PDA

View Full Version : CHUYỆN ĐAU CÁI ĐẦU: CÔNG LÝ VÀ CÔNG ÍCH QUÊ TA



cafeda2009
12-12-2009, 11:19 PM
CHUYỆN ĐAU CÁI ĐẦU: CÔNG LÝ VÀ CÔNG ÍCH QUÊ TA




http://huongvedaihoidanchua.net/thumbnail.php?file=RAC_198544730.jpg&size=article_medium


Mới đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô ra thông điệp “Caritas in Veritate – Bác ái trong Chân lý”. Đọc thông điệp này, soi vào Việt Nam, ta thấy nó đụng chạm đến rất nhiều vấn đề xã hội.


Xin đưa ra hai vấn nổi cộm và nóng bỏng mà tôi rất quan tâm. Đó là tình trạng Công Lý và Công Ích trong xã hội Việt Nam hiện nay.

CÁN CÂN CÔNG LÝ ĐÃ LỆCH

Theo điều tra của Tổ chức Tư vấn về Rủi ro chính trị và Kinh tế ( PERC ) mới đưa ra, hệ thống luật pháp Việt Nam được xếp hạng gần như đội sổ trong các nước Châu Á. Chính vì thế mà không lạ gì với vô số những sự kiện, vụ án gây ngỡ ngàng trong nhân dân, Công Lý cứ như là trò hề trên đất nước này vậy !

Từ Bắc chí Nam, tôi đã nhìn thấy hàng đoàn người dân lũ lượt tay cầm biểu ngữ viết mộc mạc trên những tấm bìa các-ton, miếng vải cũ, có khi viết cả trên lưng áo mình, với nội dung kêu oan, khiếu nại, đòi Công Lý, phản đối chính quyền địa phương di dời chợ, cướp đất, cướp nhà, cướp ruộng,… Trông họ ăn dầm, nằm dề trên vỉa hè, bên lề đường lam lũ, khổ sở, thảm thương biết bao ! Họ nghèo vật chất, nghèo học vấn; khao khát Công Lý, khao khát được bênh vực và nâng đỡ. Ai thương họ, ai lên tiếng bênh vực họ đây ? Hầu như chỉ có mấy chú nhân viên công lực ra ngăn cản và lùa đuổi họ, bắt phải trở về quê thôi !

Nước ta vẫn nêu cao khẩu hiệu “công bằng, dân chủ và văn minh”, nhưng bây giờ thì ai cũng biết đó chỉ là câu để đọc diễn văn, để đăng báo, để hô ngoài miệng cho xôm trò vậy thôi. Thực tế, có ai đứng ra đấu tranh cho sự công bằng và dân chủ thì khó lòng sống yên ổn. Việt Nam ta luôn khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng một mặt lại trấn áp, bắt bớ những người biểu tình và viết blog phản đối Trung Quốc tuyên bố sáp nhập hai quần đảo này vào huyện Tam Sa của họ. Thành ra người mình bây giờ thể hiện lòng yêu nước cũng là có tội… !

Những vụ án gây ngỡ ngàng

Năm 2007, tòa án xử Linh Mục Nguyễn Văn Lý mà không cho cha mời luật sư biện hộ, thậm chí bịt miệng không cho cha lên tiếng giữa phiên tòa. Hình chụp quanh cảnh này đã được phổ biến khắp thế giới.

Năm 2008, tòa án xét xử hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến, hai ông này đã rất hăng hái viết bài trong vụ án tham nhũng nổi tiếng ở Bộ Giao thông Vận tải – PMU 18. Tại phiên tòa, ông Chiến tự bào chữa cho mình và đưa ra những bằng chứng cụ thể, lý lẽ xác thực và rất thuyết phục, nhưng tòa hầu như không thèm đếm xỉa gì đến, bản tuyên án phạt tù cứ như đã được soạn sẵn, móc trong túi ra, phán là xong !

Cách nay không lâu, dư luận đã xôn xao về một vụ án ở tỉnh Lâm Đồng: chỉ vì hai con vịt, ba ông nông dân bị phạt 13 năm tù. Ba ông nhà quê đang ngồi nhậu, nửa chừng hết mồi, mò sang trại vịt gần đó, hù chủ trại chạy trốn, rồi trộm hai con về làm thịt nhậu tiếp. Có thế mà tòa tuyên án ba bị cáo, kẻ ít người nhiều, tổng cộng 13 năm tù giam.

Lại thêm vụ án cực kỳ… kỳ cục xảy ra ngay tại Sàigòn. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ nổi danh với vụ án tham nhũng trong dự án Đại lộ Đông Tây – PCI. Ngay từ tháng 8 năm 2008, phía Nhật Bản đã xử các quan chức công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương ( PCI ) bên nước họ vì tội hối lộ quan chức Việt Nam hàng trăm ngàn đôla để giành thầu. Cơ quan công tố quận Tokyo cho biết: các bị cáo khai rằng họ đã hối lộ tổng cộng 820.000 đôla cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính. Sau đó phía Nhật đã chuyển cho Việt Nam hồ sơ vụ án gần 4.000 trang cách nay cả năm. Nhưng mãi gần đây, tháng 9 năm 2009, tòa án thành phố mới xét xử và tuyên phạt ông Sĩ 3 năm tù về một tội cỏn con vớ vẩn: lợi dụng chức vị quyền hạn cho… thuê nhà trái phép ! Không hề đả động chút xíu nào đến cái tội nhận hối lộ tày đình…

Gần đây hơn cả, một vụ án thu hút dư luận toàn miền Nam, vụ Nông trường Sông Hậu. Tòa án Nhân dân Tp. Cần Thơ tuyên phạt bà Trần Ngọc Sương, Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Nông trường Sông hậu 8 năm tù vì tội lập “quĩ đen” – quĩ trái phép.

Nông trường Sông Hậu được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động hai lần vào năm 1993 và 1998. Ông Trần Ngọc Hoằng ( đã mất ) cha ruột bà Sương được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1995 và bà Trần Ngọc Sương được Nhà Nước tặng thưởng danh hiệu này vào năm 2000. Riêng bà Sương năm 2002 còn đoạt giải “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương” và cũng là một trong ba “nữ doanh nhân thời Internet”.

Vụ án đang gây sự chú ý và bức xúc trong nhiều tầng lớp nhân dân, từ quan chức, trí thức đến thường dân… Có 101 người dân ở Nông trường Sông Hậu làm đơn xin đi “ở tù thay” cho bà Sương. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi Bộ trưởng Bộ Công an – Lê Hồng Anh, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ, cả đại biểu QH Dương Trung Quốc… đều đã lên tiếng và có ý kiến về vụ án này.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng cho rằng bà Sương không hề phạm tội lập quỹ trái phép. Luật sư Trương Văn Thành nhấn mạnh thêm: Việc kết án về tội “lập quỹ trái phép” như thế là không đảm bảo tính hợp pháp. Còn Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam gọi đó là “sự vô lý” từ vụ án bà Trần Ngọc Sương…

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hết sức bất bình và phản đối bản án phúc thẩm dành cho bà Sương. Về cáo buộc lập “Quỹ đen” đối với bà Trần Ngọc Sương, nguyên Phó Chủ tịch nước khẳng định: "Đây không phải là "Quỹ đen” mà phải gọi đúng tên là “Quỹ đời sống”, trong thời gian đó người ta cũng gọi đây là "Quỹ đời sống”. Cô ấy duy trì quỹ đó không phải để cho riêng mình tiêu xài, cũng không hề có gì dấu giếm để phục vụ cho lợi ích cá nhân”.

Còn nhiều vấn đề về Công Lý và pháp luật lắm, bản thân tôi cũng không biết đủ, chẳng biết hết mà kể ra được, mà giả như có kể hết được ra đây thì thiết tưởng, cũng chỉ tổ làm mất thời giờ quí độc giả. Thực là cán cân Công Lý đã lệch rồi, thì tất nhiên muôn sự cũng theo đó mà nghiêng đi…

NAY LẠI BÀN SANG CÔNG ÍCH

Một xã hội, một đất nước muốn phát triển ổn định, phải chú trọng đến Công Ích. Thiếu Công Ích, xã hội sẽ bị phân hóa, chia rẽ, cục bộ và trở nên rối beng, nhếch nhác chuệch choạc vô cùng… ! Thế mà xem ra Công Ích bị xem thường quá lẽ ở đất nước ta !

Những điều không thể làm ngơ

Cứ cho là đất nước ta còn nghèo, chưa lập được Quĩ Phúc lợi Xã hội, cho nên những người nghèo, người có hoàn cảnh đặt biệt, người thất nghiệp không biết phải cậy nhờ vào đâu mà sống. Họ lang thang, vất vưởng, quần áo lem luốc, bới rác nhặt bọc… sống lây lất vật vã qua ngày. Là người mà sống chẳng xứng với phẩm giá con người !

Chẳng lẽ nước ta nghèo đên độ nhà vệ sinh công cộng cũng không xây được cho đàng hoàng sao ? Lâu lâu mới tìm ra được một nơi thì than ôi, chẳng thể gọi là “vệ sinh” được, dơ bẩn khai thối nồng nặc, không ai dám vào, thành ra dân ta cứ “tự nhiên tưới cây” bờ tường hốc cây bên đường phố, khách Tây khác Tàu qua lại cứ mặc kệ…

Thỉnh thoảng có được một khu vui chơi giải trí, công viên, bờ hồ… thì đầy rẫy rác rến. Mọi người thản nhiên xả rác bừa bãi trên lối đi, thảm cỏ, vứt cả xuống mặt hồ nước… gây mất vệ sinh và mỹ quan không chịu nổi. Mặc dù đã có đặt đây đó khá nhiều thùng rác, vẫn có rất ít người ý thức được chuyện phải bỏ rác vào thùng.

Rất nhiều nhà máy, phân xưởng sản xuất, trại chăn nuôi vô tư thải chất ô uế và độc hại ra môi trường. Điển hình như công ty bột ngọt Vedan, tuồn hàng 100 tấn chất thải giết chết dòng sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại trầm trọng kinh tế và sức khỏe người dân quanh vùng.

Đại dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, với hàng triệu tấn chất thải bùn đỏ độc hại, cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống, nguồn nước uống của nhân dân các tỉnh dọc hai bên sông Đồng Nai và lan cả về đến Thành phố Sàigòn.

Những con đường bị "hành hạ"

Đường phố quê ta mới tội làm sao ! Hành khách đi trên xe đò, xe buýt, ăn bánh trái thì cứ thả cửa mà quăng ném xuống đường, nào là lá bánh, vỏ trái cây, cùi bắp… Ở các nước văn minh, nếu có ăn uống, mà chưa gặp thùng rác, thì người ta cho rác vào một cái túi, bỏ luôn vào giỏ của mình, khi nào gặp thùng rác mới vứt vào, không thì mang về tận nhà bỏ vào thùng rác.

Tại các quán ăn vỉa hè, thực khách đa số là dân nhậu vẫn vui vẻ quẳng khăn giấy, cọng rau, xương cá và cả những cục xương gặm nham nhở ra ngoài lối đi… Trong nhà, các bà các cô quét nhà, quét sân mạnh tay hất thẳng rác đủ loại ra ngoài đường. Nhà ta sạch là được, đường là của thiên hạ, muốn ra sao thì ra…

Ống khói xe buýt trên nguyên tắc bị buộc phải thiết kế đưa lên cao khỏi đầu người đi ngoài lộ, chứ đâu như bây giờ, thật quá “mất lịch sự”, cứ nhằm ngay vào mặt vào mũi người đi sau mà xả những luồng khói đen đặc. Lại cộng thêm cả vài năm nay, vụ đào đường làm lô-cốt, đất cát vương vãi, mặt đường mấp mô, nhếch nhác, khói bụi mù mịt, ô nhiễm lại càng trầm trọng thêm…

Nào ai nghĩ đến ích chung, nào ai nghĩ đến giữ gìn cho nhau ?

Tham gia giao thông, thì mạnh ai nấy giành giật đường mà đi, không phép tắc luật lệ gì. Người đâm ngang, người xọc ngược, kẻ lấn tới khóa chặt ngay đầu xe nhau, thành ra không ai đi được, và cùng đứng hít khói bụi. Cho nên, kẹt xe đâu phải chỉ vì con đường hẹp, mà còn do ý thức, do lòng người gây ra…

Nhức nhối về an toàn thực phẩm

Lâu nay, vấn đề này vẫn được nhắc tới, nhưng giải pháp khắc phục thì chưa thấy đâu, tình trạng nguy hại của thực phẩm vẫn chẳng khả quan hơn chút nào.

Khi chế biến thực phẩm, rất ít ai quan tâm lo lắng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Người ta chỉ vì hám lợi ham tiền, thoải mái sử dụng hàn the, phân đạm, có khi cả formon để ướp bún, ướp thịt cá cho tươi lâu, khỏi bị hư thối… Nước tương, nước mắm làm bằng những nguyên liệu rất bẩn, rồi cứ việc cho nhiều chất khử mùi, rồi phẩm màu vào là chẳng ai biết đấy là đâu…

Chất bảo quản có thể gây ung thư ở trong thực phẩm, đột xuất lấy mẫu kiểm tra xét nghiệm, thường phát hiện liều lượng vượt quá giới hạn cho phép rất nhiều lần. Ví dụ như mấy ngày này, dư luận đang bức xúc kinh sợ về chuyện cháo dinh dưỡng cho trẻ em, đã chế biến mất rất vệ sinh lại còn cho thêm chất bảo quản nguy hại. Thật tội cho những chồi non bé bỏng cũng không thoát nạn ngộ độc thức ăn !

Nếu ai có dịp vô tình tạt qua nhà bếp phía sau các nhà hàng, nhất là các quán ăn vừa và nhỏ để “bắt quả tang” qui trình chế biến, nơi chốn chế biến thì có khi ta sẽ hết hồn, bỏ đi thẳng, không còn dám ăn bất cứ thứ gì được dọn ra nữa. Cả một đống rau sống chỉ được nhúng qua, rửa sơ xài bằng thứ nước lã cũng không được sạch cho lắm, thế là mang ra, thực khách cứ vui vẻ vô tư mà ăn ngon lành.

Những quán ăn vỉa hè thì ôi thôi, đừng nói đến an toàn thực phẩm làm gì. Chỉ nội khâu rửa chén dĩa, nghĩ đến đã đủ kinh hồn. Vài ba chậu nước mà dùng để rửa cả đống chén bát đũa muỗng, nguyên chất tẩy rửa không được xả kỹ đã đủ độc hại cho người dùng, nói chi những thứ vô hình khác…

Người sản xuất rau, củ, quả thì ra sức cho đủ các loại thuốc dưỡng cây, kích thích vào cho nông sản lớn mau như thổi. Rồi lại dùng thuốc Trung Quốc để “phù phép” cho quả xanh thành chín, mang đi bán cho khách mua ăn thoải mái, trong khi chính bản thân mình và gia đình mình thì thú nhận rồi chẳng bao giờ dám ăn những thứ đó…

Nhiều hãng sản xuất đồ nhựa, lấy cả rác thải y tế từ bệnh viện và những nguyên liệu nhựa tạp nham đem nấu và gia công chế thành các đồ gia dụng. Nhất là những loại tô, chén bát, ly, ca được chế từ loại nhựa đó, người sử dụng dùng đựng đồ ăn đang còn nóng sốt, hoặc đổ nước sôi vào lấy cho bệnh nhân uống thì có nguy cơ bị ung thư, rất nguy hiểm !

Người ta vẫn gọi khách hàng là “thượng đế”, nhưng vẫn không bỏ lỡ cơ hội… cắt cổ “thượng đế”. Xét một cách nào đó, khách hàng như là “ân nhân” của những người làm ra sản phẩm, nhờ có khách hàng và người tiêu dùng, người sản xuất mới có công ăn việc làm. Đáng ra, người sản xuất phải biết trả ơn ân nhân bằng việc làm ra sản phẩm tốt lành, an toàn, chứ có lẽ đâu lại mà đi làm hại ân nhân như thế !?!

Âu cũng là do chẳng mấy ai nghĩ đến cái lợi cho người khác, cái lợi chung của cộng đồng xã hội. Mà chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân mình, gia đình mình, và những cái thuộc về mình. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi…

Vết thương cần được chữa lành

Những chuyện đại loại như trên thì còn nhiều lắm, không sao kể hết được, mà có lẽ quí độc giả cũng biết rồi, tôi chỉ liệt kê một số đại khái mà thôi. Nhưng vấn đề là chúng ta phải làm gì để khắc phục đây ? Chẳng lẽ cứ để nó tồn tại như một điều đương nhiên trong xã hội ta vậy sao ?

Trong phần dẫn nhập Thông Điệp “Caritas in Veritate”, Đức Thánh Cha Bênêđitô VI đòi buộc mọi người phải dấn thân cho Công Lý và Công Ích, bằng việc bảo vệ và phục vụ theo các cơ chế qui định của đời sống xã hội: pháp lý, dân sự, chính trị và văn hóa, chứ không phải đứng ngoài kêu gọi suông hay hô hào cho có ( x. số 7 ).

Trong chương I, với chủ đề Sứ điệp của Thông Điệp “Populorum progressio”, Phát triển các dân tộc, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: giáo huấn về xã hội của Giáo Hội đã đón nhận những chứng từ nơi các Thánh và tất cả những người hiến thấn phục vụ Đức Kitô trong Công Lý và Hòa Bình. Theo Đức Thánh Cha Phaolô VI, những việc dấn thân cho Công Lý và Hòa Bình bằng tình yêu của Đức Kitô đều thuộc về việc Phúc Âm hóa – rao giảng Tin Mừng ( x. số 12, 15 )

Chương II số 21, khi bàn tới vấn đề "Phát triển con người ngày nay", Đức Thánh Cha cho rằng sự tìm kiếm lợi lộc, lợi nhuận như một đối tượng duy nhất “và mục đích tối hậu không phải là Công Ích, thì có nguy cơ tàn phá sự giầu sang phong phú và tạo nên nghèo đói”. Ngài dẫn chứng lời Đức Thánh Cha Phaolô VI rằng: “Sự tăng trưởng thực sự phải có ích cho mọi người”.

Chương IV, với chủ đề "Sự phát triển các dân tộc, các quyền lợi và nghĩa vụ, môi sinh", Đức Thánh Cha nhắc nhớ các tín hữu và mọi người rằng, môi trường sống là quà tặng của Thiên Chúa cần phải sử dụng trong tinh thần trách nhiệm bảo vệ và làm cho nó nên tốt đẹp hơn. Ngài lưu ý mọi người khi sử dụng môi trường phải chú lý đến quyền lợi của người nghèo và các thế hệ tường lai. Và “cách thức con người xử sự với môi trường, sẽ ảnh hưởng đến cách thức con người xử sự với chính mình. Vì thế xã hội hiện tại cần phải cẩn thận xem lại lối sống của mình…” ( x. số 48 – 51 ).

Tóm lại, để xây dựng một xã hội văn minh, đã đến lúc cần phải loại bỏ tư tưởng “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Và thiết nghĩ mỗi người phải dấn thân hành động cụ thể một điều gì đó, cho dù nhỏ nhất, ví như nhất định không xả rác xuống đường, dẫu cho đường phố đang có sẵn đầy rác… Hay như bà cụ già kia tình nguyện ra đầu hẻm chỉ lối cho xe cộ có thể đi tắt qua con hẻm nhà mình vào giờ cao điểm…

Có một hình ảnh rất dễ thương, nếu bạn nào hay đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, vào buổi trưa quãng 12g mỗi ngày, sẽ thấy một ông già mặc chiếc áo thun cũ kỹ, quần tây, đầu đội mũ lưỡi trai, tay cầm cái cây đem theo một cái bịch, ông đi gom rác khắp sân và chung quanh Nhà Thờ, tôi biết rõ ông già ấy chính là... cha Bùi Thông Giao, một Linh Mục DCCT, nhiều bạn trẻ chắc cũng biết rõ, vì cha Giao hay dạy Giáo Lý Hôn Nhân.

Theo tinh thần câu thành ngữ của người Anh: “Thà thắp lên một ngọn nến, hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”. Và có lẽ, để xã hội nên ngay chính, lịch sự và văn minh, phải bắt đầu từ mỗi người chúng ta có ý thức và hành động ngay chính, lịch sự và văn minh, đồng thời khuyến kích người khác và giáo dục thanh thiếu niên sống như vậy. Mong thay…!

LONG THÀNH, Sàigòn, Mùa Vọng 2009

(Nguồn: http://huongvedaihoidanchua.net)