PDA

View Full Version : “...VÀ HÔN LẤY HÔN ĐỂ”



cafeda2009
09-11-2009, 10:08 PM
“...VÀ HÔN LẤY HÔN ĐỂ”

02/09/2009 09:59:00 Lm. Lê Quang Uy (http://huongvedaihoidanchua.net/author/quanguy/)

(http://javascript%3Cb%3E%3C/b%3E:tsz%28%27article_body%27,%2716px%27%29)
Trong một bài viết gần đây trên báo Ephata, tác giả Nguyễn Thế Bài ở Nha Trang có kể lại vắn tắt câu chuyện hai em bé sinh đôi. Chúng tôi xin chép lại một đoạn cùng với tấm ảnh chụp hi hữu tuyệt vời:
“Câu chuyện nhỏ này được đăng trong báo “Worchester Telegram & Gazette” số ra ngày 11.8.1995, trong tờ “Life Magazine”, số tháng 6.1996, trang 18 và tờ Reader’s Digest số tháng 5.1996, trang 155 – 156 ). Đây là tấm hình chụp kèm theo một bài viết có tựa đề “Le hug sauveur – Cái ôm cứu mạng”. Bài viết nêu chi tiết tuần sống đầu tiên của một cặp sinh đôi. Mỗi cháu bé đều được cho nằm lồng ấp máy riêng vì đã sinh thiếu tháng và quá yếu ớt. Người ta cho rằng một trong hai cháu bé sẽ chẳng thể sống sót lâu dài được. Một cô y tá phá lệ của bệnh viện, đã đem hai cháu bé đặt vào chung cùng một lồng ấp. Khi hai chị em được đặt nằm cạnh nhau, lạ lùng thay, bé chị khoẻ mạnh hơn đã đưa tay âu yếm ôm chặt bé em yếu ớt của nó. Nhịp tim bé em tưởng chừng khó qua, bỗng bắt đầu ổn định và nhiệt độ trở lại bình thường”.
http://huongvedaihoidanchua.net/files.php?file=va_hon_lay_hon_de%20%281%29.jpgNếu diễn tiến mọi sự tốt đẹp, hai cháu sinh đôi thoát cơn nguy tử, nay cũng đã 14 tuổi rồi. Tiếc là không cách nào truy tìm thêm chi tiết về tên tuổi, nguyên quán, gia đình và cuộc sống của hai bé hiện tại qua mạng Google. Có lẽ từ dạo đó, năm 1995, người ta phải thêm xác tín vào hiệu quả của liệu pháp dưỡng nhi kỳ diệu này, phần nào đó tương tự với phương pháp Kangourou. Trước đây, hễ gặp trường hợp sinh non, thiếu tháng nhiều quá, người ta chế ra cái lò ấp giống như cái lồng kính, hội đủ mọi yếu tố và điều kiện nhân tạo giống như tử cung của người mẹ, để thay người mẹ tiếp tục nuôi dưỡng em bé cho đến khi đủ thời hạn 9 tháng 10 ngày mới cho bé “ra lò”.
Thế rồi hình như, trong thực tế người ta phát hiện ra ở đâu đó còn lạc hậu chậm tiến, làm gì có bệnh viện với các lồng ấp dưỡng nhi hiện đại, các bà mẹ thổ dân nghèo sinh con thiếu tháng, đã áp sát ngực con mình với ngực mình, rồi lấy giải vải quấn chung quanh, cứ thế, giống như Kangourou con được Kangourou mẹ nuôi trong cái túi trước bụng ( vì thế mà Kangourou còn được gọi là con Chuột Túi ), đứa bé hai tay hai chân giang ra ôm chặt lấy ngực và bụng mẹ, miệng kề ngay bầu sữa, được nuôi bằng hơi ấm, bằng nhịp đập con tim yêu thương trìu mến của chính người mẹ của mình. Giả như bé bị mất mẹ, bé sẽ được ông bố ôm như thế. Mà giả như không có bố thì chính bà nội, bà ngoại, thậm chí ông ngoại, ông nội của bé sẽ ôm bé mà chuyển Sự Sống cho bé, nhờ vậy, bé được cứu khỏi cái chết chực chờ.
Người ta đối chiếu và thấy rõ, đến đúng kỳ hạn 9 tháng 10 ngày, những đứa bé được nuôi bằng phương pháp Kangourou khỏe hơn hẳn, lanh lợi hơn hẳn, và nhất là gắn bó tha thiết với mẹ mình hơn hẳn những đứa bé được nuôi trong lồng ấp. Cả trong cuộc đời sau này, những em bé Kangourou ấy lớn lên, trưởng thành thì tỏ ra biết ơn, hiếu thảo, vâng phục cách đặc biệt đối với bố mẹ.
http://huongvedaihoidanchua.net/files.php?file=va_hon_lay_hon_de%20%282%29.jpgCũng nhân chuyện cái “Ôm Cứu Mạng” được kể ở trên, chúng tôi chợt nhớ lại dịp cuối năm 2006, báo Tuổi Trẻ kể chuyện về anh Juan Mann từ năm 2004. Anh chàng người Úc, khi gần như tuyệt vọng vì không còn một người thân nào ra đón mình khi từ nước Anh trở về quê hương, đã nảy ra một sáng kiến lạ thường: tự tay vẽ một tấm bảng với hàng chữ to “Free Hugs”. Anh đứng giữa phố đông người qua lại, mời chào mãi rồi cũng có được một vài người hiểu ý anh và tiến đến vòng tay ôm chầm lấy anh.
Thế rồi càng lúc càng có thêm nhiều người tham gia vào trò chơi “trời cho” bất ngờ mà dễ thương này, người ta không còn nghi ngờ thiện chí đứng đắn của Juan Mann nữa, nhưng thấm thía sâu xa rằng sống ở trên đời nhiều cô đơn và hoài nghi này, người ta khao khát biết bao được-một-ai-đó-ôm và được-ôm-một-ai-đó trong một vòng tay yêu thương, không khách sáo giả vờ, không lạm dụng vị kỷ. (Xin xem ở đầu bài viết).
Câu chuyện lan sang Việt Nam, hai cô gái Nguyễn Ngọc Nam Phương và Nguyễn Kim Hoàng đã thử nghiệm một chiến dịch “Free Hugs” vào đêm 23.12.2006 trên đường phố Sàigòn. Chỉ tiêu ban đầu đưa ra là 30 cái ôm, cuối cùng đã có đến hơn 100 người hưởng ứng. Chuyện ôm hôn quá quen thuộc với người Tây Phương, tưởng là sẽ lố bịch dị hợm không giống ai đối với người Á Đông, hóa ra lại là một nhu cầu nội tâm chính đáng và da diết.
Bác sĩ Lan Hải, một cộng tác viên Bảo Vệ Sự Sống nhiệt thành, có lần trò chuyện với chúng tôi về từ ngữ “Karesa”. Có lẽ đây là cách viết theo tiếng Nga chăng ? Truy tới tiếng Latinh có động từ “Carezzare”, chuyển ra tiếng Pháp là “Caresser”, đều mang ý nghĩa là vuốt ve, mơn trớn, âu yếm.
Lâu nay người ta quen dừng lại ở ý nghĩa tình dục học của nghệ thuật chăn gối, nhưng đã đến lúc chúng ta khám phá ra giá trị của Karesa lớn hơn nhiều, sâu sắc hơn nhiều, thiêng liêng nữa là đàng khác, Karesa không chỉ là chuyện sờ chạm bên ngoài, da sát với da, thịt tiếp với thịt, mà là gặp gỡ, là “hạnh ngộ” cả trong trí ý và tâm hồn. Chị Lan Hải nhấn mạnh: Karesa không chỉ là cử điệu của yêu đương mà còn là tâm thức và động thái của yêu thương.
Một lần ngồi tòa giải tội cho các bà mẹ Công Giáo U-60, U-70 người Việt tại một Giáo Xứ Mỹ ở Cali, một cụ thì thầm bên kia tấm màn che: “Thưa cha con mắc tội là không chịu “tắc kè” ông nhà con. Mà thưa cha, khổ lắm cơ, cũng tại ông ấy không chịu “tắc kè” con…” Tôi ngẩn ngơ không hiểu đây là tội gì, chẳng lẽ có một tiếng lóng nào đó của người Việt ở hải ngoại để chỉ chuyện… yêu đương ? Tóc bạc răng long đến nơi rồi, làm gì mà còn… ? Tôi đành phải hỏi lại, không ngờ bà cụ muốn nói đến một từ ngữ tiếng Anh “take care” nghĩa là quan tâm, chăm sóc, có lẽ cũng là một từ bà con xa với từ Karesa hàm nghĩa yêu thương chan chứa.
Một lần khác, tôi về Trung Tâm Mai Hòa ở Củ Chi để dâng Lễ chiều thứ bảy, tôi nghe kể chuyện về những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối. Khi giáp mặt với cái chết, nhiều người đã kinh hoàng khủng hoảng, họ vùng vẫy quằn quại không chỉ vì đau đớn ghê gớm trong thân xác mà còn do hoang mang khiếp sợ trong tâm hồn. Thế là không đành đứng im bất lực, một anh còn tương đối khỏe, đã leo hẳn lên giường, nằm sát bên người hấp hối, vòng tay ôm chầm lấy, vuốt ve, dỗ dành, đọc to kinh Lạy Cha, bật ra những lời cầu nguyện chân thành nhất. Và điều kỳ diệu xảy ra, bệnh nhân đã dịu xuống, nhẹ nhàng ra đi trong an bình, miệng nhoẻn nụ cười thư thái. Cũng phải nói thêm rằng những bệnh nhân AIDS qua đời ấy rất ít là Công Giáo nhưng đa số lại là không Công Giáo hoặc không tôn giáo nào cả.
http://huongvedaihoidanchua.net/files.php?file=va_hon_lay_hon_de%20%283%29.jpgMột kỷ niệm đầy ấn tượng khác liên quan đến Bảo Vệ Sự Sống, chúng tôi xin không nhắc đến danh tánh ngoại trừ tên Thánh cháu là bé Giêrađô. Ông ngoại cháu đã cưỡng hiếp mẹ cháu khi mẹ cháu chỉ mới 13 tuổi, bà ngoại cháu phát hiện thì bào thai đã khá lớn, đã hốt hoảng đánh đập đứa con gái tội nghiệp, may mà không bị sảy thai trước ngày sinh. Nhóm BVSS trên cao nguyên đã cứu được cháu nhưng cũng đành phải chuyển cháu xuôi về bệnh viện Nha Trang có đầy đủ phương tiện hơn. Đến phiên Nhóm BVSS Nha Trang cũng bó tay, lại phải khẩn cấp chuyển cháu về bệnh viện Nhi Đồng Sàigòn. Sau mấy ngày nỗ lực, các bác sĩ cho biết lục phủ ngũ tạng của cháu cái gì cũng trục trặc lộn xộn, nhất là quả tim bé bỏng tội nghiệp, có nguy cơ tử vong, thôi mang cháu về mà chuẩn bị lo hậu sự. ( Ảnh kèm theo: một bạn trẻ trong Nhóm Fiat đang bế bé Giêrađô cuối năm 2008 )
Một buổi chiều mưa gió tháng 10, rớt bão đang đổ vào thành phố, các cô Nhóm BVSS Sàigòn đưa cháu Giêrađô về một Nhà Tình Thương của DCCT chúng tôi ở Gò Vấp. Đặt cháu nằm xuống mới phát hiện cháu đã chết, cả thân mình tím tái, không một hơi thở nhẹ, không một nhịp tim yếu. Ai cũng vừa buồn thương vừa lo sợ, bây giờ khai tử thế nào với Công An địa phương, không khéo lại rắc rối to.
Ngọc Mỹ – một bạn tân tòng khuyết tật, trường hợp BVSS hết sức đặc biệt đã được cưu mang mẹ tròn con vuông, bây giờ chưa về lại nhà mình được, phải tiếp tục nương náu ở đây – chợt lên tiếng: “Các cô ngồi lại cầu nguyện ngay đi, cứ để bé đấy cho con !” Dứt lời, Mỹ lết đôi chân bại liệt đến, cởi luôn áo, áp sát mặt và ngực bé Giêrađô vào giữa hai bầu vú còn đang căng sữa, ôm choàng bé như đang ôm đứa con yêu của mình, miệng bắt đầu ru những câu ầu ơ ví dầu, thỉnh thoảng lại đọc Kinh Kính Mừng mà Mỹ chỉ mới học thuộc cách đây không lâu…
5 phút, 10 phút, 20 phút, rồi 30 phút trôi qua… Bất ngờ cả nhà nghe tiếng khóc bật lên, thoạt tiên chỉ như tiếng con mèo con oe óe, nhưng rồi vỡ òa, oang oang như một tuyên ngôn của Sự Sống vừa đẩy lui được Sự Chết. Bé Giêrađô đã sống lại, vâng, đúng nghĩa là cải tử hoàn sinh. Mẹ đã sống suốt từ đó đến đầu tháng 7 năm 2009 vừa qua, bé mới “ra đi” trong bình an khi đoàn phẫu thuật Tim của các bác sĩ thiện nguyện Mỹ đã cố gắng hết mức có thể. Thương tiếc bé Giêrađô, nhưng không ai trong chúng tôi ân hận ray rứt, dẫu sao, bé đã sống được hơn 2 tuổi đời trong vòng tay âu yếm trìu mến của mọi người, khởi đi từ cái ôm cứu mạng – một “hug sauveur” của một người khuyết tật nghèo, không hề có một chút thân thích máu mủ !
Ngẫm nghĩ, cuộc sống con người hôm nay, đặc biệt là xã hội Việt Nam chúng ta bây giờ, chịu ảnh hưởng của một thứ “lẩu thập cẩm” ( pot-pourri ) trộn lẫn óc thực dụng và não vô thần. Riết rồi mỗi người dễ trở thành một thứ ốc đảo tự cô lập với mọi người chung quanh. Vẫn có tiếp xúc đụng chạm đấy, vẫn có tương quan qua lại đấy, nhưng chỉ là phần xác thịt vật chất hời hợt bên ngoài, mà mất dần những gặp gỡ thật sự bên trong giữa tâm với tâm, giữa hồn với hồn. Và như thế, ngay cả những tiếp xúc và tương quan đang có về mặt xác thịt vật chất cũng nhanh chóng chuyển thành lạm dụng, khai thác, thậm chí thành bạo lực, khủng bố và bách hại, khởi đi từ ngay trong gia đình, ùa ra xã hội và tràn ngập môi trường sống.
Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” ( Luca 15, 11 – 32 ) có một câu cảm động quá: Anh con trai còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy, ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ con mình, và… hôn lấy hôn để. Bản dịch tiếng Anh ghi “kissed”. Bản dịch tiếng Pháp “couvrit de baisers, còn bản dịch tiếng Việt thì dùng luôn một kiểu nói 100% Việt: “hôn lấy hôn để”. Xin phép lan man một chút: “hôn lấy” là hôn cho bản thân mình, còn “hôn để” là hôn cho người kia. Một chuỗi những cái ôm hôn vồ vập đến ngộp thở, lập lại trong phút chốc mối tương giao đã đổ vỡ giữa đôi bên, xây lại nhịp cầu nối đôi bờ bao dung tha thứ.
Vậy, còn chờ gì nữa, chúng ta cũng hãy tập lại, rồi làm lại, sống lại những cái “hôn lấy hôn để” như thế cho vợ, cho chồng, cho cha mẹ già đang cảm thấy bị bỏ rơi, cho con cái đang mất định hướng, cho bạn bè đang ngày một lạnh nhạt hoặc khách sáo, cho cả kẻ đối đầu thù nghịch đang tìm cách ám hại ta. Và Tin Mừng sẽ không chỉ dừng lại ở 3 dụ ngôn của Luca mà tràn ra, nối dài vào trong cuộc nhân sinh này thêm thật nhiều dụ ngôn tuyệt vời, những dụ ngôn “hôn lấy hôn để” của tình yêu.

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 9.8.2009