PDA

View Full Version : Tình Yêu và trách nhiệm (Bài 8)



Ti_Amo
14-10-2009, 10:27 AM
Tình Yêu và trách nhiệm (Bài 8)


Trận chiến để bảo vệ đức trong sạch cuối cùng xảy ra tận đáy lòng của con người. Trái tim chúng ta được tạo dựng để yêu thương, nhưng từ ngày Nguyên Tổ sa ngã, trái tim ấy đã bị ô uế bởi ước muốn sử dụng người khác. Ảnh hưởng này của Tội Nguyên Tổ có thể xem ra bi thảm nhất trong việc chúng ta gặp người khác phái, khi ấy trái tim của chúng ta thường bị thu hút đến cùng người kia phần lớn vì vui thú tình cảm hay giác cảm mà chúng ta có thể nhận được từ người ấy hơn là quyết tâm thật sự muốn điều tốt nhất cho họ, và giá trị thật của họ như một con người. Trong bài này, chúng ta sẽ thấy rằng đức trong sạch cao quý hơn việc trả lời “không” đối với một số hành động tính dục mà chúng ta phạm trong thân xác. Cuối cùng, đức trong sạch là vấn đề trong lòng.
Đức Trong Sạch: Có và Không
Từ “trong sạch” có nghĩa đen là “sạch”, và các Kitô hữu đã dùng từ này để diễn tả một nhân đức đặc biệt là nhân đức tiết độ trong những thèm muốn xác thịt của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là, một cách nào đó, những thèm muốn tính dục tự bản chất là thiếu trong sạch hay bẩn thỉu. Thật ra, ĐTC Gioan Phaolô II – khi ấy là Cha Karol Wojtyla – trong sách Tình Yêu và Trách Nhiệm, đã cảnh giác chúng ta về cái nhìn tiêu cực đối với đức trong sạch, một cái nhìn coi nhân đức này chỉ như việc đè nén những ước muốn giác quan (“Chỉ cần đừng có ăn nằm trước khi lập gia đình!”). Theo nhãn quan tiêu cực này, đức trong sạch trở thành “một chữ ‘không’ kéo dài”. Loại đè nén này có thể đưa đến hậu quả trầm trọng cho con người: “Đức trong sạch thường được người ta hiểu là một sự kiềm chế cách ‘mù quáng’ những thôi thúc về cảm giác và thể lý đến nỗi những giá trị của ‘thân xác’ và ‘tính dục’ bị đè nén vào tiềm thức, trong lúc chúng chờ dịp để bùng nổ. Đây rõ ràng là một quan niệm sai lầm về đức trong sạch, là một nhân đức nếu chỉ được thực hành cách này, sẽ đương nhiên đưa đến nguy cơ ‘bùng nổ’ như thế” (tr. 170).
Chúng ta phải coi nhân đức trong sạch như một đức tính tích cực giúp chúng ta thương yêu, và bảo vệ tình yêu khỏi bị ô nhiễm bởi khuynh hướng ích kỷ dùng người khác để thoả mãn lạc thú của mình. ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng đức trong sạch dứt khoát không phải là “một chữ ‘không’ kéo dài”. Trái lại, trước hết và trên hết, nó là một chữ “có” - một chữ có trong lòng chúng ta đối với con người kia, chứ không phải chỉ những giá trị phái tính của người ấy. Nó là một chữ “có” đòi hỏi phải có những chữ “không” dứt khoát để bảo vệ tình yêu khỏi rơi vào vị lợi. “Sự thiết yếu của đức trong sạch bao gồm việc nhanh chóng xác nhận giá trị của con người trong mọi hoàn cảnh, và trong việc nâng lên mức độ cá nhân tất cả mọi phản ứng về giá trị của ‘thân xác và tính dục’” (tr. 171). Phạm vi tích cực và rộng lớn hơn này của tình yêu dành cho một người là chìa khóa để hiểu ‘những chữ không’ của giáo huấn Hội Thánh về luân lý phái tính.
Tình Yêu Tinh Tuyền
Như chúng ta đã thấy qua những bài suy luận này, việc chúng ta gặp gỡ những người khác phái thường bị chi phối bởi những quyến rũ về tình cảm và cảm giác. Chúng ta bị hấp dẫn nhanh hơn và mạnh hơn bởi những giá trị phái tính của người kia (nam tính/nữ tính và thân xác của họ) hơn là những giá trị thật sự của họ như một con người (các đức tính, sự thánh thiện, việc họ là con cái Thiên Chúa). Bởi vì Tội Nguyên Tổ, chúng ta không tự động cảm nghiệm được tình yêu chân thật và hy sinh đối với một người khác phái, nhưng “một cảm giác bị vẩn đục bởi ao ước hưởng lạc thú” (tr. 161).
Tuy nhiên, nhân đức trong sạch làm giảm bớt những ước muốn hưởng lạc thú, để chúng ta có thể thấy rõ hơn giá trị của con người và đáp lại người yêu của mình bằng một tình yêu được đặt trọng tâm vào những điều tốt lành cho người ấy, chứ không vào việc tìm kiếm thú vui cho chính mình. Như thế, đức tính này được gọi là “trong sạch” vì nó làm cho tình yêu thành một tình yêu rõ ràng và tinh tuyền đối với người kia. ĐTC Gioan Phaolô II giải thích, “Chữ trong sạch ám chỉ việc giải phóng chúng ta khỏi tất cả những gì ‘làm cho chúng ta ra nhơ bẩn’. Nói như thế có nghĩa là tình yêu phải trong suốt: qua tất cả những rung động, những hành động bắt nguồn từ đó chúng ta phải luôn luôn có thể phân biệt một thái độ đối với một người khác phái được phát xuất từ một xác quyết chân thành về giá trị của người ấy” (tr. 146).
Hai Mặt Trận
ĐTC Gioan Phaolô II vạch ra hai mặt trận trong cuộc chiến bảo vệ đức trong sạch. Trước hết, chúng ta phải chiến đấu chống lại điều mà ngài gọi là “vị kỷ về tình cảm,” là khuynh hướng dùng người kia để thỏa mãn sự vui thích về tình cảm của mình. Chủ trương vị lợi này rất khó bị phát giác, bởi vì sự ích kỷ về tình cảm có thể tự ngụy trang như là tình yêu (“Tôi có một cảm giác mãnh liệt như thế khi tôi gần anh ta. Đây phải là tình yêu!”). Mà ngay cả khi tính ích kỷ về tình cảm bị lộ diện (thí dụ, “cô ta chỉ lả lơi” hay “anh ta đùa giỡn với những cảm giác của cô ta”), nó không được coi là một sự xúc phạm trầm trọng đối với tình yêu như là khi một ai dùng người khác như một vật dụng để thỏa mãn thú vui xác thịt của mình.
Tuy nhiên, ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng xúc cảm, dù là một bình diện của tình yêu, có thể trở thành “một mối đe dọa cho tình yêu.” Khi một người chỉ chú tâm đến xúc cảm trong một mối quan hệ, thì có một sự vị lợi ích kỷ ẩn nấp nơi hậu trường. Và ĐTC Gioan Phaolô II ghi nhận rằng điều này vẫn là một sự bóp méo tình yêu một cách bi thảm. “Khi một cảm xúc trở thành chính mục đích, chỉ vì sự thích thú mà nó đem lại, người gây ra cảm xúc hay người mà cảm xúc nhắm đến lại một lần nữa trở thành một “vật dụng” cung cấp dịp để thỏa mãn nhu cầu tình cảm của ‘cái tôi’ của một người” (tr. 158).
Mặt trận thứ nhì trong trận chiến bảo vệ đức trong sạch là điều mà ĐTC Gioan Phaolô II gọi là “vị kỷ giác quan,” là khuynh hướng dùng người khác để hưởng lạc thú giác quan. Chắc chắn rằng nhiều hành vi tính dục khác nhau tạo thành loại vị kỷ này. Nhưng ĐTC Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng một người có thể rơi vào tình trạng vị kỷ giác quan mà không cần phải đụng chạm đến thân xác với người khác. Thí dụ, một người đàn ông có thể nhìn ngắm một phụ nữ chỉ vì giá trị thân xác của cô ta, và dùng thân xác cô ấy như một phương tiện để hưởng lạc trong tâm trí anh khi anh nhìn thấy cô ta, hay trong trí nhớ hoặc trí tưởng tượng của anh một thời gian lâu dài sau khi đã thấy cô ta (x. tr. 108). Mười Giới Răn phản ảnh điểm này. Một đàng chúng ta có Điều Răn Thứ Sáu, “Chớ làm sự dâm dục,” là Điều Răn nói về những hành động thể lý bề ngoài trong phạm vi tính dục, và đằng khác Điều răn Thứ Chín, “Chớ ham muốn vợ chồng người” nói về những hành động bên trong thường được gọi là những tư tưởng tà dâm.
Nhưng không phải là dễ mà phân biệt được ranh giới giữa việc chỉ để ý đến giá trị phái tính của một người và bị quyến rũ đến cùng người ấy một cách tội lỗi. Việc để ý đến vẻ bề ngoài về thể chất của một người và tư tưởng tà dâm khác nhau ở chỗ nào? ĐTC Gioan Phaolô II đưa ra cho chúng ta một số hiểu biết rất hữu ích.
Dường như ngài nhận ra ba giai đoạn tổng quát trong trận chiến chống lại chủ nghĩa vị kỷ về cảm giác. Đầu tiên, một người có thể cảm nghiệm được một phản ứng về giác quan cách bộc phát. Ở giai đoạn này một người vô tình nhận ra những giá trị về phái tính của thân xác của một người khác và phản ứng về những giá trị này cách bộc phát. Thí dụ, một người thanh niên bảnh trai bước vào một buổi liên hoan và bắt gặp đôi mắt của một người phụ nữ mà anh ta chưa hề gặp, trong khi người thanh niên ghi nhận những nét hấp dẫn của người phụ nữ và thấy mình bị thu hút bởi người phụ nữ ấy suốt buổi tối. Những giá trị phái tính của người khác phái thường được lộ ra một cách bộc phát như thế. Chúng ta nhận ra giá trị ấy và thấy mình chú ý đến. Điều này không phải là dâm dật, cũng không có tội. Đó chỉ có nghĩa là chúng ta là con người và có những ước muốn về cảm giác của loài người. Như ĐTC Gioan Phaolô II giải thích, tính mê khoái lạc “chỉ hướng toàn thể tinh thần về những giá trị tính dục, đánh thức một chú tâm hay thực ra một ‘sự thu hút’ đến chúng” (tr. 148). Như chúng ta đã thấy trước đây, những ao ước giác cảm ấy được Thiên Chúa ban để kéo người ta lại với nhau trong tình yêu. Thực ra, nó có thể được dùng làm “nguyên liệu thô” cho tình yêu chân chính nếu những sự thu hút giác cảm về thể xác của người kia dẫn đến một mức độ dấn thân sâu xa hơn cho chính người ấy – không chỉ những giá trị phái tính của người ấy.
Những Tư Tưởng Tà Dâm?
Tuy nhiên, ĐTC Gioan Phaolô II cảnh giác chúng ta rằng đi từ giai đoạn thứ nhất của việc chú ý đến những giá trị phái tính của người khác đến giai đoạn thứ nhì là thèm muốn những điều ấy trong lòng mình như một vật dụng có thể dùng được để tìm thú vui giác quan. ĐTC Gioan Phaolô II gọi giai đoạn thứ nhì này là ham mê nhục dục về giác cảm. Ở điểm này, có một điều gì đó trong con người bắt đầu dậy lên: một ao ước được hưởng những giá trị phái tính của thân xác người kia như một dụng cụ để hưởng lạc. Giờ đây các giá trị phái tính này không còn là đối tượng làm cho ta chú ý đến, nhưng là một đối tượng thật cho ước muốn giác cảm trong lòng chúng ta. Có một cái gì đó trong chúng ta “bắt đầu cố gắng tiến về, thèm muốn đạt được, cái giá trị đó” và chúng ta “ao ước chiếm hữu giá trị ấy” (tr. 148).
ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng ngay cả giai đoạn thứ nhì là những thu hút về giác cảm vẫn chưa chắc đã có tội. Đó là ảnh hưởng của tính ham mê nhục dục (khuynh hướng dễ phạm tội). Bởi vì bản tính sa ngã của con người, không dễ cho chúng ta hướng những kích thích bên trong của ước muốn giác cảm ấy về phiá tình yêu vô vị lợi đối với người kia. Chúng ta có thể cảm thấy ước muốn hưởng lạc thú về giác quan quá mạnh đến nỗi chúng ta cảm nghiệm được một sự thèm muốn dùng người kia để đạt được lạc thú. Nhưng đây là chìa khóa: ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng ngay cả sự kích thích về thèm muốn giác quan này tự nó cũng không là tội bao lâu ý chí chúng ta chống lại thèm muốn dùng người ấy – bao lâu ý chí không đồng ý với thèm muốn ấy. Thực ra, chúng ta có thể cảm nghiệm được những thèm muốn giác cảm chồng chất cách mãnh liệt trong chúng ta dù ý chí của chúng ta không thực sự đồng ý với nó, mà ngay cả khi ý chí của chúng ta trực tiếp chống lại nó (x. tr. 162).
Đó là lý do tại sao ĐTC Gioan Phaolô II khôn ngoan nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể mong thắng trận chiến bảo vệ đức trong sạch trong lòng ngay lập tức được chỉ bằng cách trả lời “không” một cách đủ mạnh mẽ. Ngài nói, “Một hành động của ý chí chống lại một thúc đẩy về giác quan thường không tạo ra một kết quả tức thì.. . . Không ai có thể đòi hỏi mình rằng không được cảm nghiệm một phản ứng giác cảm nào hết, hay phải ngừng ngay chỉ vì ý chí không đồng ý, hay ngay cả vì ý chí tuyên bố nhất định ‘chống lại’” (tr. 162).
Lời khuyên này thật hữu ích cho những ai đang ước muốn sống trong sạch nhưng phải vật lộn. Một người có thể cố gắng hết sức mình để giữ đức trong sạch, nhưng vẫn cảm thấy những phản ứng giác cảm đơn giản, bộc phát và cả những kích thích bên trong của những ước muốn tà dâm. Nhưng người ta phải nhớ rằng bao lâu ý chí không đồng ý với những thèm muốn ích kỷ ấy, thì mình chưa sa ngã phạm tội. Như ĐTC Gioan Phaolô II giải thích, “Có một sự khác biệt giữa ‘không muốn’ và ‘không cảm thấy, và ‘không cảm nghiệm’” (tr. 162).
Nói cách khác, một người có thể cảm thấy thèm muốn xác thịt khích động bên trong lòng mình, nhưng điều này khác với việc đồng ý theo những thèm muốn ấy và coi người kia như một đối tượng để hưởng lạc thú. ĐTC Gioan Phaolô II giải thích, “Một phản ứng giác cảm, hay ‘sự kích thích về’ thèm muốn xác thịt từ kích thích này mà ra, và điều này xảy ra bất chấp ý chí và độc lập với ý chí, tự nó không thể là tội.” “Không, chúng ta phải lượng giá đúng sự kiện là trong bất cứ người đàn ông bình thường nào tính mê sắc dục của thân xác có động lực riêng của nó, mà vì đó những phản ứng về giác quan được biểu lộ.. . . Những giá trị phái tính nối liền với thân xác của một người không những trở nên một mục tiêu của sự chú ý mà còn trở nên mục tiêu của thèm muốn xác thịt. Nguồn gốc của thèm muốn này là sức mạnh của khuynh hướng dễ phạm tội (tính mê dâm dục)…. Và như thế không phải là của ý chí” (tr. 161).
Bước Qua ngưỡng Cửa Tội Lỗi
Tuy nhiên, những ước muốn tà dâm này tiếp tục cố gắng làm cho ý chí đồng ý với chúng, vì thế đưa con người bước qua lằn ranh tội lỗi. Thực ra, nếu ý chí không chống lại những kích thích của sự thèm khát khoái cảm, một người sẽ rơi vào giai đoạn thứ ba, là giai đoạn mà ĐTC Gioan Phaolô II gọi là thèm muôn xác thịt. Ở đây, ý chí không còn kháng cự nữa, mà buông xuôi, đầu hàng, và đồng ý với việc theo đuổi những giác cảm lạc thú đang xảy ra trong lòng người ấy. Người ấy cố tình trao ý muốn của mình cho những thôi thúc của thân xác, mặc dù những thôi thúc này bảo anh ta phải coi thân xác người phụ nữ như một đối tượng của việc hưởng lạc, dù trong hành động hay trong tư tưởng, trong ký ức hay trong trí tưởng tượng. “Khi nào ý chí đồng ý thì nó bắt đầu tích cực muốn điều có thể ‘xảy ra’ ngay tức thì, trong những cảm giác và những thèm muốn giác quan. Từ lúc ấy trở đi, đó không chỉ còn là một điều gì ‘đang xảy đến’ cho một người, mà là một điều chính người ấy tích cực làm” (tr. 162).
Giờ đây anh đã bước qua ngưỡng cửa tội lỗi. Trước điểm này, anh đã giữ được một mức độ trong sạch quan trọng trong lòng bởi vì chống cự lại những ước muốn dâm dục ích kỷ ấy. Nhưng bây giờ ý chí của anh đồng ý với những ước muốn ấy, có một điều gì thay đổi cách bi thảm: Chính anh thay đổi khi trong lòng anh muốn làm theo những ước muốn vị lợi ấy. Anh không còn chỉ kinh nghiệm một ước muốn sử dụng thân xác người phụ nữ nữa, mà thật sự đang dùng thân xác nàng như một phương tiện thỏa mãn những thèm muốn xác thịt của mình. Anh cũng không còn vật lộn với những ý tưởng dâm dật nữa, mà đã trở thành một người dâm dật, là người đã tán đồng những tư tưởng tà dâm mà trong đó anh dùng thân xác người phụ nữ để hưởng lạc trong tư tưởng.
Sự đồng ý của anh với những tư tưởng dâm dật hay những hành động tà dâm làm cho tình yêu tự hiến không phát triển được trong lòng anh. Vì người dâm dật chỉ nhìn người phụ nữ như một vật dụng để hưởng lạc thú, anh không thể tỏ cho cô ta một tình yêu tử tế và vị tha. Anh không thể quyết tâm làm điều gì tốt nhất cho nàng, hy sinh những ước muốn của mình vì điều tốt cho nàng, bởi vì anh bận tâm hơn với việc thỏa mãn giác quan của mình. “Như thế liên hệ đối với người kia là một liên hệ vị lợi, một phương pháp ‘tiêu thụ,’” và do đó người kia bị đối xử với như “một vật dụng để hưởng lạc” (tr. 151).
Đức trong sạch là một nhân đức giải thoát một người khỏi tình trạng bi thảm bị những thúc đẩy xác thịt kiểm soát. Là một con người bản tinh xa ngã, ngay cả người trong sạch cũng có thể vẫn cảm nghiệm được những ao ước giác quan tà dâm, nhưng không làm nô lệ cho chúng và có thể vượt trên chúng cách nhanh chóng. Cho nên, anh có thể dễ dàng và mau lẹ nhìn thấy trong người phụ nữ nhiều giá trị hơn chỉ cái giá trị phái tính của nàng. Tận đáy lòng anh, anh có thể thấy nàng như một con người, chứ không nhất thiết chỉ như một dịp để hưởng lạc. Và như thế anh có thể yêu nàng cách vị tha vì nàng thật sự là ai, chứ không chỉ vì thú vui xác thịt mà anh có thể nhận được từ nàng. Bằng cách này, sự trong sạch trong lòng làm cho một người được tự do để yêu.
---------------------------------------
Viết theo Love and Responsibility--The Battle for Purity Eward P. Sri, From the Mar/Apr 2006 Issue of Lay Witness Magazine
Phaolô Phạm Xuân Khôi