PDA

View Full Version : LỄ THÁNH GIA THẤT NĂM C



vũng_nước
28-12-2009, 12:23 PM
LỄ THÁNH GIA THẤT NĂM C

BÀI ĐỌC I: Hc 3, 3-7. 14-17a
"Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ".

Trích sách Huấn Ca.
Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5
Đáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).

Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.
2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa.
3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con!

BÀI ĐỌC II: Cl 3, 12-21
"Về đời sống gia đình trong Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Cl 3, 15a. 16a
Alleluia, alleluia! - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 2, 41-52
"Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta. Đó là lời Chúa.




SUY NIỆM TIN MỪNG
SỐNG THỰC CHÍNH MÌNH
CN Lễ Thánh Gia Thất (C): (Lc 2:41-52)


Có thể nói: trở về với căn tính của mình chính là khởi điểm để nên thánh. Căn tính là cái làm nên chính mình; nó chính là bản tính và con người thực của ta. Nhận ra nó, ta sẽ sống cuộc sống đích thực và có thể hoàn hảo hóa mình từng bước trong đời. Hai mẩu đối thoại ngắn của Mẹ Maria và "Đức Giêsu mười hai tuổi" trong Phúc âm hôm nay sẽ cho thấy rõ hai cuộc sống, hai cách suy tư và hai đường đi khác nhau do hai căn tính khác biệt. Mẹ Maria lên tiếng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con." Chúa Giêsu trả lời: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư ?"

Câu hỏi của Mẹ Maria biểu lộ bản tính đích thực rất nhân loại. Ngài vừa là người và vừa là mẹ đang chu toàn trách nhiệm lo cho con cái trong gia đình. Sự băn khoăn lo lắng và đau khổ vì đã để lạc con là những tình cảm hết sức chân thành từ trái tim nhân loại, và nhất là từ trái tim đầy yêu thương của một người mẹ. Mẹ Maria đã biểu lộ căn tính thực của Ngài; để từ đó Thánh Kinh đã kết luận sau biến cố lạc con: "Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng." Việc ghi nhớ đó không phải như một kỷ niệm, mà là cả con đường thánh thiện cộng tác vào công cuộc cứu chuộc nhân loại của Chúa Giêsu. Trong gia đình Thánh gia, tình thương tràn đầy và hy sinh ngút ngàn của Mẹ Maria đã chan hòa trái tim thơ ngây Giêsu, để tình thương ấy như rễ sâu hòa nhập vớí mầu nhiệm cứu độ được tỏa sáng trên đỉnh cao thập tự sau này. Đó chính là đỉnh cao của sự thánh thiện mà cuộc đời của Mẹ Maria đã hướng tới.

Riêng câu trả lời của Chúa Giêsu tuy mới mười hai tuổi đã biểu lộ rõ ràng bản tính Thiên Chúa ở trong Ngài. Bản tính của Ngài vì là Thiên Chúa làm người, nên Ngài trước hết phải chu toàn thánh ý Thiên Chúa Cha trong mọi giây phút cũng như các biến cố trên hành trình cứu rỗi nhân loại. Người ta có thể đứng trên phương diện nhân loại nhận ra nét cứng cỏi trong cung cách trả lời của trẻ Giêsu, nhưng đó lại là ý chí sắt đá của Thiên Chúa thể hiện trong con người Giêsu muốn chu toàn nhiệm vụ Chúa Cha trao phó. Chúa Giêsu đã sống căn tính đích thực của Ngài là Thiên Chúa. Riêng về bản tính nhân loại, thì Thánh Kinh kết luận: "Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà... và Người tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta." Sự biểu lộ bản tính nhân loại này cũng là con đường thánh thiện của ơn cứu độ. Như thế nếu muốn nên thánh và cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu, chắc chắn chúng ta cũng phải sống đích thực căn tính của mình. Cảm nghiệm điều đó cũng là cảm nghiệm sống hạnh phúc đang tiểm ẩn trong ta vậy.

Lm. Raphael Xuân Nguyên



SỐNG Ý CHÚA
CN Lễ Thánh Gia Thất (A): Lc 2: 22-40

Nghe Đoạn Tin Mừng này, trái tim chúng ta quá rung động vì thương cho sự long đong ngược xuôi vất vả của gia đình Thánh Gia, nhất là trẻ hài nhi Giêsu non nớt. Và điều chúng ta cảm phục nhất là sự vâng lời mau mắn của Thánh Giuse trước ý Chúa nhiệm màu. Chúng ta tin rằng đức tin của Thánh Giuse nơi việc Mẹ Maria cưu mang Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, rất mãnh liệt trong lòng ngài, nên dù chỉ được báo mộng, ngài lập tức thi hành, và tất cả đều ứng nghiệm lời các tiên tri đã loan báo trước. Giuse quả thực là gương sáng đời sống đạo sáng chói trong các gia đình Kitô hữu mọi thời.

Người ta chẳng những thắc mắc, mà còn xác tín một điều đặc biệt phản ảnh nơi tâm hồn nhạy bén của Giuse trước các biến cố "trốn chạy", là tại sao với bản tính nhân loại như mọi người, Giuse có thể dễ dàng chấp nhận ý Chúa và tin vào điều mà chính ông không trông thấy, cho dù các sự kiện xem ra rất ngịch lý và có vẻ mơ hồ! (vì chỉ là mộng) Cũng như Mẹ Maria, dù không trở thành đồng công cứu chuộc như Mẹ, nhưng Thánh Giuse cũng như Mẹ Maria đều đã cộng tác và đóng góp cả đời vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu. Vì thế, khi đã nói đến công cuộc cứu chuộc này, dĩ nhiên Chúa Giêsu đã phải trả cái giá quá đắt khi chọn thập giá làm phương thế cứu chuộc, thì không lạ gì Mẹ Maria và cả Thánh Giuse cũng đều thi hành cùng chung một sứ mệnh cao cả. Và Thánh Giuse cũng như Mẹ Maria đã làm với tất cả tình yêu thương, sự nhạy bén và tâm hồn quảng đại bao la, bởi cuộc đời các ngài hầu như hoàn toàn chìm trong bóng tối, và chỉ nổi bật trước các biến cố đau khổ trong đời Chúa Giêsu.

Mừng Lễ Thánh Gia Thất, không phải chỉ ca ngợi sự vẹn toàn thánh thiện của một gia đình đại thánh gồm Maria Mẹ Thiên Chúa, Giuse Cha nuôi Chúa Giêsu và Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, mà còn nhận ra nơi gia đình thánh ấy cái khía cạnh nhân loại trên hành trình đức tin vào Chúa. Thánh Giuse mau mắn vâng ý Chúa, cho dù gian nan dặm trường; Mẹ Maria khi trả lời xin vâng, thì cả đời lùi trong bóng tối để suy niệm các biến cố trong cuộc cứu chuộc của Con; còn Chúa Giêsu thì cương quyết chấp nhận ý Chúa Cha, cho dù chén đắng xem ra kinh khủng ngàn trùng: "Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cất chén đắng này khỏi Con, nhưng xin đừng theo ý Con, một xin vâng ý Cha vẹn toàn (Mt. 26:39)." Chúng ta bước theo gia đình thánh gia, là sống cái ý nghĩa xin vâng ý Cha này nơi các Ngài trong thân phận làm người của mình, để hành trình đức tin luôn vững mạnh, và tình yêu Chúa sẽ dạt dào hơn trong tâm hồn những ai mến Chúa.

Lm. Raphael Xuân Nguyên



http://suyniem.com/Tin%20Mung%20HN/le%20thanh%20gia%20nam%20B.mp3

NHẬN RA DUNG MẠO ĐẤNG CỨU THẾ

Phúc âm Lễ Thánh Gia Chúa Nhật năm B làm nổi bật sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế qua sự nhận ra cách xác tín tỏ tường của ông già Simêon và bà tiên tri Anna, trong khi các bậc học giả trong Đạo lúc đó không thể nhìn thấy và chấp nhận được, ngoại trừ việc nhận biết của Mẹ Maria và thánh Giuse. Có những lý do cho việc nhận ra và không thể nhìn thấy đó.

Trước hết, những người gần gũi nhất có thể nhận ra Đấng Cứu Thế là thánh Giuse và Mẹ Maria, cha nuôi và mẹ Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Các ngài có thể nhận ra con mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế qua những lời trực tiếp từ thiên sứ Gabriel, nhưng có thể nói việc nhận ra ấy chưa trọn vẹn và đầy đủ về phương diện nhân tính của Đấng Cứu Thế, bởi vì ngay sau khi nghe ông già Simêon ca tụng và tiên báo về hài nhi Giêsu, các ngài hết sức "ngạc nhiên" về những lời tiên báo ấy; riêng Maria thì ghi nhớ tất cả những điều đó và suy niệm trong lòng, để rồi tuần tự chấp nhận hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cứ tăng dần theo cấp số nhân của sự khổ đau như đâm thấu tâm hồn!

Đối với những bậc học giả trong Đạo như các luật sỹ và giới Pharisiêu đắm mình trong nghiền ngẫm Kinh Thánh và luật Môsê, họ chỉ có thể phác họa chân dung một Đấng Cứu Thế theo não trạng riêng của họ, đúng hơn dung mạo Đấng Cứu Thế của họ được vẽ theo ước vọng và quan niệm chính trị trần thế, vì Đấng Cứu Thế của họ phải hùng mạnh tuyệt đối như một quân vương bá chủ các dân tộc, để giải phóng và đưa dân tộc Do Thái của họ lên chóp đỉnh danh vọng bá quyền. Và dung mạo Đấng Cưú Thế đó không hợp với con đường của Đấng Cứu Thế Giêsu chọn gia đình và cuộc đời nghèo nàn cùng tận, để đổi thân phận nhân loại thành con cái Thiên Chúa qua con đường thánh giá, con đường mà họ chỉ dành cho các tội nhân nô lệ.

Và sau cùng là hai nhân vật quan trọng trong Phúc âm hôm nay nhận ra Đấng Cứu Thế rất rõ ràng, đó là ông già Simêon và bà già tiên tri Anna. Quả thực không phải tự nhiên họ có thể nhận ra dung mạo Đấng Cứu Thế trong hình hài thơ nhi Giêsu khi cha mẹ Ngài đưa vào đền thờ đâu, vì trẻ Giêsu chắc chắn đâu có khác gì các trẻ thơ khác. Trước hết có thể nói, các vị nhận ra dung mạo Đấng Cứu Thế trong trẻ thơ Giêsu, là vì các vị đã chuẩn bị cả một đời trong cầu nguyện, ăn chay hãm mình và phục vụ trong Đền Thờ với tâm tình chờ mong Đấng Cứu Thế. Hình ảnh Đấng Cứu Thế các ngài cưu mang và chờ mong là hình ảnh của Đấng Cứu Thế trong Thánh Kinh, tức trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Sự chờ mong ấy đã được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, linh hứng và trực tiếp cho biết. Với tấm lòng trong sạch, thánh thiện và chờ mong, nên cũng giống như những đền thờ của chính Đấng Cứu Thế đang muốn ngự vào, các vị đã hân hoan nhận được Đấng Cứu Thế như lòng mong ước trước khi nhắm mắt lìa đời về với Thiên Chúa nhờ ơn cứu độ của Đấng Cứu Thế mà họ đã chiêm ngưỡng.

Như thế, để có thể nhận ra Đấng Cứu Thế hôm nay trong đời sống Kitô hữu, sẽ không chỉ đơn giản nhờ dăm ba lần đến nhà thờ dự lễ, hoặc trang trí những hang đá lộng lẫy kỷ niệm sinh nhật Hài Nhi Giêsu, hoặc lất phất những lần cầu nguyện qua lần chiếu lệ! ... Ngược lại cần phải sống trọn cuộc đời phó thác cho Chúa và thuộc về Chúa như Simêon và Anna, để chính cuộc đời Kitô hữu của mình trở nên trong sáng có thể soi tỏ dung mạo Đấng Cứu Thế, vì Người đã nhập thể trong chính cuộc đời nhân loại với trọn vẹn mọi khía cạnh hiện hữu, nhất là sự hiện hữu trong nghèo nàn tột đỉnh của thân phận kiếp người, để từ đó khởi đi vào con đường Đạo như sự nhập thể của nhân loại trong Đấng Cứu Thế, và của Đấng Cứu Thế trong thân phận con người.

Lm. Raphael Xuân Nguyên