Ðăng Nhập

View Full Version : KHÍA CẠNH TÂM LINH TRONG CẢNH KHỔ ĐAU Ở HAITI



Ti_Amo
24-01-2010, 10:49 PM
KHÍA CẠNH TÂM LINH TRONG CẢNH KHỔ ĐAU Ở HAITI (CỦA CARL ANDERSON)





Nhận định của Carl Anderson

Tất cả chúng ta đều kinh hoàng trong những ngày qua khi thấy thảm cảnh chết chóc và tàn phá.

Hàng triệu người trong chúng ta đã tìm cách làm nhẹ bớt đi nỗi khổ đau ở đó. Chắc chắn rồi ra trong những ngày tới đây sẽ có hàng ngàn bài giảng thuyết giúp chúng ta hiểu được tại sao một đấng Thiên Chúa yêu thương lại có thể để xảy ra những nỗi khổ cực đến thế.
Ở Hoa kỳ, một trong những lời giải thích gây nhiều tranh cãi đến từ vị mục sư Tin Lành; ông nói rằng Haiti đã bị “nguyền rủa” từ lúc những người lập quốc “thề quyết liên minh với ma quỷ” để giành được nền độc lập quốc gia từ tay người Pháp. Những lời bình luận của ông, đúng theo tiên đoán, đã gây nên một trận bão tố những lời tranh cãi.
Chắc chắn là có nhiều bằng chứng trong Cựu ước về những quốc gia bị Thiên Chúa trừng phạt vì thờ ngẫu tượng và bất trung, và một số Kitô hữu vẫn còn nhìn vào những câu chuyện như thế trong Cựu ước để giải thích cho những biến cố trên thế giới.
Nhưng người Công giáo ngày nay dường như muốn nhìn về một phương hướng khác để tìm hiểu cách thức Thiên Chúa đối xử với những tội lỗi của con người. Và họ chẳng cần nhìn đâu xa hơn cây thánh giá trên bàn thờ ở nơi giáo đường của họ. Thiên Chúa đã tự nguyện và đầy yêu thương khi kết hợp chính mình với nỗi khổ đau của con người trong hành động hy sinh Con mình trên thánh giá.
Những mục sư Tin Lành nào thường trưng dẫn câu 16 chương 3 sách Tin mừng Thánh Gioan trong khi giảng thuyết, cũng nên nhớ những gì được nói trong câu kế tiếp: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”
Thảm kịch tại Haiti sẽ để lại những hậu quả lâu dài, không phải chỉ đối với những người đã mất mát người thân ở đó, nhưng còn cho cả một thế hệ đã chứng kiến cảnh tàn phá. Và điều quan trọng là chúng ta phải hiểu biết một cách đúng đắn những gì đã xảy ra tại đó.
Nhiều bản tường trình của báo chí đã so sánh Haiti với cảnh tàn phá mới đây của Bão Katrina ở vùng bờ biển Hoa kỳ, hoặc là với trận động đất xảy ra ở Mexico City năm 1985. Nhưng thảm cảnh ở Haiti dường như có thể có một hậu quả tâm lý lâu dài gần như hậu quả gây ra bởi trận động đất năm 1755 tại Lisbon (Bồ đào nha). Tiếp theo sau trận động đất đó là một cơn sóng thần và hỏa hoạn, đã tàn phá gần như hoàn toàn một đô thị và giết hại gần một triệu người.
Tai ương ở Lisbon đã thay đổi tư duy của nhiều nhà trí thức hàng đầu của thế kỷ 18, trong đó có Voltaire, Kant và Descartes. Trận động đất xảy ra đúng vào ngày lễ Các Thánh trong một quốc gia đa số theo Công giáo, làm cho nhiều Kitô hữu khắp cả Châu Âu phải đặt ra vấn nạn về niềm tin của mình nơi Thiên Chúa.
Trong những ngày sắp tới đây chúng ta cũng sẽ thấy những điều tương tự. Và vì thế Haiti ngày nay trở thành sự thử thách đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, cũng như thử thách sự cam kết của chúng ta với người đồng loại.
Tuần này, khi suy nghĩ về Haiti, chúng tôi không thể không nghĩ tới công trình của Cha Damien ở Molokai, “vị Linh mục Phong cùi” mới được ĐGH Benedict XVI tuyên thánh vào mùa thu vừa qua. Nhiều năm trước đây chúng tôi có dịp được thăm Molokai ở Hawaii, và khi tới viếng ngôi thánh đường xứ đạo ở đó, chúng tôi được coi một tấm hình chụp vào những năm 1930 một người đàn bà già nua. Bà đã mất tai, mất mũi, các ngón tay ngón chân vì bệnh cùi. Bà cũng bị mù nữa. Vậy mà mỗi ngày, theo lời người ta kể cho chúng tôi, bà vẫn cầu nguyện kinh Mân côi, lần chuỗi bằng hai hàm răng.
Không lâu sau đó, chúng tôi có dịp nói truyện với một vị linh mục truyền giáo; cha cho biết đã mở một ngôi nhà dành cho người cùi. Mỗi ngày, khi cha dâng thánh lễ, một ông lão già nua, cũng bị mù vì phong cùi, đều thốt lên trong lời nguyện giáo dân: “Lạy Thiên Chúa là Cha, xin cảm tạ mọi ơn lành Người ban đã cho con.”
Các nhà triết học và thần học rồi ra sẽ tiếp tục kiếm tìm những câu giải thích, hy vọng trả lời những câu hỏi của tất cả chúng ta về vấn đề khổ đau ở trần gian này. Nhưng có lẽ câu trả lời hay nhất lại đến từ những kẻ mà khổ đau vượt quá trí tưởng tượng của chúng ta, vậy mà những người tín hữu đó lại cảm nghiệm được thực tế là Thiên Chúa đã kết hợp chính Ngài với họ trong nỗi khổ đau của họ.
Trong bài giảng thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho Cha Damien, ĐGH Benedict XVI nói như thế này: “Chúa Giêsu gọi mời môn đệ của Người từ bỏ hoàn toàn mạng sống, không tính toán hoặc tư lợi, với niềm cậy trông bền bỉ vào Thiên Chúa. Các vì thánh nhân chào đón lời mời gọi đòi hỏi đó, và bước đi theo đấng Kitô chịu đóng đinh và phục sinh với tấm lòng tuân phục khiêm tốn.
“Đức tính toàn hảo của họ, xét theo lý luận đức tin mà con người có lúc không thể hiểu được, là không đặt chính mình vào vị trí trung tâm, mà chọn đi ngược lại trào lưu và sống theo Tin Mừng.”
Chung cục, đó là chìa khoá để hiểu được các biến cố tại Molokai và Haiti. Và đó sẽ là thước đo những phản ứng của chúng ta trong vai trò người Kitô hữu.
Nguồn: Carl A. Anderson/Catholic Education Resource Center
Carl A. Anderson lãnh đạo tổ chức Hiệp sĩ Kha luân bố (Knights of Columbus ), một tổ chức huynh đệ Công giáo có 1.7 triệu thành viên.

Tác giả Phạm Hoàng Nghị (dịch)