Ðăng Nhập

View Full Version : Một tấm lòng!



dominico_dung
08-08-2009, 12:54 PM
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
Tác giả: Trịnh Công Sơn
Ca sĩ: Khánh Ly

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi
Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian

Những khi chiều tới cần có một tiếng cười.
Để ngậm ngùi theo lá bay. Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi

Hãy nghiêng đời xuống nhìn hết một mối tình
Chỉ lặng nhìn không nói năng
Để buốt trái tim để buốt trái tim
Trong trái tim con chim đau nằm yên
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu
Và sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót vang trong trời gió lên

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người.
Còn cuộc đời ta cứ vui. Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai.



ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI


“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”

Ai trong chúng ta cũng đều có một tấm lòng, một tấm lòng nhân hậu thật sự. Bạn rơi nước mắt khi thấy các hoàn cảnh bất hạnh. Tôi nhoi nhói nơi tim lúc chứng kiến những tai nạn thương tâm. Và chúng ta, luôn ghi nhớ lời dạy của cô thầy năm xưa: “ở hiền thì sẽ gặp lành nghe con”, cố gắng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho cộng đồng chung quanh mình. Rồi đêm về, nằm hân hoan, một sự hân hoan thầm kín trong tâm hồn, hân hoan vì đã và đang làm việc tốt.

Nhưng đó là giai đoạn đầu đời. Càng bước sâu vào cuộc sống, tôi càng cảm thấy lung lay ý nguyện “người tốt việc tốt” hôm nào. Sự giả tạo, phản bội, sụp đổ cứ lấn lướt ngày qua ngày, đập tan, ném vỡ cụm từ “ở hiền gặp lành” trong tôi. Tôi không tin có vế sau, quả thật không tin...

Và, phản ứng theo bản năng của một đứa trẻ người non dạ, yếu kém tinh thần, tôi “xù lông” phản ứng gay gắt với tất cả. Đôi mắt tôi giờ đây chỉ thấy sự ám hại và mỉa mai. Tôi dè chừng, hơn thua trong mọi việc. Một vỏ bọc cứng cáp, trải đời, nhưng bên trong chắc gì không phải là một sự yếu đuối?

Thêm tuổi, đọc thêm sách, được thêm nhiều lời dạy dỗ, tôi lờ mờ nhận ra rằng hình như ranh giới giữa đúng-sai, trắng-đen quá hư ảo? Những gì tôi làm trong quá khứ chưa chắc đã là tốt cho người xung quanh. Những gì tôi nhận được cũng không hẳn là xấu. Tôi rơi nước mắt, thương xót cho nhận thức của mình. Một nhận thức bị suy dinh dưỡng trầm trọng, một nhận thức bị căn bệnh “tiêu cực” ngặt nghèo làm chậm phát triển...

Tôi vốn ít nghe nhạc Trịnh. Là kẻ hậu bối, tôi chỉ biết và ngưỡng mộ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua những trang viết về ông, qua những câu chuyện, những giai thoại của người trong cuộc kể về người đã khuất. Nhưng tôi đặc biệt thích ca khúc Để gió cuốn đi. Tôi nghe để an ủi lòng mình: hãy sống thật “người”, sống như ngày mai ta và họ không còn nữa...

Giữ vững được nhân cách trong cuộc sống thực tế không bao giờ dễ dàng. Khi cao hứng, tôi có thể ghi ra đây những dòng đầy tính nhân văn. Nhưng, biết đâu ngay hôm sau, vì đấu tranh quyền lợi-công danh, tôi lại thực hiện ngay những việc mình vừa chỉ trích hôm qua?

Tôi mừng vì mình đang sống trong thời đại số hóa, có thể mua một chiếc máy nghe nhạc nhỏ gọn, lưu vào bài hát yêu thích. Và sau đó? Những khi cần sẽ hòa mình vào từng lời ca da diết “...hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui...”.

Hãy yêu, dù cho gió sẽ cuốn đi tất cả!




Trần Đức Khiêm
(Tạp chí Thế giới @ - Chuyên đề tin học viễn thông báo Người Lao Động)


https://thanhnhacvietnam.net/dominico_dung/Dung/NhacKhac/DeGioCuonDi_tcs-kl.mp3

Gunsnroses
09-08-2009, 12:20 AM
Em nhớ 3 câu đầu của bài hát này của NS TCS được dịch ra (theo kiểu danh ngôn) tiếng Anh như sau "Living in this life we have to need a heart. What for, do you know? For to be carry with the wind".

dominico_dung
15-08-2009, 01:02 AM
Còn nhớ Trịnh Công Sơn đã có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi...” và cũng chính ông đã ngụ ý rằng, chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi ấy thôi, mà con người vượt rất xa những loài vật khác. Nếu mà cũng nhìn đời bằng con mắt ấy, cũng sống theo tôn chỉ ấy, thì xin được trả lời rằng: Người với người sống trong Tình và Nghĩa



http://i213.photobucket.com/albums/cc294/arilandung/song_tren_doi.jpg
Tác giả Đức Nguyên.


Tôi hỏi đất:
-Ðất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước:
-Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ:
-Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?.

Ba dòng thơ cuối với sự lặp tuyệt đối như một lời trách giận hay là lối hỏi chua chát? Người sống với người như thế nào?

Ừ nhỉ, người sống với người như thế nào? Mình sống với người như thế nào? Người sống với mình như thế nào? Câu trả lời nằm ngay trong chính dòng đời miết mải.

Chẳng hiểu sao ngay từ đầu, cái câu hỏi đầy ám ảnh kia lại tạo cho mình ấn tượng sâu đến thế. Để đến lúc đọc lại cả bài thơ rồi, thì lại bật cười, có lẽ ... ừ có lẽ cả bài thơ đã là lời giải đáp. Người với người sống với nhau để làm cuộc sống của nhau đầy đặn hơn, tô màu thêm sắc để cuộc đời trở nên xanh tươi hơn, và chúng ta tôn nhau lên, để cho những cái riêng của từng cái tôi nổi trội lên, nhưng đồng thời cũng hòa vào nhau, đan vào nhau trong một cái sắc chung - CUỘC ĐỜI.

Và cứ thế, đất, nước và cỏ còn thua chúng ta nhiều lắm. Chúng chỉ tạo được cho nhau, chỉ cho được cho nhau một điều nổi bật, trong khi chúng ta, CON NGƯỜI làm được rất nhiều, nhiều hơn thế.

Không phải là tôi ngây thơ đến mức hiểu nhầm dụng ý của tác giả, nhưng vần thơ là để người tán tụng, để người suy diễn. Nhà văn, nhà thơ có nhìn thấy, có chỉ ra được một khía cạnh, thì tâm hồn người đọc vẫn có thể lần tìm những ngóc ngách khác. Chỉ xin hãy nhìn đời bằng một con mắt lạc quan, để cả ba lần hỏi nhức nhối được trở thành ba lần nhấn mạnh, điểm nhấn cho lòng yêu thương, sự bao dung và tình đồng loại.

Còn nhớ Trịnh Công Sơn đã có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi...” và cũng chính ông đã ngụ ý rằng, chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi ấy thôi, mà con người vượt rất xa những loài vật khác. Nếu mà cũng nhìn đời bằng con mắt ấy, cũng sống theo tôn chỉ ấy, thì xin được trả lời rằng: Người với người sống với trong Tình và Nghĩa

Lời bình luận của ai đó làm người ta giật mình ... cái dụng ý hiển nhiên của tác giả bỗng chốc bị lật ngược, bị thay bằng một cách hiểu mới hoàn toàn khác. Quả thật, có lẽ hầu hết ai đọc bài thơ đều thấy khâm phục tác giả, bài thơ ý nhị, giàu ẩn ý nếu không nói là giàu ẩn ý một cách xót xa.

Người sống với nhau như thế nào?
Người sống với nhau như thế nào?
Người sống với nhau như thế nào?

Ba câu hỏi giống nhau về câu chữ, nhưng khác nhau nhiều về cách đọc nó. Người bộc trực dễ lên giọng ở hai câu cuối, cái cảm xúc ấy nó cứ trào ra như sự uất hận bấy lâu bị dồn nén, như một lời quát thẳng vào mặt ai đó, một ai đó hư vô - cuộc đời. Người điềm đạm thì cứ xuống giọng, nhỏ dần, tưởng chừng như bất lực. Cái nín nhịn thắt chặt, sự bức bối ngậm ngùi giữ chặt trái tim, đã biết câu trả lời, đã hứng chịu đủ cuộc đời và giờ đây thì im lặng ...

Đúng, giá trị của bài thơ chính là ở ba câu hỏi cuối, nó không những giá trị ở chỗ tác giả đã gửi vào đó tâm sự sâu kín không chỉ của riêng mình, mà còn là cơ hội để người ta nhìn lại chính mình _ những cái gì bên trong được gọi là Tình và Nghĩa?...


(Sưu tầm)