PDA

View Full Version : ĐỂ THÁNH LỄ HẤP DẪN GIỚI TRẺ (MỤC VỤ GIA ĐÌNH)



Ti_Amo
29-12-2009, 09:20 AM
ĐỂ THÁNH LỄ HẤP DẪN GIỚI TRẺ (MỤC VỤ GIA ĐÌNH)


Ngôn ngữ không lời
Hương Trinh
Em xin góp một chút nhỏ nhoi trong muôn ngàn thao thức mà các bạn trẻ mong đợi ở Giáo Hội ngày hôm nay! Em cũng muốn nói lên tiếng nói của mình!
‘THÁNH LỄ’ 2 từ nghe vừa thân thương vừa thiêng liêng biết bao! Em không phải là người siêng đi lễ cho lắm! Ngày thường thì em đi lễ vì em thích đọc Thánh Vịnh! Chứ đi hẹn hò thì chỉ một ít thôi! Không biết em đi lễ vì điều này có ổn không nhỉ? Em cảm thấy mình được trải nỗi lòng trong từng câu TV, được nghe tiếng Ngài lúc thì dạy dỗ, lúc thì răn đe. Em thấy nhiều lúc Ngài thật dễ thương, mà nhiều lúc cũng đáng sợ thật! Mà không biết có phải như thế không? Hay do một mình em nghĩ thôi?
Ah, em rất thích đoạn TV này, nó làm cho em cảm thấy luôn mong chờ Giêsu.
‘Hồn em trông chờ Anh, hơn lính canh mong đợi hừng đông
Hơn lính canh mong đợi hừng đông’
(TV 130)
Còn ngày chủ nhật ư? Có lẽ em đi lễ vì phải giữ lễ buộc nhiều hơn! Mà cũng kỳ lạ thật, nếu em bỏ lễ thì em lại bỏ lễ ngày chủ nhật nhiều hơn! Tại sao thế em? Rất nhiều lý do mà em có thể biện minh cho mình! Có lẽ một phần do Cha giảng dài quá! Nên em mệt! Chỉ đơn giản thế thôi! Còn những lý do khác em xin giữ bí mật cho riêng mình nhé! Vì em có lý do riêng, chẳng thể nói được. Làm sao đây? Và có nên chăng là lý do? Đến với Giêsu cũng phải có lý do sao? Em không biết!
Nhưng em rất ước ao trong Thánh lễ Chúa Nhật được mọi người ôm nhau, nở nụ cười với nhau, vỗ về nhau! (Ai mà không cần được quan tâm nhỉ?) Để cảm được ấm áp, sẻ chia. Để tăng thêm niềm vui được gặp gỡ Giêsu kính yêu và các bạn thân thương của em trong ngày nghỉ cuối tuần! Để bắt đầu một tuần mới chiến đấu với niềm hoan lạc, bởi đó là hoa quả của Thánh Thần mà. Cùng nắm tay nhau đọc Kinh lạy Cha, là lời kinh đầu tiên Giêsu đã dạy cho em, để cảm được những người bạn xung quanh là anh, là chị, là em của mình. Và cứ thế làm cho em hay sẵn sàng ở trong tư thế luôn mong chờ và mong chờ! Lắm lúc em cảm giác như trong nhà Cha mình là những pho tượng chết đang đứng, không có một chút sức sống nào cả. Không phải là nhà của mình. Nếu là nhà của mình thì đi bất cứ nơi đâu cũng muốn trở về chính ngôi nhà thân yêu của mình. Nơi đó có anh có chị có em, có cha, có mẹ. Ngôi nhà luôn rộng mở để chào đón những người con trở về! Không đâu bằng mái ấm gia đình mà!
Có nên chăng, giữa một nơi làm cho mình cảm thấy chán khi đến đó và một nơi làm cho mình vui vẻ, bạn sẽ chọn nơi nào nhỉ? Ở ngoài kia, vui lắm! Thử nhìn xung quanh xem, vui lắm!
Có những nơi chẳng có chỗ dành cho em, vì sao vậy? Phải chăng em không cần được quan tâm? Phải chăng em không đáng được như thế? Em cần lắm, cần những bài giảng phù hợp với mình, và lồng vào đó những vấn đề nóng bỏng trong xã hội ngày hôm nay. Bởi em cũng chưa đủ chín chắn để biết được cái nào là điều nên làm cái nào là điều không nên làm đâu? Và cần lắm tiếng nói từ Giêsu đang vang vọng trong tim, xuất phát từ phong cách truyền cảm, nhiều khi vì nó mà làm em cảm thấy chán nản. Có lẽ do em đi lễ vì điều này điều kia chăng? Các bạn, các bạn cần lời ca tiếng hát, còn em, em cần ngôn ngữ không lời!
Hương Trinh
Hương Trinh thương mến,
Chị đọc bài của em Chị rất cảm động. Là người khiếm thính nhưng em luôn đi bước trước trong những công việc chung của lớp. Em đã làm việc lặng lẽ âm thầm để vươn lên, vượt qua số phận của mình.
Cảm ơn em đã ngỏ lời nhận làm trang web cho lớp của chúng ta vì thấy chẳng ai nhận lời, đúng là “ ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?”. Tuy không nói rõ và nghe được nhưng trong ánh mắt Chị biết em rất vui và ủng hộ các bạn mình ra khơi thả lưới trong thứ 7 tuần này.
Chị xin đăng bài viết này của em chia sẻ cho mọi người.
Cảm ơn Hương Trinh.
Mến Thương,
Hạt Bụi
LÀM SAO ĐỂ ĐƯA GIỚI TRẺ
ĐẾN VỚI THÁNH LỄ
Cát Bụi
Sr thân mến!
Sơ ơi! Nếu Sơ cho phép con xin gọi Sơ bằng hai tiếng “ mẹ ơi!”. Nếu như con không gặp Sơ chắc có lẽ cuộc đời con sẽ là một thứ rác rưởi bỏ đi. Khi những dòng nước mắt rơi thì kéo theo những dòng chữ xuất hiện vì con thương Sơ quá! Con biết rằng con không thể giúp ích cho Sơ nên con chỉ biết cầu nguyện. Con cầu nguyện rằng: “Lạy chúa! Xin Người hãy cất mọi bệnh tật trong Sơ để Sơ tiếp tục phục vụ tiếp tục làm chứng nhân cho Chúa. Nếu được đổi con xin đổi sức khỏe của con lấy những bệnh tật nơi Sơ để Sơ có sức khỏe để tiếp tục phục vụ và làm chứng nhân trung thành của Người”
Sơ ơi! Sơ biết không trước khi con gặp Sơ con cũng chẳng muốn đi lễ, nếu có đi thì chỉ là giữ luật hội thánh thôi. Khi con đi lễ con chỉ lo ra, khi nghe lời Chúa mà chẳng nghe được gì, thích thì đi không thích thì thôi…Sau khi nghe tiếng Sơ con nhìn lại mình thì thấy mình chẳng có “ đức tin” con thật yếu hèn và rồi con đã biết nghe tiếng Chúa, đã biết cầu nguyện, đã yêu thánh lễ, thế rồi cuộc đời con đã thay đổi.
Khi con ở nhà ( quê con ở Tây Ninh) ở bên gia đình có sự quản lý của gia đình thì con còn đi lễ, khi con lên Sài Gòn không ai quản lý con đã sống rất buông thả. Thật may mắn cho con khi con gặp được Cha xứ Bình Đông, nhờ những lời khuyên và sự quan tâm ưu ái của Cha đã đưa con đến với “ lớp kỹ năng sống” và con đã gặp được Sơ. Sơ biết tại sao khi đi học con lại thường hay im lặng, nhút nhát, tự ti, đôi khi sợ sệt…Tại vì con chẳng có gì tốt cả, con đang lắng nghe, đang học hỏi và con đang thay đổi, con biết rằng nếu chưa đủ lượng thì không thể thành chất được. Con biết rằng Sơ rất buồn khi Sơ lên tiếng mà không có nhiều bạn hưởng ứng trong đó có con chúng con thành thật xin lỗi Sơ! Nhưng Sơ cứ tin chắc một điều rằng các học trò của Sơ các con của Sơ, bằng cách này hay cách khác hiện tại hay tương lai sẽ không làm Sơ phải thất vọng!
Sơ thân yêu! Bài viết dưới đây của con chỉ là cảm nhận của con thôi, có thể đó là một cảm nhận sai lầm nếu có gì sai con xin Sơ bỏ qua và tha thứ cho con, mong Sơ cho con lời khuyên để con thay đổi và làm tốt hơn.

Kính thưa Soeur!
Đây là bài viết đầu tiên của con, bài cảm nhận của riêng con.
Sơ ơi! Con xin cám ơn Sơ đã mang tình yêu và ngọn lửa rực cháy đến trong con, đã làm cho “trái tim băng giá” của con tan chảy, nóng lên và rực cháy lên. Sơ đã làm cho mắt con sáng ra, tai con biết lắng nghe, miệng con mở ra và não con thức dậy để cất lên tiếng nói từ trong trái tim. Để đưa giới trẻ đến với thánh lễ nói riêng và để giới trẻ đóng góp xây dựng cho Giáo Hội nói chung. Con thấy một vấn đề lớn là ở ngay chính bản thân các bạn trẻ. Con nghĩ nguyên nhân chính làm cho các bạn trẻ không đến với thánh lễ là do thiếu “ đức tin”.
Các em thiếu nhi thì được học giáo lý ở bên gia đình thường thì các em rất ngoan rất đạo đức nhưng đức tin chưa đủ vững. Lớn một chút là các em tuổi teen, ở lứa tuổi này các em có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý nên đức tin rất dễ bị lung lay. Nhưng đặc biệt là giới trẻ lại càng dễ lung lay và có thể đổ bất cứ lúc nào. Tại sao? Tại vì ở độ tuổi này có nhiều cám dỗ nhất, các bạn thường phải đi học đi làm xa nhà, xa gia đình, xa giáo xứ và xa nhà thờ thân yêu của mình. Một số lượng lớn giới trẻ từ nông thôn từ tỉnh lẻ lên những thành phố lớn (như TP. HCM) để sống và làm việc.
Tại sao giới trẻ lại không muốn đi lễ ?
- Do thiếu đức tin.
- Do cuộc sống đầy đủ quá làm cho họ không còn muốn đến nhà thờ nữa.
- Do vật lộn với cuộc sống khó khăn quá nên không còn thời gian để đi lễ.
- Do ông Cha giảng nhiều quá.
- Do thánh lễ chán quá.
….
Ngoài ra một số bạn trẻ đi lễ chẳng qua là để giữ luật Giáo Hội , để làm vui lòng cha mẹ…
Làm sao để đưa giới trẻ đến với thánh lễ:
- Xây dụng và trang bị cho giới trẻ một đức tin vững chắc. Theo con con nghĩ đây là cội nguồn gốc rễ làm cho giới trẻ không còn muốn đi lễ.
- Liệu có phải Giáo Hội hơi lơ là trong việc quản lý, giáo dục trong giới trẻ, công tác quản lý giới trẻ trong các giáo xứ hiện nay chưa được tốt:
+ Một số lượng bạn trẻ đi làm ăn xa, đi học xa nhà giáo xứ làm sao quản lý được? Trong sổ danh sách của giáo xứ chỉ đề một câu duy nhất “ đi học xa” hoặc “đi làm xa” còn đi đâu làm gì thì chỉ có “Chúa mới biết”.
+ Còn nơi giáo xứ các bạn trẻ tới thì sao? Chắc có lẽ chẳng có giáo xứ nào biết đôi khi cũng chẳng muốn biết các bạn trẻ từ đâu đến!
+ Khi con cái đi xa nhà thì gia đình lấy gì làm bảo đảm rằng con mình sẽ đến nhà thờ sẽ đi lễ còn giáo xứ thì làm sao kiểm soát được.
Vậy Giáo Hội nên có biện pháp quản lý và giáo dục như thế nào? Đã đến lúc Giáo Hội phải kéo hồi chuông báo động!




MÓN ĂN TINH THẦN

Thánh lễ là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người Kitô hữu. Nhưng ngày nay rất nhiều người Kitô hữu đã cảm thấy chán “ món ăn thiêng liêng” này, có phải do họ ăn nhiều quá nên chán không? Có phải do “món ăn” không còn hấp dẫn và lôi cuốn nữa? Trong số những người Kitô chán ăn đó có lẽ thành phần chán trường, ngán ngẩm không muốn ăn lại chính là giới trẻ. Vậy thì tại sao giới trẻ lại không muốn ăn?
Nguyên nhân đầu tiên là do giới trẻ có quá nhiều thứ để ăn nên no rồi không muốn ăn nữa. Người trẻ có rất nhiều thứ để ăn như: Các bạn nam thì có thể ăn bóng đá ngủ bóng đá, các quán nhậu, các quán cà phê, các quán bar, vũ trường…Còn các bạn nữ thì đến các thẩm mỹ viện, tiệm làm tóc làm móng tay móng chân, rồi những siêu thị mua sắm giải trí, các sân khấu ca nhạc…Cuộc sống mà có hằng trăm thứ để ăn như vậy thì “bụng” đâu mà chứa nữa, có nhiều món ăn thay đổi như vậy thì làm sao mà chán được.
Với cuộc sống ngày nay, thời buổi kinh tế thị trường vật giá leo thang quá nhiều khó khăn và cám dỗ, vòng xoáy “ cơm áo gạo tiền” sẵng sàng cuốn tôi và nhấn chìm tất cả. Dù biết rằng vòng xoáy cuộc đời hung dữ và nguy hiểm biết nhường nào nhưng giới trẻ vẫn phải lao vào để kiếm tìm từng hạt cơm từng tấm áo. Vòng xoáy đó có thể đưa chúng ta tới vinh hoa phú quý nơi mà có thể “hưởng thụ” quên cả lới về, cũng với vòng xoáy này có thể đưa mình tới “sa mạc khô cằn sỏi đá, vực sâu của tột lỗi”. Do phải vật lộn với vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc đời nên không còn thời gian, không còn hứng thú không còn sức để ăn “món ăn tinh thần” nữa.
Món ăn nào dù có ngon đến đâu ngon cỡ nào thì ăn hoài cũng chán. nếu muốn ăn không chán thì phải thay đổi cách chế biến, cách nêm nếm cách trình bày đi thì tạo thành một món ăn mới khi đó ăn lại ngon miệng thôi mà! Một món ăn ngon phải ăn và cảm nhận bằng tất cả cá giác quan thì mới cảm thấy món ăn đó ngon như thế nào. Còn với “món ăn tinh thần” thì cũng vậy cũng phải thay đổi và làm mới lại để cho người ăn không thấy chán, để cho người ăn phải “ nhỏ dãi thèm thuồng” và muốn được ăn nữa ăn nữa ăn hoài không biết chán.
Đầu tiên “món ăn tinh thần” phải nhìn cho thật đẹp mắt, thật trang trọng nhưng không cứng nhắc. Khi đi tham dự thánh lễ thì phải thật nghiêm trang, không nên mặc những bộ quần áo để đi mua “mớ rau mớ cá” ngoài chợ. Điều đáng lưu ý nhất là các bạn nữ tránh diện những bộ cánh “khiêu gợi”, áo thì hở cổ còn váy thì xẻ lên cao đến chỗ không còn cao hơn được nữa làm chi chí cả thánh đường. Chúng ta phải lưu ý một điều là mình đi lễ là để gặp Đức Kitô chứ không phải là một buổi khiêu vũ một buổi dạ hội. Thứ hai, chính chúng ta là những hương thơm là “hương hoa tình yêu” là “gia vị” để làm cho “món ăn tinh thần” trở nên hấp dẫn và lôi cuốn. Thứ ba, đến với thánh lễ là được tham dự bàn tiệc thánh được “ăn mình và uống máu Chúa Giêsu” là món ăn nuôi dưỡng linh hồn. Thứ tư, trong thánh lễ chúng ta được nghe tiếng Chúa đồng thời Chúa cũng muốn nghe tâm tình của con chiên Người. Vậy nên trong thánh lễ cần phải dành thời gian ít nhất là 1 phút để cho con chiên cất lên tiếng tâm tình và dâng lên Chúa những bệnh tật, ưu phiền, lo lắng, khó khăn vất vả của cuộc sống. Thứ năm, một món ăn nếu ăn “bốc” sẽ rất ngon thì tại sao “món ăn tinh thần” không được ăn “bốc”. Vậy nên trong thánh lễ khi chúc bình an cho nhau thì nên thay những cái gật đầu bằng những cái bắt tay hoặc bằng một cái ôm nhẹ nhàng kết hợp với một nụ cười mến thương thì ăn sẽ ngon biết nhường nào. Ngoài ra một yếu tố cũng rất quan trọng đó là “thời gian chế biến”, đừng để cho “món ăn” chế biến quá nhanh quá xơ xài làm cho “thức ăn” chưa kịp thấm chưa kịp chín. Nhưng cũng đừng có “nấu” quá lâu kẻo làm cho “thức ăn mất chất”. Chính các Cha là những “nghệ sĩ” nấu ăn, chúng con xin và ao ước được ăn “món ăn tinh thần” thật thơm thật ngon thật bổ dưỡng Cha ơi!



Chủ đề 2: Ước mong gì nơi Giáo Hội?

CHẢY MÁU CHẤT XÁM TRONG GIỚI TRẺ
Cát Bụi
Giới trẻ là trụ cột tương lai của Giáo Hội, tuy nhiên một điều đáng buồn là chất xám trong giới trẻ đang bị chảy máu. Ngày nay các bạn trẻ xây dựng đất nước là điều phải làm nhưng các bạn trẻ lại quên mất một việc cực kỳ quan trọng là xây dựng Giáo Hội.
Một số bạn trẻ rất thành công trong cuộc sống nhưng đối với giáo xứ, Giáo Hội thì phần lớn chẳng có đóng góp gì nếu có thì không đáng kể.
Tại sao giới trẻ lại không đóng góp xây dựng Giáo Hội?
Vậy thì nguyên nhân do đâu:
Do Giáo Hội? Do Giáo Phận? Do Giáo Hạt? Do Giáo Xứ? Do gia đình? Do hoàn cảnh?... Chẳng do đâu cả mà là do chính bản thân các bạn trẻ do “ cha chung không ai khóc”.
Vậy thì phải làm sao đây, làm sao đây, làm sao đây…?
Một lực lượng giới trẻ khác phải đi học đi làm xa nhà, xa giáo xứ thân yêu của mình. Trong các bạn trẻ này có cả huynh trưởng, giáo lý viên, trong ban điều hành giới trẻ… Khi phải đi xa tạm thời phải ngưng phục vụ nơi Giáo Xứ, liệu sau 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm… họ có còn quay trở lại tiếp tục phục vụ nữa hay không? Trong thời gian đi xa đó nơi mà họ đến các bạn trẻ có cơ hội để phục vụ, Giáo Xứ ở đó có tạo điều kiện cho các bạn tham gia phục vụ hay không?
Vì sao lại như thế??
Có phải tại vì:
Vì các bạn trẻ chỉ muốn phục vụ cho Giáo Xứ của mình và vì Giáo Xứ đó là Giáo Xứ lạ.
Vì các bạn trẻ nghĩ mình không có trách nhiệm và bổn phận phục vụ nơi giáo xứ bạn.
Vì sợ Giáo Xứ bạn sẽ phát triển hơn Giáo Xứ mình chăng.
Vì giữa các Giáo Xứ, các Giáo Hạt, các Giáo Phận chưa có tiếng nói chung.
Vì cách quản lý và giáo dục của chúng ta có vấn đề chăng
….
Những dòng chất xám vẫn đang tiếp tục tiếp tục chảy nếu như Giáo Hội không có biện pháp ngăn chặn.


Chủ đề 2: ‘Giới trẻ mong đợi gì
nơi các linh mục, tu sĩ thời @?’

Cha ơi! ‘TIẾNG RÊN Ở TRONG THÀNH’
Hương Trinh
Cha ơi! Cha ơi! Con là con chiên của Cha đây nè! Cha có nghe thấy không vậy? Tại sao Cha lại không nghe tiếng con gọi chứ! Cha ơi! Con buồn lắm! Cha có biết không vậy? Cha có hiểu lòng con đang thao thức muốn nghe Cha nói: ‘Cha đây nè con!’ Con muốn nghe lắm! Sao Cha lại ở cách xa con quá vậy! Rất xa đấy Cha àh! Con không thể với tới được.
Cha biết không? Ngay từ khi còn nhỏ, con đã phải rời mái ấm gia đình rồi! Con phải ra đi để có một tương lai tươi sáng! Thế mà, xung quanh con đó! Biết bao cạm bẫy đang chờ con!
Cha nhìn xem! Ở phòng trọ nơi đất Sài Thành này con chẳng được yên ổn chút nào! Ở nhà trường cũng chẳng được yên thân! Ngoài quán xá cũng chẳng tha con! Thế thì con biết tìm về nơi đâu bây giờ? Còn ở ngoài kia, những ngôi nhà sang trọng, những toà cao ốc chót vót, nhưng chúng đâu có dành cho con! Con sợ lắm! Con tủi thân lắm!
Cha có biết từ ‘@’ (‘@’) không? @ đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời con, nó chẳng tha cho con! Không tin Cha thử ngó một lần xem, chỉ một lần thôi cũng đủ hại chết đời con rồi Cha ơi! Con chẳng muốn làm cục đá chút nào, người ta muốn vứt con đi đâu thì vứt, muốn dẫm lên khi nào thì dẫm!
Cha biết không? Hiện nay con đang là một nhân viên của công ty nước ngoài, sếp của con ở nước ngoài nên con phải online suốt ngày để sếp biết là hôm đó con có đi làm! Oái ăm thay! Biết bao cái nick chat đã add nick của con, mà con cũng chẳng biết tại sao chúng nó lại có nick của con nữa? ‘Em ơi! em đẹp lắm!’ ‘Em ơi! Em xinh quá!’ ‘Em ơi! Anh nhớ em lắm!’ Cha thấy thế nào hở Cha?
Rồi Cha thử lướt qua các trang web mà xem! Thời @ mà! Sao không thể lướt web được chứ! Nếu không lướt thì con bị bỏ lại đằng xa rồi, xa lắm! Và người bạn mà con gắn bó là chiếc ‘COMPUTER’ đó! Con không thể không có nó Cha àh! Thời @ mà!
@ “cần câu cơm” cho tất cả mọi người, chẳng lẽ con không được sao?
Cha ơi! Con cần Cha biết bao! Cha đừng ở trên ngọn cây nữa nhé! Con mỏi cổ lắm rồi Cha àh!

NIỀM KHÁT MONG
Hương Hương
Câu hỏi “Các bạn trẻ mong đợi gì nơi các linh mục và tu sĩ?” được đặt ra.
Một không khí im lặng, lặng đến điếng cả người. Sau vài phút thì có lác đác một vài câu trả lời. Và thời gian cứ thế trôi qua trong gần 3 tuần. Nhưng chúng con, các bạn trẻ lớp kỹ năng sống vẫn làm việc, vẫn phải đi phỏng vấn để lấy tư liệu, tham khảo ý kiến các bạn.
“Cái khoảng không trống vắng đầy im lặng” kia đã gióng lên cho chúng ta một hồi trống để nói về sự thờ ơ lãnh đạm của lứa tuổi teen chúng con ngày hôm nay. Ngôi nhà yêu thương của chúng ta ngày hôm nay bỗng dưng vắng đi tiếng cười và sự quan tâm của trẻ thơ.
Thử hỏi nếu con làm sai một thứ gì mà cha mẹ không la mắng thì điều đó thật đáng sợ, sợ đến vô cùng. Còn nếu cha mẹ la trách thì con cảm thấy sự quan tâm và lo lắng. Và con nhận ra rằng im lặng là đáng sợ nhất vì mình không thể nào đọc ra được suy nghĩ của người khác.
Đôi lúc chúng con có những mâu thuẫn với cha mẹ, với bạn bè và người thân. Do vậy chúng con cần có một bờ vai vững chãi để đặt niềm tin và chia sẻ nỗi lòng của mình. Chúng con chạy đến các linh mục, các tu sĩ, nhưng chúng con nhận được sự phản hồi là con số không vô vọng. Sau thời gian học tập mệt mỏi, chỉ có chiều tối là chúng con có được tí thời gian để thư giãn, giải trí. Muốn tìm đến các ngài để tâm sự, nhưng trời vừa sụp tối, chúng con lê bước đến nhà thờ thì nơi đây đã vắng bóng người. Hôm nào may mắn lắm thì con được ngắm nhìn các em thiếu nhi đùa giỡn một chút xíu. Cha ơi, hãy cho con một tí thời gian, và luôn mở cửa nhà thờ để đón tiếp chúng con. Bên cạnh đó, còn có những bạn trẻ xa nhà vì kế sinh nhai, các bạn cũng như chúng con, rất cần sự động viên, chia sẻ của các linh mục, tu sĩ. Chúng con tìm đến các dòng để chia sẻ, nhưng cuộc nói chuyện chưa đầy ba bảy hai mươi mốt câu là các vị này lại phải có việc, vì giờ giấc của cộng đoàn. Chúng con buồn chứ, vì nỗi lòng của mình chưa được giãi bày một cách triệt để. Tại sao không thể bỏ một giờ kinh hay một giờ phụng vụ để trò chuyện với chúng con? Có đôi lúc chúng con tuyệt vọng, bế tắc, chỉ nghĩ đến cái chết. Tại sao không nghe chúng con?
ở lứa tuổi của chúng con thì cần sự vui chơi giải trí nhiều, nên chúng con cần có một sân chơi. Hễ tới rằm là chúng con nô nức rủ nhau đi chùa, vì nơi đây chúng con gặp được bạn bè bất kể tôn giáo nào. Chúng con vẫn có những điểm chung, đó là được quậy phá, được ăn chùa… Nhưng còn đối với nhà thờ thì sao? Noel, chúng con rủ lũ bạn đến chơi, thì tụi nó ngại, vì tụi nó không phải là người của đạo Công Giáo. Hãy cho chúng con một sân chơi, một vài lần giao lưu với các bạn trong hạt, trong giáo xứ.
Cuộc sống chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người bệnh tật, đau yếu, hành khất… Đôi lúc trong đêm, họ cần sự giúp đỡ. Nhưng có nhà dòng, nhà thờ nào mở cửa đón tiếp họ đâu. Nhưng nhà chùa thì luôn sẵn sàng.
Trong tâm tình là người con, chúng con còn rất nhiều khuyết điểm, tự cao của tuổi trẻ bồng bột, nhưng con xin các ngài hãy bỏ qua và luôn nâng đỡ chúng con. Cha ơi, có đôi lúc chúng con làm sai điều gì, nhưng xin cha đừng la rầy con trước đám đông, bè bạn con, hay trước giáo xứ, vì như vậy con rất xấu hổ và thẹn thùng.
Hãy cho chúng con góp tiếng nói để xây dựng hay đóng góp vào chương trình chung của giáo xứ. Có đôi lúc chúng con đề ra chương trình cho ngày Noel hay ngày trung thu, thì chúng con rất thất vọng, vì ý kiến của chúng con được các ngài cất quá kỹ, nên khó có điều kiện để thực hiện.
Chúng con đi đến nhà thờ, thấy các ngài và muốn tiến đến để trò chuyện, nhưng chúng con không dám, vì gương mặt của các ngài sao lạnh lùng và thờ ơ quá. Hãy đồng điệu với chúng con, nhịp điệu của tuổi trẻ, để chúng con dễ gần các ngài hơn.

NIỀM TRĂN TRỞ
Minh Ngôn

Chào Sr, tối nay em đi tham dự Lễ khai mạc Năm Thánh đến 10h. Sau đó em và 2 bạn (Hải, Tâm Anh) có thảo luận để có thể thuyết trình tốt hơn cho ngày mai. 11h30, em và 2 bạn thống nhất về nội dung và cách trình bày.
Không hiểu sao, 12h về đến nhà, định nằm lăn ra ngủ nhưng đầu óc em thì hoàn toàn tỉnh táo. Cứ suy nghĩ mãi về trăn trở của Soeur, lo lắng cho Giáo hội ngày hôm nay. Trong đầu em tự nhiên trào dâng lên những cảm xúc (xen lẫn bức xúc) về những “tồn tại” đã ăn sâu vào nếp suy nghĩ của người Việt Nam.
Về phần giáo lý, em đã gợi lên cho Hải & Tâm Anh những ý chính. Về phần Thánh Lễ & phần nhạy cảm nhất là đụng đến Các Cha. Em có những băn khoăn sau đây:
Thứ nhất: Tại sao có Lễ “thiếu nhi”, Lễ “người lớn” mà không có Lễ “giới trẻ”. Nếu nói các em thiếu nhi là tương lai của Giáo hội thì Giới trẻ là “hiện tại” của Giáo hội. Tương lai bắt đầu bằng hiện tại, tại sao chúng ta lại lãng quên hiện tại để chỉ lo lắng cho Tương lai hay “Quá Khứ”
Thứ nhì: Vi hành. Các Cha có “vi hành” nơi giáo xứ mà mình coi sóc. Có quan tâm tới hoàn cảnh của anh chị em trong giáo xứ, KHÔNG phân biệt tôn giáo. Các Cha có “vi hành” đến những nơi tệ nạn như vũ Trường, sòng bài, những tụ điểm ăn chơi khác để “tìm con chiên bị lạc” của Cha. Chúa Giêsu đến trần gian không phải để cứu rỗi người công chính, mà đi tìm những kẻ có tội để chữa lành cho họ
Thứ ba: Không biết Giáo hội có quy định không cho phép Các Cha đến nhà dân ăn cơm không? Xin các Cha hãy đến nhà của những người trong giáo xứ, những người nghẻo và cả những người giàu (xin không báo trước, vì báo trước thì chắc chắn sẽ có 1 bữa cơm thịnh soạn, bất kể nhà nào). Để xem sinh hoạt hằng ngày của họ là gì? Họ ăn gì? Họ sống như thế nào?
Thứ tư: Xin Các Cha hãy đến gần chúng con hơn, như một người Cha dịu hiền trong gia đình, sẵn sàng làm bạn với con, nghe chúng con. Khi Các Cha mở lòng như thế thì có việc khó khăn hay những khúc mắc gì chúng con sẽ dễ dàng chia sẻ với Cha hơn. Bằng không, khi chúng con thấy Các Cha ở xa quá, tiếng kêu của chúng con trời không đáp, đất không thấu thì làm sao Các Cha hiểu chúng con muốn gì???
Thứ năm: việc xây dựng Thánh đường đẹp đẽ là điều cần thiết. Nhưng giữa việc đó và việc xây dựng Ngôi nhà của Chúa trong lòng mỗi người của chúng con thì việc nào là cấp thiết hơn? Nhất là ở những nơi người bạn chúng con lầm đường lạc lối.
Thứ sáu: Nếu việc Các Cha già nói làm bạn với lớp trẻ chúng con khó quá. Cha già rồi, không làm vậy được. Vậy cho con được hỏi: Chúa Giêsu có già không ạh? Và con biết chắc một điều là thông qua thân xác của Các Cha, đều có hình ảnh Chúa Giêsu hiện diện trong đó. Vậy các Cha có già không? Nếu Các Cha nói rằng suy nghĩ của lớp già lạc hậu, lời nói thì không hợp thời nữa. Vậy cho con được đặt câu hỏi tiếp: Lời Chúa có lạc hậu không ạh?
Như vậy thông qua tình yêu của Các Cha đối với Chúa Cứu Thế và ngược lại, không việc gì mà Các Cha không thể làm được. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin. anh em sẽ được như ý (Ga 15:7). Còn vì những hành động trên mà Các Cha bị người đời, thậm chí là anh chị em trong giáo xứ, người thân hiểu lầm, vu oan, nói xấu khi Các Cha đi lại, nói chuyện, ăn cùng mâm với những kẻ nghèo hèn, với người tội lỗi, thì:
Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. (Mt 5: 11-12)
Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? (Mt 5: 46-47)
Thật sự thì khi có những suy nghĩ này trong đầu, em chỉ muốn được lên nói trước hội trường để có thể tác động trực tiếp đến người nghe (vì em nói tốt hơn viết). Em còn suy nghĩ mình nên nói nhẹ nhàng, vui vẻ hay nên nói một cách mạnh mẽ (cách này thì ép-phê hơn nhưng sẽ đụng chạm nhiều hơn). Và em đã quyết định bật dậy khỏi chiếc giường êm ái, mở máy tính lên để đánh ra những dòng chữ này.
Sài Gòn, 2 giờ 51 phút sáng 28/11/2009
Minh Ngôn

Bài tổng hợp
XIN LẮNG NGHE NỖI LÒNG CỦA CHÚNG CON
CON ƯỚC MONG GÌ NƠI GIÁO HỘI?
CON TÌM GÌ NƠI THÁNH LỄ?
CON CẦN GÌ NƠI CÁC LINH MỤC, TU SĨ NGÀY NAY?
Thao thức của một Giáo Lý Viên – Lucia
Lucia
Con là 1 người trẻ. Con 20 tuổi và cũng ngần ấy năm mang danh Kito hữu, vì cả đại gia đình con đều theo đạo Công Giáo. Con là 1 Giáo lý viên, đến nay tròn 5 năm. Con tự hào là người Công giáo. Vậy mà, đã có nhiều lần bản tính con người trong con vẫn cảm thấy chán nản với những gì đang diễn ra. Con chờ đợi cơ hội để được nói từ lâu lắm rồi.
Con mong ước gì nơi Giáo hội?
Thưa, con chỉ mong ước Giáo hội, đại diện bởi giáo xứ, là một mái nhà thật sự, nơi mà Lời Chúa được thực hiện không phải qua cách của thế gian, nhưng qua tình yêu. Giáo hội muốn chúng con yêu Chúa hay yêu Giáo hội? Con không biết rằng suy nghĩ thế này có đúng không… Đâu phải không có lý do mà các anh em Tin Lành không chịu đồng cảm với chúng ta. Con thấy tiếc khi có những Giáo xứ bỏ tiền triệu vào những ngày mừng bổn mạng các hội đoàn, kêu gọi tiền tỷ xây dựng Thánh đường lộng lẫy, những bức tượng đúc vàng mạ bạc, có những tủ áo lễ đẹp lung linh, những vật dụng Thánh cầu kỳ, đắt tiền… Không phải những việc ấy là sai, nhưng…liệu có nên không khi mà giáo dân của những xứ ấy có những người đang sống trong cô đơn, giữa sự bao vây của nghèo đói…Rồi thì Chúa nhật họ không đi lễ, vì cơm áo gạo tiền, nhưng chẳng hề có một ai thăm hỏi. Họ đến nhà thờ với quần áo nhếch nhác, và bị nhìn với ánh mắt khinh khi, trong khi thực chất ra họ chẳng hề còn 1 bộ quần áo nào tử tế hơn…Chuyện gì đang diễn ra? Người giàu và kẻ nghèo? 2 thế giới trong 1 Giáo Hội? Gia đình là như vậy sao?
Con tìm gì nơi Thánh Lễ?
Thưa, con tìm nơi Thánh Lễ những bài chia sẻ Lời Chúa, mang đúng nghĩa là chia sẻ, chứ không phải những bài giảng. Con tìm những tâm tình thật, lời chia sẻ thật, chứ không tìm những bài văn hoa mỹ trên giấy mực. Con tìm sự quan tâm của vị chủ chăn, là các Linh mục, khi Cha dâng lễ bằng tình yêu và khơi lên trong chúng con tình yêu ấy. Con tìm mối dây liên kết với những người mà con gọi là anh em, chứ không phải những cái máy đọc kinh, những đĩa CD nhạc. Con tìm sự sống động và chân tình của Lời Chúa qua những hành động đến từ anh em con. Con tìm hạnh phúc khi thấy mọi người trao nhau những tình cảm ấm áp chứ không phải đến nhà thờ vì luật. Con tìm hình ảnh Chúa là tình yêu chứ không phải là luật. Con có thể tìm được những điều ấy ở đâu?
Con cần gì nơi các Linh mục, tu sĩ của thời đại @ ?
Thưa, con cần các vị cúi xuống thấp hơn, để nhìn chúng con, là đoàn chiên Chúa đã trao vào tay các vị, để lắng nghe chúng con, để chia sẻ và cảm thông. Cha muốn nghe người trẻ, nhưng lại chẳng hề tạo cho người trẻ một cơ hội để nói. Cha đối với người trẻ, xa lạ và uy quyền lắm. Cha muốn chúng con cộng tác, nhưng lại ngại tuổi tác và kinh nghiệm non trẻ của chúng con. Con thiết nghĩ rằng, không thử 1 lần, không té ngã, sẽ chẳng bao giờ có kinh nghiệm, và rồi người trẻ mãi mãi vẫn chỉ đứng ngoài lề mà thôi. Cha ơi, có bao giờ Cha nhìn xuống, và thấy chúng con đang nhìn lên? Chúng con cần lắm nơi Cha sự hòa đồng và bắt nhịp với cuộc sống bên ngoài cánh cửa dòng tu, để Cha nhìn được suy nghĩ của chúng con, hiểu những nguyện vọng của chúng con, thấy những gì chúng con đang phải trải nghiệm, những cạm bẫy xã hội đang rình rập, vì xét cho cùng, Chúa đã chọn Cha giữa muôn người, để là ánh sáng của mọi ánh sáng, muối của mọi muối…là bàn tay ấm áp nhất dẫn chúng con về bên Chúa. Chúng con cần cảm nhận tình yêu của Chúa qua Cha mà. Thưa Cha, chúng con có đang đòi hỏi quá nhiều không?
Tác giả Mục Vụ Gia Đình
dunglac.net