PDA

View Full Version : Cô đơn



cafeda2009
08-08-2009, 11:29 AM
CÔ ĐƠN



Khắp trên thế giới, nơi đâu cũng có bán máy chụp hình Kodak. Người ta có thể nói : “Các cửa hàng bán máy chụp hình và phim Kodak không bao giờ đóng cửa “. Khi các tiệm ở Đông phương đóng cửa nghỉ, thì các tiệm ở Tây phương mở cửa bán.

Ông chủ hãng phim Kodak sống ở tòa nhà sang trong bậc nhất New York có không biết bao nhiêu tiền của ký gởi trong các ngân hàng lớn trên khắp thế giới, muốn lấy ra lúc nào tùy thích. Tài khoản thâu nhập của ông không tính theo mỗi năm, mỗi tháng, mà tính theo mỗi giây đồng hồ. Ông muốn gì cũng có, ông hưởng hết phúc lộc của con người. Người nào muốn ra tranh cử tổng thống Mỹ cũng đều phải nhờ ông làm hậu thuẫn, giúp đỡ tiền bạc. Mọi thứ trên đời này ông đều có, duy chỉ có một điều vô cùng quan trọng thì ông lại không có. Đó chính là Thiên Chúa. Vì không có Chúa nên lúc nào ông cũng cảm thấy cô đơn trống vắng. Mọi người thấy ông cứ nghĩ là ông được sung sướng, nhưng thật ra ông rất đau khổ.

Ông dùng tiền của quá dư thừa của mình mà đi chu du vòng quanh thế giới, hưởng muôn sự khoái lạc trần gian, hầu khỏa lấp nỗi cô đơn, trống vắng trong cõi lòng. Nhưng một tâm hồn không có Chúa thì tất cả vũ trụ cũng không thể làm cho họ được hạnh phúc.

Kết thúc chuyến du lịch vòng quanh thế giới mà cõi lòng ông vẫn hoang vắng, buồn bã. Vì quá tuyệt vọng ông đã lao mình xuống đại dương mênh mông tìm sự giải thoát.


*


Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu cũng đã trải qua những giờ phút cô đơn khủng khiếp khi Ngài thưa với Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này” (Lc.22,42). Và trên Thập Giá, cô đơn chắc đã lên đến tột độ nên Ngài đã phải thốt lên : “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con ?” (Mt 27,46). Chắc chắn Chúa Giêsu không sợ chết, nhưng Ngài chỉ xin được thoát nỗi cô đơn. Vì mang lấy tội lỗi của nhân loại nên Chúa Giêsu phải tách biệt khỏi Chúa Cha như một sự ruồng bỏ.

Trong tình yêu hiệp nhất, Chúa Giêsu không thể tin được là Chúa Cha đã bỏ rơi mình, chính vì thế Ngài đã đặt câu hỏi như một lời trách yêu, và cũng là một nhắc nhở đến Thiên Chúa toàn năng. Lòng tin tưởng này đã dẫn đến một hiến dâng trọn vẹn : “Thế là đã hoàn tất”. (Ga 19,30) Câu tuyên xưng cuối cùng của Chúa Giêsu chứng tỏ một cuộc đời hoàn toàn vâng theo ý Cha.

Lời kêu tuyệt vọng ấy : “Lạy Thiên Chúa, sao Ngài bỏ con”, vẫn còn là điệp khúc trong xã hội văn minh hiện nay. Những phát minh khoa học đã không loại bỏ được nỗi cô đơn, buồn chán và thất vọng. Dù chúng ta có thống trị toàn thế giới cũng không có hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ tìm được ở nơi Chúa. Billy Graham có nhận xét : “Những người hạnh phúc nhất tôi gặp là những kẻ nhận biết Thiên Chúa. Họ có được những giây phút thoải mái, những nụ cười chân tình nhất”.

Thành công trong cuộc đời chỉ là tạm bợ và sẽ qua đi. Hạnh phúc không tùy thuộc giàu hay nghèo, văn minh hay man rợ, nhưng tùy thuộc nơi Thiên Chúa. Chúa đã dạy : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”(Mt 6,33).

Chính vì không tìm kiếm Chúa, nên nền văn minh khoa học ngày nay hình như đã tạo ra sự chia cắt tình người, giá trị nền tảng gia đình bị lung lay, nhiều cha mẹ phải cay đắng sống tẻ nhạt trong những nhà hưu dưỡng, nhiều kẻ chạy theo cơn sốt vàng bạc, danh vọng bỏ cả luân thường đạo lý, lắm kẻ mải mê vội vã hưởng thụ, để rồi kết thúc trong thất vọng ê chề, trong cô đơn, trống vắng.

Chỉ có niềm tin vào Chúa mới xoa dịu được nỗi cô đơn của con người, chỉ có tình yêu của Chúa mới có thể khỏa lấp nỗi trống vắng trong tâm hồn chúng ta. Mẹ Têrêsa Calcutta đã giới thiệu một bí quyết để tiêu diệt nỗi cô đơn khi Mẹ nói : “Để thắng được nỗi cô đơn, phải ra khỏi chính mình và tìm đến những người đau khổ. Khi giúp đỡ những người đang khổ đau, chúng ta chế ngự được nỗi cô đơn của chính mình”.


*


Lạy Chúa, mới hôm qua con ngụp lặn trong tình yêu Chúa, tưởng như không bao giờ con lìa xa Ngài ; thế mà hôm nay sau lần vấp ngã con đã hoàn toàn trống rỗng cô đơn. Chúa ơi ! “Hạnh phúc thật mong manh”.

Như hoa quỳ hướng về ánh thái dương, xin cho luôn hướng về Chúa. Vì chỉ có Chúa mới có thể lấp đầp nỗi trống vắng trong đời con.

Như hoa lan tỏa hương thơm ngát, xin cho con biết ra khỏi chính mình, để tìm đến anh em đang sầu khổ. Vì khi con an ủi anh em là con chế ngự được nỗi cô đơn của chính con. Amen.



Sưu Tầm

cafeda2009
29-08-2009, 07:38 PM
Mùa Báo Hiếu Thiên Chúa phán: ngươi hãy thảo kính cha mẹ, kẻ nào chúc dữ cha mẹ thì phải chết tử hình (xh 20,12). Cây có cội, nước có nguồn, lòng nhớ ơn xuất phát từ lòng yêu mến. Lòng yêu mến xuất phát từ lòng Thiên Chúa. Theo truyền thống tốt lành của dân tộc Việt Nam, hàng năm vào ngày lễ Vu Lan, Mùa Báo Hiếu, là dịp để con cháu cùng nhau nhớ đến và cầu cho cha mẹ, ông bà tổ tiên. Giới răn thứ bốn trong mười giới răn Thiên Chúa truyền buộc mọi người phải thảo kính cha mẹ. Hội Thánh về phần mình luôn cổ vũ lòng hiếu thảo, biết ơn đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Không ai bất hiếu với cha mẹ, bất hòa với anh em ruột thịt mình mà lại đẹp lòng Thiên Chúa. Cũng thế không có cha mẹ nào đối xử bất công với con cái, hoặc không nuôi dạy con cái mình theo đúng luật Chúa và Hội Thánh mà được Thiên Chúa chúc phúc. Giới răn của Thiên Chúa bắt nguồn từ lòng yêu thương quảng đại của Thiên Chúa cho nên bao bọc tất cả, không giáo điều hạn hẹp như kiểu luân lý thế gian, hoặc như đạo lý “Quân sư phụ” của Khổng Tử. Hội Thánh Công Giáo coi việc kính nhớ tổ tiên là một mầu nhiệm của lòng tin, tin vào sự Phục Sinh của Đức Kitô Giêsu. Trong lòng tin đó thì Kitô hữu xác tín rằng, ông bà cha mẹ mình tuy đã qua đời, nhưng các ngài vẫn đang sống. Không phải sống vật vờ như hồn ma bóng quế, nơi bụi cỏ gốc cây, sống nhờ vào bát cơm quả trứng của con cháu, mà sống tràn đầy hoan lạc trong vinh quang của Đức Kitô. Qua lời khẩn cầu của các vị đáng kính tổ tiên, Đức Kitô Giêsu lại tuôn đổ hồng ân như những dòng sông dòng suối từ trái tim yêu mến của Người xuống cho chúng ta. Những người công giáo Việt Nam nhờ sự dẫn dắt của Hội Thánh Việt Nam, đã yêu mến kính nhớ tổ tiên ông bà với lòng tin. Tin vào Đức Kitô và tin vào sự sống lại của tổ tiên, tin vào sự sống lại của chúng ta và của con cháu, vì Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay vẫn là một cho đến muôn đời. Từ suy niệm như trên cúng ta phải nói thật với nhau về cái hiện tượng hiếu thảo theo luân lý thế gian mà chúng ta thường gặp. Khi cha mẹ ông bà nằm xuống, người ta thích làm ma cho lớn với nhiều vòng hoa, nhiều khăn trắng, kèn tây, kèn ta, đủ lễ bộ. Đó là điều phải đạo. Đó là để tỏ lòng biết ơn cha me ông bà. Bao nhiêu tưởng cũng chưa đủ, vì lấy gì đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục? Vì làm sao lấp kín được khoảng trống nhớ thương vời vợi đang có ở trong lòng người con chí hiếu? Nhưng cũng phải nhận thực rằng : trong những nghi thức đền ơn đáp nghĩa đó, cũng có những sự thực đau lòng. Có những người con khi cha mẹ còn sống, chẳng yêu mến, chẳng vâng lời, chẳng tôn kính, thậm chí còn mắng chửi còn đọa đày, thế nhưng khi cha mẹ vừa mới nằm xuống là làm ma linh đình, khóc lóc thảm thiết. Với luân lý thế gian, thực sự không chê trách vào đâu được. Mà thực sự cũng tốt thôi vì làm như thế để mát mặt cho kẻ sống. Nhưng người chết nằm đó giữa những vòng hoa, giữa tiếng kèn trống chẳng được hưởng một cái gì. Thế giới của các ngài khác hẳn nhu cầu của chúng ta. Một đám ma tốn phí hay một đám ma đơn giản cũng không thể nào xoay chuyển được tình huống của ông bà cha mẹ chúng ta. Các ngài sau khi nằm xuống chỉ có một nhu cầu là Đức Giêsu Kitô phục sinh. Một Kitô hữu đích thực không thể nói được là khi cha mẹ tôi qua đời, hàng năm tôi sẽ bỏ ra thật nhiều tiền để xin thật nhiều lễ, hai ba cha đồng tế, áo đen cờ rũ, thế là cha mẹ tôi, ông bà tôi sớm siêu thăng. Nước Thiên Chúa không phải như nước thế gian mà hễ ai có nhiều cây vàng, nhiều đôla gởi lên thiên đàng qua thánh lễ là cha mẹ người đó được chỗ ngồi cao vênh vang hơn những người khác. Trong tông đồ công vụ, Phêrô đã nói với Simôn khi anh ta đem tiền đến biếu các tông đồ để mua thánh thần rằng : “Tiền bạc của anh tiêu tan luôn với anh cho rồi, vì anh tưởng có thể lấy tiền mà mua ân huệ của Thiên Chúa ! (Cv 8,20). Việc kính nhớ tổ tiên của đạo Công Giáo nằm trong tín điều các thánh thông công. Ông bà cha mẹ chúng ta chết đi không tan biến vào nơi hư vô huyền ảo, mà thực sự đang sống thân mật với Thiên Chúa thành một chi thể trong thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Việc hương hoa lễ bái có giá trị luân lý cho người sống. Những nghi thức đó không làm cho người sống gặp được người chết. Muốn gặp được ông bà cha mẹ đích thực trong ngày Xuân, ngày lễ giỗ, mùa báo hiếu...thì phải gặp trong Đức Kitô Giêsu. Nghĩa là mỗi người sống, cũng phải sống sao là một chi thể trong thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Mỗi người phải là một cành nho trong cây nho Giêsu. Như thế sự liên kết, sự hiệp thông giữa những người đã chết và những người đang sống ở trần gian, nhờ sự sống của Đức Kitô Giêsu mới trở thành hiện thực. Người này cầu nguyện cho người khác trong Đức Kitô Giêsu. Lòng yêu mến biết ơn lẫn nhau như vậy mới đích thực, vì xuất phát từ lòng yêu mến của Thiên Chúa. Lúc ấy không chỉ ông bà cha mẹ chúng ta, mà chúng ta cũng có thể liên kết được với các vị tiền bối, với các Thánh Tử Đạo Việt Nam, với tất cả các tín hữu đã ly trần không kể màu da tiếng nói. Vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà Thiên Chúa của kẻ sống. Trong niềm tin ấy, chúng ta không sợ sống cô đơn như những người dương thế hôm nay, vì những nỗi ưu tư vất vả, những đau khổ cũng như vui mừng của chúng ta đều được thấm vào những đau khổ của thập giá Đức Kitô. Do đó trong mùa báo hiếu, sự hiệp thông chia sẻ giữa những người Kitô hữu đã chết và đang sống, đều được ở trong sự bao bọc của lòng yêu thương của Cha, Con và Thánh Thần, trong tấm lòng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh cho tất cả chúng ta được nên một với Người. Thấy được như vậy, lòng kính nhớ và biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên mới là chân lý và nguồn hy vọng cho chúng ta, và lời cầu nguyện của chúng ta mới như hương thơm bay lên đụng tới các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ, vì chúng ta tin những lời cầu ấy đã đụng tới Thiên Chúa và đã được Thiên Chúa đoái thương chấp nhận. Lm. Giuse Trần Đình Long, sss (SSS là viết tắt của ba chữ: Societas Sanctissimi Sacramenti, nghĩa là Dòng Thánh Thể)

cafeda2009
30-08-2009, 10:43 AM
YÊU AI YÊU CẢ TẤM LÒNG Vào những năm của thế kỷ thứ XVII, người ta sống đạo nghiêng về quan niệm Thiên Chúa là Đấng công thẳng, phàm nhân tội lỗi khó tiếp cận với Ngài, cho nên mỗi khi thấy mình phạm tội, người ta sợ hãi trốn tránh Thiên Chúa hơn là tin vào lòng xót thương của Ngài. Trong bối cảnh ấy, Đức Giêsu đã hiện ra với một nữ tu dòng Đức Mẹ Thăm Viếng ở Pháp. Ngài tỏ cho chị thấy trái tim đầy lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại. Ở đây chúng ta không bàn về lịch sử Lễ Trái Tim Chúa Giêsu, vì đã có nhiều sách vở ghi chép rồi, chúng ta chỉ cùng nhau suy niệm về tấm lòng của Thiên Chúa tỏ hiện ra nơi Trái Tim Chúa Giêsu. Người ta thường nói với nhau : "Nếu lòng tôi như cái bánh thì tôi bóc ra cho anh xem". Nói thế nhưng thực sự chưa một ai bóc được cái lòng mình ra cho người khác xem cả. Lòng con người là một vùng bí hiểm quanh co khúc khuỷu, không một ai có thể biết rõ được lòng của ai. Kể cả vợ chồng cũng khó mà biết được lòng của nhau. Vì thế nhân gian thường thốt ra những câu chán nản, nghi nan, để nói lên cái bí hiểm của lòng dạ con người. Ví dụ như : "Nói vậy nhưng không phải vậy." "Nói một đàng làm một nẻo." "Khẩu phật tâm xà." (miệng nói thì hiền như Phật mà lòng thì độc như rắn) " Sông sâu còn có thể dò. Nào ai lấy thước mà đo lòng người?" Trên thế gian này, người ta đã bao phen khổ sở vì cái lòng của nhau. Người bề dưới phải lựa ý người bề trên. Ngang hàng nhau thì đề phòng cảnh giác khi giao dịch làm ăn với nhau. Tin nhau làm ăn buôn bán không cần giấy tờ rồi bị bể hụi, bị giựt nợ. Cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt mất hết lòng tin nơi nhau, kéo nhau ra tòa vì tranh nhau miếng đất, căn nhà tổ. Bà con đối xử với nhau " cạn tầu ráo máng" không còn chút tình nghĩa, tình người nữa cũng vì những tấm lòng quanh co khó dò đó! Tại sao vậy? Thưa tại vì tấm lòng của nhân gian đã nhuốm tội rồi. Khi tội lỗi đến thi nó đi vào tận trong cõi lòng sâu thẳm của người ta, nó không ở ngoài da thịt (Mt 15,19-20). Khi có tội, thì mọi tấm lòng của con người trên trần gian này đều bị thương tích nặng nề, làm cho lòng tin vào Thiên Chúa bị thui chột, tâm hồn lúc nào cũng chất đầy lo âu xao xuyến. Dù tiền rừng bạc bể đó, nhưng nhiều đêm các đại gia vẫn không yên giấc, khi ngủ vẫn còn trằn trọc bận tâm lo nghĩ công ăn việc làm ban ngày. Không tin vào Thiên Chúa, chỉ tin vào tiền của nên lúc nào họ cũng cảm thấy xao xuyến bất an. Hôm nay, qua Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đến mở tấm lòng của Ngài cho mọi người thấy Ngài quan tâm chăm sóc đến những đau khổ của chúng ta biết là dường nào! Chúa lãnh nhận hết mọi thương tích của cõi lòng tan nát chúng ta làm thương tích của chính mình. Ngài băng bó chữa lành cho những tấm lòng nào trông cậy và chạy đến cùng Ngài. Không những Ngài chữa lành mà còn trả lại sự bình an chúng ta đã đánh mất từ khi phạm tội. Lúc ấy chúng ta mới có được sự bình an đích thật với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân. Kinh Thánh nói : Một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Ngài, và lập tức có máu và nước chảy ra. "Máu và nước từ Trái Tim Đức Giêsu tuôn chảy thành nguồn suối yêu thương vô tận của Thiên Chúa tràn lan trên vũ trụ và trên mọi con người. Nguồn suối ấy chính là Thánh Thần. Thánh Thần tình yêu Thiên Chúa từ Trái Tim Đức Giêsu đang bao trùm lấy cả nhân loại, kẻ tin cũng như kẻ không tin, để làm cho tất cả những ai khi đụng vào đời sống cơ cực hàng ngày là phải đụng vào lòng yêu thương của Thiên Chúa có ở đó. Lúc đó họ sẽ nhận ra là mình đang được Thiên Chúa yêu thương và Ngài đang gánh lấy những âu lo sầu khổ của mình. Với tấm lòng đầy xót thương, Đức Giêsu đã nói : " Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy" ( Ga 14,1). Khi người ta tin ai, họ tin vào cái gì? Thưa tin vào tấm lòng. Đức Giêsu muốn nói với mọi người đừng lo âu xao xuyến quá đỗi như thế. Hãy tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa. Trái Tim Đức Giêsu là trái tim luôn bỏ ngỏ. Khi vết thương trái tim Ngài đã được mở ra thì không bao giờ đóng lại. Ngài mở ra cho tôi, cho anh, cho chị, cho em, cho tất cả mọi người trong thế giới đầy bất an và hỗn độn hôm nay. Ngài mở ra cho kẻ yêu Ngài, cho kẻ thù ghét Ngài và cho kẻ đâm Ngài. Kinh Thánh nói : "Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu." (Ga 19,37). Họ đây là ai ? Họ đây có phải chỉ là một tên lính cầm đòn nhọn hoắc đã đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu không ? Vâng, họ là tên lính đó, và còn là nhiều người nữa. Họ là tôi, là anh, là chị, và là tất cả chúng ta, những kẻ đã, đang và sẽ đâm vào Trái Tim Đức Giêsu. Nhưng lòng xót thương vô biên của Đức Giêsu vẫn mở ra để tôi và tất cả mọi người nhìn lên tấm lòng đó, không phải một lần mà nhiều lần, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, sẽ thấy được Thiên Chúa vẫn yêu thương mình, rồi hồi tâm quay về với Ngài để tìm được sự bình an của ơn tha thứ : "Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Không phải thế gian cho các con thế nào thì Thầy cũng ban cho như vậy đâu ! Lòng các con chớ sợ hãi, chớ xao xuyến !" Lòng Thương Xót nơi Trái Tim Đức Giêsu là thế. Ai có Trái Tim Đức Giêsu thì người đó có sự bình an của Thiên Chúa. Bình an trước mọi biến cố, trước mọi tình huống, trước sự lôi kéo của quyền lực, danh vọng, tiền bạc, của cải, và trước cả sự chết nữa. Ai có Trái Tim Đức Giêsu ở trong lòng mình, thì có sự bình an cho chính mình, cho những người trong gia đình mình, và cho cả những người sống quanh mình nữa. Vì Trái Tim Đức Giêsu ở đâu, Ngài ban sự bình an yêu thương đến nơi đó, không thể có thù ghét tranh giành cãi cọ, không thể có những lời cay chua thâm độc, mà chỉ có những lời tạ ơn Thiên Chúa và lời yêu thương trao nhau. Và còn lớn hơn thế nữa, người nào, nhà nào, cộng đoàn nào, xứ đạo nào có được Trái Tim Chúa Giêsu nơi tâm hồn mình, nơi gia đình mình, nơi cộng đoàn mình thì người đó nhà đó nắm chắc được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, Đức Giêsu đoan chắc với nhân loại qua ông Giakêu khi Chúa được Giakêu rước Chúa vào tâm hồn ông và vào nhà ông. Chúa nói : "Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến cho nhà này" (Lc 19,9). Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng điều quan trọng này. Đặt một bức tượng Trái Tim Chúa ở ngai tòa trên cao trong nhà, chưa hẳn là đã có Trái Tim Chúa trong gia đình và trong lòng mọi người trong gia đình. Khi người ta không thương nhau thì tấm hình bức tượng có lớn đến đâu, treo ở trong nhà, đặt ở đầu giường, để trên bàn thờ hay trên đài cao ngất ngưỡng thì cũng không có Chúa ở trong lòng người ta. Đức Giêsu chỉ muốn mỗi kẻ người yêu hãy có Trái Tim của Ngài trong trái tim của mình, để Ngài làm chủ người đó, gia đình, cộng đoàn, hay xứ đạo đó. Chúng ta tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa, rước Chúa vào nhà, không phải chỉ làm việc đạo đức đó một cách thiên liêng, nhưng phải thể hiện tâm tình đạo đức trong đời sống một cách cụ thể. Nghĩa là phải để Chúa làm chủ tất cả mọi công việc, mọi suy tính làm ăn, mọi cách sống trong gia đình, mọi cách cư xử với nhau, mọi chương trình dự án của cộng đoàn, xứ đạo. Tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa không phải chỉ là việc giang tay cầu khấn rõ to, nhưng còn phải để thánh ý của Thiên Chúa thay ý riêng của ta, để lòng Chúa thấm vào lòng ta, để ta cũng biết xót thương nhau như Chúa xót thương ta. Việc tôn vinh Thánh Tâm và Lòng Thương Xót Chúa đích thực và chân chính như thế sẽ làm cho mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn Lòng Thương Xót trở thành Nước Thiên Chúa ở ngay trần gian này, như lời Chúa nói: "Nước Thiên Chúa đang ở giữa các con." Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, tình yêu điên dại của đời con! Chúa đã ban tất cả mạng sống cho con, mà chỉ lấy lại được một trái tim đen đủi tội lỗi vô ơn bạc nghĩa như con. Xin thương xót con. Ôi Chúa Giêsu giầu lòng xót thương, đáng yêu, đáng mến! Con yêu mến Chúa. Lm. Giuse Trần Đình Long,SSS