PDA

View Full Version : Tài Liệu Giáo Dục Nhân Bản 01



dan147
29-07-2009, 08:00 PM
Lưu ý : Thưa Anh Chị Em Thân Mến Trong Đức Kitô của tôi , đây là tài liệu do tôi đọc và sưu tầm chứ không phải tác phẩm của tôi (tôi viết lưu ý này để tránh ngộ nhận về sau )

LỜI NGỎ:
Chủ nghĩa nhân bản ở xã hội phương Tây ra đời trong thời kỳ được gọi là “Phục hưng” (khoảng thế kỷ XV – XVII), phát triển mạnh mẽ cùng với thời đại khoa học nhằm giải quyết vấn đề đời sống con người và những giá trị liên quan đến các hiện tượng trên hành tinh. Trong khi đó, chủ nghĩa nhân bản của Phật giáo cũng rất thịnh hành tại Á châu. Riêng với Nho giáo và Lão giáo thì tuy không hình thành hẳn một chủ nghĩa nhân bản cụ thể, nhưng quan điểm vẫn bàng bạc khắp trong các giáo thuyết. Còn Kitô Giáo thì sao ? Kitô Giáo cũng không đưa ra một chủ thuyết nhằm xây dựng một chủ nghĩa nhân bản như các chủ nghĩa theo trường phái triết học (chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa cộng sản v.v…), vì tự bản tính, Kitô giáo không thể và không phải là một trường phái ý thức hệ theo quan điểm triết học trần thế. Tại sao ? Chính bởi vì Kitô giáo là một tôn giáo được xây dựng từ nguồn gốc của con người nhằm phục vụ cho hạnh phúc con người, mà nguồn gốc con người (nhân bản) lại xuất phát từ nơi Thiên Chúa. Nói khác hơn, tự bản chất Kitô giáo đã là một “CHỦ NGHĨA NHÂN BẢN ĐÍCH THẬT” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”, 9).
Vì tình yêu, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, muôn loài. Khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa đã phán bảo “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28), và “Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, con người ấy phải được tự do và đuợc hướng dẫn theo chính phán đoán của mình” (“Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo”, 11).Rõ ràng, nguồn cội con người xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu (“… chỉ có một Thiên Chúa thật duy nhất, Đấng là nguồn mạch của mọi loài thọ sinh ; toàn thể thế giới này hiện hữu bởi quyền năng của Lời sáng tạo. Hệ quả là tạo vật của Ngài là điều rất thân thiết với Ngài, vì nó được an bài và ‘dựng’ nên bởi Ngài” – Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 9), nên Người chính là “nhân bản” vậy (“Lịch sử quan hệ ái tình giữa Thiên Chúa và Israel, ở mức thâm sâu nhất, bao gồm trong sự kiện là Ngài đã ban cho Israel Torah (Lề Luật), qua đó mở mắt cho dân Israel thấy bản chất thật sự của con người, và chỉ cho dân Người thấy con đường dẫn đến chủ nghĩa nhân bản đích thật. Quan hệ này chứa đựng trong sự kiện là con người qua cuộc sống trung tín với Thiên Chúa duy nhất, sẽ tự cảm nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương, và khám phá ra những niềm vui trong sự thật và trong sự công chính – đó là niềm vui nơi Thiên Chúa mà rồi ra sẽ trở nên hạnh phúc thiết yếu của con người” – Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 9).
Bài 1 :
NHÂN BẢN
I. KHÁI NIỆM :
I.1. Nhân bản là gì ? Ai cũng biết ‘nhân’ là người, con người ; ‘bản’ là cái gốc, cái nền tảng. Vậy ‘nhân bản’ là cái gốc của con người từ khi mới hình thành (trong bụng mẹ) đến lúc chào đời. Con người, khi ấy mới chỉ là một sinh vật có bản năng, chưa có ý thức, tri thức, dục vọng ; nói khác hơn, con người lúc ấy hoàn toàn tốt lành, không bị lôi cuốn hay vướng mắc một sự gì của hệ luỵ trần gian. Vì thế mới có câu “người mới sinh, tính vốn lành” (“nhân chi sơ, tính bản thiện” – Nho giáo), “trẻ thơ giống như một tờ giấy trắng” (tục ngữ VN) trên đó chưa in một tì vết nào.
I.2. Nhân bản xét theo nhãn quan xã hội : Cái gốc của con người là như vậy, nhưng con người sẽ không mãi mãi như vậy, bởi con người là một sinh vật có lý trí, có tăng trưởng. Cũng giống như “cây cam trồng ở bờ nam sông Hoài thì ra trái ngọt, nhưng đem trồng sang bờ bắc sông Hoài thì trái lại chua” (Ngụ ngôn Trung Quốc), con người theo thời gian tăng trưởng sẽ ảnh hưởng bởi môi trường, hấp thụ bởi môi sinh (từ gia đình tới học đường, xã hội), nên cái gốc ấy sẽ dần biến đổi (có thể trở thành càng ngày càng tốt lành, mà cũng có thể trở nên ngày một hư đốn, tồi tệ). Và từ đó, xã hội phải đề ra vấn đề giáo dục và răn đe : Giáo dục nhân bản theo chiều hướng đi lên, và đặt ra những định chế, luật lệ nhằm răn đe, sửa chữa những lệch lạc, sai lầm. Từ đó có những nguyên tắc quy định về nhân quyền, nhân vị.
I.3. Nhân bản xét theo nhãn quan tôn giáo : Cũng từ nhãn quan rất đời thường như thế, nhìn vào thân phận con người, rồi đi xa và sâu hơn để tìm đến cội nguồn là con người đươc sinh ra từ thần linh, sẵn có thần tính nên mới thiện hảo. Vậy nên phải bảo dưỡng và giáo dục làm sao cho đạt tới cùng đích : trở nên hoàn thiện như thần linh. Đại đa số các tôn giáo đều công nhận nguồn gốc con người xuất phát từ một vị thần linh tối thượng (tuy cách gọi có khác nhau : Ông Trời, Đấng Tạo Hoá, Đấng Tối Cao…).
II. NHÂN BẢN KITÔ GIÁO :
Có thể tóm lược đặc tính nhân bản Kitô giáo trong công thức : nhân bản xã hội + hồng ân Thiên Chúa = nhân bản Kitô giáo. Tại sao lại thế ? Vì ‘nhân bản’ Kitô giáo vừa được hiểu theo nghĩa “cái gốc của con người”, vừa được hiểu theo nghĩa “cái gốc của yêu thương” (Ở Việt Nam, cách đây hàng thế kỷ, nhiều anh em các tôn giáo khác vẫn hay gọi Đạo Công giáo là “Đạo Bác ái”, “Đạo yêu thương”). Để diễn tả bằng chữ viết theo mẫu tự Latinh, cả 2 nghĩa trên đều được viết là “nhân”, nhưng nếu viết bằng chữ Hán thì có khác. Đem chiết tự từ Hán Việt ‘Nhân’ bản xã hội, thì như đã trình bày trên : ‘nhân’ là người – một con người cụ thể trong xã hội loài người. Còn ở từ ‘Nhân’ bản Kitô giáo, thì vì con người có nguồn gốc từ Tình yêu Thiên Chúa (vì Tình Yêu, Thiên Chúa tạo dựng con người) nên con người là biểu tượng Tình Yêu Thiên Chúa. Khi viết, từ Hán Việt này gồm 2 từ : ‘nhân’ (người) + ‘nhị’ (số 2), cũng phát âm là ‘nhân”, và có nghĩa là ‘lòng thương người’ (lòng thương yêu của một cá nhân, tất phải có đối tượng để thể hiện tình yêu đó – thêm một cá nhân nữa = nhị nhân – 2 người – đó là đặc tính ‘tượng ý’ của chữ Hán). Tóm lại, ở cả 2 cách viết chữ “nhân” đều có chữ ‘người’, một đàng thì nói về cái gốc của con ‘người’, một đàng thì nói về lòng thương ‘người’, mà thương người thì phải có người cho và người nhận, nên có thể nói ‘Nhân bản Kitô giáo’ bao hàm ý nghĩa sâu rộng hơn ‘nhân bản’ xã hội, vì lòng nhân của con người vừa có tính đối thần ("Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22. 37). lại vừa có tính đối nhân (“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình – Mt 22. 39) ; “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” – Ga 13, 34).
III. KẾT LUẬN :
Như vậy, nhân bản học Kitô giáo đã khẳng định một chân lý : nhân bản con người không phải tự nhiên mà có, mà là do Thiên Chúa – Đấng chí nhân, chí thánh – ban tặng khi Người dựng nên loài người. Nhận chân được điểm then chốt đó, người Kitô hữu phải cảm tạ Thiên Chúa vì hồng phúc Người đã ban cho, đồng thời phải biết trân trọng công trình tác tạo tuyệt vời ấy bằng cách trau giồi và phát triển những đức tính nhân bản của mình ngày một hoàn thiện hơn.


CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN

1/- Theo quan điểm thông thường ngoài xã hội, người ta đã nói về nhân bản như thế nào ?
2/- Có gì khác biệt hoặc mâu thuẫn giữa 2 quan điểm về nhân bản giữa xã hội với Kitô giáo ?
3/- Đức tính nhân bản có tăng trưởng theo thời gian, tuổi tác không ? Tại sao ?
4/- Có thể trau giồi, rèn luyện, giáo dục nhân bản được không, và bằng phương cách nào ?
5/- Các tu sĩ, linh mục thường chọn một câu Kinh Thánh mà họ đắc ý nhất, để làm châm ngôn cho đời tu của mình. Anh (chị) nghĩ sao ? Hãy thử chọn cho mình một câu Kinh Thánh làm châm ngôn sống, và cho biết tại sao anh (chị) lại chọn cau ấy ?
Bài 2 :
NHÂN BẢN Ở XÃ HỘI VIỆT NAM
I. DẪN NHẬP :
Chủ ý bài này là tìm hiểu nhân bản theo truyền thống Việt Nam, nhưng vì Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề văn hoá Trung Quốc, nên có thể nói tìm hiểu về nhân bản học ở Việt Nam, cũng tức là tìm hiểu nhân bản học của Nho giáo. Ảnh hưởng văn hoá qua lại giữa các dân tộc – nhất là giữa một nước lớn có nền văn hoá thịnh trị, đối với một nước nhỏ hơn (cả về địa dư lẫn tầm vóc văn hoá) – là một điều rất bình thường trên thế giới. Vì thế, nên có nhắc đến Nho giáo cũng là cái Nho giáo đã hoà chung vào văn hoá dân tộc Việt Nam, Cụ thể hơn, vấn đề nhân bản được tìm hiểu ở đây là nhân bản Việt. Ngoài ra, tìm hiểu nhân bản Việt cũng nhằm để từ đó, tìm về “nhân bản Kitô giáo Việt Nam” đã được gieo mầm và phát triển rực rỡ qua 5 thế kỷ trên mảnh đất chữ S này.
Tư tưởng Nho giáo thâm nhập vào đời sống (cả tinh thần và vật chất) người dân Việt Nam, rồi thể hiện ra tục ngữ, ca dao là một môi trường rất thuận lợi để truyền thụ kiến thức về thiên nhiên, con người, phổ biến kinh nghiệm, hoặc răn dạy luân thường đạo lý… Riêng về nhân bản học trong văn hoá Việt Nam, phải nói là đã có từ trước khi chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Có thể, trong văn học dân gian chưa có những định nghĩa cụ thể, đồng thời cũng chưa khu biệt vào một lãnh vực, mà là hoà chung vào các mặt khác trong sinh hoạt dân tộc. Về sau, khi chịu ảnh hưởng của văn hoá Nho giáo, mới có những chuẩn mực định lệ cho việc giáo dục nhân bản. Từ đó nó hoà quyện vào văn hoá Việt Nam, đến độ rất khó phân biệt được đâu là gốc Việt, đâu là ảnh hưởng Nho giáo. Dù sao, thì ảnh hưởng qua lại về văn hoá giữa các dân tộc có sâu nặng đến đâu đi nữa, thì khi nó đã được tiếp thụ và đồng hoá với văn hoá bản địa, ta vẫn có thể coi đó là văn hoá dân tộc bản địa. Chính vì thế, nên khi khảo sát về nhân bản hoc trong văn hoá Việt Nam, dù không thể quên được ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng người viết vẫn quyết đinh đó là tài sản chung của đất nước ta.
Nền tảng nhân bản của Nho giáo bộc lộ rõ ràng trong lý học. Đức Khổng Tử đã xét định và phổ biến lý học (Thiên lý) ở 3 khía cạnh :
II. CHỦ THUYẾT “THIÊN LÝ” CỦA NHO GIÁO :
II.1. Thiên đạo : Đạo Trời là thiên lý biến hoá của vũ trụ luôn luôn không ngừng, tác động đến con người (Kinh Dịch). Làm người phải biết được đạo trời trong tương quan hoà hơp : Con người sinh ra đời là do khí hạo nhiên của trời đất mà có. Sự tế tự trời đất là để tỏ cái lòng kính trọng và biết ơn, chớ không thể coi là sự xin xỏ, bói toán (Thầy Mạnh Tử nói : “Ai thuận theo lẽ trời thì còn (sống), ai nghịch theo lẽ trời thì mất (chết)” – “Minh Tâm Bảo Giám” – Thiên ‘Thiên lý’).
II.2. Nhân đạo : Đó là các mối tương quan trong xã hội giữa con người với nhau (cũng thường biến dịch theo thời đại, thời thế) : Luân thường đạo lý, Tam cương ngũ thường. “Nhân đạo” ở đây được hiểu theo nghĩa : “đạo lý của con người”, chớ không chỉ hiểu theo cái nghiã “nhân đạo” là lòng thương người. Tất nhiên, trong đạo lý của con người đã bao gồm cả lòng thương người. Nói khác hơn, “Nhân đạo” ở đây có nghĩa là con đường, đường lối sống, lẽ sống của con người. Mà nói đến lẽ sống tức là nói đến cách đối nhân xử thế trong cuộc sống hợp quần, nếu theo Nho giáo, thì đó chính là “Tam cương : Quân – Sư – Phụ” và “Ngũ thường : Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín”. Đến chữ “Nhân” trong Ngũ thường thì chỉ có nghĩa là lòng thương người, và “nhân” (lòng thương người) hợp với “nghĩa” (đường phải, lẽ phải) thì trở thành tôn chỉ của Nho giáo, cũng như của dân tộc Việt Nam : “Nhân-nghĩa” (“ăn ở có nhân có nghĩa cho xứng bậc tài trai” – tục ngữ Vịêt Nam).
Đức Khổng Tử luôn luôn dậy học trò cách đối nhân xử thế, cách sống ngay từ trong gia đình ra đến chốn hương đảng (làng xã), để rồi từ đó mở rộng ra quốc gia, xã hội (Đức Khổng Tử nói : “Đệ tử khi vào thì hiếu với cha me, ra thì hoà thuận với anh em, làm việc gì cũng cẩn thận và giữ chữ tín, thương tất cả mọi người và hay thân cận với người nhân đức. Còn dư sức, mới học văn chương” – “Luận Ngữ” – Ch. I, ‘Học Nhi’).
II.3. Thiên nhân tương dữ : Tương quan giữa trời và người. Chủ thuyết này coi trọng thiên lý nên rất coi trọng việc tế tự trời đất. Còn riêng với quỷ thần thì Khổng Tử xin : “Kính quỷ thần nhi viễn chi” (Kính quỷ thần từ xa xa, ý muốn nói quỷ thần không có tương quan với con người, không nên lại gần – Từ chủ trương này của Đức Khổng Tử, ta thấy rõ ngài không hề làm cũng như khuyên bảo người ta cúng vái mê tín. bói toán dị đoan, đồng bóng tà mị …). Tương quan hoà hợp giữa trời với người nó gắn kết con người vào với “Thiên Mệnh” (mệnh trời). Ở trên, phân ra “Thiên đạo”, “Nhân đạo” cho dễ hiểu, chớ thực ra chỉ có một chủ thuyết duy nhất “Thiên nhân tương dữ”.
Nói khác hơn, Đức Khổng Tử chuyên tâm nghiên cứu về Thiên lý, thấy rằng Trời và Người có một mối quan hệ mật thiết : Trời đất (khí hạo nhiên trong vũ trụ) sinh ra con người => con người sống trong vòng cương toả của trời đất, cùng biến thiên với vũ trụ => con người và trời đất gắn kết với nhau trong một mối tương quan đồng thuận, hoà hợp (trời sinh người ó người biết ơn trời) ; đó chính là “Thiên nhân tương dữ” vậy. (Khổng Tử khen ông Tử Sản là người giữ đạo quân tử được 4 điều : “Đối với người thì tự mình khiêm cung ; Thờ bậc trưởng thượng thì một niềm kính trọng ; Thường đem ân huệ mà thi thố cho dân ; và sai khiến dân một cách phải lẽ” – “Luận Ngữ” – Q. III, Ch. V : ‘Công Dã Tràng’).
III.- NHÂN BẢN HỌC TẠI VIỆT NAM : Trước khi nước ta có văn tự riêng, thì cuộc đô hộ của Trung Quốc kéo dài hàng ngàn năm, ảnh hưởng về đường văn hoá, nhân sinh tất nhiên phải có. Vậy nói về Nho giáo tại Việt Nam cũng có nghĩa là nói đến văn hoá Trung Quốc, mà nói đến văn hoá Trung Quốc là nói đến Nho giáo vậy. Đạo làm người của Nho giáo chủ trương :
* Nam “Tam Cương + Ngũ Thường” : Làm trai phải giữ “Tam cương” (3 giới hạn phải tuân giữ và coi trọng : Quân – Sư – Phụ) và “Ngũ thường” (5 điều năng làm : Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín).
* Nữ “Tam Tòng + Tứ Đức” : Làm gái phải giữ “Tam tòng” (3 điều phải theo : ‘Tại gia Tòng Phụ – Xuất giá Tòng Phu – Phu tử Tòng Tử) và “Tứ đức” (4 tính tốt : Công – Dung – Ngôn – Hạnh ).
III.1. TAM CƯƠNG + NGŨ THƯỜNG :
III.1.1. Tam cương : 3 cương giới (giới hạn phải giữ) là Quân, Sư, Phụ, chính là bổn phận công dân đối với xã hội, với tổ quốc. Trên hết là Quân (Vua), thứ đến là Sư (thầy dậy), sau đó mới tới Phụ (cha). Đây chính là giềng mối xã tắc của Nho giáo, nói chung là của chế độ phong kiến. Trung với vua cũng có nghĩa là trung với nước, mà nước lại là nơi dưỡng nuôi dân cho khôn lớn : Cha sinh không bằng vua nuôi (“Phụ sinh bất như quân dưỡng”). Có sinh có dưỡng, con người mới chỉ trưởng thành về mặt thể chất. Muốn trở thành con người hữu dụng cho nhân quần xã hội, còn cần phải có sự giáo hoá cho nên người, ấy là bậc thầy dậy (Sư) vậy. 3 mối cương thường rốt lại chỉ là một (“Loan Cung Tử nói : Dân sinh có 3 điều như một : ‘Cha sinh, Thầy dậy, Vua nuôi ; không cha thì không có sinh, không dậy thì không hiểu biết, không nuôi chẳng lớn được, từ đó sinh ra họ hàng dòng dõi vậy’.”– “Minh Tâm Bửu Giám” – Thiên ‘Tuân Lễ’).
III.1.2. Ngũ thường : 5 đức tính mà con người cần phải có để trở nên bậc quân tử : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Quân tử được hiểu là con người hoàn toàn, hiểu biết lẽ trời, thấu triệt đạo làm người. Vì thế, nếu thiếu một trong 5 đức tính này thì chưa phải là người hoàn toàn (quân tử), thậm chí còn bị coi là tiểu nhân. Cái luân thường đạo lý của xã hội Nho giáo được xây dựng bởi 5 đức tính này. Xã hội Việt Nam cũng dạy người ta ăn ở theo “tam cương ngũ thường” của Nho giáo. Vd : “Cứ trong nghĩa lý luân thường, Làm người phải giữ kỷ cương mới mầu. Đừng cậy khoẻ, chớ khoe giầu, Trời kia còn ở trên đầu còn kinh” ; “Làm người phải biết cương thường, Xem trong ngũ đẳng : Quân vương ở đầu. Thờ cha kính mẹ trước sau, Anh em hoà thuận mới hầu làm nên. Vợ chồng đạo nghĩa cho bền, Bạn bè cho thực dưới trên đúng thường” (Ca dao VN).
a)- Nhân : Nhân có nghĩa là lòng thương người. Lòng thương người được coi là đức tính căn bản, là cái gốc của đạo lý làm người. Tuy chia ra 5 điều (Ngũ thường), nhưng xét cho kỹ thì sẽ thấy “nhân” bao trùm lên tất cả : Muốn thực hiện được điều “nghĩa” thì trước hết phải có lòng thương người (chẳng hạn, nếu con cái không thực lòng thương yêu cha mẹ, thử hỏi có thể làm những điều hiếu kính, hiếu nghĩa với cha mẹ được hay không ?). Cũng vậy, phải có “nhân” mới mong hành xử được “lễ”, “trí”, tín”.
* Nho giáo : “Trọng Cung hỏi về đức nhân, Đức Khổng Tử đáp : “Ra khỏi cửa thì xử như gặp khách lớn, khách quý ; ra đường hay dậy dân phải giữ điều kính trọng như thừa hành một cuộc cúng tế lớn. Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Trong nước chẳng ai oán, trong nhà chẳng ai ghét mình” (“Luận Ngữ” – Q. IV, Ch. XII : ‘Nhan Uyên’).
* Việt Nam : – Thương người như thể thương thân ; – Ở hiền thì lại gặp lành, Những người nhân đức trời dành phúc cho ; – Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
b)- Nghĩa : Nghĩa là lẽ phải, đường phải (chính đạo). Xét về điều “nghĩa”, ta thấy cung cách cư xử thể hiện điều “nghĩa” đúng là cách xử thế tiếp vật từ trong gia đình ra đến xã hội : nghĩa vụ giữa con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, anh em ruột thịt, anh em trong họ ngoài làng, bạn hữu đồng môn, đồng nghiệp, đồng tuế, đồng hương, rộng ra hơn nữa là tình nghĩa thầy trò, vua tôi, nghĩa vụ với đồng bào, tổ quốc. Ấy là chưa kể đến sự hiếu nghĩa với trời, với các bậc thần minh nũa
* Nho giáo : (Đức Khổng Tử nói : “Quân tử lấy nghĩa làm cốt, lấy lễ mà làm, lấy khiêm tốn mà thi thố ra, lấy lòng tin mà thành tựu, thật là quân tử vậy !” – “Luận Ngữ”, Q. VIII – ‘Vệ Linh công đệ thập nhất’).
* Việt Nam : – Vay nên ơn, trả nên nghĩa ; – Sống nghĩa hiệp, chết vinh quy ; – Quyết làm việc nghĩa chút thân chẳng nề ; – Đường mòn nhân nghĩa không mòn ; – Giàu nhân ngãi (nghĩa) hãy giữ cho giàu, Khó tiền bạc đừng lo rằng khó ; – Khuyên đừng bội nghĩa vong ân ; – Làm ơn đừng nhớ, chịu ơn chớ quên (“Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong”) ; – Ơn ai một chút chớ quên, Oán ai một chút để bên dạ này.
c)- Lễ : “LỄ do NGHĨA khởi” (Việc LỄ khởi đi – bắt đầu – từ NGHĨA). Việc làm phải, đường lối phải, những điều ấy được biểu lộ bằng sự tế nhị, kinh trọng đối với trời, với thần minh, với tha nhân. Con người ngay từ thủa bắt đầu học làm người, đã được răn dạy : “Tiên học lễ, hậu học văn”. Điều “lễ” trong “ngũ thường” không chỉ giới hạn vào sự tế lễ trời đất, thần linh, mà còn được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày đối với mọi giai tầng trong gia đình, xã hội
* Nho giáo : (Đức Khổng Tử khen ông Tử Sản giữ đạo quân tử được 4 điều : “1- Đối với người thì tự mình khiêm cung ; 2- Thờ bậc quốc trượng thì một niềm cung kính ; 3- Lấy ân huệ mà thi thố cho dân chúng ; 4- Sai khiến dân một cách phải lẽ” – “Luận Ngữ” – ‘Công Dã Tràng đệ ngũ’).
* Việt Nam : – Kính Trời, Trời để phúc cho, Hay gì những thói hồ đồ vô thiên ;– Thiên cao đã có thánh tri, Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ (Trời cao có thánh biết, người có nhân nghĩa chẳng bao giờ nghèo hèn) ; – Kính trên, nhường dưới, thuận hoà anh em.
d)- Trí : Sự hiểu biết, óc thông minh. “Trí” bao hàm cả sự hiểu biết tự nhiên mà có (bẩm sinh) cộng với sự kiên trì học hỏi mà thành. Nếu chỉ là tính bẩm sinh, mới chỉ được coi là “tri” ; học hỏi cho thấu đáo, tường tận, uyên bác, mới đáng gọi là “trí”. Hai từ “tri thức” và “trí thức” nghĩa có khác nhau vậy.
* Nho giáo : Đức Khổng Tử nói : “Bậc trí thì không nghi hoặc, người nhân thì không lo lắng, người có dũng khí thì không sợ hãi” (“Luận Ngữ” – ‘Tử Hãn đệ cửu’).
* Việt Nam : – Con ơi mẹ bảo con này, học ăn học nói cho tày người ta ; – Học như thiết như tha, như trác như ma (học như rèn như đúc, như mài như giũa) ; – Ăn vóc học hay, ăn ngay nói thật – Học ăn, học nói, học gói, học mở …
e)- Tín : Tin : giữ đúng lời hứa. Nho giáo dậy con người ta ở đời phải coi trọng lời nói. Người quân tử nói năng điềm đạm, chính đính, chững chạc, không bao giờ dùng “xảo ngôn” để dua nịnh hay lừa lọc người khác. Ăn nói luôn phải cân nhắc điều khinh trọng (nặng nhẹ), đáng nói thì nói, không đáng nói thì không bao giờ nói. Một lời hứa khi đã trót nói ra, phải theo cho đến cùng, dù cho có nguy hiểm đến tính mạng cũng phải giữ. Không bao giờ hứa xằng, hứa bậy. Ấy mới gọi là “Tín”
* Nho giáo : (Sách Ích trí viết : “Vua tôi bất tín, nước không yên ; cha con bất tín nhà chẳng hoà thuận ; anh em bất tín, tình không thân thiết ; bạn bè bất tín, giao kết dễ xa rời” – “Minh Tâm Bửu giám” – Thiên ‘Tuân Lễ’).
* Việt Nam : – Một lời đã trót hứa ra, Dẫu xe bốn ngựa khó mà đuổi theo (“Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”) ; – Làm ơn, ắt hẳn nên ơn,Trời nào phụ kẻ có nhơn (nhân) bao giờ ; – Ai mà phụ nghĩa quên công, thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm ; – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay giần sàng ; – Ăn cây nào, rào cây ấy ; – Ăn ngay ở thật, mọi tật mọi lành.
Ngoài 5 đức tính trên, có người còn đưa thêm vào 4 đức tính : cần, kiệm, liêm, chính (siêng năng cần mẫn, tiết kiệm chi tiêu, trong sạch liêm khiết, công bằng ngay thẳng). Thực ra, chỉ có “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” mới thực sự là những đức tính gốc của nhân bản, còn “cần, kiệm, liêm, chính” chỉ xuất phát từ nền giáo dục xã hội mà ra. Xét cho kỹ thì 5 đức tính gốc “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” đã bao hàm cả “cần, kiệm, liêm, chính” ở trong. Nói khác hơn, 4 đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” chỉ là phương cách giáo dục giúp tăng trưởng nhân bản mà thôi (thời xưa, 4 đức tính này thường chỉ đem ra dạy những người trưởng thành, phòng khi thành đạt thì ra làm quan – xuất chính – phò vua, giúp nước). Vì lẽ đó, nên không bàn luận ở đây.
III.2. TAM TÒNG + TỨ ĐỨC :
III.2.1. Tam tòng : “Tam Tòng” là 3 điều phải theo : ‘Tại gia tòng Phụ’ (còn sống ở nhà thì theo Cha), ‘Xuất giá tòng Phu’ (đi lấy chồng thì theo Chồng), ‘Phu tử tòng Tử’ (chồng chết thì theo Con). (Đức Khổng Tử nói : “Người đàn bà phải dựa vào chồng mà theo chồng, không được tự chuyên làm việc theo ý riêng của mình. Có Đạo Tam Tòng là : Ở nhà thì theo Cha ; xuất giá thì theo Chồng ; chồng chết thì theo Con” – “Minh Tâm Bửu giám” – Thiên ‘Tồn Tín’).
III.2.2. Tứ đức : “Tứ Đức” là 4 tính tốt : ‘Công’ (biết làm lụng, thu xếp công việc trong gia đình vén khéo, chẳng hạn như “Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa”), ‘Dung’ (biết gìn giữ, sửa sang sắc đẹp, dung nhan cho thuỳ mị), ‘Ngôn’ (nói năng nhu mì, lễ độ, trên kính dưới nhường). ‘Hạnh’ (ăn ở có nết na, đức độ).
* Nho giáo : Sách Ích Tri viết : “Con gái thì có 4 điều tốt đáng khen trong 4 đức : Một là : ĐỨC HẠNH – Hai là DUNG NHAN – Ba là LỜI NÓI – Bốn là CÔNG VIỆC. Đức hạnh phụ nữ chẳng cần phải là tài danh, tiếng tốt ; Dung nhan phụ nữ chẳng cần phải diễm tú, mỹ lệ ; Lời nói chẳng cần phải lanh lợi khéo nói ; Công việc phụ nữ bất tất phải tinh xảo khéo léo hơn người” (“Minh Tâm Bửu giám” – Thiên ‘Phụ Hạnh’).
* Việt Nam : Phận làm con gái trong nhà, Tam tòng tứ đức mới là người ngoan. Bề ngoài cốt ở dung nhan, Sao cho tươi tỉnh chẳng màng se sua. Cửi canh bếp núc sớm trưa, Chữ công vén khéo cho vừa cho xinh. Bên trong đức hạnh trung trinh, Ở ăn lễ độ đượm tình nết na. Nói năng luôn giữ nếp nhà, Dưới trên phải phép vào ra kính nhường.
IV.- KẾT LUẬN :
Xét như vậy, đủ hiểu Việt Nam cũng có một nền tảng nhân bản học từ lâu đời và gắn bó mật thiết với con người Việt Nam qua dòng lịch sử 4000 năm văn hiến. Nhìn lại quá trình giáo dục nhân bản Việt Nam, đối với ngày nay tuy có nhiều điểm lỗi thời (như vấn đề “tam cương”, “tam tòng”, chẳng hạn), nhưng phải công nhận rằng con người Việt Nam đã thực sự trưởng thành về nhân bản (một dân tộc được thế giới công nhận là chất phác, thật thà, nhân hậu, hiếu hòa, hiếu khách, đó chẳng phải là những đức tính nhân bản đáng quý sao ?). Phải chăng đó là mảnh đất màu mỡ gieo mầm nhân bản Kitô giáo trải qua 5 thế kỷ, mà giờ đây đang là cánh đồng trĩu nặng những hạt lúa chín vàng ? Và phải chăng được như thế cũng là nhờ đức tính nhân bản dân tộc được thắp sáng cùng với nhân bản Kitô giáo trong tấm gương lớn những anh hùng tử đạo Việt Nam ?


CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN

1/- Đức tính nhân bản nào nổi bật nhất trong xã hội Việt Nam ? Xin kể ra và lý giải, dẫn chứng cụ thể.
2/- Trong “tam cương” của Nho giáo, cỏ điểm nào (hoặc cả ba cương giới) đã thực sự lỗi thời ? Cho biết lý do.
3/- Từ “tam cương”, anh (chị) cho biết ý kiến về “tam tòng tứ đức” đối với xã hội ngày nay.
4/- Trong “ngũ thường”, anh (chị) đắc ý nhất với đức tính nào, thử lý giải rõ ràng.
5/- Thử nhìn theo nhãn quan tôn giáo, anh chị có thấy mối tương quan nào giữa “nhân bản học Kitô giáo” với “nhân bản Nho học tại Việt Nam” ?

( Vẫn Còn 5 Bài Nhưng Vì Không Thể Send Một Lượt Nên Tôi Xin Send Ở Đề Tài 2
Xin Anh Chị Em hãy cầu nguyện cho tôi luôn
Nguyện Xin Quyền Năng Của Chúa Cha , Tình Thương Của Chúa Con và Thánh Thần Của Thiên Chúa Gìn Giữ Tôi Cùng Anh Chị Em . Amen

Thân Ái
Giuse Dân

vũng_nước
29-07-2009, 08:35 PM
nguồn: http://www.gpbanmethuot.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1026