PDA

View Full Version : Tông truyền



cafeda2009
23-10-2009, 05:45 PM
Tông truyền
Trên nguyên tắc giáo luật, cứ 5 năm, các giám mục trên thế giới phải về Rôma, viếng mộ hai thánh cả Tông đồ, và bệ kiến Đức Giáo Hoàng là đấng kế vị Thánh Phêrô, đứng đầu Hội Thánh. Chuyến đi đó quen gọi là ad Limina.
Năm nay, các Đức Giám mục Việt Nam tại vị sẽ thực hiện chuyến đi đó vào hạ tuần tháng 6-2009. Chương trình làm việc ở Rôma sẽ kết thúc vào đầu tháng 7-2009.
Toàn thể dân Chúa thuộc Giáo Hội Việt Nam cầu nguyện cho các Đức Giám mục của mình một cách đặc biệt suốt thời gian các ngài làm việc tại Vatican.
Cùng với việc cầu nguyện, tôi muốn mở rộng tinh thần hiệp thông bằng một suy tư cũng hướng về hai thánh Tông đồ và Đức Thánh Cha. Suy tư đó tạm gọi là nhìn về đặc tính tông truyền trong cách sống đạo của chúng ta.
Đọc kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tông truyền là Hội Thánh được xây dựng trên đạo lý do các thánh tông đồ truyền lại.
Đạo lý do các thánh tông đồ truyền lại có những đặc điểm nào? Ở đây, chỉ xin nêu lên mấy điểm chính yếu một cách đơn sơ vắn tắt.
Đặc điểm thứ nhất là rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô
Thánh Phaolô nêu gương về đặc điểm đó. Ngài quả quyết: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả là rơm rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8).
Từ kinh nghiệm đó, thánh Phaolô coi việc rao giảng Đức Kitô là rất quan trọng của đời tông đồ, dù khi được tự do, dù khi bị bắt bớ.
Các tông đồ khác cũng vậy: “Mỗi ngày, trong đền thờ và tại tư gia, các ngài không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô” (Cv 5,42).
Các thánh tông đồ đã truyền lại cho chúng ta bổn phận phải rao giảng về Chúa Giêsu Kitô. Tin Mừng là Đức Kitô. Nền tảng đạo là Đức Kitô. Ơn cứu độ là Đức Kitô. Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Chính Thầy là đường, là sự thực và và sự sống” (Ga 14,6).
Theo lý thuyết, thì phải rao giảng về Đức Kitô. Nhưng thực tế cho thấy Đức Kitô không luôn được rao giảng. Người ta rao giảng nhiều thứ quá. Trong nhiều trường hợp, cả trong nhà thờ, đến cả trong thánh lễ, Đức Kitô bị lu mờ trong lời rao giảng. Thay vào đó, những đề tài về cơ chế, về sinh hoạt, về tổ chức, về tiền bạc, đôi khi cả về chuyện phiếm hài hước lại được đề cao. Nếu không chỉnh đốn lại, thì từng bước chúng ta sẽ xa rời tông truyền.
Đặc điểm thứ hai là truyền giáo
Truyền giáo là rao giảng Tin Mừng Đức Kitô cho những người ngoài công giáo.
Thánh Phaolô quả quyết: “Thiên Chúa đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1,16).
Thánh nhân coi việc truyền giáo là một bổn phận bắt buộc. “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).
Còn thánh Phêrô, ban đầu còn do dự về việc đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, nhưng sau khi hiểu ý Chúa, nhờ thị kiến của ông Conêliô và thị kiến của chính Phêrô, Ngài đã mạnh dạn đến với dân ngoại. Nhất là khi Ngài thấy Chúa Thánh Thần cũng hiện xuống trên những người dân ngoại đang nghe Ngài giảng, Ngài đã hoan hỉ biện minh và quả quyết việc truyền giáo cho dân ngoại chính là việc Ngài được chính Chúa sai đi (x. Cv 10-11).
Truyền giáo cho những ai chưa biết Chúa là một bổn phận được các tông đồ truyền lại.
Lý thuyết là thế. Còn thực tế thì sao? Nhiều nơi bổn phận truyền giáo được thực hiện tốt với nhiều nhiệt tình và sáng kiến. Nhưng nhiều nơi bổn phận truyền giáo chưa được nhấn mạnh đủ. Giữ đạo chứ không truyền giáo. Nếu coi việc giữ đạo tốt như một cách truyền giáo, thì hỏi rằng giữ đạo của nhiều người có thực sự là tốt không?
Nếu phải chân thành với lương tâm, thì chúng ta nên thú nhận là: Chúng ta đã thiếu sót nhiều trong bổn phận loan báo Tin Mừng Đức Kitô cho những người ngoài công giáo.
Nhiều khi, chúng ta lấy danh nghĩa truyền giáo, để kiếm tiền bạc, xây cất cơ sở, tổ chức lễ lạy vì ban bệ. Nhưng khi những phương tiện đó không trong sáng và không kèm theo việc cầu nguyện, hy sinh và gương sáng, thì các phương tiện đó không lôi kéo được ơn Chúa xuống các tâm hồn, không đổi mới được lòng ai. Nếu không sửa lại, chúng ta sẽ từng bước xa rời Tông truyền.
Đặc điểm thứ ba là yêu thương phục vụ
“Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).
Hơn bao giờ hết, tại Việt Nam, lời Chúa Giêsu trối lại trên đây đang được nhắc tới đều khắp một cách sốt sắng. Rồi, lại thêm: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Chúng ta không thể không biết bổn phận yêu thương phục vụ là bổn phận quan trọng do các thánh tông đồ truyền lại. Các ngài truyền lại bổn phận đó, bởi vì chính Chúa Giêsu đã truyền lại cho các ngài.
Bổn phận tông truyền này đã có những bước thực hiện tốt ở nhiều người và tại nhiều nơi.
Thế nhưng đây cũng chính là bổn phận còn thiếu sót nhiều.
Tôi không nói dài về những thiếu sót ấy. Chỉ xin chia sẻ một suy nghĩ của tôi, đó là những thiếu sót về yêu thương phục vụ thường tuỳ thuộc khá nhiều vào nền văn hoá, môi trường xã hội, tình hình chính trị và thực trạng giáo dục. Những yếu tố đó chúng ta không dễ tự mình thay đổi được. Chúng ta chỉ nên tập cho mình và cho những người thuộc về ta biết đón nhận thánh ý Chúa. Xem trong những hoàn cảnh cụ thể như thế, chương trình yêu thương phục vụ nào Chúa cho là tốt hơn cả. Điều quan trọng là chúng ta đón nhận thánh ý Chúa. “Lạy Chúa, xin dạy con đường lối của Chúa, xin Chúa cho chúng con biết đường đi của Chúa” (Tv 25,4).
Thực tế cho thấy, dù bầu khí văn minh vật chất có ảnh hưởng mạnh đến đâu, mỗi người con Chúa vẫn có thể làm được nhiều việc tốt về yêu thương phục vụ theo thánh ý Chúa.


*
Chia sẻ trên đây về tông truyền là một chút đóng góp vào chuyến đi ad Limina của các Đức Giám mục Việt Nam, đồng thời cũng là chút gợi ý cho Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam đang tới.




Gm. Gioan B. Bùi Tuần