PDA

View Full Version : GIÁO PHẬN KHAI SINH VÀ PHÁT TRIỂN 50 NĂM QUA (1960-2010)



cafeda2009
12-11-2009, 11:37 PM
Kỷ yếu của Tổng Giáo phận Huế

GIÁO PHẬN KHAI SINH VÀ PHÁT TRIỂN 50 NĂM QUA (1960-2010)

I. GIÁO PHẬN NHÌN LẠI

1/ LỊCH SỬ KHAI SINH GIÁO PHẬN HUẾ

-Thành lập:
-Huế thuộc Giáo phận Đàng Trong (1659-1844):
Cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn đến những năm 1655-1659 lâm vào thế và lực trên chiến trường giằng co giữa hai bên đã kéo dài hơn 30 năm (1627-1659). Trong tình hình đó của Đại Việt và trong tình hình mới của Vatican: Đức Innocent X tạ thế ngày 7-1-1655, Đức Hồng Y Fabio Chigi được bầu lên ngôi giáo hoàng. Tân Giáo Hoàng Alexandre VII (1655-1667) cho công bố đoản sắc Apostolatus Officium, ký ngày 29-7-1658 bổ nhiệm linh mục François Pallu làm Giám mục hiệu tòa Heliopolis và linh mục Pierre Lambert de la Motte làm Giám mục hiệu tòa Berythe, đều là Giám mục “trong phần đất dân ngoại” ở Việt Nam - Đại Việt.

Hơn một năm sau, ngày 9-9-1659, Đức Alexandre VII lại công bố đoản sắc Super Cathedram phân chia “phần đất dân ngoại” ở Việt Nam- Đại Việt rõ ràng:

- Giám mục Pallu coi sóc giáo phận Đàng Ngoài.

- Giám mục Lambert coi sóc giáo phận Đàng trong.

- Ranh giới giữa 2 giáo phận được xác định là dòng sông Gianh.

Sự xác định phù hợp với hoàn cảnh biên giới địa dư chính trị thời bấy giờ.

Phần đất của giáo phận Đàng Trong từ mạn Nam sông Gianh ở Quảng Bình, huyện Quảng Trạch, trên phần đất gọi tên là Nam Bố Chính, huyện địa đầu của giáo phận Đàng Trong, chạy dài theo dọc Trường Sơn ở miền Trung bao gồm Quảng Bình, Thuận Quảng vào đến Cà Mau - Hà Tiên. Miền Trung dài và nhỏ hẹp, bị chia cắt bởi các hoành sơn, đã ghìm Giáo Hội Đàng Trong vào đêm dài đầy biến động, long đong gian khổ trong nhiều cuộc chiến tranh giữa nhiều thế lực cát cứ, thật sự gây khó khăn cho công việc điều hành quản lý giáo phận, giao thông liên lạc, bố trí nhân sự.

Không như giáo phận anh em song sinh Đàng Ngoài, chỉ 20 năm sau (1659-1679) đã tách lập thành 2 giáo phận Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài. Sự tách lập chỉ dấu sự ổn định của Giáo Hội phía Bắc. Giáo phận Đàng Trong mãi 185 năm sau (1659-1844) mới có biến chuyển lớn: tách lập thành 2 giáo phận mới Tây Đàng Trong và Đông Đàng Trong vào tháng 9-1844. Đây là một thay đổi đầu tiên mang tính đột phá sau đêm dài 185 năm giáo phận bị vùi dập trong bão táp chính trị, chiến tranh khói lửa, bắt bớ khủng bố trắng người công giáo qua các triều Chúa Nguyễn, qua 3 triều Vua Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

- Huế thuộc Giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) (1844-1850):

Đức Cha Taberd, vị Giám mục chính thứ 10 giáo phận Đàng Trong qua đời năm 1840, Đức Cha phó Cuénot kế nhiệm. Sau cái chết của vua Minh Mạng đầu năm 1841, vua Thiệu Trị lên kế vị. Nắm lấy thời cơ bằng vàng này, Giám mục Cuénot triệu tập Hội nghị Gò Thị tháng 10-1841 quyết định tách lập 2 giáo phận mới:

- tháng 9-1844, tân giáo phận Tây Đàng Trong ra đời,

- đồng thời tân giáo phận Đông Đàng Trong được thành lập, Giám mục Cuénot lãnh đạo.

Đây là lần khai sinh giáo phận con đầu tiên từ giáo phận mẹ Đàng Trong sau đêm dài 185 năm bị vùi dập trong hàng trăm cơn bão táp chính trị, chiến tranh khói lửa. Không bằng giáo phận anh em song sinh Đàng Ngoài, chỉ 20 năm đã tách lập thành 2 giáo phận, 1659-1679. Mỗi giáo phận có hoàn cảnh chính trị, xã hội khác nhau.

- Huế là Giáo phận Bắc Đàng Trong (1850):

Từ “cứ địa Gò Thị”, Giám mục Cuénot có tầm nhìn xa tận Quảng Trị, mặc dầu chưa một lần đặt chân lên đất Ái Tử - Thuận Hóa. Để chuẩn bị cho một tách lập giáo phận mới ở phía Bắc của giáo phận Đông, Đức Cha có những động thái:

- cho lập Chủng viện Di Loan (Quảng Trị), Kẻ Sen (Quảng Bình);

- cuối tháng 9-1846 cho mời thừa sai Pellerin đang ở vùng Bình Định vào Gò Thị.

Vào đêm 4-10-1846 mưa gió tầm tã, dưới mái lều rơm tu viện Mến Thánh Giá, Đức Cha Cuénot cử hành lễ tấn phong giám mục cho cha Pellerin, làm giám mục phó đặc trách địa bàn truyền giáo mạn Bắc giáo phận.

Ngày 28-8-1850, Đức Pio IX ban hành Sắc chỉ Postulat Apostolici, Đức Hồng Y A. Picchiani thừa lệnh ký tên, đóng dấu ấn Ngư phủ, chấp thuận thành lập giáo phận mới có danh xưng là Bắc Đàng Trong...

Ranh giới phía Bắc giáo phận mới vẫn là dòng sông Gianh- Nguồn Son, có huyện địa đầu Bố Trạch. Phía Nam giáp ranh giới giáo phận Đông có núi Hải Vân giữa phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam. Nửa đèo phía Bắc núi Hải Vân thuộc địa phận huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên; nửa đèo phía Nam thuộc địa phận huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam...

Đức Cha Pellerin lãnh đạo tân giáo phận Bắc Đàng Trong đã thừa kế một gia tài của giáo phận rộng chừng 11.666,6 cây số vuông, hiện diện 2 thừa sai Pháp Jean Paul Galy và Joseph Sohier, 12 linh mục người Việt mà có đến 6 vị bệnh hoạn già yếu, 2 chủng viện Di Loan và Kẻ Sen, 6 tu viện Mến Thánh Giá Nhu Lý, Di Loan, Dương Sơn, Phủ Cam, Kẻ Bàng, Mỹ Hương, 24.000 giáo dân và một số ruộng đất chung quanh Kinh Thành Huế...

Tháng 8-1850, tân giáo phận Bắc Đàng Trong được thành lập, Đức Cha phó Pellerin đang ở Dinh Cát, Quảng Trị, đi vào nhận bàn giao giáo phận mới với Đức Cha Cuénot. Đầu năm 1951, Đức Cha Pellerin ra nhận nhiệm sở. Vua Tự Đức mừng tân giám mục bằng quà tặng Sắc dụ Cấm đạo 30-3-1851. Đức Cha vẫn hoạt động tích cực với 3 chương trình trọng điểm:

1. Đào tạo tông đồ giáo dân:
Đức Cha theo một phương thức về cơ cấu tổ chức là lấy cán bộ giáo dân ở địa phương làm nòng cốt và là chỗ dựa. Đặc biệt quan tâm công tác đào tạo hàng ngũ cán bộ giáo dân đã có gia đình, lập thành đoàn “Thầy giảng bậc nhì”. Họ là những ông Câu, ông Biện, ông Trùm ở các họ đạo. Chính họ là nền tảng cho sự hình thành và phát triển của các cộng đoàn giáo xứ.

Đức Cha chia giáo phận làm 3 giáo Hạt: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Mỗi Hạt chọn lấy một người biết chữ, đạo đức, khôn ngoan, từng trải việc đời, giỏi việc đạo... và nhất là luôn trung tín tận tụy phụng sự Giáo Hội trong quá trình thử thách gian khổ.

Bấy giờ Đức Cha đặt 3 ông sau đây làm Trùm Hạt (các thừa sai gọi là “Thầy Giảng lớn”):

- Ông Mattheo Nguyễn Văn Phượng, người Kẻ Lái, Quảng Bình, làm Trùm Hạt Quảng Bình (tử vì đạo ngày 26-5-1861).

- Ông Phanxicô Lê Thiện Thìn, người Trí Bưu, Quảng Trị, làm Trùm Hạt Quảng Trị (qua đời năm 1878).

- Ông Micae Hồ Đình Hy, người Nho Lâm, Thừa Thiên, làm Trùm Hạt Thừa Thiên (tử vì đạo ngày 22-5-1857).

2. Đào tạo linh mục:
chăm lo vun trồng chủng sinh 2 chủng viện Di Loan, Kẻ Sen. Gửi chủng sinh du học chủng viện Penang (Malaysia), truyền chức linh mục cho 23 thầy. Đức Cha thường xuyên có mặt ở chủng viện.
3. Củng cố 7 cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Di Loan, Nhu Lý, Bố Liêu, Mỹ Hương, Dương Sơn, Kẻ Bàng, Phủ Cam.

Ba chương trình trọng yếu trên đây là 3 hòn đá tảng Đức Cha xây nền móng Giáo Hội Bắc Đàng Trong đi đến bền vững: đào tạo linh mục là thượng tầng kiến trúc, đào tạo cán bộ nòng cốt giáo dân và củng cố các cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá là sức mạnh ở cơ sở, là nền móng vững chắc của nhân dân xây dựng Giáo Hội. Giáo dân với linh mục thuở ấy luôn gắn bó chặt chẽ trong chí hướng phụng sự Giáo Hội.

Đêm 17-8-1851 tại Di Loan, Đức Cha tấn phong thừa sai Joseph Sohier làm giám mục phó kế vị.

Tháng 12-1856 Đức Cha trốn khỏi Huế vào Đà Nẵng và lên tàu La Capricieuse của Hải quân Pháp đi Hương Cảng, đi Pháp.

Tháng 11-1860 Đức Cha đi Penang. Công việc điều hành giáo phận, Đức Cha giao phó trong tay Đức Cha phó Sohier. Đức Cha sống lưu vong, qua đời tại Penang ngày 13-9-1862 lúc 49 tuổi, được 27 năm linh mục, 17 năm giám mục, có 5 năm lưu vong (trích bài của Lê Ngọc Bích, Lịch sử khai sinh giáo phận Huế, đã viết cho đến hết đời Đức Cha Caspar).

- Huế có tên là Giáo phận Huế từ năm 1924

Giáo phận có 44 thừa sai, 83 linh mục, 35 sư huynh, 500 nữ tu, 68.000 giáo dân trên tổng số 1 triệu dân.

Năm 1950, giáo phận mừng kỷ niệm 100 năm thành lập, số giáo dân là 78.500 trên 800.000 dân

- Huế là Tổng giáo phận Huế từ năm 1960

Ngày 24/11/1960, ĐTC Gioan 23 ra Tông Thư “Venerabilium Nostrorum” thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam với 3 Giáo tỉnh Hà nội, Huế, Saigon.

Ngày 8/12/1960 ban Sắc lệnh nâng Giáo phận Huế lên Tổng giáo phận và đặt Đức Cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục làm Tổng giám mục.

Giáo phận gồm 162 linh mục triều và dòng với hơn 100.000 giáo dân.

Đức Tổng đến nhận Tòa Huế ngày 12/4/1961 thì ngày hôm sau 13/4/1961 các Đức Giám mục miền Nam Việt Nam họp tại Huế quyết định thiết lập Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc tại La Vang. Ngày 22/8/1961, Đền thờ La Vang được cung hiến trở thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường do Tông Thư Magno Nos của Đức Thánh Cha Gioan 23.

Đức Tổng lo kiến thiết và tổ chức giáo phận. Ngài đi kinh lý mục vụ các giáo xứ, cho xây Tiểu Chủng viện Hoan Thiện và lập lại Đại Chủng viện Phú Xuân.

Cuối năm 1962, Đức Tổng đi dự Công đồng chung Vaticanô II và ở lại Rôma do biến cố 1963. Năm 1968, Đức Tổng từ chức, hưu trí và từ trần tại Hoa Kỳ ngày 13/12/1984.

Tòa Thánh đặt Đức Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền làm giám quản tông tòa cho tới năm 1968 ngài mới trở thành Tổng giám mục của Huế. Đức Tổng Philipphê trải qua các biến cố lớn 1968, 1972, 1975. Tình hình chính trị bất ổn tác động trên tình hình tôn giáo. Giáo dân Huế nhiều lần ra đi và trở về. Ngày 7/9/1975 Đức Tổng tấn phong giám mục phó là Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể. Đức Tổng Philipphê cai quản giáo phận cho tới khi ngã bệnh trầm trọng vào Sài gòn chữa bệnh và qua đời tại Sài gòn ngày 8/6/1988, an táng trong nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, Huế.

Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng giám mục Hà Nội làm giám quản tông tòa Huế. Năm 1990 Đức Hồng Y qua đời đột ngột tại Hà Nội. Linh mục Giacôbê Lê Văn Mẫn làm giám quản giáo phận tới ngày 22/4/1994 Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể làm giám quản tông tòa.

Ngày 1/9/1994 Đức Tổng Têphanô phong chức linh mục cho 5 vị. Đây là lần phong chức linh mục đầu tiên từ năm 1976. Cũng trong năm này Đại Chủng viện Huế mở cửa lại do các linh mục Hội Xuân Bích điều khiển,với 39 thầy thuộc giáo phận Huế, Đà Nẵng, Kontum.

Ngày 9/3/1998 Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể chính thức cai quản giáo phận. Ngài là vị Giám mục thứ 11 của giáo phận Huế kể từ ngày thành lập năm 1850, tách khỏi giáo phận Qui Nhơn. Đức Tổng Têphanô nhậm chức ngày 9/4/1998 tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam với châm ngôn: “Để cho trần gian được sống” (Ga 10,10b).

-Các vị Giám mục và Giám quản coi sóc Giáo phận Huế:

1850: François Marie PELLERIN (PHAN)

1862: Joseph SOHIER (BÌNH)

1878: Martin PONTVIANE ( PHONG)

1880: Marie Antoine CASPAR (LỘC)

1908: Eugene ALLYS (LÝ)

1930: Alexandre CHABANON (GIÁO)

1937: François LEMASLE (LỄ)

1948: Tổng giám mục hiệu tòa Jean Baptiste URRUTIA (THI)

1960: Tổng giám mục Phêrô Martinô NGÔ ĐÌNH THỤC

1964: Tổng giám mục Philipphê NGUYỄN KIM ĐIỀN

1988: Hồng Y giám quản Tông tòa Giuse Maria TRỊNH VĂN CĂN

1990: Linh mục giám quản giáo phận Giacôbê LÊ VĂN MẪN

1994: Tổng giám mục giám quản tông tòa Têphanô NGUYỄN NHƯ THỂ

1998: Tổng giám mục chính tòa Têphanô NGUYỄN NHƯ THỂ

2005: Giám mục phụ tá Phanxicô Xaviê LÊ VĂN HỒNG

-Các vị Giám mục gốc Giáo phận Huế:

1. Đức Giám mục Đôminicô HỒ NGỌC CẨN (Ba Châu): Giám mục Bùi Chu 1935.

2. Đức Giám mục Phêrô Mactinô NGÔ ĐÌNH THỤC (Đại Phong): Giám mục Vĩnh Long 1938.

3. Đức Giám mục Tađêô LÊ HỮU TỪ (Di Loan): Giám mục Phát Diệm 1945.

4. Đức Giám mục Simon Hòa NGUYỄN VĂN HIỀN (Nhu Lý): Giám mục Sài gòn 1955.

5. Đức Giám mục Phanxicô Xaviê NGUYỄN VĂN THUẬN (Phủ Cam): Giám mục Nha Trang 1967.

6. Đức Giám mục Alexis PHẠM VĂN LỘC (Phủ Cam): Giám mục Kontum 1975.

7. Đức Tổng giám mục Têphanô NGUYỄN NHƯ THỂ (Nho Lâm, Cây Đa): Tổng giám mục phó Huế 1975.

8. Đức Giám mục Phêrô NGUYỄN VĂN NHƠN (An Truyền): Giám mục phó Dalat 1991.

9. Đức Giám mục Phaolô BÙI VĂN ĐỌC (An Lộng): Giám mục Mỹ Tho 1999.

10. Đức Giám mục Phanxicô Xaviê LÊ VĂN HỒNG (Trí Bưu): Giám mục phụ tá Huế 2005.

11. Đức Giám mục Giuse VÕ ĐỨC MINH (Tam Tòa): Giám mục phó Nha Trang 2005.

12. Đức Giám mục Phêrô NGUYỄN VĂN ĐỆ (Thạch Hãn): Giám mục phụ tá Bùi Chu 2006.

-Tăng triển số linh mục, tu sĩ...:

Năm 1962: Linh mục triều 112/ dòng 50

Giáo dân 100.225

Giáo xứ có linh mục 85

Giáo họ không có linh mục 264

Năm 2008 (tính đến 31.12.08)

1. Diện tích : 16.003km2 (từ Bắc đèo Hải Vân đến Nam sông Gianh)

2. Dân số : 2.295.000

3. Dân số công giáo : 68.240

4. Giáo xứ : 77 (trong đó có 5 giáo xứ do 5 linh mục Dòng coi sóc)

5. Trung tâm Mục vụ : 1

6. Giám mục : 2

7. Linh mục triều : 106

8. Linh mục Dòng : 25

9. Truyền chức : 12

-Lần 1: 01.1.2008 : 5

-Lần 2: 11.9.2008 : 7

10. Qua đời : 3

(Cha Nguyễn Phùng Tuệ, Cha Nguyễn Văn Hồng, Cha Nguyễn Hồng Diệp)

11. Nam nữ Tu sĩ :1.031

-Tu sĩ nam Dòng Giáo hoàng : 71

(Biển Đức Thiên An: 6 linh mục, 20 khấn trọn, 32 khấn tạm;

Dòng Chúa Cứu Thế: 10 (7 linh mục và 3 trợ sĩ), Lasan: 3)

Dòng Giáo phận : 40

(Thánh Tâm: 12 linh mục, 10 khấn trọn, 18 khấn tạm)

-Tu sĩ nữ Dòng Giáo hoàng : 64

(Cát Minh: 11 khấn trọn, 17 khấn tạm; T. Phaolô: 32; Tiểu Muội: 4)

Dòng Giáo phận : 856

12. Đại chủng sinh : 44 (Đại chủng viện 30 Kim Long, Huế)

-Thần học : 18

-Triết học : 26

13. Theo học ở Đại chủng viện: 21

-Thần học : 13

-Triết học : 8

(8 Biển Đức Thiên An (4 thần, 4 triết), 13 Thánh Tâm (9 thần, 4 triết)

14. Chủng sinh ngoại trú : 19 (đã xong đại học)

15. Học viện liên Dòng nữ : 83 nữ tu (gồm 3 Dòng nữ: Mến Thánh Giá, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Con Đức Mẹ Đi Viếng).

16. Rửa tội : 620

17. Thêm sức : 780

18. Rước lễ : 520

19. Hôn phối : 327 (trong đó có 104 đôi chuẩn khác tôn giáo)

20. Giáo lý viên : 744 (tình nguyện viên)

-Ơn gọi linh mục:

Từ 1960 đến 1975: có Tiểu Chủng viện Hoan Thiện của Giáo phận Huế, với khoảng 200 tiểu chủng sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Mỗi năm vào Đại Chủng viện Huế và Giáo hoàng Học viện Đàlạt khoảng 20 thầy, trong số này có khoảng 6,7 thầy lãnh chức linh mục mỗi năm.

Từ năm 1975: không còn Tiểu chủng viện. Năm 1975 và 1976, có phong chức linh mục được 5 vị, 1978 : 1 vị. Mãi cho đến 16 năm sau, tức năm 1994 mới có lần phong chức linh mục lại. Từ 1994 đến nay (31.12.08) phong chức linh mục được 82 vị.

Ơn gọi tu sĩ: xin xem phần tu sĩ các dòng tu

2/ TỔ CHỨC GIÁO PHẬN

+Linh mục đoàn:

-Hội đồng linh mục: chưa có.

-Hội đồng mục vụ: gồm các linh mục đặc trách các ban mục vụ.

-Ban tư vấn: đã có.

-Hội đồng kinh tế: đã có. Tòa án hôn phối cấp 1 và cấp 2: đã có.

-Các ban mục vụ: linh mục và chủng sinh, tu sĩ, giáo dân, gia đình, phụng tự, thánh nhạc, loan Tin mừng, giáo lý, văn hóa, bác ái xã hội, thông tin, đối thoại tôn giáo, hội nhập văn hóa, giới trẻ và sinh viên.

+Tổ chức Giáo Hạt: 77 Giáo xứ chính / 68.198 giáo dân

- Hạt Thành phố: 16.887 giáo dân 18 giáo xứ 13 linh mục triều, 3 linh mục phó & 5 linh mục dòng

- Hạt Hương Phú: 7.263 giáo dân 11 giáo xứ 11 linh mục triều

- Hạt Hương Quảng Phong: 8.941 giáo dân 13 giáo xứ 13 linh mục triều

- Hạt Hải Vân: 21.812 giáo dân 18 giáo xứ 18 linh mục triều & 2 linh mục phó

- Hạt Quảng Trị: 13.295 giáo dân 17 giáo xứ 17 linh mục triều & 2 linh mục phó

-DÒNG TU

+ DÒNG NAM:

-Đan viện Thiên An:

Đan viện ở Đồi Thiên An, Hộp thư 005, TP Huế.

Nhân sự:

-khấn trọn : 26, trong đó có 6 linh mục

-khấn tạm : 32

-tập sinh : 5

-thỉnh sinh : 6 Hoạt động chuyên ngành: mục vụ giáo xứ Thiên An, mục vụ tĩnh tâm tại Đan viện cho các cá nhân và các nhóm, ora et labora.

-Dòng Chúa Cứu Thế:
Nhà chính: 142 Nguyễn Huệ, TP Huế. Nhân sự: 3 thầy trợ sĩ, 7 linh mục, 29 dự tu. Hoạt động chuyên ngành: mục vụ giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, phục vụ các đoàn hành hương quanh năm, giảng tuần Đại phúc, phục vụ người nghèo.

-Dòng Sư Huynh La San: Trụ sở 149 Phan Bội Châu, TP Huế. Nhà các Sư Huynh ở 1 Lê Lợi, TP Huế. Nhân sự: 3 Sư huynh và 10 dự tu. Hoạt động chuyên ngành: mục vụ giáo lý tại giáo xứ Chính tòa, dạy sinh ngữ Anh Pháp mỗi ngày cho sinh viên học sinh, hỗ trợ 2 lớp dạy nghề may vá và 1 lớp dạy sửa xe gắn máy, hỗ trợ nhà mồ côi ở Cam Lộ.

-Dòng Thánh Tâm Nhà chính: 67 Phan Đình Phùng, TP Huế. Nhân sự:

-khấn trọn : 22, trong đó có 12 linh mục

-khấn tạm: 18

-tập sinh: 8

-thỉnh sinh: 16

-đệ tử: 60 Hoạt động chuyên ngành: mục vụ giáo xứ Bến Ngự, Bình Điền và Sơn Thuỷ (A Lưới), giáo lý hôn nhân, lớp tình thương, hỗ trợ bệnh nhân nghèo mổ tim, tương trợ nạn nhân thiên tai.

+ DÒNG NỮ:

-Đan viện Cát Minh:
Nhà chính : 34 Kim Long, TP Huế Nhân sự :

-Khấn trọn: 11

-Khấn tạm: 17

-Tập sinh: 4

-Thỉnh sinh: 6

-Dự tu: 5

-Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres:
Nhà chính: Tỉnh Dòng Đà Nẵng 47 Yên Báy TP Đà Nẵng. 4 Cộng đoàn: Ngô Quyền, Thiên Hựu, Kim Long, Đại Chủng viện.

Nhân sự:

-32 khấn,

-70 dự tu. Hoạt động chuyên ngành: mục vụ giáo xứ, giáo lý, nhà trẻ, khuyết tật, nội trú, cô nhi, chăm sóc 171 bệnh nhân phong cùi và HIV/AIDS thành phố và phụ cận.

-Dòng Tiểu Muội:
Nhà ở: Phủ Cam Nhân sự: 4 Hoạt động chuyên ngành: sống đời thường như Chúa Giêsu giữa người nghèo.

- Dòng Mến Thánh Giá Huế:
Nhà chính: 113 Trần Phú, TP Huế.

+4 Cộng đoàn lớn: An Lăng, Phủ Cam, Khâm Mạng, Dương Sơn.

+38 cộng đoàn nhỏ trong giáo phận.

Nhân sự:

-Khấn trọn : 249, trong đó ở ngoài giáo phận 52

-Khấn tạm : 120 -Tập sinh : 41

-Tiền tập : 19

-Thanh tuyển : 105

-Dự tu : 200 Hoạt động chuyên ngành: mục vụ giáo xứ, giáo lý, nhà trẻ, lớp học tình thương, khuyết tật cô nhi, mục vụ cho người dân tộc thiểu số, nhà cho các bà mẹ trẻ.

-Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm:
Nhà chính: 32 Kim Long, TP Huế. Hiện nay năm 2008, Hội Dòng có 44 cộng đoàn với 317 thành viên (gồm khấn trọn & tạm) trong 3 giáo tỉnh. 5 trường Mầm Non lớn ở Huế, Sàigòn, Plêiku và nhiều trường mẫu giáo trong các làng thôn quê. Trợ giúp học bổng cho học sinh sinh viên nghèo. Nhà trọ cho nữ sinh viên, bán trú, nội trú học sinh. Hoạt động trợ giúp nạn nhân thiên tai, hỗ trợ các nhu cầu của người nghèo, các anh chị em sắc tộc. Khám chữa bệnh miễn phí tại phòng khám đa khoa từ thiện, chăm sóc các bệnh nhân HIV tại cộng đồng, chương trình phòng chống HIV, hỗ trợ bệnh nhân phong, khám bệnh lưu động. Bảo vệ sự sống thai nhi. Phòng tư vấn cho người HIV. Cơ sở bảo trợ xã hội cho trẻ sơ sinh, mồ côi, khuyết tật. Cọng tác trong mục vụ di dân tại Saigon.

-Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng: Nhà chính: 483A Chi Lăng, phường Phú Hậu, TP Huế 14 cộng đoàn cố định và 5 cộng đoàn lưu động trong giáo phận, 12 cộng đoàn ngoài giáo phận.

Nhân sự:
-Khấn trọn : 126

-Khấn tạm : 44

-Tập sinh : 27

-Nhà thử : 20

-Đệ tử : 178 Hoạt động chuyên ngành: mục vụ giáo xứ, giáo lý, các lớp tình thương, nhà trẻ, truyền giáo bằng thăm viếng, trợ giúp, nhà khuyết tật, chăm sóc bệnh nhân phong tại gia và đèo Hải Vân, học bổng cho học sinh

- sinh viên.

-Nữ Trợ tá Tông đồ

-Tu Hội Đời Thánh Tâm Chúa Giêsu

-Tu Hội Đời Thánh Tâm (nữ)

+Cơ sở tôn giáo và các hoạt động:

-Đại Chủng viện Huế:
30 Kim Long, TP Huế Tái lập từ năm 1994. Do các Linh mục Hội Xuân Bích điều hành. Dành cho các chủng sinh của giáo phận Kontum, Đà Nẵng và Huế. 3 năm Triết, 4 năm Thần học và 1 năm giúp xứ. Đã có 8 khóa (tính đến 31.12.08) 2 năm một lần ra trường. Từ năm 2008, sẽ có khóa mỗi năm. Chủng sinh mỗi lớp dưới 30. Ngoài ra có các tu sĩ dòng Thánh Tâm và Thiên An đến học ngoại trú khoảng 20 thầy. Ban giám đốc và giáo sư nội trú là 10 vị. Giáo sư ngoại trú là 15 vị. Hiện nay: Đại chủng sinh: 44

-Thần học: 18

-Triết học: 26 Chủng sinh ngoại trú: 19 (Đã xong Đại học). Tiền chủng viện : 72 đang học Đại học

-Học viên liên dòng nữ: 83

-Trung Tâm Mục vụ :
6B Nguyễn Trường Tộ Huế. Đưa vào sử dụng từ năm 2005. Có các văn phòng, các ban mục vụ của giáo phận. Nơi các linh mục, tu sĩ, giáo dân về tĩnh tâm. Nơi tổ chức các khóa hội thảo, học hỏi, sinh hoạt tháng cho các nhóm hay các hội đoàn...

-Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang:
Theo Thư Chung ngày 08/08/1961 của Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam về việc thi hành lời Khấn hứa với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, một kế hoạch kiến thiết quy mô Thánh địa La Vang đã được khởi công:

- Công trường Mân Côi rộng 30m, dài 480m, rãi đá, tráng nhựa. Dọc 2 bên có 15 pho tượng các Mầu nhiệm Mân Côi bằng đá cẩm thạch theo nghệ thuật hiện đại.

- Hai hồ Tịnh Tâm rộng trên 6 mẫu.

- Linh đài Đức Mẹ với 3 cây đa cổ thụ bằng xi-măng cốt sắt chỉ mới hoàn tất giai đoạn đầu. Một bàn thờ bằng đã cẩm thạch nguyên khối từ Non Nước (Đà Nẵng).

- Nhà Tĩnh Tâm ở khu vực phía sau Đền Thờ.

- Nhà Hành Hương, quen gọi là nhà Đại Chúng, đối diện nhà Tĩnh Tâm, cùng kích cỡ, dùng làm nơi tạm trú cho khách hành hương.

- Hồ Giênêdaret và 2 cây cầu uốn cong nối 2 đường kiệu với đồi Canvariô.

- Nhà vệ sinh 120 phòng.

- Tháp nước và bơm. Giếng nước máy bơm gió. Tiếc thay những công trình này đã bị chiến tranh tàn phá hết, nhất là chiến cuộc 1972 và cơn bão 1985. La Vang ngày nay không còn là nơi âm u hiểm trở, ít ai biết đến như ngày xưa trong thời kỳ cấm đạo, nhưng đã trở thành nơi vang dội muôn ơn lành hồn xác Mẹ ban và ngân vọng bao lời kinh tin yêu phó thác của con cái Mẹ trên khắp nước Việt Nam và cả thế giới. Lòng tôn sùng Đức Mẹ La Vang đã có liền sau khi Đức Mẹ hiện ra (1798). Từ ngày đó, giáo hữu xa gần hành hương La Vang và đã được Mẹ chở che, ủi an, nâng đỡ. Qua các thời đại, các thế hệ, giáo hữu lũ lượt tới La Vang kính viếng, cầu nguyện, nhất là từ khi có ngôi Đền Thánh đầu tiên năm 1820. Với chiến cuộc năm 1972, toàn bộ khu vực La Vang đổ nát. Chỉ còn nơi Linh đài Đức Mẹ hiện ra, 3 cây đa bằng bê-tông xi-măng đứng vững nguyên vẹn. Từ năm 1995, Thánh Địa La Vang bắt đầu được trùng tu lại dần dần. Hiện tại Trung Tâm Toàn Quốc Thánh Mẫu La Vang được Ủy ban Nghệ Thuật Thánh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đảm nhận thực hiện Dự án đại trùng tu Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang.

3/ BÁO CHÍ VÀ TRUYỀN THÔNG

- Nguyệt san Sống Tin Mừng: mỗi tháng ra một tập, tuyển tập các tin tức Giáo Hội và giáo phận, dày 300 trang. - Tờ Hạt Cải của Ban Giáo dân, mỗi tháng một số, gồm có tin tức, bài suy niệm, bài giáo lý gia đình...

- Tờ Thiện của các chủng sinh, để giúp các em chủng sinh ngoại trú.

- Linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang cọng tác viên của Vietcatholic thường xuyên đưa tin tức giáo phận.

4/ CƠ SỞ XÃ HỘI VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG
Các cở sở và hoạt động từ thiện xã hội là quan tâm trọng điểm của Giáo phận Huế. Hiện nay giáo phận Huế đã có những cơ sở sau đây:

1. Phòng khám bệnh từ thiện miễn phí: · Tại Kim Long, TP Huế do các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm phụ trách với:

- 5 bác sĩ thường trú, 16 bác sĩ ngoại trú, 6 y sĩ, 5 nhân viên phục vụ, 1 y sĩ Đông y.

- 600 bệnh nhân đuợc khám và điều trị mỗi tuần.

- Ngành HIV có 23 bác sĩ, 18 tình ngưyện viên và nhân viên, chăm sóc 85 bệnh nhân. · Tại Bãi Dâu, phường Phú Hậu, TP Huế do các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng phụ trách với:

- 1 bác sĩ, 5 y tá trực, 6 nhân viên.

- 300 bệnh nhân được khám và chữa bệnh mỗi tuần.

2. Phục vụ chăm sóc người mù và khuyết tật do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Huế phụ trách với:

- 1 bác sĩ, 2 y sĩ tình nguyện.

- Bệnh nhân được chăm sóc thuộc hội người mù và khuyết tật Đông Hà, Quảng Trị.

- Dạy nghề và cấp vốn cho bệnh nhân mù và khuyết tật.

- Nồi cháo tình thương cho các bệnh nhân nghèo bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, 3 ngày một tuần.

3. Các hoạt động từ thiện và xã hội thường xuyên nhằm trợ giúp những người túng thiếu, các nạn nhân xã hội:

- Văn phòng Caritas thường trực Ủy Ban Bác ái Xã hội đặt tại tòa Tổng giám mục giáo phận Huế nhằm cứu tế xã hội và cứu trợ khẩn cấp, đặc biệt cứu trợ các nạn nhân bị thiên tai bão lụt.

- Tổ ấm Bình Minh tiếp nhận và nuôi các hài nhi bị bỏ rơi.

- Tổ ấm Hoàng Hôn tiếp nhận và nuôi các cụ già không nơi nương tựa.

- Nhóm Bảo vệ sự sống tự nguyện chuyên phục vụ tiếp nhận các hài nhi bị bỏ rơi còn sống và lo chôn cất các hài nhi bị bỏ rơi đã chết. Nghĩa trang hài nhi gồm 300 ngôi mộ đã chôn cất được trên 30.000 thai nhi bị bỏ.

- Phục vụ chăm sóc và nuôi các ông già bà lão neo đơn ngoại trú. Mỗi tháng mỗi cụ trên 70 tuổi nhận đuợc cung cấp 4kg gạo. Số các cụ là trên 3.000, cả lương giáo tại Thừa Thiên và Quảng Trị.

+Các cơ sở khác:

- Cơ sở chăm sóc các phụ nữ cơ nhỡ: nhà Mái Ấm ở Nguyệt Biều do Dòng Mến Thánh Giá phụ trách.

- Nhà nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Nước Ngọt do Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm phụ trách, ở Kim Long do Dòng thánh Phaolô phụ trách.

- Nhà nuôi dạy cô nhi ở Kim Long do dòng thánh Phaolô phụ trách.

- Các lớp học tình thương trong các giáo xứ do các nữ tu phụ trách.

- Nhà nội trú học sinh sinh viên do các Dòng nam: Chúa Cứu Thế, La San, Thánh Tâm và các Dòng nữ: Thánh Phaolô, Mến Thánh Giá, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Con Đức Mẹ Đi Viếng điều khiển.

a. Phục vụ người nghèo

- Tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân, người hấp hối và dịch vụ mai táng: các đội âm công ở Phủ Cam.

- Phòng khám bệnh nhân đạo: số nhân viên phục vụ gồm có 20 bác sĩ, 6 y sĩ, 2 nhân viên xét nghiệm, 3 lương y Đông y, 3 nhân viên, và 23 tình nguyện viên. Mỗi tuần khám bệnh phát thuốc 3 ngày 3,5,7. Mỗi ngày từ 200-250 bệnh nhân.

- Chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân phong, bệnh nhân tâm thần: số người chăm sóc và các chuyên viên y tế: 9 nữ tu và 14 tình nguyện viên. Mỗi tháng có 3 thứ bảy, đoàn đi khám bệnh và chăm sóc tại các nơi.

- Trường lớp dành cho học viên khuyết tật, thiểu năng và tự kỷ: Cơ sở phục hồi chức năng tại Kim Long do Dòng Thánh Phaolô, tại Nước Ngọt do Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

- Trợ giúp học bổng cho học sinh và sinh viên.

- Mở nhà trọ, ký túc xá cho học sinh và sinh viên.

- Giới thiệu nơi cư trú, việc làm và giúp các di dân hội nhập vào xã hội và Giáo Hội địa phương.

b. Các khóa học hỏi và huấn luyện

- Khóa học về tình yêu hôn nhân gia đình và bảo vệ sự sống: dành cho sinh viên dịp tĩnh tâm hàng tháng. Những cuộc tọa đàm và hội thảo về công tác bác ái xã hội: các buổi học hỏi hội thảo về HIV/AIDS trong nhiều giáo xứ do nhóm công tác các Dòng phụ trách.

- Khóa Thánh Kinh Muối Đất.

- Khóa huấn luyện giáo dân trưởng thành nòng cốt.

- Tài liệu học hỏi, tham khảo về công tác bác ái xã hội, hôn nhân gia đình đuợc phân phát và phổ biến tờ rơi, tài liệu, sách, băng đĩa… - Khóa giáo lý hậu hôn nhân.

- Phòng tư vấn tình yêu hôn nhân và gia đình: chưa có.

- Khóa huấn luyện tình nguyện viên công tác bác ái xã hội.

5/ NHỮNG BIẾN CỐ VÀ LỄ HỘI

+Đón tiếp, gặp gỡ: Phái đoàn Tòa Thánh Đức Hồng Y Etchegaray năm 1989 Phái đoàn HĐGM Pháp ngày 21/01/1996 Phái đoàn HĐGM Hoa Kỳ ngày 29-31/8/1999 Phái đoàn Tòa Thánh Đức Hồng y Crescenzio SEPE (30/11 – 2/12/2005) Phái đoàn Tòa Thánh, Đức Ông Pietro PAROLIN (12-14/6/2008)

+Các lễ tấn phong Giám Mục: Tấn phong Đức TGM Têphanô ngày 7/9/1975 Tấn phong Đức GM phụ tá Phanxicô Xavie ngày 7/4/2005

+Các lễ truyền chức linh mục: từ 1994 đến nay có 82 vị.

§ Ngày 1.9.1994 : 5 vị (4 triều, 1 Dòng Thánh Tâm)

§ Ngày 2.2.1996 : 7 vị (triều)

§ Ngày 13.3.1998 : 2 vị (1 triều, 1 Dòng Thánh Tâm)

§ Ngày 7.9.2000 : 9 vị (4 triều, 1 Thiên An, 1 DCCT, 3 Thánh Tâm)

§ Ngày 29.6.2001 : 13 vị (12 triều, 1 Thiên An)

§ Ngày 3.12.2002 : 9 vị (triều)

§ Ngày 30.10.2003 : 8 vị (5 triều, 3 Thánh Tâm)

§ Ngày 4.11.2004 : 6 vị (4 triều, 2 Thiên An)

§ Ngày 23.2.2006 : 1 vị (triều)

§ Ngày 1.1.2007 : 10 vị (triều)

§ Ngày 1.1.2008 : 5 vị (2 triều, 1 Thiên An, 2 Thánh Tâm)

§ Ngày 11.9.2008 : 7 vị (5 triều, 2 Thánh Tâm) Tổng cộng : 82 vị

+Lễ mừng 200 năm Đức Mẹ La Vang (1798-1998)

+Lễ mừng 150 năm thành lập Giáo phận (1850-2000):

+Các Đại Hội Tam niên Hành hương Đức Mẹ La Vang: từ lần thứ 1 năm 1901 đến lần thứ 28 năm 2008. Tháng 8/1961, Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 15. Dịp này Đền Thánh Đức Mẹ La Vang được xức dầu cung hiến và được nâng lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường.

+Lễ Khánh Thành Nhà Hành Hương ở La Vang: do Đức Hồng y Crescenzio Sepe chủ sự (1.12.2005).

II. NHẬN ĐỊNH

1. Nhìn chung:

-Từ 1960 đến 1975: Các sinh hoạt của các giáo xứ và các đoàn thể đều đặn, quy củ, nhất là các phong trào công giáo tiến hành và hội đoàn. Từ Trung ương đến Địa phương các giáo phận, các tổ chức đều thông suốt và đồng bộ với nhau, tạo nên một sức mạnh tinh thần va một chứng từ rõ nét về sự duy nhất của Giáo Hội Công Giáo.

-Từ 1975 đến nay: Giáo phận chửng lại, vì không có được sức sống từ Trung ương là các Ban Ngành của Hội đồng giám mục chuyển về. Nhân sự giáo sĩ, tu sĩ và nhất là giáo dân nòng cốt vì nhiều lý do kinh tế xã hội đã ra đi khỏi giáo phận. Tuy nhiên dù gặp bao nhiêu khó khăn rất to lớn, giáo phận suốt 50 năm qua vẫn giữ vững đức tin công giáo và có ảnh hưởng tốt giữa lương dân. Số người tòng giáo không đông vì nhiều lý do. Truyền thống tôn sùng và hành hương Mẹ La Vang đã được duy trì mặc cho bao nhiêu trở ngại.

2. Những bước tiến về nhân sự, tổ chức và sinh hoạt:

Trước 1975, giáo phận có được một số nhân sự giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân có ảnh hưởng lớn trong môi trường trí thức, xã hội. Giáo dân được đào tạo trưởng thành. Hơn 100.000 giáo dân đi vào miền nam, một số trở thành lãnh đạo các cộng đoàn (các đợt di cư 1963, 1968, 1972, 1975). Sau năm 1975, rất thiếu hụt nhân sự, nghèo tổ chức và sinh hoạt đoàn thể. Đa số lãnh đạo được đào tạo trước năm 1975 đã đi xa.

III. HƯỚNG TỚI

1. Hướng mục vụ truyền giáo, giáo dục và giáo lý: *Khuyến khích học hỏi Lời Chúa. *Truyền giáo bằng yêu thương và phục vụ. *Giáo trình giáo lý thống nhất. *Huấn luyện giáo lý viên.

2. Nhìn trước vấn đề đào tạo nhân sự, ơn gọi: Đào tạo nhân sự lâu dài cần chú trọng đến 3 thành phần:

- chủng sinh là linh mục tương lai cần được đào tạo trong một hình thức Tiểu Chủng viện nào đó có nền nếp như truyền thống Giáo Hội đã làm.

- các linh mục được đào tạo cao hơn để nhắm tới môi trường Đại Học và giáo dục nhiều hơn / nên cho các linh mục trẻ đi du học.

- các tu sĩ cũng nên được đào tạo ngay từ bậc tiểu học trong nhà Dòng và được đào tạo chuyên ngành hơn như y tế, giáo dục, phát triển…

- các giáo dân được đào tạo đều đặn và thường xuyên hơn để trở thành những người ưu tú trong xã hội và trong Giáo Hội qua các phong trào: “Muối đất”, “Khôi Bình”, “Gia đình cùng theo Chúa”, “Thăng tiến hôn nhân”…

3. Hoạt động của các cơ sở văn hóa xã hội công giáo:

- Quan trọng là tu đức bác ái của người làm việc.

- Nên mở cư xá sinh viên có tổ chức đàng hoàng để giúp cho giới trí thức tương lai.

- Nên mở Thư viện về “Huế học” (đời và đạo).

- Nên mở Thư viện điện tử để giúp về vấn đề tài liệu nghiên cứu và học hỏi.

- Nên ra một tờ báo của Giáo Phận như trước năm 1975, hoặc tối thiểu là Tờ Thông Tin GP Huế như trước đây.

- Nên mở trang web của Tổng Giáo Phận Huế.

- Ưu tiên và đặc biệt tái thiết, phát triển Trung Tâm Toàn Quốc Thánh Mẫu La Vang thành một Trung Tâm Huấn luyện và Đào tạo Mục vụ toàn quốc để thống nhất việc mục vụ của toàn thể Giáo Hội Việt Nam nhằm canh tân đời sống đức tin và truyền giáo.


TGP HUẾ - 2008

cafeda2009
12-11-2009, 11:50 PM
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ PHÚ HẬU, HUẾ (http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=255:lc-s-giao-x-phu-hu-hu&catid=43:tu-lieu&Itemid=67)

Thứ năm, 11 Tháng 6 2009 06:00

(http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?view=article&catid=43%3Atu-lieu&id=255%3Alc-s-giao-x-phu-hu-hu&tmpl=component&print=1&layout=default&page=&option=com_content&Itemid=67)



LƯỢC SỬ GIÁO XỨ PHÚ HẬU, HUẾ

Tôma Hoàng Kim Khánh

Thư Ký Hội Đồng Giáo Xứ Phú Hậu.

Lời người viết :
Ngày 12-6-2009, Cộng đoàn giáo xứ Phú Hậu long trọng kỉ niệm 50 năm thành lập giáo xứ. Là một thành viên của cộng đoàn, tôi lược ghi quá trình xây dựng và phát triển của cộng đoàn giáo xứ Phú Hậu trong 50 năm qua. Ước mong "Lược Sử Giáo Xứ Phú Hậu" giúp mỗi chúng ta cảm nghiệm được tình thương và sự quan phòng kì diệu của Thiên Chúa dành cho mỗi cộng đoàn con cái của Người.
Giáo xứ Phú Hậu thuộc địa bàn phường Phú Hậu, cách trung tâm thành phố Huế 3km, bên bờ phía tả ngạn Sông Hương. Nguyên gốc do Giáo họ Bãi Dâu, một họ nhánh của giáo xứ Gia Hội và giáo xứ Đại Phong hiệp nhất vào đầu năm 1960.
I. Giáo xứ Đại Phong : 1959.
* Sau thời gian 1954 - 1959 sinh sống tại Xuân Hòa, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Ngày 19-01-1959, 42 trong số 48 gia đình thuộc Họ Đạo Kẻ Đợi (có từ trước năm 1642) làng Đại Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình di cư được chính quyền Thành phố Huế cấp 17 mẫu đất trống Bãi Dâu thuộc làng An Quán để định cư, lập thành Giáo xứ Đại Phong, năm 1959.
* Giáo xứ có Nhà thờ tạm, gồm 255 giáo dân.
* Linh mục Tôma Nguyễn Văn Hinh là Quản Xứ, và các Nũ tu Dòng Mến Thánh Giá giúp xứ.
* Bổn mạng giáo xứ : Thánh Gioan Baotixita. (24-6)
* Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ từ năm 1959 - 1976 là Ông Phêrô Ngô Tiến.
II. Giáo họ Bãi Dâu : 1910-1960, thuộc giáo xứ Gia Hội.
* Ban đầu là các cụ Tống Văn San trước năm 1910, khoãng từ 1910-1920 có các cụ Nguyễn An Thừa (Người làng Tiên Nộn), Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Kế (Người làng An Khốt), Trương Văn Chát (Người làng Kim Đôi), và những năm 1940-1945 có thêm các cụ Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Đô (An Khốt) đến sinh sống tại làng An Quán, phường Phú Hậu, sau sinh thêm con cháu và nhiều gia đình từ các nơi khác đến sinh sống làm thành Giáo họ Bãi Dâu.
* Có Nhà nguyện, nguyên là nhà tư nhân được giáo dân quyên góp mua lại, gồm 220 giáo dân.
* Bổn mạng Giáo họ : Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ (15-9)
* Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ là ông Phaolô Nguyễn Văn Kế (→1963), và từ năm 1963–1976 là ông Giacôbê Phạm Đá.
III. Giáo xứ Phú Hậu qua các giai đoạn :
1. Giai đoạn 1960-1962, Giáo xứ Bãi Dâu- Đại Phong. Linh mục Tôma Nguyễn Văn Hinh quản xứ.
* Năm 1960 Đức Cố Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục quyết định hiệp nhất Giáo xứ Đại Phong và Giáo họ Bãi Dâu thành Giáo xứ Bãi Dâu - Đại Phong, gồm 2 khu vực : Khu vực Bãi Dâu và khu vực Đại Phong.
* Giáo xứ Bãi Dâu - Đại Phong lúc mới thành lập có 475 giáo dân.
* Hoạt động của giáo xứ trong giai đoạn 1960-1962 chủ yếu là xây dựng nhà thờ, nhà xứ và xây dựng sự đoàn kết, hiệp nhất giữa 2 khu vực Bãi Dâu, Đại Phong.
Ngôi nhà thờ được xây dựng năm 1960 này tồn tại cho đến tháng 4-1998 được Cha Cố Giuse Trần Thắng Trung tu sữa lại mặt trước và phần mái nhà thờ. Nhà xứ ban đầu này đã được làm mới hoàn toàn vào tháng 5- 2003 thời Đức Giám Mục Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng làm quản xứ.
2. Giai đoạn 1963-1964, Giáo xứ Bãi Dâu- Đại Phong. Các Linh mục Phao lô Trần Văn Sanh, Linh mục Tađêô Hồ Bảo Huỳnh, Linh mục Antôn Nguyễn Văn Thọ quản nhiệm.
* Cha Tôma nghỉ hưu năm 1962, Đức Cố Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục cử Cha Phaolô Trần Văn Sanh đang nghỉ hưu dưỡng tại Tòa Tổng trông coi giáo xứ.
* Cuối năm 1963 Ngài qua đời. Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh, sau là Cha Antôn Nguyễn Văn Thọ quản xứ Gia Hội kiêm.
* Cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh là người hoàn thành việc xây dựng Thánh đường giáo xứ được khởi công từ thời cha Tôma.
3. Giai đoạn 1965-1971, Giáo xứ Đại An. Linh mục Antôn Nguyễn Văn Bằng quản xứ.
* Cha Antôn Nguyễn Văn Bằng đổi tên giáo xứ là Đại An. (từ ghép của cụm từ giáo xứ Đại Phong – làng An Quán) nhưng tên giáo xứ trên con dấu cha quản xứ vẫn còn Bãi Dâu - Đại Phong cho đến hiện nay.
* So với các cha tiền nhiệm, cha Antôn quản xứ lâu hơn nhưng do tuổi cao, sức yếu Ngài chưa thay đổi được nền lối sinh hoạt của giáo xứ
* Về xây dựng, Ngài cho xây 2 phòng làm nơi sinh hoạt cho các hội đoàn (2 phòng này hiện còn), làm gác chuông (gác chuông nay không còn nữa).
* Số giáo dân trong giáo xứ là 630. Các Hội đoàn có Thiếu Nhi Thánh Thể, Mẹ Gia Đình.
4. Giai đoạn 1971-1972, Linh mục Antôn Nguyễn Văn Thọ quản nhiệm.
Năm 1971, Cha Antôn Nguyễn Văn Bằng nghỉ hưu, Cha Antôn Nguyễn Văn Thọ quản xứ Gia Hội kiêm nhiệm việc trông coi giáo xứ (lần 2).
5. Giai đoạn 1972-1980, Giáo xứ Đại An và 1980-1994, Giáo xứ Phú Hậu. Linh mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Hoàng quản xứ.
* Tháng 10 năm 1972, Đức Cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền cử cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Hoàng, lúc bấy giờ là Cha quản lí trường Trung học Thiên Hữu, Huế làm quản xứ.
* Giáo dân trong giáo xứ là 730. Trong khoảng thời gian đầu Ngài củng cố lại các Hội đoàn : Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Niên Công Giáo, Mẹ Gia Đình. Vẫn duy trì các hoạt động phụng vụ ở 2 khu vực nhưng từng bước xây dựng Hội Đồng Giáo Xứ để tập trung các hoạt động của giáo xứ.
* Tháng 5-1975, do đời sống khó khăn, một số gia đình phải chuyển vào các tỉnh phía Nam sinh sống hoặc đi xây dựng các vùng Kinh tế mới, số giáo dân giảm còn 455.
* Năm 1980, Đức Tổng Giám Mục Philipphê cho phép đổi tên giáo xứ là Phú Hậu, bổn mạng là Thánh Tâm Chúa Giêsu.
* Từ 1976 đến 1990 là khoảng thời gian khó khăn của giáo xứ. Về hội đoàn có thêm Legio nhưng hoạt động của các Hội đoàn, Đoàn thể cũng chỉ chủ yếu là phụng tự và giảng dạy giáo lí.
* Về xây dựng, năm 1992 tu sửa lại Cung thánh, năm 1993 tu sửa lại 2 phòng hội.
* Từ 1960-1976 không có Hội đồng Giáo xứ chung, vì còn duy trì 2 HĐGX ở 2 khu vực. Từ 1976 mới có Hội đồng Giáo xứ chung. Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ trong giai đoạn này lần lượt như sau :
-1976–1986 : Ông Phaolô Lê Văn Thiệt.
-1986–1989 : Ông Phaolô Ngô Tư.
-1989–1992 : Ông Micae Lê Nghinh.
-1992–1998 : Ông Phêrô Lê Văn Hoàng.
* Là 1 Linh mục trẻ, nhiệt tình, có tài tổ chức và quản lí nhưng ở vào một giai đoạn quá khó khăn cả về Đạo và Đời. Duy trì được số lượng giáo dân, thống nhất chỉ đạo các hoạt động của giáo xứ, xây dựng sự đoàn kết, hiệp nhất giữa 2 khu vực đã là đóng góp to lớn của Ngài vào quá trình xây dựng và phát triển giáo xứ.
6. Giai đoạn 11.12.1994 - 02.2003, Giáo xứ Phú Hậu. Linh mục Giuse Trần Thắng Trung quản xứ.
* Cha Giuse Trần Thắng Trung, Quản lí Tòa Tổng Giám Mục sau một thời gian chữa bệnh, thay vì nghỉ hưu Ngài được Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm làm quản xứ Phú Hậu từ ngày 11-12-1994.
* Ngài củng cố và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hội đoàn như Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca đoàn, Giới trẻ, Legio hoạt động.
* Để đổi mới hoạt động của giáo xứ, ngày 06-9-1998, Ngài cho giáo dân trực tiếp bầu chọn Hội Đồng Giáo Xứ mới, nhiệm kỳ 1998-2001. Ông Phao Lô Lê Văn Thiệt là Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ (lần 2).
* Nhiều cặp hôn phối, nhiều trẻ em quá tuổi đã được Ngài dạy dỗ để lãnh nhận các bí tích cần thiết, nhiều giáo dân xa rời, nguội lạnh với giáo xứ được Ngài gọi mời trở lại.
* Cha Giuse chăm lo : việc nuôi dưỡng Ơn gọi; giảng dạy giáo lý và văn hóa cho mọi thành phần trong giáo xứ; chăm sóc và giúp đỡ giáo dân già yếu, bệnh tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất.
- Các lớp Giáo lý Thanh niên, Dự bị Hôn nhân được tổ chức.
- 2 lớp học Tiếng Anh được mở dạy cho các Lễ sinh, Dự tu và con em trong giáo xứ và học sinh địa phương.
- Trợ giúp các gia đình giáo dân nghèo trong các dịp lễ, tết. Một số được trợ cấp thường xuyên.
* Về xây dựng cơ sở vật chất :
- Đầu năm 1995 san lấp mặt bằng, đổ bê-tông sân Thánh đường.
- Mùa hè năm 1995, nhờ sự giúp đỡ của các giáo dân, các Linh mục ở các giáo xứ thuộc các Giáo phận phía Nam, đặc biệt là của Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập, nguyên Tổng Đại Diện Giáo phận Huế, nhà Từ được xây dựng (nay đã dở bỏ).
- Năm 1997 nhà xứ được xây dựng mới.
- Nhờ sự tài trợ của Hội Misereoz ở Đức, mặt tiền và phần mái nhà thờ được khởi công tu sửa vào ngày 28-4-1998 và hoàn tất vào ngày 15-8-1998, Công trình mừng kính Mẹ La Vang 200 năm. Tượng Đức Mẹ La Vang đặt ở tiền đường nhà thờ lúc bấy giờ do Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể dâng cúng (nay đặt ở tháp phụ nhà thờ mới).
- Tháng 4 năm 1999 tường rào phía trước, cổng Thánh đường được xây dựng.
- Năm 2000 xây tháp chuông (Tháp chuông này đã được dở bỏ khi Thánh đường được xây dựng lại vào tháng 4-2007).
Thánh đường và khuôn viên đã có dáng vẽ tôn nghiêm, xinh đẹp xứng đáng là nơi thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa.
Chưa tròn 8 năm quản xứ, mặc dầu tuổi cao sức yếu, cha Giuse đã tạo được những thay đổi về chất và lượng các hoạt động của giáo xứ góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển giáo xứ.
7. Giai đoạn 03.2003 - 03.2005. Linh mục Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng quản xứ.
* Tháng 2-2003, cha Giuse nghỉ hưu,Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồngsau khi du học Pháp về được Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm làm quản xứ Phú Hậu.
* Ngài khiêm tốn tiếp tục những công việc mà cha xứ Giuse tiền nhiệm đã làm, xây dựng các nền nếp phụng vụ, duy trì hoạt động của các Hội Đoàn trong giáo xứ.
* Về xây dựng : Tu sửa lại cung thánh, và xây thêm nhà xứ vào tháng 5-2003.
* Hội Đồng Giáo Xứ được tái bổ nhiệm, do ông Phaolô Lê Văn Thiệt làm chủ tịch cho đến tháng 01-2005 ông Lê Văn Thiệt qua đời, ông Stêphanô Nguyễn Duy Lành Phó chủ tịch đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ đến ngày 25-5-2008.
* Giáo xứ lúc này gồm 145 hộ với 629 giáo dân, trong đó 342 nữ.
* Tháng 3-2005 Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng về Tòa Tổng Giám Mục Huế để chuẩn bị đảm nhận sứ vụ mới – Giám mục Phụ tá Đức Tổng Giám Mục Giáo phận Huế.
8. Giai đoạn 03.2005 - 27.7.2005. Linh mục Giuse Trần Viết Viên phụ trách.
9. Từ 27.7.2005. Linh mục Antôn Nguyễn Văn Tuyến quản xứ.
* Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể bổ nhiệm Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, Quán xứ Lại Ân, Đặc trách Sinh viên Công giáo Huế, làm quản xứ Phú Hậu. Ngày 27-7-2005, Cha Antôn chính thức nhận nhiệm xứ Phú Hậu.
* Giáo xứ có 169 hộ với 670 giáo dân, trong đó có 367 nữ, gồm 2 khu vực : .
- Khu Vực Gioan Baotixita có 3 xóm: Xóm Anna, Xóm Giuse, Xóm Tôma Thiện. Kính Bổn mạng ngày 24-6 hàng năm.
- Khu Vực Mẹ Thiên Chúa (Không còn gọi là Bãi Dâu) có 3 xóm : Xóm Mẹ Lên Trời, Xóm Mẹ Vô Nhiễm, Xóm Phaolô. Kính bổn mạng ngày 01-01 hàng năm.
* Ngài quan tâm đến việc đào tạo giáo dân, đặc biệt là giới trẻ - tương lai của Giáo hội, cả về Đức và Tài, tập hợp và tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần giáo dân có cơ hội đóng góp và phát huy mọi khả năng của họ vào việc xây dựng và phát triển Giáo xứ, hoạt động tông đồ.
- Các lớp học giáo lí cho con em trong giáo xứ do các giảng viên là những người có khả năng trong giáo xứ đảm nhận.
- Khuyến khích việc học tập văn hóa bằng việc tổ chức các lớp học văn hóa vào ban đêm, khen thưởng các em học sinh trong giáo xứ vào cuối năm học, trợ giúp học tập hàng năm.
- Giới Trẻ, Sinh viên trong giáo xứ được tổ chức lại để cùng tham gia sinh hoạt, học tập với Giới trẻ Giáo phận, Sinh viên Công giáo Huế.
- Nhóm "Xích lô Tông đồ" sáng Chúa nhật hàng tuần đưa đón các cụ già yếu, những người bệnh tật đến tham dự Thánh lễ chung với cộng đoàn.
- Nhóm các Mẹ chăm sóc các cụ neo đơn, bệnh tật.
* Hoạt động của các Hội Đoàn như Legio,Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca Đoàn, các giới Mẹ Gia Đình, Cha Gia Đình, các ban Chung Sự, Khuyến học, Ban Giảng Viên Giáo lý, Nhóm Tác Viên Tin Mừng được khuyến khích đi vào chiều sâu Tin Mừng.
* Tổ chức, hoạt động của Hội Đồng Giáo Xứ từng bước được cải tiến theo hướng năng động, sáng tạo hơn, phát huy vai trò cúa các thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ. Ngày 18-5-2008, toàn thể giáo dân trực tiếp bầu Hội đồng Giáo xứ mới nhiệm kỳ 2 năm.
Ban Thường Vụ Hội đồng Giáo xứ:
+ Chủ tịch : Ông Micae Trương Cao Quyền.
+ Phó Chủ Tịch kiêm Khu Vực Trưởng Khu Vực Gioan Baotixita : Ông Micae Lê Bé.
+ Phó Chủ Tịch kiêm Khu Vực Trưởng Khu Vực Mẹ Thiên Chúa : Ông Gioan Baotixita Tống Đình Phước.
+ Thư ký : Ông Tôma Hoàng Kim Khánh.
+ Thủ Quỹ : Bà Madalena Nguyễn Thị Bích Thủy
* Việc phụng vụ được củng cố và xây dựng một cách nề nếp, trang nghiêm.
* Cơ sở vật chất thiếu thốn, chật hẹp chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo dân, Cha Antôn cho cải tạo, tu sửa để có được 4 phòng làm nơi sinh hoạt, giảng dạy giáo lý và văn hóa. Mua sắm thêm các phương tiện như bàn ghế, cải tạo hệ thống điện, âm thanh, cửa sổ nhà thờ. Tháng 7- 2006, nhà xứ được cải tạo để có thêm 2 phòng làm nơi sinh hoạt của Hội Đồng Giáo Xứ. Tuy vậy, xét thêm về qui mô phát triển của giáo xứ trong vài năm sắp tới, cơ sở vật chất hiện có chắc chắn không đáp ứng được yêu cầu phụng vụ và sinh hoạt của giáo xứ.
Ngay từ đầu năm 2006, Cha Antôn với sự đồng ý của 2 Đức Giám Mục giáo phận, xúc tiến ngay việc tìm nguồn tài trợ để xây dựng lại nhà thờ và hội trường. Lễ Đặt đá Khởi công xây dựng nhà thờ do Đức Giám Mục Phụ tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng (nguyên là quản xứ Phú Hậu) chủ sự được tổ chức vào ngày 19-4-2007.
* Một vài số liệu về giáo xứ Phú Hậu hiện nay :
- Số học sinh trong năm học 2008-2009 : 190 trong đó Bậc Đại học 5, Bậc Cao đẳng, Trung cấp 8, Bậc Trung học Phổ Thông 15, Bậc Trung học Cơ sở 52, Bậc Tiểu học 74, Bậc Mẫu giáo 36.
- Các Nữ Tu bản xứ :
1. Nữ tu Maria Lê Thị Cẩm Vân, Dòng Phaolô, hiện đang tu học tại Pháp.
2. Nữ tu Maria Phạm Thị Ngọc Lành, Dòng Phaolô, hiện đang tu học tại Hoa Kỳ.
3. Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Hiển, Dòng Phaolô.
4. Maria Nguyễn Thị Danh, Đệ tử, Dòng Phaolô.
5. Nữ tu Annê Nguyễn Thị Kim Nhung, Dòng Mến Thánh Giá.
6. Nữ tu Maria Ngô Thị Lài, Dòng Mến Thánh Giá.
7. Nữ tu Maria Lê Thị Ngân, Dòng Mến Thánh Giá.
8. Annê Nguyễn Thị Hạ Huyền, Nhà tập, Dòng Mến Thánh Giá Huế.
9. Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Thủy, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.
10. Nữ tu Maria Trần Thị Mỹ Phương, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.
11. Maria Trần Thị Mỹ Liên, Nhà tập, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.
12. Maria Dương Thị Thanh Hương, Nhà thử, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng.
13. Anna Nguyễn Thị Bích Ngọc, Đệ tử, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế.
IV. Giáo xứ Phú Hậu với Thánh Isidoro Gagelin.
Trong Lược Sử Các Giáo Xứ, Tổng Giáo Phận Huế, tập I, 2001, trang 182, 183 ghi "Tại giáo xứ Phú Hậu, có vùng đất họp chợ gọi là Chợ Dinh, là một di tích Thánh tôn giáo đáng trân trọng và kính viếng.
Gọi là Chợ Dinh vì trước đây dưới triều Nguyễn, ở vùng đất cuối của Cồn Vua xưa hay Bãi Dâu nầy có dinh của các quan nên gọi là Chợ Dinh Ông. Chợ nầy hiện nằm ở vùng đất trước khi vào giáo xứ Phú Hậu….
Ngày 17-10-1883, thừa sai cha Isidoro Gagelin đã bị xử giảo (dùng dây thắt cổ đến chết, hai người cầm hai đầu dây lôi vòng qua cổ) tại một nơi không xa chợ Dinh, Bãi Dâu. Quan sát địa hình ta có thể nghĩ nơi Ngài được phúc tử đạo, có thể là ở trên hoặc dưới chợ Dinh, nay hiện là nơi đang có nhà dân đang ở chứ không thể xa hơn.
Mong ước của Ngài là thành tro bụi để kết hiệp cùng Chúa Giêsu. Thực tế, máu Ngài không được đổ ra để thấm vào đất Phú Hậu. Nhưng chân thánh của Ngài đã dẫm bụi đường Chợ Dinh, gối Ngài đã lấm láp cát Bãi Dâu khi quì cầu nguyện, và mặt Ngài khi nằm sấp mặt xuống đất, hai tay dang ra hình Thánh giá, đã áp má hôn đất Phú Hậu"


٭٭٭
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, với 10 linh mục quản xứ hoặc quản nhiệm, chúng ta dễ nhận ra rằng : Tốc độ và nhịp độ phát triển ở 34 năm đầu quả thật là chậm, điều này do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan Đạo và Đời. Nhưng những kinh nghiệm có được ở giai đoạn này là những bài học quí giá về xây dựng và phát triển giáo xứ cho mỗi chúng ta.
Đã qua giai đoạn thử thách, Chúa đã sắp đặt mọi sự cho cộng đoàn Phú Hậu trong 10 năm gần đây.


st