PDA

View Full Version : 40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 6 - 10



littlewave
13-02-2008, 07:13 AM
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 6

Chúng ta thật dễ chia trí biết chừng nào trong khi cầu nguyện. Bên ngoài, môi ta mấp máy nhưng lòng trí ta lang thang đó đây. Làm sao ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong Thánh Vịnh 19, vịnh gia thốt lên "Lạy Chúa, xin cho lời trên miệng tôi và suy niệm trong lòng tôi được chấp nhận nơi thiên nhan Chúa" (Thánh vịnh 19:14). Ông muốn cảm nhận nhiều hơn những lời phát ra trên môi miệng. Ông muốn thấm nhập vào thái độ bên trong tâm hồn và mong mỏi những ý nghĩ sâu thẳm trong lòng làm đẹp lòng Chúa.

Cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Ðấng yêu thương ta nhiều hơn bất cứ ai có thể yêu ta - ngay cả chính ta cũng không yêu ta bằng Ngài yêu ta. Thiên Chúa còn muốn nhiều hơn một cuộc đối thoại siêu nhiên với ta nữa. Ngài muốn chia sẻ những cảm nhận thâm sâu của Ngài với ta cũng như muốn ta chia sẻ những cảm nhận thẳm sâu trong lòng với Ngài. Ðây là cuộc đối thoại giữa tâm hồn và tâm hồn để Thiên Chúa chữa lành cho ta và để ta càng nên giống Ngài.

Thiên Chúa đánh giá cao sự thành thật. Chúng ta có thể mở lòng ra với Ngài trong lời cầu nguyện và nhớ rằng Ngài yêu thương ta vô điều kiện. Ngài biết những vui buồn trong ngày đời ta và những lầm lỗi của ta nhưng vẫn yêu thương ta. Ngài yêu ta đến nỗi ban tặng cho ta chính Người Con Duy Nhất của Ngài.

Hãy mở rộng lòng trí ta ra với Thiên Chúa trong Mùa Chay này. Tất cả điều Chúa muốn nơi ta là một quả tim khiêm nhường và thống hối, sẵn lòng hoán cải nhờ vào hồng ân của Ngài. Hãy để Ngài làm tinh tuyền tâm hồn ta.

"Lạy Chúa, Ngài là sức mạnh và ơn cứu độ của con. Xin tẩy sạch con để lời con cầu và tâm hồn con được Chúa chấp nhận. Chúa gọi con nên thánh thiện như Ngài. Xin kéo con đến bên Chúa và biến đổi con dưới ánh sáng của tôn nhan Ngài"
________________________________________

40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 7

Kinh Lạy Cha, đến từ chính Ðức Giêsu, không chỉ là một bản văn hướng dẫn cách thức chúng ta cầu nguyện nhưng đó còn chính là những lời mà chính Ðức Giêsu đã cầu nguyện. Và còn đáng ngạc nhiên hơn nữa khi Ðức Giêsu, đấng không biết đến tội, đã khiêm nhường trong lời cầu "Xin tha tội cho chúng con". Ngài còn đi xa hơn nữa khi thí mạng sống mình làm bảo chứng sự tha thứ mà Ngài đã cầu nguyện.

Nhưng kinh Lạy Cha còn nhiều hơn là lời hứa về lòng thương xót của Chúa. Ðức Giêsu đã chết không phải chỉ để chuộc tội ta mà còn để ban tặng ta một quả tim mới để khi ta trỗi dậy với Ngài, ta cũng có thể tha thứ như Ngài đã tha thứ. Lời hứa của Thánh Kinh là một khi ta để Ðức Giêsu sống trong ta bằng cách từ bỏ con người cũ của ta, ta cũng trở nên đầy lòng thương xót hơn.

Tha thứ cho những ai làm thương tổn ta không phải là một chuyện dễ dàng. Trong nhiều trường hợp, điều đó dường như không thể được. Chúng ta cần đến ơn Chúa để chiêm niệm về khả năng tha thứ và luôn nhớ rằng tha thứ là con đường Chúa đã vạch cho ta đi. Không phải là Thánh Kinh đã kêu gọi ta phải cầu nguyện và chúc lành cho kẻ bắt bớ ta đó sao (Ro 12:14)? Không phải Ðức Giêsu đã nhắc ta phải yêu thương kẻ thù đó sao (Mt 5:44)?

Tha thứ không có nghĩa là mất cảnh giác nhưng là từ bỏ sự lên án và dẫn đưa con người đến với lòng thương xót của Chúa. Trong khi đầy lòng thương xót, Ðức Giêsu không chút mơ hồ về tình trạng trong con tim nhân loại. Ðức Giêsu không ngạc nhiên bởi tội ta. Nhưng dù Ngài thấy lòng ta tối tăm đến cỡ nào, Ngài cũng không bỏ cuộc hay nghi ngờ khả năng chúng ta quay lại với Ngài. Ngài luôn thấy tiềm năng của những kẻ đã được Ngài tha thứ sẽ ăn năn và trỗi dậy trong vinh quang với Ngài. Chúng ta có nghĩ về mọi người quanh ta như thế không?

"Lạy Ðức Giêsu, Chúa đã chọn để ôm vào lòng những đau khổ và tội lỗi của chúng con, để chúng con có thể trỗi dậy với Ngài. Xin dạy con biết xót thương như Chúa đầy lòng thương xót"
________________________________________

40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 8

"Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna."(Lk 11:29). Dấu lạ ông Giôna là gì? Thưa, dấu lạ thực sự trong chuyện ông Giôna là cách thức Thiên Chúa đáp trả lại sự thống hối của dân thành Ninivê.

Ông Giôna đã bất tuân lệnh Thiên Chúa và cố chạy trốn Ngài. Trong bụng một con cá khổng lồ, khi biết tính mạng mình trong cơn hiểm nghèo, ông đã than khóc trong niềm thống hối và Thiên Chúa đã giải thoát ông. Cũng vậy, khi dân thành Ninivê ăn năn, họ cũng được thoát khỏi sự phán xét của Thiên Chúa. Dấu lạ thực sự ở đây là sự thống hối đã đem lại lòng thương xót. Lòng thương xót này là trung tâm điểm của mọi dấu lạ mà Ðức Giêsu đã thực hiện, trong mỗi việc chữa lành, giải thoát hay hóa bánh ra nhiều. Ðặc biệt nhất, lòng thương xót này là trung tâm của dấu lạ lớn nhất trên mọi dấu lạ - cái chết của Ðức Giêsu trên thánh giá.

Trong mọi thời đại, Thiên Chúa luôn muốn có một quan hệ với dân Ngài. Tình yêu của Ngài bền vững muôn đời. Những lời hứa công bố bởi các tiên tri trong cựu ước, nay được thực hiện qua sự thống hối và đức tin nơi Ðức Giêsu Kitô. Nhờ thánh giá, mỗi người trong chúng ta được giải thoát khỏi sự chết và được giao hòa với Thiên Chúa. Chúng ta được tự do để yêu mến Chúa và tha nhân. Chúng ta được tha thứ hoàn toàn và được tái sinh trong hình ảnh Ðức Giêsu. Lòng thương xót Chúa tuôn đổ trên chúng ta lớn lao biết ngần nào.

Bạn thấy gì nơi thánh giá? Bạn có thấy sự thánh thiện, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa? Bạn có thấy đấng đã yêu ta và muốn có một quan hệ cá nhân với ta? Hay bạn thấy nơi thập giá sự lên án và những tiêu chuẩn quá cao bạn dựa trên đó mà phán xét người ta? Trong sự khiêm nhường và với tâm tình thống hối và tin tưởng, hãy mở trái tim bạn ra hôm nay cho đấng mà tình yêu dành cho bạn không có giới hạn. Hãy chạy đến cùng Ngài và Ngài sẽ chỉ cho bạn lòng thương xót không trí óc nhân loại nào có thể tưởng tượng nổi.

"Lạy Chúa Giêsu, con khẩn cầu lòng thương xót Chúa. Sự nhân từ của Ngài vượt quá trí hiểu của con. Tình yêu Ngài vượt quá mong đợi của con. Xin cho con biết thống hối tội con và xin thương xót con".
________________________________________

40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 9

Hãy xin thì sẽ được (Mt 7:7). Thật là một lời hứa đầy khích lệ. Trong những lời rõ ràng, không chút mơ hồ, Ðức Giêsu nói với ta rằng Thiên Chúa sẽ cho ta những gì ta cầu xin Ngài nếu ta bền đỗ. Thiên Chúa rất quảng đại. Nhưng đồng thời Ngài muốn ta học cách xin, tìm kiếm và gõ cửa. Tại sao vậy? Có phải vì Ngài thích nhìn ta vất vả tìm kiếm ơn huệ của Ngài? Không phải như vậy. Ðức Giêsu biết rằng khi ta bền đỗ và tin cậy trong lời cầu xin, chúng ta có thể đập đổ những rào cản của sự cứng lòng, không cậy trông và hoài nghi.

Bạn có bền đỗ trong lời cầu xin cùng Chúa hay đôi khi bạn buông xuôi? Bạn có cảm thấy Thiên Chúa lạnh lùng, không trả lời những lời cầu xin của bạn? Ðiều này là bình thường. Tất cả chúng ta đôi khi thấy Chúa chậm đáp lại lời cầu của ta. Nhưng khi đáp trả của Chúa chậm đến, chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa nhìn thấy một chiều dài lịch sử đến muôn đời, còn ta chỉ thấy hiện tại và trước mắt.

Mọi bậc làm cha mẹ biết rõ những gì con cái thật sự cần, trước mắt và lâu dài; lợi hại của những thứ mà con cái họ cầu xin; cũng như những thách đố con cái họ sẽ phải đối diện. Cũng vậy, Cha trên trời không có ý "làm hư hỏng" ta bằng cách ban cho ta quá nhiều, quá nhanh hay bằng cách cho ta những gì hại cho ta về lâu dài.

Chúng ta hãy tin cậy ở lời Ðức Giêsu. Nếu chúng ta bền đỗ, Thiên Chúa sẽ đáp lại mỗi lời cầu xin của chúng ta. Ðáp trả của Ngài đôi khi tế nhị và không tỏ tường tức khắc. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng khi chúng ta dâng nhu cầu và ước muốn lên cùng Chúa, Ngài sẽ đáp lại như một người Cha từ ái. Ngài không gởi cho ta bất cứ thứ gì ta xin, như một giải quyết chớp nhoáng cho điều mà ta cảm nhận như một nhu cầu tức khắc. Tuy nhiên điều này là chắc chắn: dù cách thức Ngài đáp trả lời cầu xin của ta như thế nào, ơn phúc Ngài ban luôn lớn lao hơn điều ta trông đợi.

"Lạy Cha, xin luôn đổ trên con ơn phúc dồi dào của Ngài. Xin cho Nước Cha là điều mà con mong mỏi nhất trong lời cầu xin chứ không phải những gì dẫn đưa con lạc lối về".
________________________________________

40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 10

"Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước công nghị. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt." (Mt 5:22). Ðức Giêsu đã làm sững sờ những người đang lắng nghe Ngài bằng những lời kết án rất nghiêm khắc sự giận hờn, mắng chửi mà nhiều người trong chúng ta dễ cho rằng đó chỉ là những chuyện "người ta thường tình". Chúa đã không nghĩ như vậy. Ðối với Ngài, vấn đề không dừng ở chỗ chúng ta làm gì, nhưng còn là chúng ta nghĩ gì trong quan hệ với anh chị em mình. Tại sao Ngài nhấn mạnh đến các mối quan hệ? Thưa, vì chúng ta đều là con cái của cùng một Cha trên trời. Chúng ta gần gũi và ràng buộc với nhau đến nỗi bất cứ đổ vỡ nào trong sự hiệp nhất đều đe dọa toàn thân thể của Ðức Kitô.

Như những người Kitô hữu, chúng ta đối diện với thách đố phải giữ gìn và xây đắp sự hiệp nhất trong Chúa Kitô. Thách đố này nới rộng đến mọi giao tiếp chúng ta có với anh chị em mình. Chẳng hạn, chúng ta đối với người thân trong gia đình thế nào, đối với hàng xóm láng giềng ra sao? Chúng ta có tử tế với họ không? Chúng ta có đối xử công bằng không? Chúng ta có chăm sóc cho những người đang túng thiếu, đặc biệt những người nghèo khó, những người đang gặp hoạn nạn và những người cô đơn không?

Chúng ta được kết hiệp gần gũi với anh chị em trong thân thể Chúa Kitô đến nỗi bất cứ tội nào ta phạm cũng có những hậu quả không phải cho ta thôi mà còn cho những người khác nữa. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta tạo ra một đám mây đen trên quan hệ chúng ta với phần còn lại của thân thể Chúa Kitô, và đó chính là điều mà Satan muốn.

Thường thì tự ái, lòng kiêu hãnh và thói bướng bỉnh làm ta mất sáng suốt không nhìn rõ vai trò và trách nhiệm của ta trong việc làm gẫy đổ một mối quan hệ. Chúng ta cần học cách trông cậy nơi Chúa để giúp ta nhìn rõ tình hình với một nhãn quan mới. Xin Ngài chỉ cho thấy điều chúng ta có thể làm được để hòa giải với anh chị em. Xin Ngài giúp ta đừng đắm chìm trong cảm giác cay đắng và giận hờn. Xin Ngài giúp ta tha thứ từ tận đáy lòng mình để đến lượt ta, ta cũng được thứ tha.

"Lạy Chúa Thánh Linh, xin linh hứng trong con lòng ao ước được kết hiệp gần gũi với anh chị em con. Xin hiệp nhất tất cả những người Kitô hữu trong một gia đình và tạo ra những ràng buộc yêu thương không bao giờ gẫy đổ".