PDA

View Full Version : Lời Bình “Bài Ca Thương Khó” của Thi Sĩ Xuân Ly Băng và Nhạc Sĩ Ngọc Lạc



giusehien
05-02-2008, 12:16 PM
Lời Bình “Bài Ca Thương Khó” của Thi Sĩ Xuân Ly Băng và Nhạc Sĩ Ngọc Lạc.

Trước hết tôi xin chân thành cảm tạ thi sĩ lão thành Xuân Ly Băng, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Tuấn Kim, đã mời tôi đề bạt thi phẩm trường ca nhạc kịch “Bài Ca Thương Khó”. Tác phẩm này là một công trình vĩ đại được thai nghén trong hơn 40 năm trời từ năm 1968 đến nay.

Tôi xin mạn phép không đề cập đến công trình phổ nhạc công phu và khéo léo của nhạc sĩ Ngọc Lạc. Còn về thơ, tôi chỉ là một nhà thơ tập sự, một ngón nghề tay trái, tôi chỉ làm được thơ khi có hứng vào những lúc có rung cảm thật đặc biệt của tâm hồn trước cái đẹp của thiên nhiên, vũ trụ, của tình Chúa yêu người và tình người.

“Bài Ca Thương Khó” thật là một công trình vĩ đại như đã nhắc đến trên đây, một thiên trường ca, một vở nhạc kịch quý giá, đưa độc giả, hay trong tương lai khán thính giả, sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô. Tôi là một tân tòng năm 19 tuổi khi tôi được rửa tội lén (gia đình không hay) một ngày trước khi xuống tầu sang Pháp du học. Diễm phúc của tôi, một người trai sinh trưởng trong một gia đình Phật tử là được đọc câu truyện về Chúa Cưú Thế Giêsu bằng tiếng Pháp “La Vie de Jesus Christ” khi tôi lên 16 tuổi. Tôi đã khóc và đã yêu Chúa Giêsu ngay tức thì, tôi đã bị Chúa “Zap” vì Người là Thiên Chúa mà chấp nhận thân phận hèn mọn của con người mà nhập thể để cứu chuộc nhân loại. Từ ngày đó đến nay đã trên 50 mươi năm tôi được làm con cái Chúa. Mỗi năm vào Mùa Chay tôi lại được khóc khi sống lại cuộc tử nạn của Người.

Tôi kể lể dài dòng để nhấn mạnh rằng, nếu một cuốn sách đã đưa tôi về với Chúa, đã làm cho tôi cảm động rơi nước mắt thì một thi phẩm, một trường thiên nhạc kịch, nếu được trình diễn sống động sẽ còn làm cho nhiều người cảm xúc mạnh mẽ hơn.

Đây là một công trình truyền giáo qua thi ca mà nhà thơ Xuân Ly Băng đã ôm ấp, đã trân quý, đã gọt rũa qua trên bốn mươi năm trời. Đọc thơ Xuân Ly Băng chúng ta thấy sư điêu luyện của tác giả qua những vần thơ lục bát êm ái, nhẹ nhàng, tha thiết, và rung cảm.

Trường ca mở đầu bằng bốn câu:

“Muôn năm vẹn một chữ tình,

Giêsu con Chúa bỏ mình vì ta.

Tin mừng kể lại nôm na,

Làm thành một khúc gọi là Ca Thương.”

Đọc mấy câu này chúng ta thấy phảng phất những câu mở đầu của các đại tác phẩm như “Đoạn Trường Tân Thanh” của Nguyễn Du.

Ngay sau đó tác giả đã nhắc đến mối duyên thơ: “Duyên thơ một mối đoạn trường nghìn câu” mà Ngài muốn gửi đến những người tri kỷ bốn phương. Tác giả nói đến những thiên tình sử của thế gian nhiều vô kể nhưng “Duy tình Thiên Chúa cao sâu tuyệt vời.” Chúng ta thấy Xuân Ly Băng cũng đã khóc khi viết lên những giòng thơ não ruột này:

“Não lòng này khúc ca ngâm,

Chan hoà máu lệ mấy vần song song.

Muôn năm vẹn một chữ tình.”

Xuân Ly Băng tả cảnh Vườn Cây Dầu với những câu:

“Lối xưa đá cũ gập ghềnh,

Quanh co thung lũng, chênh vênh nhịp cầu.” và

“Gió buồn trổi nhạc vi vu,

Hơi sương toả lạnh, mịt mù cô thôn,” và

“Xập xè bay động cánh dơi,

Chúa đi sát cạnh ba người môn sinh,” và

“Ngước lên thăm thẳm trời cao,

Đìu hiu quạnh quẽ ánh sao lạnh lùng,”

Còn nữa: “Lạt dần vàng úa ánh trăng... Xa nghe nhạc suối u buồn.. Trăng vành vấy máu vài tia.” Tôi đã đến Vườn Cây Dầu tại Giêrusalem nhưng không hình dung ra được cái khung cảnh u buồn thảm đạm mà Xuân Ly Băng đã gợi ra được trong mấy câu thơ này. Việc sử dụng khéo léo những tĩnh từ kép gập ghềnh, vi vu, mịt mù, xập xè, thăm thẳm, đìu hiu, quạnh quẽ, lạnh lùng, vàng úa, vấy máu, cuả nhà thơ khiến chúng ta vừa được tượng hình, vừa được tượng thanh, vừa xúc cảm đến tận châu thân.

Đây là phần mô tả lúc Chúa bị bắt trong Vườn Dầu:

“Điệu đi giữa đám bất lương,

Đứa thề, đứa chửi muồn phần nhuốc nhơ.

Đứa thì quàng cổ dây da,

Trước lôi sau đẩy, kéo ra khỏi vườn,

Đứa thì cấm lấy cán gươm,

Nhẫn tâm thúc mạnh vào sườn vào hông.

Đứa cầm đuốc nhúi vào lưng,

Thịt da nóng bỏng chúng mừng hả hê.

Qua cầu lạnh lẽo nước khe,

Dòng dây bắt lội áp về thành trung.”

Đa số chúng ta đã xem phim “The Passion of Jesus Christ” của Mel Gibson, nhưng có lẽ cũng không thấy cái khung cảnh Chúa bị dòng dây kéo và phải lội dưới khe. Trong phim của Mel Gibson chúng ta chỉ thấy rất nhiều máu me và roi đòn khủng khiếp khi Chúa bị tra tấn nhưng không cho ta thấy cái cảnh thê lương này:

“Ngồi bên cột đá rũ rời,

Lạnh lùng chiếc bóng giữa trời thê lương.

Áo ngoài trăm nảnh rách tươm,

Áo trong bết máu nhiều đường chảy ra.

Đầu sưng mặt húp vai sa.

Tím môi bầm miệng thân đà còn chi?

Sao mai chếch tường vi,

Ngước nhìn hổ thẹn còn gì là duyên.

Trăng tà bóng xế ngày lên.

Hừng đông kìa đã đỏ hoen chân trời.”

Trên con đường thập giá Chúa Giêsu gặp Mẹ Maria:

“Đau lòng Mẹ lắm Con ơi!

Xin cho Mẹ chết đồng thời với Con.

Mưa dồn gió dập từng cơn,

Tim ngừng máu lạnh lệ tuôn nghẹn ngào.

Trời sầu biến mất trên cao,

Đất thương thảm rụng lẫn vào âm u.

Lá vàng đọng lại lơ thơ,

Lá xanh rụng xuống, trời ngơ ngẩn trời.”

Khung cảnh trời sầu đất thảm đã diễn tả thật khéo léo tâm trạng của Đức Mẹ khi thấy con mình sắp tử nạn.

Màn Chúa bị đóng đinh vào thập giá:

“Trần truồng giữa đám cỏ xanh,

Nằm trên thập giá nhục hình nào hơn.

Này đinh nọ búa dập dồn.

Đứa lôi đứa đóng kinh hồn chát tai.

Còn chi đâu nữa hình hài,

Xương thâu, thịt rách phun sôi máu đào.”

Trong phim của Mel Gibson chúng ta rùng mình khi thấy đinh nhọn từ từ xuyên qua cổ tay Chúa và thanh gỗ ngang của thập giá. Ở đây chúng ta nghe được tiếng búa nện chát tai của quân dữ.

Để diễn tả tâm tình của Chúa Giêsu vào lúc hấp hối trên thập giá, nhà thơ Xuân Ly Băng viết:

“Trời xanh mây tím bao la,

Mấy tia nắng quái xuyên qua võ vàng.

Gió hiu hiu thổi đồi hoang,

Mênh mông một cõi không gian hững hờ.

Lòng không có một đường tơ,

Mà cung sầu thảm ngẩn ngơ cả lòng.

Phận mình đau khổ ngàn trùng.

Lại còn nỗi Mẹ não nùng chứa chan.”

Những vần thơ này là một mô tả tuyệt diệu không gian u ám, ảm đạm và tâm tình não nề của Chúa Giêsu trên thập giá.

Tôi không thể nào phân tách hết từng đoạn từng câu trong trường ca Thương Khó, và chỉ có thể đưa ra những đoạn tiêu biểu cho một tài nghệ tuyệt vời của nhà thơ lão thành Xuân Ly Băng. Thơ lục bát kể chuyện của Xuân Ly Băng có thể được so sánh với thơ của cụ Tiên Điền Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh.

Xin được có lời ngợi khen Linh Mục Thi Sĩ Xuân Ly Băng và cầu chúc tác phẩm sẽ được xuất bản sớm, được phổ biến và được trình diễn trong những hội trường lớn với những ban nhạc đại hòa tấu, những kỹ thuật ánh sáng tinh vi, phông cảnh vĩ đại, và nhất là với những diễn viên xuất sắc được trang phục đúng như thời Chúa để cho nhiều người tán thưởng, nhất là những người chưa biết Chúa như tôi vào năm 16 tuổi.

Bùi Hữu Thư