PDA

View Full Version : BẢY LỜI CUỐI CỦA CHÚA GIÊSU (lời thứ 6+7)



littlewave
14-03-2008, 03:37 PM
BẢY LỜI CUỐI CỦA CHÚA GIÊSU (lời thứ 6+7)


http://www.thanhlinh.net/images/jesus_eucharist1.jpg

Lời Thứ 6: "Mọi Sự Ðã Hoàn Tất" Gioan 19:30-37

Lời thứ sáu trên thập giá, cũng như lời thứ ba và thứ năm, đã được kể lại trong Phúc Âm của thánh Gioan, và do đó chúng ta phải hiểu rằng có hai nghĩa.

Công trình của Chúa Giêsu "đã hoàn tất" theo nghĩa không còn gì để làm thêm nữa, đã chấm dứt.

Nhưng đây cũng là một "chung kết" theo nghĩa là "cùng đích" của tất cả những gì lời Chúa muốn nói lên. Ðã hoàn tất: hy vọng của kinh thánh về một đấng cứu chuộc đã đdược đáp ứng tận tình. "Công trình của Chúa Giêsu, theo thánh Gioan, là một công trình của đấng đã đồng thời vừa bị hạ xuống thấp nhất và vừa được nâng lên cao nhất. Như Chúa Giêsu đã hứa với đám đông, Ngài được nâng lên, nâng lên trên thập giá, và hạ xuống tận đất đen theo nghiã người đời. Nhưng Giêsu cũng được nâng lên trong vinh quang - trong cùng một giờ phút - đã thu hút tất cả mọi người về với Ngài và làm cho trí khôn ngoan của thế gian phải xấu hổ.

Bẩy lời cuối trên thập giá, được sắp xếp với nhau, đã bầy tỏ cùng một điểm về công trình của Chúa Giêsu. Một truyền thống cổ cựu đã trích dẫn tất cả các lời này từ các Phúc Âm và sắp xếp theo thứ tự chúng ta có ngày nay để làm sáng tỏ công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Như chúng ta đã thấy trong ba lời đầu, đây là một công trình tự hiến trong việc tha thứ một thế gian đã lên án Ngài, và trong sự tha thứ tên trộm bị treo kế bên Ngài, một kẻ đã nhận biết Chúa Kitô không phải là một tội phạm mà là một vì Vua, và muốn được chia sẻ vương quốc của Ngài. Công trình của Giêsu cũng là công trình của đấng coi sóc hội thánh và nhân loại, trao phó giáo hội và nhân loại cho nhau, để cho sau khi Chúa Giêsu qua đời cả hai sẽ có một mái gia đình qua Thần Trí của Ngài. Nhờ công trình của Chúa Giêsu như đã đưọc tóm lược trên thập giá, chúng ta được hiểu rõ hai điều: tình yêu trung thành của Thiên Chúa và phẩm giá không thể lay chuyển của nhân loại.

Theo lời của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, "Trong Ðức Kitô, và qua Ðức Kitô, chúng ta mới hiểu biết hoàn toàn phẩm giá cuả chúng ta, về cao điểm tại đó chúng ta được nâng lên, về phẩm giá cao cả của nhân loại, và ý nghiã của sự hiện hữu của chúng ta."

Trong lời thứ tư, chúng ta được thấy công trình của Ngài ở một khúc quẹo. Ngài đã dốc hết tàn lực trong việc tận hiến, Ngài không còn làm được gì hơn. Ngài cảm thấy bị bỏ rơi. Trong lời thứ năm, Chúa Giêsu khởi đầu một chuyển dịch về với Chúa Cha để được đổ tràn đầy vinh quang.

Cái khát của Ngài được uống chén Chúa Cha ban cho, và khi Ngài uống chén thịnh nộ, Ngài nuốt trôi cả tội lỗi lẫn sự chết. Ðồng thời chén thịnh nộ lại trở nên chén chúc lành, vì Chúa Giêsu chứng minh rằng Ngài là kẻ vinh thắng, kẻ chiến thắng tội lỗi và thần chết. Ngài là đường, là sự thật, là sự sống. Hiển nhiên Chúa Giêsu có thể nói lúc đó rằng công trình của Ngài đã hoàn tất, đã đạt tới cùng đích.

Chúa Giêsu đã biến đổi ý nghiã của thập giá cho muôn thế hệ. Thập giá không còn chỉ là công cụ của tội hình để chứng minh rằng toà án thế gian phải có phán quyết cuối cùng. Không, thập giá là một dấu chỉ của sự mâu thuẫn, lật ngược phán quyết của toà án thế gian, và chứng minh rằng thế gian đã sai lầm về ai là kẻ tội lỗi và thế nào là công bình.

Thập giá triệt tiêu quyền lực của bóng tối bằng cách chúng tỏ rằng ánh sánh chiếu rọi trong bóng tố và bóng tối không đàn áp được ánh sáng. Công trình của Chúa Giêsu đã hoàn tất. Và như thánh Gioan đã tiếp, công trình này cũng ban sự sống. Trong Phúc Âm thánh Gioan, cái chết của Chúa Giêsu xẩy tới sau lời nói này, và được mô tả một cách đặc biệt.

Theo Gioan, Chúa Giêsu cúi đầu và trao phó linh hồn. Một lần nữa chúng ta lại phải hiểu theo hai nghĩa: một là Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, một là Ngài trao phó Chúa Thánh Linh cho những ai sẽ tiêp tục sống giữa thế gian sau Ngài. Ngài đổ đầy Thần Trí trên người đàn bà và môn đệ yêu qúy đang đứng dưới chân thập giá. Rồi từ cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thủng, máu và nước chảy ra, các dấu chỉ của nước rửa, và máu của Mình Thánh. Cùng với Chúa Tháh Linh, máu và nước được đổ ra trên giáo hội, để cho giáo hội sẽ có sức mạnh và sự khôn ngoan để đi theo Chúa Kitô đến cuộc sống viên mãn.

Ðây là nơi chúng ta được xuất hiện trong hình ảnh như một nhân loại được hồi sinh bởi thập giá, và được buộc phải làm chứng nhân cho thập giá giữa thế gian. Nếu chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu bằng đức tin, chúng ta sẽ trở nên môn đệ của Ngài. Chúng ta phải hiểu rằng làm môn đệ là tiếp tục trong thời đại chúng ta công trình của Chúa, là để cho thánh ý Chúa được thể hiện trên trần gian cũng như nơi thiên quốc. Có một lời hứa cho những ai đứng bên thập giá và nghe được lời Chúa Kitô và trở nên nhân chứng của những lời nàỵ Lời hứa của Chúa Giêsu là, "Nếu các con lấy lời Ta làm nơi chúng con cư ngụ, chúng con sẽ thực sự được làm môn đệ của Ta; các con sẽ được biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các con." Trong ý nghiã xâu xa nhất của lời thứ sáu trên thập giá, công trình của Chúa Giêsu chỉ hoàn tất khi đem được mỗi người chúng ta và tât cả thế gian về với sự sống viên mãn.

Lời Nguyện:

Lạy Chúa Kitô, chúng con đã được nghe lời Chúa truyền dạy trên thập giá.
Ðược nghe Ngài hứa rằng nếu chúng con nghe và giữ vững lời Ngài chúng con sẽ đưọc làm môn đệ của Ngài, và chúng con sẽ được thấy chân lý, được thấy Ngài là đường, là sự thật và là sự sống.
Xin Chúa giúp cho chúng con vững mạnh trong đức tin, cậy và mến, để chúng con tiếp tục công trình của Chúa giữa trần gian.
Xin đổ đầy thần trí của Ngài trên chúng con và trên giáo hội của Ngài, y như lời Ngài đã hứa, để chúng con không bị bỏ rơi, bị mồ côi, bơ vơ giữa giòng đờị Xin ban cho chúng con sự sống viên mãn. Amen.

Lời Thứ Bẩy: "Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha." Luke 23:44-56

Lời cuối của Chúa Giêsu trên thập giá được ghi lại trong Phúc Âm Luca, và tóm lược bức chân dung của Chúa Giêsu do Luca phác họa, như một nhân chứng, một vị tử đạo, cho vương quốc của Thiên Chúa. Qua những gì Luca kể, chúng ta biết được nhiều không những về mối liên hệ của Chúa Giêsu với Chúa Cha, mà còn về lý do tại sao chúng ta phải bắt chước tấm gương của Chúa.

Lời của Chúa Giêsu như một lời kinh, trích dẫn từ Thánh Vịnh 31, là kinh cầu hàng ngày của người Do Thái. Việc Chúa Giêsu hăng say cầu nguyện, là một điều Luca đã muốn nhấn mạnh trong suốt cuốn Phúc Âm ông viết về cuộc đời Chúa. Thí dụ, chỉ riêng Luca đã đề cập đến đoạn Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện sau khi được chịu phép rửa và được Thánh Linh xuống trên đầu.

Chỉ riêng Luca mới ghi rằng khi Chúa Giêsu lên núi, nơi Ngài xuất hiện sáng láng trước mặt môn đệ, Ngài đã đến đó để cầu nguyện. Mathêu và Maccô chỉ đề cập rằng Chúa Giêsu lên núi để được ở một mình. Và chỉ riêng Luca mới cho chúng ta trường hợp trong đó Giêsu dạy chúng ta Kinh Lạy Cha.

Trong Phúc Âm Mathêu, Giêsu chỉ thêm kinh này trong bài giảng trên núi; và nghe có vẻ như là một phần trong danh sách những điều Chúa dặn dò các môn đệ. Nhưng Luca đã kể rằng: "Giờ đây Chúa Giêsu đang ở một chỗ nào đó để cầu nguyện, và khi đã xong, một môn đệ nói, "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, như khi xưa, Gioan Tẩy Giảng đã dạy các môn đệ của ông."

Và Giêsu bảo họ,"Khi các con cầu nguyện, c'ac con hãy nói như sau: "Lạy Cha, xin cho danh Cha cả sáng." Nói một cách khác, Kinh Lạy Cha là một cái gì cac' môn đệ đã bắt chước theo gương Chúa Giêsu.

Họ thấy Giêsu cầu nguyện và thấy Ngài hành động, và họ muốn biết bí quyết của Ngài. Họ xin, "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện." Và với lòng thương sót bao la, Chúa Giêsu đã tư, nguyện dạy cho họ những gì Ngài đã nói với Chúa Cha khi ở một mình.

Lời nguyện lên tiếng là sự khao khát của linh hồn được thốt nên lờị Và với lời cuối thốt ra trên thập giá, Chúa Giêsu lớn tiếng kêu lên một lời kinh, một lời kinh của sự trông cậy hoàn toàn. Lời kinh này thuộc về người dân xứ Israel vì đã được trích dẫn ra từ cuốn Thánh Vịnh. Và như vậy, cho đến phút chót, Chúa Giêsu bày tỏ rằng Ngài luôn luôn kết hợp nên một với dân Ngài, và bày tỏ sự cậy trông nơi Chúa Cha bằng những lời mà tất cả mọi người có thể hiểu được dễ dàng. Bằng những lòi này Chúa Giêsu tiếp nhận cái chết. Cái chết trở nên phương tiện để đẩy Ngài tiến tới. Ngài sử dụng cái chết để đẩy mình rời thế gian này về với Chúa Cha, từ những bàn tay tội lỗi của thế gian về với bàn tay của Thiên Chúa. "Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha."

Trên thập giá sự hy sinh của Chúa Giêsu đã hoàn tất. Ngài tự đẩy mình về với hai bàn tay đón mời của Chúa Cha và đê trở về nhà. Dĩ nhiên, cái chết và sự trở về nhà của Chúa Giêsu không phải chỉ dành riêng cho Ngài. Ngài là đầu cuả thân thể , tức là giáo hội. Nơi Ngài đến, chúng ta bắt buộc phải đi theo, nghiã là nếu chúng ta thâu hoạch được một cái gì nơi gương Chúa và sống đời chúng ta trong thần trí của Ngài.

Theo Luca, đây chính là điều bắt đầu xảy ra trên Núi Sọ. Ngay khi Giêsu thở hơi cuối cùng, dân chúng đã thấy được ngay một cái gì qua cái chết của Ngài. Chẳng hạn, người cai đội La Mã, một người ngoại, đã ca ngợi Thiên Chúa, và kêu lên, "Ông này thật là một người công chính." Và rồi, theo Luca, "khi đám đông đang tụ tập thấy điêu đã xảy ra, họ bỏ về đấm tay vào ngực." Nói cách khác, các chứng nhân của Giêsu về vương quốc của Chúa đã bắt đầu mang hoa trái qua sự hối cải tội lỗi.

Cũng trong sách Tông Ðồ Công Vụ do Luca viết, chúng ta thấy được quyền năng to lớn của Thần Trí Chúa Giêsu bốc lửa trong đời sống của các môn đệ. Khi thánh Stêphanô bị tử hình, ông cũng như Thầy, đã tha thứ cho kẻ thù, và cũng mượn lời thánh vịnh 31 để nói, "Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn con." Và sứ điệp của Chúa đã thể hiện rõ ràng với Stêphanô, và Saolô, sau này đổi tên là Phaolô. Sứ điệp này đã đem tin mừng từ Giêrusalem và Giuđêa lên phía bắc vào xứ Samaria, và đến cả tận cùng trái đất.

Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con là những người của thời đại này cũng nghe được sứ điệp của Chúa qua bẩy lời cuối cùng trên thập giá và biết suy nghĩ về những lời này.
Chúng con là những kẻ hậu sinh của bao nhiêu thế hệ trước đã được nghe những lời này.
Xin cho những lời này ăn xâu vào lòng chúng con, nơi những câu hỏi xâu xa nhất đang chờ đợi một câu trả lời:
Con có xứng đáng không?
Liệu con có được cứu rỗi không?
Liệu con có được tha thứ không?
Chúa có hiểu con không?
Xin giúp cho chúng con hiểu rằng chính bẩy lời trên thập giá là câu trả lời cho chúng con, và đem lại cho chúng con niềm hy vọng vững vàng. Amen.

Mai Thư (MLCN)