PDA

View Full Version : Tình hình không ổn định trong các tôn giáo ở Mỹ



dvtung
04-03-2008, 06:03 PM
Tình hình không ổn định trong các tôn giáo ở Mỹ

[align=justify:a4a6487685]Nhận định của Linh mục John Flynn, LC

Rome (Zenit) - Hơn ¼ người lớn Mỹ đã rời bỏ đức tin họ được giáo dục hồi nhỏ. Đây là khám phá quan trọng nhất được công bố tuần trước do Diễn đàn Pew về tôn giáo và Cuộc sống Công cộng (Pew Forum on Religion and Public Life).

Lúc nào cũng thế, các cuộc thăm dò đều có những điều để ta nghi ngờ, nhưng “Cuộc Khảo Sát về Khung Cảnh Tôn giáo tại Hoa kỳ” được căn cứ trên những cuộc phỏng vấn hơn 35 ngàn người tuổi từ 18 trở lên, do đó đáng tin cậy hơn hầu hết những cuộc thăm dò ý kiến khác. Tuy nhiên Pew cũng cảnh giác rằng diễn đàn chỉ dựa vào sự tự mô tả của người được phỏng vấn về chuyện theo đạo, không xét đến các niềm tin chuyên biệt hoặc coi xem họ có là thành viên tích cực trong giáo hội của họ hay không.

Không những cuộc nghiên cứu đã thấy có 28% đã thay đổi tôn giáo họ theo thời nhỏ, mà nếu kể cả sự đổi hệ phái của các tín đồ Tin Lành thì đã có tới 44% người lớn thay đổi đạo dưới hình thức này hay hình thức khác.

Một khám phá lớn khác của cuộc thăm dò là đạo Tin Lành sẽ chẳng bao lâu nữa không còn là tôn giáo chiếm địa vị đa số. Chỉ còn 51% nay cho biết họ là thành viên của một trong những hệ phái Tin Lành. Các cuộc thăm dò vào thập niên 1970 và 1980 cho biết số tín đồ Tin Lành có khoảng 60 đến 65% dân số.

Có ba dòng chính nơi các giáo hội Tin Lành. Giáo hội Tin Lành Evangelical chiếm 26.3% số người lớn trong nước và chiếm gần ½ tất cả số người Tin Lành. Tin Lành Dòng chính (mainline) chiếm 18.1% số người lớn và chiếm hơn 1/3 tất cả người Tin Lành. Giáo hội Tin Lành Da Đen chiếm 6.9% số người lớn và gần 1/7 tổng số người Tin Lành.

Cuộc thăm dò Pew trưng dẫn sự nghiên cứu của các học giả cho biết rằng các hệ phái thuộc Tin Lành Dòng chính thiệt hại nhiều vì giảm số tín đồ trong những thập niên qua, trong khi đó Tin Lành Evangelical có tăng trưởng.

Sự mất mát của Công giáo

Một nhóm khác đã mất mát một số lớn là giáo hội Công giáo. Cuộc thăm dò Pew cho biết rằng trong khi 31.4% người Mỹ được nuôi dạy theo Công giáo, thì ngay nay chỉ còn 23.9% người lớn cho rằng mình còn là người Công giáo. Theo tính toán này thì gần 10% người Mỹ trước đây là người Công giáo nay đã đổi đạo.

Yếu tố giúp cho số người Công giáo không sụt nhiều hơn nữa là con số lớn người di dân Công giáo, hầu hết là gốc Hispanic (46% di dân là người Công giáo, theo thăm dò Pew).

Sự hiện diện càng ngày càng gia tăng của người Hispanic trong giáo hội Công giáo thường được giới truyền thông bình luận. Ngày 19 tháng 2, tờ Chicago Tribune tường thuật lễ truyền chức cho 7 phó tế vĩnh viễn gốc người Hispanic tại giáo xứ St. Nicholas of Tolentine, phía nam Chicago.

Trích dẫn nguồn tin chính thức, bài báo nói rằng trong số hơn 600 phó tế vĩnh viễn ở tổng giáo phận Chicago, có 150 là người Hispanic.

Sự hiện diện của người Việt trong giáo hội Công giáo cũng gia tăng. Mặc dầu bản thăm dò Pew không tường trình về điều này, nhưng một bài báo trên tờ Los Angeles Times phát hành ngày 15 tháng 4 năm ngoái đã đi rất xa khi gọi những người Việt này là “người Ái nhĩ lan mới”.

Người Á châu chỉ chiếm 1% số người Công giáo tại Hoa kỳ nhưng chiếm 12% tổng số chủng sinh. Trong quận hạt Orange County ở bang California, nơi cư trú của cộng đồng Việt nam lớn nhất bên ngoài Việt nam, gần 28% số linh mục trong giáo phận là người châu Á, hầu hết là người Việt.

Không theo đạo nào

Một loại đang gia tăng rõ rệt là số người không theo tôn giáo nào. Theo cuộc thăm dò Pew, 7.3% người lớn nói họ rời bỏ đức tin khi trưởng thành. Tuy nhiên, trong số người lớn, tỉ lệ này tăng thành 16.1%. Mọi tôn giáo đều bị ảnh hưởng bởi chiều hướng mất mát tín đồ khi chuyển từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành.

Trong số những người không theo một tôn giáo nào riêng biệt, có 44% người được nuôi dạy theo Tin Lành từ nhỏ và 27% người được nuôi dậy theo Công giáo từ nhỏ.

Sự mất mát tôn giáo tuổi thơ được bình luận trong một bài báo đăng trên New York Times phát hành ngày 8 tháng 12. Bài báo tường trình rằng theo kết quả cuộc nghiên cứu của nhà xã hội học Christian Smith thì nhiều người trẻ đang cố kéo dài thời niên thiếu. Lối sống đó gồm có việc trì hoãn kết hôn cho tới năm sau 30 tuổi, và sống nhờ vào cha mẹ một thời gian lâu hơn.

Smith cũng thấy rằng những người kéo dài thời niên thiếu cũng thường bỏ tôn giáo của tuổi ấu thơ để không theo tôn giáo nào. Một khi kết hôn và có con cái, họ thường tìm về với tôn giáo, nhưng thời gian kéo dài tuổi niên thiếu càng lâu thì việc tìm về với tôn giáo càng có ít cơ hội thực hiện.

Cuộc thăm dò Pew cũng nhìn vào các tôn giáo nào có nhiều thành phần là người đổi niềm tin. Phật giáo, Nhân chứng Jehova, Unitarians và thành viên nhóm Đời sống Mới (New Age) là những nhóm có nhiều người đến từ các niềm tin khác.

Chẳng hạn, ít nhất 2/3 thành viên Nhân chứng Jehova đã được nuôi dậy trong các tôn giáo khác hoặc lúc nhỏ không theo tôn giáo nào. Tỷ lệ này tăng gần như ¾ trong số phật tử.

Hai nhóm đó cũng có tỷ lệ thấp nhất trong việc lưu giữ tín đồ: Nhân chứng Jehova, chỉ có 37% người lớn lúc nhỏ được nuôi dạy trong Nhân chứng Jehova nay còn giữ đạo này, tỷ lệ này là gần 50% nơi Phật tử.

Đối lại, các nhóm khác, có tỷ lệ người tòng giáo thấp hơn nhiều. Chín trong 10 người theo Ấn giáo được nuôi dạy theo Ấn giáo từ nhỏ, 89% người Công giáo và 85% người theo Do thái giáo được nuôi dạy theo Công giáo hoặc Do thái giáo từ nhỏ.

Nhiều hướng

Một yếu tố nổi bật trong cuộc thăm dò Pew là nguy cơ tổng quát hóa, một khi các yếu tố như nguồn gốc dân tộc, tuổi tác được xét tới thì sẽ có những khác biệt to lớn.

Thí dụ, 35% người Latino và 37% người gốc Á cho biết họ đã đổi đạo họ theo từ thuở nhỏ. Đối lại, tỷ lệ này cao hơn, nơi người da đen là 42%, và da trắng là 45%.

Người lớn da đen là nhóm có số người nhỏ nhất không theo tôn giáo nào, chỉ có 12% người được hỏi tự nhận họ ở trong loại này. Kết tiếp là người gốc Á: 23%.

Đa số người Hispanics (58%) tự nhận mình là Công giáo, còn 24% là thành viên các giáo hội Tin Lành.

Tuổi tác cũng là một yếu tố tạo thành những khác biệt lớn. Trong lớp người 70 hoặc già hơn thì nơi số người đổi đạo, hơn một nửa đã thay đổi tôn giáo trong cùng truyền thống, chẳng hạn từ hệ phái Tin Lành này sang hệ phái khác. Trái lại, những người tuổi dưới 30, gần ¾ những người đổi đạo, là bỏ đạo để theo đạo khác khoặc không theo đạo nào.

Trong thực tế, ¼ số người lớn dưới 30 tuổi không gia nhập đạo nào. Tỷ lệ này chỉ là 8% nơi người 70 hoặc lớn tuổi hơn.

Tuổi tác cũng đáng kể

Các giáo hội Tin Lành dòng chính bị ảnh hưởng đặc biệt do tuổi tác của tín đồ: có tới 51% tổng số ở tuổi 50 hoặc lớn tuổi hơn. Tỉ lệ này ở giáo hội Công giáo là 40%. Tổng quát, ở Hoa kỳ có 41% số người lớn nằm trong loại tuổi này.

Nguồn gốc dân tộc và tuổi tác tạo thành một phối hợp đáng chú ý nơi một số giáo hội. Đại đa số (85%) người Công giáo tuổi 70 hoặc lớn hơn là người da trắng, trong lúc đó 45% người Công giáo dưới 30 tuổi là gốc Hispanic.

Một biến số khác là phái tính: 16% nam giới nói không theo đạo nào, so với 12.8% nữ giới. Cũng thế, 5.5% nam giới nói họ là người vô thần hay bất khả tri, so với 2.6% nữ giới.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy có 27% người đã kết hôn với người theo tôn giáo khác. Nếu tính cả người theo các hệ phái Tin Lành khác nhau thì tỷ lệ tăng lên 37%. Trong các tôn giáo lớn, 90% người Hồi giáo và 83% người Mormons có người phối ngẫu theo cùng một đạo, kế tiếp là người Công giáo (78%).

Cuộc thăm dò cũng xét tới lợi tức, tỷ lệ kết hôn, số con và phân bố địa lý liên quan đến tôn giáo. Dó là một cái nhìn tổng quát có giá trị về tình hình tôn giáo tại nước Mỹ ngày nay.[/align:a4a6487685]

Phụng Nghi

Nguồn: VietCatholic