PDA

View Full Version : NHỮNG NỖI KHỔ ĐAU CHÚA GIÊSU PHẢI CHỊU TRÊN THẬP GIÁ.



littlewave
28-11-2009, 08:07 AM
NHỮNG NỖI KHỔ ĐAU CHÚA GIÊSU PHẢI CHỊU TRÊN THẬP GIÁ.

Khi Chúa Giêsu đến đồi Golgotha, kinh thánh chép rằng “chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không uống…”(Mt. 27:34) Theo luật Do thái, một người sắp bị hành quyết thì có thể yêu cầu dùng thuốc mê pha rượu để giúp họ giảm bớt cơn đau khi chịu tử hình. Từ ngữ ‘mật đắng’ (gall) trong câu trên đây ám chỉ thứ thuốc giảm đau đặc biệt này.

Ở Giêrusalem có một nhóm phụ nữ thiện tâm sẵn lòng giúp gây mê cho những người sắp chịu những cái chết kinh hoàng. Những phụ nữ này muốn giúp giảm bớt đau đớn càng nhiều càng tốt cho hàng chục người thường bị quân La mã đóng đanh. Vì vậy họ chế ra thứ thuốc giảm đau gia truyền mà thánh Mathêu nói trong chương 27 câu 34 này.

Chúa Giêsu được đưa cho uống thuốc giảm đau này 2 lần, một lần trước khi bị đóng đanh và lần thứ hai khi Người đang hấp hối trên thập giá. (xem Mt. 27: 34, 48) Trong cả hai lần Chúa Giêsu đều từ chối không uống, bởi vì Người biết mình sẽ phải uống cạn chén đắng mà Chúa Cha đã trao cho Người.

Câu 35 viết: “Và chúng đóng đanh Người…” Từ ngữ ‘đóng đanh’ dịch từ tiếng Hylạp stauraonguyên gốc là stauros, mô tả một cái cột thẳng đứng, nhọn dùng để xử phạt tội nhân. Từ ngữ này dùng để chỉ những người bị treo lên, bị xuyên thủng, hoặc bị chặt đầu và đem bêu ra trước công chúng. Việc xử treo một nạn nhân trước công chúng còn nhằm mục đích hạ nhục thêm người bị buộc tội một bậc nữa.

Xử phạt đóng đanh là một án lệnh tàn bạo và dã man nhất thời xưa không thể chối cãi. Sử gia Do thái Flavius Josephus mô tả khổ hình đóng đanh là một ‘cái chết khốn khổ nhất thế gian’. Cái chết này bị coi là khủng khiếp đến nỗi văn hào Seneca (cổ La mã) viết rằng thà tự sát còn hơn là bị đóng đanh.

Có nhiều loại đóng đanh thập giá khác nhau tùy theo xứ sở. Tỉ như tại phương Đông, tội phạm bị chặt đầu rồi treo lên trước công chúng. Đối với dân Do thái thì nạn nhân bị ném đá cho chết rồi đem treo trên cây. Sách Đệ nhị luật, chương 21 câu 22-23 viết: “Khi một người có tội đáng phải chết đã bị xử tử, và ngươi đã treo nó lên cây rồi, thì xác nó không được để qua đêm trên cây, nhưng ngươi phải chôn ngay hôm ấy, (vì người bị treo đã bị Thiên Chúa nguyền rủa)…”

Nhưng thời Chúa Giêsu thì việc xử phạt đóng đanh hoàn toàn nằm trong tay nhà cầm quyền La mã. Hình phạt này dành cho những tội phạm nghiêm trọng nhất, thường là những người mắc tội mưu phản hoặc tham gia / hoặc bảo trợ các hành vi khủng bố trên cấp quốc gia.

Vì dân Do thái căm thù quân lính La mã chiếm đóng nước họ nên dân chúng thường tạo ra những cuộc phản loạn. Để răn đe dân chúng hầu chấm dứt những cuộc phản loạn này, nên khổ hình thập giá được áp dụng thường xuyên tại Giêrusalem. Bằng cách đóng đanh công khai những người mưu toan lật đổ chính quyền, người La mã muốn gây một không khí cực kỳ sợ hãi để răn đe những ai lăm le muốn bước vào con đường đó.

Một khi tội phạm đã đến nơi để bị đóng đanh thì người đó bị đè nằm ngửa trên đà ngang mà họ vác theo và hai tay bị căng ra. Rồi một tên lính đóng một cái đinh dài 5 in. (12.5 centimét) vào hai cổ tay - chứ không phải bàn tay – vào cái đà ngang này. Sau khi nạn nhân bị đóng đanh vào đà ngang, thì lý hình dùng giây thừng để kéo lên và cái đà ngang được thả vào một cái khe đã đục sẵn trên đầu của cây đà dọc đã trồng tại hiện trường từ trước.

Khi đà ngang rơi vào đường rãnh (trên đà dọc) thì đau đớn mà nạn nhân cảm nhận khủng khiếp không tả xiết, thình lình cổ tay bị giật mạnh ra, và cả sức nặng của thân mình kéo dài hai cánh tay trật ra khỏi các khớp xương. Sử gia Josephus viết rằng quân lính La mã “nổi khùng lên và căm thù đùa giởn với tù nhân của chúng bằng cách đóng đanh họ theo nhiều tư thế khác nhau.” Khổ hình đóng đanh quả thật là một cực hình dã man tàn ác.

Một khi cổ tay đã đóng chặt vào đà ngang của thập giá rồi thì đến lượt đôi chân. Trước hết, đôi chân bị kéo chĩa xuống mặt đất, gót chân bị đè sát vào cột trên đó nạn nhân bị treo lơ lửng. Lý hình dùng một cái đinh dài đóng chặt vào các xương nơi hai bàn chân để ngừa trường hợp bàn chân bị rách ra khi thân mình nạn nhân tựa vào đó ưỡn cong lên để cố hít thở.

Muốn thở, nạn nhân phải tựa vào đôi bàn chân đã bị đóng cứng vào cây cột đứng. Tuy nhiên vì sức ép trên đôi bàn chân trở nên hết chịu nổi thì nạn nhân không thể giữ nguyên tư thế đó và bắt buộc họ phải tự xẹp xuống tư thế bị treo.

Vì nạn nhân phải ưỡn mình lên và xẹp xuống liên hồi trong một thời gian dài thì cuối cùng đôi vai cũng bị trật khớp xương. Sau đó là khuỷu tay và cổ tay cũng trật khớp. Thành thử cánh tay dài thêm ra tới 9 in. (22.5 cm) khiến các bắp thịt nạn nhân bị chuột rút (vọp bẻ) khủng khiếp làm cho họ không thể tựa vào cây đinh đóng nơi bàn chân để rướn mình lên được nữa và quá trình ngộp thở bắt đầu.
Chúa Giêsu phải trải qua tất cả những cực hình này. Khi tất cả sức nặng của thân hình Chúa đeo trên hai cái đinh đóng xuyên qua hai cổ tay rớt xuống, thì các tín hiệu đau đớn kinh hoàng trên đôi cánh tay này truyền thẳng vào não bộ của Người. Thêm vào nỗi thống khổ này Chúa còn bị hành hạ vì những vết thương trên lưng và vai mà Người đã phải chịu trong trận đòn trước đó cọ sát liên hồi với cây gỗ mỗi lần Người rướn mình lên để hít thở rồi lại xẹp xuống tư thế bị treo trên cây.

Vì bị mất máu quá nhiều và nhịp thở hổn hển (nguyên bản tiếng Anh là hyperventilation = nhịp thở hổn hển nếu kéo dài trong một thời gian sẽ gây ra chứng xây xẩm mặt mày, các ngón tay ngón chân cảm giác ngứa ngáy như kiến bò và bị tức ngực khủng khiếp) nên cơ thể nạn nhân bị mất nước. Chúng ta có thể thấy điều này khi Chúa kêu lớn “… Ta khát” (Gioan 19: 28) Sau mấy tiếng đồng hồ trong cơn cực hình này tim của nạn nhân bắt đầu suy sụp. Tiếp theo hai lá phổi xẹp xuống và nước bắt đầu tràn đầy vào lớp màng bọc trái tim và phổi làm tăng thêm quá trình bị ngẹt thở.

Khi tên lính La mã đến để kiểm soát xem Chúa Giêsu còn sống hay đã chết thì y đâm lưỡi lao vào cạnh sườn Người. Một nhà chuyên môn đã ghi nhận rằng nếu Chúa Giêsu còn sống khi tên lính La mã đâm như vậy thì y sẽ nghe một tiếng rít mạnh mà động tác hít thở gây ra khi không khí lọt qua khe hở của vết thương vừa mới mở ra trên ngực Chúa. Nhưng kinh thánh nói rằng máu pha nước tuôn ra từ vết thương cạnh sườn do lưỡi lao đâm thâu - bằng chứng hiển nhiên là tim và phổi Chúa Giêsu đã xẹp xuống và chứa đầy chất lỏng. Như vậy đủ cho tên lính La mã nắm chắc rằng Chúa Giêsu đã chết rồi.

Thông thường thì lính La mã đập dập xương ống chân của một người bị đóng đanh cho nạn nhân không thể rướn mình lên để thở được nữa khiến quá trình nghẹt thở nhanh hơn. Tuy nhiên vì nước và máu từ cạnh sườn Chúa Giêsu vọt ra nên Người coi như là đã chết rồi. Vì không có lý do gì để gây cho Chúa chóng chết nên chân Người không bị đập dập.

Bạn ơi, đây bạn chỉ mới nếm thử một chút “mùi vị” đóng đanh theo kiểu La mã đó thôi.
Đoạn nói về đóng đanh trên đây mô tả rất chính xác cực hình mà Chúa Giêsu đã trải qua trên Thánh Giá khi Ngài chịu chết cho bạn và cho tôi. Chính vì vậy mà thánh Phaolô nói: “trong tư cách một con người, Chúa lại cònhạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Philipphê 2: 8)

Theo bản văn bằng tiếng Hylạp, từ ngữ nhấn mạnh ở đây là chữ (de) “còn” giúp ta hiểu hết ý nghĩa thâm sâu của việc Chúa Giêsu tự hạ mình xuống đến độ chịu chết ngay cả (Anh ngữ là even) trên cây Thập Giá - một cách chết thấp hèn nhất, nhục nhã nhất, đê tiện nhất, xấu hổ nhất trong thế giới cổ xưa.

Giờ đây bạn hiểu tại sao các phụ nữ tốt bụng thành Giêrusalem đã bào chế ra thứ thuốc giảm đau gia truyền này cho những người sắp bị đóng đanh? Đó là lý do khiến các phụ nữ thành Giêrusalem mời Chúa Giêsu uống “mật đắng này” một lần trước khi Chúa bị đóng đanh và lần thứ hai khi Người đang bị treo trên Thập Giá!

Trong khi đó thì quân lính ở gần chân Thập Giá “… đem áo Người ra bốc thăm mà chia nhau …” (Mt. 27: 35) Chúng không hiểu cái giá (của món nợ) cứu chuộc vĩ đại mà Chúa Giêsu đang trả (cả cho chúng nữa) trong khi Người bị treo và đang nghẹt thở, phổi ứ đầy nước khiến Người không thể thở được.

Theo tục lệ La mã thì những người lính thi hành án lệnh đóng đanh có quyền chia nhau áo xống của nạn nhân. Luật Do thái đòi hỏi lột trần người bị đóng đanh, thành thử Chúa Giêsu bị treo trên đó, hoàn toàn trần trụi trước mắt thiên hạ không một manh vải che thân trong khi những tên đóng đanh Người đem áo xống của Người ra chia nhau!

Sự chia chác này còn nhục nhã hơn nữa vì sự kiện bọn lý hình “bốc thăm” quần áo của Người. Phúc Âm theo thánh Gioan viết: “Đóng đanh Đức Giê-su vào thập giá xong, bọn lính lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo choàng ngoài nữa. Nhưng chiếc áo choàng này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Nên họ nói với nhau: "Đừng xé áo ra, cứ để vậy mà bốc thăm xem ai được.” (Gioan 19: 23,24).

Bản tường thuật này cho ta biết bốn tên lính có mặt tại hiện trường nơi Chúa Giêsu bị đóng đanh. Bốn phần áo chia nhau này là khăn đội đầu, đôi dép, thắt lưng và tallith (cái khăn hình chữ nhật có thắt tua ở bốn góc theo nghi lễ mà người đàn ông Do thái choàng lên đầu khi đọc kinh) – cái áo choàng khoác bên ngoài có thắt tua ở dưới gấu. “Áo choàng ngoài” của Người không có đường nối là một cái áo được làm đặc biệt khâu liền từ trên xuống dưới. Vì áo này được dệt đặc biệt nên là một thứ y phục rất đắt tiền. Đó là lý do tại sao quân lính chọn cách bốc thăm thay vì cắt ra làm bốn mảnh để khỏi hỏng cái áo.

Khi Kinh Thánh nêu vấn đề “bốc thăm” ra là để mô tả một trò đánh bạc trong đó mỗi người lính viết tên mình vào một mảnh giấy, hoặc mảnh gỗ, và bỏ cả bốn miếng đó vào một cái hộp. Vì mấy người lính La mã tham dự vào việc đóng đanh lúc đó đang ở ngoài doanh trại nên có thể một người trong bọn lấy cái nón sắt của y và bỏ tên của cả bốn người vào đó, lắc mạnh rồi bốc lên một tên, trúng ai thì người đó được giải.

Điều đáng lưu ý là trong khi Chúa Giêsu đang cố gắng hết sức mình tựa đôi chân bị cây đinh đóng dính chặt vào Thập Giá để hít lấy chút không khí trước khi xẹp xuống tư thế bị treo lơ lửng thì trò chơi này tiếp diễn như không có gì xảy ra. Trong khi sức mạnh của Chúa Giêsu tàn dần và tất cả hậu quả tội lỗi của loài người đang được thực hiện nơi thân xác Người thì ngay dưới chân Thập Giá quân lính bày trò bốc thăm để xem ai trúng giải bộ áo qúy giá nhất của Người!

Matthêu chương 27 câu 36 viết, “Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.” Từ “canh giữ” tiểng Hy lạp làtereonghĩa là canh chừng cẩn thận, đề cao cảnh giác trong việc canh gác. Trách nhiệm của bọn lính này là giữ trật tự, canh gác hiện trường để đoan chắc không ai dám bén mảng đến để giải thoát Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá. Cho nên khi quân lính chơi trò bốc thăm thì chúng cũng liếc mắt canh chừng để đoan chắc là không có ai động đến Người trong khi Chúa đang hấp hối trên Thập Giá.

Khi đọc bài tường thuật Chúa bị đóng đanh, tôi (tức Renner) cảm thấy phải sám hối hết lòng hết sức vì sự vô tình mà thế gian hiện nay nhìn lên Thánh Giá. Trong xã hội chúng ta thập giá đã trở thành một món thời trang tô điểm với đá qúy, hột xoàn thiệt hoặc giả, vàng, bạc. Những nữ trang đẹp đẽ hình thập giá tô điểm lỗ tai phụ nữ hoặc đong đua dưới những sợi giây chuyền vàng hoặc chuỗi ngọc trai. Biểu tượng Thánh Giá cũng được đem xâm trên da thịt con người nữa!

Lý do khiến tôi đau lòng là vì họ tô điểm Thánh Giá cho dễ nhìn trong khi thiên hạ quên rằng cây khổ hình này không có gì là hấp dẫn hoặc được trang hoàng lãng phí cả. Thật ra khi nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu là nhìn cảnh tượng vô cùng xúc động và kinh hoàng.
Chúa bị lột trần trụi hoàn toàn không một mảnh vải che thân, đem phơi bày nhục nhã trước con mắt nhạo báng của cả thế gian. Da thịt Người bị xé ra từng mảng; toàn thân tím bầm từ đầu đến chân, Người phải rướn mình lên để cố hớp lấy một chút khí trời để thở, và toàn thể thần kinh hệ chuyển liên hồi những tín hiệu đau đớn không chịu nổi lên não bộ Người. Máu bê bết lem đầy mặt Chúa, máu nhiểu xuống ròng ròng từ đôi tay, đôi chân và bao nhiêu vết roi trong trận đòn thù loang lổ khắp thân mình Người. Thật ra khi nhìn Thánh Giá Đức Giêsu Kitô là nhìn một cảnh tượng kinh hoàng, khủng khiếp, buồn nôn, lợm giọng – hoàn toàn khác với những thập giá hấp dẫn mà con người ngày nay dùng làm trang sức và coi như là một thành phần y phục của họ.

Dù là trong mùa Phục Sinh hoặc bất cứ mùa nào khác trong năm phụng vụ có lẽ tất cả chúng ta là tín hữu Chúa nên dành chút thì giờ để nhớ lại xem Thánh Giá Đức Giêsu Kitô thực sự là thế nào. Nếu chúng ta không muốn chú tâm suy gẫm về giai đoạn Chúa đã trải qua thì sẽ không bao giờ chúng ta hiểu nổi tất cả cái giá của món nợ mà Người đã trả thay cho chúng ta. Nếu chúng ta không nhìn thấy những đau đớn và cái giá cứu chuộc thì quả là một bất hạnh khôn tả xiết!

Nếu ta không nhớ được cái giá mà Chúa Giêsu phải trả để cứu vớt chúng ta thì chúng ta sẽ coi thường ơn cứu độ và coi như là một chuyện không đáng bận tâm! Chính vì thế mà thánh Phêrô Tông Đồ đã viết: “Anh em nên biết rằng không phải nhờ của cải chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, không tỳ ố là Đức Ki-tô”. (1 Phêrô 1:18,19).

Những phụ nữ tốt bụng thành Giêrusalem muốn gây mê cho Chúa Giêsu khỏi phải chịu đau đớn nhưng Chúa đã từ chối và nhận chịu khổ hình Thập Giá với tất cả giác quan hoàn toàn nguyên vẹn tỉnh táo của Người.

Bạn ơi, đừng để cho thế gian gây mê chúng ta khiến chúng ta coi thường, lãng quên, hoặc coi nhẹ cái giá vĩ đại của món nợ mà Đấng Cứu Chuộc đã phải trả cho mỗi người trong chúng ta trên cây Thánh Giá tại đồi Canvariô.

Chúng ta suy nghĩ thử coi

Thập giá là một hình thức trừng phạt dã man nhất trong lịch sử loài người. Khi tô điểm thập giá là chúng ta có khuynh hướng giảm nhẹ cảnh tượng kinh hoàng, khủng khiếp của tất cả biểu tượng này.

Bạn ơi, hãy chịu khó dành chút thì giờ mà suy gẫm về cái chết dã man muôn hình vạn trạng mà Chúa Giêsu đã tình nguyện nhận chịu thay cho bạn. Hãy nghĩ đến cơn đau không chịu nổi và cái giá có tính toàn diện và triệt để của món nợ mà Chúa phải trả cho bạn được cứu rỗi. Chúa Giêsu đã trao ban cho bạn hết. Có thể nào bạn đáp lễ lại Người ít hơn thế chăng?

Cảnh tượng rùng rợn và tính nhục nhã của cái chết trên Thập Giá chúng ta không tài nào hiểu thấu được đâu. Vậy mà Chúa Giêsu đã từ chối thuốc gây tê hoặc giảm đau trong cơn hấp hối. Người đã uống cạn chén đắng mà lúc đầu Người đã xin Chúa Cha cất đi trong vườn Giêtsêmani.

Bạn hãy suy gẫm về cái chết ghê rợn và thái độ lạnh lùng nhẫn tâm của bọn lính đang bốc thăm để xem ai lấy được quần áo của Người trong khi Chúa chịu chết trần truồng trên Thập Giá trước mặt thiên hạ. Trước khi tắt thở Người đã tha thứ. Người đã tha cho những kẻ tham dự vào cái chết của Người; Người đã tha tội cho bạn, và đó là lý do khiến Người phải chết. Nếu Chúa Giêsu đã nhận chịu cường độ đau đớn như vậy vì tội của bạn chống lại Thiên Chúa Cha và rồi tha thứ luôn cho bạn, thử hỏi bạn sẽ tự bào chữa như thế nào để không chịu tha thứ cho những người đã xúc phạm đến bạn?

Thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ, chương 3 câu 16 viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, thì … cả chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em nữa.” Có cách nào để chúng ta thí mạng sống mình cho người khác được chăng?

Chúa Giêsu đã trả giá cho bạn được cứu độ, cho bạn được giải thoát, cho bạn được khỏi bệnh, cho bạn được hoàn toàn bình phục. Khi đã trả sạch món nợ dùm cho bạn rồi, một món nợ mà bạn không bao giờ trả nổi thì Chúa Giêsu gục đầu xuống mà qua đời. Công lý của Chúa Cha đã hoàn thành. Giao Ước Cũ đã chấm dứt, Giao Ước Mới bắt đầu. Đây cũng là hoàn thành một giao ước và khởi đầu một giao ước.

Hãy nghĩ để cái giá mà Chúa Giêsu đã phải trả và về điều mà cái chết của Người đã hoàn tất cho bạn. Liệu bạn không muốn dành vài phút để cám ơn Người vì những gì Người đã làm cho bạn sao? Nếu Chúa Giêsu đã không chịu chết thay cho bạn trên Thập Giá thì giờ đây bạn và tôi ở đâu? Tại sao bạn không để vài phút ngay bây giờ - và mỗi ngày từ rày về sau - để tạ ơn Chúa Giêsu vì Người đã trả dùm bạn món nợ mà bạn sẽ không bao giờ trả nổi!
(Trích tác phẩm Paid in full (Xóa Hết Nợ) của Rick Renner, Nhà Xuất Bản ‘Teach All Nations Publishers’)
Louis Lê Xuân Mai phỏng dịch

Ben
01-12-2009, 11:57 AM
Tình yêu Chúa thật bao la. Tạ ơn Người đã chịu chết để cứu rỗi con.