PDA

View Full Version : THẬP GIÁ VÀ ĐỨC TIN



ThanhCaVN
15-01-2010, 01:55 PM
THẬP GIÁ VÀ ĐỨC TIN

Trong tất cả các tôn giáo như Cao Đài, Hoà Hảo, Phật Giáo,… mỗi tôn giáo đều có thần, những biểu tượng cho tôn giáo mình. Chính vì thế khi gặp thấy hình ảnh của một con người Giêsu chịu chết và treo trên thập giá là mọi người nghĩ về người tín hữu Kitô.
Có người cho rằng Thiên Chúa của người Công Giáo tôn thờ không hiện diện nơi cây thập giá và phải chăng việc tin nhận này của người Kitô hữu không mang lại ích lợi gì cho họ vì đó chỉ là biểu tượng cho việc tin chứ thật ta không có gì cả?

*Biểu tượng:Là hình ảnh tượng trưng, là các ấn tượng, dấu ấn đã qua mà bây giờ người ta muốn hiện tại hóa nó.Khi đứng trước một biểu tượng hay dấu chỉ gì là đứng trước một điều đã không còn nữa, hoặc đứng trước sự thánh thiêng. Còn người Kitô hữu đứng trước cây thập giá thì họ tin rằng họ đang gặp gỡ một Thiên Chúa, Đấng hằng sống, đó là ý nghĩa của từ “biểu tượng cây thập giá” và hình tượng Giêsu. Hơn nữa: “Tất cả niềm tin Kitô Giáo đều qui về biến cố thập giá. Nói đến biến cố thập giá là nói đến mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Giêsu; còn niềm tin của Kitô Giáo gặp nhau và qui hướng về mầu nhiệm thập giá. Hai mầu nhiệm chết và sống lại không tách rời nhau, bởi vì nếu Chúa Giêsu chỉ chết trên cây thập giá mà thôi thì đó chỉ là một con người của lịch sử, nhưng nhờ sự phục sinh của Người, Đức Giêsu lịch sử trở thành Thiên Chúa, và biểu tượng thánh giá không còn là biểu tượng nhưng là một Thiên Chúa thật.

*Đức Giêsu con người của lịch sử và Đức Giêsu con người của lòng tin.
Đức Giêsu con người của lịch sử: Tin Mừng nhất lãm tỏ lộ cho chúng ta thấy rõ gia phả của Đức Giêsu, tất cả lịch sử của Abraham (Mt 1, 1-17) hoặc xa hơn nữa, kể từ thời Ađam (Lc 3, 23-38) đã hướng tất cả về Ngài. Gioan bước thêm một bước nữa và ông đã nói cả lịch sử thế giới vật chất tùy thuộc nơi Ngài (Đức Giêsu) bởi vì mọi sự đã nhờ Ngài mà có, và không có Ngài thì không có gì thành sự (Ga 1,3). Lịch sử gia phả con người Giêsu chịu chết trên thập giá càng rõ hơn nữa khi được nói về từng chi tiết của Ngài, như Ngài được sinh ở Bêlem…. Con bà Maria và ông Giuse, cuộc đời rao giảng 3 năm và chết trên cây thập giá. Tất cả sự đồng bộ của Tin Mừng Nhất Lãm và Kinh thánh cho ta khẳng đinh được rằng, con người chết thập giá là con người Giêsu con người thật chứ không phải là con người thần thoại.

Nhưng làm sao người Kitô hữu tin nhận con người thật đó chính là Thiên Chúa? Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ này thì chưa được, vì Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá không chỉ là biểu tượng mà còn là một sự có mặt, sự hiện diện. Nếu người Kitô hữu chỉ thờ phượng một người chịu đóng đinh trên thập giá mà không tin rằng đó là Thiên Chúa thì hình tượng ta thờ đâu đáng tin vì vào thời Chúa Giêsu có nhiều người tội nhân chịu đóng đinh trên thập giá mà ta đâu có coi họ là Thiên Chúa được.
Nhưng làm sao hiểu được rằng con người trên cây thập giá đó đã diễn ra trong một thời gian nhất định đồng thời lại là Thiên Chúa. Trả lời câu hỏi này là con người đứng trước một sự kiện trung tâm của Đức tin. Tin Mừng Nhất Lãm khởi sự niềm tin của mình vào con người Giêsu chịu chết trên thập giá qua việc nói về con người Giêsu của lịch sử, với mầu nhiệm thiên tính ở trong nhân tính, con người Giêsu của lịch sử dẫn dắt ta nhận biết được Đức Giêsu của lòng tin và ngược lại. Hơn hết, ta phải có một lòng tin mới tin được rằng nơi cây thập giá đó là một Thiên Chúa thật. Lòng tin vào Đức Kitô không được thu hẹp vào những công thức đã lỗi thời, cũng không thu hẹp vào khảo cổ học Kinh Thánh. Tin vào Đức Giêsu theo nghĩa là hành động dấn thân cả cuộc đời, cùng với một cách sống. Lòng tin vào Đức Kitô thể hiện nơi sự gặp gỡ, ở đó cuộc sống và những vấn đề của cuộc sống chấp nhận để cho Đức Kitô và sứ điệp của Ngài chất vấn chúng ta.

Đức tin giúp cho chúng ta nhận ra hình tượng một con người treo trên thập giá là Đức Giêsu thật, là Chúa thật, một Thiên Chúa để rồi từ đó tôi thấy được Ngài hiện diện trên cây thập giá, cảm mến được Ngài. Bởi có đức tin thì ta mới nhận ra người treo trên cây thập giá chính là Đức Giêsu. Nơi cây thập giá, con người được Thiên Chúa vén mở cho biết được những điều mà tự lý trí chúng ta không thể nào đụng đến trong vũ trụ và trong thế giới. Vậy với lòng tin, nơi đây người tín hữu gặp gỡ thân thiết với chính Thiên Chúa, nơi đây con người biết được Thiên Chúa, mà cái biết ở đây không phải do lý trí thuần lý nhưng cái biết do Thiên Chúa vén mở và con người nỗ lực đón nhận: nếu như con người không nỗ lực nhận biết Thiên Chúa thì nơi cây thập giá chỉ thấy được một Đức Giêsu của lịch sử hay là một biểu tượng của đạo Công Giáo chứ không thể thấy được Thiên Chúa thật. Hơn nữa, nhận ra Đức Giêsu chính là Thiên Chúa nhờ lòng tin qua việc chấp nhận theo Ngài trong việc gặp gỡ thân thiết với Ngài. Cũng như người Kitô hữu nhận ra nơi cây thập giá một Đức Giêsu Kitô là Chúa nếu chúng ta thật sự thuộc trọn vẹn vào Hội Thánh.

Tin là sự gặp gỡ thân thiết với Thiên Chúa, việc tin nhận này nhờ vào ơn soi sáng của Thiên Chúa. Bởi chính điều mà lòng tin coi là thật, là đúng không hẳn lý trí nhận ra bởi ở đây ta không nhận biết con người Giêsu theo nhãn quan của thần lý học, nó không phải là nỗ lực của lý trí nhưng nó có được nhờ ơn soi sáng của Thiên Chúa như trong (Mt 11,25: “Đức Giêsu cất tiếng nói: Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ấy với hạng khôn ngoan thông thái, mà đã mạc khải cho những người bé mọn”). Việc nhận biết con người Giêsu của lòng tin không phải là chối bỏ lý trí nhưng là vượt qua lý trí, việc nhận biết này mời gọi lý trí mở tung ra đến trong một thực tại vượt quá ranh giới của nó. Lòng tin soi sáng, khuyến khích nâng đỡ để giúp lý trí đi vào chân lý vượt quá nó, như vậy là giúp hoàn thiện lý trí. Việc nhận biết con người Giêsu của lòng tin bằng việc tham dự nhưng không vào chính Thiên Chúa tự diễn tả ra như Đấng chân thật, việc tin nhận này bằng cách để cho Thiên Chúa tự tỏ mình ra và thiết lập với chúng ta một tương quan sống động để qua cái biết ấy Thiên Chúa dẫn chúng ta đến chỗ thấy Ngài. Và dẫn đưa con người đến chỗ hiệp thông với Ngài như người chồng “biết” vợ mình và hiệp thông với vợ mình.

Việc nhận biết được Đức Giêsu con người của lòng tin đòi hỏi nơi ý chí của chúng ta mở ra như thánh Âu-tinh nói “Ai muốn tin mới có thể tin được”, bởi việc tin nhận này của lí trí trong mức độ ý chí cho phép. Chúng ta chỉ có thể biết được Đức Giêsu là Chúa khi chúng ta biết đón nhận sự thật, phải yêu mến và làm sự thiện. Việc tin nhận bao hàm một quyết định luân lí theo một nghĩa xác thực: nó đòi hỏi một sự tuân phục Thiên Chúa trong tất cả đời sống, trong đó diễn tiến những giá trị trần thế, môi trường của hoạt động mang tính luân lí.

Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được con người treo trên thập giá là Thiên Chúa bằng một lòng mến, tin, cảm nhận bằng con tim. Bởi vì người ta sẽ không biết và không tin vào con người Giêsu là Chúa nếu họ không thể không tin vào sự thiện và nơi người ấy không đem lòng yêu mến sự thiện, vì Thiên Chúa là sự thiện. Việc tin nhận Đức Giêsu là Chúa, có thể nói là những dấu chỉ để bảo đảm cho những giá trị của sự sống, trước tiên là đưa về lòng mến của Thiên Chúa. Vậy ai kiên quyết không muốn đón nhận những chân lý đó thì những biểu tượng, dấu chỉ đó không có nghĩa lý gì với họ. Chỉ có người mà tận thâm tâm đã có ước muốn đạt đến chân lý và đặt mình trong tư thế bỏ ngõ thì mới tin được.

Để tin nhận hình tượng một người chịu đóng đinh là một Thiên Chúa ta cần đặt trong tương quan giữa hai trái tim bởi vì cái gì bí ẩn và sâu xa nhất thì chỉ có thể bộc lộ cho con tim. Đặc biệt chỉ có lòng mến mới chỉ cho chúng ta thấy được người kia trong cái bí ẩn thật nhất của tâm hồn. Việc tin nhận vào hình tượng trên là Chúa trước tiên là đụng chạm tới cái “Tâm” của con người, thái độ và ý muốn của con người có lấy Chúa làm trung tâm đời mình hay không?


*Đức Giêsu là chiếc cầu cho ta nhận biết và thấy Thiên Chúa, và nhờ tin vào Đức Giêsu ta được cứu rỗi.
Nhưng Đức Giêsu của lịch sử và Đức Giêsu của lòng tin có gì liên can đến việc cứu rỗi của ta. Trong Kinh Thánh Chúa Giêsu đã từng nói ai tin vào Ngài là tin vào Cha Ngài, Ở (Ga 12, 44) ai thấy thầy là thấy Chúa Cha. Và ở 1(Ga 5,12) thánh Gioan nói “Ai có Chúa con là có sự sống, ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống”. Khi tin vào Đức Giêsu là tin vào Thiên Chúa, vì Ngài là con Thiên Chúa, Ngài đồng bản tính với Chúa Cha. Đối với người tín hữu việc tin vào Thiên Chúa vô hình không thể tách rời với Đấng mà Người đã gửi tới là con chí Ai của Người, đẹp lòng mọi đàng, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Phaolô lại nói trong( Cv 2,36): niềm tin của cộng đoàn Kitô hữu được diễn tả bằng nhiều cách nhưng tất cả đều dựa trên một cơ sở chung đó là niềm tin vào Đức Kitô và là Đức Chúa.
Vậy qua con người Giêsu của lịch sử dẫn con người đến Đức Giêsu của lòng tin, mà tin ở đây là tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa qua thiên tính của Ngài. Qua Ngài thấy được Chúa Cha. Lòng tin cho chúng ta thấy được nơi Ngài một “Con Người Chúa”. Khi nói như thế chúng ta tuyên xưng rằng, trong Đức Kitô chúng ta có đường đi, có điểm đến, qua Ngài chúng ta đến được với Thiên Chúa, chúng ta lại hiểu được con người là gì, chúng ta lại thấy trong nhân tính của Ngài mà đức tin khám phá ra thiên tính, vì thế hôm nay và hôm qua nhân tính vẫn là chiếc cầu nối chúng ta với Đức Kitô và giữa chúng ta với Thiên Chúa. Vậy khi tin vào Ngài hiện diện nơi hình tượng một người chịu đóng đinh là tin vào Thiên Chúa, và nhờ tin vào Ngài mà chúng ta được cứu rỗi đó là cùng đích của đức tin Kitô Giáo, và ý nghĩa của biểu tượng thập giá ban tặng cho người Kitô hữu.

Quả thật, hình tượng một người chịu đóng đinh (cây Thánh giá) không phải là bức họa mà Kitô Giáo ra mắt thế giới như một tôn giáo được vẽ lại, hoặc một sự kiện đáng ghi nhớ của quá khứ. Nhưng qua thập giá ấy Kitô Giáo đã xuất hiện như việc công bố và cử hành một niềm tin về sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh. Từ đây, Đức Giêsu con người của lịch sử thành Na-za-ret, Đức Giêsu trên thập giá đã chết và được mai táng không chỉ sống trong kí ức của loài người hay chỉ là biểu tượng nhưng qua sứ điệp của lòng tin con người Giêsu treo trên thập giá là Chúa đang có mặt và đang sống với một hình thức sống và hiện diện mà nó vượt qua mọi giới hạn của thế giới này. Việc Đức Giêsu phục sinh và sự sống của Ngài tiếp tục trên cây thập giá là sự thể hiện toàn diện và triệt để con người trong tương quan thiên tính. Điều này người Kitô hữu chỉ nhận ra sự sống của Ngài nơi cây thập giá qua lòng tin của mình. Nếu ai không tin nhận, không có một tương quan mật thiết với Đấng Vô hình qua cây thập giá thì đó chỉ là một biểu tượng chứ không có một giá trị gì khác. Còn ngược lại, nếu tôi có một lòng tin, lòng tin hợp lý, lòng mến, thì nơi đó tôi gặp gỡ thật sự được Đấng vô hình. Bởi vì tất cả những điều đó ta phải đón nhận bằng lòng tin, và với lòng tin thì tôi được cứu rỗi đó là cứu cánh của niềm tin người Kitô hữu là được sống và được cứu rỗi.

Chính vì lẽ ấy, có ai miệt thị cây thánh giá không hẳn là họ miệt thị Thiên Chúa, bởi họ không có niềm tin, nào có Chúa để miệt thị; nhưng qua đó họ miệt thị niềm tin người Kitô hữu.

Giuse Nguyễn Ngọc Hiển

Tài liệu tham khảo:
1. Chúa Giêsu Kitô Đấng Giải phóng - Tác giả Leonardo BoFF (Tu sĩ Dòng Phan-xi-cô)
2 .Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời Nhập Thể - Tác giả Norberto ( Tu sĩ Dòng Phan-xi-cô)

Nguồn: jhomeless@gmail.com