PDA

View Full Version : Lịch sử 500 năm đội cận vệ của giáo hoàng!



dominico_dung
25-12-2009, 09:50 AM
http://www.vnexpress.net
Thứ năm, 24/11/2005, 09:10 GMT+7


Lịch sử 500 năm đội cận vệ của giáo hoàng




http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/9E/45/A9/St-Peter.jpg
Lực lượng cận vệ Thuỵ Sĩ trên quảng trường ở Vatican


Lực lượng bảo vệ đặc biệt của người đứng đầu toà thánh Vatican, với bộ đồng phục sặc sỡ và chuyên sử dụng các loại vũ khí cổ xưa như gươm, kích và mũ sắt, đang chuẩn bị cho sự kiện 500 năm ngày được thành lập.

Mở màn cho những hoạt động kỷ niệm là việc Thuỵ Sĩ và Vatican phối hợp phát hành một bộ tem về đội cận vệ của giáo hoàng. Nhưng điểm nhấn sẽ là cuộc hành quân của các cựu cận vệ từ Thuỵ Sĩ tới thành Rome diễn ra vào mùa xuân năm tới, nhằm tái hiện cảnh 150 binh sĩ Thuỵ Sĩ đầu tiên đặt chân tới Rome ngày 22/1/1506 để bảo vệ Giáo hoàng Julius II.

Kể từ đó đến nay, thành viên đội quân bảo vệ ở Vatican luôn là người Thuỵ Sĩ và họ đã phục sự cho 42 vị giáo hoàng kế tiếp nhau. Lực lượng này gồm những người lính tinh nhuệ từng trải qua các khóa huấn luyện kỹ càng. Họ vốn là đội lính đánh thuê tại một số nước châu Âu hồi thế kỷ 15 theo các hiệp ước ngoại giao do chính phủ Thụy Sĩ ký kết.

Đúng 21 năm sau ngày ra đời, đội cận vệ Thụy Sĩ đã ghi một mốc son trong lịch sử bằng việc anh dũng cứu Giáo hoàng Clement VII thoát khỏi cuộc tấn công của binh lính Tây Ban Nha ngày 6.5.1527. Tổng cộng có 147 cận vệ hy sinh trong trận đánh này. Kể từ đó, ngày 6/5 hằng năm trở thành ngày các cận vệ tuyên thệ giữ lời thề trung thành với Đức Giáo hoàng.

Tiết lộ của người trong cuộc

Đầu tháng này, một thành viên của đội cận vệ là Christian Richard cho công bố cuốn sách về lực lượng bảo vệ Giáo hoàng. Đây là tài liệu đầu tiên do một người trong cuộc viết ra. Tác phẩm đã hé lộ nhiều chi tiết vốn không được phổ biến theo truyền thống của toà thánh Vatican.


http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/9E/45/A9/Alois.jpg
Alois Estermann (trái) nhào lên xe bảo vệ Giáo hoàng John Paul II năm 1981.


Từ trước đến nay, mọi người thường truyền tụng nhau về chuyện Michelangelo thiết kế bộ đồng phục của đội cận vệ. Nhưng Richard cho biết, một chỉ huy của đội quân này đã vẽ ra bộ trang phục gồm hai màu xanh và vàng hồi đầu thế kỷ 20. Ông khẳng định trong lễ công bố cuốn sách tại doanh trại của đội cận vệ ở Vatican: "Michelangelo có rất nhiều tài năng nhưng ông ấy không phải là một thợ may".

Cuốn sách còn cung cấp tư liệu về một trong những khoảnh khắc đen tối nhất của đội quân cận vệ tại Vatican. Đó là bi kịch xảy ra tháng 5/1998, khi chỉ huy đội cận vệ lúc đó là Alois Estermann và vợ bị hạ sát. Họ bị bắn chết ngay tại căn hộ của mình trong toà thánh, đúng vào ngày được Giáo hoàng John Paul II chỉ định vào chức vụ mới. Vatican cho biết, một hạ sĩ trẻ bất mãn đã giết cả hai rồi tự sát.

Khi còn là một đại uý trẻ năm 1981, Alois Estermann nổi tiếng vì đã dũng cảm bảo vệ Giáo hoàng John Paul II, trước họng súng của tên thích khách Thổ Nhĩ Kỳ Ali Agca (http://www.vnexpress.net/GL/The-gioi/Tu-lieu/2005/02/3B9DB84B/). Khi tiếng súng vang lên chát chúa giữa Quảng trường St. Peter, Estermann lập tức nhảy lên chiếc xe mui trần đang chở Giáo hoàng để che chắn cho ngài, nhưng lúc đó ngài đã trúng đạn và bị trọng thương.

Tiếp tục sứ mệnh

Lực lượng cận vệ của giáo hoàng hiện có 110 thành viên do đại tá Elmar Theodore Mader chỉ huy. Theo truyền thống và quy định được đặt ra từ 500 năm trước, mọi thành viên của đội cận vệ đều phải là công dân Thuỵ Sĩ và theo Thiên chúa giáo. Những người được tuyển mộ phải cao trên 1,70 mét và từng được huấn luyện quân sự cơ bản tối thiểu 2 năm.


http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/9E/45/A9/Guard-Gate.jpg
Lính Thuỵ Sĩ bảo vệ một cổng vào Vatican.


Trong khi Vatican được lực lượng an ninh Italy và những cảnh sát mặc thường phục bảo vệ thì sự an toàn của cá nhân giáo hoàng vẫn là trách nhiệm của đội cận vệ Thuỵ Sĩ. Những binh sĩ cầm kích bảo vệ các cửa chính dẫn vào Cung Giáo hoàng và đứng gác phía trước căn hộ của người đứng đầu toà thánh. Họ thạo cách sử dụng cả các loại vũ khí cổ xưa lẫn một số loại súng hiện đại.

Đầu năm nay, khi Giáo hoàng John Paul II hấp hối, đích thân chỉ huy đội cận vệ là Theodore Mader đã đứng gác tại nơi ở của ngài. Đến khi Hồng y Đức Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng Benedict XVI ngày 19/4, đội cận vệ Thuỵ Sĩ cũng được triển khai bên ngoài Nhà nguyện Sistine để chào đón vị lãnh tụ tối cao mới của họ.

Đội cận vệ luôn theo sát các giáo hoàng tại mọi cuộc xuất hiện công khai của ngài, kể cả những chuyến công du ở nước ngoài. Một số thành viên của đội cận vệ về sau trở thành linh mục. Theo đại tá Theodore Mader, hiện có 2 cựu cận vệ người Thuỵ Sỹ theo học để trở thành linh mục trong các trường dòng ở Rome.