PDA

View Full Version : VỀ NGÀY HỌP MẶT CÁC TÁC GIẢ ĐỒNG XANH THƠ



ThanhCaVN
23-01-2008, 08:54 PM
Dunglac.org
Đồng Xanh Thơ

THƯ MỜI
Kính gửi: ……………………………………….

Kính thưa quí Đức Ông, quí Cha, quí tác giả và quí vị,

- Để kỷ niệm một năm trang thơ Công Giáo ĐỒNG XANH THƠ lên trang trên MẠNG LƯỚI DŨNG LẠC
- Để các tác giả ĐXT có cơ hội gặp gỡ chia sẻ và trao đổi về văn học Công Giáo
- Được sự cho phép của Đức Giám Mục GP Phan Thiết
- Được sự cổ vũ của Đức Ông Linh Mục Nhà Thơ Xuân Ly Băng, Linh Mục Nhà Thơ Trăng Thập Tự
Trang thơ Công Giáo Đồng Xanh Thơ
Kính mời …………………………………………………………….
Tham dự BUỔI HỌP MẶT CÁC TÁC GIẢ ĐỒNG XANH THƠ
Tại Tòa Giám Mục Phan Thiết 422 Trần Hưng Đạo TP Phan Thiết
Lúc 7g30 ngày 20-01-2008
Rất mong quí Cha, quí tác giả và quí vị tham dự.
................................................................Tm. Mạng Lưới Dũng Lạc
................................................................Phụ trách Đồng Xanh Thơ
................................................................Pm. Cao Huy Hoàng

ThanhCaVN
23-01-2008, 08:57 PM
CHƯƠNG TRÌNH
07g30:
Tập trung

08g00:
Khai mạc: Đức Ông Tổng Đại Diện GB. Lê Xuân Hoa – Nhà thơ Xuân Ly Băng;
Ngâm thơ (Nghệ sĩ Kim Lệ)

08g45:
Thuyết trình I: Nguồn Thi Hứng Công Giáo
(Lm. Nhà thơ Trăng Thập Tự);
Nhạc sĩ Lưu Văn Trung trình bày bài Quỳ Hoa
phổ thơ Trăng Thập Tự.

09g45:
Thuyết trình II: Thi Ca Công Giáo từ Thượng nguồn
(Nhà Thơ Lê Đình Bảng).
Nhạc sĩ Trần Anh Vũ trình bày bài
“Kinh cầu Mẹ Ban Mê” - Phổ thơ LĐB.

10g45:
Thánh Lễ Đồng Tế: Đức Cha Phaolô chủ tế

Cơm trưa- giao lưu- nghỉ trưa.

13g30:
Thuyết Trình III: Thần Học và Thi Ca
(Lm. GĐ Chủng Viện Nicolas - Nhà Thơ Thiên Cung)
NS. Lưu Văn Trung, Ns. Trần Anh Vũ, Ns. Kim Lệ trình bày ca khúc “Cô gái mù bên ly cà phê trắng’’ – Ns Phạm Trung Phổ thơ Vũ Thủy Nhà thơ Khiếm Thị ĐXT
14g30:
Hội Thảo :Hướng đi tới của Đồng Xanh Thơ

15g30:
Đức Ông Tổng Đại Diện: Đúc Kết

Cám ơn và tặng quà (Pm. Caohuyhoang)

ThanhCaVN
23-01-2008, 09:03 PM
Tường trình
[align=justify:f1fea86e4a]“Họp Mặt Các Tác Giả Đồng Xanh Thơ” - một ước ao từ bao lâu, nay đã được thực hiện. Khi ngỏ ý nầy, Đức Ông nhà thơ Xuân Ly Băng, Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám Đốc Chủng Viện Nicolas đều ủng hộ. Dự kiến tổ chức tại Chủng Viện Nicolas, nhưng rồi Đức Ông báo cho biết Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Giáo phận Phan Thiết cho phép tổ chức tại Tòa Giám mục Phan Thiết. Và công việc bắt đầu từ cuộc họp trù bị tại phòng của Đức Ông, có Cha Giám Đốc Chủng Viện, Cha An-rê Lương Vĩnh Phú, Quản lý Tòa Giám Mục, và người phụ trách Đồng Xanh Thơ tham dự.

Chiều 19-01-2008, Lm Võ Tá Khánh, Nhà thơ Trăng Thập Tự và các tác giả Đồng Xanh Thơ ở Sài gòn, Nha Trang … đã về đến nhà khách TGM. Có thể nói, chưa ai biết ai, nhưng thân thương vì đã từng hội ngộ trên Đồng Xanh Thơ suốt năm qua.

07g30 sáng 20-01-2008, sân Tòa Giám Mục bỗng rộn lên niềm vui hội ngộ. 30 tác giả Đồng Xanh Thơ, và hơn 70 tham dự viên gồm các Linh mục, Nữ tu, Chủng sinh, Nhạc sĩ, Họa sĩ, Nhà văn, Nhà thơ, sinh viên, học sinh…đang gặp gỡ, giới thiệu, trao đổi, làm quen…
Đúng 8 giờ hơn 100 tham dự viên đã tập trung vào Hội Trường Tòa Giám Mục. Người phụ trách Đồng Xanh Thơ, thay lời cho Mạng Lưới Dũng Lạc và trang Đồng Xanh Thơ, mở lời cảm ơn Đức Cha Phaolô, chào kính và giới thiệu Đức Ông Tổng Đại Diện GB. Lê Xuân Hoa-Nhà Thơ Xuân Ly Băng, Linh Mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung Giám Đốc Chủng Viện-Nhà Thơ Thiên Cung, Linh Mục Giuse Hồ Sĩ Hữu-Bí Thư Tòa Giám Mục, Linh Mục An-rê Lương Vĩnh Phú-Quản lý Tòa Giám Mục, Linh Mục Phêrô Võ Tá Khánh-Nhà Thơ Trăng Thập Tự, Linh mục Phaolô Hoàng Kim Tốt- Nhạc sĩ, nhà thơ Hữu Tâm-thành viên Đồng Xanh Thơ, Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An và Giuse Nguyễn Kim Anh-các linh mục nhà văn công giáo (đến sau giờ khai mạc), Nữ Tu Maria Trịnh Thị Hương-nhà thơ Trinh Hương-tổng thư ký Hội dòng Mến Thánh Giá Nha Trang và các nữ tu thuộc dòng, Nữ Tu Maria Hoàng Thị Ngọc và các Nữ Tu thuộc dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết, các Nhà thơ Công Giáo đàn anh: Lê Đình Bảng và Trần Vạn Giả, các nhạc sĩ thuộc Ban Thánh Nhạc Phan Thiết, Hội Văn Nghệ Bình Thuận, Nhạc sĩ-Nghệ sĩ ngâm thơ Kim Lệ-thành viên Đồng Xanh Thơ-chủ nhiệm vườn thơ Thánh Nhạc Ngày Nay, 30 tác giả Đồng Xanh Thơ – trong đó, đặc biệt có Nhà Thơ Khiếm Thị Vũ Thủy và nhà thơ học sinh trẻ tuổi nhất Lê Miên Ca, có cả các Tu Sĩ Nhà thơ Phạm Thái Sơn, Lưu Minh Gian…và hơn 50 tham dự viên gồm chủng sinh, nữ tu, giáo lý viên và sinh viên công giáo. Tiếp đến, người phụ trách ĐXT đã mời Đức Ông Nhà thơ Xuân Ly Băng khởi kinh và tuyên bố khai mạc Ngày Họp Mặt.
Đức Ông đã nói lên niềm vui của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Giáo Phận Phan Thiết, niềm vui của Đức Ông và của những người đi trước làm công tác văn học công giáo khi thấy có một lớp kế thừa biết trân quí Văn học Việt Nam và Văn Học Công Giáo. Ngày họp mặt các Tác giả Đồng Xanh Thơ cho thấy một nỗ lực phục hồi và phát huy nền Văn học Công giáo thực sự cần thiết cho một thế hệ trẻ trong xã hội Việt nam hiện tại. Đức Ông chúc mừng Ngày Họp Mặt Các Tác Giả Đồng Xanh Thơ, chuyển lời chúc mừng đến Mạng Lưới Dũng lạc, và tuyên bố khai mạc.
Để cảm ơn Đức Ông, Nghệ sĩ Kim Lệ ngâm liền hai bài thơ “Mẹ Tà Pao” và “Đêm Thơ Nhạc” (kỷ niệm Đêm Thơ Xuân Ly Băng tại Sài Gòn) với giọng ngâm lúc trầm lắng lúc bỗng bay nhưng lúc nào cũng du dương ngọt ngào như một khúc ru thánh thiện.
Tiếng vỗ tay dành cho Ns Kim Lệ chưa đành dứt, lại tiếp tục vỗ to hơn dành cho Lm. Nhà thơ Trăng Thập Tự khi bước lên bàn thuyết trình với đề tài thứ nhất: “Nguồn Thi Hứng Công Giáo”. Lm. TTT đã chọn thuyết trình phần thứ nhất trong đề tài lớn ấy với nội dung: “Lối hẹp tiến sâu vào thơ đạo”. “Bài thuyết trình có sức hút kỳ lạ đến nỗi em có cái cảm giác như chính em đang tiến vào hành trình tâm linh của mình, bước từ lối hẹp sám hối và thanh tẩy, gặp được luồng sáng của Lời Chúa, và cuối cùng là hạnh phúc kết hiệp với Thiên Chúa-Nguồn thơ của em” (Nhà Thơ CDV). Những minh họa về ba chiều của đời sống tâm linh và ba chiều tâm linh nơi thơ đạo-và từ ba chiều tâm linh ấy hình thành ba nội dung thơ đạo: Giáo huấn, giảng giải tin mừng và trử tình hay cầu nguyện, đã làm cho tất cả cử tọa chìm trong một bầu khí thật thánh thiêng khi được nghe trích đoạn, chú giải một số bài thơ của Hàn Mạc Tử, Đức Ông Xuân Ly Băng, Cố Linh Mục Nhà Thơ Xuân Văn, Nhà thơ Lê Đình Bảng, nhà thơ Trần Vạn Giả; có cả trích đoạn bài thơ của một thiếu nhi 12 tuổi và đặc biệt là trích đoạn của 2 tác giả Đồng Xanh Thơ Tuyết Mai và Nguyễn Văn Sướng. Kết thúc bài thuyết trình của Lm. TTT là phần luyện tập tiến sâu vào bên trong bằng sự kết hiệp với Chúa qua phút thinh lặng theo kinh nghiệm “Tạ Ơn Theo Hơi Thở”. Chỉ ngắn trong một phút kết hiệp, mà lòng mỗi người nghe tràn niềm hân hoan, rồi vỗ tay cảm ơn Lm. thuyết trình, hướng dẫn viên đến “lối hẹp tiến sâu vào thơ đạo”.
Người dẫn chương trình cho biết : “vì thấy thuyết trình viên không trích câu thơ nào của nhà thơ Trăng Thập Tự, nên con xin giới thiệu Nhạc Sĩ Lưu Văn Trung-ngoài Công giáo, thuộc Hội Văn Nghệ Bình Thuận, đã cùng con phổ bài thơ “Quỳ Hoa” của Linh Mục Nhà Thơ Trăng Thập Tự, và chính Nhạc Sĩ Lưu Văn Trung trình bày sau đây”.
Nhạc sĩ LVT đã chia sẻ một chút cảm nhận về văn học công giáo: nỗi khao khát chân thiện mỹ của anh đã thúc đẩy anh đến với điểm hẹn Thi Ca Công Giáo, và anh đã trào dâng muôn niềm mến yêu để hình thành những ca khúc phổ thơ Công Giáo của Xuân Ly Băng, Lê Đình Bảng và Trăng Thập Tự với niềm vui sâu kín. Anh đã hát hết tâm tình “một nhành quỳ hoa thôi Chúa ơi, làm cho con nhớ mãi trong đời…. Hương quỳ! Hương quỳ! Hương quì chi để lòng xao xuyến. Ngài hẹn làm sao, hẹn làm sao, hẹn khắp nơi”. Tiếng hát trầm ấm thiết tha như tiếng lòng của người đang thân thưa với “người anh đang kiếm tìm- Người là Chân Thiện Mỹ”.
Trong mấy phút giải lao, “lối rẽ tiến sâu vào thơ đạo” và “Quỳ Hoa” như hương vị dịu dàng làm cho kẹo thêm thơm, bánh thêm ngọt, ly cà phê thêm đậm đà và những câu chuyện cho nhau thêm mặn nồng thân ái. Tu sĩ Nhà thơ LMG nói: “Lối rẽ tuyệt vời lắm, bác ơi!”. Lm. Bí Thư TGM cảm động với bài Quỳ Hoa : “Ai có ở Đà lạt mới hiểu nổi tâm tình Quỳ Hoa. Anh Trung diễn cảm tài tình lắm”.
Mấy phút trôi qua, bài thuyết trình thứ hai bắt đầu với giọng nói quen thuộc- giọng dẫn chương trình Hành Hương La Vang-của Nhà Thơ Lê Đình Bảng. Giọng nói quen thuộc, họ và tên “Lê Đình Bảng” quen thuộc, nhưng hôm nay, một số tham dự viên mới được chiêm ngắm một “ông già bảy mươi” đẹp lão, một hồn thơ thanh xuân thanh thoát, một kho lưu trữ thi ca công giáo việt nam và các công trình sưu khảo giá trị- trong đó có công trình “Thi Ca Công Giáo Từ Thượng Nguồn” Nhà thơ đang trình bày lưu loát.
Các tham dự viên được mời trở lại với thượng nguồn ngôn ngữ Việt Nam để sống lại khoảng thời người Việt Nam đón nhận Tin Mừng và sống đạo qua thi ca Hán –Nôm- rồi Quốc Ngữ. Cha ông chúng ta đã dùng chính quốc ngữ và thi ca quốc ngữ để học biết Tin Mừng và đem Tin Mừng ấy đến cho mọi người. Hòa với dòng thi ca quốc ngữ của dân tộc bẩm sinh “sinh ra để làm thơ, chỗ nào cũng có thơ, trên nương dưới ruộng, trong nhà ngoài ngõ…chỗ nào cũng có thơ”, đã có một dòng chảy thi ca công giáo trong ngôn ngữ đời sống, kinh nguyện, diễn ca thánh kinh, thánh ca, vè, vãn, ca, tuồng….Nhà thơ đã trích dẫn những tác giả, những tác phẩm thi ca công giáo Việt nam tiền bối… nhiều và đặc sắc đến nỗi các tham dự viên sững sờ trước công trình của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam và thán phục tâm huyết của nhà thơ Lê Đình Bảng cả đời dành cho văn học Công Giáo.
Cũng vì thuyết trình viên không nhắc đến mình, người dẫn chương trình giới thiệu một nhạc sĩ phối âm phối khí trẻ, 24 tuổi, Giuse Trần Anh Vũ, thể hiện ca khúc “Kinh cầu Mẹ Ban Mê”, do Ns.Cao Huy Hoàng và Lưu Văn Trung phổ thơ của nhà thơ Lê Đình Bảng. Sau phần thể hiện, “Ông” Nhà thơ Lê Đình Bảng đã lên ôm choàng “cháu” Trần anh Vũ. Anh thật sung sướng và cảm động. Một bậc tiền bối đang ôm choàng một thế hệ hậu sinh với niềm tin tưởng vào lớp kế thừa. Linh mục An-rê Lương Vĩnh Phú tiếp tục với bài hát “Ôi Thiên Chức Linh Mục”, phổ thơ của Đức Ông Xuân Ly Băng. Cha hát thật sốt sắng như để chuẩn bị tâm tình cho anh em vào Thánh Lễ, nơi ấy Linh Mục, một “Alter Christus” đang hiến tế để anh em vào đoạn thứ ba của lối rẽ: kết hiệp.
Dù bận công việc mục vụ ban bí tích thêm sức cho một Giáo xứ cách TGM 50 cây số, Đức Cha Phaolô cũng đã ưu ái về kịp giờ Chủ tế Thánh Lễ đồng tế cho “Ngày Họp Mặt Các Tác Giả Đồng Xanh Thơ”. Trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật 2 thường niên A, Đức Cha khai triển sâu sắc về “Chiên Thiên Chúa” và đặc biệt nhắc đến ơn gọi làm công tác văn học cho một nền “văn hóa Thiên Chúa” trong một xã hội, một thế giới đang lao mình vào một nền “văn hóa không Thiên Chúa”. Phần cuối bài giảng, càng tha thiết hơn nữa nỗi ưu tư của một trong những Chủ Chiên muốn gửi gắm và chúc lành cho anh em chu toàn sứ mệnh giới thiệu và làm chứng cho Chúa Kitô trong toàn cảnh Việt nam hiện tại.
Sau Thánh Lễ, Đức Cha và các Linh mục đồng tế chụp hình lưu niệm chung với các thành viên tham dự ngày họp mặt, rồi dùng cơm trưa. Một bữa cơm trưa có thể nói là thật thịnh soạn mà Cha Quản lý đã đặt hàng theo ý ưu ái của Đức Cha dành cho ngày họp mặt. Mọi người dùng bữa thật ngon lành và thân tình, khi nhìn thấy ở bàn ăn của Đức Cha và các cha những nụ cười vui vẻ thánh thiện. Cuối bữa cơm, người phụ trách ĐXT xin thay lời Mạng Lưới Dũng Lạc và các tác giả Đồng Xanh Thơ cùng các tham dự viên kính lời cảm ơn Đức Cha Phaolô đã cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho Ngày họp mặt. Đức Cha vui mừng, nhắc lại lần nữa sự ưu ái cho văn học công giáo, và sẽ sẵn sàng cho mọi công việc với mục đích rao giảng Tin Mừng.

Hơn ba mươi phút giao lưu gặp gỡ, chụp hình, trò chuyện…Hầu như không ai nghĩ trưa vì tiếc cho thời gian quá ngắn…

13g30, tất cả trở lại hội trường để đón nhận một đề tài thuyết trình thứ ba rất tuyệt-biết là rất tuyệt vì thuyết trình viên không ai khác hơn là Linh Mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung, nhà thơ Thiên Cung, Giám Đốc Chủng Viện Nicolas- đề tài “Thần Học và Thi Ca”. Giọng nói dõng dạc, trình bày khúc chiết với cách sư phạm hợp thời, hợp đối tượng, Cha đã làm cho cả hội trường như sôi động lên vì cuốn hút theo những dòng suy tư rất thực: “Sự vắng bóng thi ca trong đời sống và các phương tiện truyền thông ngày nay”. Giải đáp và minh họa cũng rất cụ thể: vì sự xa cách thiên nhiên, tha nhân, xa cách chính mình và nhất là sự xa cách Thiên Chúa. Khi đặt vấn đề nối lại các tương quan, thì ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thần học lại gặp nhau ở điểm chung là lời kinh nguyện. Lời kinh nguyện ấy, thi ca ấy, phải phát xuất từ một “cảm nghiệm với” nguồn thơ đích thực, nguồn Chân Thiện Mỹ đích thực là Thiên Chúa. Ngôn ngữ của sự “Cảm nghiệm với” sẽ loại trừ thứ ngôn ngữ sống sượng của sự quảng cáo vô tình làm cho thi ca trở nên loại vũ khí giết chết nguồn thơ. Những suy tư thần học chặt chẻ của Cha Giám Đốc dường như yêu cầu các tham dự viên đọc lại “những ca khúc tâm linh” của Thánh Gioan Thánh Giá mà Nhà thơ Trăng Thập tự đã trình bày buổi sáng, triệt 6 và 7:
“ Ôi! Ai có thể chữa lành em
Thôi, xin hãy ban cho em chính Người,
Thôi, hôm nay hãy bỏ đi, đừng gửi nữa
Đừng gửi thêm những sứ giả đến với em
Vì họ đâu nói được cho em những điều em tha thiết!
Vì bao nhiêu kẻ đi qua
Kể cho em về Người hàng ngàn diễm lệ
Tất cả chỉ càng khiến em bị thương
Và càng chết em hơn
Bởi có một điều gì đó em không rõ mà họ cứ bập bẹ”
Các tham dự viên bỗng nhận ra chiếc chìa khóa linh diệu để có một bài thơ hay qua ba đề tài thuyết trình có tính cách xuyên suốt và nhất quán. Kết luận của Cha Giám Đốc Chủng Viện có thể nói được là kết luận cho cả ba đề tài thuyết trình công phu và chất lượng. Tiếng vỗ tay thay lời cảm ơn Cha Giám Đốc Chủng viện.
Người dẫn chương trình cảm ơn Cha Giám Đốc và giới thiệu Nhà Thơ Khiếm Thị Vũ Thủy. Em của nhà thơ Vũ Thủy dắt chị từng bước chậm đi lên, trước bao đôi mắt rưng rưng cảm phục “một người mù làm thơ”. Chị chào kính Đức Ông, quí Cha và quí tham dự viên và chia sẻ một chút cảm nghiệm đức tin mà chị đã sống và viết. BBT giới thiệu bài thơ “Cô gái mù với ly cà phê trắng” đã được Ns. Phạm Trung phổ nhạc, nay được tốp ca các tác giả Đồng Xanh Thơ thể hiện. Thật cảm động, “cô gái mù” cùng hát với anh em. Thật cảm động và thật đáng phục một tâm hồn tín thác và tràn niềm hy vọng trong bài thơ, trong tiếng hát.

Tiếp theo chương trình là phần hội thảo “Hướng đi tới của Đồng Xanh Thơ” với các dự phóng cho năm 2008. Cuộc hội thảo đã thống nhất những chương trình cụ thể:
- Các tác giả Đồng Xanh Thơ sẽ bình chọn những bài thơ hay trong 9 số Đồng Xanh Thơ năm 2007, để in thành sách với tựa “Tuyển Tập Đồng Xanh Thơ 2007”. Phiếu bình chọn sẽ gửi về Ban Biên Tập trước ngày 29-2-2007, và dự kiến sách sẽ được phát hành vào tháng 6-2008.
- Các tác giả thường xuyên viết, và phát động viết bài gửi về ban biên tập để có thể lên trang dunglac.org vào ngày 20 hàng tháng- đồng nghĩa với nỗ lực sẽ có 12 số Đồng Xanh Thơ trong năm 2008.
- Chủ đề các bài viết không giới hạn, nhưng cần gần với mùa phụng vụ trong tháng, và nhất là tránh những nội dung “không Thiên Chúa” và thuộc các lãnh vực tế nhị về xã hội.
- Để tăng cường nội lực tâm linh cho các tác giả và tác phẩm, các tác giả Đồng Xanh Thơ đã thống nhất sẽ tham dự một khóa linh thao ngắn ngày ( 5 ngày) vào tháng 6 năm 2008 tại Phan Thiết. Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ được Ban Biên Tập thông báo vào tháng 3. Thành phần tham dự ưu tiên cho các tác giả Đồng Xanh Thơ trong và ngoài nước. Các tác giả Đồng Xanh Thơ trong nước rất mong các tác giả đang ở nước ngoài sắp xếp công việc và thời gian để về thăm quê hương và tham dự.
- Trước tình hình văn xuôi công giáo đang thiếu thốn, các tác giả đề nghị Mạng Lưới Dũng Lạc mở thêm “trang truyện ngắn Công Giáo”, và các tác giả Đồng Xanh Thơ sẽ tình nguyện tiên phong tham gia.
- Để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ Tà Pao (1959-2009), và để cổ xúy cho việc sử dụng ngôn ngữ Việt Nam vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, các tham dự viên ước ao có một “Giải Văn Học Mẹ Tà Pao” được tổ chức tại Phan Thiết. Ước nguyện nầy đã được Đức Ông Xuân Ly Băng, Lm Trăng thập Tự và người phụ trách Đồng Xanh Thơ ghi nhận và kính trình Đức Cha Phaolô, Giám mục Giáo Phận Phan Thiết. Thật vui mừng, Ngài đã đồng ý cho mở ngay cuộc họp bàn về việc “Tổ chức Giải Văn Học Mẹ Tà Pao” vào ngày 30 – 01 sắp tới.

Sau phần thảo luận, Đức Ông Xuân Ly Băng đúc kết “Ngày Họp Mặt Các Tác Giả Đồng Xanh Thơ”. Đức Ông đã đánh giá cao những bài thuyết trình mang tính mở đường cho một bước phát triển quan trọng trong Thi Ca Công Giáo. Ngài còn hướng dẫn thêm về tâm tình và việc sử dụng ngôn ngữ trong thi ca theo kinh nghiệm “một đời thơ” của Ngài. Ngài cũng nhiệt liệt biểu dương tinh thần của các Tác giả Đồng Xanh Thơ và các tham dự viên đã tích cực đáp lại lời mời của Ban Biên Tập và đã có một hướng đi tới cho nền Văn Học Công Giáo Việt Nam.

Người phụ trách ĐXT một lần nữa thay lời cho các tác giả Đồng Xanh Thơ cảm ơn Đức Cha đã cho phép và hổ trợ, Mạng Lưới Dũng Lạc đã quan tâm và hổ trợ, cảm ơn Đức Ông, quí Cha, quí tu sĩ nam nữ, quí nhà văn, nhà thơ, quí tác giả Đồng Xanh thơ, tất cả tham dự viên đã tham dự; cảm ơn các thuyết trình viên; cảm ơn Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh đã tặng sách “Anh em của mọi người”, Cảm ơn anh Đoàn Văn Tùng website thanhcavietnam.info, Nhà Thơ Lê Hồng Bảo giúp quay phim chụp hình, và tất cả những người đóng góp tinh thần vật chất cho Đồng Xanh Thơ có một ngày họp mặt đầy ý nghĩa đáng nhớ.
16g00, Đức Ông xướng kinh bế mạc Ngày Họp Mặt và ban phép lành cho các tham dự viên trước khi chia tay.

Các Tác Giả Đồng Xanh Thơ còn đứng vòng tròn bên nhau một hồi lâu trong tình huynh đệ. Rồi cùng tập trung tại phòng khách Đức Cha Phaolô để cảm ơn Đức Cha và mừng lễ Bổn mạng Đức Cha, Thánh Phaolô trở lại 25-01 sắp tới. Đức Cha sung sướng chúc anh em hăng hái nhiệt tình trong ơn gọi đặc biệt và Ngài ban phép lành cho anh em.
“Ngày Họp Mặt Các Tác Giả Đồng Xanh Thơ lần thứ I” đã khép lại. Anh em ra về trong niềm vui TẠ ƠN CHÚA, TẠ ƠN GIÁO HỘI, và nỗi luyến lưu khôn tả.

Pm. Cao Huy Hoàng[/align:f1fea86e4a]

ThanhCaVN
23-01-2008, 10:38 PM
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT247.jpg
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT263.jpg

ThanhCaVN
23-01-2008, 10:40 PM
http://cakhuclenden.org/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT265.jpg
http://cakhuclenden.org/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT270.jpg

ThanhCaVN
23-01-2008, 10:40 PM
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT272.jpg
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT286.jpg

ThanhCaVN
23-01-2008, 10:41 PM
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT299.jpg
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT303.jpg

ThanhCaVN
23-01-2008, 10:42 PM
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT309.jpg
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT322.jpg

ThanhCaVN
23-01-2008, 10:43 PM
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT346.jpg
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT347.jpg

ThanhCaVN
23-01-2008, 10:47 PM
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT359.jpg
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT362.jpg

ThanhCaVN
23-01-2008, 10:48 PM
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT365.jpg
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT367.jpg

ThanhCaVN
23-01-2008, 10:49 PM
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT371.jpg
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT372.jpg

ThanhCaVN
23-01-2008, 10:50 PM
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT398.jpg
https://thanhcavietnam.info/TaiLieuDD/DongXanhTho/HopMatTGDXT399.jpg

giusehien
11-02-2008, 12:39 PM
LỜI KHAI MẠC NGÀY HỌP MẶT ĐỒNG XANH THƠ (BTDL 2)

Lời khai mạc của Đức Ông Xuân Ly Băng

Kính thưa quí cha,

Quí tu sĩ và chủng sinh

Kính chào các thi hữu và văn hữu xa gần, những người yêu thơ, những người yêu nghệ thuật đang hiện diện tại đây theo lời mời của nhóm Đồng Xanh Thơ.

Không cảm động sao được khi thấy quí cha, quí vị đã có rất nhiều thiện chí – hy sinh thời giờ, tạm gác việc nhà – nhất là trong những ngày chuẩn bị Tết – để đến họp mặt với anh chị em trong nhóm Đồng Xanh Thơ.

Xin tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ đã khiến con cái mọi miền biết quan tâm đặc biệt đến một công cụ, một phương tiện không thể thiếu trong công cuộc truyền giáo. Đó là truyền giáo bằng văn chương nghệ thuật và qua văn chương nghệ thuật, để đưa đức tin vào văn hóa và để văn hóa thấm đẫm đức tin.

Trong số quí cha và quí vị ở đây, lắm người không những có sở trường về thơ mà còn sành cả về âm nhạc. Vì trong thơ có nhạc và trong nhạc có thơ. Xin đặc biệt cám ơn các nhạc sĩ, ca sĩ. Sự đóng góp của âm nhạc sẽ làm phong phú thêm cho ngày Đồng Xanh Thơ.

Cuộc họp mặt hôm nay có mục đích bắc một nhịp cầu, giao lưu – tuy rất khiêm tốn – để trao đổi, góp ý xây dựng… kể cả chia sẻ với nhau những ưu tư, những băn khoăn trước nhiệm vụ quan trọng là phải kế tục và phát huy dòng thác văn học công giáo mà tiền nhân đã để lại từ ngày Ánh Sáng Tin Mừng bắt đầu chiếu dọi trên đất nước Việt Nam đã gần năm thế kỷ (1533-2008), kể từ thời Công Nương Catarina, cha Majorica, cha Đắc lộ,… cho đến nhà sưu khảo công giáo là Phanxicô Phạm Xuân Tuyển mới về lòng đất mẹ chẵn một tháng.

Thời giờ có hạn, theo đúng chương trình xin ngừng lời ở đây, cầu chúc mọi người dồi dào sức khỏe, một ngày làm việc vui, phấn khởi, bổ ích cho trí tuệ và trái tim, tăng bổ tình người và lòng mến Chúa. Xin đặt ngày làm việc hôm nay dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Tàpao, Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Trân trọng tuyên bố khai mạc ngày họp mặt Đồng Xanh Thơ.

Tác giả Xuân Ly Băng

http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=3081

giusehien
11-02-2008, 12:42 PM
VỀ THƯỢNG NGUỒN THI CA CÔNG GIÁO VIỆT NAM (BTDL 2)

Góp nhặt thơ công giáo Việt Nam, từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20.
Lê Đình Bảng chủ biên
Thay lời nhóm thực hiện - Trăng Thập Tự.



I. SUY NGHĨ TẢN MẠN: Thơ và Thơ Công giáo

1.Việt Nam, một dân tộc bẩm sinh thi sĩ (Natus Poetà)

a. Số liệu về tỷ lệ thơ>văn xuôi (Tự điển văn học)

b. Đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam: Thi ca và chiến tranh



2. Người Công giáo VN đón nhận Tin Mừng-Sống đạo qua Thi Ca Hán-Nôm-Quốc Ngữ.

a. Đã có một dòng chảy Thi Ca Công Giáo

- Trong ngôn ngữ đời sống

- Trong ngôn ngữ kinh nguyện

- Trong diễn ca Thánh Kinh (+Huấn Ca)

--Trong ngôn ngữ cảm hứng ứng tác-ký ức-dòng đời

- Trong ngôn ngữ Thánh Ca (+Dân nhạc Công giáo)

- Trong ngôn ngữ Tự điển học

- Trong Vè, Ca, Tuồng, Truyện, Phú, Văn tế, Chúc mừng, Khao vọng.

- Trong thư từ, Văn bản, Sắc phong, Trang trí, Lễ lạc quan hôn tang tế…



b.Năm 1940, qua thơ Hàn Mạc Tử, lần đầu tiên Thi Ca Công Giáo được chính thức công nhận?



c. Tại sao?

- Thái độ dị ứng, xem thường: văn nhà thờ, thơ nhà đạo

- Rối đạo?

- Những kẻ đứng bên lề: mặc cảm?

- Riêng lẻ. Thù tạc. Lưu hành nội bộ. Cô đơn. Thua thiệt.

- Từ ngộ nhận đến định kiến



II. Ở THƯỢNG NGUỒN THI CA CÔNG GIÁO VN

-Xưa nay chưa có một công trình nghiên cứu, biên tập về Thi ca Công giáo

-Tri ân các thế hệ Thi nhân đã khuất

-Khơi nguồn cho hôm nay và mai sau

Hành trình hơn 40 năm (1965-2008), tôi đã gặp những bến và bờ, những tác giả-tác phẩm Thi Ca Công Giáo



1. Thơ trong kinh nguyện

a. Thánh Giáo Kinh Nguyện. Mục Lục Nhựt khóa. Toàn Niên Kinh Nguyện

b. Tác giả-tác phẩm: Thầy giảng Phanxicô, Phạm Trạch Thiện, Vũ Đức Trinh, Vũ Ngọc Bích, Đỗ Minh Lý.

2. Thơ trong ký ức-dòng đời: Philipphê Bình, Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Trường Tộ, Petrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Bá Tòng, Mai Lão Bạng, Phúc Dân, Nguyễn Ngọc Quang

3. Thơ Phúc Âm Diễn Ca: Lữ Y Đoan, Tống Viết Toại, Gerard Gagnon (Nhân), Mai Lâm, Trần Đức Huân, Long Giang Tử, Nguyễn Thế Thuấn, Nguyễn Xuân Văn

4. Thơ Huấn Ca: Phan Văn Minh, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Văn Trang, Lê Thiện Bá, Đoàn Văn Hàm, Trần Văn Thi

5. Thơ trong Thánh Ca: Phaolô Qui, Phaolô Đạt, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Văn Vinh, Hùng Lân, Hải Linh, Nguyễn Khắc Xuyên, Duy Tân, Ngô Duy Linh, Huyền Linh, Tiến Dũng, Hoài Đức, Hoài Chiên, Văn Thao, Trần Đình Nam, Hoàng Ngô, Vinh Hạnh, Hoàng Kim, Viết Chung…

6. Thơ kinh Cầu nguyện: Hàn Mạc Tử, Nguyễn Văn Thích, Hồ Dzếnh, Bàng Bá Lân, Phạm Đình Tân, Đỗ Đình, Bùi Tuân, Nguyễn duy Diễn, Vũ Đình Trác, Ngọc Minh, Trần Thị Hoa, Lê Minh Bình Dương…



III. LỜI KẾT
1. Nếu tập hợp toàn bộ các tác phẩm Thi Ca, sẽ có một tổng hợp vài trăm nghìn câu thơ đạo đủ thể loại có giá trị.

2. Chúng tôi không hề có dụng ý khoa trương hoặc so sánh một cách cường điệu với các tác giả, tác phẩm trong dòng Thi Ca Việt Nam

3. Trong hoàn cảnh riêng lẻ, đơn độc và điều kiện thiếu thốn, tập sách nhỏ bé nầy chỉ như là một góp nhặt dông dài những vụn bánh rơi rớt vương vãi. Mong được quí vị cao minh giúp đỡ, bổ sung.

4. Thân mến các bạn yêu Thơ Công Giáo, đặc biệt trong buỗi gặp gỡ của Đồng Xanh Thơ hôm nay tại Tòa Giám Mục Phan Thiết, để cùng nhau tiếp tục làm giàu thêm kho tàng Thi ca Công Giáo Việt Nam, tiếp bước những thi nhân đã khuất.



Tòa Giám Mục Phan Thiết 20-01-2007

Tác giả Lê Đình Bảng

http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=3086

giusehien
11-02-2008, 12:47 PM
LỐI HẸP TIẾN SÂU VÀO THƠ ĐẠO (BTDL 2)

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng Chúa với ta.

Câu thơ nguyên thuỷ của Bà Huyện Thanh Quan là “Một mảnh tình riêng ta với ta”. Chỉ cần thay một trong hai chữ “ta” bằng chữ “Chúa”, thực tại trở nên khác hẳn, không còn cái ảm đạm, u hoài, phiền muộn, nhưng có một hơi ấm. Chỗ khác nhau giữa thơ đời và thơ đạo là sự hiện diện của Thiên Chúa, hay nói đúng hơn, sự gặp gỡ thân tình giữa nguời thơ với Thiên Chúa. Kinh nghiệm gặp gỡ ấy có nhiều múc độ. Muốn lượng giá một bài thơ đạo, cần xác định xem cảm nghiệm trong bài thơ ấy đứng chỗ nào trên hành trình tâm linh.

1. BA CHIỀU CỦA ĐỜI SỐNG TÂM LINH

Trên hành trình tâm linh, người ta nói đến ba con đường: thanh tẩy, tiến đức hay quang minh (được soi sáng) và kết hiệp (hiệp nhất). Thoạt đầu ta có cảm tưởng đó là ba giai đoạn kế tiếp nhau, tựa như ba giai đoạn của Lịch sử Cứu rỗi: Cựu Ước, Đức Kitô và Hội Thánh. Thế nhưng nhìn kỹ mới thấy đó là ba chiều kích hay góc độ của bất cứ giai đoạn nào. Người tín hữu mới hay chị nữ tu Dòng Kín, khi dự thánh lễ đều trải qua ba lời mời gọi: lời mời gọi của kinh Tôi Thú Nhận, của việc lắng nghe Lời Chúa và của việc rước Mình và Máu Thánh Chúa, tức là đi qua một cử hành với ba chiều kích thanh tẩy, được soi sáng và hiệp nhất.

Nhìn lại kinh nghiệm bản thân, bạn có thể thấy rõ mỗi giai đoạn đời bạn đều sống cả ba khía cạnh ấy của đời tâm linh, nhưng mỗi giai đoạn có một màu sắc hay mức độ riêng. Bình thường, càng lúc người ta càng tiến sâu vào bên trong nơi cả ba khía cạnh; tuy nhiên cũng có những trường hợp sau một thời gian tiến vào bên trong, người ta lại lọt ra phía ngoài.

Muốn dễ hình dung bước tiến từ ngoài vào trong, có thể xem nơi việc thanh tẩy theo kinh nghiệm của Thánh Gioan Thánh Giá. Theo đó, trước hết ta thanh tẩy các giác quan bên ngoài, tiếp đến, thanh tẩy các quan năng bên trong: trí năng, trí nhớ (ký ức, thành kiến, tưởng tượng) và lòng muốn. Đó là sự thanh tẩy chủ động. Bên cạnh đó còn có sự thanh tẩy thụ động, chẳng hạn những điều bất ngờ và trái ý giữa đời thường.

Kinh nghiệm được soi sáng khi đọc hay nghe Lời Chúa cũng thế. Có cái nghe, hiểu và cảm hời hợt; có cái nghe, hiểu và cảm sâu xa.

Kinh nghiệm hiệp nhất khi rước lễ cũng thế, hời hợt hoặc sâu xa.

2. BA CHIỀU KÍCH TÂM LINH NƠI THƠ ĐẠO

Trong thơ đạo, ta cũng thấy ba nội dung tương ứng ba giai đoạn của hành trình tâm linh: Thơ ký sự và giáo huấn (luân lý, kể chuyện răn đời, thanh tẩy), thơ Cầu nguyện và Diễn giải Tin Mừng (trình bày chân lý khách quan, được soi sáng) và thơ trữ tình (cảm tác, cảm nghiệm chủ quan, hiệp nhất). Tựa như ba bước từ thấp lên cao hoặc ba vòng từ ngoài vào trong. Đồng thời ở mỗi bước hay mỗi vòng ấy đều có cả thanh tẩy, quang minh và hiệp nhất. Trong thơ giáo huấn vẫn có thể bắt gặp bóng dáng của quang minh và kinh nghiệm hiệp nhất; khởi điểm thơ diễn giải Tin Mừng là quang minh nhưng vẫn có cả thanh tẩy và hiệp nhất, đồng thời trong trữ tình vẫn có cả chiều kích được soi sáng và nhu cầu được thanh tẩy. Vì thế lắm bài thơ có thể xếp vào hai loại cùng một lúc.

Trên đường đi giúp tĩnh tâm, tôi nhận được một CD nhạc mới toanh, chưa phát hành. Tôi nghe rất thích thú. Có cả những bài nói đến tội lỗi nhân loại và mời gọi hoán cải. Tôi chọn ba bài cho nhóm tĩnh tâm nghe. Thế nhưng có vẻ bị lạc điệu. CD này mang phong cách rộn ràng lễ hội chứ không phải là một CD cầu nguyện. Đúng hơn, tính cầu nguyện của nó là cầu nguyện trong lễ hội ngoài trời chứ không phải cầu nguyện bên trong của tĩnh tâm. Nó tốt để nghe lúc khác nhưng đưa vào cuộc tĩnh tâm có thể phản tác dụng.

Phần nào ta có thể so sánh 3 loại thơ đạo trên đây với 3 CD nhạc đạo: 1 CD hò vè, 1 CD vui tươi đượm màu sắc lễ hội và 1 CD những bài ca giúp cầu nguyện trầm lắng. Mỗi loại có chuẩn mực của nó. Đôi khi ta gặp một CD cầu nguyện thua xa CD hò vè từ hình thức đến nội dung. Điều chúng ta đang nói đây giả định những CD có chất lượng.

3. MINH HOẠ BA NỘI DUNG THƠ ĐẠO

Thơ giáo huấn:

Có những người làm thơ giáo huấn chỉ thuần tuý là vè, chỉ cốt có vần có điệu. Thế nhưng cũng có những bài để lộ cả chiều sâu quang minh và hiệp nhất. Ví dụ những câu ru em trong quyển Đào Tạo Nhân Bản của TGM Nha Trang.

Cái ngủ, mày ngủ cho ngon,

Yêu người mến Chúa cho tròn đạo ngay.

Cái ngủ, mày ngủ cho say,

Thương cha mến mẹ thì mày mới nên.



Em ơi em ngủ hay chưa,

Có nghe ngọn gió nó đưa bên ngoài.

Yêu ai ta nhớ tên hoài,

Yêu Ngài ta tạc tên Ngài trong tim.

Thơ Cầu nguyện và Diễn giải Tin Mừng:



Hoàng Diệp: Mt 11,25

Mt 11,25:

Con ưa ngắm nhìn đôi mắt Thánh Trẻ

Khi ngó lên trời thỏ thẻ cùng Cha.

Đẹp làm sao! rực rỡ sáng lòa

Vì thấu suốt càn khôn vũ trụ.

(CON NGỢI KHEN CHA)

Nguyễn Xuân Văn:

Xin trích vài câu từ Sứ điệp Tình thương của tác giả linh mục nhà thơ này (Mt 4,12-17):

Lần đầu tiếp xúc dân tình,

Chúa đem ý tứ Thánh Kinh gieo vần :

"Người ơi! Trời vỡ sông Ngân,

Nước Trời chảy đến bên chân người rồi.

Ơn trời xuống một lần thôi,

Hãy mau tẩy lốt bùn hôi đời mình".

(1079-1084)

Trong làng thơ đạo khó có ai khéo chơi chữ được như cha Nguyễn Xuân Văn. Nước Trời của tiếng Việt vừa hiểu được là Vương quốc của Thiên Chúa vừa hiểu được là ơn cứu độ tràn lan như cơn hồng thuỷ phúc lộc tự trời tuôn chảy xuống. Nước để nuôi sống mà cũng để thanh tẩy. Tác giả nói đến thanh tẩy mà ta lại thấy rực sáng quang minh và đồng thời để lộ cả chiều sâu hiệp nhất thăm thẳm của linh hồn ông.

Xuân Ly Băng

Không chỉ nổi tiếng với gần cả ngàn bài thơ trữ tình, Đức Ông nhà thơ Xuân Ly Băng còn để lại cho đời một khối lượng lớn thơ giáo huấn cũng như thơ cầu nguyện và diễn giải Tin Mừng, nổi bật nhất là tập Bài Ca Thương Khó. Tác phẩm này không chỉ cho thấy chiều sâu hiệp nhất của tác giả mà còn đưa nhiều tâm hồn vào chiều sâu hiệp nhất.

Dềnh dàng bước ngắn bước dài,

Bước cao bước thấp, ngã hai ba lần.

Bay lên nhớn nhác chim rừng,

Hoa trưa thẹn nắng rưng rưng nhụy vàng.

(795-798)

Thơ trữ tình:

Xin giới thiệu một bài trong Giải thơ văn thiếu nhi Giáng Sinh 2007, Giáo xứ Cây Rỏi, Giáo phận Quy Nhơn:

Cho tôi được làm hang Bêlem

Để đón chào con Chúa ra đời

Cho tôi được làm máng cỏ nhỏ

Để tôi được Chúa ngự vào trong



Cho tôi làm vì sao lấp lánh

Để dẫn đường cho các vua

Cho tôi được làm ba vua

Để dâng Ngài của lễ

Nhưng tôi chỉ là tôi

Một trẻ thơ nhỏ bé

Vui mừng trong đêm Thánh

Để đón chào Ngôi Lời

Nguyễn Vũ Hồng Kha (12 tuổi) - CHO TÔI

Nữ sĩ Hàn Lệ Thu, qua đời ngày 15-01-2007 tại trại phong Qui Hoà, hưởng thọ 68 tuổi. Ngày 03-5-2003, một số tân linh mục về dâng lễ tạ ơn tại bệnh viện phong Quy Hoà, chị bị đau mắt xung huyết nặng, không đi dự lễ mở tay được, và từ túp lều tranh trong cơn mưa rào, chị viết tặng các cha mới bài “Mở tay” dưới đây. Hai năm trước đó, chị viết tặng các anh em này khi còn là chủng sinh một bài khác là “Đất trông mưa”.

Đường Thủ Lĩnh đi xưa còn ghi dấu

(Con âm-thầm-lặng-le-bước-theo-sau...)

“Đất trông mưa” – Hôm nay mưa rồi đó

Ngực Giêsu ơi! Cho con được nép đầu...

(MỞ TAY)

Một tác giả khác, Trần Mộng Tú:

Con đi vào mùa chay

Cuộc hành trình sa mạc

Bốn mươi ngày con đi

Bàn chân trần trên cát.

(HÀNH TRÌNH SA MẠC)

Một tác giả Đồng Xanh Thơ, Tuyết Mai:

ta còn lại đôi mắt em

lệ mờ,

cay hương trầm nhang khói

lời yêu vội vàng chưa kịp nói

ta nghìn trùng

em khăn gói bể dâu

một thoáng đời có nghĩa gì đâu

ta về vội và em đi rất vội

tháng mười một còn ai thèm gịân dỗi

nghĩa trang buồn nghe giun dế thương thân

(TÌNH CA THÁNG MƯỜI MỘT)

Thêm một tác giả ĐXT, Nguyễn Văn Suớng:

hòn đất ném đi nhưng hòn chì không ném lại

con chỉ xin hoài mà đáp trả chẳng bao nhiêu !

mối tương quan lạ đời lâu dài vẫn bền chặt

Chúa cho hoài và con cứ mãi...xin .

hòn đất ném đi và hòn chì không ném lại

đến muôn đời vẫn cứ thế Chúa ơi !!!

(CHÚA VÀ CON)

4. NÓI RIÊNG VỀ THƠ TRỮ TÌNH

Xin nói riêng về thơ trữ tình.

Thơ Thiền có nét chung là thanh thoát, tác giả dường như đã đạt đạo hoặc ít ra là đang trải qua những giây phút đạt đạo.

Thơ trữ tình trong Đạo Công giáo có thể là hoa quả của sự đạt đạo nhưng không nhất thiết phải thế. Thơ đạo phản ảnh mọi tình huống của hành trình tâm linh và hành trình làm người, từ trẻ em đến người lớn, từ người rất bất toàn đến người đang vươn tới hoàn thiện, do đó có khi thanh thản mà có khi đầy khắc khoải đấu tranh, tìm vượt thoát.

Mà ngay cả khi đã đến tầm đạt đạo như Thánh Gioan Thánh Giá vẫn còn khắc khoải, cái khắc khoải của một trái tim nhức nhối vết thương tình, chạy tìm Người Yêu Dấu. Thử đọc 12 triệt đầu trong 40 triệt của bài “những ca khúc tâm linh”:

TÌNH NƯƠNG

1. Người ẩn nơi nao, Hỡi người Yêu Dấu,
Mà bỏ em rên rỉ?
Như một con nai, Người trốn biệt,
Sau khi đã làm cho em bị thương,
Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.

2. Hỡi những người chăn cừu đang bước tới
Ở đó, qua những ràn cừu, tới tận đỉnh cao
Nếu tình cờ các anh thấy
Người tôi yêu mến nhất
Xin nói với chàng rằng tôi liệt nhược, đau khổ và tôi chết.

Đọc một bài thơ, ta có thể thấy cảm nghiệm của tác giả còn ở mặt ngoài hay đã vào bên trong. Cảm nghiệm còn ở mặt ngoài nhưng chân thành, bài thơ vẫn đẹp. Còn cảnh rậm lời ít ý, diễn tả cường điệu thì dù nói tới những chuyện cao siêu mầu nhiệm, bài thơ vẫn thiếu sự chân thật cần thiết để trở thành thơ. Thử nêu ba tác giả Trần Vạn Giã, Lê Đình Bảng và Hàn Mạc Tử làm ví dụ. Ơn Chúa dẫn dắt ba tác giả này theo những hành trình tâm linh khác nhau. Mỗi người đều viết với hết tâm hồn của mình, và từ nơi chỗ đứng gặp Chúa của mỗi người, ta đều thấy toát ra cả ba chiều kích: thanh tẩy, quang minh và hiệp nhất.

1. Nơi Trần Vạn Giã:

“Giữa thời bom đạn, anh đã dò dẫm để viết những thi thiên mới bằng cuộc sống. Nhiều năm sau ngày hoà bình, anh thấy rõ cái cuộc sống lao lung mỗi ngày chính là bí tích, là nơi để đọc ra tình yêu và thể hiện tình yêu...

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Miếng cơm manh áo suốt đời long đong.

(Chuông chiều)

Là một Kitô hữu của cộng đoàn giáo xứ và cuộc đời thường nhật, Trần Vạn Giã không đợi đến những giờ phút chiêm niệm sâu thẳm mới có kinh nghiệm về Thiên Chúa nhưng anh gặp gỡ và hiệp nhất với Thiên Chúa ngay giữa đời thường.

Kìa Chúa Giêsu đi với đứa trẻ tèm nhem

Chân đất đầu trần mời mua vé số.

(Đạo)”

(Trích lời giới thiệu của TTT trong “Thơ trên chặng đường thập giá”)



2. Nơi Lê Đình Bảng

Một ví dụ khác: Tập Hành Hương của Lê Đình Bảng. Trong bài Đọc thơ Lê Đình Bảng, tôi đã căn cứ trên biến chuyển từ chỗ xưng tôi với Thiên Chúa đến chỗ xưng con với Ngài để nói về cuộc Hành Hương vào trong của anh,và nhắc lại kinh nghiệm của một vị Tiến sĩ Hội Thánh:

“Cũng trong Lâu Đài Nội Tâm, Thánh nữ Têrêxa Chúa Giêsu viết: “Bây giờ hãy trở lại lâu đài kỳ thú của chúng ta và tìm xem chúng ta có thể vào đó bằng cách nào. Dường như tôi đang nói một điều phi lý, vì nếu lâu đài là chính linh hồn thì rõ ràng là không có vấn đề chúng ta vào đó? Vì chính chúng ta là lâu đài! Và thật là ngớ ngẩn khi bảo ai đó đi vào căn phòng mà họ đang ở đó rồi! Thế nhưng các bạn phải hiểu có nhiều cách “ở” trong một nơi. Có nhiều linh hồn ở lại sân bên ngoài cua lâu đài, nơi dành cho lính gác; họ không thích vào bên trong, cũng không muốn biết có gì trong lâu đài nguy nga lộng lẫy kia, có ai ở trong đó, hay dinh thự ấy có bao nhiêu phòng ở. Hẳn các bạn đã đọc thấy trong một số sách dạy về nguyện ngắm, người ta khuyên linh hồn hãy đi vào nội tâm. Đó chính là vấn đề được bàn đến ở đây” (1Cư 1,5).

“Được vào trong rồi, người ta mới thốt lên như Thánh Âu Tinh: “Con yêu Chúa quá muộn, lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rât xưa vừa hằng mới mãi, con đã yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vẫn ở trong con mà hồi ấy con cứ ở ngoài và cứ tìm Chúa bên ngoài!” (Những lòi tuyên xưng). Lê Đình Bảng cũng thốt lên như thế, khi Chúa cầm tay, dắt anh hành hương vào bên trong:

Thế mà tôi tưởng xa xăm

Hoá ra Nguời ở âm thầm trong tôi (120).”

(Trích TTT: “Đọc thơ Lê Đình Bảng - cuộc hành hương vào bên trong”)

3. Nơi Hàn Mạc Tử

Thánh nữ Têrêxa Avila viết quyển “Lâu đài nội tâm” để hướng dẫn môn sinh tiến vào gặp gỡ Đấng Thiên Chúa đang ngự trong cung điện tâm hồn mỗi người. Thánh nữ mô tả tâm hồn người tín hữu như một lâu đài bằng ngọc hình quả cầu, với nhiều tầng nhiều lớp cư thất, từ ngoài vào trong, mà ngay tại trung tâm chính là nơi Thiên Chúa ngự trị. Lâu đài được mô tả là có bảy lớp cư thất với sự lộng lẫy tăng dần từ ngoài vào trong, cùng với những khó khăn phải vượt qua để tiến dần vào tâm điểm ngõ hầu nên một với Thiên Chúa. Bảy cư thất gọi được là bảy mức độ được thanh tẩy mà cũng có thể gọi là bảy mức độ mến Chúa. Khi lần đầu tiên đọc tới lớp cư thất thứ sáu, tức phần sáu của quyển sách, tôi có cảm tưởng đang gặp Hàn Mạc Tử. Tôi hỏi: Làm sao anh vào được tận đây? Anh có đọc quyển sách này không? Vâng, khi đọc thơ Đạo của Hàn Mạc Tử, những bài như Ra đời, Đêm xuân cầu nguyện,Thánh nữ Đồng trinh Maria, Nguồn thơm, hay Xuân đầu tiên, ta có cảm tưởng tác giả đang xuất thần, anh vừa chìm đắm trong đau thương vừa ngất ngây ca tụng tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa.

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!

Run như run thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng…

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn

Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế

Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ

Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ.

Bút tôi reo như châu ngọc đền vua

Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị…

Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,

Và trong tay nắm một nạm hào quang…

(Thánh nữ Đồng trinh Maria)

Hàn Mạc Tử xuất thần. Anh chìm đắm trong thế giới thần linh. Thế nhưng cũng cùng lúc ấy, nhu cầu được thanh tẩy càng nổi rõ, vừa khao khát được thanh tẩy vừa khao khát hiệp nhất:

Run như run hơi thở chạm tơ vàng…

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

…. Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,

Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm.

(Thánh nữ Đồng trinh Maria)

Nơi Trần Vạn Giã, thanh tẩy là để được thoát khỏi nỗi âu lo cơm áo gạo tiền. Nơi Lê Đình Bảng, thanh tẩy là để được vượt từ Cựu Ước sang Tân Ước. Đó là những thanh tẩy được thực hiện bằng cố gắng và hy sinh, được thực hiện bằng nỗi khát khao và khẩn xin ơn tin, cậy mến. Còn nơi Hàn Mạc Tử, đó là sự thanh tẩy bằng đau khổ và đêm đen.

Đương cầu xin, ọc thơ ra dường sữa,

Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau

Trên chín tầng diêu động cả trân châu

Dường sống lại muôn vàn hoa phẩm tiết.

Nhịp sóng đôi: này đây cung cầm nguyệt

Ướp lời thơ thành phước lộc của đường tu.

Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu

Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối,

Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi

Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng:

Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng.

(Đêm xuân cầu nguyện)

5. TIẾN VÀO BÊN TRONG

Hành trình tâm linh là hành trình tiến vào bên trong. Như vậy với người sáng tác, con đường tốt nhất để nâng cao chất lượng Kitô giáo cho tác phẩm mình, chính là tiến vào bên trong. Tiến vào bên trong cả về thanh tẩy, quang minh và hiệp nhất. Cả ba mặt đều liên đới và hỗ trợ nhau.

1. Về thanh tẩy:

Nói chung là dứt khoát với tội lỗi, luôn giữ tâm hồn trong sách và hướng thượng.

Theo Thánh Gioan Thánh Giá, ta cần thanh tẩy từ bên ngoài đến bên trong, từ làm chủ các giác quan đến điều chỉnh trí năng, ký ức, thành kiến, trí tưởng tượng và lòng muốn.

- Ra khỏi mình, ra khỏi nhãn quan trần thế để mặc lấy nhãn quan Tin Mừng,

- Tiến từ tôn giáo tự nhiên đến tôn giáo mặc khải, từ não trạng biệt phái sang tâm tư người môn đệ.

2. Về sự hiểu biết và tiến đức:

Luyện tập các nhân đức.

Học qua các phần tiểu dẫn vào Thánh Kinh để biết, yêu mến, đọc và sống Lời Chúa

Nâng cao nhận thức và giáo lý để hiểu và sống các mầu nhiệm chính trong Đạo cách sâu xa hơn:

- Lịch sử cứu độ

- Sáng tạo

- Nhập thể

- Cứu chuộc

- Ba Ngôi

- Hội Thánh và Mẹ Maria

- Cánh chung

3. Những cách cầu nguyện:

Trước hết, cần có thói quen dành ưu tiên cho Thiên Chúa: Cầu nguyện ngay khi vừa thức dậy ban sáng cũng như sau nghỉ trưa và sau bữa tối. Tiếp đến, cần tiến từ đọc kinh đến suy niệm và chiêm niệm. Muốn cảm nhận thơ Đạo, hơn nữa, muốn sáng tác thơ Đạo, cần có một chút hồn chiêm niệm.

Tuy nhiên đừng suy niệm để làm thơ. Bảo đảm với các bạn, bài thơ sẽ rất dở. Hiệp nhất với Thiên Chúa là giá trị cao nhất, không thể bị biến thành phương tiện.

Từ một thái độ tôn giáo vụ luân lý đến nhãn quan hướng thần và hiệp nhất với Thiên Chúa

Để tiến sâu có định hướng, bạn nên theo một linh hạnh đáng tin cậy, cụ thể là gặp gỡ chia sẻ hoặc tham gia chia sẻ kinh nghiệm tâm linh với một nhóm sẵn có, gần nhất hoặc dễ liên lạc nhất: Nhóm tĩnh tâm Linh Thao, Phan Sinh tại thế, Dòng Ba Cát Minh… Hoặc thực tập theo một quyển sách nhất là với kinh nghiệm của vị thánh mình yêu thích. Cụ thể là những khoá tĩnh tâm.

Cả ba khía cạnh thanh tẩy, tiến đức và hiệp nhất đều đòi hỏi gia tăng thinh lặng, từ thinh lặng bên ngoài tiến dần vào thinh lặng nội tâm, cho nên quả là một lối hẹp. Thế nhưng bạn cứ thử đi, rồi sẽ thấy ngòi bút mình dần dần thay đổi, bạn sẽ có khuynh hướng viết ngắn hơn mà lại có chất lượng hơn. Chính thinh lặng sẽ giúp bạn tập trung vào ý chính, đào sâu cảm nghiệm và mau chóng chọn lọc được những hình ảnh và ngôn từ đáng giá.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,

Để nghe dưới đáy nước hồ reo,

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu.

(Hàn Mạc Tử – Đà Lạt trăng mờ)



MỘT THỰC TẬP THAY LỜI KẾT

Để kết thúc, mời bạn thực tập một phút thinh lặng theo kinh nghiệm “Tạ ơn theo hơi thở”.

TẠ ƠN THEO HƠI THỞ

Mời bạn ôn vận dụng hơi thở để tiến vào thinh lặng nội tâm với việc thực tập 30 phút như sau:

Ngồi thẳng lưng, mặt hơi ngẩng lên, mắt nhắm hay mở cũng được, miệng hơi mỉm cười,

Xin Chúa Thánh Thần hoà vào hơi thở bạn,

- Bạn hít vào thật sâu, vừa hít vào vừa nhớ đến Chúa Cha và thầm nguyện trong trí: “Cha đang cho con tất cả”

- Bạn thở ra thật chậm, vừa thở ra vừa thầm nguyện: “Xin Cha nhận lấy con đây”.

Ä Nếu cầu nguyện với Chúa Giêsu thì nói: “Chúa đang cho con tất cả, xin Chúa nhận lấy con đây”.

Việc hít vào và thở ra như vậy, gọi là “tạ ơn theo hơi thở”. Bạn sẽ dùng để khởi đầu giờ nguyện ngắm, để lấy lại tập trung khi bị lo ra chia trí và để kết thúc giờ nguyện ngắm. Ngoài giờ nguyện ngắm, bạn sẽ dùng nó để chống lại cám dỗ, để được bình tâm và để cầu nguyện triền miên trong cuộc sống.

Bồ Câu Trắng, Hàm Tân, 13-01-2007

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=3087

giusehien
11-02-2008, 12:50 PM
THẦN HỌC VÀ THI CA (BTDL 2)

Thành thật mà nói đề tài được Ban Tổ chức đề nghị trình bày “THẦN HỌC VÀ THI CA” là quá bao quát, rất khó có thể gói gọn trong một khoảng thời gian quá ít ỏi là từ 30 cho đến 40 phút như thế nầy. Vì thế, tác giả xin mạo muội tự cho phép mình giới hạn đề tài trong vấn đề “Thử tìm hiểu nguyên nhân sự vắng bóng Thi ca trong đời sống và các phương tiện truyền thông ngày nay.”


Để tiếp cận vấn đề nầy, tôi sẽ thử, trước tiên, thông qua những quan hệ của con người ngày nay với thiên nhiên, với tha nhân, với bản thân mình và nhất là với Thiên Chúa và, sau đó, qua tình trạng lẫn lộn giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ tín lý. Lý do là bởi vì, một đàng, Thần học (Theologia) vốn được định nghĩa như là những lời của con người nói “về” và nói “với’ Thiên Chúa trên cơ sở Lời của Thiên Chúa nói “về” và nói “với” con người và, bởi vì con người vốn là một tổng thể “Thiên-Địa-Nhân” (cosmothéandrique); và, đàng khác, bởi vì Thi ca cũng vốn được coi như “tiếng lòng” hay “tiếng đàn lòng” của con người ngỏ lời “về” và “với” con người, với bản thân mình, với thiên nhiên và với Thiên Chúa mà vốn vẫn đang “thì thầm” khôn nguôi bên trong và cả bên ngoài con người…



I- QUAN HỆ CỦA CON NGƯỜI NGÀY NAY VỚI THIÊN NHIÊN, VỚI THA NHÂN, VỚI CHÍNH MÌNH VÀ VỚI THIÊN CHÚA


Thật vậy, có lẽ một trong những nguyên nhân chính của sự vắng bóng thi ca trong đời sống và trong các phương tiện truyên thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình, v.v…) chính là con người ngày càng xa cách thiên nhiên, xa cách con người, xa cách chính bản thân mình và xa cách chính Thiên Chúa (xem St các chương 1-3).


1 .Xa cách thiên nhiên


Các hiện tượng đô thị hóa, phá hoại thiên nhiên, v.v…, đã từng bước khiến cho con người xa cách với thiên nhiên. Tuy nhiên, từ đáy sâu của mỗi con người khát vọng sống hài hòa với thiên nhiên vẫn còn đó, vẫn âm ỷ không nguôi: điều nầy được thể hiện cách tiềm tàng nơi những thú chơi non bộ, cây cảnh, cá cảnh, thú cảnh… Con người là một tổng thể “Thiên-Địa-Nhân”, cho nên sự vắng bóng thiên nhiên hẳn cũng khiến thực tại đời sống con người phải nghèo nàn đi, thậm chí cả què quặt đi… Và, như vậy, tiếng nói của thi ca cũng khó mà cất lời. (Thí dụ : vầng trăng trên đất Mỹ).


2. Xa cách tha nhân

Có một nghịch lý đáng được quan tâm : con người ngày nay tuy đang sống trong một thế giới mà các phương tiện giao thông liên lạc tiện lợi và cực kỳ nhanh, nhưng vẫn không vì thế mà gần nhau hơn… Chính lối sống vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa vốn được đề cao đã khiến cho người ta nhìn nhau không còn như là những “mầu nhiệm” cần được trân trọng và kiếm tìm mà có vẻ như chỉ còn là những công cụ mà mình cần tranh thủ để mang lại lợi ích cho mình hay như đối thủ hoặc kẻ thù mà mình cần phải khử trừ tiêu diệt… Ngôn ngữ “về nhau” và “với nhau” của con người vì thế cũng mất đi luôn “tính thi ca” của nó… (Thí dụ : cách nam nữ yêu nhau ngày hôm nay; ngôn ngữ vợ chồng nói với nhau sau những tháng năm chung sống…).


3. Xa cách chính mình


Không chỉ xa cách nhau, con người ngày nay còn xa cách chính cả bản thân mình. Con người ngày nay không còn là chính mình mà thường bị “tha hóa”: sống như người khác sống, làm như người khác làm, nói như người khác nói, nghĩ như người khác nghĩ, yêu như người khác yêu, v.v… Trong những điều kiện vong thân như vậy, và nếu như Thi ca chính là “tiếng lòng mình”, thì làm thế nào tiếng nói của thi ca mới có thể lên tiếng? Khi chính mình không nghe được “tiếng lòng’ mình thì làm sao có thể nói lên được “về” và “với” tiếng lòng mình… Tiếng nói của Thi ca vì thế chắc hẳn sớm muộn cũng sẽ vỗ cánh bay đi… (Thí dụ: con người sợ hãi chính bản thân mình, trốn chạy chính bản thân mình…).


4. Xa cách Thiên Chúa


Khi con người không gặp gỡ được chính mình và tha nhân, con người cũng sẽ không thể nào gặp gỡ được chính Thiên Chúa, Cội Nguồn đích thực của Thi Ca. Cây có cội, nước có nguồn, con người vắng bóng Thiên Chúa cũng sẽ vắng bóng luôn Thi Ca đích thực, bởi vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu (1 Ga 4, 16).


Việc nghiên cứu các Thánh vịnh, các tác phẩm Ngôn sứ, và đặc biệt sách Nhã ca trong Cựu Ước cho chúng ta cảm nghiệm được rằng không có mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa khó có thể có được một nền Thi ca Kitô giáo đích thực. Tuy nhiên, ở đây, cần phân biệt giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thần học…



II- NGÔN NGỮ THI CA VÀ NGÔN NGỮ THẦN HỌC


Nếu như trong cung cách bày tỏ tình cảm, mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc, thậm chí mỗi một người đều có những cung cách khác biệt nhau, với những kiểu cách khác biệt nhau, thì trong lãnh vực ngôn ngữ cũng vậy. Ngôn ngữ thần học tín lý phải ngắn gọn, rõ ràng, khúc chiết và để được hiểu bằng lý trí. Còn ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ của trực giác, được diễn tả qua những hình ảnh, biểu tượng so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, loại suy, v.v…, và để mà cảm nghiệm và trực giác chứ không để mà hiểu theo kiểu luận lý thông thường.


Trong Thi ca, vấn đề quan trọng là “cảm nghiệm với” chứ không phải chỉ là “biết hay hiểu về”… Đó chính là lý do tại sao phần lớn các Thánh Vịnh mà vốn là những bài thơ lại đồng thời cũng là những lời kinh. Quả thật, nếu người ta dùng ngôn ngữ thần học tín lý để “đọc” và “hiểu” các Thánh Vịnh, sách Diễm ca hay các sách Ngôn sứ của Cựu Ước, thì gần như cũng đồng nghĩa với việc người ta phải giết chết chúng… Giáo hội vẫn sử dụng để cầu nguyện cả những Thanh Vịnh mà nội dung và ngôn ngữ xét về mặt thần học tín lý không thể nào chấp nhận được (Thí dụ Tv 9, 6-7: “Người đã quát mắng dân ngoại đạo, diệt phường ác nhân, tên tuổi chúng, Người đã xóa đi đời đời kiếp kiếp. Địch thù đã tận tuyệt, cảnh thê lương muôn thưở, thành trì chúng, Người nhổ tận gốc, ký ức chúng đã tiêu ma”). Còn Sách Diễm ca chẳng hiểu sao chẳng có ai kết án là “hoa tình tục tỉu” với những câu như thế nầy mà trái lại còn được dùng cả trong Phụng vụ : “Chân em tuyệt đẹp trong những chiếc hài! Hỡi công nương! Đường cong cặp đùi những chiếc vòng, công trình do tay khéo léo. Rốn em tròn xoay như chung. Sao cho đừng thiếu rượu nồng! Bụng em, một đống miến mì, có huệ rào quanh. Đôi nhũ hoa như cặp nai tơ, con sinh đôi của linh dương mẹ. Cổ em như tháp ngà. Mắt em là những hồ nước Khesbôn, bên cổng Bat-Rabbim. Mũi em như tháp Liban, dõi về phía Đama, v.v…” (Dc 7, 2-6).


Điều đó có nghĩa gì nếu không phải Giáo hội đã không “hiểu” và “đọc” các Thánh vịnh và sách Diễm ca bằng ngôn ngữ thần học tín lý mà bằng ngôn ngữ thi ca, ngôn ngữ của lời kinh … Ở Viêt Nam một số bài thơ tôn giáo của Hàn Mặc Tử vốn được coi như là những vần thơ tôn giáo bất hủ nhưng nếu xét qua lăng kính ngôn ngữ thần học thì ngôn ngữ và biểu tượng được sử dụng trong những bài thơ nầy là “lai căng” (ảnh hưởng Phật giáo, Lão giáo…) và không thích hợp…


Như một kết thúc cho những chia sẻ ngắn gọn nầy, tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn một câu hỏi mà bao nhiêu lần tôi đã tự đặt ra cho mình, đó là: Tại sao nền văn chương nghệ thuật “đời” ở Việt Nam phát triển như vũ bão trong những thế kỷ qua, còn trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, khu vườn văn học nghệ thuật sao mà đìu hiu đến thế ! Liệu phải chăng, ở Việt Nam, người ta vẫn còn lẫn lộn giữa hai thứ ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thần học và vì thế bao giờ thi ca cũng dễ dàng bị “phán xét” qua lăng kính thần học khiến thi ca và nghệ thuật khó có đủ dưỡng khí để mà tồn tại và phát triển ?

Chủng viện Thánh NICOLAS-Phan Thiết, ngày 17 tháng 01 năm 2008


Linh mục Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG

http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=3104

giusehien
11-02-2008, 12:53 PM
KINH NGHIỆM THƠ (BTDL 2)

SỨ ĐIỆP CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II GỬI CÁC VĂN NGHỆ SĨ

Nhân ngày kết thúc Công Đồng, 08-12-1965.

“Giờ đây chúng tôi xin ngỏ lời với tất cả anh chị em văn nghệ sĩ, những người say mê cái đẹp và miệt mài làm việc cho cái đẹp: Những thi sĩ, những người làm văn chương, hoạ sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc, nhạc sĩ, những người làm kịch nghệ và điện ảnh… Qua tiếng nói của chúng tôi, Hội Thánh của Công Đồng muốn nói với tất cả anh chị em rằng: Nếu anh chị em là bạn hữu của nghệ thuật đích thực, anh chị em là bạn hữu của chúng tôi.

Đã từ lâu, Hội Thánh liên kết với anh chị em. Anh chị em đã xây dựng và trang hoàng các đền thờ của Hội Thánh, đã làm giàu cho phụng vụ của Hội Thánh. Anh chị em đã giúp Hội Thánh dùng ngôn ngữ của các hình thể và biểu tượng để diễn đạt sứ điệp Thiên Chúa trao phó, khiến người ta dường như có thể nắm bắt được thế giới vô hình.

Hôm nay cũng như hôm qua, Hội Thánh đang cần đến anh chị em và đang hướng về anh chị em. Qua tiếng nói của chúng tôi, Hội Thánh ngỏ lời với anh chị em rằng: Xin đừng để cho mối liên kết phong phú bậc nhất này bị tan vỡ! Xin đừng ngần ngại đem tài năng của anh chị em ra phục vụ sự thật của Thiên Chúa. Xin đừng đóng cửa lòng lại trước hơi thở của Chúa Thánh Thần.

Thế giới chúng ta sống đây đang cần cái đẹp để khỏi sa chìm vào bóng tối thất vọng. Cũng như sự thật, cái đẹp chính là điều đang gieo niềm vui vào lòng người. Kết quả quý báu ấy chống lại sự cũ mòn của thời gian, nối kết các thế hệ và đưa họ đến chỗ hiệp thông với nhau trong sự thán phục. Mà điều ấy ở trong bàn tay của anh chị em.

Ước gì những bàn tay ấy luôn tinh sạch và vô vụ lợi. Xin hãy nhớ rằng anh chị em là những người gìn giữ cái đẹp trên thế giới: Mong rằng chỉ điều ấy thôi cũng đủ khiến anh chị em vượt khỏi những thị hiếu mau qua và không có giá trị đích thực, đủ khiến anh chị em thoát khỏi xu hướng tìm những lối diễn tả kỳ quặc và thiếu lành mạnh.

Xin anh chị em, dù bất cứ nơi đâu, vẫn luôn xứng đáng với lý tưởng của anh chị em, và anh chị em sẽ xứng đáng với Hội Thánh. Hôm nay, qua tiếng nói của chúng tôi, Hội Thánh muốn gởi đến anh chị em sứ điệp của Hội Thánh, một sứ điệp của tình thân hữu, của ơn cứu rỗi, của ân sủng và phúc lành.”


KINH NGHIỆM THƠ

Cùng sống cuộc sống dức tin văn hóa



Chia sẻ kết thúc của Đức Ông Xuân Ly Băng trong ngày họp mặt Đồng Xanh Thơ

Ba thuyết trình viên đã khẳng định cho thơ ca Công giáo Việt Nam những nền móng quan trọng: Lê Đình Bảng đặt một nền móng lịch sử, Trăng Thập Tự nêu rõ nền móng tâm linh và Nguyễn Thiên Cung một nền móng thần học.

Góp phần đúc kết và tiếp nối những điều ấy, tôi xin chia sẻ thêm đôi điều về kinh nghiệm thơ.

Người ta thường bảo ngôn ngữ thơ ca là ngôn ngữ thầm kín, ngôn ngữ của trực giác, không dễ gì lấy triết lý mà hiểu được, vì ngôn ngữ thơ trước hết là ngôn ngữ của trái tim. “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu được” (Pascal). Chẳng hạn hình ảnh cô gái mù với ly cà phê trắng Vũ Thuỷ. Ngay cả thi sĩ, làm thơ rồi, có khi chẳng hiểu hết thơ của mình, đang lúc nhà phê bình có thể tìm hiểu và nhận ra được. Cho nên không thể soi mói thơ bằng các hệ thống lý luận triết học hay thần học.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà thơ là cái gì dễ dãi. Người ta có nói, mỗi tài năng đều gồm 1% do bẩm sinh và 99% do đào luyện. Một phần trăm của thiên tài không thể thiếu. Nếu thiếu, dù có làm cả trăm bài văn vần cũng chẳng ra thơ. Thế nhưng chỉ một phần trăm ấy thôi chưa đủ, cần phải dụng công, phải khổ luyện.

Nhà thơ Giả Đảo có ghi lại một kinh nghiệm:

Nhị cú tam niên đắc

Ngâm thành song lệ lưu,

Được Trăng Thập Tự dịch là:

Ba năm tìm được hai câu,

Ngâm lên nhỏ lụy tuôn châu đôi dòng.

Người Pháp có nói: “Phải luyện tay nghề hai mươi lần, tác phẩm của bạn mới ra hồn” (Vingt fois sur le métier, reprenez votre ouvrage).

Làm thơ là sáng tạo. Khi Xuân Diệu viết: “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm”, Tản Đà đòi lôi ra chém vì Xuân Diệu dám bảo mặt trời đi ngủ. Thế nhưng làm thơ là phải vậy, phải sáng tạo.

Cùng một mặt trăng nhưng với óc tưởng tượng, mỗi tác giả nhìn một khác: Trăng cười, trăng khóc, trăng rỉ máu, trăng có thể là người thiếu nữ nằm lả lơi cợt nhả mà trăng cũng có thể là Đức Mẹ.

Ngôn ngữ thơ phải sinh động, biết cười, biết khóc, biết nhảy múa. Phải biết chọn từ, đảo ngữ. Phải có nhịp điệu và nhạc điệu theo luật bằng trắc của âm thanh.

Bài thơ tả cục phân mà hay thì vẫn là thơ; còn tả cô công chúa tuyệt trần mà không hay thì cũng chẳng phải là thơ. Bài thơ ví được như một bầu trời. Bài thơ dở, đọc lên như bầu trời im lìm bất động. Bài thơ hay thì nhiều câu, nhiều chữ rực lên như trăng sao chớp nháy. Bầu trời thơ Nguyễn Du góc nào cũng chớp nháy, câu nào, chữ nào cũng hay.

Người làm thơ cần đọc thơ của nhiều tác giả, đọc những tác phẩm giá trị, để thấy những nét tân kỳ và độc sáng trong hình ảnh và ngôn ngữ.

Cần học thêm những phong cách mới của thơ Pháp, thơ Anh, thơ chữ Hán, để làm giàu cho hồn thơ. Cần đọc những sách chuyên môn về thơ để trau giồi kiến thức và kỹ năng thơ.

Cần giao lưu nhiều với các tác giả thơ, nhạc, hoạ… để làm cho tâm hồn luôn tươi mới, tránh khỏi bị “cô lậu quả văn”, nghĩa là “hẹp hòi, tầm thường, không đẹp”.

Nhất là phải đọc, nghiền ngẫm và thuộc lòng Thánh Kinh, cách riêng là các Thánh vịnh, sách Diễm ca, Tin mừng Gioan.

Bước vào chức linh mục, thấy mình được gọi rao giảng Tin Mừng bằng thơ ca, tôi đã chăm chú học làm nghệ thuật, nghiền ngẫm quyển “Lý thuyết về văn chương và các nghệ thuật” bằng tiếng Pháp (không còn nhớ tên sách và tên tác giả). Tôi đã đọc rất nhiều thơ, từ Kiều, Chinh Phụ, Cung Oán, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương cho đến Tản Đà rồi các nhà thơ mới. Có những bài thơ tôi thuộc nằm lòng. Gặp sách chuyên môn về văn chương là tôi đọc. Có những quyển tầm thường nhưng vẫn gặt hái được đôi điều, đôi dòng đáng nhớ. Cũng phải học lại tiếng Việt. Tôi vẫn thường xuyên tra cứu Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn.

Người làm thơ phải đau khổ. Alfred de Musset có nói: “Cứ đánh vào tim tôi, thiên tài sẽ trào vọt”. Hàn Mạc Tử: “Không rên siết là thơ vô nghĩa lý!” Một tác giả khác: “Mà câu tuyệt vọng là câu tuyệt vời”. Một tác giả thơ Đường: “Đản thị thi nhân đa bạc mệnh” (Thôi Hiệu hay Lý Bạch?)

Đừng tự ti mặc cảm. Cứ viết, cứ đăng báo, cứ in, trong sự khôn ngoan dè dặt.

Cuối cùng, cần hai chữ thành thực và khiêm nhường, đừng tự tôn vinh mình. Thời gian sẽ sàng lọc và đào thải những gì không phải là thơ.


Chúc anh chị em về ăn tết vui.

Tác giả Xuân Ly Băng

http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=3121