PDA

View Full Version : "THẬP GIÁ NGẤT CAO Ở TRÊN THẾ GIAN NÀY, ÔI HỠI THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU"



cafeda2009
07-01-2010, 10:56 PM
"THẬP GIÁ NGẤT CAO Ở TRÊN THẾ GIAN NÀY, ÔI HỠI THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU"



07/01/2010 10:03:00 LÊ QUANG VINH (http://huongvedaihoidanchua.net/author/quanguy/)


(http://javascript%3Cb%3E%3C/b%3E:tsz%28%27article_body%27,%2716px%27%29)

http://huongvedaihoidanchua.net/thumbnail.php?file=00._Thanh_Gia_1_656061922.jpg&size=article_medium



( Tựa đề bài viết là điệp khúc một bài Thánh Ca do cha Hoàng Kim đặt lời Việt, hát trong nghi thức suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu thứ sáu Tuần Thánh )


Trong sân trường đại học, tôi chợt chú ý đến một nhóm sinh viên đang thảo luận sôi nổi và vui vẻ. Một cô gái nói: “Để tôi giải thích cho ông, Lễ Bổn Mạng ca đoàn nghĩa là…” Tôi biết cô này có Đạo, và tôi hỏi anh chàng đang lắng nghe cô ấy: “Còn em thì…” Cậu sinh viên đáp: “Dạ em không có Đạo”. Tôi bảo: “Em đừng nói vậy. Em nên nói là em chưa có Đạo mới đúng chứ”. Thế là cậu ấy hào hứng hẳn lên: “Dạ, đúng thế !" Và cậu sinh viên kể về những người cậu biết trước kia không có Đạo mà nay đã xin theo Đạo. Cậu ta còn bảo: “Hôm Giáng Sinh em đi học, cô giáo nhận xét: “Không biết sao nhiều người ở Việt Nam lại... sợ Chúa Giêsu quá ?!?”


Tôi ngẫm nghĩ, cô giáo của lớp ấy nói vậy mà đúng. Cách đây ít lâu, Cha Giám Tỉnh DCCT cũng đã nói: “Người ta sợ sự thật”. Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Thế gian hôm nay sợ Sự Sống, biểu hiện qua nền “văn hoá sự chết”, phải nói đúng hơn là “thoái hoá chết chóc” chứ sự chết, sự giết thai nhi sao gọi là văn hoá được. Thế gian sợ sự thật nên thế gian mới kết án Đức Giêsu và những ai bước theo Người. Và thế gian ở thời nào cũng vậy, luôn muốn loại Giêsu ra khỏi lịch sử và khỏi cuộc đời của mỗi con người đang sống giữa thế gian.


Có một điều không ai thay đổi được nữa. Ấy là cột mốc thời gian. Nhiều người không muốn dính dáng gì đến ngày Đức Giêsu xuống thế nên họ không chấp nhận sử dụng Dương Lịch đang có ( Lịch Gregorian này ), và họ muốn đổi ngày tháng, đổi năm, muốn dùng lịch Cách Mạng Nga chẳng hạn. Nhưng đã trễ. Chúa Giêsu là Chúa của thời gian, cho nên khi năm hết Tết đến, dù ai có ghét Giêsu và có giận hờn Đức Giáo Hoàng thì vẫn phải đồng thanh với thế giới mà tuyên xưng “năm của Thiên Chúa chúng ta, A.D. ( viết tắt của Annus Deo ), năm nay là 2010”.


Loại Giêsu ra khỏi thời gian là không được rồi, thế gian lại muốn tẩy xoá vết tích của Người. Nhưng có một điều thế gian điêu ngoa không chịu suy ngắm, ấy là Lời Chúa Giêsu: “Ngày nào Ta bị treo lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Giêsu đã kéo con người lên rồi, thì những người không muốn lên chỉ có thể đứng lại mà kêu gào, chứ làm sao có thể kéo phần nhân loại được cứu kia xuống với mình được ?

Dấu vết rõ ràng nhất của Giêsu trong dòng lịch sử này chính là Thánh Giá của Ơn Cứu Độ. Nơi đâu có con người, ở đó phải có Thánh Giá, bởi vì đặc tính của Ơn Cứu Độ là phổ quát và vĩnh tồn. Thánh Giá còn là biểu tượng của các nền văn minh, biểu tượng của bác ái và nhân hậu nữa. Hãy nhìn các kiến trúc qua bao nhiêu thế hệ thì rõ. Hãy nhìn Hội Hồng Thập Tự ( Chữ Thập Đỏ ) thì biết. Nhưng trong nhân loại đây đó vẫn có những con người dị ứng với Thánh Giá. Có lẽ không cần lý giải nhiều. Chỉ cần xem ví dụ này: trong những chỗ người ta giao tiếp với ma quỉ, người ta không đeo Thánh Giá, vì quỉ sẽ sợ mà không xuất hiện.


Giáo Hội Việt Nam đầu năm mới đã bàng hoàng với những lá thư kết tội các mục tử nhân dũng và với hành vi xúc phạm đến Thánh Giá vinh quang của Đấng Cứu Thế. Chẳng khác gì hai ngàn năm trước, giữa mùa hồng ân của Lễ Vượt Qua trong Dân Thánh, có một con Người Chí Thánh đã phải chịu tử hình. Lúc ấy người ta dựng Thánh Giá lên. Rồi Thánh Giá vươn cao, cờ Thánh Giá tung bay trên bầu trời nhân thế. Dựng Thánh Giá lên rồi, thế gian bấn loạn vì sức mạnh của Thánh Giá là vô cùng. Do đó nhiều năm sau, thế gian hốt hoảng hạ Thánh Giá xuống. Nhưng mà đã trễ.


Ba ngày sau khi chịu chết trên Thánh Giá, Đức Giêsu đã phục sinh với toàn bộ ánh vinh quang của Thiên Quốc. Hai ngàn năm sau ngày Phục Sinh ấy, ánh sáng vẫn chiếu rực rỡ. Giáo Hội Việt Nam vừa mới tưng bừng khai mạc Năm Thánh, không lẽ thế gian quên mất hàng trăm ngàn anh hùng tử đạo Việt Nam đã can trường bảo vệ Thánh Giá Đức Kitô và bây giờ con cháu các ngài cũng đang giương cao ngọn cờ Thánh Giá trên quê hương này ?


Thiên Chúa có ngàn vạn cách để nhân loại nhận biết và tôn thờ Thánh Giá, chứ không phải chỉ có một cách duy nhất là loan báo bằng lời. Lịch sử Ơn Cứu Độ đã chứng minh những cuộc lưu đày và những cuộc bách hại là thời cơ cho dân Israel nhận biết tình thương yêu của Ngài, chứ không phải chỉ có lời rao giảng của các Ngôn Sứ mới có tác dụng răn dạy và tiên báo.

Lịch sử Hội Thánh hai ngàn năm qua cũng là minh chứng hùng hồn cho lời nói của sử gia Tertuliano: “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu”. Việc triệt hạ Thánh Giá và ảnh tượng Thánh là những việc khá bình thường ở Tây Phương ngày trước trong những xứ sở còn man di hay trình độ người lãnh đạo xã hội thấp kém mà lại có cái tâm không mấy trong. Những cuộc triệt hạ như thế thường giúp dựng lại Thánh Giá trong tâm hồn người tin Chúa Giêsu.


Khi xã hội tiến bộ hơn, người ta không dại gì phá bỏ Thánh Giá các nơi, vì trí khôn dạy họ rằng những hành vi ấy chỉ củng cố Đức Tin của người môn đệ Đức Kitô. Xã hội văn minh có những cách khác, hữu hiệu hơn và khoa học hơn. Nhưng cho dù cách thế nào thì cuối cùng Thánh Giá Chúa vẫn là biểu tượng của Ơn Cứu Độ mà không có quyền lực nào, dù là quyền lực hoả ngục, có thể phá huỷ được.


Tám triệu người Công giáo Việt Nam, hàng triệu những người theo các tôn giáo thờ Chúa Giêsu trong nước và hàng tỉ người tin Chúa trên thế giới đau lòng mỗi khi Thánh Giá Chúa bị xúc phạm. Người ta sợ Chúa thì lẽ ra người ta nên đến với Người vì Người nhân hậu. Chẳng lẽ cứ mãi đối đầu với Đấng có thể trong tích tắc biến họ thành tro bụi muôn đời ?


Chẳng bao lâu nữa Dân Chúa bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa Chay năm nay Dân Chúa phải ăn chay nhiều hơn và cầu nguyện nhiều hơn để đền tội thay cho những con người thế gian một lần nữa rút gươm đâm vào cạnh sườn Chúa. Nhưng dù sao thì người Công Giáo vẫn tin chắc rằng khi máu và nước từ Thánh Tâm Chúa Giêsu đổ ra, nhiều tâm hồn sẽ được cứu, nếu họ có thiện chí.

Khi kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn được nhắc lại thêm lời sử gia Tertuliano khi ông nói với thế gian điêu ngoa lúc ấy:

“Chúng tôi cũng là anh em với quý vị vì thiên nhiên là bà mẹ chung của chúng ta; quý vị sẽ không là người nữa nếu quý vị không là anh em tốt với nhau. Nhưng người ta càng có lý hơn nữa, khi gọi và coi nhau như anh em vì cùng nhận một Thiên Chúa là Cha chung, vì cùng được no thỏa bởi cùng một Thần Khí thánh thiện và cùng được ánh sáng chân lý chiếu soi, sau khi đã cùng nhau ra khỏi vực sâu u tối, mê muội.”


Lạy Mẹ Maria, người đau lòng nhất khi Chúa Giêsu bị xúc phạm là Mẹ, người Mẹ của Chúa và của cả nhân loại đang lưu đày này. Xin Mẹ là Nữ Vương Công Lý cho chúng con được vững tin ngay cả khi thế gian say sưa chống đối Con của Mẹ.

Gioan LÊ QUANG VINH, 7.1.2010

(Nguồn: http://huongvedaihoidanchua.net)