PDA

View Full Version : Cô gái Việt lấy chồng Nam Hàn



vũng_nước
03-12-2009, 05:05 AM
Cô gái Việt lấy chồng Nam Hàn
bị chồng đánh gẫy 18 cái xương sườn
bỏ chết dưới hầm căn nhà chồng



Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia



Cô gái Việt lấy chồng Nam Hàn bị chồng đánh gẫy 18 cái xương sườn bỏ chết dưới hầm căn nhà chồng.

Tin Hán Thành (Ngày 15/08/2007) - Câu chuyện cô gái Việt Nam, Huỳnh Mai 20 tuổi, lấy chồng Nam Hàn chưa được 1 năm đã bị chồng đánh gẫy 18 cái xương sườn bỏ chết dưới hầm căn nhà chồng, đã làm chấn động khắp Nam Hàn và Thế giới. Ðồng thời, cũng gây phẫn nộ cho 80 triệu dân Việt trong nước. Bức thư cuối cùng của cô để lại cũng làm hàng triệu người rơi nước mắt.



http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/07news/huynhmai.jpg
--------------------------------------------------------------------------------

Cô dâu Việt, Huỳnh Mai, và người chồng Hàn Quốc.

--------------------------------------------------------------------------------

Gia đình ba mẹ của Huỳnh Mai sống tại ấp Ngọc An, Xã Ngọc Trúc, Huyện Giồng Riềng, Tỉnh Kiên Giang. Ðó là một vùng quê nghèo, miền sông nước Nam Bộ, cách thành phố Rạch Giá chừng 50 kilômét về phía Ðông. Ngôi nhà lụp xụp nhất trong xóm là nơi cư ngụ của ba mẹ Huỳnh Mai.

Cô dâu Huỳnh Mai được tìm thấy đã chết trong tầng hầm căn nhà của chồng sau 8 ngày bị chồng giết với 18 chiếc xương sườn bị gẫy. Ngày 9/8/2007, Ðài truyền hình KBS của Hàn Quốc phát sóng về vụ Huỳnh Mai bị Jangamuke (chồng của cô) sát hại dã man, chỉ vì cô muốn được trở về Việt Nam. Sau 8 ngày bị giết, người ta mới phát hiện xác nạn nhân trong tầng hầm căn nhà của Jangamuke ở phường Munhoa, thành phố Cheonan (Hàn Quốc).

Ngày 18/7/2007, xác nạn nhân được hỏa táng và tro của Hùnh Mai hiện đang được lưu giữ tại Cheonan. Vụ việc ngay lập tức gây chấn động dư luận Hàn Quốc.

Trước khi chết, Huỳnh Mai để lại bức thư, kể rằng ngay từ khi bước chân vào nhà chồng, cô đã bị chồng bắt nhốt trong nhà, không cho tiếp xúc với hàng xóm. Mai muốn đi học tiếng Hàn chồng cũng không cho đi.

Sau khi sát hại vợ, Jangamuke đã bỏ trốn và ngày 5/8/2007 bị Cảnh sát thành phố Cheonan của Hàn Quốc bắt giam.

Một số bà con hàng xóm đã đến chia buồn cùng gia đình, dưới bức ảnh của Huỳnh Mai nghi ngút khói đặt phía bên trái trong căn nhà lá lụp xụp, chật chội, xiêu vẹo. Mẹ của Mai đang phải nằm tại bệnh viện tỉnh Kiên Giang chờ ngày mổ ung bướu. Hai người em của Mai đã phải bỏ học từ lớp sáu để đi làm thuê kiếm sống.

Cha của Huỳnh Mai - anh Huỳnh Văn Sáu (sinh năm 1965), gương mặt bơ phờ, chưa hết hoang mang. Anh không hiểu vì sao con mình lại bị sát hại dã man, kinh hoàng như thế.

Anh Sáu kể: "Vợ chồng tôi sinh được 3 người con, 2 gái, 1 trai. Huỳnh Mai là con gái đầu lòng, sinh năm 1987. Gia đình nghèo, không có nhà cửa, ruộng đất, mấy chục năm vợ chồng lấy nhau là mấy mươi năm đi làm thuê. Ngôi nhà lá này cũng ở nhờ của người khác...".

Nhà nghèo, Huỳnh Mai phải bỏ học từ năm lớp 7, và cũng từ đó Mai phải đi làm thuê, làm mướn cùng cha mẹ.

Năm 15 tuổi, Mai đi làm cho một Cty thủy sản ở Cà Mau, được một thời gian lại về làm công nhân cho một xưởng chế biến gỗ ở Bình Dương. Ngày 23/12/2006, nhờ mai mối, Huỳnh Mai lấy chồng người Hàn Quốc, đám cưới tổ chức tại nhà hàng Thiên Thai.

"Ðám cưới của Mai chung với 2 cô gái Việt khác nữa cũng lấy người Hàn Quốc. Tôi cũng không biết con rể tên gì, chỉ nghe người phiên dịch nói là Chan Shan Hoo gì đó, làm nghề lái taxi. Ngày cưới phía môi giới chỉ cho phép nhà gái đi dự 15 người.


http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/07news/huynhmai2.jpg

--------------------------------------------------------------------------------

Ðám cưới của Huỳnh Mai được tổ chức tập thể tại nhà hàng Thiên Thai (Ảnh do gia đình cung cấp).

--------------------------------------------------------------------------------

Lúc tổ chức lễ cưới chú rể đưa 1 phong bì. Tan tiệc phía môi giới gọi chúng tôi lại yêu cầu đưa phong bì cho môi giới xem, trong phong bì có 400 USD và họ lấy 200 USD, nói là tiền lệ phí gì đó.

Ngày 23 tháng 3 năm 2007, Mai lên máy bay sang xứ người làm dâu. Ông Sáu, ba của Mai, tâm sự tiếp, "Tôi đâu ngờ đó cũng là ngày cuối cùng vĩnh biệt người con gái của tôi".

Ông Sáu kể lại: "Qua Hàn Quốc, cứ ba bốn ngày con gái tôi lại điện thoại về nhà. Nó hỏi thăm sức khỏe mọi người, cuộc sống gia đình. Nhưng tuyệt nhiên, nó không chút than phiền về hoàn cảnh đời sống riêng tư. Cuối tháng 6 năm 2007, thì không thấy con tôi điện về nữa. Tôi chẳng biết chuyện gì nữa. Ðến ngày 12 tháng 7 năm 2007, cảnh sát tỉnh Kiên Giang đã đến nhà thông báo cho biết rằng, 'con gái ông đã bị chính chồng nó sát hại'. Tôi bất ngờ quá và căm phẫn. Gia đình chỉ mong cháu tìm được hạnh phúc nơi xứ người. Vậy mà... vậy mà...".

Trong căn nhà lá mà ông Sáu ở nhờ, trên vách tường tranh còn treo những hình ảnh em bé Huỳnh Mai thơ ngây xinh đẹp ngày nào. Ông Sáu day dứt: "Nghĩ đến con, mà lòng tôi đau thắt. Không biết lúc nào mang được nắm tro của con về nhà.

Và sau đây là lá thư cuối cùng của Huỳnh Mai, cô dâu Việt ở Hàn Quốc: "Em đã cố gắng rất nhiều để trở thành một người vợ tốt, một người mẹ tốt. Em mong muốn một gia đình đầm ấm. Em rất muốn nói chuyện nhiều với anh. Em cũng như những người con gái khác, rất muốn đối xử tốt với chồng, nhưng sao anh lại không quan tâm đến em. Em mong muốn có một gia đình đầm ấm, và trở thành một người vợ tốt đối với anh... Nhưng những ước mơ thật giản dị đó của em đã không trở thành hiện thực..."

Lá thư của Huỳnh Mai viết đề ngày 25 tháng 6 năm 2007. Lá thư là nơi trút bỏ những bức bối, nỗi niềm của Mai, khi không nói được tiếng Hàn.

Huỳnh Mai viết tiếp: "Nếu em được về Việt Nam, em sẽ tha thứ cho anh".

Huỳnh Mai do bất hòa với chồng, nên chỉ mới hai tháng ở Hàn Quốc, là muốn quay về Việt Nam. Mai không thể ngờ, đúng hôm sau khi viết lá thư, thì cô đã bị chồng sát hại. Thi thể của Huỳnh Mai, với 18 chiếc xương sườn bị gẫy, đến 8 ngày sau mới được phát hiện.

Mai viết thêm rằng: "Thực sự là em muốn trở về Việt Nam. Em mong rằng ước mơ của anh sẽ thành hiện thực, và mong anh sống đàng hoàng trở lại. Và khi về Việt Nam, em sẽ làm lại từ đầu, và sẽ đối xử tốt với ba mẹ anh."

vũng_nước
03-12-2009, 05:08 AM
Thảm cảnh Cô dâu Việt Lê Thị Kim Ðồng

bị chết tại Hàn Quốc



Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia



Thảm cảnh Cô dâu Việt Lê Thị Kim Ðồng bị chết tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc (12/08/2007) - Không chịu nổi sự hành hạ của chồng, cô dâu trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc có tên là Lê Thị Kim Ðồng, đang mang thai, túm lấy rèm cửa, buông mình từ ban công tầng 9 của tòa nhà. Rèm cửa đứt, cô bị rơi từ lầu 9 xuống đất...



http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/07news/kimdong.jpg
--------------------------------------------------------------------------------

Cô gái trẻ bạc phận Lê Thị Kim Ðồng trong ngày cưới - Ảnh do gia đình cung cấp.

--------------------------------------------------------------------------------

Ngày 10-7-2007, trong chương trình "Nhật ký phóng viên" (một chương trình khá ăn khách), Ðài truyền hình MBC đã phát một bản tin về cái chết đáng thương của một cô dâu Việt Nam.

Theo MBC, cô dâu có tên "Trần Thị Thu An" (tên thật là Lê Thị Kim Ðồng đã được MBC đổi tên) đang có thai và do bị gia đình nhà chồng hành hạ, đã tìm mọi cách trốn khỏi nhà chồng.

Ðêm 25-4-2007, từ chung cư ở Daegu (một thành phố miền trung Hàn Quốc, cách Seoul 400km), "Trần Thị Thu An" (tức là Lê Thị Kim Ðồng) đã tìm cách trốn khỏi nhà nhưng cô không dám đi thang máy vì sợ camera của thang máy phát hiện nên đã buộc rèm cửa vào người và nhảy xuống từ bancông lầu 9.

Không may rèm cửa bị tuột và "Lê Thị Thu An" bị thương rất nặng. Cô được đưa vào bệnh viện cứu chữa nhưng đến ngày 30-4-2007 thì không qua khỏi.

Báo Tuổi Trẻ của Việt Nam đăng bài phóng sự kể lại chuyến viếng thăm Gia đình của Lê Thị Kim Ðồng như sau:

Con đường vào nhà cô tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, Thành Phố Cần Thơ đầy cỏ dại, lầy lội, dân cư thưa thớt. Cũng như nhiều người ở đây, gia đình cô rất nghèo. Trước khi cô đi lấy chồng, gia đình đang chịu món nợ 60 triệu đồng do mùa màng thất bát liên tục.

Khi chúng tôi đến, bà Nguyễn Thị Huệ (mẹ Kim Ðồng) đang ở nhà một mình, thắp nhang cho con trên bàn thờ. Ông Lê Quang Thắng (cha cô) đã đi làm đồng từ sáng sớm, cách nhà hàng chục cây số, khi nghe chúng tôi đến tất tả chạy về. Bốn anh em của cô, người thì lập gia đình ra riêng, người còn đi học...

"Từ ngày con tôi chết, tôi khóc hết nước mắt. Ðời sao quá đen bạc với con. Cũng vì cái khó của gia đình mà Ðồng nhất quyết ra đi để cha mẹ già ở nhà bớt khổ. Lấy chồng Hàn Quốc tôi cứ tưởng đâu con sẽ hạnh phúc..." - bà Huệ ôm mặt nức nở.

Ðể lấy chồng Hàn, Kim Ðồng phải lên Saigòn theo một đường dây tuyển chọn cô dâu cho các chú rể Hàn. Do có nhan sắc nên cô được phía "đối tác" ưng ý liền và ngay sau đó là một đám cưới tập thể với ba đôi vợ Việt chồng Hàn Quốc khác, được tổ chức tại Ðầm Sen ngày 13-9-2006. Xong đám cưới nhà gái chỉ nhận được 300 USD và duy nhất một tấm hình cưới tập thể khổ to.

Sau đó cô dâu trở về quê làm giấy tờ, còn chú rể quay về Hàn Quốc. Ðến ngày 14-1-2007 Kim Ðồng được rước qua Hàn Quốc, sau đó sáu ngày cô làm đám cưới tại xứ kim chi. Qua xứ Hàn được một tháng, cô gửi về cho gia đình được 300 USD lo sửa lại căn nhà lá vốn đã mục nát.

Nhưng tiếp sau đó là những bi kịch dồn dập đến. Chồng nhốt trong nhà không cho ra ngoài, đánh đập cô tàn nhẫn và bắt "phục vụ" suốt đêm không cho ngủ khiến cô hoảng loạn...

"Nhiều lần con gái tôi điện thoại về khóc nức nở, nói bị chồng đối xử tệ. Chồng không cho con ra ngoài. Con tôi vừa nói vừa khóc trong thời gian rất ngắn rồi tắt máy, bởi vì cháu đợi lúc chồng đi tắm mới có thể lấy điện thoại gọi về nhà" - ông Thắng nhớ lại. Còn mẹ cô thì kể: "Trước khi con tôi chết vài ngày cháu có điện về liên tục năm lần nhưng đều bị nhỡ. Chắc con định cầu cứu chuyện gì đấy nhưng hôm đó trời mưa lớn quá tôi không nghe được tiếng chuông đổ. Sau đó tôi giữ điện thoại liên tục trong người nhưng chẳng thấy con gọi về nữa".

Ông Thắng cho biết cô con gái của ông được đưa vào Bệnh viện Ðại học tôn giáo Daegu ngày 25-4-2007 trong tình trạng não bộ xuất huyết do chấn thương, sau đó năm ngày thì qua đời tại bệnh viện ngày 30-4-2007. Ðến ngày 8-5-2007 ông nhận được điện thoại từ đại sứ quán Hàn Quốc báo tin con ông đã chết.

"Ðến nay gia đình tôi chưa biết nhiều thông tin về vụ việc này. Con chúng tôi vì sao chết? Hài cốt bao giờ gia đình mới được nhận? Gia đình chúng tôi nghèo quá, không thể tự đi lo được chuyện hậu sự của con gái mình. Gia đình chỉ biết nhờ vào các cơ quan chức năng của hai nước giải quyết, nhưng hơn ba tháng rồi vẫn chưa biết kết quả ra sao..." - ông Thắng nói.

Mắt ông Thắng đỏ hoe khi nhắc đến lời kêu cứu của con gái trước khi chết: "Chồng con lại đánh con nữa rồi, ba ơi!".

vũng_nước
03-12-2009, 05:10 AM
Lá thư chia sẻ mục vụ từ Hàn Quốc

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia




Lá thư chia sẻ mục vụ từ Hàn Quốc.


Date: Tue, 27 Feb 2007 21:34:29 -0800 (PST)
From: "Nguyen Thong"
Subject: Re: tham anh chi Luan


Kính Thăm Anh Chị Luân và tất cả mọi người thân quen.


http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/07news/vietkorea1.jpg

--------------------------------------------------------------------------------

Càng ngày càng có nhiều cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Hầu hết các người chồng Hàn Quốc này là những người lớn tuổi hay là những người đã ly dị vợ. Trong hình là những người Hàn Quốc (ngồi và đứng bên trái) được môi giới đưa vào một quán Bar ở Việt Nam để gặp và lựa chọn các cô gái Việt Nam (ngồi đối diện).

--------------------------------------------------------------------------------

Thế là đã 3 tháng, từ ngày em đến Hàn Quốc vào ngày 12 tháng 11 năm 2006. Em đã bắt tay vào việc sau khi đến đất Hàn một ngày. Công việc của em là làm tuyên úy cho cộng đồng người Philippines và Việt Nam tại Giáo Phận Busan. Người công giáo của cộng đoàn Philippines là khoảng 500 người, và cộng đoàn Việt Nam thì trên 100 người. Những số người công nhân Việt Nam làm việc và cư ngụ chung quanh vùng Busan thì khoảng trên 500 người. Họ là những người nhiều tôn giáo khác nhau.

Ngoài công việc tuyên úy cho hai cộng đoàn nói trên, em còn làm trong văn phòng tư vấn cho những người lao động nước ngoài, phục vụ cho tất cả các công nhân lao động đến từ khắp các nước. Mới đầu em cứ nghĩ là công việc chỉ đơn giản là lo các công việc mục vụ là chính, nhưng khi vào làm rồi thì mới thấy được những khó khăn và đau thương của người công nhân lao động tại Hàn Quốc. Ðặc biệt là thương cho người lao động của Việt Nam mình. Tuy làm cho tất cả các dân tộc nhưng thời gian làm việc cho các công nhân lao động Việt Nam là chiếm thì giờ nhiều nhất. Quả là không thể quên được những người dân Việt Nam đang chịu những khó khăn và đau khổ vì công việc cũng như tinh thần trên đất nước Hàn Quốc này. Dù gì cũng là những người máu đỏ da vàng và tình dân tộc. Mỗi ngày phải chứng kiến biết bao cảnh đau thương như: thất nghiệp, bị chủ đánh đập, chủ không trả tiền lương, chủ bắt ép phải làm ngày Chúa Nhật... Rồi đến những tai nạn lao động: kẻ thì đứt tay, kẻ thì mất chân do máy móc cắt đi. Người thì bị những tấm sắt lớn từ trên cao đập xuống đè dẹp cả người. Người thì tự sát vì chịu hết nổi với sự bất công của chủ và những khổ cực đang phải đối diện với cuộc sống hằng ngày. Mới đây có một cô gái vì gặp khó khăn trong công việc làm... lo sợ không biết lấy gì sống vì đang thất nghiệp, và người yêu của cô cũng đang trong tình trạng như thế, nên đã nhảy từ lầu 5 xuống, và đã chết thê thảm. Cũng một trường hợp khác tương tự như vậy, một cô gái khác cũng nhảy lầu chết tại chỗ, chỉ vì chịu hết nổi với sự bất đồng và mâu thuẫn với người chồng Hàn Quốc, khác văn hóa, khác ngôn ngữ. Và cũng vì lối đối xử quá khắt khe của gia đình bên chồng, nên cuối cùng cô đã chọn cái chết cho êm chuyện.

Việc các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc cũng là một thực tại đau thương. Hầu như trên 70 phần trăm các cô gái Việt Nam qua đây đều đã tự ly dị hay tự bỏ trốn khỏi gia đình chồng và ra ngoài làm ăn, vì không chịu nổi lối đối xử khắt khe và những khuôn khổ khác lạ bên gia đình chồng. Hiện cũng có những trung tâm hay những tổ chức từ thiện đang tiếp nhận một số các cô gái Việt Nam đang gặp những vấn đề rắc rối và đưa họ về nuôi ăn ở từng bữa cơm một. Họ là những người bị chồng đuổi ra khỏi nhà nên các cô đã ra đi tay không và phải tìm những nơi cứu trợ để giúp.

http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/07news/vietkorea2.jpg

--------------------------------------------------------------------------------

Sau khi lựa chọn (xem hình 1), Hai người Hàn Quốc là Kim Tae Goo và Kim Wan Su đã chọn hai cô Việt Nam là Bùi Thị Thùy và Tô Thị Viên. Trong hình là lễ đám cưới trước khi qua Hàn Quốc. Kim Wan Su đang vái ba mẹ của Tô Thị Viên.

--------------------------------------------------------------------------------

Em làm việc bên này, nhiều lúc thấy thương cho những hoàn cảnh đó lắm... Nhưng chỉ làm với họ trong khả năng giới hạn của mình thôi. Có những cái mà vượt quá tầm tay thì không biết bao giờ mới giúp giải quyết nổi. Có những tai nạn xảy ra rất đáng thương nhưng vì hoàn cảnh bó buộc nên đành nhắm mắt làm ngơ cho trôi qua. Có người bị tai nạn chết mà cũng không có tiền để thiêu xác đem về Việt Nam. Có những người công nhân bị đuổi việc đột ngột nên cũng không có nhà cửa để cư trú tạm thời trong thời gian tìm việc làm khác. Có những cô gái Việt lấy chồng Hàn bị gia đình chồng đuổi giữa lúc đêm khuya nên cũng không biết tìm đâu nương tựa. Hầu hết khi những việc đó xảy ra, thì họ đều tìm đến các Linh Mục Công Giáo Việt Nam để nhờ giúp đỡ. Các Linh Mục Việt Nam ở Hàn Quốc thì cũng không biết kiếm đâu ra những nguồn kinh tế để có thể giúp cho quá nhiều trường hợp như thế. Nhiều lúc cảm động lắm, vì họ không hiểu tiếng Hàn... mặt khác, nơi đất khách quê người mà có được một linh mục Việt Nam lo cho họ khi gặp những việc rắc rối đó thì họ cảm động lắm và họ cũng vững tâm, bởi vậy cứ hễ có chuyện gì xảy ra là họ lại tìm đến các Linh Mục Việt Nam.

Hằng ngày không biết có bao nhiêu cuộc điện thoại gọi đến, đại khái đều là những việc như "cha ơi! con bị đuổi việc rồi... không có nơi ở..." Hoặc có khi nửa đêm đang ngủ thì có cô Việt lấy chồng Hàn gọi đến nói là: "cha ơi! chồng con đuổi con ra khỏi nhà... giờ con biết đi đâu..." Rồi một số người khác vì sự đối xử bất công của chủ lại gọi: "cha ơi! cha giúp con đổi xưởng làm khác..." Bao nhiêu khó khăn với công việc hằng ngày đã làm cho các Linh Mục Việt Nam tại Hàn Quốc giải quyết đủ mệt mỏi rồi, lại còn phải giải quyết những việc về tâm linh nữa. Là người công giáo mà họ không được đến Nhà Thờ mỗi ngày Chúa Nhật, vì tất cả các phân xưởng đều làm luôn cả ngày Chúa Nhật, nếu ai tự bỏ phân xưởng thì bị đuổi việc. Vì vậy mà họ không được đi đến nhà thờ đều. Có người mỗi tháng đến được một lần... đa số là vài tháng mới đến được một lần. Số còn lại chỉ đi mỗi năm 2 lần thôi: đó là ngày Tết Việt Nam và Ngày lễ Noel (Giáng Sinh), vì chỉ có hai ngày đó là được nghỉ chính thức. Không có linh mục dâng lễ và ban các bí tích... cho dù làm được nhiều tiền nhưng phần tâm linh của họ lúc nào cũng bất yên. Nhiều người bỏ lễ lâu quá rồi nên cứ nghĩ là bây giờ họ không phải là người công giáo nữa. Có những người vì 4 hoặc 5 năm rồi chưa xưng tội nên họ đã quên cách xưng tội. Và nhiều người quên luôn cả các cách đối đáp trong các Nghi Thức Thánh Lễ.

http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/07news/vietkorea3.jpg


--------------------------------------------------------------------------------

Trong hình là người chồng Hàn Quốc, 40 tuổi, một tài xế xe tải. Và cô dâu Việt Nam Ngô Ngọc Quý Hồng, 21 tuổi. Một cặp vợ chồng Hàn-Việt sinh sống tại Osan, Nam Hàn.

--------------------------------------------------------------------------------

Bước chân tới đất Hàn này, các linh mục Việt Nam mới nghiệm thấy được câu nói trong Kinh Thánh "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì thiếu". Những người dân lao động ở đây khi thấy linh mục thì họ mừng lắm. Họ nói là bao nhiêu năm không có dịp tham dự thánh lễ Việt Nam và không nghe được những lời chỉ dạy của linh mục. Nay có cha sang đây là niềm hạnh phúc, là động lực cho họ để sống và làm việc.

Nhưng cũng không dễ để làm việc mục vụ ở đây. Vì chúng ta là người Việt Nam. Khi ở đất khách quê người thì mọi sự đều phụ thuộc. Khi dâng lễ hoặc tổ chức một việc gì cho cộng đoàn Việt Nam thì khó khăn lắm. Phải chờ phép tắc chỗ này chỗ nọ. Tuy Hàn Quốc là một nước có tự do tôn giáo, nhưng họ không để cho mình tùy tiện tổ chức đâu. Em nhìn thấy những người đến đây dự lễ có vẻ khép nép và không được thoải mái như quê nhà... vì địa điểm làm lễ và nơi sinh hoạt đều mượn của người Hàn. Không biết bao giờ mới được thoải mái và tự do để người Việt Nam tại đây được hưởng những hồng ân như những người công giáo ở quê nhà khi tham dự thánh lễ. Nhiều lúc có những lễ không trùng vào ngày Chúa Nhật thì càng khó khăn hơn và đành phải bỏ thôi. Vì ngày thường thì không thể mượn văn phòng để tổ chức thánh lễ cho người Việt Nam được. Chẳng hạn như thứ Tư Lễ Tro vào ngày thường, hoặc lễ Giao Thừa vào ban đêm, thì cũng không tiện mượn văn phòng để tổ chức thánh lễ được. Cũng đang lo ngại là trong Tuần Thánh năm 2007 này, không biết có thể tổ chức Tam Nhật Thánh cho cộng đoàn Việt Nam được không.

Rất mong anh chị và tất cả mọi người thân quen cầu nguyện nhiều cho em. Vài hàng kính thăm anh chị và tất cả. Những việc em vừa tâm sự trên là những thổn thức băn khoăn cho một tân linh mục như em đang làm việc mục vụ truyền giáo trên đất Hàn. Xin anh chị và mọi người tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ tinh thần cho em. Chúc anh chị và mọi người luôn khỏe mạnh và bình an trong Chúa mọi ngày

Xin anh chị chuyển lời thăm hỏi của em đến tất cả những người thân quen. Chúc anh chị và tất cả mọi người luôn khỏe mạnh, Năm Mới hạnh phúc và nhiều ơn Chúa.



Stephano Nguyễn Thông



Ðịa chỉ của em:

Rev. Fr. Nguyễn Thông
Cathlic Center of Busan
81-1 Tae Cheong Dong 4ga
Busan City, South Korea
Fax: 0082-051-4416404
Tel: 0082-051-4416403

PS: Nếu có ai có người quen cần giúp đỡ thì có thể liên lạc với cha ở địa chỉ trên (cái này của vũng_nước)

vũng_nước
03-12-2009, 05:18 AM
Rev. Cao Phuong Ky, PSS
South Korea
Rev. Nguyen Cao Sam, SVD
Divine Word Missionario
I1166 Pugahyon 3 Dong SodaemunGu,
SEOUL 120193 South Korea
Tel: (82) 2 312 0662/ 2 312 2177

xoicucnong
03-12-2009, 12:01 PM
Những cảnh đời bi đát, đau khổ và tuyệt vọng. Nhìn thấy những hào quang trước mắt, nhưng HQ lại là 1 đất nước rất "kinh khủng khiếp" nhất là với những cô dâu VN. Quả thật, đọc những dòng thư, nhưng bài viết ở trên mà k cẩm được nước mắt. Có lẽ cũng do 1 phần là vì nét văn hóa của họ, HQ vẫn còn mang đậm tính "gia trưởng" " lễ nghi phong tục" nên đâm ra tạo thành những áp lực cho người VN, mà họ lại k thoát ra được vì đồng tiền, vì miếng cơm manh áo đấp đổi qua ngày. Chỉ còn biết nhờ vào lòng nhân hậu của Chúa!!!