PDA

View Full Version : Tất cả là hồng ân



Ti_Amo
25-08-2009, 11:43 AM
Chứng từ của Đức Hồng y Avery Dulles, SJ ( 1918- 2008)


Là người con trong một gia đình danh giá với truyền thống Tin Lành, Avery Dulles đã quyết định gia nhập Giáo Hội Công giáo rồi trở thành tu sĩ và linh mục dòng Tên. Ngài nổi tiếng trong lãnh vực nghiên cứu và giảng dạy thần học, đã xuất bản những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển, cuối cùng trở thành thần học gia đầu tiên của Hoa Kỳ được nâng lên hàng Hồng y. Chứng từ của một con người như thế về đời linh mục rất đáng được quan tâm. Nhân Năm linh mục, WHĐ xin giới thiệu chứng từ của Đức Hồng y Avery Dulles.


***

Khi nhìn lại dòng đời của mình, tôi thấy xem ra mọi sự đều do Chúa quan phòng sắp đặt. Đời tôi sẽ ra sao nếu khi còn trẻ, không có những năm sống tại Âu châu? Đời tôi sẽ ra sao nếu theo truyền thống gia đình, tôi vào đại học Princeton thay vì Harvard? Đời tôi sẽ ra sao nếu Đệ nhị thế chiến không cắt ngang việc học của tôi ở trường Luật? Không ai có thể trả lời những câu hỏi như thế. Nhưng tôi có thể nói rằng qua tất cả những biến cố đó, tôi vẫn luôn được dẫn dắt để hoàn tất những khát vọng thâm sâu nhất của mình và thực hiện được điều mà tôi coi như ơn gọi của mình.
Ngay cả trong đời sống một tu sĩ dòng Tên, tôi cũng không hoạch định con đường riêng cho mình. Tôi học ở nơi được chỉ định, dự những giảng khóa được ấn định và không bao giờ có yêu cầu nào theo ý riêng mình. Trong những năm thực tập, tôi dạy Triết vì Bề Trên chỉ định, và vào thời điểm đó, tôi tràn ngập hi vọng sẽ được gửi đi làm tiến sĩ về Triết. Thế nhưng khi học Thần học, tôi mới bất ngờ được hướng dẫn để chọn Thần học làm ngành chuyên môn của mình, và thực sự điều đó đã đáp ứng ước vọng thâm sâu của tôi. Trong thời gian học và giai đoạn giảng dạy ban đầu, tôi đã được trợ giúp rất nhiều do sự hướng dẫn của những nhà thần học như John Courtney Murray và Gustave Weigel là hai người khổng lồ về thần học vào thời đó.
Trong suốt quá trình dạy học, tôi đã được chỉ định phụ trách những môn mà tôi đặc biệt quan tâm. Những lãnh vực như mạc khải, đức tin, Giáo hội học, đại kết là những lãnh vực không ngừng cuốn hút tôi. Tôi cũng có may mắn giảng dạy trong nhiều học viện khác nhau, cả Công giáo và ngoài Công giáo, và có được những mối quan hệ thân tình về đại kết. Là một tu sĩ dòng Tên, tôi có được mối quan hệ với các đồng nghiệp trên khắp thế giới. Khi đến châu Mỹ La Tinh, châu Âu, châu Phi hay Viễn Đông, tôi đều được các linh mục, tu sĩ, nhất là anh em dòng Tên đón tiếp như một người bạn và một người anh em. Nếu tôi được yêu cầu tự chọn dòng đời cho mình, có lẽ tôi đã không thể làm tốt cho bằng những gì Chúa Quan phòng đã dẫn dắt và các Bề trên đã chỉ dạy cho tôi. Tôi có thể nói cách thành thật rằng tôi không phải ghen tị với bất cứ ai trong cuộc đời này. Mọi sự không do công lao của tôi nhưng là ơn ban của Thiên Chúa và chỉ mình Ngài mới đáng được ngợi khen.
Dĩ nhiên, tôi ý thức về những giới hạn của mình. Trong một vài lãnh vực, tôi còn ở dưới tiêu chuẩn mục vụ mà người ta có quyền mong muốn nơi một linh mục bình thường. Tôi ngưỡng mộ các cha giải tội, các vị giảng thuyết, các nhà thần bí, các vị thừa sai, các vị tử đạo là những người đã làm sáng danh Chúa hơn cả một “lô” những nhà thần học. Nhưng tôi đã lãnh nhận một ơn gọi khác, phù hợp với khả năng và thiên hướng của tôi hơn.
Ngay cả trong thần học vốn là lãnh vực chuyên môn của mình, tôi cũng không nghĩ mình là một khuôn mặt lớn. Tôi không thể sánh với sự thông minh của một Rahner hay Lonergan, hoặc sự uyên bác của de Lubac, von Balthasar, hay Congar. Nhưng tôi vui mừng vì được đọc những tác phẩm của những nhân vật hàng đầu này, và được quen biết các ngài từng người một. Cùng với các nhà tư tưởng lớn trong quá khứ, các ngài đã giúp tôi đạt tới tầm hiểu biết mà tự sức tôi không thể vươn tới.
Khi gia nhập Giáo Hội Công giáo, tôi đã thực hiện cuộc phiêu lưu có vẻ điên rồ theo cái nhìn của hầu hết mọi người trong gia đình cũng như bè bạn. Là một tu sĩ có lời khấn, tôi đã chọn sống cuộc đời xem ra vô nghĩa nếu không có đức tin Công giáo. Nếu Nước Trời là viên ngọc vô giá, là kho tàng chôn giấu trong ruộng, thì chúng ta phải được chuẩn bị để bỏ hết mọi sự mà chiếm cho bằng được. Tôi luôn nghĩ rằng nếu Chúa thực sự là Thiên Chúa, thì vinh quang và danh dự của Ngài phải là mối ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Dù không thể sánh được với sự hiến thân quảng đại của thánh Phaolô hay thánh Inhaxiô Loyola, nhưng giống như các ngài, tôi vui mừng vì được sử dụng vào việc phục vụ Chúa Kitô và Tin Mừng, dù khi mạnh khoẻ hay lúc yếu đau, dù khi thành công hay lúc thất bại. Tôi vô cùng tạ ơn Chúa về những năm tháng Ngài đã cho tôi được phục vụ Ngài trong một hội dòng có châm ngôn sống: Ad majorem Dei gloriam (Để vinh quang Chúa được cả sáng hơn).



Trích dịch “A Testimonial to Grace and Reflections on a Theological Journey


Theo dongten.net

cafeda2009
24-09-2009, 09:54 AM
Tất cả là Hồng Ân



Có một bà lão đạo đức, nhưng nghèo đến nỗi không có đủ tiền mua gạo ăn. Hôm nọ, đói quá không làm gì nổi, bà chỉ con cách quì gối giữa nhà, hết lòng tha thiết van nài cùng Chúa:

- Lạy Chúa, xin giúp con có gạo nấu cơm ăn chiều nay, nếu không, chắc con chết mất. Xin Chúa thương con.

Lúc đó, một người vô thần tình cờ đi ngang, anh ta giở một trò để tiêu diệt niềm tin của bà. Anh chạy ra tiệm tạp hóa gần đó, mua một ký gạo, rồi trở về ném túi gạo qua lỗ vách lá, rơi bịch trước mặt bà. Bà lão vô cùng mừng rỡ và hết sức ngỡ ngàng, đến nỗi quên cả đói khát vừa hô to:

- Cám ơn Chúa, cám ơn Chúa.

Bà vừa chạy vừa khoe với lối xóm là Chúa đã nhận lời bà cầu xin. Thấy bà già đã trúng kế mình, anh chàng vô thần cười chế nhạo, và nói rõ là anh ta vừa ra tiệm tạp hóa mua túi gạo, rồi ném qua lỗ vách cho bà. Nhưng bà già đáp:

- Có thể là anh mang gạo đến cho tôi nhưng tôi bảo đảm là lời tôi cầu nguyện đã được Chúa nhận lời. Tôi cầu xin chiều nay có gạo nấu cơm, và Chúa đã ban cho tôi y như lời tôi cầu, Tạ ơn Chúa, cám ơn anh.

Người có đức tin nhìn thấy trong tất cả mọi sự là hồng ân của Thiên Chúa, và Ơn Chúa có thể đến bất cứ từ đâu, miễn là chúng ta có một tâm hồn đơn sơ để nhận ra Ơn Ngài. Bà lão đã xin gạo và đã được gạo, bà tạ Ơn Chúa và nhận ra đó là ân huệ Chúa ban, cho dù gạo có đến từ một âm mưu đen tối. Nhưng ai âm mưu thế nào không cần biết, chỉ biết tạ Ơn Chúa vì đó là ơn lành Chúa ban, như lời thánh Phaolô: “Xin cảm tạ Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban” (2 Cr 9,15).

Trong đời sống chúng ta, Ơn Chúa đến từ mọi phía, có thể nói được là chúng ta đang ngụp lặn trong ân sủng của Ngài.

Ơn Chúa đến từ những người thân yêu.
Ơn Chúa đến từ những người độc ác.
Ơn Chúa đến từ những người quyền thế.
Ơn Chúa đến từ những kẻ hèn mọn.
Ơn Chúa đến lúc thoải mái bình an.
Ơn Chúa đến từ khổ đau bệnh nạn

Thánh Phaolô đã nhận ra Ơn Chúa trong cuộc đời Ngài: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10). Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người ý thức rằng tất cả những gì mình có đều đã lãnh nhận một cách nhưng không, vì sống là nhận lãnh và biết ơn. Biết ơn là nét cao đẹp nhất của con người. Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình. Biết ơn là ý thức về tinh thần liên đới với người khác.

Cùng với tác giả Thánh Vịnh, chúng ta hãy ca vang lời tạ ơn: “Con sẽ ca ngợi tình thương Chúa tới muôn đời”. (Tv 88,2a).


Lạy Chúa, xin cho con nhận thấy được tình yêu và ơn lành của Chúa trong cuộc sống con, cho con biết tin tưởng nơi Chúa là mục tử nhân từ dẫn dắt con đi trên cõi đời này. Dẫu lúc con đi trên con đường bằng phẳng, chói chan nắng ấm, hay khi qua thung lũng tối đen hiểm nguy, con không bao giờ nao núng vì Chúa luôn ở với con.

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì mọi ơn lành – dù to hay nhỏ - trong đời con. Khi nhớ đến những ân huệ đó lòng con ngập tràn vui sướng. Xin cho con hết lòng tin cậy yêu mến Chúa luôn. Amen.

Sưu tầm