PDA

View Full Version : 40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 31-35



littlewave
14-03-2008, 03:49 PM
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 31


Trong nhiều bài đọc sắp sửa vào tuần Thánh, chúng ta thấy Chúa Giê-su tuyên bố Ngài là Con Thiên Chúa và bị các Thượng Tế đi đến quyết định tìm giết Ngài. Trong nhãn quan của họ, Chúa Giê-su là người phạm thượng. Ðể tự bào chữa cho mình, Chúa Giêu Su đã chỉ về Chúa Cha là Ðấng đã sai Ngài. Ngài thách đố với những người đối nghịch, nếu không thể chấp nhận lời của Ngài thì ít ra hãy nhận ra những việc Ngài làm.

Thánh Gioan thường diễn tả kẻ thù của Chúa Giê-su là người "Do Thái". Dĩ nhiên, phần lớn những nhân vật trong các sách Phúc ¬ là người Do Thái- Chúa Giê-su, mẹ Ngài, các môn đệ của Ngài, nhiều người chấp nhận Ngài, nhiều kẻ khước từ Ngài. Nhưng Thánh Gioan thường dùng thuật ngữ "Người Do Thái" để chỉ cách đặc biệt tới các vị thượng tế là người chống đối Chúa Giê-su. Rất tiếc, những câu của Thánh Gioan về sự đối nghịch hung tợn của "người Do Thái" đối với Chúa Giê-su, đôi khi được coi là một trình bày tiêu cực đối với tất cả người Do Thái. Qua bao nhiêu thế kỷ, hình ảnh bị xuyên tạc đã được dùng để bào chữa cho phong trào bài Do Thái- đôi khi đưa hậu quả nghiêm trọng.

Công Ðồng Vaticanô 2 và các Giáo Hoàng trong các thời kỳ gần đây đã cố công chỉnh đốn sự hiểu lầm này và cổ võ kính trọng tới người Do Thái, cả về cá nhân lẫn thập thể. Năm Thánh 2000, khi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị tông du Thánh Ðịa, trong lễ tưởng niệm Người Do Thái bị tàn sát, Ngài đã tuyên bố: "Tôi đảm bảo với người Do Thái rằng Giáo Hội Công Giáo. ... buồn sâu xa do sự hận thù, những hành động tàn sát và biểu lộ phong trào bài Semit nhắm trực tiếp tới người Do Thái của các Kitô hữu tại bất cứ thời nào và bất cứ nơi nào.

Cũng tương tự như vậy Ðức Giáo Hoàng đã chủ sự buổi cầu nguyện đại kết xin tha thứ tại Vatican vào năm Thánh 2000. Ngài nói lên vai trò của tổ phụ Abraham là cha của đức tin của mọi Kitô hữu, cùng với sự kiện là nhiều Kitô hữu đã gây đau khổ cho con cháu Abraham. Trong lời cầu nguyện, Ngài "xin Chúa sự thứ tha", "chúng con ước nguyện tự cam kết để có tình anh em chân thật với con người của giao ước".

Người Do Thái vẫn luôn là người được Thiên Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa sẽ không rút lại giao ước và lời chúc lành của Ngài trên họ. "Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý" (Rm 11:29). Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa để liên kết mọi tâm hồn Kitô hữu và các người Do Thái tại mọi nơi được tình anh em chân thật.

"Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng con vì những đường lối khiến cho các thành kiến đột nhập vào tâm khảm chúng con. Xin cho chúng con biết gieo tình thương vào nơi oán thù, biết xây dựng tình anh em vào nơi chia rẽ giữa tất cả người Do Tháo và Kitô hữu".

40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 32

Thật không đáng mỉa mai sao, khi món quà sự sống của Chúa Giê-su đã trở thành như chất xúc tác để dẫn đến chính cái chết của Ngài? Những tin loan đi về sự phục sinh của Lazaro từ cõi chết đã khiến cho Hội đồng công nghị Do Thái quyết định phải giết Chúa Giê-su (Ga 11: 45-53). Và như thế, giai đoạn được sắp xếp để màn bi kịch được phơi bày tại Giê-ru-sa-lem.

Thật thế, ngay cả với tên chỉ điểm để bắt người, Chúa Giê-su đã biết những tiến trình này nằm trong chương trình của Thiên Chúa đã sửa soạn qua hàng thế kỷ. Những tình tiết cuối cùng đang xảy ra. Thời giờ đã đến để chương trình Thiên Chúa được hoàn thành. Còn một thời gian ngắn, Chúa Giê-su sẽ "quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối" (Ga 11:52). Ngay cả ông Cai-pha, thượng tế của dân Do Thái, đã nói tiên tri một cách vô tình nhưng thật chính xác khi tuyên bố "các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."(Ga 11:50).

Chương trình của Thiên Chúa trong lúc này thật tỉ mỉ làm sao! Ngay từ ban đầu cho những biến cố nhân loại khi ông bà nguyên tổ đã sa vào tội lỗi, Ngài đã cho biết ý định đầu tiên của Ngài khi nói về dòng giống của E-và sẽ đánh đầu con rắn (St 3:12-15). Thời gian trôi qua, Thiên Chúa đã nói qua nhiều ngôn sứ khác nhau về "Ðấng được xức dầu" (Is 61:1-2), một người tôi trung chịu đau khổ có vẻ bí ẩn" (Is 42:1-9) là "Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm. .... như chiên bị đem đi làm thịt" (Is 53:5,7). Bây giờ thời gian hoàn thành đã đến, và kẻ hành hạ Chúa Giê-su là chính những người phát động những biến cố mà chúng ta sẽ làm sống lại trong Tuần Thánh sắp tới.

Khi bạn nhìn lên một cây thập giá, bạn thấy gì? Tột điểm của chương trình Thiên Chúa hứa, được hoàn thành cách đây đã lâu phải không? Công việc của Chúa Cha yêu thương là Ðấng đã hành động trong thời gian rất dài để mang bạn trở về với Ngài không? Hay chỉ là một người đàn ông tốt lành chết yểu? Qua cây thập tự, cả thế giới đã được cứu rỗi. Mỗi con người nam và nữ được mời gọi để cảm nhận tình liên kết thân mật với Thiên Chúa. Chúa ta hãy hướng nhìn lên thập giá mỗi ngày trong tuần này và xin Chúa Thánh Linh mở rộng tầm mắt chúng ta.

"Lạy Cha, thật diễm phúc dường bao con được hưởng hồng ân cứu độ của Chúa! Xin cảm tạ Chúa vì đã không bỏ rơi con trong lúc con phạm tội nhưng sai Người Con của Chúa đến cứu chuộc con trên thập giá".

40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 33

(Trích từ bài giảng của Thánh Leo Cả).

Dù sang, dù hèn đến đâu, không người nào bị chối từ chia sẻ vinh quang của thập giá. Máu Thánh Ðức Kitô đã dập tắt lưỡi gươm nóng đỏ đang canh giữ đường đến cây trường sinh (St 3:24). Ðêm đen tội lỗi xưa được nhường chỗ cho ánh sáng chân thật, và người Kitô hữu được mời gọi chia sẻ sự giàu sang nơi thiên đường. Tất cả những ai được tái sinh, đều có con đường mở ra trước mặt dẫn về quê hương, từ nơi mà họ đã bị lưu đầy.

Lòng sùng kính thật sự vì sự thương khó của Chúa có nghĩa là hướng tâm hồn chúng ta lên Chúa Giê-su bị đóng đinh và nhận ra nơi Ngài bản tính nhân loại của chúng ta. Là Thiên Chúa, Ngài đã mang lấy bản tính nhân loại chúng ta để nên dấu chỉ Ngài rất yêu thương thế gian và không để người nào không được hưởng lòng xót thương của Ngài.

Ai không thể nhận ra Chúa Kitô đã mang chính bản tính yếu đuối? Ai sẽ không nhận ra Ðức Kitô cùng ăn uống và ngủ nghĩ, cùng có nỗi buồn và rơi lệ vì tình thương là những tiêu chuẩn bản tính của một người nô lệ? Ðó không phải là bản tính của một người nô lệ đã mang vết thương thời tiền sử được chữa lành và được tẩy sạch sự ô nhục của tội lỗi sao?

Thân xác nằm bất động tại ngôi mộ là của chúng ta. Thân xác được sống lại vào ngày thứ ba là của chúng ta. Thân xác được lên ngự bên hữu Ðức Chúa Cha là của chúng ta. Nếu chúng đi theo đường lối của huấn lệnh Ngài, và không xấu hổ nhận thức với một thân xác tầm thường, Ngài đã trả giá để cứu độ chúng ta, chúng ta cũng sẽ sống lại để chia sẻ vinh quang của Ngài. Lời hứa đã được ứng nghiệm: "Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời"(Mt 10:32).

"Lạy Chúa Cha toàn năng của Chúa Giê-su Ki-tô chúng con, Cha đã gởi Con Cha được sinh ra bởi người phụ nữ và chết trên cây thập giá, để qua sự vâng phục của một người, sự bất hòa được hủy đi cho mọi người. Xin hướng dẫn trí lòng con bằng chân lý của Cha và củng cố đời sống chúng con bằng bài học qua cái chết của Người, để chúng con luôn sống kết hiệp với Cha trên thiên quốc Cha đã hứa".

40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 34

Có lẽ còn nhiều đoạn văn khác trong Cựu Ước, "Bài Ca Người Tôi Trung" cho chúng ta một thoáng nhìn về con người của Chúa Giê-su. Khi những đọan văn này được viết lần đầu tiên, "Người Tôi Trung" được coi là chính Is-ra-el, bị đàn áp và bị lưu đầy nhưng báo trước một đáp đền trong vinh quang. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng xem những đoạn này là những lời tiên báo về Chúa Giê-su, Người tôi trung thiện hão của Thiên Chúa.

Trong bài thứ nhất, chúng ta thấy Ðấng Messiah hứa thiết lập công lý trên địa cầu (Is 42:3-4). Chúa Giêsu đã thực hiện điều này không phải bằng cơn thịnh nộ hay hủy diệt báo thù nhưng với lòng kiên nhẫn, thủy chung và dịu dàng.

Khi đối diện với tội lỗi con người, Chúa Giê-su không bao giờ chửi rủa. Ngài không bao giờ chịu "yếu hèn" hay "chịu phục" (Is 42:4) bởi đối phương- ngay cả sự thiếu lòng tin của các môn đệ Ngài. Ngài đơn sơ tiếp tục tha thứ và chữa lành. Ngài không giày xéo ước muốn tự do con người. Ngài không cưỡng ép hay mánh khóe vận động bắt chúng ta chấp nhận Ngài. Thay vào đó, Ngài dành cuộc đời Ngài rao giảng và chữa lành, dạy dỗ và tha thứ, cho tới thời gian cuối cùng của cuộc đời Ngài hy sinh trên thập tự.

Chúa Giê-su luôn luôn làm chủ. Ngài là Ðấng không hề nao núng trong mục đích của Ngài bởi thiếu lòng tin, giận dữ, ngay cả sự chối từ của những người bạn gần gũi nhất. Ngài tiếp tục dâng hiến cho chúng ta tình yêu và lòng tha thứ.

Ngài không ngạc nhiên trước sự thầm kín đen tối của chúng ta, những tội lỗi điên rồ của chúng ta không làm Ngài nổi giận. Ngài sẽ không lên án hay nguyền rủa. Ngài sẽ không bẻ gãy cây sậy bị giập hay dập tắt ngọn bấc đang cháy sáng. Như những gì Ngài đã làm cách đây hai ngàn năm và ngay đến hôm nay Ngài cống hiến sự tha thứ và tự do.

Như chúng ta đang bước vào Tuần Thánh, tại sao không giải quyết sổ sách kế toán của bạn với Thiên Chúa cách rõ ràng? Nếu bạn chưa đi xưng tội, hãy vận dụng thời gian ân sủng này đã tìm sự thứ ta của Thiên Chúa. Hãy đến với Ngài và để Ngài đem đến sự công chính trong tâm hồn bạn.

"Lạy Chúa Giê-Su, con ăn năn về những tội con. Tin tưởng trong tình yêu của Chúa, con xin Chúa tha thứ và thương xót. Xin hãy đến, Lạy Chúa và thiết lập sự công chính và hòa bình của Chúa".

40 bài tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới trẻ: Bài 35

Chúa Giêsu là ai mà đã bị đóng đinh vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và sống lại vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh? Ðây là một câu hỏi đáng được chất vấn mỗi ngày khi chúng ta đến cầu nguyện gần Ngài. Mỗi lần chúng ta tìm câu trả lời, Chúa Thánh Linh sẽ dẫn ta vào mầu nhiệm Chúa Kitô và tỏ ra nhiều hơn nữa cho chúng ta. Tuy nhiên, thường khi chúng ta đọc Kinh Thánh, chúng ta thường giới hạn Chúa Giê-su theo trí của ta khi nghĩ về Người. Tuy nhiên, Bài Ca Người Tôi Trung trong sách Isaiah, có thể cho chúng ta thoáng thấy tiên báo về Chúa Giê-su và nâng tâm trí chúng ta vào mầu nhiệm Ngôi Lời làm người, và chịu đau khổ vì chúng ta.

Giê-su là ai? Người là tôi tớ Thiên Chúa được sai đến để hoàn tất mọi niềm hy vọng cho Is-ra-el. Ngài liên kết với dân Thiên Chúa được tuyển chọn đến độ Ngài mang tên của họ, Is-ra-el (Is,49,3). Ngài được ẩn dấu trong "ống tên" của Chúa Cha (Is 49:2). Và khi đến thời thuận tiện, Ngài tự tỏ mình ra cho Is-ra-el và cống hiến cho họ sự chia sẻ vinh quang của Chúa Cha.

Giê-su là ai? Ngài không chỉ hoàn thành lời hứa đã lâu là khôi phục Is-ra-el, Ngài còn là "ánh sáng muôn dân" để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất (Is 49:6). Tình yêu Thiên Chúa quá cao cả vì sự sáng tạo để Ngài trở thành người mang sự cứu độ đến tận cùng trái đất. Qua Chúa Giê-su, mỗi người trên thế giới giờ đây được mời gọi đi vào giao ước với Thiên Chúa.

Ðiều này nghe có vẻ thần học, nhưng bạn có tin rằng Thiên Chúa đã tự kết liên với bạn không? Bạn có tin rằng giao ước tình yêu mà Ngài dành cho bạn quá mạnh mẽ đến đỗi không thể phá vỡ trừ khi chính bạn muốn chọn không?

Không có gì mà Chúa Giê-su không thể làm cho bạn? Bạn có những ký ức đau buồn không? Ngài sẽ cất khỏi những day dứt của chúng bằng cách dẫn bạn qua từng bước chữa lành và tha thứ. Người được yêu đang đau khổ vì khủng hoảng đức tin chăng? Ngài sẽ lôi kéo bạn về phía Ngài khi bạn cầu nguyện, phục vụ và nhẹ nhàng đưa tay ra với những lời khuyến khích và hy vọng. Ðó là con người của Chúa Giê-su. Không một ai có quyền năng cứu rỗi hơn Ngài.

"Lạy Chúa Giê-su, con xin phó thác cho sự khôn ngoan và tình yêu của Chúa. Nhờ Chúa Thánh Linh, con muốn khước từ sự giúp đỡ chỉ dựa trên sự khôn ngoan con người. Lạy Chúa, con tin vào quyền cứu rỗi của Chúa".