điều lạ lùng hơn cả phải chăng đó là : từ một địa danh trước đây hầu như không mấy ai biết tới, nay Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao, như ước mơ của hai Đức Giám Mục và của toàn thể Giáo phận Phan Thiết cũng như của hàng triệu khách hành hương trong và ngoài nước, đã có thể hội đủ điều kiện và yếu tố để trở thành một trong những Trung Tâm Thánh Mẫu ở Việt nam ?
Vả lại, chẳng đáng ngạc nhiên lắm sao : khi sau bao năm tháng hầu như bị lãng quên, ngày nay Đức Mẹ Tàpao trở thành nơi hội tụ của những người Con Dân Việt khắp Ba miền, trong cũng như ngoài nước; trở thành điểm quy chiếu để mỗi người có thể trở về lại với chính mình và nhận ra được con người đích thực của mình và chính nhờ đó mới có thể khám phá ra được dung mạo đích thực của Thiên Chúa Tình yêu qua dung nhan dịu hiền yêu thương của Đức Maria trong đời thường của mỗi người ?
Đó cũng chính là ý nghĩa và mục đích của Đại lễ đặt viên đá xây dựng công trình Đức Mẹ Tàpao hôm nay.
Ca đoàn là những Chủng sinh giáo phận, những Nữ Tu Mến Thánh Giá Phan thiết cất cao bài ca Nhập lễ.
Bắt đầu thánh lễ ĐGM ngõ lời với Dân Chúa.
Kính thưa qúy cha
Quý tu sĩ nam nữ
Và toàn thể anh chị em thân mến .
Chúng ta đang quây quần chung quanh Mẹ Tàpao. Đức Mẹ vốn có nhiều danh hiệu, ngoài những danh hiệu Thần học như Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ hồn xác lên trời…lại có những danh hiệu liên hệ với những địa danh Mẹ muốn dùng làm nơi gặp gỡ đặc biệt các con cái Mẹ. Như Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima. Ơ Việt Nam chúng ta có Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ La Vang…
Hôm nay, tại đây, chúng ta lại được vinh dự đón nhận một tôn danh mới của Mẹ là Mẹ Tàpao.
Tại núi Tàpao này, tượng đài Mẹ đã có sẵn đây gần nửa thế kỷ, giữa núi rừng nguyên sinh, cây cối rậm rạp, không mấy ai biết đến. Nhưng từ bảy năm nay, một số anh em giáo dân bất ngờ khám phá ra sự hiện diện kỳ diệu của Mẹ.
Ban đầu người ta bán tín bán nghi, nhưng dần dần nhiều người đến đây cầu nguyện và họ được những điều sở nguyện. Niềm tin Mẹ đang hiện diện và sẵn sàng nâng đỡ ủi an con cái Mẹ giữa cuộc đời gian nan đau khổ càng ngày càng tăng. Và cho đến nay, địa danh linh thiêng này đã thành quen thuộc với khách hành hương từ thập phương đổ về.
Toà Giám Mục nhân thấy, đã đến lúc phải làm sao nơi này thành nơi hành hương khang trang, trật tự, an bình, khách hành hương dễ dàng lui tới, dễ dàng cầu nguyện. Tôi đã đề nghị chính quyền Tỉnh Bình Thuận xem xét và cho xây cất một công trình khiêm tốn.
- Một con đường tam cấp đi lên tượng đài Mẹ khoảng 300m
- Một lễ đài rộng 200m2
Và chính quyền đã đồng tình chấp thuận.
Chúng ta không quên công lao những người đầu tiên đã khám phá ra nơi linh địa này.
Nhất là về phương diện Đức Tin, ta phải nhận ra rằng có được công trình này là do lòng thương yêu của Đức Mẹ muốn chọn nơi đây làm nơi gặp gỡ, để Mẹ ban cho chúng ta muôn vàn ơn lành hồn xác, tăng thêm Đức Tin cho chúng ta.
Thánh lễ chúng ta dâng hôm nay vừa để tạ ơn Mẹ, vừa để xin Mẹ chúc phúc cho những ai góp công góp sức xây dựng công trình này, vừa làm phép viên đá xin Thiên Chúa thánh hóa mảnh đất hoang sơ này thành dòng sữa mẹ làm tươi mát cho mọi tâm hồn đang nặng gánh gian truân giữa đường đời.
Kính mời anh chị em sám hối tội lỗi để chúng ta bắt đầu tham dự mầu nhiệm thánh.
Trong bài giảng lễ, Đức Giám suy niệm Tin mừng (Lc 1, 39 – 56). Trời mưa rất lớn, ào ạt trút nước. Hàng chục ngàn con người đứng lặng dưới mưa, trang nghiêm, sốt mến lắng nghe từng lời giảng huấn.
Qua bài Tin mừng và nhất là qua những lời tạ ơn của Đức Mẹ, tôi muốn chia sẻ với anh chị em hai nội dung sau đây:
Tàpao, điểm hẹn của tình thương Mẹ
Tàpao là trường học Đức Tin của Mẹ
1. Tàpao, điểm hẹn của tình thương Mẹ
Từ trên thập giá nhìn xuống Mẹ hiền yêu qúy và cũng là người Mẹ anh hùng, can trường đang thông chia nỗi đau thương tột độ của Người, Chúa Giêsu đã muốn nhường Mẹ lại cho Giáo Hội. Và bên cạnh Me, còn có cả người môn đệ tâm phúc nhất của đời mình, Chúa Giêsu nói với Mẹ: “Hỡi Bà, đây là con bà”, Chúa cũng nói với Gioan: “Đây là Mẹ Con”.
Thế là Con của Mẹ từ đây sẽ là Giáo Hội là cả nhân loại. Từ ngày Mẹ cùng các tông đồ nhận lãnh Chúa Thánh Linh, nhất là từ ngày Mẹ được tôn vinh trên trời, được Chúa Phục sinh cũng là Vua Vũ Trụ ban cho Mẹ tước vị Nữ vương trời đất đầy quyền uy trước mặt Chúa, thì Mẹ không ngừng gắn bó và hết tình thương yêu Giáo Hội. Suốt hơn hai nghìn năm lịch sử Giáo Hội, Mẹ không ngừng ban phát muôn vàn hồng ân, giúp Giáo Hội trên đường lữ hành trần thế.
Thỉnh thoảng, Mẹ lại chọn một địa điểm đặc biệt để làm nơi Mẹ nâng đỡ ủi an những con cái đầy khồ đau của Mẹ, hoặc để ban một sứ điệp quan trọng. Tháng 2-1858, ở Lộ Đức với “sứ điệp Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Tháng 10-1917, ở Fatima với “Sứ Điệp Cầu Cho Hòa Bình Thế Giới”.
Ngày nay những nơi đây đã trở thành trung tâm hành hương vĩ đại.
Chúa đã từng phán khi Ngài “Hỡi tất cả con ta những ai mang gáng nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Bây giờ chính Mẹ tiếp tục tình thương đó. Ngày nay, giữa lúc nhân lọai đang đối mặt với không biết bao biến cố vô cùng nguy hiểm cho vận mạng nhân loại, Mẹ lại thường xuất hiện, có khi đầy nước mắt hòa trong máu.
Điều đặc biệt của tình thương Mẹ là biểu lộ chính tình thương của Thiên Chúa. Đó là tình thương dành cho những người đau khổ, đói khát, bệnh tật, những cuộc đời đầy bất hạnh gian truân và những người khiêm cung bé nhỏ. Lời tạ ơn của Đức Mẹ muốn nhấn mạnh đến tình thương đó của Thiên Chúa.
Có thể nói giấc mơ của 80% nhân lọai trong thiếu thốn đói khát được gói trọn trong lới tạ ơn của Đức Mẹ. Ngày nay, người ta đã thấy rõ 80% của cải trái đất lại nằm trong tay 20% nhân lọai giàu có. 80% của nhân lọai lại trở nên nghèo khổ. Sự nghèo khổ ngày càng gia tăng, cùng với bệnh tật, bao nhiêu sự bất công và thiệt thòi khác. Lời kinh của Mẹ như một thông điệp tiên tri kêu gọi phải có công bằng xã hội, không thể có phân biệt đối xử.
Ta thấy tình trạng ngày nay người giàu gạt người nghèo ra một bên để tự do hưởng thụ của cải trái đất. Nước giàu lấn át nước nghèo để tranh thủ phần ưu tiên cho họ. Đó là sự bất công mà Thiên Chúa không thể tha thứ được.
Thiên Chúa sẽ lọai bỏ họ, đánh đổ kẻ kiêu căng, xô sập những ngai vàng ích kỷ, bắt người giàu có bất lương trở thành hai bàn tay trắng.
Thiên Chúa sẽ nâng đỡ người bất hạnh, người nghèo đói, người đau khổ bị áp bức. Họ sẽ trở thành Dân riêng của Người. Đây không phải là những lời ru ngủ mà là ý định muôn đời của Thiên Chúa.
Tại những điểm hành hương, Đức Mẹ đang chữa lành, đang an ủi, đang thay lòng đổi dạ con người tội lỗi….Đó là thông điệp của Trời Mới Đất Mới. Lịch sử mới đang hình thành cách nhiệm mầu và Thiên Chúa sẽ đến xét xử thế giới để cho con người nhận lại được giá trị cao qúy của mình.
2. Tàpao, trường học Đức Tin của Mẹ
Đứng trước bao tại họa đang dôn dập trên mặt đất, tai họa từ môi trường thiên nhiên, từ lòng dạ đầy hận thù và ích kỷ của con người, từ sự kiêu căng của những người mạnh thế, liệu nhân lọai có thóat khỏi cảnh tuyệt vọng đó được không?
Đức Mẹ muốn nói với chúng ta: Hãy tin vào quyền năng vô biên và lòng yêu thương của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới viết được dòng chữ thẳng trên những đường cong của lịch sử. Đó là kinh nghiệm của một người tù thóat chết nhờ có lòng tin.
Một người Việt kiều ở Mỹ bị ung thư và bác sĩ cho biết đã đến giai đọan cuối. Phương thế của khoa học đã đầu hàng. Bệnh nhân chỉ còn một chút hi vọng ở Đức Mẹ Tàpao. Người ấy về Việt Nam, nhờ bạn bè giúp đỡ dẫn tới Mẹ Tàpao, tha thiết sám hối và xin Mẹ chữa lành. Rồi trở về Mỹ, thấy trong người càng ngày càng khỏe. Đến bác sĩ cũ khám bệnh lại. Bác sĩ vô cùng ngạc nhiên, không hiểu tại sao bệnh tình của bà không còn nữa. Trường học Đức Tin của Mẹ là thế đó.
Có một cặp vợ chồng ở Tư Tề, Đức Linh, chồng lương vợ giáo. Người chồng rất ghét khi vợ đi dự lễ đọc kinh, có khi phê phán ra mặt. Nhưng đến lúc ông bị bệnh xơ gan cổ trướng, hết đường chữa chạy, ông nói với vợ đi cầu với Đức Mẹ Tàpao cho ông. Quả thật Đức Mẹ đã nhậm lời và cho ông lành bệnh. Ong đã học giáo lý và trở lại đạo.
Trường học Đức Tin của Mẹ là như vậy đó anh chị em.
Thế giới hôm nay với kiến thức khoa học tiến bộ tột bậc, nhiều người tưởng rằng tôn giáo đang tàn lụi, con người đang làm chủ vận mạng mình, cần gì đến thần thiêng nữa. Thực ra, đó chỉ là cường điệu, là ảo tưởng của khoa học. Cả một trời bí ẩn đang bao quanh cuộc sống này. Và những tai ương khủng khiếp đầy thách thức của chúng đang là một thông điệp lớn thức tỉnh con người. Trước mọi biến chuyển lớn lao đó, con người không phải chỉ biết thống kê, chỉ biết tìm cách phòng tránh mà thôi, mà còn chỉ biết đọc, biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, phải tin Ngài mới là chủ tể nắm trong tay vận mệnh con người.
Cách đây hơn hai ngàn năm, chẳng phải chính Đức Giêsu đã từng nói: “Anh em sẽ nghe có giặc gia và tin đồn giặc giã, coi chừng đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng không phải là chung cuộc. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, nước này chống lại nước nọ. Sẽ có những cơn đói rét và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là sự khởi đầu các cơn đau đớn.” Đó là những lời ghi nhận của Thánh Matthêu khi Chúa đã nói về tương lai của lịch sử vũ trụ và nhân lọai. Thánh Luca còn ghi nhận thêm: “ Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trứơc cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,25-26).
Đây là một Tin mừng, vì Chúa không đe dọa nhân lọai, nhưng Chúa chỉ cho thấy sự suy thóai của thiên nhiên đi về đâu và lòng dạ con người xa rời Thiên Chúa sẽ làm cho cuỗc sống nhân lọai xảy ra như thế nào. Chúa là tình thương, khi thấy trước, Giêrusalem sẽ bị tàn phá, Chúa chỉ khóc, khóc cảnh thảm thương não nề vì dân Chúa không biết tin và trông cậy vào Chúa. Thảm họa đến với họ, vì họ đã bỏ Chúa là thành lũy che chở họ.
Về phần Mẹ, với con tim từ mẫu bao la, giữa thời đại con người tìm cách gạt Thiên Chúa ra khỏi sinh họat của mình và chỉ biết tin vào chính mình, Mẹ đã dùnh những địa điểm gặp gỡ để chữa lành bệnh tật, an ủi kẻ âu lo và tỏ cho người ta biết Đất Trời còn có thể gặp gỡ nhau, sự hiện hữu của Thiên Chúa với Đức Mẹ và các Thần Thánh vinh quang của Ngài là có thật. Nhất là Thiên Chúa chỉ muốn cho con người nhận biết tình Ngài là bao la vĩnh cửu của một người Cha khôn sánh. Quyền năng Ngài là tuyệt đối trên mọi tạo vật. Ngài giơ tay ra là sóng yên biển lặng. Ngài đứng lên là toàn bộ vũ trụ vâng nghe. Chỉ cần nhân lọai biết tìm về Ngài, tin vào Ngài là nhân lọai tìm thấy Trời Mới Đất Mới.
Thống kê lại một số chứng từ được ơn Mẹ thì chúng tôi thấy ơn trở lại cùng Chúa thì nhiều hơn ơn chữa lành. Các Thánh đã từng nói: “Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu”. Không phải ở Tàpao này mà thôi, như ở Mễ Du, khách hành hương chỉ mới đến đây thôi, đã thay đổi ngay tâm hồn và muốn đi xưng tội. Cho nên Đức Mẹ có điểm hẹn nơi nào là nơi đó tăng thêm lòng tin, ở đó thành nơi linh địa. Chính các linh mục quanh đây gặp rất nhiều người sám hối. Gần nửa đêm còn có khách hành hương xin xưng tội.
Quả thực, ta có thể nói : Tàpao là bàn tiệc mừng của những con chiên lạc trở về, Đức Mẹ đang dọn sẵn cho cả Thiên Đàng, cho cả trần thế.
Chúng ta không biết ơn Chúa sao được!
Chúng ta không biết ơn Mẹ sao được!
Tàpao ơi hãy vui mừng, hãy hãnh diện vì có Mẹ Thiên Chúa đang ngự nơi đây.
Tiếp đến là phần nghi thức làm phép diện tích lễ đài, làm phép viên đá đầu tiên.
Đức Ông G.B Lê Xuân Hoa, Tổng Đại Diện đọc văn thư của Đức Giám Mục về việc “Chấp thuận xây dựng công trình Mẹ Tàpao”.
Đức Giám Mục đọc lời nguyện xin Chúa thánh hóa diện tích đất làm lễ đài mới. Rồi Ngài dâng lời nguyện xin Chúa thánh hóa viên đá đầu tiên, dâng lên Chúa công trình xây dựng sắp tới đây.
Phần rước lễ, tất cả các linh mục đồng tế, các chủng sinh tu sĩ đều đi trao Mình Thánh Chúa. Hơn 200 giáo lý viên và Gia trưởng cầm dù hướng dẫn các thừa tác viên đem Mình Thánh cho cộng đoàn.
Sau Thánh lễ, cha trưởng ban tổ chức cám ơn tất cả mọi người đã hiện diện, cám ơn về những gì mà mọi thành phần Dân Chúa dành cho Đại Lễ và cho công trình Mẹ Tàpao. Một đại lễ quy tụ rất đông người, nơi xa xôi hẻo lánh, mưa bão mịt mù, nhờ ơn Mẹ Tàpao, nhờ Tuần Tam Nhật của cả Giáo phận phan thiết dâng kính Mẹ nên bình yên, sốt sắng lạ lùng.
Mọi người ra về mang theo những tâm tình yêu mến và ơn lành Mẹ Tàpao ban tặng. Trời vẫn mưa nặng hạt. Các ngã đường đều đông nghẹt người và xe. Phải mất 3 giờ nhích từng chút một, xe mới đưa khách hành hương ra đường rộng thông thoáng.
Từ hơn 5 năm qua, khách hành hương đến với Mẹ Tàpao ngày một đông thêm. Điều đó chứng tỏ đã có biết bao người, lương cũng như giáo, trong nước cũng như ngoài nước được Mẹ Tàpao nhậm lời và cầu bàu cho ơn phần hồn phần xác. Nhiều chứng từ đã đựơc kể lại, những lời khấn, những lời tạ ơn, là lời chân thành được viết trên những trang giấy đơn sơ mộc mạc gởi vào các thùng xin khấn. Nhiều bảng tạ ơn đã dán kín quanh tượng đài Mẹ.
Đường hành hương là đường thánh giá. Từ chân núi lên tượng Mẹ biết bao là khó khăn vất vả. Đường lên dốc, đất đá trơn trượt phải bám từng bước mà leo. Đường xuống núi trơn tuột phải ghì từng bước chân mà bước. Dù mưa gió, dù tối tăm khách hành hương vẫn đến với Mẹ nguyện cầu.
Một trung tâm hành hương là nơi Đức Mẹ đã chọn để gặp gỡ con cái Mẹ cách đặc biệt. Chính nơi đây, tình thương Chúa được tỏ bày qua bàn tay dịu hiền của Mẹ. Nơi đây, Đức Mẹ tiếp tục sứ vụ của Con Mẹ là“Loan báo Tin mừng cho người nghèo” (Lc 4,18), Đức Mẹ tiếp nối thông điệp tình thương “ Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).Tàpao không phải là địa điểm do con người tạo ra. Tàpao là nơi Mẹ chọn để mọi người từ muôn phương đến được Mẹ bồi dưỡng bằng ơn lành hồn xác. Một khi đã đón nhận những ân ban, người ta được Mẹ mời gọi cải thiện đời sống, sống theo Tin mừng.
Đến với Mẹ Tàpao, hãy tin tưởng và noi gương Mẹ, sống bác ái yêu thương.
Đến với Mẹ Tàpao, hãy siêng năng lần hạt như Mẹ dạy.
Đến với Mẹ Tàpao, sau khi đã thực hiện lời Mẹ dạy, sẽ không về không.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Ban tổ chức
http://hdgmvietnam.org/demo/default.aspx
Powered by vBulletin® Version 4.1.7 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.