PDA

View Full Version : Niên biểu giáo hội



Gia Nhân
29-11-2009, 12:51 PM
Niên biểu giáo hội

St Internet


THẾ KỶ I Khoảng (K) năm 30. Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ và môn đệ Đức Giêsu. Thánh Phêrô rao giảng ở Jerusalem. Khoảng 3.000 người trở lại xin rửa tội và họp thành cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên.
36-37 (?). Thánh Stephanus, phó tế, bị ném đá chết tại Jerusalem. Ngài là vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Một phần cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi phải phân tán đi khắp nơi. Sau đó ít lâu, Thánh Phaolô trở lại. Ngài trước tên là Saul, từng bách hại Giáo Hội; sau khi trở lại, ngài nhập đoàn các tông đồ thực hiện 3 cuộc truyền giáo lớn khắp vùng Tiểu Á và được mệnh danh là Tông đồ Dân ngoại.
39. Cornelius và gia đình được Thánh Phêrô rửa tội. Biến cố này nói lên sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội cho mọi dân tộc.
42. Vua Herod Agrippa bách hại Kitô hữu tại Palestine. Thánh Giacôbê Tiền là vị tông đồ đầu tiên tử đạo năm 44; Thánh Phêrô bị tống ngục; nhiều tín hữu trốn đến Antioch xứ Syria. Chính nơi đây, những người tin theo Đức Kitô được gọi là Kitô hữu.
45-49. Hành trình truyền giáo đầu tiên của Thánh Phaolô đến Antioch, Cyprus, Antioch xứ Pisidia, Listra…
48-49. Công đồng Chung đầu tiên ở Jerusalem không đòi buộc lương dân trở lại phải giữ luật Môsê.
49. Hoàng đế Claudius buộc người Do Thái phải rời khỏi Roma, vì người Do Thái và Kitô hữu tranh chấp với nhau về Đức Kitô (sử gia Sueton).
K.50. Tin Mừng truyền miệng đầu tiên được biên soạn thành văn bản, đó là bản Tin Mừng theo Thánh Matthêu bằng tiếng Aram, nhưng sau đó bị thất lạc.
50-52. Hành trình truyền giáo lần thứ 2 của Thánh Phaolô đi Listra, Phrygia, Galatia, Philippi ở Macedonia, Athens, Corinth.
51. Thánh Phaolô viết các thư gửi tín hữu Thessalonica.
53-58. Hành trình truyền giáo thứ 3 của Thánh Phaolô: Ephesus, Corinth, Galatia, Phrygia, Macedonia, Philippi, Jerusalem; trong thời kỳ này, Thánh Phaolô viết rất nhiều thư gửi các cộng đoàn.
58-63. Thánh Phaolô bị bắt ở Caesarea, rồi được giải sang Roma; ngài bị giam giữ ở Roma từ năm 61-63, sau đó được thả.
64. Hoàng đế Nero đốt thành Roma và đổ tội cho người Kitô hữu, dẫn đến cuộc bách hại dã man. Thánh Phêrô tử đạo trong dịp này.
65. Bản Tin Mừng theo Thánh Marcô được biên soạn.
65-67. Thánh Phaolô đi giảng ở Ephesus, Macedonia; sau đó, bị bắt tại Roma và bị chém đầu.
70. Titus chiếm đóng thành Jerusalem, sau đó đốt đền thờ.
K.80. Bản Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Luca và Công Vụ Tông Đồ được biên soạn.
88-97. Triều đại Giáo hoàng Clemens I, ngài là giám mục Roma và đã gửi thư cho tín hữu Corinth.
K.95. Sách Khải Huyền, Tin Mừng theo Thánh Gioan và các thư của ngài được biên soạn. Hoàng đế Domitianus cấm đạo gắt gao ở Roma.
K.100. Thánh Gioan Tông đồ chết ở Ephesus, chấm dứt thời Tông đồ và thế hệ đầu tiên của Kitô giáo.
THẾ KỶ II
107. Thánh Ignatius thành Antioch tử đạo tại Roma. Ngài là văn sĩ đầu tiên dùng từ “Giáo hội Công giáo”.
111. Cấm đạo và bắt bớ tín hữu ở Bithinia. Thư của Pliny gửi hoàng đế Trajanus (98-117).
112. Hoàng đế Trajanus ra lệnh cho Plinius, thống đốc xứ Bithinia, đừng trục xuất Kitô hữu mà chỉ nên phạt nếu họ không chịu tế thần.
117-138. Cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Hadrianus.
K.125. Thuyết Ngộ Đạo lan rộng. Thuyết này có từ thời các tông đồ, phủ nhận cuộc tạo dựng là công trình của Thiên Chúa, từ chối Cựu Ước, thần tính của Đức Kitô và cả sự hoàn tất cánh chung.
144. Marcion bị dứt phép thông công, vì chủ trương một thuyết Nhị Nguyên tương tự như thuyết Ngộ Đạo, có sự đối nghịch hoàn toàn giữa Cựu Ước và Tân Ước.
155. Thánh Policarpus đến Roma. Ngài là giám mục thành Smyrna, là môn đệ Thánh Gioan; sau đó, tử đạo dưới triều Marcus Aurelius (161-180).
161-180. Cơn bách hại rất nặng nề dưới triều hoàng đế Marcus Aurelius.
K.165. Thánh Justinus tử đạo; ngài là triết gia gốc Palestine đến định cư ở Roma, thúc đẩy Kitô giáo và văn minh Hy Lạp xích lại gần nhau.
170. Phong trào cực đoan do Montan khởi xướng từ miền Phrygia, Mysia và Tiểu Á. Từ việc nói tiên tri và sống khổ hạnh cho đến tham vọng thể hiện một Giáo hội duy nhất của Thần Khí, rồi tự do giải thích Thánh Kinh, Montan còn cho mình là đấng bảo trợ đến bổ túc cho sự mạc khải của Đức Kitô. Phong trào lôi cuốn cả Tertulianus, nhưng bị Thánh Giáo hoàng Zephirinus (199-217) lên án.
177. Thánh Ireneus, giám mục thành Lyon, là một nhà thần học danh tiếng về việc Phúc Âm hoá và chống lạc giáo. Ngài mất năm 202.
196. Sách Didache là sách dạy giáo lý cho người dự tòng được biên soạn. Tiếng La Tinh được dùng trong phụng vụ ở phương Tây. Phương Đông vẫn dùng tiếng Aram hoặc Hy Lạp.
THẾ KỶ III
202. Hoàng đế Septimius Severus muốn lập một tôn giáo chung trên toàn đế quốc Roma, nên bách hại đạo rất dã man.
206. Tertullianus (K.160-230), là văn sĩ La Tinh đầu tiên trở lại đạo năm 197. Ông viết nhiều sách thần học về khoa hộ giáo, chống lạc giáo; về luân lý, ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành ngôn ngữ thần học La Tinh.
215. Văn hào Clemens thành Alexandria qua đời. Ông là thầy của Origenes, đã trở lại Kitô giáo, viết nhiều sách cho thấy Chúa dùng triết học Hy Lạp để dọn đường cho Kitô giáo; ông sáng lập trường phái Alexandria.
220. Triều đại nhà Hán ở Trung Quốc chấm dứt. Trung Quốc bị chia thành nhiều nước nhỏ, chiến tranh liên miên đến năm 590 mới thống nhất.
232-253. Origenes (K.185-254) sinh ở Ai Cập, chuyên nghiên cứu khoa Thánh Kinh và huấn giáo, hoạt động ở Alexandria, rồi sang Caesarea miền Palestine. Công trình nghiên cứu của ông có ảnh hưởng sâu rộng trên các giáo phụ Đông và Tây Phương.
235. Thánh Hippolytus tử đạo. Ngài là vị linh mục thông thái ở Roma, xung đột với Giáo hoàng Zephirinus và Callixtus, đã có nhiều công trình nghiên cứu giá trị về thần học, chú giải Thánh Kinh và đời sống Kitô giáo ở Roma.
240-277. Lạc giáo Manicheus xuất hiện và bắt đầu lan tràn. Manicheus (K.216-277) ở Ba Tư; sau 2 lần thị kiến, bắt đầu rao giảng một giáo thuyết sai lạc gắn liền với thuyết Ngộ Đạo, siêu hình học Nhị Nguyên, phối hợp với thuyết Khổ Hạnh, bi quan đối với thân xác.
249-251. Cuộc bách hại đạo của hoàng đế Decius, nhiều người phải chối đạo vì sợ hãi, họ đã xin tha thứ và đền tội. Thánh Giáo hoàng Cornelius đồng ý với Thánh Cyprianus ban ơn đại xá sau khi các hối nhân đền tội, nhưng Novatianus chống lại sự khoan dung này và vận động được bầu làm giáo hoàng để chống lại. Thượng Hội đồng Giám mục tại Carthage đã tuyên án tuyệt thông Novatianus năm 251.
250-300. Thuyết Plato Mới do Plotinus và Porphiry chủ xướng được một số người theo.
256. Thánh Giáo hoàng Stephanus công nhận phép Rửa tội do những người lạc giáo làm cũng thành sự.
257. Hoàng đế Valerianus bách hại và muốn huỷ diệt Giáo Hội; Thánh Cyprianus tử đạo.
260. Thánh Lucianus lập trường học Thánh Kinh ở Antioch. Thánh Giáo hoàng Dionysius lên án lạc thuyết của Sabellius.
261. Hoàng đế Gallienus ra sắc chỉ tha cấm đạo.
K.292. Hoàng đế Diocletianus chia đế quốc Roma thành hai miền Đông và Tây do sự khác nhau về chính trị, văn hoá, xã hội..., tạo nên sự phát triển khác nhau giữa 2 miền trong chính Giáo Hội. Đế quốc ở phía Tây bắt đầu suy yếu.
THẾ KỶ IV
303. Cuộc bách hại khốc liệt dưới đời hoàng đế Diocletianus, nhất là vào năm 304.
305. Thánh Antonius (Antôn) sống đời ẩn tu gần Biển Đỏ bên Ai Cập và gợi hứng cho đời tu của các ẩn sĩ sau này.
K.306. Công đồng Elvira họp ở miền Nam Tây Ban Nha, công bố các điểm giáo luật về kỷ luật liên quan đến đời sống luân lý của xã hội Kitô giáo, như luật độc thân của giáo sĩ, luật không được ly dị của vợ chồng Công giáo.
311. Sắc chỉ tha đạo của hoàng đế Galerius chấm dứt sự bách hại ở Tây Phương, nhưng vẫn còn ở Đông Phương.
313. Sắc chỉ Milan của Constansti-nus Đại Đế và Licinius nhìn nhận Công giáo là tôn giáo hợp pháp trên toàn đế quốc Roma.
314. Công đồng ở thành Arles lên án phái Donatus, do Donatus là giám mục Numidia ở châu Phi chủ trương không công nhận phép Rửa tội và bí tích do thừa tác viên bất xứng ban. Công đồng còn nhấn mạnh hiệu quả bí tích bắt nguồn từ chính Đức Kitô.
318. Thánh Pachomius lập tu viện đầu tiên sống đời cộng đoàn ở Ai Cập, song song với đời ẩn sĩ.
320. Chandragupta thống nhất Ấn Độ, mở đầu chế độ phong kiến. Văn học Hindu phát triển.
325. Công đồng Chung Nicaea I lên án lạc thuyết Arius. Arius là một linh mục ở Alexandria giảng dạy sai lầm về thần tính của Đức Kitô. Công đồng soạn bản tuyên xưng đức tin (gọi là kinh Tin Kính) Nicaea xác quyết Con Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha.
326. Nhờ sự giúp đỡ của Thánh Helena, Giáo Hội tìm được Thánh Giá Chúa Giêsu.
337. Hoàng đế Constantinus nhận bí tích Rửa tội và băng hà.
361-363. Hoàng đế Julianus Phản Giáo muốn khôi phục ngoại giáo, sùng bái ngẫu tượng thay vì Kitô giáo. Cơn bách hại đạo dữ dội.
365. Sắc chỉ cấm đạo của hoàng đế Valens ở Đông Phương.
374-397. Thánh Ambrosius (340-397) là giám mục Milan, một trong 4 vị tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội La Tinh. Ngài là con một gia đình quý tộc Roma, dù mới là dự tòng, dân chúng vẫn phấn khởi chọn ngài làm giám mục. Được rửa tội và tấn phong năm 374, ngài đã bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội trước sự chèn ép của chính quyền, ngài đã viết nhiều sách về mục vụ.
K.376. Cuộc xâm lăng của dân Man Di (Barbari) bắt đầu ở Tây Phương.
379. Thánh Basilius (K. 330-397) là giáo phụ Hy Lạp thời danh, lập nên các đan viện, khởi đầu ở Caesarea.
381. Công đồng Chung Cons-tantinople I lên án các lạc thuyết.
382. Thánh Giáo hoàng Damasus ra sắc lệnh về danh mục những sách linh hứng được Giáo Hội công nhận (gọi là Thư Quy Thánh Kinh).
382-406. Thánh Jerome (Hiero-nymus, K. 340-420) dịch bản Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước sang tiếng La Tinh (bản Vulgata) với nhiều chú giải giá trị.
392. Thánh Augustinus (354-430) làm giám mục ở Hippo (Bắc Phi). Ngài sinh ở Thagaste, dạy khoa hùng biện ở Milan, chống lại các giáo phái của Manicheus, Donatus và Pelagius, đã viết nhiều tác phẩm thần học có giá trị, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng Kitô giáo.
395. Hoàng đế Roma Theodosius chia đất nước cho 2 con: Tây Roma (gồm châu Âu và châu Phi) lấy Roma làm thủ đô và Đông Roma lấy Constantinople (Istambul ngày nay) làm thủ đô.
THẾ KỶ V
406-409. Quân Man Di xâm lăng miền Gaul và Tây Ban Nha.
410. Quân Visigoths do Alaric điều khiển, vây thành Roma.
431. Công đồng Chung Ephesus giải quyết cuộc tranh luận về ngôi vị trong Đức Kitô, nhìn nhận tước hiệu Mẹ Thiên Chúa nơi Đức Maria.
432. Thánh Patrick (K. 385-K. 461), người Anh, tới truyền giáo tại Ireland. Khi ngài mất đi, hầu như cả nước đã theo đạo, nhiều tu viện và cả hàng giáo phẩm được thiết lập.
451. Công đồng Chung Chalcedon xác định Đức Giêsu có hai bản tính trong một ngôi vị duy nhất.
452. Thánh Giáo hoàng Leo Cả thuyết phục được Attila là người Hung Nô tha cho thành Roma. Ngài đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức phụng vụ Roma.
455. Quân Vandal dưới sự chỉ huy của Geiseric cướp phá Roma.
484. Acacius là giáo chủ thành Constantinople bị phạt vạ tuyệt thông, vì công khai chống lại giáo hoàng và theo phái Nhất Tín.
494. Thánh Giáo hoàng Gelasius I gửi đến hoàng đế Anastasius một bức thư công bố rằng: giáo hoàng có quyền lực trên hoàng đế trong lĩnh vực thiêng liêng.
496. Clovis (481-511), vua nước Pháp, trở lại đạo và được rửa tội. Nước Pháp theo Kitô giáo, sau khi vua Clovis và nữ hoàng Clotilde chiến thắng quân Alamani ở Tolbiac (496).
THẾ KỶ VI
520. Các tu viện ở Ireland phát triển mạnh về đời sống thiêng liêng, việc đào tạo truyền giáo và các hoạt động trí thức.
529. Công đồng Orange II lên án phái Bán-Pêlagius về một số điểm tín lý.
K.529. Thánh Benedictus (480?-543?) lập khu đan viện rất nổi tiếng tại núi Cassino. Ngài đã viết ra bộ luật cho các đan sĩ Tây Phương và tạo nên sự phát triển đời sống tu trì thời Trung Cổ.
533. Đức Joannes II là vị giáo hoàng đầu tiên đổi tên mình khi lên ngôi. Tập tục này mãi đến thời Đức Sergius IV (1009) mới phổ biến.
533-534. Hoàng đế Justinianus công bố bộ Dân Luật (Corpus Iuris Civilis) cho toàn đế quốc Roma. Bộ luật này ảnh hưởng tới bộ Giáo luật sau này.
K.545. Dionysius Exiguus qua đời. Ông là người đầu tiên có sáng kiến chia lịch sử thành hai thời kỳ trước Đức Kitô (B.C.: Before Christ) và sau Đức Giêsu Kitô (A.D.: Anno Domini). Ông lấy năm sinh của Đức Kitô làm chuẩn. Nhưng cách tính của ông lại sai mất vài năm.
553. Công đồng Chung Cons-tantinople II được triệu tập.
585. Thánh Columban, người Ireland (540-615), lập đan viện Luxeuil. Tu viện còn là nơi để học tập và nghiên cứu. Đây là hình thức trường học Công giáo đầu tiên. Ngài còn lập nhiều tu viện cho các nữ tu sống đời cộng đoàn.
589. Công đồng Toledo được triệu tập ở Tây Ban Nha. Người Visigoth từ bỏ lạc giáo Arius và Thánh Léander bắt đầu phục hưng Giáo hội ở Tây Ban Nha. Ngài viết bản luật dòng đầu tiên cho các nữ đan sĩ.
590. Thánh Giáo hoàng Gregorius Cả (590-604) củng cố giáo quyền ở Tây Phương, thiết lập mối liên hệ với các vương quốc Man Di, khuếch trương nỗ lực truyền giáo, thiết lập phụng vụ Roma, cổ vũõ mạnh mẽ luật cho các tu sĩ và luật độc thân giáo sĩ. Nhạc Bình ca mang tên ngài.
596. Giáo hoàng Gregorius sai Thánh Augustinus miền Canterbury cùng với 40 thầy dòng sang truyền giáo tại nước Anh.
597. Thánh Columban (521-597) qua đời. Ngài là vị truyền giáo nhiệt thành người Ireland, và truyền giáo rất thành công ở Scotland.
THẾ KỶ VII
622. Năm đầu tiên của kỷ nguyên Hồi giáo do Đức Mohamed (K.570-632) sáng lập khi chuyển đến Medina (Hegira). Đức Mohammed sinh tại Mecca. Với tư cách là sứ giả của Đức Allah, ngài nhắc đến sự phán xét gần đến của Thiên Chúa và chủ trương một thuyết độc thần chặt chẽ. Vào cuối thế kỷ này, Hồi giáo đã lan rộng khắp miền Trung Đông.
629. Hoàng đế Đông Phương Heraclius chuộc lại được Thánh Giá từ tay người Ba Tư.
636. Thánh Isidore (K. 560-636) là giám mục Seville ở Tây Ban Nha, được coi như vị giáo phụ sau cùng của Giáo hội Tây Phương, đã soạn nhiều tác phẩm tôn giáo, nhất là cuốn Bách Khoa về thế giới Hy Lạp và Roma ngoại giáo, là người có ảnh hưởng rất lớn trong thời Trung Cổ.
664. Thượng Hội đồng Giám mục Anh ở Whitby chấp nhận những luật lệ trong phụng vụ Roma, nhất là thời gian biểu cho việc mừng lễ Phục Sinh.
680-681. Công đồng Chung Constantinople III được triệu tập, chấm dứt cuộc tranh luận về thuyết Nhất Ý, xác quyết hai ý chí và hai loại hoạt động nơi Đức Kitô.
692. Thượng Hội đồng Trullan họp ở Constantinople: các giám mục Đông Phương ấn định các vấn đề kỷ luật trong Giáo Hội, như luật độc thân cho giáo sĩ, chấp thuận cho lập gia đình trước khi nhận chức phó tế và ngăn cấm tái hôn sau khi vợ chết. Các giáo hoàng bác bỏ một phần các kỷ luật này. Sự đối lập giữa Giáo hội Đông Phương và Tây Phương trở nên gay gắt.
THẾ KỶ VIII
711. Quân đội Hồi giáo bắt đầu xâm chiếm Tây Ban Nha.
723. Thánh Boniface (K.675-K.745), đan sĩ người Anh, sinh ở Winfrid, được thăng chức giám mục, đã có công đưa dân Phổ (Đức) trở lại Kitô giáo và lập hàng giáo phẩm tại đây. Ngài tử đạo ở Frise năm 755.
726. Hoàng đế Leo III tạo nên phong trào chống việc tôn kính ảnh thánh và di hài các thánh, đó là phái Phá Huỷ Ảnh Thánh.
731. Giáo hoàng Gregorius III trong Thượng Hội đồng ở Roma lên án phái Phá Huỷ Ảnh Thánh và tuyên bố việc tôn kính ảnh tượng hợp với truyền thống Công giáo.
732. Charles Martel thắng quân Hồi giáo ở Poitiers, chặn đường tiến quân của họ về phía Tây.
744. Thánh Sturmi lập đan viện Fulda. Ngài là môn đệ của Thánh Boniface. Tu viện này góp phần tích cực trong việc truyền bá Tin Mừng sang Đức.
750. Thánh Joannes Damascenus, đan sĩ đan viện Sabas ở Jerusalem, qua đời. Ngài được coi là vị Giáo phụ Hy Lạp cuối cùng bảo vệ việc tôn kính ảnh thánh.
754. Giáo hoàng Stephanus III trao vương miện cho hoàng đế Pépin cai trị nước Pháp. Pépin từng sang Ý hai lần giải vây cho giáo hoàng bị quân nhà Lombard bao vây; chiếm được nơi nào ông đều dâng kính giáo hoàng. Vua Charlemagne (768-814), con của ông sau này cũng chiếm và cho thêm đất đai(733). Từ đó, hình thành nên nước của Toà Thánh.
781. Alcuin (735-804), nhà thần học và là văn sĩ người Anh, được vua Charlemagne trao nhiệm vụ tổ chức quốc tử giám, nơi đây trở thành trung tâm đào tạo các trí thức lãnh đạo đất nước.
787. Công đồng Chung Nicaea II lên án phái Phá Huỷ Ảnh Thánh và thuyết Dưỡng Tử. Đây là Công đồng được Giáo hội Chính Thống công nhận.
THẾ KỶ IX
800. Giáo hoàng Leo III đội vương miện cho vua Charlemagne vào ngày lễ Giáng Sinh.
813. Hoàng đế Đông Phương Leo V, người Armenia, lại ủng hộ phái Phá Huỷ Ảnh Thánh.
843. Hoà ước Verdun chia vương quốc Pháp cho ba người cháu của vua Charlemagne cai trị, hình thành nước Pháp-Phổ.
844. Tranh luận về sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể từ sách của Paschasius Radbertus, Ratramnus và Rabanus Maurus; nhờ đó, các từ ngữ thần học phát triển.
846. Quân đội Hồi giáo xâm lăng nước Ý và tấn công Roma.
848. Công nghị ở Mainz (Đức) lên án Gottschalk về thuyết Tiền Định; sau đó, công nghị ở Quierzy năm 853 cũng vậy.
863. Thánh Cyrillus (827-869) và Thánh Methodius (+885) truyền giáo cho dân tộc Slave, lập ra chữ Nga và dịch Thánh Kinh ra tiếng bản quốc.
865. Người Bulgari theo Kitô giáo.
867. Photius (810-891) truất quyền giáo chủ Constantinople của Đức Ignatius và tuyệt giao với các giáo hoàng ở Roma, làm trầm trọng thêm mối giao hảo kém tốt đẹp giữa Đông và Tây. Người Serbia theo Kitô giáo.
869-870. Công đồng Chung Constantinople IV lên án phái Phá Huỷ Ảnh Thánh và truất quyền thượng phụ giáo chủ Photius. Đây là Công đồng cuối cùng được tổ chức ở Đông Phương.
871-900. Triều đại vua Alfred Đại Đế. Ông là vị vua độc nhất của nước Anh được xức dầu tấn phong ở Roma.

Gia Nhân
29-11-2009, 12:53 PM
THẾ KỶ XI
1009. Cuộc ly khai Đông và Tây trong Giáo Hội được đánh dấu bằng việc Thượng phụ Sergius II ở Constanstinople không kể tên Giáo hoàng Sergius IV trong bản văn phụng vụ Byzantine.
1012. Thánh Romuald lập dòng tu Camaldolese.
1043-1049. Giáo chủ Constan-tinople là Michael Cerularius tổ chức các Thượng Hội đồng nhằm từ chối quyền tối thượng của Giáo hoàng Roma và càng tạo nên sự ngăn cách giữa Đông và Tây trong Giáo Hội.
1049-1054. Giáo hoàng Leo IX khởi xướng cuộc canh tân sâu rộng về việc bầu giáo hoàng, đời sống giáo sĩ, tu sĩ.
1054. Ly giáo chính thức giữa các Giáo hội Đông và Tây.
1059. Đức Giáo hoàng Nicolaus II đưa ra quy luật mới để bầu giáo hoàng và dành quyền này cho các vị hồng y thuộc Giáo hội Roma.
1073-1085. Triều đại Giáo hoàng Gregorius VII (Hildebrand). Ngài mạnh mẽ cải cách Giáo Hội khỏi sự bảo trợ thế tục của các ông hoàng, chống lại việc mua bán chức vụ trong Giáo Hội, cấm các giáo sĩ tà dâm thi hành chức năng thánh, ra vạ tuyệt thông cả vua Henry IV, người Đức. Năm 1077, ngài tha vạ cho vua và hoà giải đôi bên ở lâu đài Canossa. Năm 1084, vua Henry phản bội, chiếm đóng Roma và ép Đức Gregorius rời Roma. Robert Guiscard đã giải cứu được Roma.
1084. Thánh Bruno (1035-1101) lập dòng Carthusian.
1096-1099. Cuộc Thập Tự chinh đầu tiên dưới triều Giáo hoàng Urbanus II, chiến thắng và chiếm thành Jerusalem năm 1099, lập nên vương quốc La Tinh ở đây kéo dài từ 1099 đến 1187.
1098. Thánh Robert (1080-1134) lập dòng Cistercian (F. Citeaux).
THẾ KỶ XII
1108. Ảnh hưởng mạnh mẽ của tu viện và học đường do Thánh Victor ở nước Pháp. Các vua nước Pháp là Louis VI (cai trị 1108-1123), Louis VII (1137-1180), Philippe-Auguste (1180-1223) tạo nên một thời hoàng kim cho nước Pháp trong 2 thế kỷ liên tiếp và ảnh hưởng nhiều đến Giáo hội Roma.
1109. Thánh Anselm (1033-1109) đã có công phát huy triết học và thần học Kinh Viện.
1115. Thánh Bernard (1090-1153) lập tu viện ở Clairvaux và thực hiện cuộc canh tân dòng Cistercian.
1118. Thập Tự quân chiếm lại thành Saragossa ở Tây Ban Nha; đạo binh Hồi giáo suy yếu ở đây.
1120. Norbert (1085-1134) lập dòng các Kinh Sĩ Praemonstrate gần Lyon (Pháp), do một viện mẫu điều khiển, một kiểu dòng Ba đầu tiên cho giáo dân nam nữ. Các dòng nữ phát triển mạnh.
1122. Thoả ước Worms giữa Giáo hoàng Callixtus II và hoàng đế Henry V, phân định quyền của giáo quyền và thế quyền trong việc chọn và bổ nhiệm giám mục.
1123. Công đồng Chung Lateran I ở Giáo hội Tây Phương phê chuẩn thoả ước Worms và các điểm canh tân Giáo Hội.
1139. Công đồng Chung Lateran II canh tân Giáo Hội chống lại cuộc ly giáo do nguỵ giáo hoàng Anacletus gây ra.
1140. Thánh Bernard tranh luận với Abelard về khuynh hướng duy lý của ông tại Công đồng Sens.
1147-1149. Cuộc Thập Tự chinh II do vua Pháp Louis VII và hoàng đế Phổ Conrad III chỉ huy không đạt kết quả.
1148. Thượng Hội đồng ở Reims ấn định kỷ luật chặt chẽ cho các cộng đoàn tu nữ.
1160. Đan sĩ Gratian qua đời, ngài đã viết cuốn Decretum là bản văn nền tảng cho Bộ Giáo luật sau này.
1170. Thánh Thomas Becket, Tổng giám mục Canterbury, bất đồng với vua nước Anh Henry II về quan hệ giữa giáo quyền và thế quyền. Ngài bị sát hại ngay trong nhà thờ chính toà.
1171. Giáo hoàng Alexander III ấn định việc tuyên thánh là đặc quyền của Toà Thánh.
1179. Công đồng Chung Lateran III xác định lập trường với nhóm lạc giáo Waldenses (Waldo) và Albigenses, quy định việc bầu giáo hoàng với 2/3 phiếu hồng y.
1184. Giáo hoàng Lucius III ra vạ tuyệt thông nhóm lạc giáo theo Waldo và các nhóm lạc giáo khác.
1189-1192. Cuộc Thập Tự chinh III chiếm lại Jerusalem bị mất năm 1187 về tay vua Hồi giáo Saladin. Kết quả chỉ chiếm được một số nơi, nhưng không lấy lại được Jerusalem. Dòng Hiệp Sĩ xuất hiện.
THẾ KỶ XIII
1202-1204. Cuộc Thập Tự chinh IV do các lãnh chúa Pháp phối hợp với quan quân thành Venise, rời bỏ mục đích ban đầu, đánh chiếm thủ đô Constantinople, cướp phá và giết hại dã man. Giáo hoàng Innocens III phạt vạ các tướng chỉ huy đạo quân.
1208. Giáo hoàng Innocens III kêu gọi Thập Tự Quân chống lạc giáo Albigenses đang tàn phá miền Nam nước Pháp và miền Bắc Ý.
1209. Giáo hoàng Innocens III phê chuẩn bản luật dòng Anh Em Hèn Mọn do Thánh Francisco Assisi (Phanxicô), tên thật là Giovanni di Bernardone (1182-1226), lập nên.
1212. Dòng nữ đan sĩ do Thánh Clara lập theo tinh thần khó nghèo của Thánh Phanxicô.
1215. Công đồng Chung Lateran IV quy định việc xưng tội, rước lễ hàng năm; tuyên bố về việc “biến đổi bản thể” từ bánh rượu sang Mình Máu Đức Kitô, chống lại những điều sai lạc của phái Cathari và Albigenses.
1216. Giáo hoàng Honorius III phê chuẩn bản luật dòng Anh Em Giảng Thuyết do Thánh Dominicus (Đa Minh, 1170-1221) lập năm 1215 ở Toulouse (Pháp).
1217-1221. Thập Tự chinh V do tướng Pháp Jean de Brienne và vua nước Hungary André II thực hiện.
1221. Bản luật Dòng Ba Phan Sinh (Phanxicô) được phê chuẩn.
1228-1229. Cuộc Thập Tự chinh VI do hoàng đế Đức Frederic II thực hiện, đạt được thoả thuận với quốc vương Ai Cập về quyền sở hữu tạm thời của Giáo Hội tại Jerusalem.
1231. Giáo hoàng Gregorius IX cho phép lập Toà án Thẩm tra (Inquisitio), thuộc quyền Giáo hoàng để đối phó với lạc giáo. Khởi đầu là một biện pháp tốt để bảo vệ sự chính thống trong đức tin chống lại lạc giáo Cathari và Albigenses. Nhưng từ sau nửa thế kỷ này, Toà đã lạm dụng quyền hành trong việc xử phạt ở miền Nam nước Pháp, Ý và Phổ.
1245. Công đồng Chung Lyon I hạ bệ hoàng đế Frederick II.
1247. Luật dòng Carmélite (Cát Minh) được Toà Thánh phê chuẩn.
1248-1254. Cuộc Thập Tự chinh VII do vua Thánh Louis IX của nước Pháp điều khiển. Sau một ít thành công ở Ai Cập, đã thất bại vì bệnh dịch và thiếu lương thực. Nhà vua bị bắt giữ, được chuộc về, qua đời năm 1270 và uy thế giáo hoàng sa sút.
1252-1274. Thánh Thomas Aquinas (1225-1274) giảng dạy tại Pháp và Ý, đã viết nhiều tác phẩm triết học, thần học, Thánh Kinh, phụng vụ, nhất là bộ Tổng Luận Thần Học làm nền tảng cho trường phái Kinh Viện.
1260-1368. Nhà Nguyên, triều đại Mông Cổ, được thiết lập ở Trung Quốc.
1268-1270. Cuộc Thập Tự chinh cuối cùng (VIII), do vua Thánh Louis thực hiện, bị thất bại vì bệnh dịch hạch.
1274. Công đồng Chung Lyon II cố gắng hàn gắn cuộc ly khai giữa hai Giáo hội Đông-Tây.
1275-1292. Marco Polo từ Venise đi Trung Quốc và nhiều nơi ở Phương Đông. Ông trở về châu Âu năm 1292.
1280. Giáo hoàng Nicolaus III qua đời. Ngài là người đặt ra Sách Nguyện (Giờ Kinh Phụng Vụ) cho hàng giáo sĩ Giáo hội Roma.
1281. Cuộc phạt vạ hoàng đế Hy Lạp Michael Palaeologus cắt đứt mối giao hảo Đông-Tây mới lập từ năm 1274.
THẾ KỶ XIV
1291. Đất Thánh bị rơi vào tay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
1300. Năm Toàn Xá đầu tiên tổ chức tại Roma do Giáo hoàng Bonifacius VIII công bố. Thế kỷ này đánh dấu bằng phong trào Nhân Văn. Các đại học được lập nên ở nhiều nơi. Sách Gương Chúa Giêsu (thế kỷ XIV) và bài thơ Stabat Mater do tu sĩ Jacopome da Todi sáng tác.
1302. Tự sắc Unam Sanctam của Giáo hoàng Bonifacius VIII về tính duy nhất của Giáo Hội và về quyền lực nhất thời của vua chúa, chống lại sự can thiệp của vua nước Pháp Philippe le Bel.
1309-1377. Tám vị giáo hoàng phải lưu đày ở Avignon (Pháp), có nhiều vị là người Pháp.
1311-1312. Công đồng Chung ở Vienne (Áo).
1321. Thi hào Dante Alighieri mất ở nơi lưu đày, ông là tác giả tập thơ bất hủ Divina Commedia (Hài kịch Thần Linh).
1337-1453. Cuộc chiến giữa Pháp và Anh kéo dài qua nhiều triều vua được gọi là Cuộc Chiến Trăm Năm.
1338. Hội nghị các ông hoàng ở Rhense (Đức), tuyên bố rằng hoàng đế không cần sự chuẩn nhận và tuyên phong của giáo hoàng để làm vua.
1348. Trận dịch lớn còn gọi là “Cái chết đen” tàn phá khắp châu Âu, giết chết khoảng 1/4 đến 1/3 dân số, trong đó 40% hàng giáo sĩ bị chết vì xả thân cứu bệnh nhân.
1350-1767. Thời kỳ của vương triều Ajuthia ở Xiêm (Thái Lan). Phật giáo được coi trọng.
1368-1644. Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc. Người Âu Châu đến cư trú ở Macao và Quảng Châu.
1377. Đức Giáo hoàng Gregorius XI bỏ Avignon trở về Roma nhờ tác động đặc biệt của Thánh nữ Catharina Siena.
1378-1417. Sau khi Đức Gregorius XI qua đời (1378), Giáo hoàng Urbanus VI, người Ý, được chọn. Do sự thiên vị đối với người Roma, ngài bị đa số các hồng y người Pháp truất phế, bầu một giáo hoàng khác là Clemens VII có toà ở Avignon. Mỗi phe bầu một giáo hoàng riêng kế nghiệp. Sự tranh chấp giữa các nước và quyền lực của giáo hoàng dẫn đến cuộc ly khai Tây Phương kéo dài 39 năm.
THẾ KỶ XV
1409. Công đồng Pisa hoà giải các nước vì không có người chủ toạ chính thức nên các nghị phụ bầu vị giáo hoàng thứ ba, truất phế Đức Gregorius XII và Benedictus XIII. Cuộc ly khai Tây Phương ngày càng trầm trọng.
1414-1418. Công đồng Chung Constance (Konstanz) hoà giải tốt đẹp, cuộc ly khai không còn, lên án J. Wycliff và Jan Hus.
1431. Thánh nữ Jeanne d’Arc (1412-1431) bị thiêu sinh.
1438-1445. Công đồng Chung Florence (Firenze) xem xét những vấn đề để chấm dứt cuộc ly khai giữa Đông-Tây và thương nghị với các Giáo hội Đông Phương như Hy Lạp, Armenia, nhưng không thành công.
1453. Thành đô Constantinople rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ.
K.1476. J. Gutenberg, ông tổ ngành in, thực hiện bản in sách Thánh Kinh đầu tiên ở Mainz, Đức.
1476. Giáo hoàng Sixtus IV thiết lập lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8 tháng 12 trên toàn Giáo Hội, sau khi đã cho phép tự do thảo luận về vấn đề thần học này.
1478. Dưới áp lực của vua Ferdinand ở Tây Ban Nha, Giáo hoàng Sixtus IV buộc phải mở Toà án Thẩm tra xét xử người Do Thái và người Moorish theo tà giáo. Có nhiều lạm dụng trong biện pháp này.
1492. Christopher Columbus (K. 1451-1506) tìm ra châu Mỹ.
1493. Giáo hoàng Alexander VI uỷ thác việc truyền giáo ở châu Mỹ cho hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Phong trào Nhân Văn từ Ý lan rộng đến Pháp, Phổ, Anh và nhiều nước miền Nam Âu, ảnh hưởng nhiều tới văn hoá, nghệ thuật và cả tôn giáo; người nổi tiếng của phong trào này là Desiderius - Erasmus (K. 1466-1536).
THẾ KỶ XVI
1512-1517. Công đồng Chung Lateran V.
1517. Martin Luther (1483-1546) khai sinh phong trào Cải Cách bằng cách đưa ra 95 luận đề ở Wittenberg. Ông thụ phong linh mục năm 1507, giảng dạy Thánh Kinh ở đại học. Vì công kích giáo lý về ân xá và Giáo triều Roma nên ông bị vạ tuyệt thông (1521). Ông viết nhiều tác phẩm và là một nhân vật Cải Cách rất sáng giá ở Đức.
1519. Zwingli đưa phong trào Cải Cách vào Zurich, trình bày lập trường trong 63 luận đề (1523), nhưng lại xung đột với Luther về ý nghĩa Tiệc Ly (1529) và đã chết trong cuộc chiến (1531) với các tổng binh Thuỵ Sĩ Công giáo.
1521-1544. Cuộc chiến tranh nhiều lần giữa vua Pháp FranÇois và vua Đức Charles Quint một phần vì tôn giáo đã gây nhiều đau khổ và thiệt hại cho cả hai nước.
1528. Dòng Capuchin được chính thức công nhận độc lập với dòng Anh Em Hèn Mọn Phan Sinh. Dòng đóng góp nhiều vào cuộc cải cách thật sự trong Giáo Hội.
1533. Anh giáo ra đời. Vua nước Anh, Henry VIII, bị vạ tuyệt thông vì ly dị hoàng hậu Catherine Aragon, để cưới bà Anne Boleyn. Vua tuyên bố (134) mình là đầu của Giáo hội tại nước Anh. Thánh John Fisher và Thomas More bị hành quyết (1535) vì chống lại nhà vua. Cuộc bách hại lan rộng ở Anh.
1537. John Calvin (1509-1564) lãnh đạo phong trào Cải Cách ở Thuỵ Sĩ cho đến khi ông mất. Ông đã viết và sửa lại nhiều lần cuốn Sự thiết lập Kitô giáo đặt nền tảng lý thuyết và hệ thống tổ chức cho Giáo hội Cải Cách.
1540. Hiến pháp dòng Tên (dòng Chúa Giêsu) của Thánh Ignatius Loyola được chính thức công nhận, sau khi ngài và các bạn thề hứa với nhau ở Montmartre (1534).
1541. Thánh FranÇois Xavier (K.1506-1552) bắt đầu đi truyền giáo ở Ấn Độ, rồi sang Sry Lanka, Malacca, Nhật Bản.
1545-1563. Công đồng Chung Trent ở Bắc Ý xác định một số điểm đức tin liên can đến phong trào Cải Cách, canh tân Giáo Hội về nhiều điểm thực tế.
1553-1558. Triều đại nữ hoàng Mary Tudor ở Anh chống lại những hành động phản giáo của vua Henry VIII.
1555. Hoà ước Augsburg nhìn nhận sự hiện diện cả Công giáo lẫn Tin Lành theo Luther tại đế quốc Đức. Các ông hoàng Đức được tự do chọn tôn giáo; thực tế là dân chúng bị ép phải theo tôn giáo của các ông hoàng.
1558. Triều đại nữ hoàng Elizabeth I ở Anh và Ireland. Giáo hội Anh giáo càng củng cố chiều hướng ly khai. Triều đại này tồn tại tới 1603.
1559. Matthew Parker được tấn phong làm tổng giám mục Canterbury trong Anh giáo.
1562. Thánh Teresa Avila canh tân dòng Carmélite.
1563. Giáo hội Anh giáo củng cố 39 điều trong đó nói đến quyền tối thượng của hoàng đế Anh quốc.
1570. Nữ hoàng Elizabeth I bị vạ tuyệt thông. Do đó, người Công giáo phải chịu những khoản hình luật rất hà khắc.
1571. Đạo quân Công giáo chiến thắng lạ lùng đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lepanto.
1572. Cuộc tàn sát dã man xảy ra vào ngày lễ Thánh Bartholomeus (24-8) ở Paris và các vùng phụ cận. Trong suốt thế kỷ này, xảy ra nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo giữa người Công giáo và người theo phong trào Cải Cách do Luther và Calvin khởi xướng. Người ta tính có 88 cuộc chiến suốt từ 1562 đến 1598 tại châu Âu.
1582. Giáo hoàng Gregorius XIII canh tân lịch ngày tháng được hầu hết các nước ở châu Âu công nhận, trừ nước Anh mãi đến năm 1752. Cha Matteo Ricci (Lợi Mã Đậu) sang truyền giáo ở Trung Quốc và mất năm 1610. Ngài khai mào cho những liên lạc văn hoá giữa châu Âu và Trung Quốc.
1587. Tướng quân Toyotomi Hideyoshi ra lệnh trục xuất các thừa sai khỏi Nhật.
THẾ KỶ XVII
1610. Thánh FranÇois de Sales (1567-1622) và Jeanne de Chantal (1572-1641) lập dòng Nữ Tu Thăm Viếng.
1611. Đức Hồng y De Bérulle lập Hội linh mục Oratorians theo mẫu của Thánh Philippe Néri năm 1564.
1622. Thánh Bộ Truyền bá Đức tin (Propaganda Fidei) được Đức Pius VII thiết lập.
1625. Thánh Vincent de Paul (1580-1660) lập tu đoàn Truyền Giáo và sau đó là tu đoàn Nữ Tử Bác Ái (1633).
1638. Jansenius (1585-1638) làm giám mục Ypres từ năm 1636. Ông viết tác phẩm Augustinus trình bày quan điểm sai lạc về vấn đề ân sủng, tự do ý chí và sự tiền định. Lạc thuyết của ông bị Giáo hoàng Innocens X lên án năm 1653. Các thuyết này gây xáo trộn trong Giáo hội ở Pháp, Ý và các nước miền Trung Nam Âu Châu cho đến thế kỷ XVIII.
1641. Cha Jean Jacques Olier (1608-1657) lập hội Xuân Bích (Saint Sulpice).
1642. Nhà thiên văn và toán học Ý, Galileo Galilei (1564-1642) mất. Ông tán thành luận án của Copernic về hệ mặt trời. Do hiểu lầm về xác quyết của Thánh Kinh và thiếu hiểu biết về khoa học, giáo quyền thời đó nghi ngờ ông lạc giáo và kết án ông (1616). Năm 1992, Giáo hoàng Joannes Paulus II đã phục hồi danh dự cho ông.
1649. Oliver Cromwell xâm chiếm Ireland và bách hại nặng nề người Công giáo ở đó.
1656. Blaise Pascal (1623-1662) trình bày các tư tưởng tôn giáo qua nhiều tác phẩm nổi tiếng như Memorial, Provinciales, Pensées.
1673. Đạo luật Thử Nghiệm ở nước Anh ngăn cản người Công giáo làm việc trong các công sở, nếu họ không chối bỏ giáo lý chính thống về bí tích Thánh Thể.
1678. Nhiều người Công giáo ở Anh bị bách hại do âm mưu của Titus Oates.
1682. Giám mục Jacques Bénigne Bossuet (1627-1704), người viết cuốn Tứ Chương (Quatre Articles) đưa ra mấy tư tưởng căn bản cho phái Gallican sau này, nhưng đã bị Giáo hoàng Alexander VIII lên án năm 1690.
1684. Thánh Jean Baptiste de la Salle (1651-1779) lập dòng các Sư Huynh Trường Kitô (La San).
THẾ KỶ XVIII
1704. Giáo hoàng Clemens XI lên án việc áp dụng những quan niệm Khổng giáo vào nghi thức phụng vụ Công giáo ở Trung Quốc, việc thờ cúng tổ tiên và việc dùng các từ ngữ Trung Quốc trong Thần học Công giáo.
1713. Hoà ước Utrecht.
1724. Cuộc bách hại đạo ở Trung Quốc.
1732. Thánh Alphonsus Liguori lập dòng Chúa Cứu Thế.
1738. Giáo hoàng Clemens XII kết án Franc-maÇonnerie. Sau này, Đức Giáo hoàng Benedictus XIV (1751) và Leo XIII (1884) vẫn lặp lại án quyết này.
Phái Tam Điểm (tự do - bình đẳng - huynh đệ): bắt đầu vào năm 1717 ở Luân Đôn và lan rộng rất nhanh khắp châu Âu. Phái này muốn triệt hạ tôn giáo, nhất là Công giáo, để giải phóng con người với những tư tưởng phóng khoáng về mặt xã hội của Montesquieu (1689-1775), Voltaire (1694-1778), Diderot (1713-1784) và Rousseau (1712-1778). Các triết gia này góp phần tư tưởng chủ đạo cho cuộc cách mạng Pháp năm 1789.
Giáo luật cũ năm 1917 có điều khoản ngăn cấm người Công giáo tham gia vào bè phái này. Giáo luật mới 1983 bãi bỏ điều cấm đoán trên. Tuy nhiên, người tín hữu cần phải khôn ngoan để chọn lựa và hành động.
1741. Thánh Phaolô Thánh Giá (1694-1775) sáng lập dòng Thương Khó, truyền giảng lòng yêu mến Thánh Giá.
1773. Giáo hoàng Clemens XIV giải thể dòng Tên. Các tu sĩ bị trục xuất khỏi Bồ Đào Nha (1759), Pháp (1764), Tây Ban Nha (1767). Dòng được phục hồi năm 1814.
1778. Người Công giáo ở Anh được hưởng một số thuận lợi sau những thiệt thòi từ thời vua Henry VIII.
1789-1799. Cuộc Cách mạng Pháp bùng nổ đánh dấu bằng việc phá ngục Bastille ngày 14-7-1789. Nhiều sắc lệnh liên quan đến tôn giáo được ban hành như: bãi bỏ các đặc quyền của giáo sĩ, tuyên bố tự do tôn giáo, quốc hữu hoá tài sản của Giáo Hội, cấm các lời thề tôn giáo đối với các dòng tu, buộc các giáo sĩ phải cam kết trung thành với chế độ (1780). Nhiều người trung thành với Roma bị hành quyết (1792); lịch Công giáo do Giáo hoàng Gregorius lập bị thay bằng lịch Cộng Hoà (1793). Các quỹ tôn giáo bị phong toả (1794). Napoléon Bonaparte xâm chiếm Ý (1796-1797), vây đánh thành Roma bắt Giáo hoàng Pius VI đi đày (1798) và ngài qua đời ở Valerice (1799).
1794. Giáo hoàng Pius VI lên án Công đồng miền Poitiers vì bị ảnh hưởng nhiều bởi thuyết của Jansenius và Pháp giáo (Gallicanism).
THẾ KỶ XIX
1801. Hoà ước giữa Pháp với Toà Thánh ký kết ở Paris giữa Napoléon Bonaparte và Hồng y Consalvi, điều chỉnh các quyền của Giáo Hội.
1804. Napoléon tuyên bố lập đế quốc Pháp. Hôn nhân giữa Napoléon và Joséphine de Beauharnais. Lễ đăng quang của Napoléon ở nhà thờ Notre Dame ở Paris.
1805-1815. Chiến thắng liên tiếp của Napoléon với các nước Anh, Áo, Nga, Phổ, Ý, mở rộng đế quốc Pháp, nhưng các nước đã liên minh chống lại Napoléon dẫn đến cuộc thất bại ở Waterloo ngày 18-6-1815 và sau đó Napoléon bị đi đày. Vua Louis XVIII trở lại cai trị Paris.
1809. Giáo hoàng Pius VII ra tự sắc lên án tuyệt thông Napoléon, sau khi ông sáp nhập các phần đất của Toà Thánh vào đế quốc. Giáo hoàng bị Napoléon bắt giữ và dẫn giải về Savone cho đến năm 1814.
1822. Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin được khai sáng ở Pháp do Pauline Jaricot (1799-1862), nhằm trợ giúp công cuộc truyền giáo.
1829. Đạo luật Giải Phóng ở Anh và Ireland giúp cho người Công giáo bớt những bất bình đẳng về dân sự trong xã hội, kể từ thời vua Henry VIII.
1832. Thông điệp Mirari vos của Giáo hoàng Gregorius XVI lên án những luận thuyết của phái Duy Tự Do, đã trình bày trong tuyên bố Avenir (Tương Lai - 1831).
1833. Chân phước F. Ozanam (1813-1853) lập hội Vincent de Paul, để lo các việc bác ái. Phong trào Oxford mở đầu kỷ nguyên “trở lại với Giáo hội Công giáo” của nhiều người nổi tiếng, trong đó, có John Henry Newman (1845) sau làm hồng y.
1839-1840. Cuộc Chiến tranh Nha phiến. Các nước Âu Châu xâm lược Trung Quốc.
1845. Cha Alzon lập dòng Assomptionistes lo việc bác ái, truyền giáo. Cha Le Prévost lập dòng Thánh Vincent de Paul phục vụ người nghèo và giới trẻ. Chỉ trong khoảng nửa thế kỷ đầu này, đã có hơn 100 tổ chức tu trì được thành lập, với 2/3 là gốc Pháp.
1846. Phái bộ Perry đòi Mạc Phủ (Nhật Bản) mở cửa buôn bán. Các nhà truyền giáo trở lại Nhật.
1848. Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản (Communist Manifesto) đề cập đến những cuộc khủng hoảng về xã hội, chính trị và giải pháp cách mạng. Cách mạng bùng nổ ở Ý. Giáo hoàng Pius IX phải lánh khỏi Roma năm 1848 đến Gaeta (Napoli) và trở lại Roma năm 1850.
1850. Hàng giáo phẩm Công giáo ở Anh được tái lập.
1853. Hàng giáo phẩm Công giáo ở Hà Lan được tái lập.
1854. Giáo hoàng Pius IX công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội qua tự sắc Ineffabilis Deus.
1858. Đức Maria hiện ra với Thánh Bernadette ở Lourdes (Pháp).
1864. Thông điệp Quanta Cura và Syllabus of Errors của Giáo hoàng Pius IX lên án 80 “điểm sai lầm của não trạng Duy Tân”.
1867. Karl Marx ấn hành tập Das Kapital (Tư Bản Luận) và Đệ Nhất Quốc Tế Cộng Sản được thành lập, ảnh hưởng nhiều đến phong trào Cộng sản và Chủ nghĩa Xã hội ở các nước.
1869-1870. Công đồng Chung Vatican I bàn về đức tin, quyền tối thượng và bất khả ngộ của giáo hoàng. Công đồng tạm ngưng vì cuộc chiến Pháp-Phổ, phải chờ đến Công đồng Vatican II sau này để kết thúc.
1871. Roma trở thành kinh đô của nước Ý. Cuộc xung đột giữa giáo hoàng và vương quốc Ý lên đến tột độ. Giáo hoàng Pius IX phủ nhận luật “Đảm Bảo”.
1878. Triều đại Giáo hoàng Leo XIII bắt đầu cho đến khi ngài qua đời 1903. Ngài thúc đẩy việc đổi mới triết học kinh viện, nghiên cứu Thánh Kinh, thần học. Qua thông điệp Rerum Novarum (1891), ngài lưu tâm đến các vấn đề xã hội và lao động.
1881. Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần đầu tiên tại Lille (Pháp).
THẾ KỶ XX
1901-1906. Cuộc khủng hoảng về sự chia cắt giữa Giáo Hội và chính quyền ở Pháp, phong trào Chống Giáo sĩ dẫn đến việc tu sĩ các dòng bị trục xuất, hơn 3.000 trường học bị đóng cửa, tài sản dòng tu bị chiếm đoạt, tài sản Giáo Hội bị xung công. Luật Chia Cắt (1905) phân biệt triệt để giữa đạo và đời được công bố.
1903-1914. Triều đại Thánh Giáo hoàng Pius X. Ngài vừa bảo vệ Giáo Hội khỏi những sai lầm của thuyết Duy Tân với sắc chỉ Lamentabili (1907), vừa bảo đảm sự trọn vẹn của đức tin và duy trì kỷ luật. Ngài cho duyệt lại bản Thánh Kinh Vulgata (1907), thành lập Giáo hoàng Học viện về Thánh Kinh (1909), cho phép các trẻ em được rước lễ sớm (1910).
1910. Luật Chia Cắt được công bố ở Bồ Đào Nha. Liên lạc ngoại giao với Toà Thánh bị cắt đứt ở Tây Ban Nha.
1914-1918. Chiến tranh Thế giới I.
1914-1922. Giáo hoàng Bene-dictus XV tìm cách hoà giải các bên tham gia cuộc chiến thế giới. Ngài ban sắc lệnh Maximum Illud để thúc đẩy việc truyền giáo và đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc.
1917. Đức Trinh Nữ Maria hiện ra ở Fatima (Bồ Đào Nha). Hiến pháp mới ở Mexico với quyền kiểm soát tôn giáo, dẫn đến cuộc bách hại trong những năm 1920-1930 sau này. Cuộc Cách mạng Vô Sản thành công ở Nga đưa Đảng Cộng Sản lên nắm chính quyền.
1918. Bộ Giáo luật bắt đầu có hiệu lực.
1922. Các phong trào Công giáo cho giới trẻ bắt đầu hoạt động mạnh mẽ như: Thanh Lao Công (JOC), Sinh viên Công giáo (JEC), hiệp đoàn Nông dân trẻ (ACJF) và hội Thanh niên Công giáo Pháp (FMCI).
1922-1939. Triều đại Giáo hoàng Pius XI. Ngài thúc đẩy phong trào Tông đồ Giáo dân qua thông điệp Ubi arcano Dei (1922), ký hiệp ước Lateran (1929), nhắc lại lý tưởng của hôn nhân Kitô giáo qua thông điệp Casti Connubii (1930), chống lại sự lạm quyền của Benito Mussolini đang cai trị nước Ý lúc đó, chống lại các chủ nghĩa Quốc xã (1931) và Vô thần qua các thông điệp Quadragesimo anno (1931) và Divini Redemptoris (1937).
1933. Adolf Hitler lên nắm quyền ở Đức, 6 triệu người Do Thái bị giết hại. Giáo hoàng Pius XI kết án chủ nghĩa Quốc Xã qua thông điệp Mit brennender Sorge (1937).
1936-1939. Cuộc bách hại đẫm máu tại Tây Ban Nha.
1939-1945. Chiến tranh Thế giới II.
1939-1958. Triều đại Giáo hoàng Pius XII trước sự phân cực giữa tư bản và chủ nghĩa xã hội, ngài khuyến khích xây dựng một nền dân chủ Kitô giáo thật sự. Ngài ra nhiều thông điệp bàn về vấn đề tín lý Mystici Corporis (1943), Thánh Kinh Divino Afflante Spiritu (1943), về phụng vụ Mediator Dei (1947), về hàng giáo sĩ Menti nostrae (1950).
1943. Phong trào Linh mục Thợ xuất hiện tại Pháp. Năm 1965, Đức Thánh Cha Paulus VI cổ vũ và rút kinh nghiệm.
1945. Cách mạng Tháng Tám thành công. Thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
1949. Đảng Cộng Sản Trung Quốc giành được chính quyền; nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Các tu hội đời xuất hiện. Opus Dei do Đức cha José Maria Escriva de Balaguer thành lập.
1950. Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được Giáo hoàng Pius XII xác định.
1958-1963. Triều đại Giáo hoàng Joannes XXIII. Ngài có sáng kiến mở Công đồng Chung Vatican II, ra thông điệp Mater et Magistra (1961) và Pacem in terris (1963).
1962-1965. Công đồng Vatican II với 4 khoá họp đã soạn thảo những văn bản hết sức quan trọng để định hướng cho Giáo Hội tiến bước cùng nhân loại (xem thêm phần Vài nét khái quát về Công đồng Chung Vatican II, chương 4).
1963-1978. Triều đại Giáo hoàng Paulus VI. Ngài triển khai các nghị quyết của Công đồng Vatican II trong Giáo Hội, thực hiện nhiều chuyến thăm viếng mục vụ ngoài Roma, cổ vũ phong trào đại kết và tạo tinh thần đồng trách nhiệm của các hồng y, giám mục trong các quyết định của Giáo Hội (lập Thượng Hội đồng Giám mục 1965) và đã viết nhiều thông điệp nổi tiếng như Mysterium Fidei (1965), Populorum progressio (1967), Humanae vitae (1968), Tông huấn Evangelii nuntiandi (1976).
1964. Đức Thánh Cha Paulus VI gặp gỡ huynh đệ với Thượng phụ Athenagoras tại Jerusalem. Hai bên xoá bỏ vạ tuyệt thông giữa 2 Giáo hội Công giáo và Chính Thống.
1978. Triều đại Giáo hoàng Joannes Paulus I kéo dài 34 ngày.
1978. Triều đại Giáo hoàng Joannes Paulus II, là một trong các vị giáo hoàng có nhiều hoạt động phong phú nhất trong lịch sử Giáo Hội (xin xem phần riêng về Ngài, chương 3).
1983. Bản Giáo luật mới với những điều khoản mới, thể hiện cuộc canh tân của Công đồng Vatican II.
1985. Hiệp ước mới giữa Vatican và Ý thay cho hiệp ước Lateran 1929.
1989-1991. Kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây, thay đổi trật tự thế giới dẫn đến việc thành lập một số nước tại Liên Xô và Đông Âu.
1992. Bộ Giáo lý Giáo hội Công giáo được chuẩn y và phổ biến.
1994-1999. Các năm chuẩn bị cho Năm Thánh 2000 với những công việc và chủ đề rõ ràng cho từng năm.
2000. Giáo hội Công giáo mừng Năm Thánh 2000, với nhiều hoạt động đặc biệt để bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo. Để nêu gương hoà giải, Đức Giáo hoàng xin lỗi nhiều cộng đồng vì những lầm lỗi của một số phần tử của Giáo Hội trong thời quá khứ. Chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Thánh Cha tại Đất Thánh.
THẾ KỶ XXI
2001. Đức Thánh Cha tấn phong 44 thành viên mới cho Hồng y đoàn.
Ngày 11-9, Trung tâm Thương Mại Thế Giới và Ngũ Giác Đài ở Hoa Kỳ bị quân khủng bố tấn công. Cuộc khủng bố này đã gây kinh hoàng trên toàn thế giới. ĐTC kêu gọi diệt trừ nạn khủng bố bằng sự tha thứ, hoà giải và phát triển.
2002. Tháng 10, ĐTC công bố Tông thư mới về Kinh Mân Côi, thêm 5 mầu nhiệm Ánh sáng để suy gẫm về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu và loan báo Năm Mân Côi.
2003. Cuộc chiến tại Iraq (20-3-2003) đặt ra vấn đề lương tâm của con người về chiến tranh thế giới và sự hữu hiệu của tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) khởi phát từ Hong Kong rồi lan rộng ở Trung Quốc, Canada... gây tử vong cao. Bệnh này cũng đã đặt ra một vài ưu tư về phụng tự.
Ngày 17-4, ĐTC công bố Thông điệp Thánh Thể trong mối tương quan với Giáo Hội Ecclesia de Eucharistia.
Ngày 16-10, ĐTC kỷ niệm 25 năm triều giáo hoàng của ngài.
Ngày 19-10, ĐTC phong chân phước cho Mẹ Têrêsa thành Calcutta.
Ngày 21-10, ĐTC tấn phong 31 thành viên mới cho Hồng y đoàn.
2004. Năm Thánh Thể bắt đầu từ tháng 10-2004 kéo dài đến tháng 10-2005 với Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 48 tại Guadalajara, Mexico. Tông thư Mane nobis cum Domine được ĐTC Gioan Phaolô II công bố ngày 8-10-2004, tại Roma.
Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình tổ chức Đại hội toàn thế giới các tổ chức Giáo Hội hành động cho công lý và hoà bình tại Roma, từ ngày 27 đến 30-10-2004, để các Kitô hữu tích cực hành động hơn trong một thế giới đang có nhiều xung đột và xáo trộn.
Thảm hoạ sóng thần từ trận động đất lớn ở đảo Sumatra, Indonesia vào sáng ngày 26-12-2004 đã gây thiệt hại nặng nề cho một số nước ở Nam Á và Đông Nam Á, khiến cho khoảng 280.000 người thiệt mạng, hàng chục ngàn người mất tích và hàng triệu người mất nhà cửa, đói khát, bị dịch bệnh... Cả thế giới đồng cảm với các nạn nhân và nhanh chóng tổ chức lạc quyên, gửi người và vật phẩm đến cứu trợ những người bị nạn. Cộng đồng Giáo hội Công giáo khắp nơi hưởng ứng hoạt động bác ái này.
2005. Bắt đầu triều đại giáo hoàng của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI (22-4). Năm này còn kỷ niệm 40 năm kết thúc Công đồng Chung Vatican II (1965-2005). Đức Giáo hoàng chủ trì Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Thánh Thể tại Rôma từ 2/10 – 23/10.



Lm. Ant. NGUYỄN NGỌC SƠN

Nguồn tư liệu:

- NN, Théo: Nouvelle Encyclopédie Catholique, Droguet Ardant / Fayard, 1989.
- Olivier de la Brosse, Dictionnaire de la foi Chrétienne.

Gia Nhân
29-11-2009, 12:59 PM
Cơ cấu tổ chức

1. Tính chất Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) là một tổ chức có tính cách pháp nhân (GL đ.449,2) gồm tất cả các giám mục đang thi hành phận sự mục vụ nơi các giáo phận tại nước Việt Nam (x. QC HĐGM VN). Tổ chức này có nhiệm vụ cổ vũ tình liên đới để phát huy các thiện ích mà Giáo Hội cống hiến cho Dân Chúa bằng các hình thức tông đồ và các phương pháp thích hợp với hoàn cảnh của thời đại (x. GH 23; GM 38,1; GL đ.447), trong tinh thần gắn bó với dân tộc và đất nước (x. Thư Chung HĐGM VN 1980, số 9, 10, 11, 12). 2. Trụ sở Hội đồng Giám mục Việt Nam có trụ sở: - Văn phòng 1: Toà Tổng giám mục Hà Nội, 40 phố Nhà Chung, Hà Nội.- Văn phòng 2: Trung tâm Công giáo, 72/12 Trần Quốc Toản, P. 8, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh. 3. Các thành viên Hội đồng Giám mục Việt Nam có các thành viên là: - Tất cả các giám mục giáo phận tại Việt Nam và các vị chiếu theo Giáo luật điều 368 và 427,1 được đồng hoá với các ngài.- Các giám mục phó và các giám mục phụ tá của các giám mục giáo phận.- Các giám mục hiệu toà khác đang đảm nhận một nhiệm vụ đặc biệt do Toà Thánh hay do HĐGM VN uỷ thác (GL đ.448,1; 450,1). 4. Mục đích HĐGM VN lấy mục đích xây dựng Giáo Hội mầu nhiệm - hiệp thông - truyền giáo và phục vụ con người trong xã hội (x. Tông huấn Pastores dabo vobis, số 12; 73-75) làm điểm quy chiếu cho mọi sinh hoạt và quyết định của mình, nên: - HĐGM VN vẫn luôn tôn trọng quyền bính của giám mục giáo phận là quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp (GL đ.381,1). Tất cả các giám mục phải hợp thành một HĐGM, hội họp định kỳ, trao đổi các sáng kiến và các dự phóng phát xuất từ sự khôn ngoan và kinh nghiệm, nhằm tìm kiếm và phát huy nhiều phương thức mục vụ hữu hiệu, đồng thời định hướng tinh thần tập thể vào những thực hiện tôn giáo cụ thể trên tất cả các giáo phận (GH 23; GM 37). - Các giám mục cộng tác vào việc soạn thảo quy chế của HĐGM, và khi đã được Toà Thánh phê chuẩn, các ngài phải chấp nhận và thi hành. - Các giám mục thường xuyên tham dự các buổi họp, đóng góp những sáng kiến tích cực, nghiên cứu các vấn đề mục vụ vì lợi ích của các linh hồn và sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương (Chỉ Nam Giám Mục, số 211). HĐGM VN hoạt động trong tinh thần liên đới và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và với các HĐGM trên thế giới, đặc biệt với các HĐGM Á Châu (x. GL đ.459,1). 5. Hoạt động Sinh hoạt của HĐGM VN diễn ra trong các hội nghị thường lệ, mỗi năm ít là một lần. Khi có vấn đề quan trọng đặc biệt, HĐGM VN có thể họp hội nghị ngoại lệ do quyết định của Giám mục Chủ tịch, hoặc do yêu cầu của 2/3 các thành viên của Ban Thường vụ, hoặc do 1/3 các thành viên của HĐGM. Tất cả các thành viên đương nhiên do luật phải được mời tham dự hội nghị của HĐGM VN (x. QC HĐGM VN, 1980). Ngoài ra, khi cần thiết, các thành phần khác cũng có thể được mời. Tất cả các thành viên tham dự hội nghị của HĐGM phải tuyệt đối giữ bí mật về các vấn đề thảo luận tại hội nghị, trừ những gì hội nghị đồng ý cho phổ biến. Biểu quyếtTrong hội nghị: - Các giám mục giáo phận và các vị được luật đồng hoá với các ngài, các giám mục phó, đương nhiên do luật có quyền biểu quyết. - Các giám mục phụ tá và các giám mục hiệu toà khác thuộc HĐGM VN có quyền biểu quyết chiếu theo Quy chế HĐGM VN, 1980, trừ trường hợp soạn thảo hay sửa đổi quy chế (GL đ.454,2). Bầu chọn nhân sự HĐGM VN chọn Giám mục Chủ tịch, Giám mục Phó Chủ tịch, Giám mục Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và các giám mục đặc trách các Uỷ ban (GL đ.452,1) bằng phiếu kín. Ban hành quy chế và các sắc lệnh HĐGM VN soạn thảo Quy chế và Nội quy HĐGM. Bản Quy chế HĐGM VN phải được Toà Thánh chuẩn y (GL đ.451). HĐGM VN chỉ có thể ban hành những sắc lệnh tổng quát trong những vấn đề mà luật chung đã ấn định, hoặc được Toà Thánh uỷ nhiệm cách đặc biệt bằng tự sắc hay do yêu cầu của chính HĐGM (GL đ.455,1). HĐGM VN ấn định thể thức công bố và thời gian các sắc lệnh bắt đầu có hiệu lực (GL đ.455,3). Việc thi hành Giám mục giáo phận phải chấp nhận như có hiệu lực pháp lý từ quyền tối thượng của Giáo Hội (GM 38,4) và truyền thi hành trong giáo phận các quyết định hay sắc lệnh đã được HĐGM VN biểu quyết hợp pháp và Toà Thánh chuẩn y (Chỉ Nam Giám Mục, số 212a). Đối với các quyết định hay hướng dẫn không có hiệu lực pháp lý bắt buộc, giám mục giáo phận trong tinh thần hợp nhất và bác ái, sẽ nhân danh thẩm quyền của ngài mà công bố và truyền thi hành (Chỉ Nam Giám Mục, số 212b). 6. Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam Thành viên Ban Thường vụ HĐGM VN gồm có: - Giám mục Chủ tịch.- Một hay nhiều giám mục Phó Chủ tịch.- Giám mục Tổng Thư ký.- Một hay nhiều giám mục Phó Tổng Thư ký. Phó Tổng Thư ký có thể là một linh mục.- Các giám mục Chủ tịch Uỷ ban có thể được mời vào Ban Thường vụ. Ban Thường vụ HĐGM họp thường kỳ một hay hai lần trong năm. Khi cần có thể họp bất thường, để phiên họp Ban Thường vụ có giá trị pháp lý, cần 2/3 số thành viên hiện diện. Thẩm quyền của Ban Thường vụ HĐGM VN: - Là đại diện của HĐGM VN.- Chăm lo thực hiện các quyết định của HĐGM VN.- Đề ra chương trình nghị sự cho hội nghị của HĐGM VN.- Bảo đảm tính liên tục trong các đường hướng mục vụ chung của HĐGM.- Giải quyết các vấn đề thông thường giữa các lần hội nghị của HĐGM.- Tổ chức việc bầu Ban Thường vụ cho nhiệm kỳ mới. Nhiệm kỳ Ban Thường vụ HĐGM VN là 3 năm và chấm dứt sau hội nghị bầu cử. 7. Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM VN Văn phòng Tổng Thư ký của HĐGM VN gồm có: - Giám mục Tổng Thư ký.- Các Giám mục Phó Tổng Thư ký.- Và các linh mục Thư ký. Nhiệm vụ của Văn phòng Tổng Thư ký: - Tham dự các hội nghị của HĐGM, Ban Thường vụ và cả các Uỷ ban Giám mục, nếu xét thấy cần thiết.- Soạn thảo chương trình nghị sự của các hội nghị HĐGM và Ban Thường vụ.- Lập biên bản các hội nghị.- Lưu giữ các hồ sơ của HĐGM.- Liên lạc với các giám mục tại Việt Nam và với các HĐGM thế giới.- Phổ biến các quyết định của HĐGM VN.- Phúc trình các hoạt động của Ban Thường vụ trong Hội nghị Thường niên của HĐGM. 8. Các UB Giám mục của HĐGM VN Chiếu theo Giáo luật điều 451 và xét nhu cầu mục vụ hiện tại, HĐGM VN thiết lập các Uỷ ban Giám mục sau đây: 1. Uỷ ban Giáo lý Đức tin2. Uỷ ban Phụng tự3. Uỷ ban Thánh Nhạc4. Uỷ ban Nghệ thuật Thánh5. Uỷ ban Giáo sĩ và Chủng sinh8. Uỷ ban Tu sĩ9. Uỷ ban Kinh Thánh8. Uỷ ban Văn hoá9. Uỷ ban Loan báo Tin Mừng10. Uỷ ban Bác ái Xã hội11. Uỷ ban Truyền thông Xã hội12. Uỷ ban Mục vụ Gia đình13. Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ14. Uỷ ban Mục vụ Di dân15. Uỷ ban Giáo dân - Uỷ ban Giám mục giúp HĐGM thi hành trách nhiệm mục vụ trong một lĩnh vực chuyên biệt; Uỷ ban Giám mục có trách nhiệm trước HĐGM và phải báo cáo đường hướng và sinh hoạt cho HĐGM. - Giám mục đặc trách Uỷ ban do HĐGM đề cử và chấp thuận. Nhiệm kỳ là 3 năm. - Mỗi Uỷ ban Giám mục soạn thảo một nội quy riêng xác định đường hướng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức nhân sự. Bắt đầu nhiệm kỳ 2001-2004, HĐGM VN đã quyết định thành lập 9 uỷ ban theo tinh thần của Giáo luật. Tuy nhiên, HĐGM VN đã liên kết UBGM về Phụng tự với UBGM về Thánh nhạc và Nghệ thuật Thánh thành một Liên Uỷ ban, Uỷ ban về Giáo lý với Uỷ ban về Thánh Kinh thành Uỷ ban Giáo lý Đức tin, và lập uỷ ban mới là UBGM về Bác ái Xã hội. Các Uỷ ban đã trình lên HĐGM VN nội quy của uỷ ban mình và đã thông báo đến Ban Tôn giáo của Chính phủ. Hy vọng với cơ cấu tổ chức mới, HĐGM VN sẽ dẫn dắt cộng đồng Dân Chúa cách hiệu quả và tích cực hơn theo đúng lòng mong đợi của Đức Giêsu Kitô.
Ban thường vụ
(Chủ tịch: CT; Phó Chủ tịch: PCT; Tổng Thư ký: TTK; Phó Tổng Thư ký: PTTK; Chủ tịch Uỷ ban Giám mục: CTUBGM) * Nhiệm kỳ I (1980 - 1983) - CT HĐGM VN: Hy. Giuse Maria Trịnh Văn Căn - PCT I: Tgm. Phaolô Nguyễn Văn Bình - PCT II: Tgm. Philipphê Nguyễn Kim Điền - TTK: Gm. Giuse Nguyễn Tùng Cương - PTTK Giáo tỉnh Hà Nội: Gm. Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - PTTK Giáo tỉnh Huế: Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách - PTTK Giáo tỉnh TP. HCM: Gm. Emmanuel Lê Phong Thuận - Chủ tịch Uỷ ban Giám mục: Về Phụng tự: Gm. Gioan Baotixita Bùi Tuần Về Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh: Gm. Phaolô Huỳnh Đông Các Về Giáo dân: Gm. Giuse Phan Thế Hinh - Phụ trách Văn phòng HĐGM VN: Lm. Giuse Lê Đức Sinh, giáo tỉnh Hà Nội Lm. Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc, giáo tỉnh TP. HCM * Nhiệm kỳ II (1983 - 1986) - CT HĐGM VN: Hy. Giuse Maria Trịnh Văn Căn - PCT I: Tgm. Phaolô Nguyễn Văn Bình - PCT II: Tgm. Philipphê Nguyễn Kim Điền - TTK: Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang - PTTK giáo tỉnh Hà Nội: Gm. Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - PTTK giáo tỉnh Huế: Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách - PTTK giáo tỉnh TP. HCM: Gm. Emmanuel Lê Phong Thuận - CTUBGM: Về Phụng tự: Gm. Gioan Baotixita Bùi Tuần Về Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh: Gm. Phaolô Huỳnh Đông Các Về Giáo dân: Gm. Phêrô Phạm Tần - Phụ trách Văn phòng HĐGM VN: Lm. Giuse Lê Đức Sinh, giáo tỉnh Hà Nội Lm. Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc, giáo tỉnh TP. HCM * Nhiệm kỳ III (1986 - 1989) - CT HĐGM VN: Hy. Giuse Maria Trịnh Văn Căn - PCT I: Tgm. Phaolô Nguyễn Văn Bình - PCT II: Tgm. Philipphê Nguyễn Kim Điền - TTK: Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang - PTTK giáo tỉnh Hà Nội: Gm. Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - PTTK giáo tỉnh Huế: Gm. Phêrô Trần Thanh Chung - PTTK giáo tỉnh TP.HCM: Gm. Emmanuel Lê Phong Thuận - CTUBGM: Về Phụng tự: Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm Về Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh: Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hoà Về Giáo dân: Gm. Phêrô Phạm Tần - Phụ trách Văn phòng HĐGM VN: Lm. Giuse Lê Đức Sinh, giáo tỉnh Hà Nội Lm. Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc, giáo tỉnh TP. HCM * Nhiệm kỳ IV (1989 - 1992) - CT HĐGM VN: Gm. Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật - PCT I: Gm. Phêrô Nguyễn Huy Mai - PCT II: Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang - TTK: Gm. Emmanuel Lê Phong Thuận - PTTK giáo tỉnh Hà Nội: Gm. Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - PTTK giáo tỉnh Huế: Gm. Phêrô Trần Thanh Chung - PTTK giáo tỉnh TP. HCM: Gm. Nicôla Huỳnh Văn Nghi - CTUBGM: Về Phụng tự: Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm Về Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh: Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hoà Về Giáo dân: Gm. Aloisiô Phạm Văn Nẫm - Phụ trách Văn phòng HĐGM VN: Lm. Giuse Lê Đức Sinh, giáo tỉnh Hà Nội Lm. Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc, giáo tỉnh TP. HCM * Nhiệm kỳ V (1992 - 1995) - CT HĐGM VN: Gm. Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật - PCT I: Gm. Phaolô Huỳnh Đông Các - PCT II: Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang - TTK: Gm. Emmanuel Lê Phong Thuận - PTTK giáo tỉnh Hà Nội: Gm. Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - PTTK giáo tỉnh Huế: Gm. Phêrô Trần Thanh Chung - PTTK giáo tỉnh TP. HCM: Gm. Nicôla Huỳnh Văn Nghi - CTUBGM: Về Phụng tự: Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm Về Linh mục, Tu sĩ, và Chủng sinh: Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hoà Về Giáo dân: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Phụ trách Văn phòng HĐGM VN: Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Oánh, giáo tỉnh Hà Nội Lm. Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc, giáo tỉnh TP. HCM * Nhiệm kỳ VI (1995 - 1998) - CT HĐGM VN: Hy. Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - PCT I: Gm. Nicôla Huỳnh Văn Nghi - PCT II: Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hoà - TTK: Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm - PTTK giáo tỉnh Hà Nội: Gm. Phaolô Lê Đắc Trọng - PTTK giáo tỉnh Huế: Gm. Phêrô Trần Thanh Chung - PTTK giáo tỉnh TP. HCM: Gm. Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - CTUBGM: Về Phụng tự: Gm. Emmanuel Lê Phong Thuận Về Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh: Tgm. Stêphanô Nguyễn Như Thể Về Giáo dân: Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang - Phụ trách Văn phòng HĐGM VN: Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Oánh, giáo tỉnh Hà Nội Lm. Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc, giáo tỉnh TP. HCM * Nhiệm kỳ VII (1998 - 2001) - CT HĐGM VN: Hy. Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - PCT I, kiêm thủ quỹ: Gm. Nicôla Huỳnh Văn Nghi - PCT II: Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hoà - TTK: Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm - PTTK giáo tỉnh Hà Nội: Gm. Phaolô Lê Đắc Trọng - PTTK giáo tỉnh Huế: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nho - PTTK giáo tỉnh TP. HCM: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - CTUBGM: Về Phụng tự: Tgm. Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn Về Thánh nhạc: Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hoà Về Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh: Tgm. Stêphanô Nguyễn Như Thể Về Giáo dân: Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang * Phụ trách Văn phòng HĐGM VN: Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Oánh, giáo tỉnh Hà Nội
(Lm. Giuse Đặng Đức Ngân thay thế từ tháng 10-2000). Lm. Phêrô Phan Xuân Thanh, giáo tỉnh Huế. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, giáo tỉnh TP. HCM. * Nhiệm kỳ VIII (2001 - 2004) - CT HĐGM VN: Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hoà- PCT, kiêm thủ quỹ: Hy. G.B. Phạm Minh Mẫn- TTK: Gm. Phêrô Nguyễn Soạn- PTTK: Gm. Giuse Ngô Quang Kiệt- CTUBGM: Về Giáo lý Đức tin: Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc Về Phụng tự: Gm. Phêrô Trần Đình Tứ Về Thánh nhạc và Nghệ thuật Thánh: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nho (Qua đời ngày 21-5-2003. Từ tháng 10-2003, Gm. Stêphanô Tri Bửu Thiên là CTUBGM về Thánh nhạc. UBGM về Nghệ thuật Thánh được sáp nhập vào UBGM về Phụng tự). Về Giáo sĩ và Chủng sinh: Gm. Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh Về Tu sĩ: Gm. Giuse Hoàng Văn Tiệm Về Giáo dân: Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang Về Phúc Âm hoá: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn Về Văn hoá: Gm. Giuse Vũ Duy Thống Về Bác ái Xã hội: Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan* Phụ trách Văn phòng HĐGM VN: Lm. Giuse Đặng Đức Ngân, giáo tỉnh Hà Nội. Lm. Phêrô Phan Xuân Thanh, giáo tỉnh Huế. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, giáo tỉnh TP. HCM. * Nhiệm kỳ IX (2004 - 2007) - CT HĐGM VN: Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hoà- PCT, kiêm Thủ quỹ: Hy. G.B. Phạm Minh Mẫn- TTK: Gm. Phêrô Nguyễn Soạn- PTTK: Gm. Giuse Ngô Quang Kiệt- CTUBGM: Về Giáo lý Đức tin: Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc Về Phụng tự và Nghệ thuật Thánh: Gm. Phêrô Trần Đình Tứ Về Thánh nhạc: Gm. Stêphanô Tri Bửu Thiên. Về Giáo sĩ và Chủng sinh: Gm. Antôn Vũ Huy Chương Về Tu sĩ: Gm. Giuse Hoàng Văn Tiệm Về Giáo dân: Gm. Giuse Nguyễn Chí Linh Về Phúc Âm hoá: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn Về Văn hoá: Gm. Giuse Vũ Duy Thống Về Bác ái Xã hội: Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan* Phụ trách Văn phòng HĐGM VN: Lm. Giuse Đặng Đức Ngân, giáo tỉnh Hà Nội. Lm. Phêrô Phan Xuân Thanh, giáo tỉnh Huế. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, giáo tỉnh TP. HCM. * Nhiệm kỳ X (2007-2010)- Chủ tịch HĐGMVN: GM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
- Phó Chủ tịch: GM Giuse Nguyễn Chí Linh
- Tổng Thư ký: TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
- Phó Tổng Thư ký: GM Giuse Võ Đức Minh- CTUBGM:
+ Uỷ ban Giáo lý Đức tin: GM Phaolô Bùi Văn Đọc
+ Uỷ ban Kinh Thánh: GM Giuse Võ Đức Minh
+ Uỷ ban Phụng tự: GM Phêrô Trần Đình Tứ
+ Uỷ ban Nghệ thuật Thánh: GM Phêrô Trần Đình Tứ
+ Uỷ ban Thánh nhạc: GM Phaolô Nguyễn Văn Hoà
+ Uỷ ban Loan báo Tin Mừng: GM Micae Hoàng Đức Oanh
+ Uỷ ban Giáo sĩ - Chủng sinh: GM Antôn Vũ Huy Chương
+ Uỷ ban Tu sĩ: GM Giuse Hoàng Văn Tiệm
+ Uỷ ban Giáo dân: GM Giuse Trần Xuân Tiếu
+ Uỷ ban Mục vụ Gia đình: Giuse Châu Ngọc Tri
+ Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ: GM Giuse Vũ Văn Thiên
+ Uỷ ban Di dân: ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn
+ Uỷ ban Bác ái Xã hội: GM Đa Minh Nguyễn Chu Trinh
+ Uỷ ban Văn hoá: GM Giuse Vũ Duy Thống
+ Uỷ ban Truyền thông Xã hội: GM Phêrô Nguyễn Văn Đệ* Phụ trách Văn phòng HĐGM VN: Lm. Giuse Dương Hữu Tình, Giáo tỉnh Hà Nội Lm. G.B. Ngô Đình Tiến, Giáo tỉnh Huế. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giáo tỉnh TP. HCM.