PDA

View Full Version : THẦN KHÍ CHÚA ĐÃ SAI TÔI ĐI ?



cafeda2009
23-01-2010, 10:37 PM
THẦN KHÍ CHÚA ĐÃ SAI TÔI ĐI ?


23/01/2010 15:07:00 Lm. LÊ CÔNG ĐỨC (http://huongvedaihoidanchua.net/author/quanguy/)

(http://javascript%3Cb%3E%3C/b%3E:tsz%28%27article_body%27,%2716px%27%29)

http://huongvedaihoidanchua.net/thumbnail.php?file=00._holy_spirit_866718130.jpg&size=article_medium



Nên chăng, chúng ta sẽ hiểu và hát rằng: “Này chính Chúa đã sai tôi đi” thay vì “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi” ? Chúng ta hãy nghe tác giả bài viết - cha Lê Công Đức - chia sẻ nhận định của ngài...

Dấu chấm hỏi ở tựa đề bài viết này không chủ ý tranh luận đúng sai theo nghĩa loại trừ ( tức hoặc đúng hoặc sai và không có cửa giữa ! ).

Câu hát “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi” đã, đang, và có lẽ sẽ còn được tiếp tục hát đó đây, thậm chí với đầy tâm tình. Nhưng phải chăng đó là cách hiểu tốt nhất bản văn Luca 4, 18 được dẫn lại từ Isaia 61, 1 ?

Sau đây là hai bản văn, theo Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ:

Luca 4,18: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức.”

Isaia 61, 1: “Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân.”

Điều ghi nhận đầu tiên là cả hai bản văn trên đều không có nói “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi.” Vấn đề có liên quan đến các từ nhân xưng: “Thần Khí,” “Chúa” hay “Đức Chúa,” và “tôi.” Có 2 hay 3 ‘người’ ở đây ? Và ai sai “tôi” đi báo tin mừng ?

Thiển nghĩ, sẽ là quá đơn giản hóa nếu nói rằng Thần Khí chính là Chúa, và rằng “Chúa sai tôi” hay “Thần Khí sai tôi” thì cũng như nhau !

Chúng ta không quên rằng sự nhìn nhận và niềm xác tín về Thánh Thần như một Ngôi Vị Thiên Chúa đã đến rất muộn. Trong Cựu Ước, sự thật này rất mù mờ; Thánh Thần thường được hiểu như hơi thở hay như sức lực của Thiên Chúa hơn là như một Ngôi Vị.

Trong Tân Ước, Thánh Thần được nhắc đến đôi khi không có ‘ngôi vị’ tính, đôi khi lại có ‘ngôi vị’ tính; có lần, các môn đệ ở Êphêsô tuyên bố rằng “họ chưa từng nghe nói rằng có Chúa Thánh Thần” ! ( x. Cv 19, 2 ). Sự khẳng định dứt khoát về Ngôi Vị Thánh Thần còn phải đợi sau này. Vậy thì, rất khó có cơ sở để đọc một cái gì đó trong bản văn trên của Isaia là “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi” !

Hình như cách dùng động từ “ngự,” chỉ hành động, trong hai bản văn Việt ngữ trên có nhận ảnh hưởng từ niềm xác tín Thánh Thần là một Ngôi Vị. Các bản dịch khác – Anh, Pháp chẳng hạn – thấy sử dụng động từ “thì” ( ‘to be’ / ‘être,’ chỉ tình trạng ): “The Spirit of the Lord is upon me” / “L’Esprit du Seigneur est sur moi.”

Điều quan trọng hơn, đó là cách hiểu “vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.” Trong Isaia 61, 1 và Luca 4, 18 được dẫn ở trên, sự kiện “Thần Khí của Chúa ngự trên tôi” là kết quả của việc “Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.” Điều này thì rất quen thuộc trong Cựu Ước, ai được xức dầu thì người ấy được trao ban Thánh Thần để đảm nhận sứ mạng. Dầu là biểu hiệu của Thánh Thần. Thiết tưởng, sẽ khá lủng củng khi nói “Thánh Thần xức dầu...,” dù cụm từ này vẫn thấy xảy ra đó đây. Ở đây ta ghi nhận:

(1) Động từ “sai” đồng vị với động từ “xức” ( rõ rệt trong bản văn Is 61, 1 và đủ rõ trong Lc 4, 18 ). Ai “xức” thì người đó “sai.” Chúa [ Cha ] đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng...

(2) Người được xức dầu, tức được trao ban Thánh Thần, là để cùng với Thánh Thần đi vào sứ mạng.

Ghi nhận (1) ở trên cũng đã được trình bày bởi Linh mục Nhạc Sĩ Mi Trầm, có tham khảo ý kiến Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, trong một chương trình Hỏi Đáp Về Thánh Nhạc ( x. http://www.honganthienchua.org/ThanhCa/HoiDap.html ). Người viết bài này cũng từng trực tiếp nghe, trong vài năm trở lại đây, một số cộng đoàn hát “Này chính Chúa đã sai tôi đi” thay vì “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi” – chắc hẳn tiên vàn không phải vì âm hưởng tiêu cực nào đó của hai chữ “Thần Khí” cho bằng vì muốn xác định cách tốt hơn chủ thể của động từ “sai” ở đây.

Sự điều chỉnh ấy thiết tưởng càng được thấy là có ý nghĩa, nếu nhìn từ nhãn giới sứ mạng học. Một cách căn bản, chỉ có một sứ mạng duy nhất, đó là missio Dei, sứ mạng của Thiên Chúa ( Cha ). Chúa Cha sai Chúa Con; Chúa Con là nhà thừa sai đã hiện thực hóa missio Dei nơi đời sống và sứ vụ của Ngài như được ghi lại trong các Sách Tin Mừng ( đây là hàm nghĩa của kiểu nói “sứ mạng theo Tin Mừng” ).

Trong nhiệm cục cứu độ của Ba Ngôi, Chúa Con đã hoàn tất vai trò về phần Ngài, Ngài sai các môn đệ tiếp tục. Và Chúa Thánh Thần được sai đến với các môn đệ của Đức Kitô và cùng với họ tiếp tục missio Dei vốn đã được hiện thực hóa nơi sứ mạng theo Tin Mừng.

Nếu nhìn sứ mạng như bó đuốc của cuộc chạy tiếp sức, thì bó đuốc hiện nằm trong tay Chúa Thánh Thần và Hội Thánh, như ghi nhận (2) ở trên. Đây là thời của Chúa-Thánh-Thần-và-Hội-Thánh.

Ta không quên rằng sau Phục Sinh, các môn đệ Đức Giêsu cũng chưa thể ‘rục rịch’ gì cho đến khi được trao ban Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Sự kiện các hình lưỡi lửa – biểu hiệu của Thánh Thần – xuống trên từng môn đệ ( x. Cv 2, 3 – 4 ) cho thấy rằng Thánh Thần được ban cho họ để cùng đi với họ, chứ không hề có hàm ý nào ở đây rằng Thánh Thần sai họ đi. Lễ Ngũ Tuần ấy là sự chính thức khởi đầu sứ mạng của Hội Thánh, đồng nhất với sự chính thức khai sinh Hội Thánh. Công Đồng Vatican II sẽ xác nhận rằng Hội Thánh tự bản chất là thừa sai ( Ad gentes 2 ).

Việc nhìn Hội Thánh cùng với Chúa Thánh Thần trong sứ mạng thừa sai có những hàm nghĩa vô cùng thiết yếu. Một trong những hàm nghĩa đó là: sứ mạng mà Hội Thánh đang đảm nhận trong Thánh Thần chính là sứ mạng của Thiên Chúa, missio Dei, đã được Đức Giêsu thể hiện trong Tin Mừng. Chúa Thánh Thần chắc chắn không bao giờ đi lạc khỏi missio Dei.

Nhưng Hội Thánh, xét như những con người, thì khác. Bất cứ khi nào một cộng đoàn hay cá nhân nào trong Hội Thánh từ chối cộng tác với Chúa Thánh Thần, từ chối sự hướng dẫn của Ngài, để theo một sự dẫn dắt nào khác, thì cá nhân hay cộng đoàn ấy đang đi lạc khỏi trọng tâm sứ mạng thừa sai của mình. Và để điều chỉnh, người ta phải về tận nguồn là missio Dei, tức sứ mạng mà Đức Giêsu thể hiện như được trình bày trong các Sách Tin Mừng.

Chúng ta luôn được mời gọi tự hỏi:

Sứ mạng mà tôi, cộng đoàn tôi đang làm là sứ mạng nào ? Có thật tôi, cộng đoàn tôi đang đặt mình trong sự dẫn dắt của Thánh Thần ?

Lm. LÊ CÔNG ĐỨC, 1.2010
(http://huongvedaihoidanchua.net)