PDA

View Full Version : Tình Yêu và Trách Nhiệm - Bài 5



Ti_Amo
07-10-2009, 07:15 PM
Tình Yêu và Trách Nhiệm - Bài 5

Bài 5: Hiểu cả Hai Bình Diện của Tình Yêu.
Tiếp theo bài Cảm Giác và Tình Cảm.
Làm sao để một người biết tình yêu của mình là một tình yêu chân chính, trung thành hay chỉ là một mối tình lãng mạng không hy vọng đứng vững trước những thử thách của thời gian? Đó là điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ đề cập đến trong phần kế tiếp của sách “Tình Yêu và Trách Nhiệm” khi ngài trình bày về hai bình diện của tình yêu.
Theo Đức Thánh Cha thì có hai bình diện của tình yêu, và hiểu biết sự khác biệt của hai bình diện này là điều tối cần thiết cho bất cứ liên hệ hôn nhân, đính hôn, hay hẹn hò nào. Một đằng, là những gì xảy ra trong lòng chúng ta khi chúng ta bị lôi cuốn bởi một người khác phái. Đằng khác là liên quan của chúng ta với người khác.
Khi một thiếu niên gặp một thiếu nữ, cậu cảm thấy trong lòng có một số cảm giác và ước muốn mãnh liệt. Cậu có thể bị vẻ đẹp của thân xác cô lôi cuốn về thể lý, hay nghĩ tưởng miên man về cô vì một hấp lực tình cảm. Động lực nội tại của nhục dục và tình cảm là những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến việc hai người nam nữ đối xử với nhau, và điều này tạo ra mối tình lãng mạng rất kỳ thú cho hai người, nhất là ở những giai đoạn đầu. Đức Thánh Cha gọi diện thứ nhất này là diện “chủ quan”.
Tuy rằng đây là một bình diện của tình yêu, nhưng nó không thể được coi là tình yêu theo nghĩa đầy đủ. Theo kinh nghiệm thì chúng ta biết rằng chúng ta có thể có những tình cảm hay ước muốn mãnh liệt đối với một người khác mà không có thể quyết tâm với họ hoặc họ không thể quyết tâm với chúng ta trong một liên hệ yêu thương.
Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha đặt diện chủ quan của tình yêu vào đúng chỗ của nó. Ngài đánh thức chúng ta dậy và nhắc cho chúng ta rằng dù những cảm giác này có mãnh liệt đến đâu đi nữa, thì chúng vẫn chưa chắc là tình yêu, mà chỉ đơn thuần là “một tình trạng tâm lý”. Nói cách khác, tự nó, bình diện chủ quan của tình yêu chẳng khác gì một cảm nghiệm vui sướng xảy ra trong tôi.
Những cảm giác và ước muốn này không phải là điều xấu, mà chúng có thể phát triển thành tình yêu, và còn có thể làm thăng tiến tình yêu, nhưng chúng ta không nên coi chúng là những dấu hiệu không thể sai lầm của một tình yêu chân chính. Đức Thánh Cha nói, “Không thể chỉ dựa vào cường độ của cảm giác mà phán đoán giá trị của một liên hệ giữa con người…. Sự phát huy tình yêu phải đặt nền tảng trên thái độ hoàn toàn quyết tâm và chịu trách nhiệm của người này đối với người khác”; trong khi đó các cảm tình lãng mạn “được bộc phát từ những phản ứng giác quan và cảm quan. Một sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của những giác cảm như thế có thể che dấu một tình yêu đã không nảy nở được” (tr. 145).
Hướng Tình Yêu vào Trong
Thanh niên nam nhữ ngày nay dễ rơi vào ảo giác tình yêu này, vì xã hội hiện đại đã hướng tình yêu vào trong, bằng cách chỉ chú ý đến diện chủ quan. Trong bài trước, tôi đã viết về “Tình Yêu Hồ Ly Vọng” là loại tình yêu dạy chúng ta rằng nếu cảm giác của chúng ta càng mạnh mẽ thì tình yêu chúng ta cũng càng mãnh liệt. Tuy thế, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng còn có một bình diện khác của tình yêu và là bình diện tuyệt đối cần thiết bất kể cảm giác hay ước muốn của chúng ta mạnh đến đâu đi nữa. Đó là điều mà ngài gọi là bình diện “khách quan”.
Bình diện này có một số đặc tính khách quan vượt trên những cảm giác thú vị mà tôi cảm nghiệm được ở mức độ chủ quan. Tình yêu chân chính liên quan đến nhân đức, tình bằng hữu, và việc theo đuổi công ích. Thí dụ như trong hôn nhân Kitô giáo, hai vợ chồng phải kết hợp với nhau để đạt được một mục tiêu chung là giúp nhau nên thánh, đào sâu sự kết hợp giữa hai người, và dạy dỗ, nuôi nấng con cái. Hơn nữa, họ không phải chỉ chia sẻ với nhau mục tiêu chung này mà còn cần có các đức tính để giúp nhau đạt được mục tiêu ấy.
Đó là lý do tại sao bình diện khách quan của tình yêu vượt trên việc chỉ nhìn vào những cảm giác và ước muốn nột tâm của tôi nhiều. Nó còn hơn cả những niềm vui mà tôi nhận được từ liên quan này. Khi kể đến bình diện khách quan của tình yêu, chúng ta phải phân biệt liên hệ giữa tôi và người yêu của tôi thật sự là loại liên hệ nào, chứ không chỉ đơn thuần là liên hệ này có ý nghĩa gì với tôi dựa theo những cảm giác của tôi. Người kia yêu tôi vì con người của tôi là ai hay chỉ vì sự vui thích mà người ấy nhận được từ sự liên hệ với tôi? Người yêu của tôi có hiểu điều gì thật sự tốt nhất cho tôi, và nàng có các đức tính cần thiết để giúp tôi đạt được điều ấy không? Chúng tôi có cùng nhau quyết tâm theo đuổi một mục đích chung, phục vụ nhau, và cùng nhau cố gắng đạt đến một ích lợi chung cao trọng hơn mỗi người chúng tôi không? Hay là chúng tôi thật sự chỉ sống cạnh nhau, chia sẻ tài nguyên, và đôi khi những giây phút vui vẻ với nhau trong khi mỗi người chỉ ích kỷ theo đuổi những chương trình, những lợi ích riêng trong đời? Đây là ba loại câu hỏi để biết về diện khách quan của tình yêu.
Bây giờ chúng ta có thể thấy tại sao Đức Thánh Cha nói rằng tình yêu chân thật là “một sự thật giữa người với người”, chứ không chỉ đơn thuần là “một trường hợp tâm lý”. Một liên hệ mật thiết phải dựa vào các đức tínhh và tình bằng hữu, chứ không chỉ dựa trên những cảm giác thú vị hay những giâu phút tươi đẹp bên nhau. Như Đức Thánh Cha viết: “Tình yêu như cảm nghiệm phải lệ thuộc vào tình yêu như nhân đức, - thật nhiều đến nỗi nếu không có tình yêu như nhân đức thì không có sự trọn vẹn trong cảm nghiệm tình yêu” (tr. 120).
Tình Yêu Hy Sinh
Một trong những dấu hiệu chính của diện khách quan của tình yêu là việc hiến thân. Đức Thánh Cha dạy rằng điều làm cho tình yêu hôn nhân khác các hình thức yêu thương khác (hấp dẫn, ước ao, tình bạn) là hai người “hiến mình cho nhau”. Họ không chỉ hấp dẫn nhau, chỉ muốn điều tốt cho nhau. Trong tình yêu hôn nhân, người này hoàn toàn hiến mình cho người kia. “Khi tình yêu hôn nhân đi vào liên hệ giữa người với người thì sẽ phát sinh một điều gì còn hơn cả tình bạn: hai người tự hiến cho nhau” (tr. 96).
Nhưng ý tưởng về tình yêu tự hiến lại đề ra những câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để một người có thể tự hiến cho người kia? Tự hiến nghĩa là gì? Sau cùng, Đức Thánh Cha dạy rằng mỗi người hoàn toàn khác biệt. Mỗi người có tư tưởng riêng và ý chí tự do riêng. Chung quy là không ai có thể suy nghĩ cho tôi. Không ai có thể chọn lựa cho tôi. Như thế mỗi người là “chủ của chính mình”, và không thể cho người khác được (tr. 125). Vậy một người có thể “hiến thân” cho người mình yêu theo nghĩa nào?
Đức Thánh Cha trả lời rằng trong khi ở mức độ tự nhiên và thể lý, một người không thể hiến mình cho người khác, nhưng để yêu, một người có thể hiến mình bằng cách chọn giới hạn sự tự do của mình để kết hợp ý muốn của mình với người mình yêu. Nói cách khác, vì yêu, một người có thể mong muốn bỏ ý riêng mình để kết hợp với người kia. Như Đức Thánh Cha nói, tình yêu “làm cho một người chỉ muốn làm điều ấy là từ bỏ ý mình cho người kia, cho người mà mình yêu”.
Tự Do Để Yêu
Thí dụ trường hợp một người đàn ông độc thân lập gia đình. Như một thanh niên độc thân, “Thành” có thể quyết định làm điều gì anh muốn, làm khi nào, và làm thế nào thì tùy ý anh. Anh tự do đặt chương trình cho mình. Anh quyết định sống ở đâu. Anh có thể nghỉ việc và dời đi một nơi khác bất cứ lúc nào anh muốn. Anh có thể để nhà cửa bê bối. Anh có thể tiêu xài tùy ý. Anh có thể ăn, đi ra ngoài, và đi ngủ khi nào anh muốn. Anh đã quen quyết định theo ý mình.
Tuy nhiên, có gia đình sẽ thay đội đời sống của Thành rất nhiều. Nếu Thành tự ý nghỉ việc, mua xe, đi nghỉ cuối tuần hay bán nhà thì chưa chắc vợ Thành đã đồng ý! Bây giờ Thành đã có vợ nên mọi quyết định đều phải là quyết định chung của hai người chứ không phải chỉ của Thành nữa, và phải quyết định thế nào để tốt nhất cho hôn nhân và gia đình của hai người.
Trong tình yêu tự hiến, một người ý thức cách rõ ràng rằng đời sống của mình không còn là của mình nữa. Người ấy đã nhường ý riêng của mình cho người mình yêu. Người đó không phải hoàn toàn từ bỏ các chương trình, mơ ước, và những gì mình ưa thích, nhưng phải đặt chúng vào một viễn cảnh mới. Chúng phải tùy thuộc vào vợ người ấy và các con cái mà họ có thể có từ cuộc hôn nhân này. Thành dùng thì giờ và tiền bạc hay thu xếp đời sống của Thành thế nào không còn là vấn đề chọn lựa riêng của Thành nữa. Gia đình Thành trở nên điểm qui chiếu cho mọi việc anh làm.
Đấy là vẻ đẹp của tình yêu tự hiến. Một người độc thân như Thành có quyền tự quyết, nghĩa là có thể thu xếp đời sống theo ý mình. Nhưng vì tình yêu, Thành đã tự do chọn lựa từ bỏ quyền tự quyết này, tự giới hạn sự tự do của mình, bằng cách quyết tâm hiến thân cho vợ Thành và những gì tốt đẹp cho nàng. Tình yêu mạnh đến nỗi thúc đẩy Thành hy sinh ý riêng của mình cho người yêu một cách sâu xa.
Thật ra, nhiều hôn nhân ngày nay sẽ trở nên vững chắc hơn nếu chúng ta hiểu và nhớ loại tình yêu tự hiến mà chúng ta đã đoan nguyền từ đầu. Thay vì ích kỷ theo đuổi những điều mình ưa thích hay mong ước, chúng ta phải nhớ rằng khi chúng ta đã thề hứa, chúng ta tự do chọn lựa từ bỏ ý riêng. Chúng ta từ bỏ vì yêu thương, vì ích lợi cho bạn đời và con cái chúng ta. Như Đức Thánh Cha giải thích, “Hình thức yêu thương trọn vẹn và không nhượng bộ nhất chính là ở chỗ tự hiến, ở chỗ làm cho ‘tôi thành sở hữu của người khác’ mà không chuyển nhượng và không di chuyển được nữa” (tr. 97).
Định Luật Tặng Quà
Giờ đây chúng ta đi đến mầu nhiệm lớn nhất của tình yêu tự hiến. Ở trọng tâm của món quà tự hiến này là một xác tín căn bản rằng trong việc hiến dâng quyền tự quyết của tôi cho người yêu, tôi nhận lại được rất nhiều. Bằng cách kết hợp với người khác, đời sống của chính tôi không bị thu nhỏ lại mà lại được phong phú hóa một cách sâu đậm. Đó là điều mà Đức Thánh Cha gọi là “luật ekstasis” hay luật tự hiến: “Người yêu ‘đi ra ngoài’ bản ngã của mính để tìm sự hiện hữu trọn vẹn hơn ở người khác’” (tr. 126).
Tuy nhiên, trong một thời đại cá nhân chủ nghĩa rất thịnh hành, điểm sâu sắc này của Đức Thánh Cha có thể khó hiểu. Tại sao tôi lại phải ra ngoài bản ngã của tôi để tìm thấy hạnh phúc? Tại sao tôi lại phải quyết tâm với một người khác một cách quá đáng như thế? Tại sao tôi lại phải khước từ tự do muốn làm gì thì làm với cuộc đời của tôi? Đây là những câu hỏi của con người thời đại.
Tuy nhiên, theo quan điểm Kitô giáo, đời sống không có nghĩa là “muốn làm gì thì làm”. Nó có nghĩa là sự liên hệ của tôi – là làm tròn quan hệ với Thiên Chúa và với những người mà Thiên Chúa đặt vào đời tôi. Trên thực tế, cách chúng ta tìm thấy sự thỏa mãn trong cuộc đời: là sống các liên hệ của chúng ta cho đúng. Nhưng muốn sống các liên hệ của chúng ta cho đúng, chúng ta cần phải hy sinh thường xuyên, phải từ bỏ ý riêng của chúng ta để phục vụ ích lợi của người khác. Đó là lý do tại sao chúng ta khám phá ra một hạnh phúc khôn lường trong đời sống khi chúng ta tự hiến cách này, vì chúng ta đang sống cách mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta sống, là cách mà chính Thiên Chúa sống: trong một tình yêu hoàn toàn tự hiến và quyết tâm. Như một câu trong Công Đồng Vaticanô II mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thích nhất là: “Một người chỉ tìm thấy chính mình qua việc thành tâm hiến mình thành món quà cho người khác” (Gaudium et Spes, số 24).
Câu này của Công Đồng Vaticanô II có thể áp dụng đặc biệt vào hôn nhân, là chỗ mà tình yêu tự hiến giữa hai người được coi là sâu đặm nhất. Trong việc quyết tâm yêu thương người khác trong tình yêu hôn nhân, tôi chắc chắn là phải giới hạn sự tự do “muốn làm gì thì làm” của tôi. Nhưng đồng thời tôi tự mở ra cho một sự tự do lớn lao hơn: tự do để yêu. Như Đức Thánh Cha giải thích, “Tình yêu bào gồm một quyết tâm là quyết tâm giới hạn tự do của mình, là bỏ đi cái tôi, và tự hiến chỉ có nghĩa như thế: là giới hạn tự do của mình vì người khác. Giới hạn tự do của một người có thể được coi là một điều tiêu cực và không vui, nhưng tình yêu làm cho nó thành một điều tích cực, vui tươi và sáng tạo. Tự do hiện hữu vì tình yêu.” (tr.135).
Kết Luận
Trong khi những người theo chủ nghĩa cá nhân thời đại coi việc tự hiến trong hôn nhân như một điều tiêu cực và giới hạn, thì các Kitô hữu coi những giới hạn như thế là sự giải phóng. Điều mà tôi thực sự muốn làm trong đời là yêu mến Thiên Chúa, vợ con tôi, và những người lân cận tôi, vì tôi tìm thấy hạnh phúc trong những liên hệ này. Và nếu tôi muốn yêu vợ con tôi và hoàn toàn quyết tâm cho họ, thì tôi phải thoát ra khỏi vòng kiềm chế của những ý muốn ích kỷ của tôi, để chúng khỏi điều khiển đời sống tôi và cai trị gia đình tôi. Nói cách khác, tôi phải được giải thoát khỏi ách bạo tàn của “việc muốn làm gì thì làm”. Chỉ khi đó tôi mới được tự do sống theo phương cách mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi để sống. Chỉ khi đó tôi mới thật sự tự do và hạnh phúc. Chỉ khi đó tôi mới được tự do để yêu.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
--------------------------------------------
Viết theo: The Law of the Gift: Understanding the Two Sides of Love, Edward P. Sri, từ nguyệt san Lay Witness Sep/Oct 2005.
Phaolô Phạm Xuân Khôi