PDA

View Full Version : ĐỒNG HÀNH VỚI MẸ TRONG ƠN GỌI



Gia Nhân
09-01-2010, 08:33 AM
ĐỒNG HÀNH VỚI MẸ TRONG ƠN GỌI




Bài chia sẻ với giới trẻ Việt Nam Tổng Giáo Phận Los Angeles


- Hôm nay trong thánh lễ cha giảng gì vậy con?
- Cha nói về Good Shepherd ba à!
- Ba thấy cha giảng dài lắm cơ mà đâu phải chỉ có hai chữ Good Shepherd con?
- Cha cũng nói Pope prays for vocation nữa?
- Vocation là thế nào con hiểu không?
- You response when God calls như Father Huy!
- Vậy con có muốn làm Linh mục như cha Huy không?
- I don’t know yet!
- Why not?
- ..!!..
Con tôi lưỡng lự giây lát rồi im lặng, thứ im lặng ngỡ ngàng trẻ thơ. Tôi không dám tràng giang đại hải lên lớp cậu con trai 10 tuổi vì chắc chắn cháu sẽ chẳng hiểu gì, nhưng những câu hỏi như gợi ý là để gieo vào lòng cháu một chút gì đó. Biết đâu những câu hỏi như ngớ ngẩn ấy sẽ được cháu cưu mang trong lòng và rồi sẽ nhanh nhẹn đáp trả mai sau. Nếu cháu là một người trưởng thành thì nhất định sự im lặng ấy là thứ im lặng chối từ, thứ im lặng của người thanh niên giàu có sụ mặt bỏ đi khi Chúa Giêsu bảo anh đem bán hết của cải cho người nghèo khó rồi đến theo Ngài (Mt 19,22). Chẳng phải vô lý khi Đức Thánh Cha dành ngày Chúa Nhật đầu tháng Năm làm ngày cầu nguyện cho ơn gọi. Tháng Năm chúng ta thường gọi là Tháng Hoa hay Tháng Đức Bà, tháng dành riêng để kính Đức Mẹ.

Nói đến Đức Mẹ, ngoài những nhân đức trổi vượt và sáng chói của Đấng được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, người Kitô hữu chúng ta không thể không nhớ câu:” Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38). Câu trả lời được gói gọn trong hai tiếng “xin vâng”. Hai tiếng “xin vâng” ngắn ngủi và đơn giản nhưng chẳng phải một sớm một chiều hay trong khoảnh khắc mà Mẹ có thể thốt ra như thế. Đó là kết quả của cả một hành trình đức tin gồm nhiều giai đoạn trong cuộc sống: đón nhận, nuôi dưỡng và thực hành. Nói thì đơn giản nhưng sống đức tin chẳng phải đơn giản như vậy! Mẹ đã vượt qua mọi cản trở để niềm tin vào Thiên Chúa của Mẹ trở thành tuyệt đối. Chính niềm tin tuyệt đối ấy đã khiến Mẹ thốt lên hai chữ “xin vâng”. Ngôi Lời đã trở thành người khởi đi từ hai chữ “xin vâng” ấy. Ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cho con người cũng qua hai tiếng “xin vâng” này. Nhờ đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, Mẹ đã chấp nhận mạc khải của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu Kitô, con Mẹ. Một người con dù chịu nhục nhã và chết trần truồng trên thập giá vẫn là Thiên Chúa. Khi hai chữ “xin vâng” được Mẹ thốt lên trên môi miệng, Mẹ mới ở tuổi một thiếu nữ còn rất trẻ. Kinh Thánh chẳng có đoạn nào nói về tuổi tác của Mẹ khi Mẹ đính hôn với anh thợ mộc Giuse nhưng theo tập tục của người Do Thái thường mừng con gái bước vào tuổi thành nhân (Bat Mitzvah) là 12 hoặc 13 thì có lẽ Mẹ chỉ khoảng trên dưới 15 tuổi lúc đó. Trẻ nhưng Mẹ nhận ra tiếng Chúa rất rõ ràng để mau mắn đáp lại. Điều đó chứng tỏ Mẹ đã sống niềm tin tưởng vào Thiên Chúa cách trọn vẹn kể từ khi đón nhận mầm đức tin từ nơi Ngài. Có lẽ trong tâm tình ấy, Đức Thánh Cha đã chọn Chúa Nhật đầu tháng Năm làm ngày cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu linh mục và cũng là ngày cầu nguyện cho ơn gọi nói chung, ơn gọi làm người Kitô hữu, những chứng nhân của Đức Kitô giữa dòng đời.

Là những Kitô hữu, chúng ta học hỏi được gì nơi Mẹ Maria trong tháng Năm này? Chúng ta nhiều người đã như Phaolô ngã ngựa khi Thầy Chí Thánh Giêsu đến thức tỉnh chúng ta từ cơn mê say những phồn hoa vật chất, những đam mê và quyến rũ của xã hội, những ươn ái và phè phỡn của thân xác, những ham muốn và ước vọng của thế gian… Đã có lần nào đó chúng ta trước Thánh Thể Chúa nhỏ những giọt lệ nóng hổi với tâm tình thống hối ăn năn. Đã có lần chúng ta quyết tâm chỗi dậy và thề hứa đáp trả ơn gọi chứng nhân của Thầy Chí Thánh. Có người đã làm điều đó 30 năm, 20 năm, 10 năm hay 5 năm trước. Cũng có người mới chỉ vài ba năm hay một năm… Đã có lần nào, lúc nào chúng ta một mình với Thầy Chí Thánh ôn lại những kỷ niệm nồng cháy, những quyết tâm chuyển núi dời non, những hăng say như muốn đạp đổ thế giới hiện tại để xây dựng lại một thế giới trong sạch và tươi mát thấm nhuần Tin Mừng chưa? Hay tất cả những hăng say thề thốt ấy đã như một ngọn hỏa diệm sơn lịm dần theo rong rêu thời gian, vừa âm thầm, vừa lặng lẽ và rồi bị chôn vùi trong quên lãng? Tháng Năm là tháng để mỗi người Kitô hữu cùng Mẹ Maria đồng hành trong việc thực hiện ơn gọi chứng nhân của mình. Nếu Mẹ cũng như chúng ta mau mắn thốt lên lời “xin vâng” rồi âm thầm “giải ngũ” như chúng ta thì công trình thực hiện lời hứa cứu độ của Thiên Chúa liệu sẽ ra sao? Mẹ “xin vâng” và sống ơn gọi đó trọn đời của Mẹ cách nào? Thưa, Mẹ đã trung thành tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh với lời “xin vâng” đó. Tuyệt đối ngay cả những lúc Mẹ chẳng hiểu gì. Tin Mừng kể lại dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua lúc Chúa Giêsu 12 tuổi. Mẹ lạc mất con. Khi tìm lại được, chính con đã thưa với Mẹ rằng: “Sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 3, 41-50). Dùø chẳng hiểu gì nhưng Mẹ vẫn ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng (Lc 3, 51). Mẹ cũng trung thành tuyệt đối ngay cả khi Chúa Giêsu, con Mẹ có những lời lẽ như chối từ sự liên hệ mẫu tử với Mẹ. Đó là lúc giữa đám đông dân chúng, Mẹ đến tìm con nhưng không sao chen chân vào đến gần con được mới nhờ người báo tin. Thay vì mừng rỡ vì Mẹ đến thăm, Chúa Giêsu lại lớn tiếng bảo những kẻ theo Ngài rằng: “Ai là Mẹ Ta, và ai là anh em Ta?” Ngài lại chỉ các môn đồ của Ngài và nói: “Này là Mẹ Ta và anh em Ta. Phàm ai làm theo ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời, thì kẻ ấy là anh em Ta và Mẹ Ta” (Mt 13, 46-50). Làm bậc cha mẹ mà nghe con cái to tiếng giữa đám đông những điều ấy thì còn gì đau khổ và tủi nhục hơn? Chắc chắn mới nghe lời ấy, Mẹ cũng chua sót và rơi lụy phiền não, nhưng với con mắt đức tin mà Mẹ vẫn tuyệt đối đặt vào Thiên Chúa, chắc chắn Mẹ đã vui mừng vì chẳng ai trên thế gian này tuân giữ và thực thi lời Chúa hơn Mẹ. Mẹ cũng trung thành tuyệt đối với ơn gọi của mình vào lúc tuyệt vọng và nhục nhã nhất của cuộc đời. Đó là lúc con bị trần truồng chết treo trên thập giá. Những người đã hàng hàng lớp lớp tung hô vạn tuế náo động cả thành phố hôm nào đâu hết, mà hôm nay trước bản án tử hình, con người đầy vinh quang và quyền lực phải cô đơn gánh chịu khổ nhục và đau đớn một mình! Những người mà trước đây giữa đám đông con chỉ vào họ và nhận họ là mẹ và anh em đã đi đâu hết để rồi hôm nay dưới chân thập tự chỉ có “Mẹ Người, chị Mẹ Người là bà Maria vợ ông Clêopha cùng với Maria Magdalena” và người môn đệ yêu dấu (Yn 19, 25). Mẹ trung thành với tiếng “xin vâng” chẳng phải chỉ với những điều vừa nêu, nhưng trung thành trọn vẹn trong suốt hành trình đức tin tức là cuộc đời Mẹ, dù cuộc đời ấy với hành trình đầy đau thương và gai góc. “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 35).

Việc Mẹ Maria sống ơn gọi trong thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa cũng là một mẫu gương chói sáng cho các bạn trẻ Công Giáo. Mẹ mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa ở tuổi quá non trẻ nhưng không vì thế mà lãng quên trách nhiệm đối với ơn gọi của mình. Ngược lại trong suốt cuộc đời của Mẹ sự đáp trả ấy được vun bồi tới viên mãn là cùng con đồng công cứu chuộc nhân loại bên cây thập tự. Các bạn là thành viên của các Phong trào Cursillo, Linh Thao, Thiếu Nhi Thánh Thể, Thiếu Nhi Fatima, Con Đức Mẹ ư? Các bạn có biết các Phong trào này nguyên thủy được lập ra cho giới trẻ, với giới trẻ và vì giới trẻ không? Nếu mục đích của các phong trào gắn liền với giới trẻ như vậy thì không lý gì giới trẻ lại đứng ngoài vòng sinh hoạt như một khách bàng quan. Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội lữ hành. Để Giáo Hội có thể lữ hành thì mỗi Giáo Hội địa phương, mỗi đoàn thể và trong đó mỗi thành viên phải cùng vận hành và tiến tới. Đọc sách Xuất Hành, chúng ta nhận ra một điểm quan trọng là hễ mỗi lần Dân Chúa đóng đồn hạ trại, dừng chân ngơi nghỉ thì sớm muộn dân chúng cũng sa ngã và quay lưng xúc phạm Yaveh cũng như oán trách Moses, tôi tớ Ngài. Giới trẻ chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta không chung vai sát cánh với huynh trưởng trong công tác sinh hoạt để cùng nhau tiến tới sớm muộn chúng ta cũng nằm ụ trong ích kỷ, ươn hèn và quị ngã với những cám dỗ của thế tục. Nhìn theo khía cạnh tự nhiên thì “tre già măng mọc”, “trường giang sóng sau dồn sóng trước”. Giới trẻ phải xung phong trong mọi công tác hàng đầu từ học hỏi Kinh Thánh, đào luyện, theo học các khoá Đức tin Công Giáo, sinh hoạt, mục vụ, vv… Có lúc nào chúng ta tự nghĩ mình thiếu trách nhiệm trong các công tác của các Phong Trào không? Có khi nào chúng ta nhận ra mình quá ỷ lại vào các huynh trưởng không? Vì thiếu tự tin? Vì thiếu trách nhiệm? Vì Phong trào thiếu hấp dẫn? Tuổi trẻ là tuổi đem lại sức sống mãnh liệt nhất cho Phong Trào và Phong Trào cần sự dấn thân của giới trẻ: Một giọng hát trong ca đoàn, một chân chạy bàn trong buổi liên hoan, một thành viên trong ban tương tế xã hội hay anh chị nuôi trong các buổi picnic, vv… Tất cả những công tác xem ra có vẻ hèn mọn ấy lại là một dấu chỉ, một mốc dấu và một ”cái cớ” Thiên Chúa dùng để đánh động người tham dự dù là huynh trưởng, thành viên hay một chân lon ton nhưng chu toàn trách nhiệm với tinh thần phục vụ trọn vẹn. Thiên Chúa yêu thích sự tầm thường và hay dùng những kẻ tầm thường (Lc 1, 52).

Ước mong tháng Đức Mẹ là cơ hội giúp chúng ta suy gẫm về những nhân đức tuyệt với của Mẹ và là cơ hội để chúng ta nhìn lại ơn gọi của mình. Ơn gọi làm chứng nhân cho Thầy Chí Thánh trong hành trình đức tin giữa lòng một thế giới đang mất dần đức tin là một điều không phải dễ dàng và nhiều gai góc! Nói như thế không có ý làm chúng ta nản chí hay bỏ cuộc nhưng là để mỗi người chúng ta nhận thức được sự ươn hèn sẵn có trong ta để cùng Mẹ gắn bó nhiều hơn bao giờ hết. Mẹ sẽ cùng chúng ta đồng hành trong đức tin. Có Mẹ ở bên, việc sống đức tin và quyết tâm trung thành với ơn gọi chứng nhân sẽ dễ dàng hơn nhiều.


JB. Đào Ngọc Điệp


Nguồn: http://www.simonhoadalat.com