PDA

View Full Version : THÁNH LỄ HÔM NAY



cafeda2009
11-01-2010, 10:15 PM
THÁNH LỄ HÔM NAY



10/01/2010 16:02:00 Lm. VĨNH SANG (http://huongvedaihoidanchua.net/author/quanguy/)




http://huongvedaihoidanchua.net/thumbnail.php?file=Thanh_Le_Dong_Te_705482097.jpg&size=article_medium



Bài viết tuy là của một Linh Mục, nhưng xin được đặt trong chuyên mục Tiếng Nói Giáo Dân, ấy là vì...

Sáng nay, Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, bất ngờ một người phụ nữ hỏi tôi:

- Thưa cha, có phải Thánh Lễ là một bữa tiệc gia đình không ?

- Vâng, thưa chị muốn nói gì ? Tôi dè dặt thăm dò xem ý chị muốn gì.

- Thế thưa cha, ai là chủ tiệc ?

- Chúa Giêsu. Tôi mau mắn trả lời

- Vâng, nhưng đại diện Ngài có phải là cha chủ lễ không ? Con đi dự tiệc cưới nhiều lần, con thấy chủ tiệc ra chào vui vẻ với thực khách, sao các cha không có một động thái nào tỏ ra thân thiện và gần gũi với Giáo Dân ? Nhiều cha dâng lễ quá máy móc, chẳng trách sao Giáo Dân đi dự Lễ máy móc. Con thỉnh thoảng có việc đi dự Thánh Lễ ở Giáo Xứ Phú Hạnh, con thấy cha xứ ra trước cửa Nhà Thờ chào đón Giáo Dân, các vị trong Hội Đồng sắp xếp chỗ ngồi trong Nhà Thờ cho anh em mình, ai cũng có chỗ thoải mái, con thấy như vậy rất hay…

Chị tiếp tục nói những lời góp ý xây dựng hết sức chân thành, không hằn học, không chỉ trích. Tôi hoàn toàn rơi vào thế thụ động lắng nghe chị tuôn ra như... tức nước vỡ bờ, có lẽ tất cả đã tích luỹ từ lâu, nay mới gặp dịp thuận tiện để bộc bạch thẳng với một Linh Mục...

- Con thấy bà con mình cũng vậy, đến Nhà Thờ sao mà có những người luộm thuộm quá, cũng những người ấy, nếu họ đi dự tiệc cưới chắc chắn họ sẽ trang điểm và chọn quần áo mặc rất đẹp, sao đến với Chúa dự tiệc mà nhiều người bê bối quá...

- Con nhớ ngày xưa, khi có phong trào mặc mini jupe và áo hở cổ, các cha Dòng Đa Minh ở Nhà Thờ Ba Chuông làm sẵn các phong bì, trong đó có những lời nhắc nhở chị em nên ăn mặc kín đáo lịch sự, các vị chức việc đứng ở sân Nhà Thờ, chị em nào không đế ý sẽ được tặng một phong bì ngay… Các cha đừng ngại làm chuyện này, vì ngay cả khi vào các lăng tẩm đền đài ở Huế, Ban Trị Sự cũng không cho phép phụ nữ ăn mặc hở hang vào tham quan cơ mà ! Huống hồ đây là đến Nhà Chúa… Con có dịp đi Châu Âu, khi dến viếng các Đền Thờ ở Roma cũng như ở Pháp, họ bắt người phụ nữ mặc áo hở tay phải có một cái khăn choàng bên ngoài...

- Các vị chức việc cũng vậy, con nghĩ nên chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm trang khi đến phiên giúp việc của mình, nhiều vị đến giờ cho chịu Lễ vội vàng chạy vào phòng Thánh, xỏ nhanh cái cravate rồi ra cho chịu Lễ, con thấy thiếu tôn trọng làm sao đấy...

Trong bài giảng Đức Cha Giáo Phận Bắc Ninh trình bày trong tuần lễ Tĩnh Tâm thường niên dành cho Nhà Dòng chúng tôi mới đây, có đoạn ngài kể chuyện:

Có dịp đi xem một tụ điểm ca nhạc của thành phố, thấy người ta đến rất đông, cổ vũ rất nhiệt tình và sinh hoạt rất sống động, phân tích nguyên do, Đức Cha nhận thấy:

- Người thực hiện chuẩn bị rất chu đáo.

- Người biểu diễn tiếp cận với quần chúng.

- Chương trình dành cho quần chúng có thể tham gia tích cực.

- Và cuối cùng, ngôn ngữ giao lưu biểu diễn rất thích hợp với khán giả.

Tôi nghĩ, trong Nhà Thờ, chúng ta không biểu diễn, chúng ta cử hành Phụng Vụ Thánh Lễ, nhưng chúng ta cần phải tự đặt ra các câu hỏi như thế này:

Chúng ta có chuẩn bị chu dáo cho buổi cử hành Phụng Vụ ấy chưa ? Có chu đáo từ các khâu tổ chức đến con người thực hiện chưa ? Bài giảng có được quan tâm soạn thảo kỹ lưỡng hay không ?

Trong khi cử hành Phụng Vụ, chúng ta có tiếp cận với cộng đồng một cách sống động hay chỉ làm một cách máy móc qua loa cho xong ? Vị chủ sự có quan tâm đến cộng đồng hay không ?

Có chỗ nào trong Phụng Vụ mà ta trân trọng dành cho cộng đoàn không ? Chúng ta thật sự cần ý thức chi tiết này, rằng cộng đoàn có nhu cầu thể hiện việc thờ phượng của chính mình, chứ chỉ có bài giảng dài bao biện, chỉ có ca đoàn ôm đồm hát hết các bài, rõ ràng cộng đoàn sẽ chán nản và dần dần mất sức sống.

Ngôn ngữ thể hiện mà chúng ta thường sử dụng trong Thánh Lễ là loại ngôn ngữ nào ? không thể là loại ngôn ngữ thời thượng nhố nhăng, nhưng cũng không thể là thứ ngôn ngữ văn hoa xa lạ với quần chúng.

Vấn đề Mục Vụ vẫn luôn thúc bách chúng ta tìm kiếm, cánh tân đổi mới là điều luôn luôn cần thiết, chúng ta là những người có trách nhiệm trong Hội Thánh, chúng ta sẽ có lỗi rất nặng nếu chúng ta tự biến mình thành những "nhân viên" làm lễ, những “cán bộ” tôn giáo.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa 2010

(Nguồn: http://huongvedaihoidanchua.net)