PDA

View Full Version : DUYÊN NHÀ CỎ



Rosa_Huong
14-09-2009, 07:35 AM
BÂNG KHUÂNG
http://www.thanhlinh.net/baivo/2009/Sach/NhoMeDenVoiChua0909_files/NhoMe_clip_image002_0008.jpg

Cổ nhân có câu: “Mưu sự tại Nhân. Thành sự tại Thiên”. Cuộc sống vốn là một chuỗi liên hoàn những sự tình cờ, những điều bất ngờ, những khoảnh khắc ngẫu nhiên… Thế nhưng, có những sự ngẫu nhiên đôi khi lại khiến con người ta phải day dứt, dằn vặt cả một đời. Người ta thường đổ lỗi cho đó là tại cái số, cái duyên…Và có biết bao người đã vì chữ “Duyên” mà phải điêu đứng? Có biết bao người đã phải sống trong cảnh nghiệt ngã vì chữ “Duyên”? Chữ “Duyên” khi được ghép với những chữ khác nhau thì có ý nghĩa khác nhau, như chúng ta thường nhắc đến những cụm từ như: Duyên nợ; Duyên phận; Tình duyên; Nhân duyên… Điều ấy có nghĩa là chữ “Duyên” dù muốn dù không thì vẫn hay được gắn liền với chữ “Tình”. Thế nhưng trong câu chuyện của tôi chữ duyên lại được ghép với hai từ “Nhà Cỏ”.

Cái nắng ban trưa của đất Sài thành vào cuối năm cũng chẳng mát mẻ gì, như thường lệ cứ mỗi thứ năm là anh em trong nhóm áo xanh chúng tôi, ai việc nấy chuẩn bị cho giờ cầu nguyện Lòng Thương xót Chúa ở nhà thờ Chí Hòa. Công tác của tôi thì xem ra “nhàn hạ” hơn vì phải bận tiếp bao nhiêu là cuộc điện thoại; nào là đến lấy vài bịch quần áo, nào là đến nhà tôi lấy 10 cân gạo; nào là hôm nay có phải cha Long làm lễ không?… và ghi nhận lại những người trực tiếp đến hỏi hay giãi bày sự việc nữa chứ!...Thế mà vui, vui vì tất cả đều chân tình, vui vì cái duyên đã đưa tôi đến với công tác này, để lòng thương xót Chúa soi rọi đủ đầy, uốn nắn lòng tin nơi họ qua những việc bác ái – giúp cộng đoàn chúng tôi có đủ điều kiện để nối dài cánh tay, mở rộng nhân ái đến những hòan cảnh, những mảnh đời mà lòng thương xót Chúa kêu mời chúng tôi phải đến.

“Chú ơi!Có người gặp” – Thằng bạn “khô như ngói” hôm nay cũng biết đến nhà thờ, chuyện lạ! Qua hàn huyên một lát như được xả hơi, mà thực lòng có được xả hơi đâu, thế là… Sáng sớm hôm sau, cũng trên chiếc xe cà tàng ngày ấy, tôi đưa người Thầy của mình trực chỉ theo hướng mà thằng bạn trưa hôm qua chỉ đường. Lần mò hỏi thăm mãi, trước mặt thầy trò tôi, một vài túp lều đội trên đầu mái lá thấp chạm đất, nặng chịch, nằm rải rác quạnh hiu trong một khu đất trơ trụi, trông như những trại chăn nuôi gia cầm. Không lẽ hai thầy trò đi nhầm chỗ hay thằng bạn hôm qua lâu ngày không gặp nó “giễu cợt” mình? Như thúc bách, tôi mạnh dạn kéo xệch vài sợi kẽm chắn ngang, hình như đây là cánh cổng thì phải, như biết có người lạ đến, một dáng người đàn ông coi bộ cũng to khỏe bước ra chào và hỏi thăm thầy trò tôi. Qua vài câu xã giao, anh Ngọc – người chăm sóc và quản lý nơi này tự giới thiệu, anh dẫn thầy trò tôi đi rảo quanh một vòng lán trại (anh Ngọc gọi vậy), vừa đi, anh vừa kể nguồn gốc sao anh về đây, sao anh lại có được một khoảng đất trống giữa đồng không mông quạnh, sao anh lại đang làm một công việc thế này, một công việc mà chẳng mấy ai dám làm và nghĩ đến… Như để minh chứng cho lời nói, mặt trời giữa trưa cũng tỏa cái nắng cuối năm thật gay gắt, anh nở một nụ cười thật tươi như để kết thúc câu chuyện đang nói dở, anh mời thầy trò tôi ghé vào một lán trại, một túp lều thì đúng hơn để uống nước. Vừa đặt người xuống chiếc ghế được chắp nối từ những mảnh gỗ vụn, mắt tôi như hoa lên, như không nhìn rõ dưới nền nhà có một vài người nằm thì phải, thấy tôi lúng túng, anh Ngọc liền tiếp lời và bộc bạch tất cả công việc thầm lặng của anh suốt mấy năm qua. Đúng như lời anh nói, những mảnh đời bất hạnh, những thân xác đã bị “nàng tiên nâu” mượn mất, những ánh mắt vô vọng đã bị HIV - căn bệnh của thế kỷ đánh cắp. Đa số những tấm thân còn da bọc xương được anh Ngọc cưu mang đem về, còn lại họ từ tìm đến, nương náu, ẩn nấp để chờ ngày từ biệt cõi trần… Tôi thầm hiểu và ước mong được gánh đỡ phần nào cái vất vả, cái chật vật đang ngày càng đè nặng trên sự hy sinh vượt trội ấy. Cái hy sinh mà ít người không dám nghĩ đến. Chết thật! Mình khóc tự lúc nào, mà Thầy tôi cũng vậy hay sao ấy! Thầy nghẹn ngào hỏi anh vài câu nữa, thầy nhìn lên, đôi mắt đỏ hoe.

Không khí bỗng nhẹ hẳn bởi sự khéo léo của “ông chủ lán trại”, anh khoe với thầy trò tôi, anh cùng các đệ tử của “cái chết trắng” vừa hoàn thành xong đền Đức mẹ, vừa hoàn công xong cây thập tự giữa khu đất bằng 2 cây gỗ, giúp các “đệ tử” cầu kinh sáng tối, vừa tạo được mảnh vườn nho nhỏ để cải thiện thêm cho bữa ăn hàng ngày. Anh tâm sự: “ Còn và còn nhiều lắm những việc trước mắt chưa làm được…” Vì nếu có một ngày cả lán trại mà im lặng hơn hôm nay, là hôm ấy anh bận đi mất cả ngày trời cùng với chiếc xe Charly cũ mèm – chiếc xe thay thế công việc của chiếc xe tang mang một thân xác về với tro bụi, nhưng hạnh phúc thay, “đệ tử” của anh ai cũng được làm con Chúa trước khi rời xa vĩnh viễn lán trại này. Mải nghe anh Ngọc nói, tôi quên bẵng không để ý đến thầy, như dự định một điều gì, thầy đẩy cái nhìn bao quát toàn khu trại trước khi thầy trò tôi tạm biệt “ông chủ lán trại”. Cái bắt tay siết chặt, anh Ngọc lại cười thật tươi: “Chúng con thật có duyên khi được cha ghé qua thăm…”. Lại là cái duyên như lời anh nói “Cái duyên của anh đã gặp được ông chủ của mảnh đất này, chỉ có vài câu chuyện lề đường, mà ông ấy cho anh mượn một khu đất, để anh thực hiện được ước mơ của mình”
http://www.thanhlinh.net/baivo/2009/Sach/NhoMeDenVoiChua0909_files/NhoMe_clip_image004_0003.jpg
…Suốt chặng đường về, hai thầy trò im lặng, không ai nói với ai một tiếng…Rồi bỗng một ngày, được lệnh xuất phát! Thầy cùng các bạn áo xanh, trong đó có cả tôi nữa chứ! Tất cả răm rắp theo sự chỉ huy của thầy, trực chỉ “đổ bộ” vào lán trại. Tôi nhớ mãi hôm ấy, nào cuốc, nào xẻng, nào dao, nào búa… cả đoàn người cưỡi ngựa sắt phía sau xe là những bao cỏ căng phồng, xanh mướt. Tốp thanh niên cơ bắp thì lợp lại những mái lá bị dột, thu dọn, đốn bỏ những lùm cây, cuốc đất cho tơi để những bàn tay nữ nhi mềm mại hơn gieo vào mặt đất những mầm cỏ tươi xanh, mơn mởn. Thoáng có nửa buổi, đứng vuốt mồ hôi trán, tôi thấy không gian như thay đổi hoàn toàn, cái nheo mắt vì cái nóng hừng hực cộng với bụi đất không còn nữa. Cả lán trại được nhuộm một màu xanh của cỏ, một màu xanh giao hòa giữa trời và đất. Các “đệ tử” không còn phải nằm dưới sàn nhà nữa, thay vào đó là những chiếc giường cá nhân thật riêng tư, êm ái… Thầm trong lòng “Chúng con xin tạ ơn Chúa, chúng con xin tạ ơn Người…”. Thật vậy, tất cả nơi lòng thương xót Chúa đã dùng chúng con đem lại chút an ủi, chút an bình đến với những mảnh đời chỉ vì một lần lầm lỡ, chỉ vì một lần sa chân, náu thân nơi chốn này để tìm được hơi ấm cuối cùng, hơi ấm của tình người, hơi ấm của bao la tình Chúa. Xin Chúa hãy biến đổi tâm hồn họ.

“Cha ơi! Thế là xong rồi. Từ hôm nay mình gọi đây là Nhà Cỏ đi cha?” Vọng đâu đó lanh lảnh tiếng một người trong nhóm. Thế là, cái lán trại giờ đây được thay tên đổi họ bằng hai tiếng thân thương ấy! Buổi tĩnh tâm ngắn gọn trước khi chúng tôi ra về, những cái bắt tay mạnh dạn của nhóm áo xanh với những “đệ tử nàng tiên nâu” của Nhà cỏ xen lẫn những nụ cười thật tươi, nhưng sao mắt ai cũng đỏ hoe thế này… đấy là những giọt nước mắt thương cảm, những giọt nước mắt mang đầy hơi ấm của tình người.

Và từ đó đến nay, tuần tự, tháng nào chúng tôi cũng “đổ bộ” lên đây để làm những công việc như thế, tô điểm cho nhà cỏ ngày một tươi hơn, xanh hơn…Có một lần, tôi không nhớ rõ lắm, một mình đi “công tác Nhà cỏ”, gần đến nơi thì trời đổ mưa, tiện đường tôi tạt qua thăm ông bà sui gia cũng gần đấy, cũng là dịp chúc mừng vì nghe là ông vừa được bổ nhiệm chức vụ mới. Qua bữa cơm thanh đạm hâm nóng tình nghĩa thông gia, với cái tính “không để gì trong bụng được” tôi vô tình buột miệng là “đi công tác Nhà cỏ”. Nghe 2 từ nhà cỏ, ông bạn sui gia tròn xoe mắt hỏi sao tôi liên can gì mà biết đến nhà cỏ, ông kể lại, theo như phản ảnh nơi ấy là nơi không mấy gì tốt đẹp, nơi mà làm ô nhiễm môi trường sống xung quanh…Như bị trời giáng, khi nghe ông bạn khẳng định là sẽ bị “giải tỏa trắng” khu đất đó. Ngoài trời cơn mưa như nặng hạt hơn, mặt tôi như tái đi, cố lấy lại bình tĩnh, tôi chân chất: “Khu đó mà bị giải tỏa thì chết em!”. Sau khi ông bạn sui gia nghe tôi kể hết đầu đuôi rành rọt, trong tình thân ái, ông bạn nở một nụ cười rất tươi và hứa sẽ cố gắng xem lại sự việc để giúp đỡ cộng đoàn có điều kiện thực hiện những công việc từ tâm. Cái bắt tay siết chặt, tôi vội tạm biệt khi ngoài trời cơn mưa chưa dứt hẳn. Thật lạ lùng, trong lòng nửa mừng nửa lo, muốn chạy nhanh về để được trực tiếp báo cáo cho thầy, nhưng nghĩ lại phải chạy qua nhà cỏ để dặn dò anh Ngọc - “ông chủ lán trại” mấy công chuyện cần thiết đã chứ! Luống cuống, xe tôi vấp phải một hòn đá, người và xe té nhào. Xui xẻo, à không! Miệng tôi thầm tạ ơn Chúa, vì Ngài đã se hết cái duyên này đến cái duyên khác. Tôi cũng thấy mình thật hạnh phúc.

Người ta vẫn nói cuộc sống đầy những cơ duyên, tôi cũng tin vào điều đó vì cũng nhờ cái duyên mà anh Ngọc gặp được ông chủ đất tốt bụng, cũng nhờ vào cái duyên mà qua thằng bạn “khô như ngói” thầy trò và nhóm áo xanh mới thực thi “cho những kẻ bé mọn” nơi nhà cỏ được, cũng nhờ vào cái duyên của tình nghĩa thông gia mà ông bạn chân tình đã cố gắng giúp đỡ những người con lỡ lầm có cơ hội được quay về làm con Chúa, cũng cái duyên của tất cả những “cái Duyên” cộng lại sẽ tạo nên những cánh tay đầy lòng nhân ái, qua những việc làm bác ái thiết thực… Và còn nhiều cái duyên khác sẽ đến cho những người luôn tin vào những điều giản đơn nhất. Tất cả cũng viết lên chữ “Tình”. Trong tình Chúa và nhờ vào lòng Thương xót Chúa đã tạo nên cái “Duyên Nhà cỏ”.

Tĩnh lặng bên ly café đen còn bốc khói, tôi miên man và rất ư là khó hiểu?

Kiếm khách ChieuTrien
Chiều lang thang Bình Mỹ - Củ Chi




(Tập san Nhờ Mẹ đến với Chúa tháng 09/2009)