PDA

View Full Version : Ngày 15-3 : Thánh Louise de Marillac và thánh Clemente Maria Hofbauer



hoathuytinh
15-03-2008, 07:15 AM
Thánh Louise de Marillac
(c. 1660)



Thánh Louise sinh ở Ferrieres-en-Brie gần Meux, nước Pháp, mồ côi mẹ khi còn nhỏ, và khi được 15 tuổi thì mồ côi cha. Ao ước của thánh nữ là trở nên một nữ tu nhưng cha giải tội đã ngăn cản, và sau đó ngài kết hôn với ông Antony LeGras. Trong hôn nhân này họ có được một đứa con trai. Nhưng sau đó không lâu, ông Antony đã từ giã cõi đời sau một thời gian đau yếu lâu dài.

Bà Louise may mắn có được các cha linh hướng khôn ngoan và dễ mến, đó là Thánh Francis de Sales, và người bạn của ngài là Ðức Giám Mục của Belley, nước Pháp. Bà Louise không gặp hai vị thường xuyên, nhưng tận trong thâm tâm, bà linh cảm thấy rằng mình sẽ đảm nhận một công việc nặng nề dưới sự hướng dẫn của một người chưa bao giờ quen biết. Ðó là vị linh mục thánh thiện Vincent, mà sau này là Thánh Vincent de Paul.

Lúc đầu, Cha Vincent do dự nhận lời làm cha giải tội cho bà Louise, vì sự bận rộn của ngài với tổ chức "Các Chị Em Bác Ái." Hội viên của tổ chức này là các bà quý tộc có lòng nhân từ, giúp đỡ cha chăm sóc người nghèo và các em bị bỏ rơi, là công việc rất cần thiết trong thời gian ấy. Nhưng các bà cũng phải bận rộn với nhiệm vụ và công việc gia đình. Trong khi công việc của cha thì cần rất nhiều người giúp đỡ, nhất là những nông dân vì họ gần gũi với người nghèo và dễ có cảm tình với họ. Ngài cũng cần ai đó có thể dạy cho họ biết đọc biết viết và tổ chức sinh hoạt hội đoàn cho họ.

Chỉ sau một thời gian khá lâu, khi Cha Vincent ngày càng quen biết với bà Louis, thì ngài mới nhận ra rằng bà là người mà Chúa đã gửi đến để đáp lại lời cầu xin của cha. Bà Louis thông minh, khiêm tốn và có sức chịu đựng bền bỉ. Sau một thời gian thi hành các công việc mà cha giao phó, bà tìm thêm được bốn phụ nữ bình dị khác đến tiếp tay. Căn nhà thuê của bà ở Balê đã trở thành trung tâm săn sóc người nghèo và người đau yếu. Và đó là khởi đầu của tu hội Nữ Tu Bác Ái của Thánh Vincent de Paul, (mặc dù Cha Vincent muốn gọi tổ chức này là "Nữ Tử" Bác Ái). Bà tuyên khấn năm 1634 và tu hội đã thu hút được nhiều người tham gia.

Cha Vincent thường từ tốn và khôn ngoan trong cách cư xử với bà Louis và tổ chức mới này. Ngài nói không bao giờ ngài muốn thành lập một cộng đoàn mới, mà chính là Thiên Chúa thi hành mọi sự. Cha nói, "Tu viện của con sẽ là nhà của người bệnh; phòng của con là phòng cho thuê mướn; nhà nguyện của con là nhà thờ của giáo xứ; khuôn viên nhà dòng là đường phố hay các khu vực nhà thương." Y phục của họ là y phục của phụ nữ nông dân. Mãi cho đến vài năm sau, Cha Vincent de Paul mới cho phép bốn phụ nữ khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Và phải mất nhiều năm hoạt động thì Tòa Thánh mới chính thức công nhận tu hội này và đặt dưới sự hướng dẫn của Cha Vincent và Tu Hội Truyền Giáo.

Bà Louis đi khắp nước Pháp, thành lập chi nhánh trong các bệnh viện, cô nhi viện và các tổ chức khác. Cho đến khi từ trần, ngày 15 tháng Ba 1660, tu hội của bà đã có trên 40 nhà ở nước Pháp. Kể từ đó họ đã phát triển trên toàn thế giới.

Bà Louise de Marillac được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1934, và năm 1960 thánh nữ được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đặt làm Quan Thầy các Cán Sự Xã Hội.



Thánh CLEMENTE MARIA HOFBAUER



Clemente Hofbauer sinh ngày 26.12.1752 tại đất nước Áo, vừa đúng 30 năm sau khi Thánh An Phong sáng lập DCCT. Có một chi tiết hết sức dễ thương trong tuổi thơ ấu của cậu bé Clemente Hofbauer. Năm cậu vừa lên 7 thì người cha qua đời. Bà mẹ dắt cậu đến dưới chân Thánh Giá, chỉ lên tượng Chúa Giê-su chịu đóng đinh và bảo: "Con ơi, kể từ nay, người này sẽ là cha của con" Tất cả như là một hạt giống ban đầu của Ơn Gọi Thiên Chúa muốn gieo vào lòng cậu bé Clemente. Có thể nói, chính lời dặn dò nhắn nhủ của bà mẹ đã xác định cho Clemente rằng: kể từ nay chỉ có Chúa Giê-su mới là Ðấng duy nhất mà cậu sẽ phải tuân phục và tận hiến cuộc đời cho Ngài.

Năm 1769, khi vừa tròn 24 tuổi, chàng thanh niên Clemente quyết định xin vào tu trong Ðan Viện Tivoli, để rồi 2 năm sau đó, thầy tình nguyện xin vào sa mạc để ẩn tu. Trong 3 năm liền cầu nguyện chiêm niệm, thầy lại khám phá ra ý định Thiên Chúa muốn thầy không dừng lại ở nếp sống ẩn tu, nhưng quả cảm dấn thân cho Ơn Gọi hoạt động truyền giáo. Thế là thầy lại khẳng khái trình với Bề Trên để xin chia tay ra đi. Suốt trong 4 năm ròng, thầy Clemente đã rong ruổi vượt đường xa hành hương về Rô-ma không dưới 5 lần để chọn một Dòng Tu hoạt động.

Và thế là lại thêm một chi tiết lý thú ghi dấu trong đời thánh nhân. Tháng 9 năm 1784, một lần nữa lại đến Rô-ma, băn khoăn không biết chọn Dòng nào giữa quá nhiều Dòng Tu, thầy nảy ra ý rủ một thầy bạn, một buổi sớm mai, hễ tiếng chuông của Nhà Nguyện Tu Viện nào ở Rô-ma rung lên những tiếng chuông đầu tiên thì hai người sẽ tìm đến để xin nhập Dòng. Hai người thao thức cả đêm, đến khi vừa mới chợp mắt thì tiếng chuông một Tu Viện DCCT ở Rô-ma đã vang lên trước nhất, cả hai trỗi dậy vội vã lên đường tìm đến Nhà Dòng và đã được đón nhận. Ngày 24.10.1784, thầy Clemente mặc áo Dòng, và một năm sau, ngày 19.3.1785, đúng lễ kính Thánh Giu-se, ngài tuyên khấn và nhận sứ vụ Linh Mục trong DCCT, một Linh Mục DCCT đầu tiên không phải là người Ý, nhưng là người Áo.

Cuộc đời mục vụ của cha Clemente khởi đi từ cộng đoàn Saint-Bennon tại thành phố Varsovie. Cha đặc biệt quan tâm phục vụ trẻ em bị bỏ rơi, những thanh niên mù chữ, những cô gái điếm bất đắc dĩ, những người già bị hất hủi, và cả đến những bệnh nhân tâm thần. Cha và cộng đoàn DCCT ở đây cũng không quên tổ chức những tuần Ðại Phúc, hay phải nói cho đúng, ngài đã biến mỗi ngày trong tuần thành một phiên Ðại Phúc với kinh nguyện, Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, giảng thuyết bằng nhiều thứ tiếng cho từng đối tượng người Ðức hay người Ba-lan, và nhất là miệt mài ngồi tòa Giải Tội cho hàng đoàn người sám hối từ khắp nơi tuôn về...

Rồi đây, xuyên qua các biến cố lịch sử chiến tranh và bạo động, trải qua những chống đối và bách hại, những ngộ nhận và ngăn trở của chính quyền lẫn giáo quyền, cha Clemente sẽ nghiệm chứng trong cuộc đời mình Lời Chúa trong Tin Mừng Lu-ca: "Anh em hãy ra đi, này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói..." (Lc 10, 3) bởi cha không thể dừng chân mãi tại Saint-Bennon cho dẫu nhu cầu mục vụ ở đây ngày một đòi hỏi bức thiết.

Cha Clemente không bao giờ quên sự thúc bách của Tin Mừng, của "lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít..." (Lc 10, 2) để tiếp tục lên đường, "không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép..." (Lc 10, 4), cha chỉ một lòng thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa để đưa DCCT vượt ra khỏi dãy núi Alpes của vương quốc Napoli để đến các nước miền Âu Châu như Ba Lan, Tiệp Khắc, rồi qua Áo, Thụy Sĩ..., và cứ thế mà lan tỏa đi khắp thế giới, đến miền Bắc Mỹ để rồi từ Canada, DCCT sẽ đặt chân đến Việt Nam năm 1925 mà có được Tỉnh DCCT Việt Nam như ngày nay.

Chia sẻ đến đây, tự nhiên chúng tôi nhớ đến một lời kinh nguyện hằng ngày của anh em DCCT Việt Nam đã được phổ thành bài hát: "Lạy Chúa, ngay giữa lòng Hội Thánh, Chúa đã cho khai sinh gia đình Dòng chúng con mang tên Chúa Cứu Thế sáng danh Vua Trời. Như là một cây nho Chúa thương vun trồng và chăm sóc, mang đến những chùm nho, Ơn Cứu Thế bình an, chan chứa khắp trần gian..."

Thư Thánh Phao-lô Tông Ðồ gửi cộng đoàn Cô-rin-tô có khẳng định: Phao-lô trồng, A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Ðấng làm cho lớn lên, mới đáng kể (x. 1 Cr 3, 6 - 7).

Trong tâm tình khiêm tốn của Linh Mục và Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế khám phá ra chính Thánh Ý Chúa đã chọn để cho Thánh An-phong gieo hạt giống đầu tiên mà mọc lên thành một cây nho sinh hoa kết quả tốt tươi, trong đó có công sức vun tưới của Thánh Clemente Hofbauer, thế nhưng trên hết, chúng ta vẫn phải chung nhau một lời tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Ðức Giê-su, Ðấng mà Nhà Dòng đã xin được mang tên là Chúa Cứu Thế. Chính Ngài chứ không phải ai khác, đã chọn Thánh An-phong làm người sáng lập Dòng, đã sai Thánh Clemente đưa Dòng lan tỏa vươn nhánh ra khắp nơi trên thế giới, trong đó có quê hương Việt Nam chúng ta.

Cha Clemente Maria Hofbauer được Chúa gọi về ngày 15.3.1820. Mọi ngộ nhận và ngăn trở từ mọi phía không còn nữa, ngược lại, đám tang của ngài trở thành một cuộc khải hoàn của Tình Yêu Thiên Chúa Quan Phòng. Những ước mơ và công trình dở dang của ngài rồi sẽ được nối tiếp, hoàn tất và phát triển rực rỡ. Người ta tuôn về bên mộ ngài để cầu nguyện xin ơn chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn, các anh em DCCT cũng như nhiều tu sĩ các Dòng tìm đến, cúi đầu mặc niệm và tĩnh tâm để như thể tìm nơi ngài một nghị lực lên đường cho sứ vụ truyền giáo. Năm 1909, cha được Ðức Giáo Hoàng Pi-ô 10 nâng lên hàng Hiển Thánh. Mãi mãi, DCCT đề cao ngài như vị Thánh Tổ thứ hai, sau Thánh An-phong.

Ðể kết thúc, chúng ta hãy cùng nhau chú ý đến một câu, một chi tiết trong bài Tin Mừng Thánh Lễ mừng kính Thánh Clemente ngày 15 tháng 3: "Khi ấy, Ðức Giê-su chỉ định 72 người và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Ðức Giê-su cũng sẽ đến..." (Lc 10, 1). Hóa ra các môn đệ được sai đi trước để dọn đường, để vỡ đất khai hoang trồng trọt. Còn chính Ðức Giê-su, Ngài sẽ làm cho cánh đồng Tin Mừng trổ sinh bao thóc lúa bội thu.

Vì thế, chúng ta xác tín rằng: DCCT, Dòng của Chúa Giê-su, tức là đã được đặt nền móng trên chính Ðức Ki-tô. Và rồi, Thánh Clemente, đến các thế hệ anh em tu sĩ DCCT đã được sai đi mở đường để rồi chính Ðức Giê-su Ngài sẽ đến, để qua anh em Tu Sĩ Linh Mục, qua cả những anh chị em Giáo Dân đang cộng tác nhiệt thành với chúng tôi, Ngài tuôn tràn Ơn Ðức Ðộ cho mọi người, nhất là những người nghèo đói bất hạnh về vật chất lẫn tinh thần, để mọi người cùng nhận ra: "Triều đại Thiên Chúa đã đến gần" (Lc 10, 9).

Xin tạ ơn Thiên Chúa, xin biết ơn Thánh Clemente. Amen.

Lm. Lê Quang Uy, DCCT

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 104, năm 2003)






Trích từ NguoiTinHuu.com