PDA

View Full Version : Mục vụ chăm sóc bệnh nhân



cafeda2009
10-10-2009, 11:42 AM
Mục vụ chăm sóc bệnh nhân




Những đóng góp của tâm lý học




LM. GiuseTêrêsa Trần Anh Thụ

Một nỗ lực chưa trọn vẹn

Mang thân phận con người, đau khổ, bệnh tật, sự chết…là điều không thể tránh. Chính kinh nghiệm về nó giúp cho con người “cảm nghiệm sự bất lực, giới hạn và hữu hạn của mình”,… “ý thức về cái chết”, “giúp cho con người chính chắn hơn”, “tìm kiếm Thiên Chúa và quay về với Ngài”. Tuy nhiên, rất nhiều khi, nó gây ra những thử thách cho con người. Đôi khi, nó cũng làm cho người ta lo âu, khép kín, tuyệt vọng và chống đối Thiên Chúa.

Noi gương Chúa Giêsu - Đấng đầy yêu thương và cảm thông với những yếu đuối của con người, Giáo Hội tiếp nối công cuộc “chữa lành cho bệnh nhân” (Mt 10,8) ngay từ khởi đầu sứ vụ của mình. Có thể nói, cho tới nay, ở Việt Nam, mục vụ chăm sóc bệnh nhân là một nỗ lực tốt. Thông thường những gia đình công giáo có người đau bệnh đều cố gắng để có thể mời một linh mục tới cử hành Bí tích Xức Dầu bệnh nhân, cho rước lễ như của ăn đàng. Gần đây hơn, các nhóm anh chị em Legio còn có mục vụ thăm viếng, những nhóm giúp kẻ liệt rất tích cực bên cạnh người đau bệnh để giúp họ kinh nguyện, dọn mình để ra đi…

Đức ông Mai Văn Vinh trong bài “Mục vụ bệnh nhân thật quan trọng” có đề cập tới một số lãnh vực cần quan tâm trong chăm sóc bệnh nhân như: phạm vi thiêng liêng, phạm vi tâm lý, phạm vi mục vụ, phạm vi xã hội.

Linh mục Jos. Vũ Đức, trong “Mục vụ cho bệnh nhân” ngoài những đề nghị thông thường vẫn quen thuộc còn nhắc tới chương trình Hospice Care - giúp bệnh nhân chết bằng an. Một lãnh vực còn mới mẻ trên thế giới và rất xa lạ với Việt Nam.

Đối với tôi, từ góc độ khám phá của tâm lý học, chợt nhận ra mình vẫn còn quá nhiều thiếu sót trong lãnh vực mục vụ này. Chính những thiếu sót này mà việc chăm sóc mục vụ bệnh nhân dù đã tốt nhưng chưa trọn vẹn.

Trong phạm vi bài viết, chúng ta cùng nhau điểm qua một số khám phá của khoa học tâm lý và thử cùng đi tìm một con đường để phục vụ bệnh nhân đạt hiệu quả cao hơn.

1. Tiến trình chết - góc nhìn của Khoa Tâm lý học cận tử

1.1. Nữ bác sĩ Elisabeth Kubler-Ross (1969) là người đầu tiên quan tâm đến nghiên cứu về vấn đề chết và quá trình hấp hối. Trong tác phẩm “On Death anh Dying”, bà cho rằng khi một người biết mình bị bệnh nặng có thể dẫn tới cái chết, họ đã phải trải qua năm giai đoạn khác nhau trong trạng thái tâm lý: phủ nhận, giận giữ, mặc cảm, trầm uất và chấp nhận.

- Giai đoạn 1: phủ nhận. “Không, không phải tôi!”. Đây là phản ứng điển hình của người bệnh khi biết mình bị bệnh ở giai đoạn cuối. Người bệnh phủ nhận khả năng chết của bản thân và đi tìm những ý kiến và triển vọng thuận lợi nhất. Hầu hết đều cho rằng bác sĩ chuẩn đoán sai và tìm sự chuẩn đoán ở các cơ sở y tế khác. Cũng có những người đi tìm sự an tâm trong tôn giáo. Theo bác sĩ Ross, sự chối bỏ này quan trọng và cần thiết. Nó làm “nhẹ bớt ảnh hưởng của ý thức về một cái chết không thể tránh được”.
- Giai đoạn 2: giận giữ “Tại sao lại là tôi chứ?”. Khi không thể phủ nhận và nhận ra rằng mình sắp chết, người bệnh sẽ có những kích thích, phẫn nộ và bị bao bọc bởi lòng đố kỵ. Họ cảm thấy oán giận trước sự kiện là những người khác sẽ còn sống khỏe mạnh còn mình thì một ngày gần đây sẽ phải chết. Thường Thiên Chúa sẽ là tấm bia đỡ đạn cho sự oán giận đó vì chính Ngài đã áp đặt, một cách tùy tiện, bản án tử hình này. Bác sĩ Ross khẳng định rằng sự nóng giận này không những là dễ hiểu mà thậm chí là không tránh được nữa. Đối với ai tỏ ra ngạc nhiên, bà nói rằng “Thiên Chúa có thể thu xếp với nó cơ mà”.
- Giai đoạn 3: mặc cả. “Vâng, tôi…nhưng mà”. Các bệnh nhận chấp nhận thực tại của cái chết nhưng tìm tranh thủ thời gian bằng cách mặc cả với Thiên Chúa. Có thể trước giờ chưa bao giờ họ tin và ngỏ lời với Ngài cả. Họ hứa sẽ sống tốt hoặc làm việc này điều nọ để đổi lại, xin được sống thêm một tuần, một tháng hay một năm. Bên cạnh đó, họ cũng trò chuyện với các bác sĩ, y tá…Lấy cớ trì hoãn “bản án”, giải thoát khỏi đau đớn và khổ ải. Tuy nhiên, Bác sĩ Ross ghi nhận: “Những gì họ hứa không mấy quan trọng vì dù sao họ cũng chẳng giữ những lời hứa ấy đâu”. Sau cùng, cá nhân cũng nhận thức được rằng những cuộc mặc cả như thế sẽ không diễn ra.
- Giai đoạn 4: Nếu việc mặc cả không đem lại hiệu quả và thời gian sẽ dần trôi. Giờ chết đang cận kề, họ rơi vào trong tình trạng suy sụp, trầm uất: “Vâng, tôi”. Người bệnh có cảm giác có quá nhiều mất mát, thất vọng, tội lỗi và hổ thẹn đối với bệnh tình và hậu quả bệnh tình của mình. Họ khóc thương cho những thử thách đã qua, những dự án dang dở, những thiệt hại đã phạm, sự chia ly sắp tới. Sau đó người ấy đi vào trong một tình trạng “để tang” và chuẩn bị cho cái chết đến.
- Giai đoạn 5: chấp nhận. “Giờ của tôi đã đến và mọi sự đều tốt cả”. Bệnh nhân trở nên thanh thản hơn và không muốn có người đến thăm. “Khi một người sắp chết không muốn gặp bạn nữa, Bác sĩ Ross nói, là vì người ấy đã giải quyết tất cả những gì cần giải quyết với bạn rồi. Đó là một phúc lành. Bây giờ người ấy có thể an bình phó thác”. Bác sĩ Ross mô tả giai đoạn này như “chẳng tốt chẳng xấu, một giai đoạn trống rỗng, chẳng có tâm tình gì. Đó không phải là sự cam chịu - mà là một chiến thắng”.

Năm giai đoạn mô tả ở trên là phản ứng rất bình thường của một người khi được nghe thông báo về tình trạng bệnh nguy tử của mình. Theo Bác sĩ Ross, đây là một cẩm nang hữu ích để hiểu các giai đoạn khác nhau mà một người sắp chết có thể trải qua. Tuy nhiên, không nên xem đó là tuyệt đối. Tất cả các bệnh nhân đều không trải qua hết các giai đoạn trên, cũng không theo thứ tự ấy, với nhịp độ ấy. Có người ở trong giai đoạn giận giữ hoặc trầm cảm cho đến lúc chết; có người chờ chết như là một cuộc giải thoát khỏi những đau khổ đang gánh chịu…

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng của con người như: văn hóa, tính cách cá nhân, tôn giáo, triết lý sống của cá nhân, độ dài và tính chất của căn bệnh…Cần một cách mềm dẻo và có trực giác để hiểu được trạng thái của bệnh nhân.

1.2. Pattison (1977) trong “Thuyết hấp hối phân đoạn” cho rằng người hấp hối không trải qua một chuỗi các giai đoạn theo thứ tự cố định, nhưng đúng hơn là họ trải qua một tập hợp cảm xúc phức tạp bao gồm sự hiểu biết về cái chết với sự lo âu và sau cùng là chấp nhận.

- Phân đoạn cấp tính: bắt đầu khi bệnh nhân biết mình mắc bệnh thời kỳ cuối. Người bệnh có đặc điểm: mức độ lo âu cao, phủ nhận, giận dữ và thậm chí mặc cả. Đồng thời người ta còn điều chỉnh để thích nghi với tình trạng bệnh thời kỳ cuối, và sự lo âu giảm dần.
- Phân đoạn hấp hối - còn sống mãn tính: có nhiều cảm giác mâu thuẫn phải được kết hợp nơi bệnh nhân. Những cảm này bao gồm nỗi sợ hãi cảnh đơn độc, sợ người lạ, và đau buồn khi nghĩ đến cái chết của bạn bè, của bản thân, của sự tự chủ và của nhận dạng. Những cảm giác sợ hãi và đau buồn tồn tại cùng lúc hoặc xen kẽ với cảm giác hy vọng, quyết đoán và chấp nhận.
- Phân đoạn cuối: bệnh nhân bắt đầu rút lui khỏi thế giới. Đây là phân đoạn ngắn nhất và kết thúc bằng cái chết.

1.3. Carr (1991-1992) đã đưa ra cách tiếp cận hấp hối trên cơ sở công việc của bệnh nhân:

- Cơ thể: người bệnh tìm thỏa mãn nhu cầu tự nhiên và giảm thiểu căng thẳng cơ thể.
- Tâm lý: họ gia tăng tối đa sự yên tâm về tâm lý, tính tự quản và sự sống đến mức cao nhất.
- Xã hội: bệnh nhân duy trì và tăng cường tình cảm quyến luyến quan trọng giữa họ và những người khác.
- Tâm linh: nhận dạng, phát triển hoặc tái khẳng định các tài nguyên sức mạnh tinh thần để nuôi dưỡng hy vọng.

2. Góc nhìn của tâm lý học phát triển

2.1 Suy nghĩ về cái chết.

- Thời thơ ấu: trẻ thường không hiểu biết hết sự vĩnh viễn, tính phổ biến và không có chức năng hoạt động trong cái chết cho đến khi đưa trẻ được 5 - 7 tuổi. Trẻ con chứng kiến cái chết lần đâu tiên có thể là cái chết của con vật “cưng”. Người lớn phải thật kiên nhẫn, tránh dùng cách nói khác đi khi đề cập tới cái chết với trẻ con. Nếu được hỗ trợ cách thích hợp, trẻ con có khả năng tham dự đám tang và các nghi thức khác.
- Tuổi vị thành niên thường không đề cập về cái chết, mặc dù hiểu biết gần giống như hiểu biết của người lớn. Tuy nhiên, tuổi vị thành niên có suy nghĩ bất tử - một khuynh hướng cho rằng cái chết chỉ xảy ra ở người khác chứ không xảy ra với mình.
- Đầu tuổi trưởng thành thường cho rằng bạn đồng tuổi của mình bị chết là để đánh đổi tương lai. Sự phát triển nhận thức thay đổi bao gồm suy nghĩ hậu chính thức có thể giúp kết hợp cảm giác và suy nghĩ về cái chết.
- Người lớn tuổi trung niên khi chứng kiến sự ra đi của bố mẹ và nhận thấy có những người cùng độ tuổi với họ qua đời, họ nhận biết rằng mình là người kế tiếp sẽ chết. Họ bắt đầu thay đổi nhận thức và thời gian: từ việc chú trọng đến thời gian họ đã sống nay chuyển sang chú ý đến thời gian mình còn sống được bao lâu nữa (Attig, 1996; Neugarten, 1969). Điều này làm cho họ có những quyết định thay đổi nghề nghiệp, cải thiện các mối quan hệ…
- Người già ít lo lắng đến cái chết và cũng dễ chấp nhận cái chết (Kastenbaum, 1999; Keller, Sherry & Piotrkowski, 1984). Thậm chí họ còn mong cho mau chết vì nhiều lý do khác nhau:; cũng có thể, theo Erikson, một phần là do họ đã đạt được tính toàn vẹn của đời sống.

2.2 Đối diện với cái chết

Theo Anderson (1977) và Attig (1996), mất cah mẹ không chỉ mất đi một mối quan hệ quan trọng mà còn mất đi một vật đệm tâm lý quan trọng giữa bản thân và cái chết. Đồng thời, cha mẹ qua đời cũng có nghĩa là con cái mất đi nhiều điều quan trọng như: nguồn hướng dẫn và tư vấn, nguồn thương yêu mô hình cho kiểu làm cha mẹ của bản thân (Buchsbaum, 1996); và tước đi cơ hội để bản thân có những sự cải thiện quan hệ với cha mẹ mình.

Cái chết của con cái được cho là một loại mất mát đau buồn nhất. Chết do sẩy thai, sinh non,…đối với hầu hết mọi người, con mất là vi phạm trật tự tự nhiên của vạn vật. Người ta cho rằng bố mẹ phải chết trước con.

Vợ chồng có bạn đời mất thường xem cuộc hôn nhân của mình có ý nghĩa tích cực. Sự qua đời của bạn đời không làm giảm sút sức khỏe cơ thể đáng kể mặc dù gây nhiều căng thẳng về tâm lý.

Sự đau buồn trước cái chết của người thân thương có những ảnh hưởng tới người còn sống như: cảm giác bị tổn thương, cô độc và tội áp đảo đến mức chúng trở thành nỗi ám ảnh cuộc sống, trầm cảm, rối loạn cảm xúc và thay đổi nhịp sinh hoạt thường ngày; có người không thể kết thúc sự đau buồn này và đã trở thành những cản trở đời sống của họ; có người trở nên co cụm, rút lui khỏi xã hội và đánh mất tính xã hội của cá nhân; sức khỏe thể lý của nhiều người cũng bị ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng tùy theo độ tuổi. Người trung niên có nhiều khả năng rối loạn sức khỏe nhất, kế đến là người lớn ở tuổi đầu trưởng thành. Điều này tùy thuộc vào cách họ suy nghĩ về sự chết và cách thức đối diện với cái chết.

Một nỗ lực cần đạt tới

- Mục vụ chăm sóc bệnh nhân cần chú ý cả đến người thân của họ. Rất nhiều khi, vì người thân không đủ can đảm với sự ra đi của người thân, nên họ thường chần chừ trong việc mời các linh mục hoặc để cho các nhóm trợ giúp bệnh nhân.
- Rất nhiều trường hợp, các nhóm trợ giúp bị chính bệnh nhân xua đuổi. Vần đề không nằm ở chỗ “cứng lòng” như chúng ta tưởng. Nguyên do chính là do chúng ta không hiểu hoặc không đủ nhạy bén để nhận ra sự tiến triển tình trạng tâm lý của bệnh nhân để đồng hành với họ.
- Công việc mục vụ chăm sóc bệnh nhân cần chú ý tìm hiểu những phản ứng đặc biệt và nhu cầu của bệnh nhân thời kỳ cuối. Việc hiểu suy nghĩ, cảm xúc của họ sẽ giúp họ hỗ trợ tốt hơn. Theo Carr, việc chăm sóc bệnh nhân cần chú ý tới những công việc mà bệnh nhận đang thực hiện để tương tác với họ cách tích cực và để trợ giúp họ thực hiện những ước nguyện cuối cùng cuộc đời.
- Theo Robert Kastenbaum (1998, 2000) cần giúp cho mỗi người đi theo các con đường riêng tới cái chết, chứ không thể ép buộc một cách cứng nhắc vào năm giai đoạn trên. Những biểu lộ cảm xúc, những nỗi băn khoăn, những câu hỏi cần được trả lời, những gặp gỡ với bạn bè và thân nhân, những lời xin lỗi…quan trọng hơn là việc xem xét các tiến trình theo những giai đoạn cố định.
- Theo Bác sĩ Roger Cole, một đồng nghiệp của Bác sĩ Ross cho rằng, chính giá trị của tình yêu là khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người; chấp nhận là phẩm chất không thể thiếu của yêu thương. Nhiều bệnh nhân không thể đi đến giai đoạn chấp nhận là do chưa loại bỏ được những ký ức tổn thương ẩn sâu trong tiềm thức. Giúp bệnh nhân tìm lại những đổ vỡ hoặc rạn nứt trong các mối quan hệ thân thuộc là điều rất cần thiết.


St