PDA

View Full Version : GIỚI THIỆU GIÁO XỨ HOÀ LẠC - PHÁT DIỆM



anhhuongtho
14-12-2009, 08:03 AM
ĐÔI NÉT VỀ HÒA LẠC

I. TÊN GỌI:

Hoà Lạc, tên rất đẹp; Hoà là hoà thuận; Lạc là vui vẻ. Năm 1829, ông Nguyễn Công Trứ lập ra huyện Kim sơn, và đặt tên cho các làng.
1. Làng Hoà Lạc:

Có từ năm 1829. Chiều dài 10 cây số, phía Bắc lên bên trên Đường quan, khu đất này gọi là Đồng lĩnh, giáp giới đồng làng Phúc Nhạc. Phía Nam xuống qua đường 10 ra đến đê Ngự Hàm. Gọi là "Ngự Hàm" nghĩa là "chống nước mặn".
Năm 1830, ông Nguyễn Công Trứ xắng đắp đê Đường quan, phía Đông từ Phụng Công qua các làng sang phía Tây đến Hảo nho. Ong Trứ rất khôn ngoan: vì cho đào rất nhiều sông để thau chua, rửa mặn, ruộng nước cấy được cói, rồi cấy lúa sau. Ong lại khôn ngoan: phân chia các làng kề ngang có 3 đạc (180 m), hoặc một đạc rưỡi (90 m), làng to có 4 đạc (240m) để đo ruộng mau chóng. Thế này: lấy một cái gậy dài hai mét mang đi đo, làng ngang 3 đạc thì đo 10 gậy là một mẫu ruộng, làng ngang 4 đạc thì đo 7 gậy rưỡi là một mẫu ruộng.
Cho nên các làng huyện Kim Sơn cảm phục và nhớ ơn ông Nguyễn Công Trứ, đã xây miếu thờ ông ở làng Lạc Thiện sát Đường 10 và hàng năm cúng giỗ kỷ niệm.
Nên biết thêm: cái gậy 2 mét nói trên gọi là "cái ngũ". Vì "ngũ" chữ Nho là 5, nghĩa là 5 thước ta; mỗi thước ta dài 0m40, vậy năm thước ta là hai mét. Dùng cái ngũ đi đo ruộng rất tiện lợi mau chóng.
2. Họ Hoà Lạc

Ong Nguyễn Công Trứ cũng rất khôn ngoan, khi xếp các hộ dân đến ở các làng mới lập. Ong đã xét đến Tôn giáo của dân: người cùng một Tôn giáo ở cùng nhau dễ sinh hoạt. Vậy xếp người đi lương ở với nhau, người đi giáo ở với nhau. Nhiều làng toàn dân đi giáo, nhiều làng khác toàn dân đi lương. Nếu làng "xôi đỗ", nghĩa là có cả lương cả giáo, thì xếp dân đi giáo vào mấy xóm này, xếp dân đi lương vào mấy xóm kia. Giỏi tâm lý thật !
Nhiều gia đình đi giáo ở một làng hợp lại thì thành ra "Họ đạo". Năm 1829 có làng Hoà Lạc thì cũng chung quanh năm ấy có "họ Hoà Lạc". Bấy giờ các Họ từ Trì Chính lên đến Như Sơn đò 10 đều thuộc về xứ Phúc Nhạc, cho nên họ Hoà Lạc cũng thuộc về xứ Phuc Nhạc. Từ 1842 ăn về xứ Tôn Đạo. Họ Hoà Lạc đi giáo gần toàn tòng, chỉ có mấy gia đình đi lương ở giữa làng, bên trên nhà thờ.

3. Xứ Hoà Lạc

Năm 1912, Đức cha Thành (Marcou) lập ra xứ Hoà Lạc bởi giáo xứ Tôn đạo chia ra. Cha Phêrô Vinh đang làm pho xứ Tôn đạo về làm chính xứ Hoà Lạc.
Bấy giờ chỉ có hai họ đaọ, là họ Trị sở Hoà Lạc và họ Chí Tĩnh. Về sau có họ Thái Hoà ở bên ngoài sông An, do cha Vinh lập. Gần đây thêm họ Xuân Hoà ở ngoài đồng giáp đê Ngự Hàm, đời cha Phêrô Phúc kiêm coi xứ Hoà Lạc.
II. CÁC HỌ TRONG XỨ
Như vừa nói: xứ Hoà Lạc nay có 4 họ.
1. Họ Trị sở

Họ Hoà Lạc là họ to, được chon làm họ Trị sở, địa điểm nhà xứ để cha xứ ở và quản trị xứ. Họ Hoà Lạc thành lập chung quanh năm 1829 cùng với làng Hoà Lạc, như đã nói ở trên.
2. Họ Chí Tĩnh

Là họ lẻ ở làng Chí Tĩnh, họ này cũng thành lập năm 1829 cùng với các làng, các họ thuộc huyện Kim Sơn. Đầu tiên họ này ăn về xứ Phúc Nhạc, từ 1842 có xứ Tôn Đạo thì ăn về xứ Tôn Đạo. Đến 1912 chia xứ Hoà Lạc thì họ Chí Tĩnh ăn về xứ Hoà Lạc.
3. Họ Thái Hoà

Ngày xưa gọi là "Trại" vì có ít người, ở bên kia sông An. Về sau dân ra nhiều thì được lập họ lẻ gọi là họ Thái Hoà, đời cha Phêrô Vinh chính xứ Hoà Lạc, năm nào không biết.
4. Họ Xuân Hoà

Dân di cư dần ra phía Bể đến gần đê Ngự Hàm. Khi đã đông người thì lập ra họ lẻ Xuân Hoà, đời cha Phêrô Phúc kiêm coi xứ Hoà Lạc, không biết năm nào. Họ này tương đối mới, chưa có nhà thờ họ. (Thực ra, nay giáo họ Xuân Hoà đã co nhà nguyện nhỏ, để Mình thánh thường xuyên. Nhà nguyện này do cha Gioan B. Bùi Văn Kế xây dựng).
III. CÁC NHÀ THỜ

1. Nhà thờ họ trị sở, rồi thành nhà xứ từ năm 1912. Nhà thờ này làm bằng gỗ, nhỏ như nhà thờ xứ Dục Đức hiện nay. Cuối nhà thờ cũng xây mặt tiền, kiểu như nhà thờ xứ Dục Đức. Hai bên làm cửa bằng gỗ tạp, năm 1930, tôi đã thấy cũ kỹ và mọt ăn nhiều. Nhà thờ này đang chờ được rỡ đi, và xây dựng lại.
2. Nhà thờ xứ hiện nay

Nhà thờ này xây bằng gạch to lớn, với hai hàng cột tròn, có cả cây tháp cao với quả chuông tây lớn. Trên cung thánh xây 3 toà cao to: Đức Mẹ ở giữa, Trái Tim Chúa và Thánh Giuse hai bên. Ở bàn thờ cạnh, phía Nam, có toà ông thánh Phêrô quan thày họ và xứ Hoà Lạc, bên kia, phía Bắc, có toà bà thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, quan thày các nơi truyền giáo.
Nhà thờ có trần từ đầu. Về sau trần hỏng thì cha Phêrô Phúc sửa lại chắc chắn hơn, năm 1983.
3. Nhà thờ họ Chí Tĩnh

Nhà thờ cũ ngày xưa bằng gỗ, tôi không biết. Nhà thờ mới hiện nay xây bằng gạch, theo kiểu nhà thờ xứ Tôn Đạo , đời cha già Vinh. Xây năm nào? Muốn biết thì đến xem nhà thờ, trông lên xà nhà xem họ có viết niên hiệu không, hoặc hỏi các ông trùm trưởng, các cố có nhớ năm xây nhà thờ này.
4. Nhà thờ họ Thái Hoà

Nhà thờ này xây dựng do cha già Vinh. Còn năm nào thì đến xem nhà thờ, hoặc hỏi các ông trùm trưởng có biết thì mách giúp ta.
IV. CÁC CHA XỨ

1. Cha già Phêrô Đỗ Đình Vinh sinh năm 1872 quê ở họ Tiên Lý xứ Đạo Truyền (Hà nội), chịu chức linh mục năm 1910, làm phó xứ tôn Đạo. Đến năm 1912 về mở xứ Hoà Lạc làm chính xứ. Năm 1922 có cha Cửu đang làm phó xứ và rửa tội cho cha Sỹ mới sinh năm ấy. Năm 1932, có cha Phụng đang làm phó xứ. Con mấy cha phó nữa không biết.
Cha già Vinh xây nhà phòng xứ, xây nhà thờ họ Chí Tĩnh và Thái Hoà.
Năm 1932, cha đổi về làm Quản hạt xứ Cách Tâm. Năm 1948, cha hưu trí ở xứ Dục Đức. Năm 1954, cha về nhà thương Phú Vinh, và qua đời ở đấy ngày 26-10-1955, hưởng thọ 83 tuổi, mộ chôn ở đất thánh nhà chung Phát Diệm.
2. Cha già Phêrô Trần Đức Tuân sinh năm 1891 quê ở xứ Tam Tổng(Thanh hoá), chịu chức linh mục năm 1924 một lớp với Đức cha Phùng và 4 cha nữa. Năm 1932, cha đang làm phó xứ Cách Tâm, thì đổi về làm chính xứ Hoà Lạc. Đến năm 1937, cha đổi về xứ Yên Bình? Năm 1954 cha về xứ Tôn Đạo, kiêm coi xứ Khiết Kỷ và xứ Thuần Hậu. Cha qua đời ngày 07-02-1966 hưởng thọ 75 tuổi, chôn tại đất thánh Tôn Đạo.
Cha là anh ruột bà Anna Hương, dong Mến Thánh giá Phát Diệm. Bà ấy làm bà Mẹ 1937-1950 ở Lưu Phương, và 1954-1960 ở Gò Vấp- Sài Gòn.
3. Cha Phêrô Đỗ Xuân Thính sinh độ năm 1904 quê ở xứ Hoài Lai, chịu chức linh mục năm 1934 một lớp với Đức cha Giuse Thanh và 4 cha nữa. Cha làm phó xứ Hướng Đạo 1934-1936. Năm 1936 đổi về làm phó xứ Hoà Lạc. Năm 1937 làm chính xứ thay cha già Tuân.
Người có công rất lớn là xây nhà thờ xứ năm 1938 đến giữa năm 1939 khánh thành. Có các cha này làm phó kế tiếp nhau: Phanxicô X. Ngọ, Phaolô Đệ, Phêrô Điện (Rôma), Simon Duy.
Năm 1948 người đổi lên chính xứ Như Sơn. Năm 1954 đi Nam và qua đời 1988, hưởng thọ 84 tuổi. (Phần mộ của ngài nay nằm tại nền thánh giá đất thánh xứ Thánh Mẫu (Bảo Lộc).
4. Cha Bênađô Nguyễn Quang Nhung sinh 14-08-1913, quê ở họ Tuy Lai, chịu chức linh mục 09-11-1942.
Cha làm phó xứ Mưỡu Giáp 1942-1945; phó xứ Phát Diệm 1945-1946; chính xứ Hiếu Thuận 1946-1948; chính xứ Hoà Lạc 1948-1949- tròn 1 năm, rồi 1949 đổi về Phát Diệm làm Tuyên uý các đoàn Thanh niên địa phận đến năm 1954 đi Nam. Hiện nay, 2004, cha đã 91 tuổi, đã mừng Ngọc Khánh Linh mục, và ở An Dưỡng viện Gò Vấp.
5. Cha Phanxicô X. Phạm Quang Minh sinh năm 1898, quê ở Quân Triêm, là anh ruột cha Phạm Bá Cử, chịu chức linh mục 1930. Cha làm phó xứ rồi chính xứ Bình Hoà, chính xứ khoan Dụ, Quảng Phúc. Năm 1948, nhà thờ Cách Tâm bị cháy, cha về sửa nhà thờ giúp cha cố Vinh. Năm 1949, cha làm chính xứ Hoà Lạc có một năm, đến 1950 lại lên xứ Khoan Dụ.
Năm 1954, cha lại về Bình Hoà, rồi Cách Tâm và ở đấy đến khi qua đời ngày 09-09-1966 hưởng thọ 68 tuổi, được chôn ở đất thánh Quân Triêm.
6. Cha Phêrô Đoàn Độc Thư, sinh độ năm 1900, quê ở họ Thượng Khu, xứ Hướng Đạo, là anh ruột cha Giuse Đoàn Phi Hùng. Cha chịu chức linh mục năm 1931, làm cha giáo Chủng viện Phúc Nhạc, rồi Thượng Kiệm, làm Tuyên uý các Hội đoàn chung địa phận.
Năm 1950 cha về làm chính xứ Hoà Lạc đến 1952, có cha Giuse Hiệp làm phó xứ giúp cha. Năm 1954 cha đi Nam và qua đời trong ấy, năm 1976, hưởng thọ 76 tuổi.
7. Cha Gioan Hương sinh độ năm 1902, chịu chức linh mục 1933 một lớp 6 cha mới. Cha làm phó xứ Như sơn, làm chính xứ Phúc Hải và có công lớn xây nhà thờ xứ ấy. Năm 1952, cha về làm chính xứ Hoà Lạc, có cha Giuse tụng làm phó. Năm 1954, cha đi Nam và qua đời lúc nào không biết.
8. Đức cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến sinh 1900 quê xứ Mỹ Điện ( Thanh Hoá), linh mục ngày 05-04-1930.
Người làm phó xứ Khiết Kỷ 1930, mở xứ Hoàng Mai 1933, chính xứ Hiếu Thuận 1938, Văn Hỉa 1946, Trì Chính 1949, Phúc Hải 1952. Năm 1954, về Hướng Đạo, kiêm Ứng Luật, Hoà Lạc, Phú Hậu. Năm 1966, kiêm thêm Tôn Đạo, Khiết Kỷ, Thuần Hậu.
Năm 1974, người về Phát Diệm làm cha chính, thay Đức cha Thanh mới qua đời. Ngày 24-04-1977, Người thụ phong Giám mục phó Phát Diệm, vẫn đi các xứ đã nói để làm lễ Chúa nhật, lễ trọng, cho đến khi qua đời đột ngột 15-12-1981.
Như thế, người kiêm coi xứ Hoà Lạc 27 năm.
9. Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, giám mục Phát Diệm, kiêm coi xứ Hoà Lạc từ năm 1981, có cha Phêrô Nguyễn Quang Phúc làm phó ở Phát Diệm và đi đi về về Hoà Lạc.
Năm 1988 cha Giuse Trần Vawn Khoa thụ phong linh mục ngày 25-09 và ở quê hương Hoà Lạc làm phó xứ cho đến năm 1994 đổi về làm chính xứ Sào Lâm. (Nay đang làm chính xứ Phúc Nhạc, kiêm thêm ba xứ Bình Hoà, Tam Châu và Gia Lạc).
Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến là Giám mục phó, kiêm xứ Hoà Lạc từ 1994 đến 1996.
10. Cha Gioan B. Bùi Văn Kế thụ phong linh mục 1996 ở Phát Diệm, kiêm phó xứ Hoà Lạc. Đến 2001 cha về làm chinh xứ Hướng Đạo, kiêm coi Ứng Luật, Hoà Lạc.
Cha Gioan B. Bùi Văn Kế quê xứ An Ngải. Ngày 02-03-2004, cha đổi về làm chính xứ Hoà Lạc, kiêm coi xứ Phú Hậu và Thuần Hậu.
V. CÁC CHA QUÊ HƯƠNG

1. Cha Gioan Trần Duy Hoà là linh mục đầu tiên quê Hoà Lạc. Cha sinh ra độ năm 1902, là con ông cố Trần Văn Trữ. Bà cố cha là người họ Duy Hoà sinh được có mấy người con rồi chết sớm, mộ chôn ở đất thánh Hoà Lạc. Ong cố lấy bà vợ thứ hai quê ở họ Đồng Đắc xứ Hướng Đạo, và đến chung sống với nhau tại Đồng Đắc.
Năm 1933, cha Hoà thụ phong linh mục, một lớp với cha Hương nói ở trên kia, và 4 cha nữa, tất cả là 6 cha mới. Vì gia đình ở Đồng Đắc, nên ông cố tổ chức ăn mừng ở Đồng Đắc. Hoà Lạc không bằng lòng, nói rằng: �Cụ Đồng Đắc!� cho nên có ít người đi ăn mừng đám này !
Cha Hoà làm cha phó xứ Trì Chính 1933- 1934, cha phó xứ Hảo Nho 1935-1936. Đến năm 1937, cha đổi về Phương Thượng làm cha chính xứ đầu tiên. Cha xây nhà phòng, nhà các thày, các chú, nhà cơm, nhà kho, nhà bếp. Cha mua nhiều gạch chuẩn bị làm nhà thờ mới.
Năm 1945 cha đổi về xứ Hiếu Thuận. Đến năm 1951 cha ốm yếu nghỉ dưỡng bệnh ở xứ Tân Mỹ, và năm 1954 đi Nam, rồi qua đời trong ấy không biết năm nào.
2. Cha Luca Trần Hùng Sỹ là linh mục thứ hai quê Hoà Lạc. Cha chịu chức linh mục ngày 12-06-1953, và Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ cho phép cha về ăn mừng to ở quê hương, vì chưa có bao giờ ăn mừng cha nào ở Hoà Lạc. Cha Sỹ khai khoa.
3. Cha Antôn Trần Văn Cẩm là linh mục thứ ba quê Hoà Lạc. Cha sinh độ năm 1924, là con ôngt cố Vượng gốc tổ ở Cộng Nhuận xứ Quyết Bình. Bà cố Vượng quê Hoà Lạc là con ông cố Huân, nhà ở cuối nhà thờ Hoà Lạc. Hai ông bà cố và gia đình đều sống ở đấy.
Cha Cẩm là con cố Nhạc (Réminiac) thuộc giáo phận Thanh Hoá, đã học Chủng viện Ba làng và Chủng viện Xuân Bích Ha nội. Cha thụ phong linh mục độ năm 1954 rồi đi Nam, và qua đời sớm, thọ bốn năm mươi tuổi. Không biết năm nào, vì cha mắc bệnh lao, tiêm thuốc nóng bị ù tai giảm thính lực.
Cha có bà chị ruột là bà Isave Tình, dòng Mến Thánh giá Phát Diệm. Bà Tình đã làm bà Nhất, rồi làm bà Cai, ngày nay gọi là Tổng Quản �lý ở Lưu phương. Bà ấy đi Nam và qua đời 17-01-1989 thọ 80 tuổi.
Nói lại về ông cố Huân chơi diều Khổng lồ. Chính mắt cha già Sỹ, khi còn bé, đã xem thấy chiếc diều Khổng lồ và ông cố Huân còn sống cơ. Chiếc diều dài hơn 2 mét, với bộ sáo khổng lồ, chỉ bay lên trời được khi có gió to bão lớn. Thú chơi độc đáo thật. Khi bão lớn, người khác lo chống nhà khỏi đổ, thì ông cố Huân điều khiển đội quân mang diều ra đâm trong mưa gió bão, mời lang nước nghe bộ sáo khổng lồ kêu trầm hùng, đời người có vài lần.
4. Cha Mátcô Trần Xuân Thành là linh mục thứ bốn quê Hoà Lạc. Cha sinh ra ngày 17-08-1930, là con ông bà cố Chánh Khảm, là cháu ông cố Phó Khoản. Cha già Sỹ, khi còn bé, đã xem thaays ông bà cố Phó Khoản, và ông bà cố Chánh Khảm.
Chú Thành ở nhà xứ Hoà Lạc giúp lễ cha Phêrô Đỗ Xuân Thính là cha xứ, rồi đi học Chủng viện phúc Nhạc và Chủng viện Thượng Kiệm. Năm 1954, thày Thành đi Nam, và thụ phong linh mục ngày 07-03-1959 làm mục vụ ở miền Nam. Năm 1975, cha Thành đi sang Mỹ quốc, làm mục vụ bên ấy và qua đời 28-04-2001, thọ 71 tuổi.
Cha Thành đã về thăm Hoà Lạc 1997, từ nước Mỹ xa xôi, và tổ chức ăn mừng ở nhà xứ. Cha là ân nhân lớn của xứ Hoà Lạc: đã giúp tiền xây ao hồ, xây tường bao quanh nhà thờ, làm cổng sắt, xây núi Đức Mẹ Lộ Đức và Hang đá Giáng sinh.
5. Cha Gioan Nguyễn Như Yêng là linh mục thứ năm quê Hoà Lạc. Cha là con ông bà cố Lới. Ong cố Lới là con ông Trương Soạn ở họ Thái Hoà. Bà cố Lới tên cái là cô Thục, con ông bà Hội Ky ở Hoà Lạc. Bà Hội Ky có họ với cha già Sỹ.
Sau khi kết bạn với nhau, ông bà cố Lới ở nhà bà Hội Ky mãi đến năm 1954 đi Nam. Chính quyền xã trưng dụng khu nhà này làm Trụ sở Uỷ ban xã, rồi sau bán cho ông cố Tựa là bố thày Thực, đang còn ở bây giờ 2004.
Chỉ biết cha Yêng thụ phong linh mục năm 1968. Các điều khác: học tập Chủng viện, làm mục vụ ở trong Nam thế nào: xin viết thơ hỏi cha Yêng kể ra.
Cha Yêng giỏi khá: cha đã ra Phát Diệm giảng tuần Tĩnh tâm các cha, từ ngày 3 đến 6 tháng 9 năm 2001, và đến làm lẽ ở Dưỡng Điềm.
6. Cha Tôma Phượng là linh mục thứ 6 quê Hoà Lạc. Cha là con ông bà cố Long. Ong cố Long là con ông Trùm Bộp. Cùng gia đình, cha đi Nam, học tập và thụ phong linh mục năm 1975. Các điều khác hãy viết thư hỏi cha, vì cha già sỹ không được thông tin không biết.
7. Cha Giuse Hoàng Minh Thắng
Là thứ 7 quê Hoà lạc. Cha là con ông bà cố giáo Tiễn. Ông cố tiễn là con ông chánh Khương đã làm lý trưởng và phó trương. Ông cố Tiễn làm ông giáo dạy học trường Tư thục xứ Hoà lạc. Ông tránh Khương là con ông chánh Đăng, nhà ở đầu giong Nhà thờ Hoà lạc, gần bờ sông.
Bà cố Tiễn tên cái là cô Đào, là con ông bà chánh trương Bài. Ông trương Bài là con ông trùm Chức, bà trương Bài là con ông cựu Mỹ.
Cùng gia đình chú Thắng đi Nam khi còn bé, học tập giỏi, đi du học ở Roma, chịu chức Linh mục năm nào không biết. (Thụ phong Linh mục: 24/04/1977). Cha Thắng không hề về nước, nhưng ở lại Roma, tham gia Đài Vaticanô của Toà thánh, làm phát ngôn viên nói tiếng Việt vào Đài. Các điểm khác xin hỏi Cha ấy kể ra.(Các dữ kiện khác, xin xem thêm bên Danh sách các tu si Hoà Lạc).
8. Cha Giuse Trần Văn Khoa
Là linh mục thứ 8 quê Hoà lạc. Cha sinh năm 1960 là con ông cố Giáo, là cháu ông trùm Huấn. Bà cố Giáo là con ông trùm Bính.
Sau khi học tập ở ngoài Bắc, thày Khoa vào Nam học Thần học, rồi trở về Phát diệm và thụ phong Linh mục ngày 25-09-1988 do Đức Cha già Tạo truyền chức một lớp với Cha Antôn Phan Văn Tự.
Cha làm mục vụ ở quê hương Hoà lạc ít lâu rồi đổi lên xứ An ngải trước, xứ Sào lâm sau. Cha đã tổ chức ăn mừng Khánh thành Nhà thờ xứ An ngải do cha Gioan B. Dũng xây. Về Sào lâmCha đã sửa Nhà thờ xứ và nhà phòng đẹp đẽ khang trang hơn trước.
Đến tháng 08 năm 1999 Cha đổi về chính xứ Phúc nhạc, kiêm các xứ Nam biên, Gia lạc, Tam châu và Bình hoà. Cha đã xây mới nhà thờ Gia lạc đẹp đẽ hơn xưa, khánh thành năm 2004.
Cha Khoa có họ máu với Cha già Sỹ: vì là cháu chắt của hai bà tổ là chị em ruột bà mục Liễu là chị, bà trùm Đạt là em. Bà mục Liễu sinh bà trùm Huấn là con, bà trùm Huấn sinh ông cố Giáo là cháu, ông cố Giáo sinh cha Khoa là chắt.
Bà trùm Đạt sinh bà cố Khang là con, bà cố Khang sinh cha già Sỹ là cháu. Vậy cha Sỹ ngang hàng với ông cố Giáo, cho nên cha Khoa phải gọi cha già Sỹ là chú họ.
9. ChaGiuse Trần Đức Dậu
Là Linh mục thứ 9 quê làng và xứ Hoà lạc, nhưng ở họ Thái hoà bên kia sông đê Ân giang. Cha Dậu là con ông cố Bốn, là cháu ông trùm Khiết.
Cha già Sỹ chỉ biết được có vậy.
Các điều khác: tên thánh, tên họ Cha là gì? Năm sinh, học tập, năm chịu chức Linh mục và làm mục vụ thế nào? Hãy hỏi Cha ở miền Nam.
(Giuse Trần Đức Dậu
Sinh: 1945
Thụ phong Linh mục: 1972
Chính xứ Thanh Hải, Phan Thiết).

10. Cha Antôn Trần Ngọc Bách
Linh mục thứ 10 quê Hoà lạc. Cha sinh năm 1960, là con ông cố Hồng, là cháu ông chánh Khảm, là chắt ông phó Khoản. Số 4 trên kia đã nói Cha Thành là con ông cố chánh Khảm, là em ông cố Hồng: nên Cha Bách gọi Cha Thành là chú ruột. Gia đình hạnh phúc, vì được hai Linh mục chú cháu.
Thày Bách nhận cha Phêrô Phúc là nghĩa phụ, đi học Chủng Viện Hà nội 6 năm, đi giúp xứ 1 năm, và thụ phong Linh mục ngày 1-1-2004 là Tết Tây, do Đức Cha Giuse Yến truyền chức tại Nhà thờ lớn Phát diệm, một lớp 9 Cha mới.
Cha Bách được Toà Giám mục sai về làm chính xứ Như tân kiêm xứ Tùng thiện, từ đầu tháng ba năm 2004.
VI. CÁC TU SỸ
1. Các Thầy giúp xứ Hoà lạc.

Nhiều lắm, mấy chục Thầy, chỉ còn biết những thầy này: Giuse Khâm, phêrô Quí, Gioan Vi, Phêrô Hiền, Phao lô Thất và Phêrô Mai sau đã xuất về gia đình; thầy 4 chức Gioan Trực, thầy Gioan B. Duỵ, Antôn Sử, thầy Phêrô Long và thầy cuối cùng đang giúp xứ năm 1954 đi Nam. Thầy Long ở lại, sau đó về Nhà chung Phát diệm.
Thầy Phêrô Phan Văn Long quê ở Phương Trung xứ Phát diệm, sinh năm 1889, lĩnh bằng thầy giảng năm 1914, năm 1964 thầy đã mừng Kim khánh thầy giảng và qua đời năm 1968 hưởng thọ 79 tuổi, chôn Đất thánh Nhà chung. Thầy đã có công trông coi thợ xây nhiều nhà thờ to trong giáo phận, như nhà thờ trường thử Trì chính vvv?
2. Thầy quê Hoà lạc là thầy Mathêu Ngô Phúc Thừa, con ông bà mục Liễn.

Thầy sinh năm 1904, lớn lên vào ở nhà xứ với cha gìa Vinh là nghĩa phụ. Đi học các Chủng viện Ba làng, Phúc nhạc, Thượng kiệm. Thầy đã học xong Triết lý, vì ốm yếu ra giúp xứ. Thầy đã làm Giám thị( Xưa gọi là ông già Đốc) trường thầy giảng Phát diệm lâu năm. Sau ra giúp xứ Cách tâm, Khiết kỷ, đi Nam và qua đời ngày 28-12-1979, hưởng thọ 75 tuổi. Thầy Thừa có họ máu với cha Sỹ và cha Khoa.
3. Các Chủng sinh quê Hoà lạc

Năm 2004 các Thầy này học Chủng Viện Hà nội:

1. Phêrô Nguyễn Văn Hiện, sinh năm 1969, con ông cố Kiệm
2. Giuse Trần Công Hoan, sinh năm 1966, con ông cố Minh
3. Vinhsơn Trần Minh Thực, sinh ngày 23-10-1971, con ông cố Tựa
4. Giuse Nguyễn Cao Hoàn, sinh ngày 12-09-1978, con ông cố Thảo
5. Phêrô Trần Văn Phàn, sinh ngày 03-06-1979, con ông cố Hà.
VII. CÁC NỮ TU
Các Nữ tu quê Hoà lạc, thuộc dòng Mến Thánh giá.
1. Dòng Mến Thánh giá Phát diệm:

- Bà Isave Ly con ông phó Viết, nặng tai sống lâu nhất.
- Bà Isave Tĩnh con ông cố Vượng, chị cha Cẩm, làm bà Nhất ở nhà lẻ, rồi làm bà Cai( Tổng Quản lý) ở nhà mẹ. Bà qua đời ngày 17-1-1989 hưởng thọ 76 tuổi.
- Bà Isave Trần Thị Nhẫn, sinh năm 1918 học trường Sainte Marie Hà nội, đỗ Brevet đầu tiên của Dòng, đi Nam làm Bà Mẹ từ 1960 đến ngày qua đời 24-4-1984 là đúng 4 khoá liền. Bà đã đi Roma họp Hội nghị các bà Mẹ các Dòng thế giới, gặp Đg Hoàng Phaolô VI. Bà Tổng Thanh là con thiêng liêng bà mẹ Nhẫn. Khi qua đời bà mẹ Nhẫn thọ 66 tuổi bà là con ông bà tràm Sắc.
- Hiện nay có mấy chị trẻ đang học tập hoặc đã khấn.
2. Dòng Mến Thánh giá Thanh hoá

- Bà Maria Diệm là con ông bà quản Ninh, đi tu dòng Mến Thánh giá Thanh hoá, làm bà Mẹ, đã qua đời.
3. Dòng Mến Thánh Xuân lộc

- Bà Thục là chị, bà Sâm là em, con ông bà mục Hạp, đi Nam tu dòng Mến Thánh giá Giáo phận Xuân lộc. Bà Sâm lam bà Mẹ. Bà Thục đã về thăm quê hương Hoà lạc.
(Về các linh mục, tu sĩ Hoà lạc, xin xem thêm Danh sách Tu sĩ Hoà Lạc ).

VIII. CÁC ÔNG CHÁNH PHÓ TRƯƠNG
* Người họ Trị sở
a. Các ông này làm Chánh trương:

Ông trương Tới, ông trương Bình, ông trương Bích có bộ râu dài đến rốn.
Ông tổng Ninh làm Chánh tổng và làm Chánh trương.
Ông trương Hiến dâng tiền lợp một mái Nhà thờ xứ và mua Kèn tây lập ra Hội kèn đồng.
Ông trương Bài đang làm Chánh trương thì đi Nam.
Ông cố Khang là thân sinh cha già Sỹ.
Ông trương Ký, ông trương Nhâm.
Ông trương Đường là con ông Mạnh Ca đoàn.
Các ông này làm phó trương:
Ông trương Khương là bố ông giáo Tiễn và là ông nội cha Thắng đang ở Roma.
Ông trương Minh, ông trương Hà.
* Người họ Chí tĩnh:

Ông trương Tùng làm phó trương đời cha già Vinh.
Ông trương Hiển đang làm Chánh trương.
* Người họ Thái hoà:
a. Các ông này làm phó trương:

Ông trương Soạn là ông nội Cha Yêng ở Sài gòn.
Ông trương Cạnh, ông trương Tập.
Ông trương Đường.
Ông này làm Chánh trương: Ông trương Tuyển.
TỔNG KẾT
Phong cảnh cổ thụ
Ngày xưa có câu ca dao:
"Hoà lạc có bóng cây đa
Ai đi đến đấy, cửa nhà đều quên!"

Cây đa rất to trồng ở Đường 10, giáp giới hai làng Hoà lạc và Như độ. Cây này rất to vì ra nhiều cành phụ chống xuống đất, thành một khóm đa rất lớn, dưới bóng mát có hàng nước cho lữ khách nghỉ ngơi giải khát lấy sức lại trước khi tiếp tục đi đường.
Bên cạnh về phía Hoà lạc có cây Đề một thân cũng rất to, như cái cột Nhà thờ Phát diệm. Vì ngày xưa ngươì ta quen trồng cây Đa và cây Đề đi với nhau. Về sau mở Đường 10 rông ra: 2 cây này bị chặt hết trong năm 1974. Thật đáng tiếc: mất cây cổ thụ hơn 100 tuổi, phong cảnh mất cổ kính!!!
Chùa Hoà lạc
Bên trên cây Đa và cây Đề vừa nói, có Chùa thờ Phật, có ông sư trụ trì. Vì làng Hoà lạc có một ít đồng bào đi lương, bên lương xây Chùa như bên giáo xây Nhà thờ. Đúng chính sách của Nhà nước ta là: tự do tín ngưỡng, tự do Tôn giáo, và tự do thay đổi Tôn giáo. Cho nên anh em bên lương được tự do đi Đạo theo bên Giáo, tôn thờ Thiên chúa là Đấng tạo thành trời đất và nhân loại cách riêng.
Cha già Luca Trần Hùng Sỹ 83 tuổi, là đàn anh đi trước viết ra những trang sử này trối lại cho hậu thế, đàn em kế tiếp viết thêm ra. Mục đích là để cho hậu sinh, con cháu biết Lịch sử quê hương Hoà lạc nhà ta, hầu vui mừng tạ ơn Chúa đã cho chúng ta sống trong khung cảnh tốt đẹp này.
Chúng ta hãy sống "hoà thuận vui vẻ", như tên gọi "Hoà lạc" rất đẹp. Chúng ta có thể tự hào hiên ngang với những thành tích quê hương đã lập được. Chúng ta hãy lập thêm nhiều thành tích mới, để quê hương ngày cành hoà thuận vui vẻ tốt đẹp hơn nữa.
Chúng ta hãy kiếm, hãy chụp, hãy góp nhiều tranh ảnh vào quyển Lịch sử Hoà lạc này; để sách thêm phong phú và hấp dẫn bạn đọc hơn.
Mong còn nhiều ảnh khác chụp về Nhà thờ, Nhà xứ, Nhà Giáo lý, Đất thánh và ảnh các Cha, các thầy, Ban chấp hành xứ v.v.?
Nhà Hưu Phát diệm
Ngày 22-10-2004
Cha già
Luca Trần Hùng Sỹ.
* Vì muốn giữ nguyên bản của tác giả, nên xin tạm thêm một số chi tiết trong ngoặc để vấn đề được rõ ràng hơn. (VH).

:read::read::read: