PDA

View Full Version : THÁNH NHẠC VÀ VIỆC CÔNG BỐ LỜI CHÚA (TÀI LIỆU CHÚA NHẬT GIÁO LÝ)



giusehien
11-09-2009, 09:37 PM
THÁNH NHẠC VÀ VIỆC CÔNG BỐ LỜI CHÚA (TÀI LIỆU CHÚA NHẬT GIÁO LÝ)


Lời và nhạc thuộc về nhau. Đôi khi sự liên kết giữ lời và nhạc quá chặt chẽ đến nỗi chúng ta khó mà nói nên lời nếu không cất lên tiếng hát, hay thật khó khi nghe một điệu nhạc quen thuộc mà không nghĩ đến lời. Từ lâu đời, nhạc cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của Hội Thánh, đặc biệt là trong việc công bố Tin Mừng, cầu nguyện, và đáp lại Lời Chúa. Các Giám Mục họp nhau tại Công Đồng Vaticanô II đã nhận ra sự liên hệ mật thiết giữa lời và nhạc, nên các ngài đã công bố rằng truyền thống thánh nhạc của Hội Thánh có một giá trị đặc biệt bởi vì “như là một sự tổng hợp của thánh nhạc và lời ca, nó tạo thành một phần của toàn bộ Phụng Vụ trọng thể” (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh - Sacrosanctum Concilium, số 112).


Thánh Nhạc Công Bố Lời Chúa


Thánh nhạc cung cấp một phương tiện hùng hồn cho việc công bố Lời Chúa, nhất là trong việc cử hành Phụng Vụ. Có một truyền thống lâu đời trong cả Hội Thánh Đông Phương lẫn Tây Phương, mặc dầu hiện thời không còn được thực hành cách thông thường trong nghi lễ Rôma, là việc các phó tế hay các thầy đọc sách hát Tin Mừng và những bài đọc Thánh Kinh khác trong Phụng Vụ.

Phần lớn người Công Giáo ngày nay quen thuộc với việc nghe những bài hát Đáp Ca dùng Thánh Vịnh. Những tài liệu chính thức về Phụng Vụ coi việc hát Đáp Ca Thánh Vịnh là một điều rất quan trọng đến nỗi thường thì phải được hát từ tòa giảng, là nơi những bài Thánh Kinh khác được công bố, bởi những người hát Thánh Vịnh được chỉ định.

Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Vụ Hội Thánh” năm 2008 thôi thúc các tín hữu thời đại hãy dùng mọi phương tiện sẵn có trong tay mà rao giảng Tin Mừng, kể cả “truyền thanh, truyền hình, sân khấu, phim ảnh và ca nhạc, gồm cả những phương tiện truyền thông gần đây hơn, như CD, DVD, Internet,…” (Bản Lineamenta dành cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Vụ Hội Thánh, số 26). Các nhạc sĩ và nhạc công đóng vai trò quan trọng trong công việc loan báo Lời Chúa cả bên trong cũng như bên ngoài bốn bức tường Thánh Đường.


Thánh Nhạc trong việc Cầu Nguyện bằng Lời Chúa


Thánh nhạc là một ngôn ngữ hùng hồn để công bố Lời Chúa, nhưng cũng là một cách diễn tả hiệu nghiệm giúp cộng đồng dùng Thánh Kinh mà cầu nguyện. Trong chuyến tông du nước Pháp vào tháng chín 2008, ĐTC Bênêđictô XVI đã ghi nhận rằng: “đối với những kinh nguyện được trích ra từ Lời Chúa, lời đọc xuông thì chưa đủ: mà bắt buộc phải có âm nhạc”.

Các Kitô hữu thường cầu nguyện bằng Lời Chúa qua việc hát các Thánh Vịnh và những bài Thánh Thi khác trong Thánh Kinh, như bài Magnificat của Đức Mẹ. Những bài thánh ca dựa trên Thánh Kinh này tạo thành nền tảng cho việc cho Phụng Vụ Giờ Kinh là kinh nguyện hằng ngày của Hội Thánh, và được dùng thường xuyên trong khi cử hành Thánh Lễ, các Bí Tích và những nghi thức khác.

Việc hát những bài Thánh Vịnh đã được dùng từ lâu trong những cuộc rước Phụng Vụ: thí dụ như khi tiến lên bàn thánh và khi đi lên Rứớc Lễ trong Thánh Lễ. Ở thế kỷ thứ năm, Thánh Cyrillô, Giám Mục Giêrusalem, nhắc cho các Kitô hữu vừa nhập đạo những bài Thánh Vịnh đã được hát khi họ và những phần tử khác của buổi tụ họp Phụng Vụ tiến lên lãnh nhận Thánh Thể: “Sau đó anh chị em nghe người ca viên dùng thánh ca để mời gọi anh chị em tham dự vào mầu nhiệm thánh. Lời Ngài là: ‘Hãy nếm thử và hãy nhìn xem Chúa thiện hảo dường bao’ (TV 34:9)” (Thánh Cyrillô thanh Giêrusalem. Bài Giảng Rửa Tội số 5, trong The Awe-Inspiring Rites of Initiation, 2nd ed., trans Edward Yarnold, SJ [Collegeville, MN, Liturgical Press, 1994], số 20).

Những tài liệu chính thức của Hội Thánh về Phụng Vụ tiếp tục khuyến khích việc hát một bài Thánh Vịnh hay một bài Thánh Thi vào lúc nhập lễ, lúc sửa soạn lễ vật, và trong khi Rước Lễ. Những tài liệu này còn cung cấp những bản văn Thánh Kinh thích hợp cho mỗi Thánh Lễ. Tuy nhiên những người chuẩn bị âm nhạc cho Thánh Lễ có thể chọn những Thánh Vịnh thích hợp khác để hát vào những lúc này.

Cộng thêm với những Thánh Vịnh và Thánh Thi, cộng đồng cũng hát những đoạn Thánh Kinh khác trong Phụng Vụ. Linh Mục và dân chúng cùng nhau hát những bài ca trích từ Thánh Kinh ở chính trọng tâm của Thánh Lễ - trong Lời Nguyện Thánh Thể - khi họ hợp cùng các Thánh và các Thiên Thần trong bài ca siêu việt chúc tụng Thiên Chúa dựa trên thị kiến của ngôn sứ Isaia: “Thánh, Thánh, Thánh, Thiên Chúa uy quyền và toàn năng. Trời đất đầy vinh quang Chúa” (xem Is 6:3).


Việc Dạy Giáo Lý, Thánh Nhạc và Lời Chúa


Bởi vì thánh nhạc là một yếu tố quan trọng như thế trong việc công bố Lời Chúa và cầu nguyện bằng Lời Chúa, cho nên nó cũng là một thành phần trong việc dạy Giáo Lý cho có hiệu quả.

Việc dạy Giáo Lý phải giúp cộng đoàn lắng nghe cách linh hoạt Lời Chúa khi được công bố trong thánh nhạc của Phụng Vụ. Dạy Giáo Lý tốt giúp mở tâm trí những người đến thờ phượng ra để họ nghe và suy gẫm Lời Chúa khi Lời này được những người hát Thánh Vịnh công bố trong những câu Đáp Ca hay trong một bản văn trích từ Tân Ước mà ca đoàn hát lên trong khi sửa soạn Lễ Vật. Những lời công bố bằng tiếng hát này đương nhiên tự chúng đã có một giá trị huấn giáo, bởi vì chúng giúp cộng đồng trở nên mỗi ngày một quen thuộc hơn với sự phong phú của Lời Chúa. Thánh nhạc có thể nhấn mạnh ý nghĩa của bản văn bằng cách làm cho cảm nghiệm của người nghe Lời Chúa được thêm sâu đậm.

Việc dạy Giáo Lý cũng phải đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho cộng đồng tham gia tích cực vào việc hát Lời Chúa. Thánh Phaolô truyền rằng khi tụ họp, các Kitô hữu phải “hát Thánh Vịnh, Thánh Thi, và những bài hát thiêng liêng với một tâm hồn biết ơn đối với Thiên Chúa” (Col 3:16). Các chương trình Giáo Lý phải giúp làm cho các tín hữu thấm nhuần trong lòng ý niệm rằng hát ca là một phần bình thường của những cuộc tụ họp của các Kitô hữu.

Các trường Công Giáo phải coi việc dạy âm nhạc và nghệ thuật (thánh) là một phần của chương trình đào luyện Giáo Lý, bằng cách cung cấp cho học sinh những tài năng cần thiết để tham gia tích cực vào Phụng Vụ. Việc dạy Giáo Lý một cách vững chắc đòi buộc rằng mỗi phần tử của cộng đồng được dạy về âm nhạc, rằng họ sẽ được mời ca hát, ngõ hầu họ có thể tham gia cách tự tín và vững tin (vào Phụng Vụ).

Những suy niệm nhiệm hiệp về phần ca nhạc của Thánh Lễ và các nghi thức khác cũng giúp cộng đoàn đào sâu việc gặp gỡ Đức Kitô trong Lời Chúa họ vừa nghe và cầu nguyện. Thí dụ, khi các dự tòng được mời ra đi trong Phụng Vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật, họ có thể cùng cộng đồng hát bài đáp ca Thánh Vịnh trong khi họ suy niệm về những bài đọc Thánh Kinh và những yếu tố khác của buổi cử hành Phụng Vụ. Những nhóm khác tụ họp để suy niệm về những bài đọc ngày Chúa Nhật cũng có thể thực hành theo cách này.


Thánh Nhạc Việt Nam trong các Lớp Việt Ngữ và Giáo Lý ở Hoa Kỳ


Một trong những lo âu của nhiều vị lãnh đạo các Giáo Xứ Việt Nam cũng như các phụ huynh Việt Nam tại Hoa Kỳ là làm sao để làm cho giới trẻ hăng say tham gia các sinh hoạt của Giáo Xứ. Vì trở ngại ngôn ngữ, rất nhiều người trẻ Việt Nam đã và đang tham gia Phụng Vụ ở các Giáo Xứ Mỹ thay vì đến Giáo Xứ Việt Nam. Có nhiều người cho rằng phải dạy Giáo Lý bằng tiếng Việt thì mới giữ được các em trong Giáo Xứ Việt Nam. Nhưng hậu quả của việc dạy Giáo Lý bằng tiếng Việt là các em không thấu triệt điều mình học nên mất căn bản về Giáo Lý. Khi phải bảo vệ Đức Tin trong một xã hội đa tôn giáo và tục hóa như Hoa Kỳ, các em dễ trở nên hồ nghi và lung lạc Đức Tin. Dạy Giáo Lý bằng song ngữ là một giải pháp dung hòa và rất hợp lý. Đó là lý do tại sao Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ đang cố gắng soạn thảo những sách giáo khoa Giáo Lý bằng song ngữ, và chúng tôi cố gắng phiên dịch những tài liệu mới nhất của Hội Thánh và của HĐGMHK ra tiếng Việt Nam để chia sẻ với các Giáo Lý viên. Muốn biết thêm chi tiết về bộ Giáo Lý song ngữ xin vào website Giáo Lý (http://giaoly.org/vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=365). Tuy nhiên sức người có hạn, dù cố gắng cách mấy đi nữa, thì các sách giáo khoa này cũng không được cập nhật hóa cho phù hợp với những biến cố hiện đại như các sách Giáo Lý của các nhà xuất bản Hoa Kỳ. Đồng thời với thời gian eo hẹp chỉ có 1 giờ đến 1giờ 30 phút một tuần, dạy Giáo Lý bằng song ngữ là một thách đố lớn đối với nhiều Giáo Lý viên.

Ở đây chúng tôi xin đê nghị một giải pháp là dạy các em những bài Thánh Ca Việt Nam trong các lớp Việt Ngữ. Học tiếng Việt bằng Thánh Ca giúp các em tập đọc các dấu chính xác hơn vì hầu hết nhạc Việt Nam đều được sáng tác cách nào để âm điệu phù hợp với dấu tiếng Việt. Lớp nhỏ thì tập những bài ngắn, lớp lớn thì tập những bài dài. Từ từ các em vừa đọc được tiếng Việt, vừa hát và hiểu ý nghĩa của Thánh ca Việt Nam. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi đề nghị biến các lớp Việt Ngữ thành những buổi tập hát, nhưng đề nghị là vẫn dạy Việt Ngữ và văn hóa Việt Nam như thường, nhưng chỉ thay thế một số bài tập đọc bằng tập hát, tôi đa là 15 phút mỗi tuần.

Làm như thế chúng ta vừa dạy được tiếng Việt, vừa giúp các em tham gia vào những buổi Phụng Vụ bằng tiếng Việt một cách hiểu biết, tích cực và linh hoạt hơn. Nhờ thế các em không còn cảm thấy xa lạ mà rời xa Giáo Xứ Việt Nam khi các em thoát ra khỏi vòng tay của cha mẹ.


Gặp Gỡ Lời Hằng Sống của Thiên Chúa

Dù được dùng trong việc công bố Lời Chúa hoặc cầu nguyện, âm nhạc hợp tác với Lời Chúa như một phương tiện để thu hút người ta đến gặp gỡ Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, là Đức Kitô. Công Đồng Vaticanô II công bố rằng trong Phụng Vụ sự hiện diện của Đức Kitô được tỏ bày bằng nhiều cách – trong con người của những thừa tác viên có chức thánh, trong việc công bố Lời Chúa, trong hình bánh rượu, và sau cùng “khi Hội Thánh cầu nguyện và ca hát” (Sacrosanctum Concilium, số 7).

Âm nhạc là một món quà của Thiên Chúa mở ra cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về vinh quang của Ngài. Mặc dù thẩm mỹ, âm nhạc và những nghệ thuật khác tỏ cho chúng ta thấy những khía cạnh của chân lý mà lời nói mà thôi không thể truyền đạt được. ĐTC Gioan Phaolô II đã ghi nhận rằng “trong không biết bao nhiêu trường hợp, lời trong Thánh Kinh đã trở thành hình ảnh, âm nhạc và các vần thơ, gợi lên mầu nhiệm của ‘Ngôi Lời làm người’ trong ngôn ngữ của nghệ thuật” (Thư gửi các Nghệ Sĩ, số 5, ngày 23 tháng 4, 1999).

“Như một tiếng kêu tận đáy lòng con người, âm nhạc là cách Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta đến địa hạt của những điều cao cả” (HĐGMHK, Sing to The Lord: Music and Devine Workship, Pastoral Liturgy Series 4, 2007, số 2). Dú chúng ta hát hay lắng nghe, âm nhạc có sức đem chúng ta vào những cảm nghiệm vượt trên những lời nói - đến một cuộc gặp gỡ riêng với chính Đức Kitô, Ngôi Lời làm người.

---------------------------------------------------

Viết phỏng theo Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2009 của HĐGMHK, thay đổi đôi chút cho hợp với người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.


Tác giả Phạm Xuân Khôi

Nguồn: http://www.dunglac.org/