PDA

View Full Version : 100 năm thành lập đan viện Cát Minh- Huế



sake
01-01-2010, 07:09 PM
100 năm thành lập Đan Viện Cát Minh - Huế (1909-2009) (http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1483:100-nm-thanh-lp-an-vin-cat-minh-hu-1909-2009&catid=42:tim-hieu&Itemid=66)

Thứ sáu, 01 Tháng 1 2010 16:14
http://tonggiaophanhue.net/home/images/blank.png (http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?view=article&catid=42%3Atim-hieu&id=1483%3A100-nm-thanh-lp-an-vin-cat-minh-hu-1909-2009&tmpl=component&print=1&layout=default&page=&option=com_content&Itemid=66)


http://tonggiaophanhue.net/home/images/stories/tin/thang012010/01012009catminh.jpg
MỪNG NĂM THÁNH KỶ NIỆM 100 NĂM THÀNH LẬP ĐAN VIỆN CÁT MINH - HUẾ (1909 - 2009)
HỒNG ÂN CHÚA TUÔN ĐỔ TỪ BAN ĐẦU (1909 - 1940)
* Năm 1909: (Đức Cha Allys)
Người ta kể rằng trong lúc bị giam ở Huế, Đức cha Lefèvre, có tiếng đạo đức và thánh thiện, đã được thị kiến: Đấng cải tổ Dòng Cát Minh hiện ra với Ngài và truyền cho Ngài thiết lập các Đan Viện Cát Minh trong nước Việt Nam để làm cho Hội Thánh tại Đông Dương được hết sức phồn thịnh. Cuộc hiện ra này có thực sự xảy ra không? Tôi không biết. Điều chắc chắn là Đức Cha Lefèvre vừa được trả tự do liền nhanh chóng mời các ái nữ của Mẹ Thánh Têrêxa Avila đến Sài Gòn. Rồi từ đó họ đã đi lập một Đan viện tại Hà Nội ở đầu kia nước Việt.
Tuy nhiên hai Đan viện được thiết lập này chưa đủ cho lòng nhiệt thành của các nữ tu thánh thiện kia và xem ra bao lâu họ chưa đạt được việc chinh phục chính kinh đô nước Việt trong an bình, với tràng chuỗi Mân Côi trên tay, họ vẫn chưa thực hiện được hoàn toàn ước muốn của Đấng Sáng Lập thánh thiện của mình.
Thành thử họ đã cảm thấy vui sướng biết bao khi có những hoàn cảnh do Chúa Quan Phòng mở đường cho họ đến Huế, và cho phép họ đến lập Đan viện chỉ cách vài trăm mét đền vua Minh Mạng và Tự Đức là những vị rất hung hăng bách hại Đạo Chúa.
Ước gì việc thiết lập này mà vì nghèo khó chúng tôi đã không góp phần được gì, có thể nên một sự bảo trợ liên lỉ và hữu hiệu cho sứ mạng truyền giáo của chúng tôi.
* Năm 1910: (Đức Cha Allys)
Về phần Đan viện Cát Minh như tôi đã báo việc thành lập trong bản báo cáo năm ngoái, xem ra Đan viện được phát triển về mọi mặt: số người xin vào có nhiều, và nhờ Chúa Quan Phòng các nguồn tài chánh để sinh sống và để xây dựng cho đến hôm nay chưa thấy thiếu hụt.
* Năm 1911: (Đức Cha Allys)
Đan Viện Cát Minh xây dựng chưa xong hoàn toàn thì các công việc đã phải ngưng trệ vì thiếu nguồn tài chánh, nhưng sự tạm dừng này trong việc xây dựng không gây tổn hại gì cho sinh hoạt đều đặn của Đan viện cũng như cho việc tuyển mộ ơn gọi của các nữ đan sĩ hoặc cho các tập sinh. Số tập sinh này là 8 chị, tất cả đều là người Việt. Các hiền thê rất yêu dấu này của Chúa Kitô chuẩn bị cõi trời bằng cách làm việc lành ở trần gian và lôi kéo mọi phúc lành cõi trời xuống trên các công trình của chúng tôi.
* Năm 1913: (Đức Cha Allys)
Cuối cùng các Đan sĩ Cát Minh, vừa cố sức cầu nguyện và hãm mình để lôi kéo các phúc lành dồi dào của Chúa xuống trên công cuộc truyền giáo của chúng tôi, vừa tiếp tục nới rộng thêm Đan viện và tuyển mộ các thỉnh sinh mới, làm cho số ái nữ của Mẹ Thánh Têrêxa sẽ được tăng thêm.
* Năm 1916: (Đức Cha Allys)
Ngày 8.12.1915, nhà nguyện của Đan viện Cát Minh Huế đã được làm phép và nữ đan sĩ đầu tiên thuộc Miền Truyền Giáo của chúng tôi được Đội Lúp (prise de voile). Cả hai nghi thức này đã đánh dấu việc thiết lập hoàn toàn đan viện mà theo người ta nói chính Mẹ Thánh Têrêxa đã đề nghị Đức Cha Lefèvre thực hiện.
* Năm 1919 : (Đức Cha Allys)
Nguyễn Thị Ngọc, con gái của một vị quan lãnh đạo tỉnh hồi hưu, sau khi học tại trường Pháp ở Huế và đậu bằng tốt nghiệp, đã được bổ nhiệm làm giáo viên tại Hà Tĩnh trong Miền Truyền Giáo Nam Bắc Kỳ (Tonkin meridional). Chính trong thời gian chị lưu trú trong nhiệm sở này, gia đình chị biết được ý định của chị muốn trở lại đạo như người anh của chị là Giuse Thích, người đã được nói đến nhiều trong một bản tường trình trước đây. Cha mẹ chị tức khắc phản đối cuộc trở lại này bằng mọi cách. Họ bắt đầu bằng cách thu hết các sách đạo của chị, mọi đồ thờ phụng đã được người anh gửi cho chị và họ huỷ mọi thứ đó. Rồi thời gian nghỉ hè đến, để kéo chị ra khỏi ảnh hưởng của người anh này, họ mang chị đi xa khỏi Huế và giam hãm chị phần nào, vì họ cũng biết ý định bỏ trốn của chị. Hơn nữa vì người cha của chị sợ rằng khi chị trở lại Hà Tĩnh chị sẽ chịu phép Rửa tội bí mật như anh của chị, ông quyết tâm đề nghị vị điều hành giáo dục cho chị về gần Huế và ngay cả việc cho chị một chỗ làm tại trường Pháp trong thành phố này. Để cho cuộc vận động của ông được nặng ký hơn, ông cũng cho rằng phải làm cho con gái ông đồng ý giải pháp này. Thế nhưng không ngờ ông lại tạo cho Nguyễn Thị Ngọc cơ hội hằng ao ước là trốn vào một nơi mà cuối cùng chị sẽ có thể trở thành kitô - hữu.
Thật rất khó mà tưởng cho được nỗi giận dữ của người cha và sự đau khổ của người mẹ khi họ nhận ra con mình đã bỏ trốn. Tức khắc họ lao mình cùng với bạn bè đi tìm đuổi kẻ chạy trốn và trong nhiều ngày, không ngừng hỏi han hai bên tả hữu, nhất là rảo quanh các nhà tu mà họ nghi ngờ chị đã chạy trốn trong đó. Cuối cùng một bức thư của Nguyễn Thị Ngọc cho họ biết rằng chị đã ở trong Đan viện Cát Minh Huế, và sẽ không ra khỏi đó trước khi thành người kitô-hửu. Mẹ chị liền đi đến nhà khách Đan viện và con gái bà tuyên bố dứt khoát là với bất cứ giá nào chị đã quyết định làm người kitô-hửu và luôn cả việc sống đời tu trì. Trước một tuyên bố như thế, người mẹ lồng lộn lên, la lối, hăm doạ, rồi thấy con gái mình vẫn không nao núng, bà nhảy bổ vào chị, nắm lấy tóc chị lôi ra khỏi phòng khách. Để cưỡng lại một sự hung dữ như thế, Nguyễn Thị Ngọc nằm dài sát đất, và làm cho những nỗ lực hung hăng đó trở nên vô hiệu. Bấy giờ bà mẹ thấy rằng mình chẳng đi đến đâu, mà chỉ làm cho mình ra kỳ quái thêm, bà liền thả con mình ra và đỏ mặt giận dữ, bà ra về với lời hăm doạ sẽ trở lại ngay.
Quả thực bà đến lại với bốn người em trai và em gái của Nguyễn Thị Ngọc. Nhưng kết quả cuộc việc dàn cảnh đó chẳng được gì như bà mong đợi, Nguyễn Thị Ngọc không chỉ không để cho mình bị lung lay bởi những dòng nước mắt của các người em mà chị rất thương mến, nhưng chị đã biết an ủi và khích lệ chúng đến nỗi hai người trong số họ tuyên bố rằng mình cũng muốn theo Đạo. Lần này bà mẹ tuyên bố thất bại và không trông đợi gì khác ngoài sự can thiệp của chồng bà. Với uy quyền của người cha và của một vị quan, có lẽ ông sẽ đạt được việc đập tan sự cứng đầu không thể hiểu được của con gái mình. Sự can thiệp này xảy ra vài ngày sau đó. Đứng trước con gái mình với khuôn mặt không dịu dàng chút nào và trong tình trạng xem ra càng hung dữ hơn vì ghét Đạo, ông giận dữ truyền lệnh cho con gái ông phải đi theo ông ngay.
Lệnh truyền này không làm cho Nguyễn Thị Ngọc mất tinh thần chút nào, chị trả lời cho người cha những gì chị đã thưa với mẹ chị: chị sẵn sàng chịu mọi đau khổ hơn là từ bỏ quyết định của chị. Giận dữ vì sự gan lỳ không hiểu được đó của chị, ông tái diễn toan tính của vợ ông và nắm lấy tóc chị, ông cố sức lôi chị đi. Nhưng Nguyễn Thị Ngọc một lần nữa lại nằm dài sát đất làm cho sự dữ dằn kia trở nên vô ích. Cha của chị đành lui về, vừa tuôn ra những lời hăm doạ và chắc hẳn với ý định quyết trở lại: nhưng khi nào và như thế nào, chỉ có Chúa biết !
Đã vượt thắng được như thế và càng quyết tâm hơn bao giờ hết để hoàn toàn hiến mình cho Chúa, Nguyễn Thị Ngọc xin được lãnh bí tích Rửa tội sớm nhất có thể. Vì anh của chị, người đã nâng đỡ và khích lệ chị trong suốt những ngày gian khổ vừa qua, đã dạy chị một cách vững chắc các chân lý của Đạo và vì chị đã thâu nhận được nhiều hiểu biết qua việc đọc các sách Đạo, một tuần sau đó, chị đã lãnh nhận trong cùng một ngày các bí tích Rửa tội, Mình Thánh Chúa và Thêm Sức. Chắc hẳn chị rất hạnh phúc vì đã thấy mở ra trước mắt chị cánh cửa của Đan viện Cát Minh; nhưng người ta không nghĩ rằng phải chấp thuận ao ước này nhanh như thế, mặc dầu đã được chị nhiều lần bày tỏ, và người ta đưa chị vào một cuộc thử thách trong vong một tuần lễ cho sự nóng lòng đáng khen của chị.
Cuối cùng hôm áp lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, chị đã được vượt qua rào nội cấm và vui hưởng sự an bình bên trong cũng như bên ngoài mà chị rất cần đến và chị rất đáng được như thế.
Hai hoặc ba ngày trước bước tiến đó, chị đã viết thư cho cha mẹ chị để báo cho các vị biết về quyết định đó của chị và xin các vị đến gặp chị nếu các vị muốn. Nhưng bức thư này không nhận được lời đáp trả, cũng như đối với bức thư chị đã gửi cho các vị từ ngày vào Đan viện. Trước những câu hỏi cuối cùng Mẹ Bề trên Đan viện đặt ra cho chị về tình trạng mới của chị, về những niềm vui và những khó nhọc chị gặp ở nơi này, Nguyễn Thị Ngọc, tên dòng là Maria Thánh Thể (Marie de l’ Eucharistie) đã trả lời:”Con hạnh phúc về đủ mọi phương diện; trong những ngày đầu trải qua trong cộng đoàn, con đã có chút phải chịu đựng chế độ ăn uống, nhưng bây giờ con đã quen và ăn thấy ngon miệng”. Đến lượt được hỏi về người mới được nhận vào này, Mẹ Bề trên đã nói rằng bà thoả mãn với tính tình của thỉnh sinh mới này và bà hy vọng làm cho chị nên một ái nữ tốt lành và xứng đáng của Mẹ Thánh Têrêxa. Ước gì niềm hy vọng đó thành sự ! Cũng ước gì thành sự niềm mong ước luôn mãi của người anh của chị Maria Thánh Thể là hiến thân phục vụ các bàn thờ và cho lương dân trở lại ! Ước gì cả hai anh em này được Chúa ban cho ơn thấy người cha người me và cả gia đình mình, cũng như một số gia đình các vị quan lại khác được trở lại Đạo Chúa !
* Năm 1922: (Đức Cha Allys)
Chính trong hạt Bên Bộ này, dọc theo bờ sông Hương, có Cô nhi viện Hội Thánh Nhi do các Chị Em Dòng Thánh Phaolô điều hành, rồi Đan viện Cát Minh, Trường Sư phạm của các nữ tu bản xứ và Đại Chủng Viện. Bốn cơ sở này có vị trí đẹp đẽ và trong lành nhất, cùng lo lợi ích lớn lao nhất của giáo phận, tuỳ theo phạm vi của mình.
* Năm 1929: (Đức Cha Allys)
Cho đến các cộng đoàn tu trì, dầu chuyên tâm sống đời chiêm niệm (Dòng Xitô Đức Bà Annam, Đan viện Cát Minh), sống đời rao giảng (Dòng Chúa Cứu Thế), hoặc giáo dục giới trẻ, thì phải ghi ơn đặc biệt về tất cả những gì họ đã làm cho vinh quang Chúa và phần rỗi các linh hồn tuỳ hoàn cảnh Chúa Quan phòng đã mời gọi họ.
* Năm 1930: (Đức Cha Allys)
Sau khi đã thiết lập một Đan viện tại Ilo - Ilo (Philippin). Đan viện Cát Minh Huế đã giúp cho Đan viện Cát Minh Cholet bị bỏ phế thuộc địa phận Angers được đông thêm lại vào cuối năm ngoái. Rồi 7 nữ đan sĩ Cát Minh đã đi lập nhà tại Thanh Hoá.
* Năm 1931: (Đức Cha Allys)
Các ái nữ của Mẹ Thánh Têrêxa cũng tiếp tục sống “cuộc sống ẩn giấu với Kitô trong Thiên Chúa” và nhờ lời cầu nguyện và các việc hãm mình, họ làm cho dồi dào cánh đồng hoạt động tông đồ. Việc thiết lập Đan viện Thanh Hoá mới đây đã tạo nên một khoảng trống trong hàng ngũ của họ, nhưng dần dần được dầy lại. Các ơn gọi lúc đầu có nhiều, nhưng hiện nay bị khan hiếm hơn. “Được gọi thì nhiều, nhưng được chọn thì ít”, lời này được thực hiện hoàn toàn, và việc thấy ít người được chọn đến thế làm cho những người đã nghe hoặc nghĩ như thế có phần do dự.
* Năm 1934: (Đức Cha Allys)
Với cùng một sự hăng hái như các nam đan sĩ, các nữ tu của chúng tôi đã cầu nguyện và hy sinh lao nhọc lo cho hạnh phúc của các linh hồn. Chị Maria Bí Tích Thánh Thể (Marie du Saint-Sacrement), gốc Sài Gòn, cầu nguyện chịu khó tại Đan viện Cát Minh từ 50 năm qua, đáng được một lễ mừng vào dịp kỷ niệm Kim Khánh Khấn dòng, trong một nghi lễ đạo đức, chị đã nhận được “cây gậy vàng nở hoa” (Bâton fleuri) sẽ nâng đỡ chị trong tuổi già.
* Năm 1935: (Đức Cha Chabanon)
Đan viện Cát Minh Huế đã long trọng cử hành kỷ niệm 25 năm thành lập Đan viện vào ngày 16/12. Trong một phần tư thế kỷ qua, Đan Viện này đã khai sinh Đan viện Cát Minh Ilo - Ilo ở Philipphin và Đan viện Thanh Hoá ở Việt Nam. Vị Đan viện Trưởng đầu tiên, Mẹ Aimée de Marrie cũng đã thiết lập ở Cholet “Đan viện Cát Minh Truyền Giáo”, rồi đến lượt Đan Viện này cũng đã gởi các phần tử của mình đến Tokyo, Bangalore và Colombo. Việc sắp đặt cho các nữ đan sĩ Cát Minh lập nhà ở Huế là một trong những hành động đầu tiên trong việc cai quản giáo phận của Đức Cha Allys. Xác tín rằng lời cầu nguyện và việc hy sinh đền tội là điều kiện thiết yếu cho mọi công việc chính yếu của công cuộc Phúc Âm hoá, Đức Giám mục Đại Diện Tông toà đáng kính đã nắm chắc được sự trợ lực bảo đảm của các ái nữ của Mẹ Thánh Têrêxa ngay từ những giờ phút đầu tiên và bây giờ Đan viện Cát Minh đã mừng lễ Ngân Khánh thành lập, thì vị Thành Lập đáng kính chậm rãi bước về lễ Ngọc Khánh Linh Mục của Ngài.
Chính vào ngày 10.10.1875 Đức Cha Allys đã thụ phong linh mục tại Đại Chủng Viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Ngài đã lên đường ngày 10.12 đến Miền Truyền Giáo Huế và đã không bao giờ rời bỏ. Đấng đáng kính sắp mừng lễ Ngọc Khánh và người kế vị Ngài là Giám mục Chabanon, cộng chung lại các nỗ lực sắp đếm được 100 năm. 100 năm lưu trú không ngừng trên đất Việt Nam. Đây không phải là một kỷ lục, nhưng là trường hợp không thường xảy đến có thể được nêu lên.
* Năm 1936: (Cha Lemasle Bề Trên Miền Truyền Giáo)
Về phần các nữ đan sĩ Cát Minh, họ không thể nghĩ đến việc lập thêm nhà nơi khác, họ thà xin thêm các người mới ở Pháp - Chúa Quan Phòng đã nhậm lời họ kêu cầu. Trong tháng 9, họ sẽ tiếp nhận một nữ đan sĩ đã khấn và sau đó ít lâu, họ sẽ có thêm một chị khác. Ước gì hai dòng chiêm niệm này (Phước Sơn và Cát Minh) hết sức chăm lo để nhờ lời cầu nguyện và các việc hãm mình, họ không ngừng lôi kéo các phúc lành của Chúa ngày càng dồi dào xuống trên những người thợ tông đồ của Miền Truyền Giáo Huế và trên các tâm hồn được giao phó cho các thợ gặt này chăm sóc .

(Trích dịch từ nguyên bản Pháp ngữ ”Các báo cáo thường niên của các vị Giám Mục Giáo Phận Huế gởi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris từ 1872-1940” do Lê Thiện Sĩ sưu tập)
Lm. Stanislaô Nguyễn Đức Vệ
Nguồn: tonggiaophanhue.net