PDA

View Full Version : THÁNG CÁC ĐẲNG LINH HỒN - THÁNG VU LAN



dominico_dung
30-08-2009, 10:03 PM
Một vài suy nghĩ về

Lễ Hội Vu Lan của Phật Giáo

và tháng các Đẳng Linh Hồn của Kitô Giáo

LM Giuse Hoàng Kim Toan, Nhà Thờ Tân Ðịnh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia




Theo kinh điển nhà Phật, một trong những đệ tử lớn của Phật Thích Ca là ông Ðại Mục Kiền Liên, sau khi được quả Thính Văn, thành bậc thần thông hạng nhất, động lòng nhớ mẹ, dùng "thiên nhãn thông" tìm mẹ ở đâu, thì thấy bà Thanh Ðề đang ở địa ngục, đói khát. Hết lòng thương xót, ông lập tức lấy bát cơm dâng cho mẹ ăn. Miếng cơm chưa vào miệng đã hoá thành than, ngài Mục Liên khóc lóc thảm thiết, trở về bạch Phật, xin độ cứu mẹ mình. Phật thuyết kinh Vu Lan dạy Mục Liên vào rằm tháng Bảy hàng năm (âm lịch) dâng bát cúng dường chư tăng, nhờ sức oai thần của mười phương chúng tăng nguyện cầu mới giải thoát mẹ ra khỏi địa ngục. Từ đó có lễ Vu Lan, hội Vu Lan cho những người con báo hiếu.

Hằng năm, tại Việt Nam vào ngày rằm tháng bảy, nhiều lượt người từ khắp muôn nơi, thiện nam, tín nữ đến lễ ở các Chùa, như ngày hội của việc báo hiếu. Theo tiếng chuông ngân vang đi vào lòng người, niềm tri ân cũng dâng lên, thúc giục lòng con, đến quỳ lạy trước Phật đài, đem hết lòng thành kính, cầu xin từ bi của Tam Bảo cứu độ cho cha mẹ được giải thoát. Qua những bông hoa cài áo, người khác có thể nhận ra được gia cảnh của mỗi người con: Bông Hồng tượng trưng cho mẹ. Ðể tỏ lòng thương nghĩ tới cha, nhiều nơi còn buộc giải nơ tượng trưng cho cha, Cha còn: nơ xanh, cha mất: nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: Hoa Hồng nơ xanh. Mẹ còn cha mất: Hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất cha còn: hoa trắng nơ xanh. Mẹ cha đều mất: hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình.

Nghĩa làm con, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống, cha mẹ mất cũng thắp đèn trời, ngày đêm khấn nguyện. Chữ hiếu sống cho trọn vẹn, cao đẹp dường bao.

"Công dưỡng dục thâm ân dốc trả
nghĩa sanh thành đạo cả mong đền,
làm con hiếu hạnh vi tiên"
(Kinh Vu Lan Bồn)
Mùa tháng bảy Vu Lan, phần lớn mọi người đều "ép mình" ăn chay trọn tháng, để gọi là báo hiếu ông bà cha mẹ. Những ngôi Chùa quen thuộc gần xa, là nơi hội tụ của mọi người "đốt hương đảnh lễ" cầu cho ông bà cha mẹ đã quá vãng, cũng như còn sống. Ðạo làm con đối với cha mẹ là cả một đời. Nghĩa sinh thành đến bao giờ trả xong, tình mẹ là bao la, công cha là núi Thái. Ðã bao đêm mẹ trăn trở " Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn". Những gì ngon ngọt mẹ dành, cha nhịn cho con, công ơn nuôi dưỡng, biết ngày nào quên.

Ở phương Tây, tuy không có tục thờ tổ tiên, tuy chữ hiếu không nâng lên thành "đạo", nhưng không vì thế mà không có ngày dành riêng để nhớ đến công ơn sinh thành của cha mẹ. Bằng chứng là họ có ngày (Mother's day) vào ngày Chúa Nhật tuần thứ hai trong tháng 5, và ngày dành cho cha (father's day) là ngày chúa nhật tuần thứ ba trong tháng 6. Ngoài ra, tháng mười một là tháng dành riêng để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Như vậy, có thể nói thời gian tháng mười một, là mùa Vu Lan báo hiếu đến muộn của người phương Tây.

Sách Huấn Ca nói nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, cách cô đọng mà rất tuyệt: "Ðức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha thì được trường thọ, ai vâng lệnh Ðức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà của con cái bền vững, lời nguyền rủa của mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, phải bị Ðức Chúa nguyền rủa." (Hc. 3,1-16).

https://thanhcavietnam.net/ThanhCaVN/?url=Download,7725,RP89-32FF61B4047F8650
Ở Việt Nam, chữ "Hiếu" được nêu cao, nhắc nhở cái đạo làm con. Ðó là căn bản của đạo đức gia đình, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhắc chữ "hiếu" có khi người ta thường nói tới "đức cù lao", "chín chữ cù lao" là do câu "cửu tự cù lao" có nghĩa là nhắc nhở đến chín điều cha mẹ nuôi nấng gánh chịu vì con: (1) sinh, (2) cúc (nâng đỡ), (3) phủ (vuốt ve), (4) xúc (cho bú), (5) trưởng (nuôi cho lớn), (6) dục (dạy dỗ), (7) cố (trông nom), (8) phục (săn sóc dạy bảo), (9) phúc (bảo vệ). Trong Kinh Thi có câu: "Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao" có nghĩa là: thương xót thay cha mẹ sinh ta khó nhọc. Trong bài thứ năm, dạy học trò ở cho phải đạo, sách Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi có viết: "Chữ rằng "sinh ngã cù lao", bể sâu khôn ví, trời cao khôn bì".

Ðã chẳng phải mẹ đã ru ta bằng những lời ca dao ngọt ngào sao? "Chim xa rừng còn thương nhớ cội. Người xa người tội lắm người ơi". Ta thấm đẫm từng lời ru của mẹ và ta lớn khôn, bay đi khắp phương trời. Ðúng như lời nhà thơ Nguyễn Duy viết : "Ta đi trọn kiếp con người. Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru".

Ít có người con nào, đã không được từng ngồi trên vai cha, tay nắm tóc, chân nhún nhảy, miệng cười khanh khách. Sự hy sinh của cha thầm lặng mà sâu. Có ai ngờ đâu, bao nhiêu thứ cha phải hy sinh, dành lại cho con những điều tốt đẹp nhất, mà mãi sau này người con mới hiểu.

"Nhìn được cha là ánh sáng tưng bừng, hương ấm áp của mặt trời mọc. Nhìn được mẹ là trăng vàng dịu ngọt, hiền hoà thay cho trăm cánh thêm sinh".

Ðạo hiếu đã thấm sâu vào lòng người Việt Nam. Sâu đến nỗi, việc hệ trọng nào trong gia đình cũng cần có cha có mẹ tham dự quyết định. Còn sống cũng như đã khuất, cha mẹ vẫn là người tham dự vào đời con một cách sâu xa nhất. Những khi buồn rầu hay cả những khi vui mừng, cha mẹ vẫn là những người chia sẻ với con nhiều nhất.

Báo hiếu đâu chỉ dừng lại ở những ngày "thắp đèn trời" kính nhớ, mà việc hiếu đạo còn dạy những người con báo hiếu ngay khi cha mẹ còn sống. Sách người xưa có dạy: "Hồn định thần tỉnh", ta dịch: "tối viếng sớm thăm", những ngày cha mẹ mắt mờ, tay kém, mắt con là mắt cha mẹ, tay con là bàn tay cha mẹ, đỡ nâng các ngài. Chăm sóc cha mẹ miếng ăn, cái uống, như những khi ta còn thơ bé, cha mẹ ta đã chăm chút cho ta thế nào thì ta cũng cố chăm chút cha mẹ như vậy, trong lúc tuổi chiều xế bóng.

Có một lúc trong tuổi già hiu quạnh, cha mẹ không còn đủ sức đi xa hơn bước chân của mình, không đủ sức đuổi con ruồi, con muỗi, bao nhiêu thứ cứ làm buồn lòng mẹ cha, sự hờ hững của dâu của rể, sự tẻ nhạt của con của cái, sự lơ là của cháu của chắt. Cha mẹ chỉ mong được chết sớm, để khỏi phiền lòng con cái. Cái đức hy sinh của cha mẹ còn đi cho hết đời như vậy, những người con cần ở bên cạnh cha mẹ biết bao. Cũng có những người con, vì lý do tất bật chiều hôm lo kiếm miếng ăn, hay vì một lý do nào đó, đưa cha mẹ vào trong trại dưỡng lão, đối với người Việt, không coi đó là điều đúng với "Hiếu Ðạo". Sự đời vẫn có tiếng chê: "Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày", hay "Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày". Thế mới biết báo hiếu đâu chỉ là món quà, đâu chỉ là những cánh thư thăm hỏi, và cũng không chỉ là những ngày thắp nhang kính nhớ. Báo hiếu đó là cả cuộc đời, cả một tấm lòng của người con với cha mẹ. Sống đạo làm con như vậy thật không dễ, không dễ bởi chính cha mẹ cũng cả đời hao mòn vì con cái.

Ngày lễ Vu Lan, ngoài việc báo hiếu cũng còn là ngày Tết của chư Tăng. Theo tinh thần giới luật của Phật, người xuất gia đã vào trong hàng Tăng Bảo, không hạn cuộc vào năm tháng của đời, không lấy ngày Tết của đời để tính thêm tuổi. Người xuất gia chỉ lấy ngày tháng kiết Hạ của mình, mà đánh giá mức tu hành của mình làm tuổi tác, thời gian kiết Hạ là từ rằm tháng Ba đến rằm tháng Bảy Âm Lịch. Rằm tháng Bảy là ngày mãn Hạ, cũng là ngày Tết của chư Tăng, đánh dấu một đoạn đường tu học, mỗi vị Tăng già thêm một tuổi Hạ, gọi là Hạ Lạp. Tuổi Hạ Lạp càng cao càng được tôn kính, như vị Phật sống.

Người Việt quan niệm đời tu cũng thật đơn giản ngay ở trong gia đình: "Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là đi tu".

Với Phật Giáo, cùng một quan niệm như thế trong việc tu tại gia: Quan hệ gia đình, nếu đạo tâm chưa vững, hành trì pháp môn chưa đắc lực, thì kết quả sự tu học của mình và người thân chưa có là bao. Kinh "Tạp A Hàm", Phật bảo các thầy Tỳ khưu, nếu người thọ trì bảy thứ thọ, người ấy sẽ được sinh lên cõi trời Ðế Thích. Chính trời Ðế Thích ngày xưa đã tu pháp này mà trong đó hiếu hạnh làm gốc. Ông thường hay cúng dường cha mẹ và các bậc tôn trưởng. Dung mạo ôn hoà, lời nói nhu nhuyến, không nói lời ác, không nói hai lưỡi, thường hay nói lời chân thật. Ðối với thế gian bỏn xẻn, ông tuy tại gia nhưng không bỏn xẻ, thường hay bố thí bình đẳng tất cả. Nên sau đó ông được sanh trên cõi trời.

Cái căn bản mọi sự ở đời bắt nguồn ở gia đình người Việt là như vậy, bao nhiêu điều học cơ bản, phải học ngay ở trong gia đình: Học về Tình Thương, học về đức tin, học về đời sống cầu nguyện, học về cách xử thế, về thành công và thất bại.
Qua đó, theo cách nói của người Công Giáo, ta có thể nói: Có sống với nhau mới sống với Chúa, có thành thật với nhau mới sống thành thật với Chúa, có lắng nghe nhau mới có thể lắng nghe tiếng Chúa được... mà tất cả những điều ấy, đều bắt nguồn từ đời sống gia đình.

Tầm quan trọng của gia đình người Việt Nam đã được Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam nói đến trong văn kiện ""Lineamenta" Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu: "Một Hội Thánh như một cộng đồng gia đình sẽ dễ hội nhập vào trong lòng xã hội Á Châu. Các tín hữu Công Giáo sẽ đến với anh em đồng bào của mình không phải như những kẻ xa lạ đến để thuyết phục, chinh phục hay ban phát, mà trước hết là để gặp gỡ chia sẻ. Chia sẻ là vừa cho vừa nhận. Chính Ðức Kitô cũng đã làm như vậy khi Người nhận từ nhân loại máu mủ thịt xương, cơm ăn áo mặc, lời nói và văn hóa, v.v... để rồi có thể chia sẻ cho nhân loại tình thương của Thiên Chúa nhờ tất cả những gì mà chính Người đã nhận được từ nhân loại. Một giám mục chúng tôi đã phát biểu đề tài nầy như sau tại Công Ðồng Vatican II: "Quan niệm Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Cách trình bày mầu nhiệm Giáo Hội bằng những từ ngữ về gia đình rất quen thuộc và dễ hiểu đối với mọi người (...) Trình bày Giáo Hội như là gia đình của Thiên Chúa giúp các Kitô hữu trở về với Tin Mừng, trở về với cách giảng dạy đơn sơ của Ðức Giêsu (Ðức Giêsu dùng rất nhiều hình ảnh về gia đình), nhờ đó mà dễ hiểu và thấm nhuần Tin Mừng hơn" (Acta Sunodalia Vat. II Vol II, Pars II, P 42-45, Typus Polyglottis Vaticanis, 1972). Chính Công Ðồng Vatican II cũng đã nói về đề tài nầy trong nhiều văn kiện, như trong Hiến Chế về Giáo Hội Lumen Gentium, 6, 32, 52; Sắc lệnh về truyền giáo, 1; Sắc lệnh về linh mục, 6."

Viết qua những dòng tìm hiểu mạo muội này về ngày Vu Lan, để cùng hiểu thêm những gì đã và đang ăn sâu trong lòng người Việt Nam hôm nay, với ước mong khi trình bày về Tháng kính nhớ tổ tiên của người Công Giáo, chúng ta cũng hoà hợp với tinh thần của dân tộc khi triển khai ý nghĩa mùa báo hiếu.




(nguồn : http://www.catholic.org.tw)

dominico_dung
04-09-2009, 12:40 PM
... Theo đạo Phật và truyền thống văn hóa Việt Nam, Vu Lan là lễ báo đáp công ơn cha mẹ, đồng thời là mùa xá tội vong nhân, thể hiện tinh thần từ bi của Phật giáo đối với chúng sinh; và tình người của dân tộc mình.

Thày Thích Đồng Thọ ghi lại “Vài suy nghĩ về ngày lễ Vu Lan”, Trường Văn xin trích đoạn gửi đến quý vị như sau: “Hai chữ “Vu Lan” được hình thành từ công hạnh cứu mẹ đầy cảm động của ngài Mục Kiền Liên do đó, lễ Vu Lan mang một ý nghĩ lớn là báo ân cha mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn….”
Vu Lan như là một tấm gương sáng cho mọi người có dịp soi lại mình, một người con, và tôn vinh sự hiếu hạnh của đạo làm người.

Qua đó, chúng ta còn góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc bởi Vu Lan, hiện của hiếu hạnh, đã được hun đúc qua bao thế hệ theo tinh thần Phật giáo và truyền thống văn hóa Việt Nam … ”Ơn nghĩa sinh thành” nhạc bản của Dương Thiệu Tước, hợp ca thiếu nhi …

Cũng trong Thư viện Hoa Sen, Thy Nga đọc thấy bài “Vu Lan Huế” của Thái Kim Lan rất cảm động nên xin trích đoạn và nhờ Nhã Trân trình bày, để chia xẻ cùng quý thính giả:

“Mục Kiền Liên Bồ Tát nhìn thấu suốt mấy cõi trời, vén màn vô minh, và với lòng thương mẹ, đã nhìn thấy mẹ đang bị trừng phạt trong chốn A tì. Bà đã sống thiếu lòng nhân ái vì vậy bị đày đọa trong địa ngục tối tăm.

Hai chữ “Vu Lan” được hình thành từ công hạnh cứu mẹ đầy cảm động của ngài Mục Kiền Liên do đó, lễ Vu Lan mang một ý nghĩ lớn là báo ân cha mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn… (Thày Thích Đồng Thọ)

Mục Kiền Liên đi vào địa ngục tìm mẹ, chẳng khác chi Orphée của thần thoại Hy Lạp đi tìm người yêu trong cõi chết, hay một nghệ sĩ ôm đàn lang thang muôn kiếp qua nhiều cõi ngân hà để một ngày vào độ trăng rằm, chay đàn cứu độ những kẻ đọa đày trở lại thế gian. (Orphée hay Orpheus, nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, là một nghệ sĩ có giọng ca và tiếng đàn mê hoặc cả những thú hoang, cũng như sỏi đá và cây cỏ. Nhờ thế, Ophée thuyết phục được những vị thần ở dưới điạ ngục cho phép Eurydike, người vợ thân yêu đã chết trở lại cõi trần với chàng.)

Tôi đã hiểu được qua Vu Lan, chữ Hiếu gắn liền với chữ Thương, không hạn hẹp mà rộng mở cho vô lượng chúng sinh: “tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân” Vu Lan được cảm nhận như là một lễ tôn giáo rất gần gũi với con người, gần gũi như tình mẹ thương con, con thương mẹ, như mưa ngoài sông, như trăng lên đầu ngõ, như tiếng nhạc lạ lùng trên sóng nước.

Đồng thời, Vu Lan cũng là cơ hội cho con người trên thế gian có thể vượt giới hạn của mình trên bước đường chuyển hoá để giải phóng cho mình và cho người. Bằng hạnh lực của chính mình, con người có thể “xá tội vong nhân” …

Cho nên, ý nghĩa của Vu Lan bao trùm cả vũ trụ nhân sinh, tưởng như sẽ không thấu hiểu hết được đối với những trí óc còn non nớt hoặc ngu muội, nhưng có lẽ sự diệu kỳ của bước chuyển hóa “xá tội đổi nghiệp”, đổi nghiệp “bát cơm lửa” thành nghiệp “bát cơm lành” bỗng thành đơn giản.

Sau mấy tháng kiết hạ giữ giới và chiêm nghiệm quán tưởng, rằm tháng Bảy là ngày trăng tròn đầu tiên được xem là ngày giác ngộ giải phóng cho tất cả chúng sinh từ con người giới hạnh đến những con người tha hóa, từ con người đang sống trên thế gian cho tới những hồn ma bóng quế trong chốn ngục tù tối tăm …

Với tình thương Mẹ, Mục Kiền Liên đã thực hiện cơ hội giác ngộ thành Phật mở rộng đến những cõi âm ti, đem từ bi và hy vọng đến những nơi vô vọng nhất của con người … cho nên, lòng người náo nức niềm vui khi nghĩ rằng những người khuất mặt đang chờ ngày cửa ngục được mở rộng để trở lại nhân gian …

Tôi đến các chùa lễ Phật, mỗi lần cúi lạy là một lần gần thêm với mẹ đã xa cách nghìn trùng, mỗi lần đem cơm cho những kẻ khốn cùng là một cơ hội chuyển chén than thành cơm trắng ngọt ngào ở nơi cõi xa nào đó …”
“Bông hồng cài áo” ca khúc không thể thiếu vào mỗi mùa Vu Lan, do thiền sư Nhất Hạnh viết vào năm 1962 gây xúc động cho bất cứ người nào đọc, và là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết nên bài hát cùng tên.
Cho nên, ý nghĩa của Vu Lan bao trùm cả vũ trụ nhân sinh, tưởng như sẽ không thấu hiểu hết được đối với những trí óc còn non nớt hoặc ngu muội, nhưng có lẽ sự diệu kỳ của bước chuyển hóa “xá tội đổi nghiệp”, đổi nghiệp “bát cơm lửa” thành nghiệp “bát cơm lành” bỗng thành đơn giản.
Cũng từ bài viết ấy, nghi thức cài hoa lên áo thiện nam tín nữ đến lễ chùa vào dịp Vu Lan, được phổ biến tại Việt Nam, bông màu đỏ cho người còn mẹ, bông màu trắng cho người đã mất mẹ.

Tục lệ này, thưa quý vị, bắt nguồn từ lễ “Mother’s Day” bên Mỹ. Chuyện rằng Anna Jarvis mong muốn vinh danh mẹ cô, là người đã từng tìm cách lập ra “Ngày hữu nghị của các bà mẹ” như một phương cách để hàn gắn những đổ vỡ đau thương của cuộc nội chiến.

Bà qua đời vào năm 1905 mà chưa thực hiện được ý nguyện. Vào giỗ mẹ năm 1908, Anna đến thành phố Grafton thuộc tiểu bang West Virginia, thuyết phục nhà thờ nơi bà từng dạy giáo lý, làm lễ tưởng niệm mẹ cô. Đó là vào Chủ Nhật 10 tháng 5, 1908, Anna mang hơn 500 đóa carnation (cẩm chướng, loài hoa mà mẹ cô ưa chuộng) đến tặng người dự lễ.

Theo truyền thuyết Ki-tô giáo, những giọt nước mắt của đức Mẹ khi theo chân Chúa Giê-su trên đoạn đường vác thập tự giá, tuôn rơi xuống đất thì hóa thành những đóa cẩm chướng.

Bông cẩm chướng màu trắng biểu trưng cho sự thanh khiết của tình Mẹ, Anna cài lên áo những người đã mất mẹ. Cẩm chướng màu đỏ thì được cài lên áo những người còn mẹ trong đời. Buổi lễ rất cảm động, là yếu tố thêm nữa thúc đẩy Anna theo con đường mà mẹ cô đã vạch ra, là vận động lập ra ngày lễ vinh danh các bà mẹ trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Đó là nguồn gốc của nghi thức cài hoa lên áo, theo sự truy nguyên của anh Khổng Trọng Hinh. Thế nhưng, người Việt vốn chuộng và quý hoa hồng nên dịp đại lễ Vu Lan, đa số lại cài hoa hồng, chứ không phải là cẩm chướng.
Tuy nhiên, hoa nào, màu nào cũng chỉ là biểu tượng...

Màu đỏ thắm thiết sẽ mang lại chút ấm áp cho người không còn diễm phúc đó nhưng biết rằng hình ảnh về mẹ, về cha, tình thương yêu ấy vẫn mãi trong lòng mình, và còn mãi với thời gian. Đóa hoa đỏ cũng nhắc mọi người trong chúng ta rằng các lễ Vu Lan êm đềm nhất, chính là những khi ta được sống bên mẹ, bên cha.

Chúc quý vị hưởng mùa lễ Vu Lan trong an lạc.


(trích soạn từ:© http://vietsciences. (http://vietsciences.net/)org (http://vietsciences.net/) và http://vietsciences.free.fr (http://vietsciences.free.fr/) và http://vietsciences2.free.fr (http://vietsciences2.free.fr/) - RFA - Thy Nga)

dominico_dung
19-10-2009, 06:31 PM
"Chúa Nhân từ, xin lắng nghe linh hồn tha thiết
Ăn năn kêu van, Lạy Chúa xin rủ thương..."
https://thanhcavietnam.net/ThanhCaVN/?url=Download,4450,RP89-553A4011328C4B4C