PDA

View Full Version : CÁC GIÁO PHÁI



vũng_nước
31-12-2009, 04:41 AM
Trích từ: Người Tín Hữu

• Sùng Bái - Cult
• Christadelphians
• Tri Thức Giáo
• Do Thái Giáo
• Jehovah's Witness - Chứng Nhân Giêhôva
• Tam Ðiểm
• Mormon
• Tin Lành
• Phật Giáo
Không Hy Vọng


Sùng Bái -- Cult

1. Tại sao các tổ chức tôn giáo như Mormons và Jehovah's Wirnesses lại được coi là "tà giáo", trong khi các tổ chức khác như Fundamentalist và Calvinist thì không? Không phải rằng những tổ chức tôn giáo này có cùng một giáo thuyết lầm lạc hay sao?

TL: Chữ "cult" hiện rất phổ thông ở Hoa Kỳ, theo tự điển của Cha Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh, nó có nghĩa: phụng thờ, sùng bái, hay hình thức đam mê quái dị. Nếu dùng một cách xác thực, nó chỉ về một nhóm người có mục đích tôn giáo nào đó; nó cũng có thể chỉ về một vài nghi lễ, nghi thức, và sinh hoạt cầu nguyện đặc biệt được thi hành trong một nhóm đặc biệt. Thí dụ, Công Ðồng Vatican II được đề cập đến như "sự sùng bái các thánh", nó có nghĩa người Kitô vinh dự và sùng kính các Kitô Hữu đang ngự trên trời với Ðức Kitô. Dùng theo phương cách này, "cult" không có ý nghĩa xấu.

Trong một vài thập niên vừa qua, một hiện tượng đáng tiếc đã phát sinh, chính yếu từ các giáo phái Tin Mừng (Evangelical Protestants) là những người đã dùng chữ này để gán cho các tổ chức tôn giáo mà họ bất đồng ý. Những người theo Mormons và Jehovah's Witnessess trở thành "người tà giáo". Trong một ý nghĩa phổ thông hơn, chữ "cult" không chỉ nói đến một giáo phái có nhiều giáo lý kỳ quặc, nó còn ám chỉ đến một tổ chức có hoạt động bí mật, dùng sự lừa gạt và nhồi sọ để giữ tín đồ, và đôi khi những tổ chức này xuất phát từ việc thờ Satan (tà giáo). Việc gọi ai đó là "người tà giáo" trở nên một vũ khí tiện lợi để tấn công các tôn giáo thiểu số. Một số người Fundamentalist gọi Giáo Hội Công Giáo là tà giáo.

Dĩ nhiên, có một số giáo phái thực sự là tà giáo, nhưng bạn phải thận trọng khi đề cập đến sự kiện đó. Nếu bạn muốn giảng đạo cho những người có liên hệ với các giáo phái ấy, bạn phải tránh những phương cách làm họ xa lánh bạn. Kiên quyết nhưng khoan dung. Ðừng dùng chữ "tà giáo". Tự kềm hãm một chút mà bạn sẽ thành công hơn.

Giáo Phái Christadelphians

1. Tôi vừa gặp phái Christadelphians. Xuất xứ họ ra sao và họ tin những gì?

Giáo phái Christadelphians ("anh em Ðức Kitô") được thành lập năm 1848 bởi John Thomas, là một y sĩ và con của một mục sư phái Congregationalist. Vào lúc đó, ông tự nhận là một thành viên của phái Campbellites (phong trào "Giáo Hội Ðức Kitô"). Năm 1848 ông viết cuốn "Elpis Israel-An Exposition of the Kingdom of God", nói lên những quan niệm tôn giáo của ông.

Giáo phái này thu hút nhiều người ở Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, và Anh Quốc và dần dần được biết đến dưới cái tên Christadelphians trong thời Nội Chiến Hoa Kỳ, khi các hội viên hiếu hòa của họ buộc phải chọn một danh xưng. Vào thời đó, họ chưa phát triển mạnh, và ngày nay, có khoảng 20,000 thành viên ở Anh Quốc và 16,000 ở Hoa Kỳ. Các tín đồ của họ cũng được nhận thấy ở Gia Nã Ðại, Úc, Ðức, và Tân Tây Lan.

Phái Christadelphians chủ trương độc vị (unitarianism), chỉ tin có một ngôi vị nơi Thiên Chúa Cha. Họ coi Chúa Giêsu như một trong nhiều "Elohim" hay "chư thần được dựng nên" mà đã có lần làm người; về phương diện này, phái Christadelphians giống như phái Mormons. Họ không coi Chúa Thánh Thần là một thần khí nhưng là một sức lực.

Người Christadelphians tin rằng linh hồn "ngủ" giữa sự chết và sự sống lại, và do đó không có hình phạt đời đời; về phương diện này, họ giống phái Jehovah's Witnesses. Họ cho rằng người độc ác sẽ không được sống lại vào ngày sau hết.

Phái Christadelphians từ chối sự hiện diện của ma quỷ và cho rằng, vào một ngày rất gần Ðức Kitô sẽ trở lại thống trị Giêrusalem trong vòng một ngàn năm.

Phái Christadelphians không tập trung thẩm quyền. Mỗi một giáo hội địa phương hay "ecclesia"--như họ thường gọi, hành xử cách độc lập và thường tụ họp ở nhà hay các cơ sở được thuê mướn. Họ không dùng đến hàng giáo sĩ được trả lương, nhưng tuyển chọn "serving brethren" (anh em phục vụ) trong một nhiệm kỳ ba năm. Họ không có sứ mệnh và chống đối việc phục vụ trong quân đội, nghiệp đoàn, nắm giữ chức vụ công cộng, và đi bầu; một lần nữa, về phương diện này, họ giống phái Jehovah's Witnesses.

2. Người Christadelphians cho rằng nhiều người sẽ không bao giờ sống lại từ cõi chết (xem Is. 26:14, 43:17, Jer. 51:57). Họ nói rằng Thánh Phaolô cũng đề cập đến điều này trong thư I gửi giáo đoàn Côrintô 15:18, là đoạn ngài nói nếu không có sự sống lại thì những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ bị diệt vong. Làm sao để bác bẻ điều này?

Trưng ra đoạn phúc âm đó không có nghĩa là họ đúng, nhưng thực ra nó được giải thích theo cách khác. Sách Tiên Tri Isaiah 26:14 đề cập đến sự thất bại của kẻ xâm lăng Israel như "cái bóng không thể vươn lên." Ðiều này có nghĩa họ không thể tự sống lại từ cõi chết. Sách Tiên Tri Isaiah 43:17 và Giêrêmia 51:57 nói đến sự bất lực của người chết không thể chỗi dậy khi vấp ngã, và trong trường hợp của Tiên Tri Giêrêmia câu 51 đoạn 57, đó là sự bất lực không thể thức giấc. Tất cả ba đoạn này có giá trị trong khung cảnh thời gian đó, với thời đại chúng ta thì những đoạn ấy bị giới hạn và không dính líu gì đến ngày tận thế. Tận thế là vấn đề khác.

Khi giở sang các đoạn đề cập đến ngày tận thế, chúng ta thấy người độc ác sẽ được sống lại vào ngày sau hết. Trong Phúc Âm Thánh Gioan 5:28-29, Chúa Giêsu nói với chúng ta, "Ðừng ngạc nhiên về điều này, khi đã đến giờ thì mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Người và sẽ ra khỏi đó, những ai làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống, những ai làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án." Chúng ta thấy mọi kẻ chết sẽ nghe tiếng Người và sẽ sống lại và người độc ác sẽ "sống lại để bị kết án."

Trong Khải Huyền 20:12-15, chúng ta thấy, "Và tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai, và quyển sách mở sẵn. Một cuốn khác cũng mở ra: đó là sách trường sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Và biển trả lại những người chết nó đang giữ; tử thần và âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm... Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa."

Qua đoạn văn này, chúng ta được biết tất cả mọi người chết, lớn cũng như nhỏ, được xét xử theo những gì họ đã làm. Biển, tử thần, và âm phủ cũng sẽ trả lại các người chết trong đó, điều này có nghĩa không một người chết nào mà không được sống lại. Trong những người được sống lại sẽ có người độc ác, họ sẽ bị luận phạt.

Lý luận của phái Christadelphians về câu 18 đoạn 15 trong thư I gửi giáo đoàn Côrintô là sai lầm. Thánh Phaolô quả quyết rằng nếu Ðức Kitô không được sống lại, thì những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ bị tiêu vong. Cách hay nhất để bác bẻ là quay về Ðức Kitô. Ngài đã sống lại, bởi thế những người còn đang ngủ trong Ngài sẽ không bị diệt vong -- họ đang tỉnh thức với Ngài trên thiên đàng.

Vài điểm cần biết thêm:

Thứ nhất, người Do Thái có hai quan điểm về đời sau, một là hoàn toàn hủy diệt (theo người Sa-đu-xê) và hai là sự sống lại (theo người Pharisêu). Khi Thánh Phaolô nói, "Nếu không có sự sống lại thì những kẻ chết trong Ðức Kitô sẽ tiêu vong," có lẽ ngài muốn ám chỉ đến quan điểm của người Sa-đu-xê là không có sự sống sau khi chết. Ngài không nghĩ đến một sự hiện hữu ngoài thân xác (linh hồn), vì trong tư tưởng của người Do Thái, sự hiện hữu ngoài thân xác chỉ là tình trạng tạm thời trước khi sống lại. Nếu không có sự sống lại, thì cũng không có tình trạng ngoài thân xác. (Sự thật thì có linh hồn, xem Luca 16:19-31 và Khải Huyền 6:9).

Thứ hai, người phái Christadelphians có lẽ cho rằng trong thư I Côrintô 15:18, "tiêu vong" có nghĩa "bị tiêu hủy" hay "không còn hiện hữu." Không nhất thiết phải hiểu như thế. Thí dụ, trong Êphêsô 2:1, Thánh Phaolô đề cập đến cái chết về tinh thần ("chết đi tội lỗi của một người"), điều đó có thể xảy ra khi người ấy còn sống. Ðiểm của ngài trong thư I Côrintô 15:18 có thể là những Kitô Hữu không chỉ chết về thể xác mà còn chết về đàng tinh thần nếu không hy vọng vào sự sống lại; họ đặt hy vọng vào Ðức Kitô một cách vô hiệu. Ðây là ý tưởng của câu trước đó: "Nếu Ðức Kitô không sống lại, đức tin của anh chị em sẽ vô ích và anh chị em vẫn ở trong tội" (1 Cor. 15:17).

Gnosticism-Tri Thức Giáo

1. Tri Thức Giáo là gì?

Tri thức giáo (gnosticism), có tên từ chữ Hy Lạp "gnosis" ("tri thức") là một phong trào tôn giáo có lẽ bắt đầu từ trước thời Ðức Kitô và kéo dài cho đến vài thế kỷ sau Chúa Giáng Sinh. Người theo tri thức giáo tự coi mình là "người hiểu biết." Tà thuyết của họ thay đổi theo từng nhóm, và không thể kết luận một nét riêng biệt nào, nhưng nói chung, giáo phái này tin tưởng những điều sau:

- Mặc dù Ðức Kitô đã xuất hiện như một con người, nhân tính của Ngài chỉ là ảo ảnh.
- Ðức Kitô dường như chết chứ không thực sự chết.
- Thánh Giá chỉ là ảo ảnh thập giá.
- Ðức Kitô không phải là Thiên Chúa thật, không phải Ngôi Hai trong Ba Ngôi. Ngài chỉ là một tạo vật thấp nhất trong các "aeon", là nhóm thần linh trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Một thần linh trung gian thấp được ban cho quyền năng bởi thần linh trung gian cao hơn. Ðức Kitô, thần linh trung gian xa Thiên Chúa nhất, đã dựng nên thế giới vì Thiên Chúa quá tinh tuyền không muốn bị nhơ bẩn với vật chất.
- Vật chất thì xấu xa, bởi thế người ta có thể làm bất cứ gì họ muốn đối với thân xác, kể cả việc tiêu hủy thân xác ấy để giải thoát linh hồn khỏi bị giam hãm.
Thiên Chúa trong Cựu Ước là ma quỷ, vì đã tạo dựng nên vũ trụ vật chất. Ngài không phải là Thiên Chúa trong Tân Ước, là Thiên Chúa Tình Yêu, như Ðức Kitô và các tông đồ rao giảng (1 John 4:8,16).
- Con người được cứu chuộc bởi có được tri thức bí mật (gnosis), chỉ được trao truyền cho những người đã được thụ giáo.

Trong một vài phương cách, tri thức giáo (gnosticism) tương tự như phong trào New Age hiện nay. Cũng giống như những người theo New Age, người tri thức giáo dùng thuật ngữ và dấu hiệu của Kitô Giáo, nhưng họ đặt chúng vào những khung cảnh tôn giáo lạ lùng nhằm phá hủy sự giảng dạy chân chính của Ðức Kitô. Người ta không rõ tri thức giáo bắt đầu lúc nào. Nhiều Giáo Phụ cho rằng tri thức giáo được sáng lập bởi Simon Magus, là người phù thủy Samaritan trở lại Kitô Giáo (CVTÐ 8:9-24).

Tuy nhiên, thật hiển nhiên là chính các tông đồ đã tranh luận với một hình thức tri thức giáo (Col. 2:8, 18; 1 Gioan 4:1-3; Khải Huyền 2:6, 15). Thánh Phaolô nói, "Tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những ngu xuẩn của nhóm gọi là tri thức [gnosis]. Vì chủ trương tri thức đó mà một số người đã lạc mất đức tin" (1 Tim. 6:20-21)

2. Văn bản Nag Hammadi là gì, và những tài liệu ấy có tiết lộ điều gì mà chúng ta chưa biết về Ðức Kitô hay Phúc Âm không?

Ðược tìm thấy vào năm 1945 gần ngôi làng Nag Hammadi vùng Thượng Ai Cập, đó là những văn bản chỉ thảo (papyrus) thời thế kỷ thứ tư và tài liệu ấy tạo nên một phần của tủ sách tri thức giáo. Những văn bản này là các nguồn tài liệu có giá trị về niềm tin và cách thực hành của tri thức giáo. Từ những văn bản này chúng ta có thể thấy rõ ràng hơn những tranh luận và thần học mà người tri thức giáo dùng để tấn công Giáo Hội Công Giáo.

Mặc dù các văn bản này rất rời rạc, nhưng nó vẫn còn khá nguyên vẹn để thấy tri thức giáo lộ diện trong những phúc âm và thánh thư giả tạo. Trong bộ văn bản Nag Hammadi là những sản phẩm không xác thực như Nguỵ Thư của Thánh Gioan, Phúc Âm Thánh Philíp, Khải Huyền của Thánh Phaolô, và Phúc Âm của Ðức Maria.

Các học giả thích thú khi khám phá ra một vài sản phẩm được biết là có hiện diện trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội nhưng được coi là thất lạc. Muốn biết thêm về văn bản này, có lẽ nên đọc ấn bản Anh ngữ "The Nag Hammadi" (San Francisco: Harper & Row, 1988).

Do Thái Giáo (Judaism)

1. Ngày nay Do Thái Giáo có còn các tư tế không? Có phải họ thuộc chi tộc Lêvi? Các tư tế có còn tế lễ không?

Không, ngày nay không còn tư tế Do Thái Giáo. Theo Cựu Ước, chỉ có một nơi xứng đáng để giết thú vật làm của lễ dâng lên Thiên Chúa là Ðền Thờ ở Giêrusalem. Vào năm 70 A.D. Ðền Thờ bị phá hủy, có nghĩa tư tế Do Thái Giáo không còn chỗ để tế lễ. Cho đến ngày nay, Ðền Thờ vẫn còn đổ nát, không có chỗ để tế lễ. Bởi đó, trong Do Thái Giáo tư tế không có sự hoạt động.

Ðiều này không có nghĩa không còn những người được kêu gọi làm tư tế khi Ðền Thờ được xây dựng lại. Không giống như các chi tộc khác của Israel, chi tộc Lêvi không bị tiêu diệt như người ta nghĩ. Nhiều người Do Thái ngày nay, với các tên như Levit, Levin, và Levine, được coi là thuộc chi tộc Lêvi. Vì di sản tư tế, họ được trao cho các vai trò đặc biệt trong sự thờ phượng ở hội đường Do Thái Giáo. Những người có tên như Cohen, Kahan, và đôi khi Katz được coi xuất phát từ các gia đình tư tế trong chi tộc Lêvi.

Trong những năm gần đây có sự thảo luận về việc xây dựng lại Ðền Thờ, và hầu hết các cuộc thảo luận đều để ý đến việc có nên xây dựng lại Ðền Thờ mà không phải phá huỷ Vòm Ðá, là Ðền Thờ Hồi Giáo xây trên Ðền Núi (Temple Mount) ở Giêrusalem không.

Những chứng tích khảo cổ mới đây cho thấy chỗ Cực Thánh--nơi quan trọng nhất của Ðền Thờ và là nơi cất giữ Hòm Bia--nằm ở ngoài Vòm Ðá, điều đó có nghĩa người ta có thể tái xây dựng Ðền Thờ, kể cả nơi Cực Thánh, mà không đụng đến Vòm Ðá.

Người ta đồn rằng các người Do Thái thuộc chi tộc Lêvi đang được huấn luyện để hồi phục chức tư tế. Trong năm qua, một nhóm Do Thái Giáo chính thống cực đoan đã đặt viên đá xây dựng Ðền Thờ mới.

Không phải mọi người Do Thái Giáo đều ủng hộ việc tái xây dựng Ðền Thờ. Một số nói lên sự lo ngại phải đối phó với vấn đề có nên dùng thú vật để tế lễ hay không--là vấn đề mà nhiều người Do Thái Giáo không muốn đụng đến.

Jehovah's Witness-Chứng Nhân Giêhôva

1. Cách tốt nhất để tranh luận với Chứng Nhân Giêhôva khi họ đến nhà giảng đạo là gì?

Hãy chú ý đến Phúc Âm Thánh Gioan chương 6.

Nếu bạn may mắn, việc thảo luận của bạn về chương này--là đoạn mà Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thể và tuyên bố rõ ràng là bánh và rượu thực sự là mình và máu của Ngài--sẽ đưa Chứng Nhân Giêhôva vào vòng lẩn quẩn. Hãy nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu lập đi lập lại là chúng ta phải ăn thịt và uống máu Ngài, và Ngài không thể thuyết phục người nghe thời đó đừng nghĩ rằng điều đó có ý nghĩa biểu tượng. Ngài nói theo nghĩa đen, và những người thời đó hiểu như vậy.

Trước hết nhiều người Do Thái bỏ đi, lắc đầu không tin nổi. Sau đó một vài môn đệ bỏ Chúa Giêsu, không thể chấp nhận tín điều về sự Hiện Diện Thực. Một nhân vật đặc biệt bỏ đi: đó là Giuđa (xem câu 64). Chính lúc này, vì không tin sự Hiện Diện Thực, mà Giuđa đã phản bội Ðức Kitô. Quả thật Giuđa là một tên trộm và là kẻ phản bội, nhưng chính lúc này mà hắn bắt đầu có manh tâm.

Nếu bạn đọc chương 6 một cách chậm rãi, nhấn mạnh vào những sự kiện xảy ra, Chứng Nhân Giêhôva sẽ rơi vào hoàn cảnh khó xử. Hãy cho họ thấy rằng những người thời đó hiểu lời Chúa Giêsu nói theo nghĩa đen--vậy tại sao chúng ta lại không hiểu như vậy?

Có thể họ nói rằng "Thiên Chúa Giêhôva" khai sáng cho họ để hiểu điều Thánh Gioan thực sự muốn nói trong chương 6. Hãy bảo họ đọc lại Phúc Âm, phải "ngay thẳng với Thiên Chúa", và điều đó có nghĩa phải đi theo chân lý đã dẫn dắt họ. Phải tín thác vào Thiên Chúa và theo Ngài bất cứ đâu Ngài dẫn dắt, ngay cả đó là lúc họ không muốn theo.

Những giải thích trên chỉ xảy ra nếu bạn may mắn gặp người Chứng Nhân Giêhôva có hiểu biết. Có thể điều bạn dẫn chứng trong Phúc Âm Thánh Gioan chương 6 không ảnh hưởng gì đến họ. Hãy kiên nhẫn, đợi họ trở lại và tiếp tục.

2. Tôi có được đến "Kingdom Hall", là nơi mà người Chứng Nhân Giêhôva thờ phượng không?

Ðược và không. Nếu bạn thực sự có kiến thức về giáo phái này và muốn xem cách họ cử hành nghi lễ và những kiểu cách họ giảng dạy cho dân chúng, thì cứ tự nhiên. Bạn không thiệt hại gì, và có thể bạn học được những tinh xảo mà bạn áp dụng vào việc đi truyền giáo từng nhà.

Nhưng nếu bạn bị tò mò vì những gì người Chứng Nhân Giêhôva nói, và nghĩ rằng "Tôi muốn tự mình tìm hiểu", thì bạn nên tránh xa. Nếu bạn chỉ có một chút nghi ngờ về những gì người Chứng Nhân Giêhôva nói, có lẽ bạn không đủ kiến thức về đức tin của chính bạn và của họ.

Nếu bạn thực sự hiểu biết đủ, nếu bạn nắm vững đức tin Công Giáo và qua sự học hỏi bạn tin rằng đức tin của bạn không bị lay chuyển bởi bất cứ gì người Chứng Nhân Giêhôva nói, thì hãy tin rằng giáo lý của họ cũng không có gì là tốt đẹp hay có giá trị lịch sử.

Ðiều đó nghe có vẻ thiển cận, và thực như vậy nếu chúng ta nói về một tổ chức Kitô Giáo chính đáng, nhưng Chứng Nhân Giêhôva không phải là Kitô Giáo, và giáo lý của họ thiếu xác thực--như được chứng minh bởi bản dịch Phúc Âm của họ, được gọi là "The New World Translation", gồm những đoạn chủ ý dịch sai để hỗ trợ cho điều họ tin tưởng. (Phúc Âm của người Công Giáo và Tin Lành không đồng ý với những ý tưởng này, tỉ như họ cho rằng không có hỏa ngục hay Ðức Giêsu không phải là Chúa mà là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae).

Bất kể giáo lý của Chứng Nhân Giêhôva có sai lầm đến đâu, đừng coi thường sự dụ dỗ của các người theo giáo phái này. Họ là những người có tài thuyết phục. Ðừng đưa mình vào hoàn cảnh bị cám dỗ nghĩ rằng, "Ồ, mình có thể lý luận với những tên này, dù mình không biết nhiều về đức tin Công Giáo." Nếu bạn nghĩ như thế, thì bạn là con mồi ngây thơ mà họ đang tìm kiếm, vì một khi bạn không thể bài bác những điều họ tin tưởng, và không thể nêu ra lý lẽ của Công Giáo, bạn sẽ thất bại và sẽ bắt đầu liên lạc với Kingdom Hall.

Ðừng cười. Nó đã xảy ra nhiều lần. Nhiều người Công Giáo có thái độ tự mãn: "Tôi không cần biết đức tin của tôi vì đức tin của tôi có thật." Thái độ đó tốt--cho đến khi bỗng dưng bạn cảm thấy mình rỗng tuếch khi được hỏi những câu quan trọng về đức tin. Có thể ngày hôm nay bạn nghĩ mình không bị khuất phục bởi sự tán tỉnh của các Chứng Nhân Giêhôva, nhưng đó là điều mà những người đi theo giáo phái này từng nói như thế.

3. Trong cuộn băng, "I Escape from the Watchtower" (Tôi Thoát Khỏi Watchtower), có đoạn phỏng vấn một người trước là Chứng Nhân Giêhôva và ông ấy có đề nghị đọc cuốn "The Finished Mystery" (Bí Ẩn Sau Cùng). Cuốn sách ấy nói về điều gì, ai viết, và tại sao lại quan trọng?

Ông Leonard Chretien, một cựu Chứng Nhân Giêhôva từng giữ chức vụ trong "Wachtower Bible" và "Tract Society" của giáo phái này trong 22 năm, đề nghị cuốn "The Finished Mystery" vì đó là một thí dụ điển hình của sự biến thái quái dị về giáo lý của Watchtower trong vài trăm năm qua, và nó hữu ích vì cho chúng ta thấy những sai lầm và mâu thuẫn của giáo lý Chứng Nhân Giêhôva.

Cuốn "The Finished Mystery" là cuốn thứ bảy trong bộ "Studies in the Scriptures", là bộ sách do giáo chủ Chứng Nhân Giêhôva, ông Charles Taze Russell viết. Ðó là mớ hỗn tạp những điều tiên tri sai lạc, nói bừa bãi về việc dẫn giải Kinh Thánh, và huênh hoang tấn công Giáo Hội Công Giáo. Cuốn "The Finished Mystery" được ấn hành năm 1917, sau khi tác giả chết, và được rêu rao đó là một chỉ trích "Thế Giới Kitô Giáo" mà không có câu giải đáp.

Nhiều năm trôi qua, và khi các điểm chính yếu về thần học của giáo phái này thay đổi, cơ quan "The Watchtower" rầm rĩ công bố những tiên đoán ma về ngày giờ Ðức Kitô tái giáng lâm. Thật trớ trêu, cơ quan "The Watchtower" đã có nhiều mâu thuẫn trong các điểm thần học mới của họ và cũng không thể giải thích được những tiên đoán sai lầm trong sách của giáo chủ Russell. Trong một hành động được hiểu là để kềm chế mối bất lợi này, nhóm lãnh đạo Chứng Nhân Giêhôva đã thu hồi tất cả các sách trong bộ "Studies in the Scriptures."

Hầu hết các người Chứng Nhân Giêhôva không biết đến bộ sách này, với lý do hiển nhiên là cơ quan "The Watchtower" thận trọng không để lọt vào tay bất cứ ai. Nhưng bạn có thể có được bản chụp ảnh (photographically reproduced) của cuốn này từ cơ quan Witness Inc., một tổ chức hộ giáo của Tin Lành nhằm bác bẻ những sai lạc của "The Watchtower". (P.O. Box 597, Clayton, CA 94517, [415] 584-3838).

Như với tất cả mọi tổ chức hộ giáo của Tin Lành, rất có thể có những sai lầm về thần học mà người Tin Lành đưa ra như một "giải đáp" cho những sai lạc của các "tà giáo." Bạn cần thận trọng về chiều hướng của người Tin Lành. Cuộc nghiên cứu của tổ chức này (Witness Inc.) vẫn hữu ích vì khả năng chuyên môn của họ trong việc vạch trần những sai lạc và mâu thuẫn trong các tài liệu của "The Watchtower" như Awake! cũng như những tài liệu không còn xuất bản.

4. Vợ tôi đang học đạo với Chứng Nhân Giêhôva, và họ thuyết phục cô ấy rằng việc mừng ngày sinh nhật là một thói đời và là người Kitô Giáo thì không nên làm. Cô ấy ngăn cản con cái tôi mừng ngày sinh nhật. Tôi phải làm gì?

Việc mừng sinh nhật được nhắc đến vài lần trong Kinh Thánh, và không có chỗ nào bị lên án. Người Chứng Nhân Giêhôva sai lầm cho rằng việc mừng sinh nhật là điều xấu vì chỉ có hai đoạn trong kinh thánh rõ rệt nhắc đến việc mừng sinh nhật, một là của người ngoại giáo, Pharaoh (Sáng Thế 40:20-22), và của người độc ác, Hêrôđê Antipas (Máccô 6:21; xem Mátthêu 14:1-12). Ðể tóm lược vấn đề, việc mừng sinh nhật Vua Hêrôđê đã trở thành cơ hội dâm đãng với con gái của người vợ anh vua, là cô Hêrôđia, và đưa đến việc chém đầu Gioan Tẩy Giả. Người Chứng Nhân Giêhôva lý luận sai lầm rằng, vì biến cố trong phúc âm mô tả việc mừng sinh nhật của các người độc ác, thì việc mừng sinh nhật của bất cứ ai, tự nó là tội lỗi. Bạn có thể cho thấy điều này vô lý khi trưng ra đoạn Phúc Âm nói rằng ngày sinh của Gioan Tẩy Giả sẽ là nguyên nhân của "sự vui mừng hớn hở, và nhiều người được hỉ hoan ngày con trẻ chào đời, vì em sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa" (Luca 1:14-15). Dù đoạn này không hiển nhiên đề cập đến việc mừng sinh nhật của Gioan Tẩy Giả, nhưng chắc chắn có thể giải thích như thế và tối thiểu cho thấy việc mừng sinh nhật của một người thánh thiện thì nên làm.

5. Tại sao Chứng Nhân Giêhôva không chấp nhận việc tiếp máu, ngay cả khi mạng sống bị nguy kịch?

Chính yếu là vì giáo chủ Charles Taze Russell, đã góp nhặt lung tung để thành một bộ giáo lý độc đáo của ông. Dường như ông không quan tâm đến những điều Phúc Âm mà ông chấp nhận hay ông khước từ, một khi kết quả góp nhặt ấy trở nên kỳ lạ. Trên căn bản "phúc âm", từ chối tiếp máu là một trong những giáo lý kỳ quặc khiến "The Watchtower" trở nên một tổ chức thực sự lạ đời. Người Chứng Nhân Giêhôva trưng ra hai câu làm căn bản cho lập trường của họ: "Ngươi không được ăn máu bất cứ giống gì, dù là chim muông hay thú vật, ở nhà ngươi. Bất cứ ai ăn máu một giống nào, người đó sẽ bị loại ra khỏi dân tộc" (Lêvi 7:26-27); "Vì sự sống của bất cứ tạo vật nào là máu của nó; bởi thế Ta nói với dân Israel, ngươi không được ăn máu bất cứ tạo vật nào, vì sự sống của tạo vật ấy là máu của nó; bất cứ ai ăn máu sẽ bị loại trừ" (Lêvi 17:14).

Ngoài tính cách mâu thuẫn bởi giữ điều này bỏ điều kia trong Cựu Ước, tỉ như việc cắt bì (xem Sáng Thế 17:2-14) và luật về đồ ăn kiêng khem (xem Thứ Luật 14:3-21), Chứng Nhân Giêhôva hiểu sai lầm về ý nghĩa những đoạn này. Trong cả hai đoạn Lêvi 7 và 17 chỉ việc ăn máu bị cấm, chứ không phải việc tiếp máu (là phương pháp y khoa chỉ được phát triển trong vòng thế kỷ sau này). Chứng Nhân Giêhôva bỏ qua một sự kiện trong sách Lêvi mà Thiên Chúa cấm không được ăn máu và mỡ: "Ðó sẽ là một điều luật vĩnh viễn trong toàn thế hệ ngươi, trong mọi nơi ngươi sống, là ngươi không được ăn máu hoặc mỡ" (Lêvi 3:17). Tuy nhiên "The Watchtower" không lên án việc ăn mỡ, và không một người Chứng Nhân Giêhôva nào cảm thấy cắn rứt khi nhâm nhi gói da heo chiên hay thưởng thức một khúc sườn nướng thơm phức. Ðây là một thí dụ điển hình của "giáo lý" chọn lọc của "The Watchtower".

vũng_nước
31-12-2009, 04:41 AM
Freemasonry-Tam Ðiểm

1. Lập trường chính thức của Giáo Hội Công Giáo đối với Tam Ðiểm là gì? Người Công Giáo có được tự do gia nhập Tam Ðiểm không?

Tam Ðiểm không thích hợp với đức tin Công Giáo. Tam Ðiểm giảng dạy về một tôn giáo căn cứ vào tự nhiên, coi đạo nào cũng vậy, bởi đó ai ai cũng có thể làm vui lòng Thiên Chúa dù ở bất cứ tôn giáo nào.

Tam Ðiểm còn là một tổ chức bí mật. Trong nghi thức gia nhập, hội viên uống máu thề những điều trái ngược với luân lý Kitô Giáo. Hội viên Tam Ðiểm thề nếu họ tiết lộ những bí mật của Tam Ðiểm--bí mật nhưng không quan trọng và ai ai cũng biết--thì họ sẽ tự xẻo thịt mình hay bị hành quyết cách khủng khiếp.

Theo lịch sử, một trong những mục tiêu chính của Tam Ðiểm là tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo, điều này đặc biệt đúng với hội Tam Ðiểm ở các quốc gia Âu Châu. Ở Hoa Kỳ, hội Tam Ðiểm không khác hơn một tổ chức xã hội bao nhiêu, nhưng nó vẫn chủ trương một tôn giáo tự nhiên nên trái ngược với Kitô Giáo chính thống.

Giáo Hội phạt vạ tuyệt thông những người Công Giáo gia nhập hội Tam Ðiểm. Vạ tuyệt thông vì tham dự hội Tam Ðiểm được nói rõ trong bộ giáo luật 1917 (điều 2335), và được hiểu ngầm trong bộ luật 1983 (điều 1374).


Mormonism--Giáo Phái Mormon

1. Về giáo phái Mormon, có người nói rằng tín đồ Mormon tin là Thiên Chúa "nguyền rủa" một số người bằng cách làm cho da họ đen. Xin cho biết điều đó được trích dẫn ở đâu?

Sách Mormon nói rằng người Lamanite và một số người Nephite (là người Do Thái phải di cư từ Palestine sang Tân Thế Giới khoảng năm 600 B.C.) bị Chúa phạt làm cho da họ đen. "Hình phạt", dưới hình thức một lời nguyền rủa, biến họ từ người da trắng Semite sang người Indian da đen (xem 1 Nephi 12:23; 2 Nephi 5:20-24; Jacob 3:3-5; Alma 3:5-9; Mormon 5:15-18). Sách Mormon nói thêm rằng những người bị nguyền rủa mà sau này hối cải thì da họ trắng trở lại (Jacob 3:8; 3 Nephi 2:14-15; Alma 23:18).

2. Người Mormon đến nhà tôi truyền giáo, và chúng tôi thảo luận khá lâu về sự khác biệt giữa Công Giáo và Mormon. Một trong những điều mà họ hãnh diện về giáo huấn của họ gọi là "Word of Wisdom -- Lời Khôn Ngoan", cấm hút thuốc, uống trà, cà phê, và rượu. Làm sao tôi có thể bác bẻ lý lẽ này?

Hãy từ từ! Mặc dù Giáo Hội Mormon sai lầm nhiều vấn đề thần học, "Lời Khôn Ngoan" của họ không phải là điều giảng dạy xấu và không cần phải bác bẻ. Ðúng vậy, người Mormon rất nhiệt tình trong việc bài bác trà, cà phê, và rượu (họ coi những thứ này tự bản chất luôn luôn có hại cho thân thể), nhưng trong điều họ rao giảng có tiềm ẩn một sự thật.

Chính Giáo Hội Công Giáo dạy rằng việc cố ý gây thương tích cho thân thể một cách không cần thiết là vi phạm Ðiều Răn Thứ Năm. Bây giờ y khoa cho thấy khói thuốc lá làm hại cho thân thể nên nhiều người cho rằng những người hút thuốc là tự ý làm tổn thương cho cơ thể và điều đó có tội.

Ðiều này đúng với việc hút thuốc lá, nhưng không đúng với trường hợp uống trà, cà phê, và rượu, trừ khi lạm dụng. Mọi người đều có thể uống rượu một cách điều độ mà không hại gì cho sức khoẻ. (Rượu còn có lợi cho sức khoẻ, như các tiền nhân đã biết: "Ðừng chỉ uống nước mà thôi, nhưng hãy dùng một chút rượu vì có lợi cho bao tử và vì cơn bệnh thường xuyên của anh" [1 Timôthê 5:23]).


Một cách tự nhiên, người ta phải tránh những gì thường trực tiếp tổn thương cho cơ thể, tỉ như dùng ma tuý và hút thuốc, nhưng các thực phẩm và thức uống không gây thiệt hại cho thân thể khi dùng một cách điều độ thì không nên bài trừ như một điều xấu xa. Dĩ nhiên không có gì sái quấy khi kiêng cữ để hãm mình phạt xác hay để khoẻ mạnh hơn (nói cho cùng, không cần phải cữ uống trà, cà phê, hay rượu thì mới mạnh khoẻ). Như Thánh Phaolô nói, "Ðối với tôi mọi sự đều hợp pháp, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để bất cứ sự gì làm chủ được tôi" (1 Cor. 6:12). Một khi "Lời Khôn Ngoan" dạy người ta sống mạnh khỏe bằng cách kiêng cữ một vài loại thức ăn, điều đó có ích nhưng về phương diện luân lý thì điều đó không tốt cũng không xấu. Nhưng người Mormon đã sai lầm khi lên án trà, cà phê, và rượu như những thứ luôn luôn xấu xa tự bản chất.

3. Ai là "những chiên khác" mà Chúa Giêsu đã nhắc đến trong Phúc Âm Thánh Gioan 10:16? Trong một quảng cáo, người Mormon nói rằng câu đó ám chỉ người Do Thái đã di cư sang Nam Mỹ khoảng 600 B.C.

Chúa Giêsu nói, "Và tôi còn những chiên khác không thuộc đàn này; tôi cũng phải đưa chúng về, và chúng sẽ nghe tiếng tôi. Như thế chỉ có một đoàn chiên và một mục tử." Hầu hết các học giả kinh thánh Công Giáo, theo sự giảng dạy của các giáo phụ thời tiên khởi, đồng ý rằng "những chiên khác" là lương dân (dân ngoại), mà phúc âm được rao truyền cho họ sau khi người Do Thái từ chối Ðức Kitô (Rom. 11:11-12).

Trong thời Chúa Giêsu rao giảng, Ngài chỉ rao giảng cho người Do Thái (Mátthêu 10:5-6, 15:24), và trong thời Giáo Hội tiên khởi, người Do Thái cũng là trọng tâm của sự rao giảng của các tông đồ, mặc dù Chúa Giêsu đã tiên báo rằng phúc âm sẽ được loan truyền cho mọi dân tộc" (Matt. 28:19, TÐCV 1:8). Việc Thiên Chúa nới rộng ơn phúc của Ngài cho Dân Ngoại đã được nói trước trong Cựu Ước (TV 2:7; Isa. 2:2-6).

Thánh Phaolô đã giải thích điều này cho Kitô Hữu Dân Ngoại . "Hãy nhớ rằng đã có lần anh em là Dân Ngoại về phần xác, được coi là người chưa cắt bì dù đã được tay người phàm cắt bì thân xác anh em--hãy nhớ rằng lúc đó anh em tách biệt với Ðức Kitô, xa lạ với cộng đồng Israel, và xa lạ với giao ước đã được hứa trước, không có hy vọng và không có Thiên Chúa trong cuộc sống. Nhưng bây giờ, trong Ðức Giêsu Kitô, anh em là người đã từng cách biệt nay được đem lại gần nhờ máu Ðức Kitô" (Êphêsô 2:11-13; coi Rom. 3:22; Gal. 3:27-28).

4. Tôi được cho biết là người Mormon thờ Satan trong các nghi thức ở đền thờ của họ, và họ mang những dấu hiệu ma quỷ trên y phục. Ðiều đó có thật không?

Không. Người Mormon không thờ Satan dù ở đền thờ của họ (mà chỉ một phần nhỏ người Mormon đến viếng) hay trong nghi thức Chúa Nhật hàng tuần, và họ cũng không mang những dấu hiệu Satan trên y phục. Nhưng họ có một diễn viên đóng vai trò Luxiphe trong nghi thức tài trợ ở đền thờ. Qua vở kịch ngắn này người tham dự được biết quan niệm của người Mormon về lịch sử cứu chuộc, kể cả việc Luxiphe cám dỗ ông ADong và bà Evà, nhưng không bao giờ có việc thờ cúng Luxiphe trong các nghi thức đó. Về dấu hiệu, những người Mormon tham dự nghi thức này phải mặc "quần áo lót thiêng liêng" mà họ tin rằng có khả năng che chở họ khỏi bị nguy hại về thể xác cũng như tinh thần. Những quần áo lót này, căn bản là một bộ quần cụt và áo ngắn tay dính liền, mầu trắng, có thêu các dấu hiệu, tỉ như thước vuông của người thợ mộc, là một dấu hiệu bắt chước Tam Ðiểm.

5. Người Mormon đến nhà tôi truyền giáo, và trong những điều họ nói, họ lên án người Công Giáo có thói quen không được thấy trong phúc âm là việc trả lương cho giám mục và linh mục. Họ rất hãnh diện là Giáo Hội Mormon không trả lương cho hàng giáo sĩ, và cho rằng họ là người theo sát gương của các Kitô Hữu tiên khởi. Tôi im lặng, bối rối vì tôi không biết trong Phúc Âm có đoạn nào hỗ trợ lập trường của Công Giáo. Có đoạn nào không?

Có. Hãy trả lời họ bằng Thư 1 gửi cho giáo đoàn Côrinthô đoạn 9. Trong câu 7 đến 12, Thánh Phaolô đã đề cập đến điều này, khi nói, "Có ai làm lính mà phải tự túc bao giờ? Có ai trồng nho mà lại không được ăn trái? Hay có ai chăn súc vật mà lại không được dùng sữa của chúng? Có phải tôi nói như vậy là dựa trên quyền thế cá nhân hay chính lề luật cũng không đề cập đến điều đó?

"Trong luật Mô-sê có chép: 'Ðừng bịt mõm con bò đang đạp lúa.' Chẳng lẽ Thiên Chúa lại bận tâm đến chuyện trâu bò, hay vì chúng ta mà Ngài phán như vậy? Chính vì chúng ta mà có lời chép, người ta cày cấy với niềm hy vọng và kẻ đập lúa cũng hy vọng được chia phần. Nếu chúng tôi gieo hạt thiêng liêng cho anh em, thì đó có phải là điều quá đáng khi chúng tôi hưởng của vật chất nơi anh em? Nếu những người khác còn có quyền đòi hỏi anh em, thì huống hồ là chúng tôi?"

Ngài nói tiếp, mặc dù việc trả lương cho sứ vụ của ngài là điều chính đáng (câu 18), nhưng ngài không muốn như thế để giảm bớt các nguyên cớ gièm pha của những người ưa chỉ trích. Trong các câu 13 và 14 ngài giải thích: "Anh em không biết rằng người lo các thánh vụ thì được hưởng lộc đền thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của hiến tế sao? Cũng vậy, Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng." Nên xem thêm Rôma 15:26-27, 2 Thess 2:6-10; và 2 Timôthê 2:6.

6. Người Mormon hỏi tôi có muốn đi thăm "stake center--trung tâm trụ" của họ không. Tôi từ chối, nhưng thực sự không hiểu "trung tâm trụ" là gì?

Trung tâm trụ của người Mormon thì tương tự như một giáo xứ Công Giáo, với các văn phòng, nơi hội họp, nơi thờ phượng, nhà bếp, lớp học, và nhiều trung tâm trụ còn có một thư viện về phả hệ.

Hầu hết các trung tâm trụ đều có một chỗ được gọi là trung tâm văn hóa, là một phòng thật lớn như sân chơi bóng rổ và giảng đường. Trung tâm văn hóa tách biệt với điện thờ bởi tấm vách di động, được mở ra vào các ngày Chúa Nhật khi giáo đoàn quá đông hoặc khi có tổ chức đặc biệt.

Theo tổ chức của người Mormon, một trung tâm trụ thì lớn hơn một khu hội nhưng nhỏ hơn một vùng. Một khu hội chỉ bao gồm vài trăm người. Một trung tâm trụ gồm vài khu hội, có khi tới mười lăm khu hội. Các khu hội do các giám mục đứng đầu, và các giám mục khu hội phải phúc trình lên một chủ tịch trung tâm trụ, là người phải chịu trách nhiệm với chủ tịch vùng.

Chữ "stake--trụ" do bởi hai câu Phúc Âm. "Hãy nhìn đến Zion [người Mormon tự coi họ và Salt Lake City là tổ chức hiện nay giống với Zion xưa], thành phố của nghi thức: mắt ngươi sẽ thấy Giêrusalem, một nơi trú ngụ êm ả, một lều tạm không bị tháo gỡ; không một cột trụ nào ở đó được rỡ đi" (Is. 33:20); "Hãy nới rộng căn lều của ngươi, và hãy để chúng trải rộng các màn trướng nơi trú ngụ; cũng đừng quên nới dài các dây nhợ, và củng cố các cột trụ" (Is. 54:2).

Trung tâm trụ là sức mạnh của hạ tầng cơ sở Giáo Hội Mormon. Từ các trung tâm trụ, hàng ngàn tín đồ của Giáo Hội này đi khắp nơi để truyền đạo. Các đại hội thường niên của Giáo Hội Mormon thường được truyền hình qua hệ thống viễn tinh đến các trung tâm trụ. Công việc phả hệ địa phương được thi hành ở các trung tâm trụ, và hầu hết những người theo đạo Mormon được rửa tội ở các trung tâm trụ.

Sau đây là một vài dữ kiện về sự gia tăng nhanh chóng của các trung tâm trụ Mormon: Vào tháng Mười, 1988 có 1,108 trung tâm trụ ở Hoa Kỳ. Trong mười quốc gia nhiều trung tâm trụ nhất, có sáu quốc gia mà trước đây đa số dân là Công Giáo (Mễ có 92; Brazil có 57; Chí Lợi có 48; Phi Luật Tân có 32; Peru có 31; Argentine có 26. Ngày nay, trên một nửa số người trở lại đạo Mormon là người Công Giáo). Phải mất 143 năm để hình thành một nửa tổng số trung tâm trụ toàn thế giới (1700). Nhưng gần đây, chỉ cần có mười một năm để hình thành năm mươi phần trăm trung tâm trụ còn lại.

7. Năm qua tôi từ giã Giáo Hội Mormon để theo đạo Công Giáo. Tôi muốn kiên cường đức tin qua sự hiểu biết, nhất là về vấn đề bản tính của Thiên Chúa để có thể giải thích cho những người trong gia đình tôi vẫn theo đạo Mormon. Họ luôn luôn thách thức tín điều Công Giáo, nhất là vấn đề chỉ có một Thiên Chúa. Bạn có đề nghị gì?

Nên bắt đầu với cuốn "Theology and Sanity" của Frank Sheed, có những giải thích minh bạch và xúc tích về vấn đề này. Sau đó đưa cho người nhà đọc và thảo luận về những gì họ đã đọc. Trong cuộc thảo luận, hãy đưa ra những đoạn kinh thánh minh chứng chỉ có một Thiên Chúa: Isaiah 44:6; 45:5-6, 18, 21-22; 46:9. Những đoạn sau chứng minh Chúa hiện diện khắp mọi nơi: Thánh Vịnh 138 (139):7-8; Sách Khôn Ngoan 1:7; Tiên Tri Giêrêmia 23:24; và Ephêsô 1:23.


Tin Lành (Protestantism)

1. Một linh mục Anh Giáo nói với tôi rằng chức thánh của ông ta có giá trị và ông có thể cử hành Thánh Lễ và ban phép xá giải. Ðiều tôi biết thì ngược với những gì ông ấy nói. Lập trường của đạo Công Giáo là gì?

Mặc dù ngày nay người Công Giáo và nhiều người Anh Giáo truyền thống đang có sự thân thiện và ngày càng hỗ tương cộng tác, vẫn còn vấn đề tế nhị về giá trị của chức thánh trong Anh Giáo. Giáo Hội Công Giáo tiếp tục phủ nhận giá trị này.

Vào năm 1896, Ðức Giáo Hoàng Leo XIII ra tông thư Apostolicae Curae, trong đó ngài duy trì lập trường của Giáo Hội là coi chức thánh của Anh Giáo "tuyệt đối vô giá trị và không có hiệu lực." Khi Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo đầu tiên là Thomas Cranmer, lên nắm quyền dưới thời Vua Henry VIII, ngài đã thay đổi nghi thức truyền chức một cách quyết liệt, cắt bỏ mọi liên quan đến sự thánh thiện của chức tư tế.

Ðể có giá trị, các bí tích phải có nghi thức và ý nghĩa thích hợp, do đó nhiều câu hỏi nghiêm trọng về giá trị của chức thánh trong Anh Giáo được nêu lên. Sau những nghiên cứu, Giáo Hội Công Giáo quyết định rằng, mặc dù việc phong chức linh mục được cử hành bởi một giám mục Công Giáo hợp lệ nhưng lạc đạo, vì nghi thức tấn phong của Anh Giáo bị sái lệch quá nhiều nên chức thánh không còn giá trị.

Do đó, chỉ trong vòng một hay hai thế hệ sau khi Giáo Hội Anh Giáo khởi đầu thì không còn giám mục Anh Giáo hợp lệ (vì các giám mục Công Giáo nguyên thủy đi theo giáo thuyết này đã từ trần). Bởi đó, các giám mục Anh Giáo (là những người về phương diện kỹ thuật không phải là giám mục hay ngay cả linh mục) không thể phong chức linh mục cho bất cứ ai.

Tuy nhiên, tình trạng còn rắc rối hơn nữa. Một số người sắp chịu chức linh mục Anh Giáo, nhận thấy tình trạng vô hiệu của chức thánh trong giáo hội của họ, đã chịu chức dưới tay các giám mục ly giáo đã được tấn phong cách hợp lệ (tỉ như người Công Giáo Cổ, ly khai Rôma sau Công Ðồng Vatican I). Giả như các giám mục này dùng nghi thức hợp lệ và có ý định thiết yếu, việc phong chức sẽ có giá trị, dù trái phép. Vấn đề là sự khó khăn để xác định giá trị chức thánh của linh mục Anh Giáo.

Ðó là lý do tại sao khi linh mục Anh Giáo muốn trở lại đạo Công Giáo và làm việc như một linh mục họ phải được truyền chức lại trong Giáo Hội Công Giáo. Họ được tấn phong "một cách vô điều kiện" --nghĩa là, họ được giả sử rằng chưa được tấn phong cách hợp lệ trong Anh Giáo, bất kể vị giám mục tấn phong là ai.

2. Một số người trong phong trào Giáo Hội Ðức Kitô (Church of Christ) lý luận rằng giáo hội của họ là giáo hội thật, được Chúa Giêsu thiết lập, vì đó là tên trong phúc âm (Rôma 16:16 đề cập đến "các giáo hội của Ðức Kitô"). Họ giải thích rằng khi người đàn bà lấy chồng, bà lấy tên họ của chồng. Vì Giáo Hội được gọi là tân nương của Ðức Kitô, họ lý luận rằng tên thực sự của Giáo Hội phải là Giáo Hội Ðức Kitô.

Ở đây có hai lý lẽ. Một thuộc về phúc âm và một thuộc về văn hóa.

Lý lẽ phúc âm thì dễ để bác bỏ. Trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 16:16 là đoạn đề cập đến "các giáo hội của Ðức Kitô." Trong đoạn này, câu ấy không được dùng như một danh hiệu, nhưng liên quan đến tính cách địa lý ám chỉ các giáo đoàn địa phương của một Giáo Hội thật do Ðức Kitô thiết lập. Không thể hiểu câu ấy là Ðức Kitô thiết lập vài giáo hội khác nhau.


Về lý lẽ văn hóa, trong khi các bà vợ có thể lấy tên chồng, họ thường không lấy danh hiệu. "Kitô" là một danh hiệu, chứ không phải cái tên. Nếu Giáo Hội được đặt tên theo Ðức Kitô, thì phải là "Giáo Hội Ðức Giêsu--Church of Jesus" (là câu không có trong Kinh Thánh).


3. Con gái tôi vừa lấy một người theo đạo Seventh-Day Adventist--Cơ Ðốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy (trái với sự chống đối của vợ chồng chúng tôi). Khi có cơ hội là chồng nó tấn công đạo Công Giáo. Một trong những khinh miệt chính yếu là Ðức Thánh Cha, là người mà hắn nói là con quái vật được đề cập đến trong Khải Huyền 13. Hắn nói có thể "chứng minh" điều này vì danh hiệu của đức giáo hoàng, Vicarius Filii Dei, có nghĩa Vị Ðại Diện Con Thiên Chúa, cộng thành con số 666--là "số của con quái vật" được nhắc đến trong Khải Huyền 13. Ðiều này có đúng không? Chúng tôi phải trả lời thế nào?

Bà chống đối hôn nhân này là đúng. Với thái độ như vậy, chắc chắn con rể của bà sẽ làm bất cứ gì để cướp đoạt đức tin Công Giáo của cô con gái, và lôi cô ta ra khỏi Giáo Hội (đây là lý do Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta đừng "chung một ách với kẻ không tin" [2 Cor. 6:14]). Hãy khuyến khích cô con gái giữ vững đức tin, và cố gắng hết sức để phản ứng với các tấn công một cách chắc chắn nhưng độ lượng.

Trước hết hãy tìm hiểu điều cáo buộc này. Trong tiếng La Tinh, Hy Lạp, và Do Thái các mẫu tự được dùng để chỉ các trị số. Trong tiếng La Tinh các trị số này là: I=1, V=5, X=10, L=50, C=100, D=500, M=1,000. Nới rộng thêm thì W=10 (vì W là hai chữ V ghép lại), và U=V (vì người La Mã không có chữ U; nếu trong văn từ hiện tại bạn muốn dùng chữ U thì phải dùng chữ V thay thế).

Như bà thấy, câu Vicarius Fillii Dei thực sự cộng thành 666 theo tiếng La Tinh: Vicarius=112, Filii=53, Dei=501. (Hãy bỏ qua những chữ không có trị số). Vấn đề là Vicarius Fillii Dei không phải là danh hiệu của đức giáo hoàng. Một trong những danh hiệu của ngài là Vicarius Christi (Ðại Ðiện Ðức Kitô), là danh hiệu chính thức, nhưng không may cho người theo Cơ Ðốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy và những người chống Công Giáo muốn dùng thủ đoạn này, chữ Vicarius Christi cộng lại chỉ có 214, chứ không phải là con số quỷ quái 666.

Với những người trung bình, dù Công Giáo hay Tin Lành, không biết mô tê gì về danh hiệu của đức giáo hoàng bằng tiếng La Tinh thì những người chống Công Giáo mới có thể dùng trò bịp bợm này.

Nhưng nếu một trong những danh hiệu của đức giáo hoàng cộng lại thành 666 thì sao? Sự trùng hợp đó có thể chứng minh đức giáo hoàng là quái vật được không? Làm sao được. Nó không chứng minh được gì vì rất nhiều tên và danh hiệu cộng lại thành số 666. Với một chút thông minh, bà có thể khiến người theo Cơ Ðốc Phục Lâm thú nhận rằng con số 666 chẳng chứng minh được gì, ngay cả nếu đó là danh hiệu của đức giáo hoàng. Hãy làm như sau.

Bảo con rể bà làm toán cộng, và hắn sẽ sửng sốt khi thấy cái tên của người phụ nữ sáng lập Cơ Ðốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy là Ellen Gould White, cộng thành số 666: Ellen=100, Gould=555, White=11. Hỏi nó xem điều đó có "chứng minh" là người sáng lập đạo của hắn là quái vật không? Nếu nó trả lời "Không," thì việc tính toán cái tên chẳng có ý nghĩa gì. Nếu nó trả lời "Phải", thì nó làm gì với cái giáo hội được quái vật thành lập? Cách trả lời nào đi nữa thì lý luận của hắn cũng vỡ vụn.

vũng_nước
31-12-2009, 09:17 AM
"Đạo nào cũng giống nhau" là một câu nói rất quen nghe nơi người Á Châu, cách riêng giữa người Việt Nam và cách riêng nữa nơi những người ngoài Công giáo. Người ta nói với nhau khi câu chuyện chạm đến vấn đề tôn giáo, mà đặc biệt: khi một người được mời vào đạo Công giáo; hay khi người ta có con cháu, bạn hữu đi học giáo lý để gia nhập Giáo Hội. Nói như thế bởi vì trên 90% những người trưởng thành học đạo với tôi trong 15 năm qua đều đã nghe bà cô, bà bác hay anh chị em bạn rỉ tai: "Ðạo nào cũng giống nhau, đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ. Vậy thì cha mẹ theo đạo nào, con cháu theo đạo đó, tội gì phải vào đạo Công giáo. Ðã đi làm vất vả còn phải đi học giáo lý. Ðạo nào cũng giống nhau. Chỉ cần mình sống ngay lành là đẹp lòng Trời rồi."

Những người nói câu "đạo nào cũng giống nhau" thường là những người thành tâm, có niềm tín ngưỡng, muốn quý trọng hết mọi đạo. Họ nói câu này với con cháu, bạn bè như để cho một lời khuyên, một sự thông cảm, một ý kiến xây dựng, chứ không ngăn cản ai, không có ý phê bình chỉ trích tôn giáo nào. Ðối với họ đạo nào cũng tốt và cũng đáng kính trọng. Cách đây mấy năm, tại ga xe hỏa gần Paris, tôi gặp một ni cô, một bà Phật tử và một bà Công giáo tôi quen biết. Bà Công giáo nói với tôi "Con dẫn ni cô và bà này đi mua một 'pavillon' để làm Phật đường." Trong câu chuyện dài không đầy 10 phút, cả ba người đều lần lượt nói rất tự nhiên: "Ðạo nào cũng giống nhau cả cha ạ!."

Càng ngày tôi càng xác tín: đây là vấn đề rất quan trọng trong mục vụ giáo lý. Không một người tân tòng nào lại không được cắt nghĩa tường tận vấn đề này trước khi quyết định đón nhận đức tin Công Giáo. Và để chu toàn công việc mục vụ giáo lý này, tôi nghĩ những người có trách nhiệm dạy giáo lý cho người trưởng thành cần góp ý và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Ðó chính là mục tiêu của những trang viết thô sơ này.

Chúng ta biết: một cách chung, về phạm vi tôn giáo, thế giới bao giờ cũng chia thành hai khối lớn: khối hữu thần và khối vô thần. Khối hữu thần lại chia làm hai, khối độc thần (Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo) và khối đa thần (Linh hồn giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo ...).

Riêng tại Việt Nam, về tôn giáo nổi bật hai khối:


1) Khối độc thần hay Thiên Chúa giáo (Hồi giáo, Kitô giáo tức Công giáo và Tin lành). Xét về số tín đồ, về sinh hoạt và ảnh hưởng xã hội, Công giáo mạnh hơn cả.

2) Khối đa thần hay Tam giáo (Lão giáo, Khổng giáo, Phật giáo). Vì khó phân biệt tín đồ của mỗi tôn giáo này, cho nên dù "số tín đồ Phật giáo thuần túy" hay đã "qui y tam bảo" không nhiều, cho đến nay Phật giáo vẫn "được coi" là quan trọng và đông đảo tín đồ hơn cả.

Nhận định trên cho phép chúng ta hạn định việc tìm hiểu câu "Ðạo nào cũng giống nhau, cũng dạy làm lành lánh dữ" vào việc so sánh Công giáo với Phật giáo trên ba điểm chính:

1) Người sáng lập đạo.
2) Niềm tin.
3) Sống đạo.

Chúng ta có thể khẳng định ngay rằng: đối chiếu Ðức Kitô và Ðức Phật, câu nói "Ðạo nào cũng giống nhau" không đúng. Xét về "Niềm tin," câu vừa nói cũng không đúng. Vì căn bản của quan điểm về Thiên Chúa (Thượng Ðế quan), về con người (nhân sinh quan) và về vạn vật (vũ trụ quan) giữa Công giáo và Phật giáo thật khác nhau. Xét về "Sống đạo," câu nói trên kia không hoàn toàn đúng, bởi vì trong cách sống đạo giữa Công giáo và Phật giáo có nhiều điểm giống nhau về sự kiện nhưng lại rất khác nhau về ý nghĩa. Chúng ta trình bày tóm lược như sau:

I. Ðấng Sáng Lập Ðạo:

Ðiều phải nói ngay: So sánh Chúa Giêsu với Ðức Phật không có nghĩa là đặt Chúa Giêsu và Ðức Phật ngang hàng nhau. Nhưng chúng ta có thể theo ý kiến của Cha Romano Guardini trong cuốn Le Seigneur, ngài viết: "Il n'y a qu'un personnage qui pourrait donner l'idée de le rapprocher de Jésus, c'est Bouddha" (Chỉ có một nhân vật có thể gợi lên ý tưởng xích gần người lại với Chúa Giêsu, đó là Phật Thích Ca) 1 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Rồi cũng chính Cha Romano Guardini trong cuốn "L"Essence du Christianisme" quyết đáp: "Le Christ n'est pas au niveau du Bouddha, mais ne peut être que infiniment au-dessus" (Ðức Kitô không thể đồng hàng với Ðức Phật nhưng chỉ có thể vô cùng trổi vượt)2 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Vậy chúng ta có thể nêu lên mấy điểm đối chiếu sau đây:

1. Chúa Giêsu:

a. Ngài là Thiên Chúa làm người:

"Ngôi Lời đã nhập thể và ở giữa loài người" (Galát 1,14); "Thiên Chúa đã sai con mình đến trần gian, mặc lấy thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta" (1Côrintô 8,3); "Ðồng bản tính với Thiên Chúa, song đã hạ mình nhận lấy thân phận tôi tớ và nên giống như phàm nhân" (Pl 2,7). "Ðiều chắc chắn là Chúa Giêsu từ trời đã đến trong trần gian (1Timôtê 1,15), và Ngài là người thật" (1Timôtê 2,5). "Chúng tôi tin chắc Ngài là Thiên Chúa thật" (1Galát 5,20)...

b. Chọn đạo là chọn chính Ngài:

Hay đúng hơn là chính Ngài chọn chúng ta (Galát 15,16), cho chúng ta kết hợp với Ngài như cành nho với thân nho (Galát 15,5-7), "như chi thể trong thân thể" (Rôma 12,5). Vì Ngài là đường đi, là sự sống và là chân lý (Galát 14,6) là sự sống vĩnh cửu (1Galát 5,20). Vậy chúng ta là những người mang chân lý của Chúa Kitô trong mình (2Côrintô 11,10), chúng ta phải bước đi trong Ðức Kitô, hãy ăn rễ trong Ngài (Cl 2,6), sống kết hợp với ngài (1Ts 5,10), để chúng ta ở trong Ngài và ngài ở trong chúng ta (Galát 14,20), để "chính Chúa Kitô sống trong chúng ta" (Mihi vivere Christus est) (Pl 1,21)...

c. Chính Ðức Kitô là người giải thoát và là cứu cánh sự giải thoát:

"Thiên Chúa đã sai tôi đến đem tin lành cho kẻ nghèo khó, an ủi kẻ buồn phiền, báo cho các tù nhân biết họ được tha, cho các người mù biết họ được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức biết họ được tự do" (Luca 4,18). Ta là đường (Galát 14,6) ai đi theo Ta, người đó sẽ không đi trong bóng tối (Galát 8,13); Ta là chân lý (Galát 14,6) và chân lý giải thoát anh em (Galát 8,32); Ta là sự sống (Galát 14,32) Ta đến để ban sự sống cho thế gian (Mát-thêu 20,28), để cho mọi người được sự sống (Galát 3,14-15), ai tin theo Ta người đó sẽ được sự sống muôn đời (Galát 3,15). Tóm lại, "Chúa Giêsu đến giải thoát chúng ta để chúng ta sống tự do" (Gl 5,1) Và ngoài Ngài, chẳng ai giải thoát chúng ta (Cv 4,12)...

2. Ðức Phật Thích Ca:

a. Ðức Phật chỉ là người trần, tu thân thành Ðại Giác (illuminé).

Như lời khẳng định của Cha Romano Guardini "En réalité, il ne se présente que comme le premier des illuminés" (Sự thật, Ðức Phật chỉ hiện thân như một người đại giác cao nhất) 3 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Giáo sư Walpola Rahula, trong cuốn "What The Bouddha Taught" (Những điều Ðức Phật đã dạy) viết: "Trong số những nhà sáng lập các tôn giáo, Ðức Phật (nếu có thể gọi Ngài là nhà sáng lập một tôn giáo theo nghĩa thông thường của danh từ) là vị Thầy độc nhất đã không tự xưng là gì khác hơn là một con người, hoàn toàn chỉ là một con người. Ngài lại là một con người tự nhận không được một thiên khải nào từ bất cứ một vị Thần linh hay một quyền năng nào khác" 4 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Ban Hoằng Pháp, soạn giả của bộ "Phật Học Phổ Thông," ở mục "Ai khai sáng ra đạo Phật?," sau khi tóm tắt rõ ràng gia thế, danh xưng của Ðức Phật, đã viết: "Lúc nhỏ Ðức Phật có trí huệ sáng suốt và tài năng phi thường. Lớn lên, nhìn thấy nhân sinh thống khổ, thế cuộc vô thường, nên Ngài cương quyết xuất gia tu hành, tìm đường giải thoát cho mình và cho người, ngõ hầu đưa tất cả chúng sanh lên bờ giác ngộ"5 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Ðàng khác trong chương nói về "Thờ Phật, Lạy Phật, Cúng Phật," Ban Hoằng Pháp xác định rõ rệt: ý nghĩa của việc "Thờ Phật" là để tỏ lòng tri ân đối với một người đã có ân đức lớn với nhân loại; Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ là một trong các Ðức Phật đáng ghi ân, và đáng thờ 6 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Trong cuốn "Ðại Thừa Phật Giáo tư tưởng luận," bác sĩ Kimura Taiken viết: "Phật giáo tuy lấy Ðức Phật làm trung tâm để thành lập, song nói theo Phật giáo, Ðức Phật -- dù là Phật lý tưởng chăng nữa -- không giống như một vị thần của các tôn giáo khác chủ trương, hoặc giống bất cứ vị thần thiên nhiên nào, mà chỉ được coi là do sức tu hành của một người đã đạt đến quả vụ Phật mà thôi" 7 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Vì thế theo Toan Ánh, có những chuyện như "vừa sinh ra, Ðức Phật đã đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà thét 'Trên thì trời, dưới thì đất, duy có ta là đáng thờ nhất' (Thượng thiên hạ địa, độc ngã duy tôn) chỉ là chuyện hoang đường do các môn đồ thêu dệt ra" mà thôi 8 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl).

b. Chọn Ðạo Phật không phải là chọn Ðức Phật:

Ðức Phật là người sáng lập ra đạo Phật, nhưng con người của Ðức Phật, cá nhân Ðức Phật không đồng hóa với đạo Ngài dạy, nghĩa là Ngài không giữ một vai trò nào trong công việc giải thoát của người khác. Ðức Phật đã bày tỏ một con đường mà chính Ngài cũng đã theo, một con đường chung cho mọi người, trong đó có một cá nhân là Ðức Phật. Ðức Phật đem đến cho nhân loại một lối thoát, một lý thuyết, nhưng cá nhân Ngài ở ngoài lý thuyết đó, cũng như người mang thư không liên hệ gì đến bức thư mình mang 9 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Khi đã được giác ngộ rồi, Ðức Phật đi thuyết pháp và luôn dặn: "Những điều ta nói chẳng phải là chân lý." Lời dạy của bậc giác ngộ không phải là chân lý mà chỉ là phương tiện đi tới chân lý. Ðức Phật nói rõ: "Chân lý như mặt trăng, giáo lý ta dạy như ngón tay để chỉ mặt trăng cho các ngươi thấy. Vậy đừng chấp nhầm ngón tay ta là mặt trăng"10 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl).

c. Ðức Phật không phải là người giải thoát và không phải là cứu cánh sự giải thoát:

Trong cuốn "Lịch sử triết học Ðông Phương III," giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, có đoạn trích sau đây: "Phật không phải là người giải thoát cho người khác, nhưng Ngài dạy mọi người cách tự mình giải thoát cho mình cũng như Ngài đã làm lấy. Người ta tin theo lời truyền bá về chân lý của Ngài không phải vì chân lý ấy từ ở Ngài xuất ra mà bởi vì qua lời nói của Ngài một sự hiểu biết cá nhân của mình về những điều Ngài nói đã biểu lộ ra trong ánh sáng của chính tinh thần mình" (Oldenberg: Buddha) 11 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Nói cách khác để thực hiện việc giải thoát, Ðức Phật dạy "mỗi người hãy nương tựa nơi chính mình và không bao giờ tìm nơi nương tựa hay sự giúp đỡ của bất cứ người nào khác, kể cả Ðức Phật." Ngài giảng dạy, khuyến khích và cổ võ mỗi người hãy tự tu tập và tìm sự giải thoát cho chính mình. Ngài nói "Các ngươi nên làm công việc của mình, vì các đức Như Lai chỉ dạy con đường mà thôi." Nếu người ta có gọi Ðức Phật là một người "cứu thế" đi nữa, thì cũng chỉ có nghĩa là Ngài đã tìm ra và chỉ con đường đi đến sự giải thoát mà cứu cánh là Niết Bàn. Nhưng tự chúng ta, ta phải bước trên con đường ấy 12 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Vậy, con đường giải thoát của mỗi người không phải là Ðức Phật, nhưng là Pháp và Luật mà Ðức Phật dạy. Ai muốn được giải thoát thì kiên thủ Pháp và Luật. Trước khi chứng nhập Niết Bàn, Ðức Phật đã nói với các đệ tử: "Ðừng than khóc rằng: Ðức đạo sư của chúng ta đã đi mất và chúng ta không có ai để tuân theo. Những gì Ta đã dạy, Pháp cùng với Luật, sẽ là đạo sư của các ngươi sau khi Ta vắng bóng. Nếu các ngươi tuân hành Pháp và Luật không hề gián đoạn, há chẳng khác Pháp thân của Ta vẫn còn ở đây mãi sao?" 13 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Có thể nói, tất cả Pháp và Luật của Ðức Phật dạy, thu gọn vào trong bài thuyết pháp đầu tiên tại Banares về tứ diệu đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Ðạo đế. Tứ diệu đế là giáo lý căn bản của đạo Phật, chung cho cả Tiểu Thừa và Ðại Thừa. Muốn thấu triệt cõi đời là khổ, phải lắng nghe Ðức Phật dạy về Khổ đế. Muốn tìm kiếm nguyên nhân của khổ, hãy lắng nghe Ðức Phật trình bày chi tiết trong Tập đế. Muốn thấy ánh sáng của Niết Bàn (cứu cánh của sự giải thoát), phải thực hiện những lời dạy của Phật trong Diệt đế. Muốn thực hiện Niết Bàn, phải có đủ phương tiện. Những phương tiện này, Ðức Phật đã cung cấp một cách đầy đủ trong Ðạo đế. Như vậy Ðức Phật đã làm đầy đủ bổn phận của kẻ dẫn đường, đã đặt vào tay chúng ta bản đồ chỉ dẫn đi tới Niết Bàn là cứu cánh của sự giải thoát toàn mãn 14 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl).
Giáo sư Takakusu viết: "Trong tâm của người theo đạo Phật, Niết Bàn không chứa chấp một ý tưởng thần thánh hóa nào về Ðức Phật" 15 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Ðiều ấy có ý nói rằng Niết Bàn là cứu cánh của sự giải thoát chứ không phải Ðức Phật. Theo ý nghĩa nguyên thủy (Tiểu Thừa), Niết Bàn mang nghĩa tiêu cực là "hủy diệt," hủy diệt sinh tử, hủy diệt thế giới dục vọng. Theo kinh Ðại Bát Niết Bàn (Ðại Thừa), thì Niết Bàn mang nghĩa tích cực, là nơi Phật tồn tại trong hoan hỉ và an lạc, là sự giải thoát trọn vẹn, là lúc chúng ta trở về được cái thể Chân Như, trở thành thực sự Vô Ngã (không có bất biến), Vô Thường (không có trường tồn), là trạng thái thật sự của chúng ta và là trạng thái cuối cùng của Niết Bàn 16 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl).

II. Niềm Tin

1. Thượng Ðế quan:

a. Công giáo: Tin nhận một Thượng Ðế tối cao... Ngài tạo dựng mọi sự... Chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: "Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất hữu hình và vô hình" (xem Sáng Thế Ký 1,1...; Ðnl 4, 39; 1V 8,60; Mác-cô 12,29; Mát-thêu 22,35; Luca 10,26)...
b. Phật giáo: Không tin nhận có Thượng Ðế tối cao, không tin nhận có Ðấng tạo dựng mọi loài... Giáo sư Kimura Taiken khẳng định: "Ðức Phật phủ nhận một Ðấng Tạo-vật-chủ, đã sáng tạo ra vũ truï"17 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Ban Hoằng Pháp, trong cuốn Phật Giáo phổ thông, nói vắn gọn hơn: "Khác với các tôn giáo, Phật Giáo không tin có một Tạo-vật-chuû" 18 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Giáo sư Takakusu viết: "Ðạo Phật đứng hẳn ngoài các chủ trương nhất nguyên hay đa nguyên. Ðạo Phật là vô thần, cái đó khỏi phải nghi ngờ. Khi được hỏi về Nguyên nhân hay Nguyên lý tối sơ, Phật luôn luôn không nói" 19 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). "Vì thế Phật giáo không coi trọng ý niệm về Nguyên lý, Căn nhân, hay Nguyên nhân đệ nhất như ta thường thấy trong các hệ thống triết học khác. Ðương nhiên, một ngành triết học như thần học không phát triển trong Phật giáo. Ðừng mong có một thảo luận về thần học nơi một triết gia Phật giáo"20 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Ðiều đó dễ hiểu, bởi vì "Nói về Thượng Ðế chính là phải đề cập đến vấn đề siêu hình. Thế mà Ðức Phật bao giờ cũng tránh né vấn đề siêu hình. Ngài cho là chuyện vô ích. Kinh Phật thường lưỡng lự trước ba thái độ về các vấn đề siêu hình: Từ chối--Công nhận-- Không đề cập tới. Ðức Phật theo thái độ thứ ba là không đề cập tới. Ðó là một thái độ trung dung. Ðức Phật bảo: "Ðạo của tôi là Trung Ðạo, tránh cái quá khích, tôi không nói vật sống khác hay không khác với bản ngã trường tồn. Tôi chỉ dạy luật giải thoát, đau khổ của sinh diệt, sinh hành; hành là dục, dục là vô minh" 21 (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/daonao.html#tl). Kết luận Phật Giáo không tin nhận có một Thiên Chúa, một Thượng Ðế hay một ông Trời tối cao, tự hữu, sáng tạo mọi loài. Do đó không có "Thượng Ðế quan" trong Phật giáo.

vũng_nước
31-12-2009, 09:19 AM
2. Vũ trụ quan và Nhân sinh quan:

a. Công giáo: Tự đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và mọi loài, và Công trình sáng tạo của Chúa đều tốt lành (Sáng Thế Ký 1,1 ...) Nhất là Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa (Sáng Thế Ký 1,27), có nam có nữ (Mát-thêu 19,4). Vì thế Chúa là vua vũ trụ (Thánh Vịnh 48,8), là vua mọi loài thụ tạo (Thánh Vịnh 92,1). Ngài chăm sóc và nuôi sống mọi loài (Mát-thêu 6,24-34). Vì thế con người luôn ngước mắt về đấng Tạo Thành (Israel 17,7), mọi vật đều ca tụng Thiên Chúa (Thánh Vịnh 144,10), làm vinh danh Chúa (Thánh Vịnh 28, 1; Pl 2,11); Mọi vật thụ tạo đều đặt hi vọng nơi Thiên Chúa (Thánh Vịnh 24,5). Con người trông chờ ơn cứu độ (Thánh Vịnh 32,20), vì Chúa chính là phần rỗi của mỗi người (Thánh Vịnh 70,5), là Ðấng giải thoát của con người (Thánh Vịnh 39,18; 143,2)... Mọi người "trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau" (xem Kinh Tin Kính).

b. Phật giáo: Con người không do Chúa dựng nên, sống nhiều kiếp (luân hồi). Cứu cánh của con người là được giải thoát vào Niết Bàn tức trở về thể Chân Như.

Khi muốn nói về con người và vũ trụ bởi đâu mà có hay nguồn gốc con người và vũ trụ trong Phật giáo như thế nào, thì chúng ta phải ghi nhận ý kiến của giáo sư Takakusu: "Về vấn đề sáng thế luận hay vũ trụ luận thì Phật giáo không có lý thuyết dành riêng cho chúng. Phật Giáo không đề cập đến sự sáng thế hay sáng tạo nào. Vũ trụ không có điểm đồng tâm. Nó là một cộng đồng tạo tác của cả mọi loài. Hơn nữa mỗi chúng ta đều tự tác tự thọ. Phật giáo không tin tưởng các học thuyết cho rằng tất cả phát xuất từ một nguyên nhân, mà quả quyết rằng vạn hữu nhất định xuất hiện do nhiều nguyên nhân" 22. Nói cách khác, "Phật giáo, khác với các tôn giáo khác, không tin có Tạo-vật-chủ. Ðối với Phật giáo, vũ trụ vạn hữu sinh ra không nhờ một Ðấng nào hay một phép nào ngoài nó cả, mà chỉ do tự kỉ nhân quả tiếp nối nhau mà thành. Như thế đối với Phật giáo vũ trụ là vô thỉ, không có cái ban đầu. Mà đã vô thỉ thì làm gì có cái nguyên nhân đầu tiên?" 23.

Như trên, khi bàn về vũ trụ quan, Phật giáo không chấp nhận đặt câu hỏi: "Nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ là gì?" hay "Ai sáng tạo vũ trụ vạn vật?" Ðặt câu hỏi như vậy là sai lầm, phải đặt như thế này: "Thực tại của vũ trụ vạn hữu như thế nào? Phát nguyên từ thực tại, vũ trụ vạn hữu đã thành hình và biến chuyển bởi những nguyên nhân gì và như thế nào?"

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Phật giáo có Thực Tướng Luận, tức là lý thuyết về thực thể của vũ trụ mà Phật giáo quen gọi là Thể Chân Như (Thể: trạng thái, Chân: cái thật, Như: cái không thay đổi). Trả lời câu hỏi thứ hai, Phật giáo có Duyên Khởi Luận, tức là năm lý thuyết nói về nguyên nhân phát sinh vũ trụ vạn hữu, trong đó có con người. Cả năm lý thuyết đều công nhận:

1. Chân Như là bản thể của vũ trụ vạn hữu.
2. Nguyên nhân làm sanh khởi vũ trụ vạn hữu là mê vọng hay vô minh.
3. Muốn giải thoát, phải trừ cho được mê vọng 24.

Tóm lại Phật giáo cho rằng vũ trụ vạn vật và con người có là do Thể Chân Như bị quấy động. Nói cách khác "Chân Như vì duyên với vô minh mà diêu động và làm phát sanh ra vũ trụ vạn hữu" 25. Theo kinh điển nhà Phật, "Chân Như là một trạng thái bất biến, viên mãn, tròn đầy, trong sáng." Kinh Phật thường ví sự xuất hiện của vũ trụ, trong đó có con người như nước biển nổi sóng. Chân Như là nước biển yên lặng. Nước động thành sóng tức là thành vũ trụ, thành con người giả tưởng, biến hóa sinh diệt... Khi được hỏi tại sao thể Chân Như bị quấy động, Ðức Phật cho rằng "đó thuộc vấn đề siêu hình, không cần biết đến" 26. Ðiều quan hệ là nhận sự kiện Thể Chân Như bị quấy động đó, rồi trở lại được với Thể Chân Như yên lặng trong sáng. Ai đạt tới tức là Như Lai. Người ta thường gọi Ðức Phật là Ðức Như Lai, nghĩa là người đã viên giác trở về với Thể Chân Như. Thể Chân Như đây là một trạng thái sống hoàn toàn trong Niết Bàn, chứ không phải là một ngôi vị, một Thượng Ðế.

Nếu hỏi "mỗi vật hữu hình được tổ hợp bởi những yếu tố nào?," Phật giáo trả lời: "Tất cả những sắc pháp hay vật hữu hình đều là một tổ hợp của bốn đại chủng (tứ đại), tức là bốn yếu tố hạt giống: đất (cứng), nước (ướt), lửa (ấm) và gió (động) (Thổ, thủy, hỏa, phong)." Nếu hỏi "mỗi nhân cách (người) hình thành như thế nào?", Phật giáo trả lời: "Mỗi nhân cách (người) hình thành do tổ hợp của ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức" 27.

Mà vì được phát sinh ra do Thể Chân Như bị quấy động nên đời sống của con người và vạn vật là đau khổ: Sinh - Lão - Bệnh - Tử là khổ. Khế Kinh có câu "Ðời là bể khổ, nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển" 28.

Vì chủ trương vạn hữu, kể cả con người, là Vô Ngã, Vô Thường, nên Phật giáo không chấp nhận có một Ðấng Tối Cao hằng hữu, cũng như không chấp nhận "người ta có linh hồn bất tử (hay có Ngã Thường Hằng). Phật giáo nói rõ: "Một Atman hay một linh hồn, hay một ngã là điều không thể có, tin có linh hồn bất tử và Ngã Thường Hằng là sai lầm và điên rồ" 29.

Không chấp nhận linh hồn bất tử, Ngã Thường Hằng, nhưng Phật giáo lại dạy mọi vạn hữu đều tử sinh, sinh tử trong kiếp luân hồi. Ðức Phật đã dùng hình ảnh bánh xe quay tròn để diễn tả luân hồi: sanh tử, tử sanh không ngừng giống như bánh xe lăn. Thân xác con người (hay thân con thú) đều do tứ đại mà có là đất, nước, gió, lửa. Khi thân người chết, tứ đại lại trở về bản thể cũ rồi do cơ duyên tụ họp lại để thành thân người khác, súc khác, vật khác... cứ vậy mà luân hồi mãi. Con người không chỉ có thân xác mà còn có tinh thần (không nói là linh hồn) và tinh thần là tổ hợp bởi ngũ uẩn: thọ, tưởng, hành, thức, sắc (riêng sắc lại là tổ hợp của tứ đại). Khi người ta chết, Tinh thần cũng không bị tiêu diệt mà chỉ biến chuyển xoay vần mà thôi, nghĩa là cũng chịu kiếp luân hồi 30.

Kiếp luân hồi theo luật nhân quả. Nhân và Quả là hai trạng thái tiếp theo nhau, tương quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà có. Do đó, nếu kiếp này tạo nhân tốt thì kiếp sau sẽ có quả tốt, bằng kiếp này tạo nhân xấu thì kiếp sau sẽ có quả xấu. Phật giáo bảo: tùy theo nhân quả tốt hay xấu mà sau mỗi kiếp trong vòng luân hồi, một chúng sinh (vật, người) nhập vào một trong sáu cảnh giới (kiếp mới): địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, a-tu-la, loài người và cõi trời. Nhập vào cõi trời là cảnh giới cao nhất, nhưng vẫn chưa ra khỏi vòng luân hồi. Chúng sinh chỉ ra khỏi vòng luân hồi khi nhập vào một trong bốn cõi Thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật. Buddha được gọi là Phật vì Ngài đã nhập vào cõi Thánh cao nhất 31.

III. Sống Ðạo
Ðiều đương nhiên là "Ðạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ," "làm thiện lánh ác." Ðối chiếu Công giáo với Phật giáo chúng ta thấy những điểm giống nhau trong phạm vi sống đạo, thực hành đạo hay phạm vi luân lý. Chúng ta có thể đan cử:

1. Công giáo: Sống Lời Chúa. Khi trong đám đông nghe Chúa Giêsu giảng dạy, có tiếng kêu lên: "Phúc thay cho lòng đã cứu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú," lập tức Ngài đáp lại: "Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn" (Luca 11,27-28). Chỗ khác, khi Chúa còn đang giảng, có người đến thưa: "Mẹ và anh em Thầy đang đứng ở ngoài, họ tìm Thầy," Ngài liền đưa mắt nhìn đám dân chúng vây quanh và bảo: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?... Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì người đó là anh em Ta, là mẹ Ta" (Mát-thêu 12,50). Nghe lời Chúa và thực hành ý Chúa, chính là tuân thủ giới răn Chúa truyền. Và đó là điều kiện để nên trọn lành, để được sự sống. Lần kia có chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?," Chúa trả lời vắn gọn: "Ðể được sống đời đời, bạn hãy tuân giữ các giới răn Thiên Chúa truyền dạy" (Mát-thêu 19,16-17). Nhiều lần Chúa đã dạy: "Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ giới răn của Thầy" (Galát 14,24; x. Mác-cô 16,15; Galát 14, 21 và 24);...

Phật giáo: Qui Y Tam Bảo là "trở về với ba điều quý: Phật, Pháp, Tăng. Xét về sự là gửi thân vào Ðức Phật, vào Ðạo Phật, vào Tăng chúng của Phật; Về lí là nương theo đức Giác có đủ Phước và Huệ, nương theo sự Chánh, không theo tà kiến, nương theo đức Tịnh không nhiễm trược, không chấp nệ 32 và giữ Ngũ giới là năm điều cấm mà các Phật tử "tu tại gia" không được làm: không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói sai sự thật, không uống rượu 33.

2. Công giáo: Bác Ái. Trong bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã công bố: "Phúc cho những kẻ có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót. Phúc cho những kẻ yêu chuộng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mát-thêu 5,6 và 9). Rất nhiều lần Chúa truyền dạy chúng ta "phải tha thứ cho người khác" (Mát-thêu 5, 21-26), "phải yêu thương cả thù địch của chúng ta" (Mát-thêu 5, 43-48) "phải viếng thăm người đau ốm, tù tội... và Chúa đồng hóa việc bác ái chúng ta làm cho một người hèn mọn nhất như là làm cho chính Chúa" (x. Mát-thêu 25,31-46 Mác-cô 12,28-34). Xin hãy đọc thêm "bài ca bác ái" của Thánh Phaolô (1Côrintô 13,1-33) và "kinh hòa bình" của Thánh Phanxicô thành At-si.

Phật giáo: Từ, Bi, Hộ, Xả: Từ là "lòng lành," do tấm lòng ấy mà làm lợi ích, an lạc cho chúng sanh; Bi là "lòng xót," do tấm lòng ấy mà cứu tai nạn, khổ não cho chúng sanh; Hộ là "lòng vui," tự mình vui và mừng giùm cho chúng sanh khi họ được điều thiện; Xả là "lòng thí xả," tha thứ cho người, tự mình hi sinh để giúp cho chúng sanh được an lạc, không kể kẻ lạ người quen, kẻ oán người thân. Ðó là Tứ Vô Lượng mà Ðức Phật, nhờ tu trì đã đạt được. Niết Bàn Kinh (quyển 15) chép: "Ai tu Từ thì có thể dứt lòng tham dục, ai tu Bi có thể dứt lòng sân nhuế, ai tu Hỉ có thể dứt lòng buồn oán, ai tu Xả có thể dứt lòng tham dục và sân nhuế" 34.

3. Công giáo: Cầu Nguyện. Phúc âm kể rằng Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong khi Ngài chịu phép rửa (Luca 3,21), trước khi Ngài đi rao giảng (Mát-thêu 4,1), trước khi Ngài tuyển chọn các Tông đồ (Mác-cô 6,12), khi biến hình trên núi Tabor (Mác-cô 9,29), trong bữa tiệc li, trong vườn cây dầu (Mát-thêu 26,4) và ngay trên Thánh giá (Luca 13,34). Không chỉ làm gương, nhiều lần Chúa còn dạy chúng ta phải cầu nguyện. Thánh Luca nói rõ: Chúa có ý dùng dụ ngôn "một bà góa đã kiên tâm nài nẵng, khiến ông quan án cứng lòng phải nể" cốt dạy chúng ta phải cầu nguyện (Luca 8,1...). Cũng theo thánh Luca, khi vừa vào vườn cây dầu, Chúa đã căn dặn các tông đồ: "Chúng con phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ" (Luca 22,39) (x. Mát-thêu 6,5-13; Luca 11,9-13; Ga 16,23-27)...

Phật giáo: Tụng Niệm, là Tụng Kinh và Niệm Phật. Hết tụng kinh rồi lại niệm Phật, miệng thì tụng Tên Phật, lòng tin tưởng Ðức Phật. Cất tiếng cao mà tụng Kinh và niệm Phật sẽ được 10 ơn ích: Bài trừ chướng ngủ, thiêu ma kinh sợ, tâm chẳng tán loạn, chư Phật hoan hỉ... 35.

4. Công giáo: Sám hối, kiêng thịt ăn chay. Chúng ta hãy đọc lại những bài mở đầu Phúc âm của Matthêu (3,1-12), của Maccô (3,1-8), và đọc thêm: Thánh Vịnh 50, Dân Số 6,2; Ðnl 9,9; 12,16; Cv 15,20, để thấy tầm quan trọng của tâm tình thống hối mà Chúa đòi hỏi và kêu gọi chúng ta. Về chay tịnh, xin đọc phúc âm thánh Matthêu để thấy Chúa đã làm gương như thế nào (Mát-thêu 4,2-11) và dạy phải ăn chay làm sao (6,16-18)). Luật hiện hành của Giáo Hội cũng qui định về việc thống hối và chay tịnh (Giáo Luật 1249-1253)...

Phật giáo: Sám hối, ăn chay trường, cấm sát sanh: Phật dạy: "Phàm còn xuống lên ba cõi, lặn lội trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi." Thường các chư Tăng và thiện nam tín nữ tụng kinh sám hối (Hồng Danh Sám) vào tối ngày 14 và 30 hay 29 mỗi tháng 36. Ăn chay là cữ ăn những chất thịt, cá, cữ uống rượu, cữ ăn năm món nồng (hành, tỏi, hẹ, kiệu, ngò). Có "chay kì" là ăn chay có kì hạn nhất định trong mỗi tháng, mỗi năm (nhị trai, tứ trai, lục trai, thập trai, nhất nguyệt trai), và có "chay trường" là ăn chay luôn trong mỗi ngày không gián đoạn cho đến hết đời. Ăn chay là một phương pháp tu hành của người Phật tử. Họ hiểu sâu xa lời Phật nói "Sự sống sống bằng sự chết" 37. Sát sanh là giết mạng sống của chúng sanh. Theo Niết Bàn Kinh, tội sát sanh có ba cấp: Cấp hạ khi giết từ một con kiến cho đến một mạng súc sanh, vì bất cứ một loài vật nào cũng có thể tạo ra chút ít thiện căn. Giết nó là phải chịu tội báo. Cấp trung khi giết một mạng người phàm cho đến một vị tu hành đắc quả Anahàm, lúc đó sẽ bị đọa vào ba đường ác trụy: địa ngục, ngã quỉ, súc sanh. Cấp thượng khi giết cha mẹ cho đến bực Alahán, lúc đó sẽ bị đọa vào Atì đại địa ngục, chịu khổ vô cùng đời đời. Người ta còn phân biệt: "sát tâm" là cố ý giết hại hay vui thích việc giết hại; "sát duyên" là mình làm duyên cớ cho việc giết hại; "sát pháp" là dùng kế hoạch để giết hại (đánh, chém, thuốc độc...). Khi thọ giới, một Phật Tử phát nguyện: "Ðệ tử nguyện giữ không sát hại các loài sanh vật, không tự mình sát, không bảo người ta sát hại, hoặc thấy người khác sát hại mà lấy làm vui" 38.

5. Công giáo: Làm phúc, bố thí, dâng cúng, từ thiện. Chỉ cần đọc lại bài Phúc Âm của Thánh Matthêu về "ngày phán xét chung" (25,31-46), hay truyện "người giàu có và ông Lagiarô nghèo đói bệnh tật" trong phúc âm Thánh Luca (16,19-31) đủ thấy Chúa dạy người Kitô hữu phải thực hành việc làm phúc bố thí như thế nào. Cũng có thể đọc thêm: Ðnl 26,12...; Mát-thêu, 19,21; Mác-cô 12,41-44; Luca 11,41; 1Co 16,2. Việc dâng cúng vào nhà thờ, cho Giáo Hội, cho các tổ chức từ thiện vẫn là điều được nhắc nhở và kêu gọi... Kinh "Thương người có 14 mối" giáo dân quen đọc mỗi chủ nhật, tóm gọn những điều phải bố thí, làm phúc...

Phật giáo: Cúng, cúng dường: Cung cấp vật thực, đồ quý hoặc hương, đăng, hoa, quả hay tiền bạc vào Phật sự. Có nhiều cách cúng dường: "Cúng dường Phật" là dâng hương hoa nhang đèn đốt lên; "Cúng dường Tăng" là giúp các ngài tiện bề tu học và cầu nguyện cho mình; "Cúng dường Tam Bảo" là khi đến chùa cúng dường chung cho cả Phật, Pháp, Tăng; "Cúng dường cứu tế" là dâng của cải, tiền bạc, tài năng để giúp người nghèo, hay bệnh nhân, là việc xã hội. Có ba mục đích Cúng dường: để cung kính và sùng mộ; để hạnh nguyện; cho người quá cố hay cho bản thân mai ngày 39. Còn việc Bố Thí cũng rất quan trọng, vì chính nhờ việc bố thí trong những kiếp trước mà Ðức Thích Ca mau lên quả Phật. Trong Phật giáo có hằng trăm bài kinh về sự bố thí quen gọi là "tập bá duyên kinh" 40.

...

Chúng ta còn có thể nêu ra nhiều điểm khác nữa như "Ðức hiếu thảo đối với cha mẹ"; "đức thật thà trong lời nói và cách sống" v.v...

Ðến đây chúng ta phải nói lên rằng: Những điểm trên chỉ gặp nhau hay giống nhau về "Sự Kiện" (faits) nhưng rất khác nhau về "Ý Nghĩa" (sens). Bởi lẽ tất cả những việc làm "bác ái, từ bi," "cầu nguyện, tụng niệm," "sám hối, ăn chay" hay "làm phúc, cúng dường"... là biểu lộ cụ thể hay thực hành cụ thể những điều tin trong đạo. Thế nhưng như trên chúng ta đã thấy "niềm tin" liên quan đến Thiên Chúa, đến con người và vũ trụ thụ tạo đã quá khác nhau giữa Công giáo và Phật giáo, thì do đó những việc sống đạo cụ thể trên đây rất khác xa nhau về "Ý Nghĩa": Người Công giáo sống bác ái, cầu nguyện... bao giờ cũng qui về mình, về tha nhân, và về Thiên Chúa; còn người Phật giáo sống từ bi, tụng niệm... chỉ qui về mình hay về người khác mà thôi. Bởi lẽ họ không tin có Thiên Chúa.

Kết luận, khi đối chiếu Công giáo với Phật giáo, câu "Ðạo nào cũng giống nhau, cũng dạy làm lành lánh dữ," không đúng về phạm vi "Niềm Tin," chỉ đúng một phần nhỏ về phạm vi "Sống Ðạo," nghĩa là giữa Công giáo và Phật giáo có những việc "sống đạo" giống nhau về "Sự Kiện," nhưng rất khác nhau về "Ý Nghĩa." Trong khi đó, ý nghĩa quan trọng hơn sự kiện.

IV. Phật Giáo là Tôn Giáo?
1. Vấn đề khó khăn:
Khó khăn bởi vì đối với người Công giáo như chúng ta, hễ nói đến tôn giáo là tự nhiên nghĩ đến "mối liên hệ giữa một Ðấng Tối Cao, sáng tạo mọi loài với con người và cả vạn vật thụ tạo," nói một cách vắn gọn, "liên hệ giữa Thần và Người." Trong cuốn Théo, người ta viết "La religion (du latin religare, relier) est le lien qui relie l'homme au sacré" (tr. 607). Và như trên chúng ta đã thấy Phật giáo không nhận có một Ðấng Tối Cao dựng nên chúng sanh, và chính Ðức Phật cũng chỉ tự nhận mình là người phàm được giác ngộ. Cho nên, đúng như lời bác sĩ Kimura Taiken: "Phật giáo có thật là tôn giáo hay không, đó là vấn đề rất khó giải đáp!" 41

2. Phật giáo không phải là tôn giáo:
Ðề cập đến vấn đề "Phật giáo có phải là tôn giáo không?," các học giả Âu châu cũng như Á châu, kể cả các vị Thượng Tọa, đã có nhiều ý kiến khác nhau: Ông Koryu Otani cho Phật giáo là một thuyết khoa học chứ không phải tôn giáo 42. Ông G. van der Leeuw lại cho "Phật giáo là một tôn giáo hư vô, một tôn giáo của tiêu cực" (une religion du néant, une religion du négatif) 43. Giáo sư Takakusu quả quyết "Phật giáo là vô thần, cái đó khỏi phải nghi ngơø" 44. Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh lại chủ trương "Phật giáo nguyên thủy là những hình thức sinh hoạt văn hóa" 45. Gần đây, giáo sư Nguyễn Huy Bảo có ý kiến: "Phật giáo (hay Khổng giáo) chỉ là những vũ trụ quan hay nhân sinh quan, cả hai đều ở trong phạm vi triết lý"46.

Những ý kiến khác táo bạo hơn, quả quyết Phật giáo không là tôn giáo, cũng chẳng là triết học hay khoa học. Trước tiên là ý kiến của giáo sư Tuệ Quang Nguyễn Ðăng Long trong cuốn Phật Giáo. Ông viết: "Thực ra Phật giáo không phải là một đạo, một tôn giáo. Tất cả những chùa chiền, tăng ni, những luật lệ về sự tưởng bên ngoài mà ta vẫn thấy ở khắp cõi Á Ðông ở khắp vùng Ðông Nam Á (gồm cả Nam Tôn, Bắc Tôn), cho đến các kho tàng kinh điển ở khắp thế giới, thảy đều chỉ là mấy giọt nước đục, so với biển cả mênh mông, trong suốt là Phật Pháp.... Phật Pháp không phải là một tôn giáo, một triết học. Tất cả những điều ta biết về Phật Pháp chỉ là vài giọt nước đục, so với bể lớn mênh mông trong suốt"47. Sách này đã được Thượng tọa Thích Tâm Châu, nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo ở Sài gòn và là đệ nhất Phó Chủ Tịch Hội Tăng Già Phật Giáo Thế Giới chứng nhận mấy lời: "Một tác phẩm như vậy làm hãnh diện đạo Phật. Nó sẽ giúp bao trí thức Phật tử hiểu đạo Phật, có một ý niệm rõ ràng và sâu sắc về đạo. Nó đã tả đúng chân tinh thần Phật giáo. Nó là nguồn cảm hứng cho người thiết tha tìm hiểu Chính Pháp, cho người thực hành tu theo Chân lý" 48.

Sau đó là Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh cũng đã lớn tiếng tuyên bố tại Ðại Học Văn Khoa Sài gòn, ngày 6 tháng 4 năm 1967 như sau: "Trước hết chúng tôi xin vào đề ngay rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, dù nghĩa tôn giáo hiểu theo truyền thống Tây Phương hay Ðông Phương. Nói đến tôn giáo là nói đến tín ngưỡng, giáo hội, giáo quyền, thần quyền, thần khải v.v... Ðạo Phật gồm đủ những điều vừa kể, nhưng điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta cần phải lưu tâm: những điều kể trên không làm cho đạo Phật trở thành đạo Phật, mà chỉ là những hình thức tất yếu phát xuất từ sự thoái hóa tinh thần của những người tự nhận là theo đạo Phật. Ðạo Phật không phải là tôn giáo, mà cũng không phải là triết lý hay triết học. Tư tưởng triết lý của đạo Phật chỉ là hậu quả tất yếu của sự sinh thành biện chứng trong sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Phật" 49.

3. Phật giáo là tôn giáo không có nguồn gốc hay tương quan Thần Linh:
Chủ trương Phật Giáo là tôn giáo, bác sĩ Kimura Taiken không muốn tìm nguồn gốc tôn giáo ở các Ðấng Thần Linh mà tìm ở tinh thần con người, bởi vì xét theo phương diện tâm lý, tôn giáo là nhu cầu đáp ứng những hiện tượng tinh thần của con người. Và nhu cầu tinh thần này cốt yếu là sự kết hợp giữa tự do và giải thoát. Nhu cầu tự do và giải thoát có thể chứng nghiệm một đời sống vô hạn, và tất cả đều tự tâm phát ra. Nói như thế có nghĩa là không Thần linh nào có thể thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của con người mà chính con người phải tự lực, tự cường thỏa mãn lấy, như lời Ðức Phật dạy: "Hãy tự mình thắp đuốc lên, hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa chính Pháp, chứ đừng nương tựa vào một nơi nào khác." Xét như vậy thì Phật giáo là tôn giáo, một tôn giáo độc đáo sánh với các tôn giáo khác 50.

Linh Mục Thiện Cẩm lại có thiển ý: "Người ta có thể quan niệm Phật giáo là một tôn giáo, nếu người ta hiểu chữ tôn giáo trên bình diện phẳng, nghĩa là tuy nó không đòi hỏi một tương quan hướng thượng, tức là không biết đến một Thần linh nào, nhưng nó là con Ðường đưa tới cái im lặng mênh mông huyền ảo của trạng thái Niết Bàn, tới cái tuyệt đối là Chân Không (sunyata). Phật giáo là một con đường giải thoát tâm linh... Tuy Phật giáo không đặt mình trên bình diện siêu việt tính (Plan transcendental), nhưng cũng không chỉ nằm trong bình diện "tại thể tính" (plan imminent). Ðạo Phật không lấy con người làm cứu cánh cho con người, nhưng "muốn đưa con người vượt lên trên con người," muốn "chuyển nhân bản thành Phật bản." Cái ý vươn lên ấy phải chăng là một trong những đặc tính của một tôn giáo?" 51.

Ông Phạm Trọng Chánh, khi góp ý với cụ Nguyễn Huy Bảo nhân bài "Dân Tộc Việt Nam Trước Vấn Ðề Tôn Giáo," mặc nhiên cho rằng Phật giáo là tôn giáo khi hiểu theo người Phương Ðông: Ðạo là Con Ðường, và Tôn giáo là tôn kính giáo dục chứ không có một quan niệm thần quyền 52.

4. Tế nhị với người Việt Nam:
Trừ một thiểu số, người Việt Nam, Phật tử hay không Phật tử sẽ ngỡ ngàng, thậm chí coi là xúc phạm, khi nghe nói "Phật Giáo không phải là tôn giáo."

Bởi lẽ người Việt Nam có một tâm hồn tôn giáo rất sâu đậm. Và đã nói đến tôn giáo là tất nhiên có Thượng Ðế, có Thiên Chúa, có Ông Trời, có Tạo Hóa, có Ðấng Tối Cao. Dù tin đạo Phật, dù kính mến Ðức Phật, họ vẫn nói là "Trời phạt." Cách chung, khi nói như vậy, họ tuyên xưng trên Ðức Phật còn có Ông Trời, ông Trời cao hơn Ðức Phật. Ðạo Phật là con đường dẫn họ đến với ông Trời.

Do đó chúng ta không thể đồng ý với ông Phạm Trọng Chánh về nhận định: "Ðối với người Việt Nam, ông Trời không có nghĩa là Ðấng Sáng Tạo, khai sáng ra vũ trụ, vạn vật và con người" 53. Trái lại, chúng ta coi là xác đáng lời viết sau đây của ông Ðoàn Quang trong bài "Trời người Việt Nam qua ca dao." Ông viết: "Trời đã ghi dấu vạn năng của Ngài trên không trung cao vút và trong vực thẳm khôn dò, trong cỏ cây hoa lá, cũng như trong sóng nước đại dương. Ðồng ruộng mênh mông và biển khơi bát ngát trải rộng trước tầm mắt chúng ta. Dấu chân của Trời là ở đó. Ngài còn được ghi khắc trong tận thâm tâm của lòng người. Người Do Thái gọi Ngài là Yahweh, người Ấn Ðộ gọi Ngài là Bhram, Người Trung Hoa gọi Ngài là Thượng Ðế, còn người Việt Nam gọi Ngài là Trời, là Ông Trời. Trời của người Việt Nam vượt trên mọi thần minh. Dù ông theo đạo Khổng hay đạo Lão, dù bà theo đạo Phật hay Cao Ðài, dù anh chị chỉ thờ cúng Tổ Tiên... thì ông bà hay anh chị vẫn nhận rằng trên Ðức Khổng, Ðức Lão, Ðức Phật vẫn còn có một Ðấng Tối Cao mà người mình quen gọi là Ông Trời. Trời quyền năng, Trời tác tạo vạn vật, Trời can thiệp vào cuộc sống dân gian, Trời ban phúc, Trời giáng họa..." 54. Chúng ta có thể đan cử một vài trong hàng trăm câu ca dao xưng tụng ông Trời:

Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống ...

Trời là Cha, Ðất là Mẹ.
Trời sinh trời dưỡng.
Trời sinh voi Trời sinh cỏ.
Cha Mẹ sinh người, Trời sinh tính.
Thiên bất dong gian!

Nhờ Trời mưa gió thuận hòa,
Nào cầy nào cấy trẻ già đua nhau.
Nhờ Trời Hạ kế sang Ðông,
Làm nghề cầy cấy vun trồng tốt tươi.

Ðêm đêm ra thắp đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Ðề cập đến quan niệm Trời trong Khổng giáo, ông Toan Ánh viết: "Trời và Ðất riêng biệt nhưng vẫn liên quan với nhau về phương diện động. Trời hoàn thiện nhất nên Kinh Thư gọi Trời là Thượng Thiên (trời cao), là Hiệu Thiên (trời sáng), là Hoàng Thiên, là Thượng Ðế... Vạn vật nhất thể, mọi vật, không phân biệt vật nào, đều có một nguồn chung. Trời và đất là cha mẹ chung, loài người là anh em, các vật khác là bầu bạn" 55.

5. Kính Trọng và Ðối Thoại
Nhưng Kiên Vững Sống Ðức Tin
Ðó là điều Công Ðồng Vatican II truyền dạy chúng ta trong bản văn sau đây: "Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu mầu nhiệm thần thiêng và diễn tả mầu nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tịnh niệm thâm sâu, hoặc bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Ðế với lòng mến yêu tin cậy. Phật Giáo, theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn. Cũng thế các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự.

Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý. Chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là "đường, sự thật và sự sống" (Galát 14,6); nơi Ngài, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Ngài, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình.

Vì thế Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo" (NA 2).

Lm. Mai Ðưc Vinh (Pháp)



--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

(1) Romano Guardini, "Le Seigneur," Alsatia, 1945, I, trg. 346.
(2) Romano Guardini, "L'Essence du Christianisme," Alsatia 1948, Trg. 20
(3) Romano Guardini, "Le Seigneur," Alsatia, 1945, I, trg. 346.
(4) Walpola Rahula, "What the Bouddha Taught," được Thích Nữ Trí Hải dịch ra tiếng Việt với tựa đề "Tư Tưởng Phật Học" (Con đường thoát khổ). Phật học viện quốc tế xuất bản, 1983, trg.1.
(5) Ban Hoằng Pháp (BHP), "Phật Học Phổ Thông" I, trg.17 (Bán ở Chùa Khánh Anh, 14 Ave. Henri Barbusse, 92220 Bagneux)
(6) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg. 115-129.
(7) Kimura Taiken, "Ðại Thừa Phật Giáo" trg. 26 (Chùa Khánh Anh phát hành)
(8) Toan Ánh, "Tín Ngưỡng Việt Nam," I, trg. 277-278.
(9) Nguyễn Văn Trung, "Biện Chứng Giải Thoát của Phật Giáo," Saigon 1960, trg 105-106.
(10) Nguyễn Văn Trung, sách dẫn, trg. 52-53.
(11) Nguyễn Ðăng Thục, "Lịch sử Triết Học Á Ðông" III:Ấn Ðộ, Saigon 1950, trg. 149
(12) Walpola Rahula, sách dẫn, trg. 2.
(13) Takakusu, "The Essentials of Buddhisme Philosophy," Bản dịch Việt ngữ của Tuệ Quang với tiêu đề "Các Tông Phái của Ðạo Phật," Viện Phật học quốc tế xuất bản 1987, trg. 90.
(14) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg 335-354 "Tứ Diệu Ðế." Nguyễn Ðăng Thục, sách dẫn, trg.160-178.
(15) Takakusu, sách dẫn trg. 98.
(16) Tatakusu, sách dẫn trg. 43-44; 100-105.
(17) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 195.
(18) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg 851.
(19) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 84.
(20) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 54.
(21) Nguyễn Văn Trung, sách dẫn trg 64; W Rahula, sách dẫn trg. 18.
(22) Takakusu, sách dẫn trg 367-368.
(23) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg 853-854.
(24) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn, xem trg. 854-866.
(25) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn trg. 866.
(26) W. Rahula, sách dẫn trg. 18.
(27) Takakusu, sách dẫn trg. 143.
(28) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn trg. 347.
(29) Takakusu, sách dẫn trg. 95.
(30) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn xem trg. 259-272.
(31) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn xem trg. 250-258.
(32) Ðoàn Văn Còn, "Phật Học Từ Ðiển" II trg. 775; I trg. 60-73.
(33) Ðoàn Văn Còn sách dẫn II trg. 394-395; I trg. 74-98.
(34) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 1061; I trg. 300-319.
(35) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn II trg. 331-335; III trg. 1002; xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 133-145.
(36) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 710-711, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 101-112.
(37) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 1330, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 150-162.
(38) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn II trg. 727-728, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 187.
(39) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn I trg. 345-346.
(40) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn I trg. 283-284; xem Thích Thanh Từ, Ðạo Phật và Tuổi Trẻ, trg 147-149.
(41) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 139.
(42) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 1377.
(43) G. der Leeuw, "La religion dans son essence et ses manifestations," trg 613, 618, trích dẫn trong cuốn "Kitô giáo với các tôn giáo khác" của Thiện Cẩm, trg. 120.
(44) Takakusu, sách dẫn trg. 84.
(45) Thích Nhất Hạnh, "Ðạo Phật ngày nay," in ronéo, Paris 1964, trg. 13, trích dẫn trong cuốn "Kitô Giáo Với Các Tôn Giáo Khác" của Thiện Cẩm, trg. 120.
(46) Nguyễn Huy Bảo, "Dân Tộc Việt Nam Ðứng Trước Vấn Ðề Tôn Giáo," trong báo Thông Luận số 76, 11.94 và in lại trong báo Bông Sen Âu Châu số 22, 4.95, trg. 26.
(47) Tuệ Quang, "Phật Giáo," Saigon 1964, trg. 164-165, trích dẫn trong cuốn Vấn Ðề Ðau Khổ của Thiên Phong Bửu Dưỡng, Saigon 1969, trg. 9.
(48) Tuệ Quang, sách dẫn trg. 4.
(49) Thích Minh Châu, Tư tưởng Ðại Học Vạn Hạnh số 1, 8.1967, trích trong Thiện Cẩm, sách dẫn. trg. 119.
(50) Kimusa Taiken, sách dẫn xem trg. 135-144.
(51) Thiện Cẩm, sách dẫn trg. 121.
(52) Phạm Trọng Chánh, "Ðối Thoại Về Vấn Ðề Tôn Giáo" đăng trong báo Bông Sen Âu Châu, số 22, 4.95 trg. 21.
(53) Phạm Trọng Chánh sách dẫn, trg. 21.
(54) Ðoàn Quang, "Trời Người Việt Nam Qua Ca Dao," đăng trong đặc san Sao Biển, 12.1982 trg. 18.
(55) Toan Ánh, sách dẫn trg. 239-240.

vũng_nước
31-12-2009, 09:23 AM
Phật giáo đặt niềm tin vào nền tảng sau đây:


1/ Phật giáo không tin có Thượng Đế là Đấng tạo dựng nên mọi loài mọi vật.

2/ Phật giáo cho rằng mọi sự có là do vọng tưởng mà ra, kể cả bản thân ta: “Sắc sắc không không”, “vô ngã”

3/ Nguyên nhân của đau khổ là do lòng ham muốn. Muốn hết đau khổ thì phải diệt lòng ham muốn, diệt dục.

4/ Mọi người phải thắp đuôc lên mà đi, có nghĩa là tự cứu lấy mình. Phật chỉ là kẻ chỉ đường, không phải là một vị thần, Phật không bảo thờ Phật. Phật không ban ơn, giáng họa cho ta.

5/ Sau khi chết, con người đầu thai vào một kiếp khác: luân hồi.

6/ Ai đạt tình trạng ‘vô ngã’ vào Niết bàn, không còn luân hồi.

Đặt niềm tin vào mấy điều trên, người theo Phật khi thực hành có nhiều mâu thuẫn:


1.Tụng kinh gõ mõ làm gì? Cầu Phật làm chi?

Bởi muốn hết đau khổ thì phải diệt dục. Phật không ban ơn, giáng họa cho ta, thì tụng kinh cầu nguyện với Phật là làm điều vô ich.

2. Mọi sự là ảo, kể cả bản thân ta.

Nếu ‘ta’ cũng chỉ là ảo, thì có luân hồi hay không ăn nhầm gì đến ta? Bởi có ta đâu mà sợ luân hồi? Và có ta đâu mà cần tu thân tich đưc?

3. Theo Phật vì muốn về niêt bàn? Nếu thế, theo Phật vẫn không diệt dục được, vì vẫn còn ham muốn, có nghĩa không diệt được cái ‘tôi’, để trở nên ‘vô ngã’; mà không ‘vô ngã’ thì không vào được niêt bàn, nghĩa là phải luân hồi hoài hoài.

Tóm lại, theo Phật là đi con đường lẩn quẩn, không lối thoát, không hy vọng.

THỰC TẾ:


1) Đạo Phật đã có từ hơn hai ngàn năm nay, nhưng không có ai vào niết bàn. Bởi nếu có số người được vào niết bàn, thì số người ở mặt đất này (vì đầu thai) phải bớt đi chứ.


2) Có ai theo Phật mà diệt được ham muốn không? Ươc mơ về niêt bàn, không phải ham muốn thì là gì? Ươc mơ hết đau khổ, không phải ham muốn thì là gì? Ươc mơ hêt luân hồi, không phải ham muốn thì là gì?


3) Theo Phật không có hy vọng mà có nhiều người tuyệt vọng đã tự sát, dù tu hành lâu năm. [đọc “Ai chết cho ai? Ai sống cho ai? (http://www.nguoitinhuu.com/kienthuc/ho-giao/nghuenhat/default.htm)” của cựu Đại đức Nguyễn Huệ Nhật, đã bỏ Phật về với Chúa]


4) Thực tế con người có: trí khôn giới hạn, kiến thưc giới hạn, sức khỏe giới hạn, tầm nhìn giới hạn, và biêt bao nhiêu sự giới hạn khác: con người không biêt rõ về chính mình, không biêt điều gì sẽ xảy ra một giờ sau đó và cũng không biêt những người xung quanh ra sao, tôt hay xấu thế nào v.v. Với những giới hạn đó mà bảo tự cứu thì chẳng khác gì: mò kim đáy biển! một mình đòi dời núi! một mình đòi lấp đại dương!


5) Tôi có một người anh họ, trươc theo đạo Phật , sau anh đã về đạo Chúa. Tôi hỏi anh tại sao anh theo đạo Chúa. Anh cho biêt như sau:

"Bởi mình không biết đạo Phật đúng hay đạo Chúa đúng. Nhưng theo lẽ khôn ngoan buộc mình phải theo đạo Chúa cho chắc ăn. Bởi đạo Chúa dạy người ta chỉ sống trên đời này có một lần. Nếu đúng thế, không theo đạo Chúa, nghĩa là không sống "đúng nghĩa làm người" thì sẽ bị phạt đời đời trong hỏa ngục. Nếu ngược lại đạo Phật đúng, không theo Phật kiêp này, sẽ còn kiêp sau, kiêp sau nữa... Nhưng nếu đạo Chúa đúng mà không theo...ôi thôi, mât mát đời đời, không lấy gì chuộc lại được. Nên nếu theo đạo Chúa, lợi, thì lợi vô cùng, lợi đời đời; còn nếu có thiệt; giả sử đạo Chúa sai, đạo Phật đúng, mà mình theo đạo Chúa, thì chỉ chậm có mấy năm, không vào niết bàn sớm mà thôi. Nhưng ai ham vào niết bàn sớm, mà ai "ham" vào sớm là chưa diệt dục xong. Đó là lý do mình đã bỏ Phật, theo Chúa."


6) “Các con hãy sinh sôi ra đầy mặt đất”. Dân số thế giới gia tăng chứ không giảm; sự thật này đúng như Kinh Thánh.


7) Những ai sống đúng theo Kinh Thánh đều tìm thấy an vui trong tâm hồn và nhận ra cuộc sống có ý nghĩa.

Kết: Phật giáo từ lý thuyêt đến thực tế đã cho chúng ta thấy là không thể thực hiện được, có nghĩa theo Phật thì không có hy vọng.


Thiết tưởng it dòng trình bày trên bày trên đây, cũng đủ cho những ai thành tâm, khát khao Chân Lý đang theo Phật suy nghĩ.


Nguyễn Hy Vọng

Ti_Amo
31-12-2009, 09:24 AM
cảm ơn vũng nước về bài viết này nha, abba đang có chút quan tâm về các tôn giáo và giáo phái.
Bài viết là tài liệu mình cần tìm. hihi
chúc vũng nước vui vẻ trong năm mới 2010

Angelus
03-01-2010, 12:57 AM
Ngắn gọn, tập trung...
Toát lược được những nét chính yếu các giáo phái...!:read:
Lâu quá em cũng quên mất....

duoc1706
21-05-2011, 06:11 PM
Đọc xong mới thấy cái nghịch lý của Phật giáo. Mai mốt biết mà tranh luận với họ. Nhưng không biết mình nói họ có tin không nữa.