PDA

View Full Version : CHỢ TÌNH KHÂU VAI



Ti_Amo
15-12-2009, 09:13 AM
CHỢ TÌNH KHÂU VAI

để tìm lại người tình cũ và mong gặp người tình mới.
Người Kinh có chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, chợ Đông Ba ở Huế và chợ Bến Thành ở Sài Gòn. Người miền sơn cước Việt Bắc có một ngôi chợ mang một cái tên vô cùng lãng mạn và thơ mộng, có lẽ không tìm thấy trên thế gian và trong cõi đời này. Ngôi chợ lạ lùng đó là Chợ Tình Khâu Vai.
Chợ Tình Khâu Vai nằm ở tỉnh Hà Giang, giáp giới với Trung Quốc thuộc xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.
Chợ không nằm nơi đông người qua lại, không nằm trên bờ sông thuyền bè tấp nập chạy ngược chạy xuôi, cũng không nằm cạnh những ngôi chùa khói hương nghi ngút, đường đi lối lại dễ tìm dễ nhớ. Chợ nằm cách thị xã Hà Giang 150 cây số, trên một đỉnh đồi hình cánh cung, có những thửa ruộng hình cầu thang chạy tròn chung quanh một cách lớp lang đều đặn.
Chợ nằm lọt thỏm trong một thung lũng lúc nào cũng mờ sương, một vài ngôi nhà gỗ lụp xụp nép mình trong gió núi, lúc tỏ lúc hiện như những bóng ma chập chờn...
Nhưng chính ở vùng sơn cước hẻo lánh xa xôi nầy, hàng năm cứ vào ngày 27 tháng 3 âm lịch, lại có một chợ phiên náo nhiệt vô cùng, hàng trăm hàng ngàn người các bộ lạc chung quanh rủ nhau đi họp chợ. Họ đi đơn độc hay từng đoàn trên đồi trên núi, có khi hàng ba bốn ngày đêm, giữa cảnh thiên nhiên yên tĩnh vô cùng, chỉ nghe có gió thổi ngọn cây và tiếng chim muông trong rừng thẳm.
Họ họp chợ không phải để mua để bán như những chợ ở miền xuôi, cũng không họp nhiều phiên một năm một tháng mà trái lại, chợ chỉ họp một năm có một phiên, một lần...
Cũng như mọi sự việc và địa danh trên miền sơn cước, cái gì cũng bắt đầu bằng một huyền thoại, nửa thực nửa hư, nửa có nửa không, gieo vào lòng người nghe một cảm giác thích thú mơ hồ, như gần mà xa và như xa mà gần...
Hai người yêu nhau
Chợ Tình Khâu Vai xuất phát từ một câu chuyện tình. Chàng trai là người Nùng và cô gái là người Giáy. Theo phong tục của các sắc tộc thiểu số miền sơn cước thời bấy giờ, trai gái hai sắc tộc và bộ lạc khác nhau không được lấy nhau, có lẽ vì mỗi bộ lạc có một vùng rừng núi thổ sản của riêng mình, họ không muốn cho nó lọt vào tay bộ lạc chung quanh.
Chàng trai tên Ba và cô gái tên Út. Chàng là người vạm vỡ, khôi ngô, tuấn tú, cả bản ai cũng mến thương và ca ngợi. Còn các thiếu nữ chưa chồng lại càng mến thương và ca ngợi hơn nữa, chỉ mong sao cưới được chàng làm chồng, cho thỏa lòng mong đợi từ lâu...
Còn cô Út là một thiếu nữ đương thời xuân sắc, lúc nào cũng mặc chiếc váy thổ cầm màu sắc vui tươi rực rỡ, đi tới đâu là các chàng trai trong bản ngắm nghé đến đó, có chàng si tình còn đứng ngẩn ngơ bên bờ suối hay dưới lùm cây cao....
Sẵn là người có nhan sắc mặn mà chất phác, nàng còn biết ca biết múa. Trong khi đó thì chàng Ba lại là người đờn hay, tiếng đờn ban đêm thường vang xa tới bản của nàng Út khiến nàng ca theo trong đêm vắng, tiếng đàn tiếng hát quyện vào nhau như cành cây trước gió, như nước chảy trên nguồn. Rồi họ tìm đến nhau và đưa nhau lên hang núi Khâu Vai để tình tự âu yếm ngày đêm, miệt mài hạnh phúc.
Rồi từ đó, cứ mỗi đêm trăng sáng vằng vặc, người Nùng và người Giáy dưới chân núi lại được nghe tiếng đờn tiếng hát của đôi tình nhân miền sơn cước.
Nhưng buồn thay. Tiếng đờn tiếng ca du dương trầm bổng nầy không làm quên đi mối thù truyền kiếp lâu đời giữa bộ lạc Nùng và Giáy. Tiếng đờn ca càng du dương trầm bổng bao nhiêu thì mối thù truyền kiếp lại càng mạnh mẽ ác liệt bấy nhiêu...
Rồi vào một đêm trăng thanh gió mát, gia đình cô Út rất giàu có vác súng săn, gậy gộc, cuốc cào, xông vào bản chàng Ba đâm chém lung tung, máu me văng tung tóe trên đất, trên cỏ. Tiếng kêu la thảm thiết làm át cả tiếng đờn tiếng hát trên hang núi cao.
Đôi tình nhân Ba và Út đứng trên cao nhìn xuống, lệ tràn ướt mi, trái tim đập hồi hộp như muốn vỡ tung trong lồng ngực. Nàng ôm chàng và chàng cũng ôm nàng. Hai người bảo nhau phải hy sinh tình duyên của mình để chấm dứt thảm họa chém giết giữa hai bộ lạc và cứu mạng những người còn sống trong lo âu sợ hãi. Trước khi chia tay, họ thề rằng kiếp sau sẽ gặp nhau nên duyên vợ chồng. Ngày chia tay đó là ngày 27 tháng 3.
Và kể từ ngày đau thương đó, cứ vào ngày này tháng này, cho mãi muôn đời về sau, người dân Khâu Vai thường mời thầy mo tới cúng giỗ, và cả hai bộ lạc Nùng và Giáy đều cùng nhau hối lỗi, đã làm tan vỡ cuộc tình đẹp miền sơn cước, và có lẽ cũng là một cuộc tình đẹp vào hàng nhất nhì trong lịch sử nhân loại...
Và cũng đã từ lâu, không biết bắt đầu từ năm nào, nam thanh nữ tú hai bản Nùng và Giáy này đã được tự do yêu nhau, lấy nhau. Họ cũng đưa nhau lên hang núi Khâu Vai để tình tự âu yếm công khai, trong bóng tối hay dưới ánh trăng vàng thổn thức.
Và cũng từ ngày đó, Khâu Vai biến thành ngôi chợ mang cái tên rất tình tứ: Chợ Tình Khâu Vai.
Chợ không họp mỗi tuần, mỗi tháng, mà chỉ họp mỗi năm một lần, vào đúng ngày tháng nói trên, để kỷ niệm ngày chia ly của chàng Ba và nàng Út.
Chợ họp không phải để chia tay nhau mà họp để mọi người tìm lại người tình cũ hay tìm được người tình mới. Những cặp vợ chồng đang sống với nhau hạnh phúc êm đềm mà trong lòng vẫn còn in hình bóng người xưa cũ tình duyên trắc trở, cứ vào phiên chợ nầy thì có thể tìm gặp nhau trong một ngày, từ sáng sớm đến nửa đêm.
Họ không hẹn nhau trước vì không có phương tiện liên lạc bằng điện thoại hay thư tín. Họ cứ leo đèo lội suối, có khi đi cả ba bốn ngày đường mới tới Chợ Tình Khâu Vai, mong gặp lại người tình cũ. Họ thường là những người lớn tuổi, con cháu đầy đàn, đàn ông đầu tóc bắt đầu bạc phơ còn đàn bà thì nhan sắc đã về chiều, nhưng trong lòng tình xưa vẫn còn như mới nở. Nếu một cặp vợ chồng cả hai cùng gặp lại người tình cũ, thì ông đi đường ông, bà đi đường bà. Cặp tình nhân cũ lại rủ nhau đến ngồi bên bờ suối, đàng sau một tảng đá hay thuê một con thuyền độc mộc trôi lơ lửng theo con suối nước trong. Mạnh ai người nấy chuyện trò thân mật, tay cầm tay, mặt nhìn mặt, ai trông thấy cũng ngoảnh mặt làm thinh vì mọi người đều biết đây chỉ là mối tình cũ một ngày, với sự đồng ý của cả hai bên.
Có cặp nhân tình cũ còn thuê ngựa đi vào rừng vắng, khuất mắt một thời gian, cho đến khi gần nửa đêm, sương đã xuống nhiều và gió bắt đầu lạnh buốt thì mới từ rừng ra ngoài chợ, vừa mệt mỏi vừa sung sướng. Họ lại chia tay trong đêm tối, chẳng khác nào ngày trước chàng Ba và nàng Út đã chia tay như vậy. Họ cũng bịn rịn, cũng nhớ thương và hẹn nhau gặp lại ngày này năm sau. Nhiều phóng viên trong và ngoài nước đã chụp được những cảnh chia ly như vậy, trông thật là cảm động...
Đó là những cặp tình nhân cũ may mắn được gặp lại người xưa. Nhưng có những cặp vợ chồng cả hai cùng không gặp lại người tình cũ, đành ngồi bên nhau chờ tới lúc ra về. Họ không thất vọng, họ không buồn phiền mà chỉ coi Chợ Tình Khâu Vai là một sân khấu tình cảm, những cặp tình nhân cũ chỉ diễn lại chuyện ngày xưa có một lúc, rồi lại chia tay, ai về nhà nấy, tiếp tục cuộc sống vợ chồng, hết năm này qua năm khác.
Nhưng tội nghiệp nhất là có những bà lớn tuổi, ngồi chờ bên lề đường hay trên một tảng đá mà tìm mãi không thấy người yêu cũ. Các bà cúi mặt xuống, lấy khăn quàng cổ, che kín đầu và chạnh lòng nhìn những đôi tình nhân cũ thủ thỉ trong đêm tối, thỉnh thoảng lại nghe tiếng cười khúc khích hay tiếng thở dài nhè nhẹ, lưu luyến...
Những người tuổi trẻ
Không phải chỉ có những cặp vợ chồng cao niên mới thỏa thuận cho phép nhau tìm lại người tình cũ mà những chàng thanh niên mới lớn lên cũng được tự do đi tìm những nàng sơn nữ để tỏ tình yêu ban đầu, mong sao có thể trở thành vợ thành chồng sau chợ phiên Chợ Tình Khâu Vai.
Các chàng trai từ bản xa ăn mặc bảnh bao, đầu tóc chải chuốt, thấy cô sơn nữ nào đi qua cũng nhìn thẳng mặt. Nếu người đẹp sơn nữ thấy hợp nhãn thì nàng dừng lại để bắt chuyện làm quen, tay nàng lúc nào cũng cầm một bó hoa rừng để sẵn sàng tặng người tình mới. Nếu không phải duyên phải số thì người đẹp lại tiếp tục đi trên đường vắng, nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây cho tới khi gặp bóng dáng một chàng trai vừa ý.
Nếu gặp người trong mộng thì cặp nam thanh nữ tú cầm tay nhau leo lên trên núi dốc, cười cười nói nói vang cả một khu đồi núi hoang vu tịch mịch. Có khi chàng và nàng đi nhanh quá, cả hai cùng lăn xuống bờ cỏ, thân mình vẫn quấn vào nhau như hai con rắn, không ai muốn rời ai...
Nhiều cặp trai gái đã nên duyên vợ chồng trong Chợ Tình Khâu Vai. Gia đình chàng trai đem lễ vật sang nhà gái xin cưới hỏi đàng hoàng, theo nghi lễ của những người miền sơn cước ở Hà Giang.
Nhưng tội thay! Trên bờ suối hay bên lề đường, vẫn có những cô sơn nữ ngồi một mình từ sáng đến nửa đêm mà không gặp được người mình mơ ước. Có cô lấy khăn lau nước mắt trong khi đàng xa vẳng lên tiếng đờn của ai trong đêm tối, khi vui khi buồn, nói lên cảnh buồn vui lạ lùng của Chợ Tình Khâu Vai.
Nếu chàng Ba và nàng Út có thể chỉ là những nhân vật huyền thoại, hoang đường thì Chợ Tình Khâu Vai là một ngôi chợ có thật. Người viết bài nầy đã được xem một DVD mô tả ngôi chợ lạ lùng đó, có nhiều phóng viên trong và ngoài nước quay phim để làm kỷ niệm hay đem bán lại cho du khách.
Nguyễn Trọng
Tác giả Nguyễn Trọng
dunglac.net