PDA

View Full Version : Dải ruy băng trên cây sồi già



HoaHongTrang
07-03-2008, 05:17 AM
Dải ruy băng trên cây sồi già

Trong ngày “Chúa Nhật Hồng” với một niềm vui thanh thoát được khơi dậy trong kinh nguyện và Lời Chúa vừa được công bố, tôi cũng muốn chia sẻ một niềm vui đầy cảm động và cũng rất thâm thúy. Đó là câu chuyện “Hãy buộc một dải ruy băng lên cây sồi già”.

Nước Mỹ, năm 1972. Tại một tỉnh vùng núi xa xôi, trong một thị trấn nhỏ vô danh, có một chàng trai bị kết án tù. Cảnh sát đã chứng minh được rằng anh phạm tội và 3 năm tù là thời gian vừa đủ để anh sửa chữa lại mọi chuyện. Nhưng Mary - người vợ sắp cưới của chàng trai- thì không thể tin điều đó. Ngày mở phiên tòa, mặc cho chàng trai không ngừng quay về phía sau tìm kiếm thì cô vẫn vắng mặt.

Trước khi lên chiếc xe dành riêng cho các tù nhân, chàng trai nhờ chuyển cho Mary một lá thư rồi bước đi ngay. Anh không kịp nhìn thấy Mary đang đứng khuất phía sau vừa khóc vừa nắm chặt tờ giấy với những dòng ngắn ngủi: "Anh biết rằng anh không xứng đáng với tình yêu của em. Anh cũng không dám hy vọng em còn yêu anh sau những chuyện này. Nhưng nếu em tha thứ cho anh, hãy buộc một dải ruy băng vàng lên cây sồi già duy nhất ở quảng trường của thị trấn ngày anh trở về. Và nếu không nhìn thấy dải ruy băng, anh sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ quấy rầy em nữa."

Trong suốt 3 năm ngồi tù, dù chàng trai có mong mỏi tin tức của Mary đến đâu thì cô vẫn bặt tin. Năm đầu tiên, anh tự nhủ rằng có lẽ cô vẫn chưa thể quen được với việc chồng sắp cưới là người phạm tội. Năm thứ 2, chàng trai nhờ người hỏi han tin tức và chỉ nghe phong phanh rằng cô ấy đã đi xa, xa lắm và không biết khi nào mới quay trở về. Đến những tháng cuối cùng trong tù, anh đã không còn nghĩ đến những dải ruy băng vàng nữa, nhớ về cô gái anh yêu lại càng không thể. Đến ngày ra tù, chàng trai quyết định nhảy lên chuyến xe bus đi thẳng ra thành phố chứ không trở về đi ngang qua quảng trường như anh đã hẹn.

Nhưng rồi một chuyến xe, hai chuyến xe đã dừng lại rồi chạy tiếp mà chàng trai vẫn chần chừ không leo lên. Mãi tới khi chuyến cuối cùng đã chạy qua, anh mới lầm lũi đi bộ tới quảng trường. Lý trí bảo anh hãy đi theo hướng ngược lại, nhưng tình yêu trong anh thì vẫn bắt anh hướng về phía trước.

Rồi 30 phút sau, người trong thị trấn ngạc nhiên thấy một chàng trai khóc nức nở dưới tán sồi vàng rực bởi hàng trăm dải ruy băng được buộc vào những nhánh sồi như lá vào mùa thu

Anh chị em thân mến,

Hình ảnh “hàng trăm dãi ruy-băng tràn ngập trên cây sồi” như vòng tay yêu thương tha thứ đón đợi của người yêu đã mang đến cho chàng trai tù tội một niềm vui ngút ngàn mà chỉ có nước mắt mới diển tả đúng mức, sau những phút giây đợi chờ hy vọng tưởng đâu không bao giờ có được một ngày vui.

Niềm vui ắp đầy chợt đến trong trái tim khô cằn, sỏi đá, trong cõi lòng héo hon tù tội của chàng thanh niên tội tù kia có thể phần nào cắt nghĩa được nội dung của sứ điệp “vui mừng” của Phụng Vụ Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay.

Thật vậy, ở giữa Khung trời Mùa Vọng man mác một sắc tím của thấp thỏm đợi chờ, một chút buồn của khắc khổ lo âu với hình ảnh hoang mạc, lưu đầy cùng với những tiếng ca ghi đậm nỗi xót xa kêu cứu van lơn : “Trời cao hãy đổ sương xuống…Mây ơi mưa Đấng Cứu Tinh…”, thì hôm nay, Chúa Nhật III Mùa Vọng, lại bừng lên một “sắc hồng tươi vui”, mà ngay từ Ca Nhập Lễ, lời của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Philipphê đã vang lên như một lời hiệu triệu, một mệnh lệnh : “Anh em hay vui lên ! Tôi nhắc lại : anh em hãy vui lên”.

Tại sao lại phải vui lên như thế ?

Để hiểu được ý nghĩa của niềm vui giữ lòng Mùa Vọng hôm nay, chúng ta lại phải theo chân sứ ngôn Isaia trở về với lịch sử của những ngàn năm trước, trở về với cái thuở mà ở đó, I-sa-ia loan báo môt tin vui ngút ngàn về viễn cảnh sẽ đến một ngày Ít-ra-en được giải thoát khỏi kiếp nô lệ lưu đầy, khỏi tháng ngày tha hương tù tội để trở về quê cha đất tổ trong hạnh phúc trào dâng của đoàn dân tìm lại được tự do và đất nước :

“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò…”.

Trong cái viễn tượng huy hoàng của “Ngày Giải Phóng”, vị sứ ngôn thi sĩ nầy đã đưa dân Ít-ra-en đi xa hơn nữa, tới một chân trời lý tưởng, bao la tuyệt vời :

“…Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng người câm sẽ reo hò…”

Và viễn cảnh đó đã hiện thực, đã được minh chứng cụ thể như lời của Chúa Giêsu trả lời cho các môn đệ của Thánh Gioan Tiền Hô khi ông sai họ đến chất vấn : “Thầy có thật là Đấng phải đến hay không..”. Chúa Giêsu đã nói cùng họ : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những gì mắt thấy tai nghe : người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch…”

Lời chứng đó quả không sai.

- Làm sao không vui mừng được khi những “sa mạc cuộc đời” hoang vu, rỗng tuếch vì vật chất bon chen, vì rẻ khinh loại trừ của những kẻ như Lêvi, Giakêu thu thuế lại được Thầy Giêsu ghé mắt viếng thăm và quyết chọn làm môn đệ.

- Làm sao không vui mừng nhảy cững lên được, khi những con người mang thương tật điếc, câm, què, mù...chỉ một cái nhìn trìu mến, một cử chỉ quyền năng đã phục hồi nguyên vẹn không chỉ thể lý mà là toàn vẹn nhân cách con người.

- Làm sao không vui mừng lên được, khi cuộc đời mang thấn phận cùi hủi vốn đã thân tàn ma dại bị ném vào hoang mạc để chết dần chết mòn theo năm tháng trong nổi tuyệt vọng thảm thương, lại đột nhiên được chữa lành để ngẩng cao đầu mà hội nhập vào cuộc sống bình thường !

- Làm sao không vui đến độ tràn trào nước mắt khi tấm thân nhơ nhớp của kiếp phận “gái làng chơi, bán trôn nuôi miệng” lại có ngày được chính Vị Tôn Sư trân trọng yêu thương và gọi mời lên đường để bắt đầu một cuộc hành hương mới trong tin yêu và hy vọng.

- Làm sao không vui được như Phêrô kia đã ba lần chối Thầy mà vẫn cứ nhận được ánh mắt yêu thương và tha thứ.

- Làm sao không vui được như tên trộm kia khi trước ngưỡng cửa của cái chết được nghe vang lên lời hy vọng ngút ngàn : “hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên dàng với ta”.

- Làm sao không vui được khi La-gia-rô bốn ngày chết thúi trong huyệt mộ lại có thể bừng dậy sau một lời quyền năng của Đấng Phục Sinh” Lagia-rô hãy bước ra khỏi mồ”.

- Làm sao người mẹ già thành Na-im không vui được khi đi bên quan tài đưa xác con lain gặp được một Đấng quyền uy phục sinh con mình từ trong cõi chết...

Vâng, với những ai đã một lần gặp được Đức Kitô đều có thể sở hữu được một niềm vui ngút ngàn hay sâu lắng, niềm vui không phải hời hợt, chóng qua như kết quả của một trận thắng độ bóng đá, của một vài tờ vé số độc đắc hay của một thành công trên thương trường hoặc chính trường. Đó là niềm vui cao khiết, thánh thiêng mà rất nhiều khi lại phải trả bằng máu và nước mắt, như niềm vui của Á Thánh Anrê Phú Yên khi hiên ngang ra pháp trường Thành Chiêm để chịu chết, như bao vị anh hùng tử đạo trên hý trường Coloseum, cho dù đang đối diện với mãnh thú chực chờ xé xác vẫn mĩm cười trong phó thac tin yêu.

Đó chính là niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ hát lên bài Magnìicat “linh hôn tôi nhảy mừng trong Chúa”, vì Mẹ đã cảm nhận được thế nào vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Đó là niềm vui của các Thánh Tông Đồ từ tòa án công nghị của quan chức Do Thái bước ra : “Các ông vui mừng vì được chịu đau khổ để làm chứng cho Đức Kitô”, đó là cái vui của Mẹ Á Thánh Têrêxa thành Cal-cut-ta, khi được cận kề săn sóc những kẻ yếu đau liệt lào, đó là niềm vui của Thánh Maximilien Kolbe khi được chịu chết thay cho một người tù sắp bị giết chết,. ..

Và hôm nay, trên bao nhiêu công trường của thế giới, trong bao nhiêu làng mạc, phố chợ cuộc đời...vẫn còn có bao nhiêu niềm vui của những người mẹ hy sinh để tảo tần nuôi con trong khiêm hạ, khó nghèo, bao nhiêu niềm vui của những người cha chấp nhận bị thiệt thòa, khổ đâu nhưng vẫn thực thi công bình liêm chính, bao nhiêu niềm vui của những đôi vợ chồng son trẻ, cho dù thiếu trước hụt sau, nghèo nàn vất vả vẫn chung thủy yêu thương trong mầu nhiệm của bí tích Hôn Phối, bao nhiêu niềm vui của những thanh niên thiếu nữ, sẵn sàng quảng đại cho đi cuộc đời hoa mộng thanh xuân căng nồng nhựa sống để âm thầm phục vụ trong cuộc đời linh mục hay tu sĩ, bao nhiêu niềm vui của những dự tòng, tân tòng, sẵn sàng chấp nhận mọi búa rìu dư luận của gia đình xã hội để được hoàn thành chọn lựa niềm tin. ..

Đúng như lời của Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận : “Trong tự điển của người Kitô hữu không có từ buồn”. Và Ngài đã làm chứng bằng niềm vui đầy hy vọng tin yêu của quảng đường 10 năm tù tội, khi từ một Giám Mục, Phó Tổng Giám Mục lừng danh thế giới trở thành một tên tù cô độc bị bóc lột hết tất cả những gì là vinh quang, quyền lực, phương tiện và uy thế. Và chính nhờ niềm vui “tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa” như thế mà chẳng những Đức Hồng y đã chiến thắng và vượt qua để rồi hôm nay chiếm được không chỉ vinh quang của đời nầy mà là trong hạnh phúc vĩnh hằng trên thiên quốc.

Như vậy, để có được một “Chúa Nhật hồng” trong cuộc đời hiện tại hôm nay với niềm vui thanh khiết, để có được một “Giáng Sinh vui vẻ và an bình” trong những ngày sắp tới, hay xa hơn chút nữa, để có được một cuộc đời luôn tràn ngập tiếng cười của yên vui và hạnh phúc, thiết tưởng ngay từ hôm nay, nơi Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, chúng ta phải cùng nhau gặp gỡ Đức Kitô và hãy để cho Tin Mừng của Ngài đi vào mọi ngỏ ngách của cuộc sống, để cho sự hiện diện của Ngài phảng phất thường xuyên trong mội quan hệ ứng xử và hành động của chúng ta. Một bàn tay dang ra để khiêng với anh em một chiếc bàn kê sân khấu, một cúi xuống với chị em để nhỗ những cọng cỏ dại trong sân, một chút thời gian hy sinh để tập hát, tập múa cho phụng vụ đêm thánh, một đóng góp quảng đại để có thêm một vài bóng điện thắp sáng tháp chuông...tất cả đều có thể mang lại những niềm vui sâu lắng và đầy ý nghĩa cho những ngày Mùa Vọng còn lại trên tuyến đường hướng về máng cỏ Bê Lem trong Đêm Thánh.

Và phải chăng, đó chính là cách cụ thể nhất biến những mệnh lệnh của Thánh Phaolô hôm nay trở thành hiện thực giữa đời thường : “Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Tôi nhắc lại lần nữa, anh em hãy vui luôn trong Chúa”. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền
LM. Trương Đình Hiền