PDA

View Full Version : CỦNG CỐ TÌNH YÊU và HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH



cafeda2009
14-09-2009, 09:16 AM
Củng Cố Tình Yêu và Hạnh Phúc Gia Đình


Sưu tầm


Chủ đề này được chọn chỉ vì lý do sau đây: Hơn bao giờ hết loài người hiện nay đang gặp phải rất nhiều khó khăn thử thách trong đời sống hôn nhân gia đình. Một anh bạn ở Houston, tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) chia sẻ với tôi là trong vòng gia đình hai bên của vợ chồng anh, có tất cả 26 cặp, thì có 24 cặp đã ly hôn. Chỉ còn hai cặp là còn chung sống: cặp của vợ chồng anh và cặp của người chị vợ anh. Một anh bạn khác là giáo sư một đại học công giáo Mỹ cũng cho tôi biết là trong vòng gia đình họ hàng anh, hầu hết các cặp đều tan vỡ, dù phần lớn họ đều là những người tri thức và thành đạt trong xã hội. Dù đây chỉ là hai trường hợp ‘cá biệt’ thì vấn đề hôn nhân gia đình bền vững và hạnh phúc quả rất đáng được suy nghĩ.

Ở Việt Nam thì tình trạng ly hôn còn tương đối ít, nhất là trong giới công giáo. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có quyền chủ quan mà thiếu quan tâm. Chính Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Sài-Gòn, Gioan Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn, cũng đã đề ra đường hướng mục vụ cho giáo phận là củng cố gia đình và phát huy các tiềm năng của gia đình công giáo, để đóng góp vào việc xây dựng một xã hội Việt Nam lành mạnh, đạo đức.

Đề nghị quý ông bà anh chị hãy thử nhìn lại cuộc sống cá nhân và gia đình của mình, để nhận định và hệ thống hóa các kinh nghiệm mà quý vị đã có được sau 5, 10, 15, 20, 25, 30…năm đời sống hôn nhân gia đình và vạch ra một vài định hướng cho ngày mai.

Để giúp anh chị thực hiện điều đó, tôi chỉ nói đến một số khía cạnh hết sức cụ thể của chủ đề nêu trên. Và để anh chị dễ nhớ, tôi xin chọn 5 vấn đề đều bắt đầu bằng chữ T:

1 - TÍNH (Tính Tình),
2 - TÌNH (Tình Yêu),
3 - TIỀN (Tiền Bạc, Của Cải),
4 - TỬ (Con Cái),
5 - TIN (Đời sống Đức Tin).

Bài chia sẻ của tôi, tuy cũng xuất phát từ những hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân của một người đã sống cuộc sống hôn nhân hơn 28 năm nhưng chỉ mang tính gợi ý. Điều quan trọng là quý ông bà anh chị biết nhận định, so sánh, liên hệ và nối kết những hiểu biết và kinh nghiệm được tôi trình bày ở đây với những hiểu biết và kinh nghiệm riêng của quý ông bà anh chị. Và sau trình bày gợi ý này, quý ông bà anh chị sẽ trao đổi, chia sẻ với nhau trong các nhóm nhỏ, nhất là trong các nhóm sinh hoạt đoàn thể công giáo, trong tình thân hữu của những người cùng là con cái của Chúa và là anh em chị em với nhau trong cùng một gia đình Đức Tin.

Ước gì cuộc sống hôn nhân và gia đình của mỗi cặp trong chúng ta được củng cố vững chắc hơn và có nhiều hạnh phúc hơn!

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
30/9 bis Trường Chinh, Phường 15
Quận Tân Bình, Sài Gòn.
(Giáo xứ Nhân Hòa, Hạt Tân Sơn Nhì).

cafeda2009
14-09-2009, 01:39 PM
Bài Một: Tính

(tiếp theo)


Tính là tính tình của hai vợ chồng. Về tính tình của hai vợ chồng tôi chỉ xin lưu ý quý ông bà anh chị em hai điều sau đây:

1. Điều thứ nhất

Thông thường hai vợ chồng có tính tình khác nhau, có khi đối nghịch nhau. Cha ông ta đã có câu “Cha sinh con, trời sinh tính” để nói lên sự hình thành tính tình con người do nhiều yếu tố khó xác định. Tính tình khác nhau thì thường dẫn tới sở thích khác nhau. Vợ chồng chẳng những có thể có những sở thích rất khác nhau, mà đôi khi còn mâu thuẫn nhau nữa. Cái, điều người này chê ghét lại là cái, điều người kia ưa thích. Cha ông ta đúc kết kinh nghiệm ấy trong câu: “Ghét của nào, trời trao của ấy”.

Tính tình và sở thích của hai vợ chồng khác nhau có nhiều nguyên nhân rất dễ hiểu nhưng lại rất dễ bị quên lãng.

a) Trước hết do hai người khác nhau về giới, một là nam và một là nữ đã là khác biệt quá sức lớn rồi. Khác nhau về giới sẽ dẫn tới khác nhau về tâm sinh lý.

· Về tâm lý, thì người nam thường có tính đại khái, còn người nữ thường là người chi li. Nói cách khác người đàn ông thường chỉ để ý đến những nét lớn, còn người phụ nữ lại quan tâm đến các chi tiết nhỏ nhặt. Cũng về tâm lý thì người nam thường hướng ngoại, người nữ thiên về hướng nội hơn; trái tim người nam có 4 ngăn, trong khi trái tim người phụ nữ chỉ có một ngăn, nghĩa là ngoài gia đình vợ con, người đàn ông còn nhiều mối bận tâm khác: công danh, sự nghiệp, uy tín xã hội, thành đạt trong trường đời; còn đối với người phụ nữ thì gần như gia đình chồng con là tất cả.
· Về sinh lý thì nam có nhu cầu sinh lý mạnh hơn, thường xuyên hơn nữ và trong ân ái thì nam lại nhanh được thỏa mãn hơn nữ.

b) Ngoài khác nhau về giới, vợ chồng còn có thể khác nhau về nguồn gốc, về nền giáo dục và trình độ văn hóa.

Khác nhau về nguồn gốc: một người gốc nam và một người gốc bắc, hay gốc trung sẽ đem lại bao điều khác biệt cho cuộc sống chung; một người đạo dòng và một người tân tòng cũng có thể tạo nên bao nhiêu khác biệt trong cách đánh giá các sự việc.

Khác nhau về nền giáo dục và trình độ văn hóa: một người tri thức sống với một người có trình độ trung bình cũng có thể gặp nhiều khập khiễng trong đời sống lứa đôi, vì quan điểm, tầm nhìn có thể rất khác nhau.

c) Ngoài những khác biệt kể trên, vợ chồng còn có thể khác nhau về môi trường làm việc và các mối quan hệ xã hội. Một người làm giáo viên sống với một người buôn bán, nhất là buôn bán chợ trời, thì chắc chắn không dễ hòa hợp với nhau, dù rằng rất yêu nhau. Cũng thế một người thích giao du bạn bè sống với một người không thích tiếp xúc, gặp gỡ ai thì quả là khó hòa hợp với nhau.

Đó là tôi chỉ đơn cử một số nét về khác biệt mà ai trong chúng ta cũng đã biết. Cho phép tôi đặt câu hỏi này với quý ông bà anh chị: Có khi nào quý ông bà anh chị có cảm tưởng là mình lấy lầm người không? Có khi nào quý ông bà anh chị lấy làm ngạc nhiên về chính sự chọn lựa thời trai trẻ của mình không? Có khi nào quý ông bà anh chị thắc mắc không hiểu tại sao mình lại lấy ông/anh ấy làm chồng, bà/chị ấy làm vợ không? Tôi thường nghe nhiều người phát biểu: “Giá biết như thế, tôi đã chẳng thèm lấy ông/anh ấy làm chồng!” “Giá biết bà/cô ấy như thế thì dù có cho vàng, tôi cũng chẳng dám rước về làm vợ!” Hoặc có ông bà anh chị nào thắc mắc về chính đời sống hôn nhân gia đình của mình: “Không hiểu tại sao mà vợ chồng mình lại sống được với nhau bấy nhiêu năm trong khi hai người rất khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau về tính tình và sở thích?”

Nhưng , kính thưa quý ông bà anh chị, chính sự khác biệt ấy lại tạo nên sức hút, sự hấp dẫn đối với nhau đấy quý ông bà anh chị ạ. Chính sự khác biệt ấy làm cho hai người cần có nhau để bổ túc và bù đắp cho nhau, để cả hai người trở nên phong phú, hoàn hảo hơn đấy! Trong vườn địa đàng vì thấy A-đam ở một mình không tốt nên Thiên Chúa đã tạo nên E-và để E-và làm trợ tá tức hỗ trợ và bổ túc cho A-đam!

2. Điều thứ hai

Vì tính tình vợ chồng khác nhau là chuyện bình thường và không thể tránh khỏi, nên điều quan trọng là khi chung sống vợ chồng càng ngày càng hiểu rõ nhau hơn thì hai người cần biết chấp nhận nhau, biết thích nghi với nhau, biết nương tựa và tương nhượng nhau hơn.

Đừng ai bắt người khác phải suy nghĩ, hành động giống hệt như mình. Mỗi người là một con người, mỗi người có một nhân vị, mỗi người có một thế giới riêng biệt, không ai giống ai.

Có những người đàn ông đầu óc gia trưởng lấy mình làm tiêu chuẩn cho cách sống trong gia đình, muốn vợ con phải tuân thủ mọi chỉ thị của mình. Cũng có những phụ nữ có xu hướng “độc đoán” muốn khống chế chồng mình trong những suy nghĩ hẹp hòi, nông cạn của mình, muốn hoàn toàn “chiếm hữu” chồng không chỉ trong lãnh vực tình cảm mà cả trong lãnh vực sở thích và suy nghĩ nữa.

Cách đây khoảng hơn mười năm tôi có dịch một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Pháp gồm nhiều bài thơ về tình yêu. Cuốn sách đó có tựa đề là: “TÌNH YÊU, QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA” (Amour, Don de Dieu). Trong số những bài thơ của cuốn sách nhỏ ấy, có một bài tôi rất thích nên thường đọc và quảng diễn cho các bạn trẻ trong các Lớp Giáo Lý Chuẩn Bị Hôn Nhân. Bài thơ ấy mang tựa đề “MỘT KHÔNG GIAN ĐỂ LỚN LÊN”. Bài thơ xuất phát từ một câu chuyện đại khái như vầy: hai người con trai con gái kia yêu nhau tha thiết. Một hôm người con gái gặp chuyện rất buồn vì người yêu của nàng không đối xử với nàng như nàng mong đợi, nên khi về nhà, nàng trút hết niềm tâm sự của mình với ông bố. Cô gái cứ đinh ninh rằng ông bố sẽ bênh vực mình mà trách móc chàng trai kia. Nhưng ông bố chẳng những đã không bênh vực “con gái rượu” của ông mà lại bênh vực chàng trai, người yêu của con gái ông. Tôi xin đọc lại bài thơ ấy cho anh chị thưởng thức và suy nghĩ.


“Thôi, con đừng có tỏ ra quá “chiếm hữu” như thế!”.
Bố em đã nói lời đó với em tối hôm qua,
Khi em ngừng khóc để kể cho bố nghe tất cả.
Em cứ tưởng rằng bố em
cũng nhìn sự việc giống như em,
cũng đồng ý rằng anh phải thích sống
tất cả thời gian của anh với em,
cũng như em, em ao ước sống
tất cả thời giờ của em với anh.
Thay vì thế, bố em lại đứng về phía anh.
Quả bố có đưa cho em chiếc khăn mù sao của bố
-như ngày xưa bố vẫn thường làm
khi em còn là một con bé -,
và bố vỗ khẽ lên vai em.
Nhưng rõ ràng là bố đã đứng về phía anh,
khi bố nói với em:
“Đôi khi, con nên để cho nó sống
cuộc sống riêng của nó.
Một người đàn ông cần phải có không gian
để là chính mình.”
Anh cần không gian để anh được là chính anh ư?
Anh có thực sự cần không gian không?
Và em nữa, em có cần không gian không?
Cần không gian để lớn lên, để phát triển ư?
Cần không gian cho người khác ư?
Tình yêu của em có đủ mạnh
để dành cho anh khoảng không gian tự do đó không?
Vì thực ra, Tình Yêu và Tự Do
luôn luôn phải đi đôi với nhau.


Xin lưu ý quý ông bà anh chị hai chi tiết nhỏ liên quan đến bài thơ:

1o) Dưới tựa đề “Một không gian để lớn lên” thì tác giả còn ghi thêm câu nói của Lord Byron:


“Đối với người đàn ông, tình yêu chỉ là một phần của cuộc sống”,
Còn đối với phụ nữ, tình yêu là toàn bộ cuộc sống của họ”.


2o) “Tình yêu và Tự Do luôn luôn phải đi đôi với nhau”: không có nghĩa là trong tình yêu người ta vẫn hoàn toàn được tự do muốn làm gì thì làm, mà chỉ có nghĩa là dù hai người nam nữ yêu nhau và đã thành vợ thành chồng của nhau thì mỗi người vẫn cần có tự do để phát triển theo cách riêng của mình. Nói cách khác tình yêu,- ở đây là tình yêu vợ chồng,- chỉ là tình yêu khi người ta tự nguyện chứ không bị trói buộc tù túng.

Kết luận

Vậy thì vấn đề của những người làm vợ làm chồng là phải biết rõ tính tình của mình và của người bạn đời của mình, tức “biết người biết ta”, để thay đổi trong chừng mực có thể và để thích ứng với người phối ngẫu. Có thể chúng ta mới tránh được cảnh đổ vỡ không đáng có. Ai trong chúng ta cũng biết rõ lý do được đa số các cặp vợ chồng nêu lên khi ly hôn là “KHÔNG HỢP”. Không hợp cũng có nghĩa là không biết chấp nhận, chịu đựng và thích ứng với nhau. Nhất là tại các nước Âu Mỹ, tự do cá nhân rất được đề cao và có nhiều áp lực từ cuộc sống thì người ta càng khó chấp nhận, chịu đựng và thích ứng với người vợ/chồng của minh.

(còn tiếp)



Sưu tầm

cafeda2009
14-09-2009, 03:08 PM
Bài Hai: Tình



(tiếp theo)


Về tình yêu vợ chồng tôi cũng xin được phép lưu ý quý ông bà anh chị hai điều sau đây thôi:

1. Điều đáng lưu ý nhất:

Nếu như quý ông bà anh chị đã vì yêu nhau mà kết hôn với nhau và nguyện “sống đời ở kiếp” với nhau, thì không phải vì thế mà tình yêu không có thể bị sói mòn, thậm chí bị giết chết. Vợ chồng muốn có mãi “tình yêu nồng thắm, tươi trẻ…” thì hai người phải dầy công vun đắp và phải cảnh giác đối với các nguyên nhân dẫn tới tình trạng phai nhạt hay giết chết tình yêu.

Có nhiều nguyên nhân có thể giết chết hay ít ra là làm giảm bớt tình yêu của vợ chồng. Có thể là tính tình, sở thích của hai người quá xung khắc, mà cả hai hoặc một bên ngoan cố, độc đoán không chịu thay đổi và thích ứng cho phù hợp. Có thể là đời sống kinh tế quá khó khăn. Có thể là sự ngoại tình của một người phối ngẫu. Nhưng tôi muốn lưu ý cách đặc biệt đến một nguyên nhân tự nó là không quan trọng nhưng lại có tác hại vô cùng to lớn: Đó là sự thờ ơ của một hay của cả hai người không coi trọng việc chăm sóc vun trồng tình yêu.

Khác hẳn với thời gian đầu của cuộc sống lứa đôi, càng khác xa với thời gian chưa cưới, giờ đây vợ chồng sống bên nhau mà ít quan tâm chăm sóc cho nhau. Sống với nhau 5-10, 15-20 thậm chí 25 năm rồi, có với nhau hai ba mặt con rồi, hai người biết quá rõ về nhau, cả sở trường lẫn sở đoản, cả đức tính lẫn nết xấu của nhau, nên vợ chồng dễ lơ là chểnh mảng việc chăm chút cho nhau. Chăm chút cho nhau không chỉ miếng cơm, ngụm nước, mà còn phải biết quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, hoài bão của nhau nữa. Quan tâm để chia sẻ, nâng đỡ, khích lệ và ủi an.

Có nhiều phụ nữ phàn nàn là sau khi lấy chồng rồi thì không còn biết đến chuyện gì khác ngoài chuyện chồng con, bếp núp. Bao nhiêu sinh hoạt thời con gái (sinh hoạt hội đoàn, giáo lý, xã hội) bị gác hết sang một bên. Có nhiều người chồng trách cứ vợ là chẳng quan tâm gì đến hoài bão, ước mơ của mình; vợ chẳng để ý gì đến thành công hay thất bại trong công ăn việc làm của mình; vợ chẳng chia sẻ với mình những công việc “ích nước lợi dân” mà chồng tha thiết, say mê. Hai người “đồng sàng” (cùng ngủ một giường) mà “dị mộng” (ôm ấp, theo đuổi những ước mơ khác nhau). Chúng ta đừng quên rằng vợ-chồng và cha mẹ-con cái Thiên Chúa và Giáo Hội mời gọi xây dựng gia đình thành một cộng đoàn hiệp thông sâu sắc với nhau trong mọi lãnh vực nhân bản cũng như tâm linh của con người.

Vì thế hôn nhân lý tưởng là hôn nhân giữa hai người cùng lúc vừa là vợ chồng của nhau vừa là bạn tâm tình, là đồng chí của nhau.

2. Điều đáng lưu ý thứ hai:

Sự chăm chút cho nhau giữa vợ chồng còn phải được quan tâm trong một lãnh vực hết sức tế nhị, khó và ngại nói, nhưng cũng rất cần phải nói: Đó là việc chăm chút cho nhau trong đời sống ái ân vợ chồng. Điều này quan trọng hơn chúng ta thường nghĩ.

Trong một cuốn sách nhỏ nói về hạnh phúc lứa đôi có tựa đề là: HOW TO KEEP YOUR WIFE HAPPY? (Tạm dịch: LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐEM LẠI HẠNH PHÚC CHO VỢ?), tác giả là William W.Orr đã đưa ra kết quả một cuộc điều tra đáng chúng ta suy nghĩ: “Chị có được thỏa mãn trong đời sống chăn gối với chồng không?” Nếu như chúng ta làm cuộc điều tra này tại Việt Nam và nhất là tại các giáo xứ, thì chắc chẳng có người vợ công giáo nào dám trả lời vì câu hỏi ấy quá tế nhị và liên quan tới chuyện riêng tư, thầm kín rất khó nói.

Kết quả cuộc điều tra kể trên khiến nhiều người phải kinh ngạc: Cứ trong số 10 người vợ trả lời câu hỏi được nêu, thì chỉ có một người cho biết là được thỏa mãn trong đời sống ái ân với chồng mà thôi. Tại sao vậy? Chắc chắn có nhiều nguyên nhân. Có thể là vì các ông chồng ích kỷ, chỉ biết tìm thỏa mãn một mình mình mà không biết chờ đợi vợ và giúp vợ mình tiến cùng một nhịp. Cũng có thể là nhiều bà vợ chỉ biết thụ động, thậm chí chịu đựng “việc ấy” như chịu một cực hình mà không hưởng ứng, không tham gia với chồng. Nguyên nhân còn có thể là do yếu tố thời gian, sự quen thuộc, khiến cả vợ lẫn chồng “cho nhau” theo thói quen, theo nhu cầu sinh lý, không chăm chút, chuẩn bị, không quan tâm đến việc âu yếm, vuốt ve nhau trước, trong và sau khi “cho nhau”.

Vì thế trong lãnh vực tinh tế khó nói này, vợ chồng cần quan tâm đến một số điều sau đây:

(1o) Điều thứ nhất là hai người phải chân thành cởi mở với nhau, thẳng thắn nói cho nhau biết mình được thỏa mãn hay không thỏa mãn trong mỗi lần vợ chồng ân ái với nhau.

(2o) Điều thứ hai là hai người phải cùng nhau chăm chút hơn nữa đến đời sống chăn gối, không phải chỉ quan tâm đến kỹ thuật thể lý mà quan tâm đến các việc thể hiện lòng yêu thương trìu mến, đến việc chuẩn bị, đến lời nói và cử chỉ âu yếm trong và sau khi ân ái với nhau.

Một kinh nghiệm khác của các nhà nghiên cứu đời sống gia đình được ông Willam W. Orr nêu trong cuốn sách nói trên, cho thấy ít người quan tâm đến việc ấn định trước với nhau giờ phút ái ân. Cũng như xưa kia khi chưa lấy nhau thì hai người thường có những cuộc hẹn hò, thì nay vợ chồng cũng nên có “thỏa thuận” trước về thời điểm “gần gũi nhau”. Làm như thế để không ai, nhất là người vợ, bị bất ngờ và không có chuẩn bị. Hơn nữa làm như thế thì cả hai người có thêm cái thú chờ đợi. Thật vậy, về mặt tâm lý thì khi chúng ta càng chờ đợi một điều gì đó, thì khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ thích thú tận hưởng điều đó hơn. Cũng như khi chúng ta càng chờ đợi một người nào đó, thì khi người đó xuất hiện, chúng ta càng vui vẻ đón tiếp người đó hơn. Quý ông bà anh chị có kinh nghiệm tương tự như thế không? Hãy thử làm theo những gì tôi gợi ý ở đây xem kết quả có tuyệt vời không!

Kết luận:

Tình yêu vợ chồng giống như một cây cảnh quý. Nếu chúng ta muốn tình yêu ấy luôn xinh tươi, tốt đẹp thì chúng ta không thể không quan tâm dến việc chăm sóc, vun tưới. Vì tình yêu vợ chồng bao hàm cả lãnh vực tâm sinh lý nhân bản và tâm linh của con người, nên việc chăm sóc cũng cần được thể hiện trong tất cả những lãnh vự ấy.

(còn tiếp)



Sưu tâm

cafeda2009
14-09-2009, 04:30 PM
Bài Ba: Tiền


(tiếp theo)


Tiền là tiền của, là tài sản vật chất của vợ chồng. Không cần phải nói thì ai trong chúng ta cũng hiểu đồng tiền quan trọng như thế nào trong cuộc sống của con người ngày hôm nay. Có biết bao người khổ vì không có tiền. Có biết bao người khổ vì phải kiếm tiền. Và cũng có bao người khác khổ vì có quá nhiều tiền. Hình như người Pháp có câu châm ngôn này: “Đồng tiền là tên đầy tớ hữu dụng nhưng lại là ông chủ bất lương”. Ý nói rằng: nếu chúng ta biết sử dụng đồng tiền như là một phương tiện thì nó rất hữu ích; nhưng nếu chúng ta để đồng tiền làm chủ mình thì chúng ta sẽ khốn khổ vì nó. Nó sẽ điều khiển chúng ta và biến chúng ta thành những kẻ tham lam, mưu mô, nham hiểm và độc ác.

Về tiền, tôi cũng xin được phép lưu ý quý ông bà anh chị hai điều này thôi:

1. Điều thứ nhất:

Tiền bạc của cải là của chung của hai vợ chồng. Trong mỗi gia đình việc kiếm ra tiền có thể là khác nhau: có gia đình thì là do vợ là chính, có gia đình thì là do chồng là chính, nhưng phần lớn thì do cả hai người cùng làm ra tiền, ngang hay gần ngang nhau. Việc quản lý hay giữ tiền cũng khác nhau tùy mỗi gia đình: có gia đình thì vợ là người giữ tiền, có gia đình thì chồng là người quản lý. Cũng có gia đình thì việc quản lý là của cả hai vợ chồng.

Ai làm ra tiền, ai quản lý tiền không phải là điều tôi muốn nói ở đây. Điều tôi muốn đề cập với quý ông bà anh chị là việc chúng ta có coi tiền của là tài sản chung của cả hai người hay chúng ta coi đó là tài sản riêng của một người, ví dụ của người làm ra nhiều tiền nhất, không? Cha ông ta đã có câu: “của chồng công vợ” để nói lên quan điểm coi mọi thứ tài sản đều do hai vợ chồng tạo dựng nên, tức là tài sản chung. Mà đã là tài sản chung của hai ngườithì vợ chồng phải bàn bạc với nhau, phải có ý kiến trong việc sử dụng. Chứ không một người nào có toàn quyền muốn chi tiêu sao thì chi tiêu, mua sắm gì thì mua sắm.

Ở Mỹ tôi nghe kể có một người phụ nữ kia tối ngày đi shopping (mua hàng ở siêu thị), mua hết thứ này đến thứ khác, không cần đếm xỉa đến sự vất vả và lao động của người chồng. Kết qua là hai người chia tay. Một gia đình khác mà tôi biết cũng rơi vào cảnh tan vỡ vì người chồng làm ra được bao nhiêu thì đem nướng hết ở sòng bài (casino) mà không đem về cho vợ con được đồng nào. Tôi cũng biết có hai cặp vợ chồng người Việt khác sống ở hai tiểu bang khác nhau nhưng đều biết sử dụng đồng tiền một cách rất có ý nghĩa. Họ không có con cái, nên mỗi tháng, mỗi năm đều dành ra một khoản tiền giúp cho việc truyền giáo ở Việt Nam. Thậm chí họ còn thỏa thuận với nhau là khi một trong hai người chết, thì người còn sống không được dùng hết khoản tiền chung của hai người mà chỉ thừa hưởng một nửa thôi, còn nửa kia dâng cúng vào công cuộc bác ái, từ thiện hay truyền giáo.

2. Điều thứ hai:

Tôi muốn lưu ý quý ông bà anh chị là tiền bạc của cải là của chung của hai vợ chồng đã đành, mà cũng là của Thiên Chúa nữa. Trong cách nói thông thường của người công giáo, chúng ta đều xác nhận mọi cái (cái nhà, cái xe, cái tiệm, cái công ty v.v…) chúng ta có là đều do Thiên Chúa ban cho. Nhưng trong thực tế khi sử dụng tiền bạc, chúng ta lại không cư xử phù hợp với chân lý ấy.

Giáo lý của Thánh Phaolô và của Hội Thánh Công giáo rất rõ ràng về điểm này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tiền bạc, của cải cũng như những khả năng khác như sức khỏe, tài năng, công ăn việc làm, hoàn cảnh và địa vị xã hội. Nhưng Thiên Chúa ban tất cả những thứ ấy cho chúng ta không phải để chúng ta sở hữu chúng mà chỉ để chúng ta quản lý chúng mà thôi. Chúng ta đều đã biết thế nào là người quản lý tốt. Người quản lý tốt là người biết làm cho số vốn được ông chủ (là Thiên Chúa) giao cho mình sinh lời sinh lãi, chẳng những cho bản thân và còn cho cả tha nhân và xã hội nữa.

Nếu chúng ta thực sự coi tiền của của chúng ta là tài sản của Thiên Chúa, thì trước khi quyết định làm việc gì, mua sắm gì, nhất là những thứ tốn nhiều tiền, chúng ta đều phải tham khảo ý kiến của Thiên Chúa, vì Người là mới chính là chủ nhân ông (real owner) của khoản tiền trong túi hay trong tài khoản ngân hàng của ta.

Kết luận:

Tất cả những gì chúng ta đang có trong tay, trong tủ, trong nhà, trong tài khoản ngân hàng, trong sổ tiết kiệm đều là những nén vàng, nén bạc Thiên Chúa giao cho chúng ta quản lý để chúng ta sinh lời sinh lãi cho mình và cho tha nhân. Chúng ta không phải là “các ông bà chủ” mà chỉ là những người quản lý các tài sản ấy mà thôi!

Như vậy thì tâm tình của chúng ta phải là tâm tình biết ơn, tin tưởng phó thác và có trách nhiệm. Biết ơn vì Thiên Chúa đã chu cấp cho chúng ta những thứ chúng ta cần thiết cho cuộc sống. Tin tưởng phó thác vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Trách nhiệm vì chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về cách chúng ta sử dụng tiền bạc của cải – cũng như những hồng ân khác – mà chúng ta đã lãnh nhận đấy!

(còn tiếp)



Sưu tầm

cafeda2009
15-09-2009, 09:55 AM
Bài bốn: Tử


(tiếp theo)


Chữ “tử” dùng ở đây có nghĩa là con cái (chứ không phải là cái “chết” cũng được gọi là tử). Về con cái tôi cũng xin lưu ý quý ông bà anh chị chỉ hai điều này thôi.

1. Điều lưu ý thứ nhất:

Con cái vừa là niềm vui, là hạnh phúc vừa là gánh nặng, là nỗi âu lo của các bậc làm cha làm mẹ. Con cái không chỉ là con cái của chúng ta, mà còn là con cái của Thiên Chúa, của Giáo hội và cả của xã hội, của đất nước chúng ta đang sống nữa. Vì thế mà trách nhiệm sinh dưỡng và giáo dục con cái nên người và nên người Kitô hữu chính danh là một trách nhiệm hết sức vinh quang và nặng nề của cha mẹ. Nhất là vào thời buổi này thì vấn đề nuôi dưỡng và giáo dục con cái lại càng nặng nề khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiệm vụ khó khăn nặng nề ấy phải do cả cha lẫn mẹ đảm trách. Và trong công việc giáo dục con cái thì điều quan trọng nhất là con cái phải luôn luôn cảm nhận được sự yêu thương, đời sống gương mẫu và sự thống nhất quan điểm của cha mẹ trong lẽ sống nói chung và trong giáo dục nói riêng.

Riêng về gương mẫu của cha mẹ, tôi xin kể câu chuyện của một gia đình bạn sống ở Pháp: Trong chuyến đi Âu châu cách đây 7-8 năm do Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tài trợ, tôi có ghé thăm gia đình một anh bạn sống ở Strasbourg. Anh chi có 5 người con, hai gái ba trai. Sau những năm đầu khó khăn, cuộc sống của gia đình anh chị dần ổn định và thành công về nhiều mặt. Một hôm chúng tôi trao đổi vời nhau về vấn đề giáo dục con cái, anh bạn kể cho tôi nghe một câu chuyện này:

“Một bữa nọ, khi gia đình tôi ở trong phòng khách thì có tiếng chuông reo ngoài cửa. Cháu trai thứ hai ra mở cửa rồi vào nói với bố là có bác X. muốn gặp tôi. Vì không muốn tiếp người bạn đó, nên tôi nói với cháu là con hãy ra cửa nói với bác X. là bố không có nhà. Chẳng những không làm theo lời tôi nói, thằng bé còn thẳng thắn “quạt” cho tôi một chập: “Tại sao bố dạy con nói dối? Bố đang có mặt ở nhà, chứ bố có đi vắng đâu mà bố nói là bố đi vắng! Nếu bố không thích gặp bác ấy, thì bố cứ nói thẳng ra, có sao đâu? Chứ tại sao bố lại nói dối và dạy con nói dối?”.

Anh bạn tôi nói thêm với tôi rằng:

“Dĩ nhiên là mình cứng họng, mình còn có thể nói gì với con trong trường hợp như thế!”

Từ câu chuyện nhỏ trên, chúng ta có thể rút ra nhiều điều bổ ích. Cả trong lãnh vực đời lẫn trong lãnh vực sống Niềm Tin tôn giáo, con cái chúng ta cần những tấm gương sống động để chúng định hướng và xây dựng cuộc đời của chúng. Tiếc là cả ngoài xã hội lẫn trong Giáo hội, con em chúng ta dễ gặp những người chỉ biết nói mà không biết làm nhiều hơn là những người biết làm những điều họ nói! Mong quý ông bà anh chị không quên câu nói dân gian này: “Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn”. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II (nếu tôi không lầm) cũng đã nói một câu đại khái như vầy: “Thời đại ngày nay, người ta cần các chứng nhân hơn cần các thầy dậy” Thiết nghĩ trong lãnh vực gia đình câu nói trên cũng rất chí lý. Có nhiều cha mẹ hối thúc con đi nhà thờ mà bản thân mình thì không đi, dạy con sống yêu thương tha thứ mà bản thân mình không bác ái và thứ tha.

2. Điều lưu ý thứ hai:

Trong giáo dục con cái, các anh các chị nên đặc biệt quan tâm đến việc giúp cho con cái mình biết sống có lý tưởng. Ngày nay chủ nghĩa “thực dụng” và “duy vật” đang lan tràn khắp nơi. Nó xâm nhập vào mọi môi trường, mọi quan hệ và hủy hoại các tâm hồn một cách đáng ghê sợ! Nhiều người, không khéo cả con em chúng ta, cũng bị lây nhiễm và sống với cái não trạng hẹp hòi và méo mó này: “Cái gì có lợi cho bản thân tôi là tốt, không có lợi cho tôi là không tốt”. Lợi hay không lợi ở đây là lợi về mặt vật chất, tài chánh, ngay lập tức hay nhãn tiền. Không khéo thì người trẻ của chúng ta xa lạ với lý tưởng sống cao đẹp, vị tha. Không khéo thì con em chúng ta tưởng nhầm rằng ngoài tiền bạc của cải, thú vui vật chất không còn giá trị nào khác đáng để con người phải tìm tòi, hy sinh.

Cách đây mấy năm một anh bạn tôi và tôi được ông Hoàng Xuân Việt mời đến gặp gỡ nói chuyện, giao lưu với một số các học viên của ông. Một phần học viên là các sinh viên đại học, một phần đông hơn là những người đã học xong đại học và đang có nghề nghiệp ổn định đàng hoàng trong xã hội. đại đa số là người không công giáo.Với một đối tượng đặc biệt như vậy chúng tôi không khỏi lúng túng trong việc chọn đề tài cho buổi gặp gỡ giao lưu. Cuối cùng, theo gợi ý của ông Hoàng Xuân Việt, chúng tôi đã chỉ kể lại cho các học viên ấy những công việc mà chúng tôi đã và đang làm và nói tại sao chúng tôi làm những công việc ấy. Chúng tôi chỉ kể lại một cách đơn sơ như một buổi chia sẻ, không khoe khoang tự đắc, không tím cách thuyết phục ai. Anh bạn tôi là người từ mười mấy năm trời nay đã dấn thân vào công việc chăm lo cho một số trẻ em đường phố. Con số các cháu được giúp đỡ lúc bấy giờ là 528 cháu tại 6 địa điểm khác nhau trong địa bàn thành phố. Anh lấy đó làm niềm vui, là hạnh phúc, là ý nghĩa cuộc sống của anh và của gia đình anh.

Còn tôi là người cũng từ mấy chục năm chuyên lo việc giúp giới trẻ và người giáo dân trưởng thành thông qua các lớp giáo lý, thánh kinh, cộng đồng mà không đòi hỏi một khoản thù lao nào. Ngoài ra trong khoảng thời gian 1993-1997 tôi cũng làm việc với một tổ chức xã hội từ thiện của Mỹ tên là Food for the Hungry International (Lương thực cho người đói) trong nhiều chương trình y tế, giáo dục, xã hội và phát triển phục vụ người nghèo và từ năm 1998 tôi lại cộng tác với anh bạn tôi để chăm lo cho các cháu bụi đời nói trên.

Buổi nói chuyện và giao lưu của chúng tôi đã tạo được một ấn tượng mạnh mẽ và tốt đẹp nơi nhiều người trẻ. Họ có dịp tiếp cận với những con người cụ thể, có lý tưởng sống rất rõ ràng và sống lý tưởng ấy một cách khiêm tốn, âm thầm. Nhiều bạn trẻ đã phát biểu cảm tưởng là buổi giao lưu với hai chúng tôi tối hôm ấy làm họ “bừng tỉnh” vì giúp họ khám phá điều quan trọng này: trong cuộc đời này đâu chỉ có tiền bạc của cải mới đáng phải vất vả tìm tòi, đầu tư công sức, mà còn có bao nhiêu giá trị cao quý khác cũng đáng tìm kiếm; trong cuộc đời này đâu chỉ có quan hệ mua-bán, cho-nhận, hai bên cùng có lợi, mà còn có một loại quan hệ khác: hiến tặng nhưng không, làm việc mà không đòi thù lao, giúp đỡ mà không chờ đền đáp! Một thanh niên sống có lý tưởng bao giờ cũng dễ thành công hơn trong cuộc đời, phải không quý ông bà anh chị? Hơn nữa đối với Ki-tô hữu chúng ta thì thử hỏi có lý tưởng nào tốt đẹp, cao cả hơn lý tưởng của Tin Mừng.

Vì thế cho nên cha mẹ phải giúp cho con cái có được một lý tưởng cao thượng về công bằng bác ái Ki-tô giáo. Và phải quan tâm tạo môi trường cho con cái chúng ta thực hiện lý tưởng ấy. Trên thực tế tốt nhất là khuyến khích và giúp đỡ chúng tham gia các sinh hoạt hội đoàn như Thiếu Nhi Thánh Thể, Lễ Sinh, Giáo Lý Viên, Linh Hoạt Viên, Giới Trẻ…Trong Đại Hội về Đất Hứa IV của Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam được tổ chức vào đầu mùa hè 2004 tại Chapman University (California), nhiều người đã phải sửng sốt vì con số các linh mục và nữ tu xuất thân từ Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Kết luận:

Một trong những điều tôi ghi nhận được trong các chuyến đi Mỹ là trẻ con Việt Nam ở Mỹ có cá tính rất mạnh, chúng rất chủ động và thông minh. Tôi cho rằng đó là do ảnh hưởng của môi trường sống và do việc các bà mẹ và thai nhi được chăm sóc rất chu đáo về mặt y tế và dinh dưỡng. Sự kiện này càng làm nổi bật vai trò của giáo dục gia đình đối với sự phát triển và hình thành nhân cách của con trẻ. Nhưng sự giáo dục phải được thực hiện từ rất sớm, ngay từ khi đứa trẻ chưa chào đời và trong những năm đầu tiên của nó. Người Việt Nam chúng ta có phương châm: “Uốn tre thì phải uốn từ lúc nó mới là măng!”

(còn tiếp)



Sưu tầm

cafeda2009
15-09-2009, 05:51 PM
Bài năm: Tin





(tiếp theo và hết)



Tin là Niềm Tin, là Đời Sống Đức Tin, là Cách sống Đức Tin của hai vợ chồng.

Có lẽ một số ông bà anh chị đã thầm trách tôi là đã không nói đến vấn đề Đức Tin – là vấn đề quan trọng bậc nhất – ngay từ đầu. Vì chưng đối với chúng ta là các Ki-tô hữu thì mọi lời ăn tiếng nói, mọi suy nghĩ hành động đều phải xuất phát từ Niềm Tin Ki-tô của mình. Quả đúng như vậy. Tất cả mọi sinh hoạt con người đều phải bắt nguồn từ Niềm Tin, đều phải đối chiếu với Niềm Tin, đều phải thấm nhuần Niềm Tin. Tôi nói là tất cả: cả trong việc đón nhận những khác biệt về giới, về tính tình và sở thích đến việc giải quyết và hóa giải những mâu thuẫn trong đời sống gia đình; cả trong việc tìm kiếm và sử dụng tiền bạc; cả trong việc giáo dục và đón nhận con cái; thậm chí cả trong việc vợ chồng yêu thương hy sinh cho nhau cho đến việc ăn nằm, ân ái với nhau (Xin hãy nhớ lời cầu nguyện của Tobia (Tb 8.4-8) là một bài học trong Lễ Hôn Phối).

Vì thế khi trình bày các vấn đề tính, tình, tiền, tử ở trên tôi đều lấy tinh thần Ki-tô giáo làm chuẩn cho cách nhìn và giải quyết vấn đề. Nhưng tôi vẫn muốn sắp xếp mục Đức Tin ở mục cuối cùng bài nói chuyện này vì đó là điều quan trọng nhất và bao trùm tất cả các vấn đề đã được trình bày từ đầu cho đến giờ. Chúng ta nên nói gì với nhau ở bài cuối này?

Tôi cũng xin được lưu ý quí ông bà anh chị hai điều:

1. Điều thứ nhất:

Phần lớn chúng ta nghĩ đơn sơ rằng: mình đã có Đạo, đã có Đức Tin, thì chỉ cần giữ đạo, giữ Đức Tin ấy (tức không để mất Đạo, mất Đức Tin) là đủ. Thật ra không phải thế. Đức Tin như hạt cải được gieo vào lòng chúng ta. Đức Tin ấy phải được lớn lên, phải được phát triển, phải đâm rễ sâu vào cuộc đời chúng ta và phải sinh hoa kết trái công bằng và bác ái cho những người chung quanh. Muốn cho hạt giống Đức Tin lớn lên thì chúng ta phải chăm bẵm, vun trồng. Chăm bẵm vun trồng bằng đời sống cầu nguyện, bằng đời sống Bí Tích, bằng việc học hỏi nâng cao trình độ hiểu biết về Giáo Lý, Thánh Kinh, Thần Học, Công Đồng. Chăm bẵm vun trồng hạt giống Đức Tin bằng đời sống bác ái, hy sinh, bằng cách chu toàn bổn phận làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. Thường thì từ sau ngày lập gia đình, chúng ta phải lao đầu vào việc làm ăn sinh sống để kiếm tiền đảm bảo kinh tế cho gia đình, mà sao lãng việc phát triển đời sống Đức Tin của mình và của bạn đời. Sau 5, 10, 15, 20, 25 năm, chúng ta ít nhiều đã có tài sản và cơ nghiệp, đã có “của ăn của để” như kiểu nói bình dân, thì chúng ta được thong thả hơn để nhìn lại vấn đề và điều chỉnh cuộc sống một cách phù hợp.

Việc trau dồi đời sống Đức Tin càng ngày càng là một đòi hỏi hợp lý và cấp bách trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển cao như ngày nay. Chúng ta có thể dùng một hình ảnh khá bình dân: giống như con người có hai chân để có thể bước đi một cách cân bằng, vững chãi thì những người có đạo cũng cần có hai chân để bước mạnh và tiến xa: một chân là kiến thức trình độ học vấn đời thường, một chân là vốn liếng Giáo lý, Thánh kinh, Thần học. Có nhiều người trong chúng ta là bác sĩ, kỹ sư, giám đốc công ty, chủ nhà máy, dân biểu hay thượng nghị sĩ quốc hội, nhưng chỉ có vốn giáo lý xưng tội rước lễ vỡ lòng. Thử hỏi làm sao những người ấy có đời sống tinh thần và cân đối và phong phú?

2. Điều thứ hai:

Hôn nhân Kitô giáo là một Bí Tích, Bí Tích của Tình Yêu. Nhưng có thể cả khi quý ông bà anh chị theo học các Khóa Giáo Lý Chuẩn Bị Hôn Nhân trong thời gian trước đây cũng như những năm tháng sau này của đời sống gia đình, có lẽ quý ông bà anh chị ít có dịp tìm hiểu một cách cặn kẽ, đầy đủ ý nghĩa của Bí Tích ấy. Ngày nay ở một số nơi, việc giúp các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân chỉ được thực hiện cách sơ sài, làm chiếu lệ cho có, thì làm sao mà các người làm chống làm vợ thấu hiểu được ý nghĩa của Bí Tích Hôn Nhân và biết cách sống Bí Tích Hôn nhân ấy cho phong phú và hiệu quả?

Chúng ta thường chỉ được dạy rằng: Bí Tích Hôn Nhân làm cho chúng ta thành vợ thành chồng trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội. Mà chúng ta không hề biết rằng Bí Tích Hôn Nhân là hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta sống đời vợ chồng một cách phong phú, thánh thiện mỗi ngày. Sống Bí Tích Hôn Nhân có nghĩa là chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là cội nguồn và cùng đích của Tình Yêu. Sống Bí Tích Hôn Nhân có nghĩa là hai vợ chồng phải yêu nhau như Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương Giáo hội. Sống Bí Tích Hôn Nhân còn có nghĩa là đời sống hôn nhân và gia đình của chúng ta phải trở nên Bí Tích tức trở thành dấu chỉ và công cụ của Tình Yêu đối với tha nhân và thế giới, nghĩa là qua cuộc sống và tình yêu của hai vợ chồng. Tình Yêu của Thiên Chúa hiện diện trong thế giới loài người.

Kết luận:

Linh mục Đào Quang Chính, Dòng Đa Minh đã phổ biến một bài viết với tựa đề: BẠN LÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO LOẠI NÀO? Trên Vietcatholic News ngày 25/02/2004. Theo cha Chính thì có hai cách sống đạo: cách thứ nhất là “biểu dương đức tin” (Demonstration of faith) và cách thứ hai là “tìm hiểu đức tin” (Understanding of faith).

Cách sống đạo “biểu dương đức tin” có một số dấu hiệu như: Đi nhà thờ thường xuyên, hàng tuần, hàng ngày - Đi chầu Thánh Thể - Rước kiệu - Ăn chay hãm mình đền tội - Hành hương. Và có việc bác ái như: Thăm viếng người bệnh trong nhà thương, tư gia - Làm thừa tác viên Thánh Thể, đọc sách trong nhà thờ - Đọc kinh liên gia trong giáo xứ - Thăm viếng và an ủi người cô nhi, quả phụ - Mời người khác vào trong đoàn thể Công giáo của mình - Mời người xa nhà thờ trở lại cùng Giáo hội - Chú tâm đến ơn đặc sủng của đoàn thể mình đang sinh hoạt. Đa số các việc này có liên quan đến nhà thờ.

Còn cách sống đạo “tìm hiểu đức tin” thì có các dấu hiệu như: Học Thánh Kinh - Học thần học tại giáo xứ, các trường đại học (Bible class) - Đi dự các buổi thuyết trình, hội thảo tại các hội nghị. Và có các việc thường làm như: Dạy giáo lý tại giáo xứ - Tranh đấu cho công bằng, bác ái xã hội - Tranh đấu cho quyền lợi con người (nhân quyền) - Giúp đỡ người cô thân, cô thế, tỵ nạn - Giúp đỡ các quốc gia nghèo.

Xin quý ông bà anh chị cho tôi được phép hỏi: quý ông bà anh chị là người công giáo loại nào?

Sưu tầm