Ðăng Nhập

View Full Version : Nụ Cười



Tử Mặc
29-09-2009, 04:51 PM
:5: NỤ CƯỜI

Tác phẩm ”Nụ cười” của nhà văn Pháp Saint-Exupéry có lẽ ít nổi tiếng và không được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như tác phẩm “Hoàng tử bé”, nhưng xét về mặt những giá trị thực tiễn, tác phẩm này có lẽ mang nhiều lợi ích cụ thể hơn. Nhân vật trong tác phẩm xưng là tôi, nên nhiều người cho rằng đây không phải là một tác phẩm hư cấu. Rất có thể đó là một tự truyện của chính Saint-Exupéry, vì ông từng là một sĩ quan phi công trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Truyện kể về một người tù binh. Cũng như bao người tù binh khác, anh bị đối xử rất tàn tệ. Dường như dưới mắt những người cai tù, những tù binh kia không còn phải là những con người, mà đơn thuần chỉ là những mục tiêu sống để họ tha hồ trút lên đó những nỗi hằn học, bao điều căm ghét và cả sự lạnh lùng thú tính. Người tù nhân ấy cũng bị đánh đập, bị chửi rủa và bị cơn đói hành hạ dữ dội. Tuy nhiên tất cả những nỗi khốn cùng ấy cũng không làm cho tâm hồn anh rúng động và chao đảo bằng nỗi lo sợ tới ngày mình bị đem đi xử bắn. Nhiều bạn tù của anh đã bị và anh chẳng biết ngày nào bản án đang lơ lửng trên đầu sẽ rơi xuống trên anh.
Một hôm, trong nỗi lo âu đến độ làm tê liệt con người ấy, người tù cố trấn tĩnh bằng cách rút trong túi ra điếu thuốc và gắn lên môi. Nhưng anh không thể hút được vì không có diêm. Phía ngoài chấn song, một người cai tù đang đứng quay lưng lại. Người tù cố gọi to: “làm ơn cho tôi chút lửa”. Nghe tiếng kêu, người cai tù quay lại, lặng nhìn một lúc lâu, rồi từ từ lại gần. Trong khi móc que diêm ra, tình cờ ánh mắt hắn dừng lại trên mắt người tù. Bỗng nhiên người tù mỉm cười và anh chẳng hiểu vì sao mình lại làm thế. Có lẽ khi muốn cầu cạnh hay làm thân với ai đó, hoặc khi sắp được người khác làm ơn cho, người ta dễ dàng nở nụ cười như thế chăng?
Tuy nhiên, nụ cười bất chợt của người tù như đốm lửa bùng cháy ngang qua kẽ hở của hai tâm hồn, giữa hai trái tim con người. Người cai tù cũng mỉm cười đáp lại. Trong khi đánh lửa, người cai tù vẫn nhìn thẳng vào mắt người tù và miệng vẫn cười. Giây phút ấy, bên trong chấn song không còn phải là một người tù và phía ngoài chấn song, không còn phải là viên cai tù phát xít. Chỉ còn ở đó hai con người. Hoàn cảnh có khác nhau, nhưng lại rất gần nhau trong nỗi ưu tư, cũng như trong niềm hy vọng. Vì thế họ bắt đầu ngồi xuống và trao đổi cho nhau nhiều chuyện về gia đình, con cái và cả những mong ước vun đắp âm thầm.
Nhưng đau đớn thay, những mơ ước ấy đành chết khô trong hoàn cảnh khói lửa ngút trời này. Những mơ ước rất đẹp đẽ sẽ mãi bị thui chột với người này và tan vỡ đối với người kia. Cả hai người đôi mắt cùng nhòa lệ. Họ khóc như chưa từng được khóc và tỏ ra hiều nhau, thông cảm nhau như hai người bạn. Rồi đột nhiên chẳng nói chẳng rằng, viên cai tù mở khóa và kéo người tù ra khỏi buồng giam. Anh ta lặng lẽ ra hiệu và người tù ngoan ngoãn nghe theo. Qua hết các hành lang, qua hết các cổng gác, và khi đã ra khỏi thành phố, viên cai ngục thả người tù. Sau khi ra hiệu cho người tù đi đi, anh ta lặng lẽ quay về. Người tù hoàn hồn sau một thoáng kinh ngạc và điều anh ta nhận ra đầu tiên, là mình đã được cứu sống, nhờ một nụ cười bất chợt.

*

* *
Là một nhà văn có tài, nhưng Saint-Exupéry cố tình loại ra khỏi tác phẩm của mình những chi tiết có thể lôi cuốn và hấp dẫn do hư cấu. Ông chỉ định tâm để lại những chi tiết chính và nòng cốt, rồi cho câu chuyện tuần tự diễn ra trên những gì chính yếu và cần thiết ấy. Tính trữ tình có thể vì thế mà bị hạn chế, nhưng bù lại tính chân thật đạt đến mức tối đa. Sự chân thực nào mà không ngầm chứa bên trong nó tính thuyết phục.
Qua câu chuyện chúng ta dễ dàng nhận ra một điều rất quan trọng, nhưng hay bị lãng quên, là bên trong những cái khác biệt giữa người với người, những cái khác biệt có thể do tự nhiên, nhưng cũng có thể do chính con người tạo ra, chúng ta còn có một cái chung rất quý giá đó là tâm hồn. Rất có thể những khác biệt do chúng ta tạo ra cho mình qua năm tháng đã trở nên đủ dày, đủ nặng để che lấp con người thật, nhưng ở một góc nhỏ nào đó nó vẫn sống, vẫn chờ đợi ngày được vùng dậy để lật đổ, để hạ bệ những gì không thật kia đi.
Nụ cười bất chợt của người tù và nụ cười bất ngờ đáp trả của viên cai tù là một bằng chứng về sự có mặt và vùng lên đó. Ở đây, khi một nụ cười nở ra và được nụ cười khác đồng tình đáp trả, hai con người trước đây vốn nhiều xa lạ và lắm khác biệt, bỗng thấy nhau thật gần. Gần đến nỗi có thể chia sẻ cho nhau bao nỗi ưu tư cũng như những niềm hy vọng. Rồi kết cục, dầu chẳng có một áp lực nào từ bên ngoài, họ vẫn biết phải làm gì cho nhau, biết cho nhau những gì thật tốt và dường như họ đã cho nhau cái tốt đẹp vượt quá điều kiện và hoàn cảnh cụ thể họ đang có.
Ở chỗ khác, chắc chúng ta chưa quên được một bài thơ dịch, được đưa vào sách giáo khoa ngày trước, nhằm cổ vũ và giáo dục lòng nhân ái. Bài thơ thuật lại sau một trận giao tranh, bãi chiến trường ngổn ngang xác chết. Có hai chiến sĩ thuộc hai quốc gia đang thù địch nhau bị thương nặng. Họ cố lết lại gần nhau, thều thào nói với nhau vài câu, nhưng do ngôn ngữ bất đồng, nên cả hai chẳng hiểu người đối diện với mình muốn nói gì. Dầu vậy, tâm hồn họ hiểu nhau, thông cảm cho nhau và thương yêu nhau thật.
Một trong hai bị thương nặng hơn, anh ta biết mình không qua khỏi, nên đã cố cởi áo và đắp cho người còn lại. Lúc đó trời đã vào đêm và sương bắt đầu phủ. Anh ta đã làm điều tốt lành và cảm động ấy với nụ cười mãn nguyện trước khi nhắm mắt từ trần.
Nụ cười của người tù, nụ cười của viên cai tù và nụ cười của người chiến sĩ trước khi chết, cả ba đều xuất phát từ những hoàn cảnh, từ những tâm trạng khác nhau, nhưng điểm chung của nó đó là nụ cười của tình thân thiện, của niềm vui và của sự bình an. Một nụ cười thân thiện sẽ làm sụp đổ mọi rào chắn, sẽ làm tan biến mọi chướng ngại và giúp chúng ta từ tư thế đối đầu bước sang tư thế đối thoại. Một khi không còn sợ hãi, nghi ngại hay dè chừng nhau, chắc chắn chúng ta sẽ đến với nhau bằng sự hiểu biết và thông cảm hơn.
Một nụ cười biểu lộ niềm vui sẽ giúp chúng ta thêm thâm tín rằng: cuộc đời trước mặt hay hoàn cảnh sống cụ thể lúc này không bao giờ là một ngõ cụt, không lối thoát, không bao giờ là một bế tắc vô phương cứu chữa. Niềm vui sẽ vực dậy niềm tin, sẽ củng cố lòng trông cậy và thắp sáng lên niềm hy vọng vào những gì tốt đẹp và tươi sáng hơn.
Cuối cùng, nụ cười bình an vừa là bằng chứng vừa là lời tuyên xưng cuộc đời này tốt đẹp và đáng ca tụng dường nào. Cho dẫu cuộc đời ấy không phải lúc nào cũng có những lời giải đáp rõ ràng, sáng tỏ hay được nhận biết bằng một bộ mặt rạng rỡ, đáng yêu. Thế nhưng chắc chắn trong cuộc đời ấy, có ánh sáng nhiều hơn bóng tối, có nhiều lòng tốt hơn ác tâm. Bởi vì đằng sau cuộc đời ấy, có một bàn tay nhân hậu đang điều hành, dẫn dắt và duy trì nó bằng sự chung nhất lẫn tính cá biệt. Bàn tay ấy là hiện thân của lòng thương xót, của sự nhân hậu và nhất là của tình yêu.
Trong cuộc sống hôm nay, có lẽ nhận chân được giá trị của nụ cười và những tác dụng của nó, nên ngoài việc âm thầm thực hiện những công việc bác ái, Mẹ Têrêsa Calcutta còn có nhũng lời nhắn nhủ rất thực tế và sâu sắc cho những người đến xin Mẹ một lời nhắn nhủ, một lời khuyên. Có lần Mẹ đã ngỏ những lời sau đây đến thăm và xin Mẹ một lời khuyên trước khi ra về: “Các bạn hãy mỉm cười với nhau, hãy cười với vợ của bạn, hãy cười với chồng của bạn, hãy cười với con cái của các bạn, hãy cười với mọi người. Nụ cười sẽ giúp các bạn lớn lên trong tình yêu”.

:118: :118: :118: