PDA

View Full Version : Thờ phượng



BMK
24-02-2008, 07:51 AM
Một bác sĩ lỗi lạc, người đã viết mấy cuốn sách về y khoa, ngồi nói truyện với một mục sư giảng thuyết mỗi Chúa Nhật trên vô tuyến truyền thanh. Ông bác sĩ thú rằng ông ta không biết nhiều về đạo giáo, và ông nghĩ rằng lý do mà người ta đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật có thể vì họ muốn có một bảo đảm cho cuộc đời sau khi lìa trần, hay để hy vọng về sự sống sau sự chết. Không đồng ý với quan điểm của ông bác sĩ, vị mục sư ngắt lời: "Đa số người ta đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật không phải vì sợ chết, nhưng vì họ quá cô đơn, nên muốn có nhiều người quanh họ."
Có phải lý do cho người ta đi nhà thờ ngày Chúa Nhật vì sợ chết hay vì cô đơn? Đó có phải là mục đích của việc thờ phượng? Trước khi kết án họ chúng ta hãy tự hỏi: "Lý do tại sao chúng ta đi nhà thờ vào ngày Chúa Nhật? Tại sao chúng ta đang ở trong nhà thờ này?

Chúng ta có thể tìm đến cuốn sách dùng để cầu nguyện trong Cựu Ước - Sách Thánh Vịnh, để tìm ra câu trả lời. Sách Thánh Vịnh quan trọng với chúng ta không phải chỉ vì nó là sách cầu nguyện trong Cựu Ước, nhưng nó còn là sách cầu nguyện của chính Chúa Giêsu. Đây là cuốn sách mà Chúa đã dùng để làm trung tâm của việc cầu nguyện khi tại thế. Khi đọc Thánh vịnh chúng ta đọc lên những lời nguyện mà chính Chúa đã dùng khi cầu nguyện. Và sách đó cũng là những hướng dẫn quan trọng cho chúng ta. Chẳng hạn như:

Hãy đến, chúng ta cùng phủ phục kính tôn;
Chúng ta hãy qùy gối trước Chúa là Đấng tạo thành chúng ta…
Hãy hát lên mừng Chúa một bài ca mới;
Hãy ca tụng Chúa, hỡi địa cầu.
Ca tụng Chúa đi, cùng chúc tụng danh Ngài …
Vĩ đại thay Đức Chúa, rất đáng ngàn lời ca tụng… (TV 95:6; 96:4)

Tác giả Thánh vịnh xác định cách rõ ràng rằng chúng ta sống trên trần gian với mục đích để kính thờ Thiên Chúa. Đấy chính là ý nghĩa của việc thờ phượng. Trong việc thờ kính này chúng ta biết rõ Thiên Chúa là Đấng xứng đáng được tôn thờ. Ngài là tạo hóa, Ngài là nguồn gốc của sự sống, Ngài là Thiên Chúa. Ta kính yêu, ca tụng, thờ phượng và cảm tạ Ngài. Ngài kêu gọi ta đến thực hiện việc thờ kính, và ta đến trước tôn nhan để cảm nghiệm sự hiện hữu của Ngài trong một đường lối cá biệt. Bạn có thể đến đây vì bạn sợ chết, bạn có thể đến vì bạn cô đơn, bạn có thể đến vì muốn xin ơn, bạn cũng có thể đến vì bạn không hài lòng với công việc mình đang làm, bạn có thể đến vì trăm ngàn lý do khác nữa. Những lý do đó đều tốt và chính đáng nhưng chúng chỉ là những lý do thứ yếu. Lý do chính yếu cho việc chúng ta tụ tập nơi đây trước thánh nhan Chúa mỗi Chúa Nhật phải là do sự nhận biết Thiên Chúa đáng được kính thờ.
Trong tập bài viết có tên "Thư gửi cho Ái Nữ", Margaret Lane nhớ lại một tấm giấy treo tường của con mình khi cô ta lên 16. Có những lời này: "Tôi làm công việc của tôi và bạn làm công việc của bạn. Tôi không đến trong đời để sống cuộc sống theo như bạn hy vọng. Và bạn cũng không đến trong đời để sống như tôi mong đợi. Bạn là bạn và tôi là tôi, nếu chúng ta có cơ hội chung lối, đẹp đẽ thay!

Làm thế nào để chúng ta có cơ hội chung lối? và tại sao? khi nào? và đó có phải là điều vui mừng? Là Kitô hữu câu trả lời được bắt đầu từ cảm nghiệm thờ phượng. Chúng ta thấy Thiên Chúa trong cảm nghiệm thờ phượng, điều đó đẹp đẽ biết bao. Ở đó chúng ta thấy Chúa đáng tôn thờ, vì Ngài dựng nên ta, Ngài yêu thương ta, cho ta một cuộc đời rất đáng sống và đầy ý nghĩa. Chúng ta thấy Chúa hứa làm ta nên tác phẩm kiệt tác của Ngài như Ngài đã định từ ban đầu. Chúng ta thấy Chúa dậy ta yêu thương qua trường thần linh Giêsu để hoàn thành trong ta đời sống tình yêu của Ngài. Ở điểm đó, cha mẹ, con cái, anh chị em, vợ chồng, làng xóm mới có thể gặp nhau, cảm nhận chân giá trị của nhau. Yêu thương nhau như Chúa dậy không tùy "cơ hội" như tấm giấy của cô gái 16 tuổi đề nghị, nhưng luôn luôn nhờ bởi Ơn Chúa, Đấng đáng được tôn thờ.
Gerald Kennedy kể về một người đàn bà có tuổi làm nghề giặt ủi. Bà ta đi nhà thờ đều đặn vào các ngày Chúa Nhật. Cả tuần bà ta giặt quần áo và làm việc vất vả rồi còn đứng lâu ủi đồ cho khách hàng. Chúa Nhật bà đến nhà thờ, và khi được phỏng vấn "Tại sao bà đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật, có phải để nghe giảng không? "Không," bà trả lời, "không phải để nghe giảng." "Có phải vì đàn hát hay?" bà trả lời, "Không, không phải vì đàn hát." Cuối cùng bà nói, "Tôi đến đây vì có chỗ tốt để ngồi một tiếng đồng hồ và biết rằng tôi không phải nghĩ đến bất cứ điều gì ngoài Chúa."
Có lẽ bà già đó có lý. Nhiều người trong chúng ta ngồi đây cầu nguyện và cố suy nghĩ nhưng thấy tâm trí mình thì chuyển động xoay quanh đi tứ phía. Nhiều người trong chúng ta không ở đây vì tâm trí ta bay nhảy như con ong bay vòng từ hoa này sang hoa khác. Hãy để những lo âu, lo toan ở ngoài để ở đây trước tôn nhan Thiên Chúa cao cả, trong Chúa Giêsu, Thần khí Ngài có cơ hội tràn lên trong ta và đối thoại với ta. Để Ngài nói cho ta về sự kính tôn ta phải có. Nên nhớ rằng nếu chúng ta càng biết Chúa, chúng ta càng tôn thờ Ngài cách xứng đáng hơn, chúng ta càng biết mình, biết giá trị mình cũng như giá trị của tha nhân chân thực hơn.
Thường tình chúng ta muốn mình là trung tâm vũ trụ, mọi sự phải quay quanh ta cho lợi ích của ta nên ta không muốn sống lệ thuộc, và cũng không muốn thờ kính Thiên Chúa duy nhất. Chúng ta không muốn đối diện với sư thật là chúng ta chỉ là một phần rất nhỏ trong hoàn vũ. Chúng ta muốn tin rằng cá nhân mình, gia tộc mình, tổ quốc mình là đủ cho mình. Kinh hoàng biết bao khi ta biết rằng trái đất chỉ là một trong những hành tinh quay chung quanh mặt trời, và thái dương hệ cũng chỉ là một thành phần nhỏ bé trong hoàn vũ bao la! Kinh hoàng không kém khi nghe biết có thể có sự sống trong các hành tinh khác! Chúng ta không cần phải kinh hoàng hoảng sợ nếu chúng ta biết mở rộng để chiêm ngưỡng những kỳ công vĩ đại và vô giới hạn của một Chúa như Thiên Chúa chúng ta thờ.
Một tác giả Công Giáo được nhiều người biết đến, Bernard Haring, nói về thời gian khi ông còn ở trong đan viện. Ông ta thán phục một thầy dòng làm việc trong nhà bếp nhiều giờ mỗi ngày. Khi không ở trong nhà bếp, thầy thường ở trong nhà nguyện. Bernard nhớ lại lần kia khi ông hỏi thầy: "Thầy ở trong nhà nguyện lâu giờ vậy thì thầy làm gì?" Thầy dòng trả lời, rất thản nhiên, "Ô, tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi."
"Tôi nhìn Chúa," thở ra: Từ vực sâu con kêu lên Chúa, Chúa ơi. Và Chúa nhìn tôi," hít vào: Linh hồn con trông đợi ở Chúa, hơn tuần canh mong đợi hừng đông."