PDA

View Full Version : TỪ NĂM THẾ HỆ QUA CHÚNG TÔI LÀ TÍN HỮU CÔNG GIÁO!



littlewave
24-01-2010, 10:59 PM
TỪ NĂM THẾ HỆ QUA CHÚNG TÔI LÀ TÍN HỮU CÔNG GIÁO!


... Tại Trung Hoa vào mùa hè năm 1900 bọn giặc Quyền Phỉ tràn vào tàn phá làng Công Giáo của ông Giuse Nguyễn Khanh Ẩn.

Lúc đó một tín hữu Công Giáo qua đời. Vì sợ bọn lính nên dân làng chôn cất người chết vội vã sơ sài, không có nghi thức tôn giáo.

Vừa hay tin, ông Ẩn cùng với con trai nhanh chóng đến chỗ chôn người chết. Ông cắm Cây Thánh Giá lên mộ người quá vảng, rảy Nước Thánh, rồi hai cha con quỳ gối đọc đủ mọi kinh nguyện trong nghi lễ chôn cất một tín hữu Công Giáo.

Người ta nghĩ rằng có lẽ linh hồn người quá cố cầu bầu cho ông Ẩn hồng ân lãnh phúc tử vì đạo một vài ngày sau đó.

Hôm ấy nhằm một ngày chợ phiên. Dân chúng tràn ngập đường sá. Bọn giặc ập vào nhà ông Ẩn, bắt trói rồi dẫn ông đến một miếu thờ gần đó. Bọn lính ra lệnh:
- Bây giờ ông quỳ xuống thờ lạy tượng thần của chúng tôi!

Ông Ẩn mạnh mẽ đáp:
- Tôi là người Công Giáo, là con cái THIÊN CHÚA, làm sao tôi có thể cúi mình thờ lạy ma quỷ?

Tò mò muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra, dân chúng bu lại xem rất đông. Nhiều người nhận ra ông Ẩn và hết lòng mộ mến ông, vì ông liêm chính và cương trực. Họ tìm cách cứu ông. Họ nói với bọn lính:
- Người này là bạn của chúng tôi. Xin các ông đừng làm hại. Vã lại bây giờ ông đâu còn là người Công Giáo nữa! Chúng tôi xin làm chứng như vậy. Các ông cứ tin lời chúng tôi!

Nghe vậy, ông Ẩn nói lớn tiếng:
- Làm sao tôi có thể từ bỏ tôn thờ THIÊN CHÚA trời đất? Xin quý ông bà ra về bằng an, đừng bận tâm về tôi. Tôi sẵn sàng chết vì đạo!

Bọn lính mang ông đến nơi hành quyết thường nằm về hướng đông theo tục lệ người Hoa. Ông Ẩn điềm tĩnh đi theo bọn lính, gương mặt hớn hở, mắt ngước nhìn Trời Cao. Người ta nghe ông nói:
- Tôi thấy Trời mở ra. Lạy Chúa, con xin phó dâng hồn con trong tay Chúa.

Năm ấy ông Giuse Nguyễn Khanh Ẩn hưởng dương 47 tuổi.



***************************


... Vị tử vì đạo thứ hai là cụ Phaolô Lưu Tấn Đức, 79 tuổi, ông trùm họ đạo. Gia đình cụ rất nghèo. Cụ nghèo tiền của nhưng không nghèo Đức Tin và nhân đức .. Cụ siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh các bí tích. Khi nơi họ đạo cụ ở không có Thánh Lễ vì thiếu Linh Mục, cụ lặn lội đi tới họ đạo khác để tham dự Thánh Lễ. Nhiều khi cụ phải đi bộ thật xa mới tới nơi có Thánh Lễ.

Bản tính cụ Lưu cương trực và hiền hòa nên được mọi người quý mến, lương cũng như giáo. Lợi dụng lợi điểm, cụ Lưu lấy lời lành khuyên nhủ các tín hữu Công Giáo nguội lạnh trở về với lòng đạo đức, hoặc cắt nghĩa giáo lý Công Giáo cho người lương.

Khi loạn Quyền Phỉ nổi lên, các người Công Giáo trong làng vội vã chạy trốn sang làng khác. Cụ già Lưu nhất định ở lại làng mình. Cụ nói:
- Nếu bọn lính tới tôi sẽ được phúc tử vì đạo. Tôi không sợ chết vì Đức Tin, chỉ sợ không được phúc lãnh ơn huệ này!

Người con cả không an tâm để thân phụ một mình nên đã ở lại với cụ. Từ đó dân trong làng thường trông thấy cụ tay cầm sách nguyện, tay cầm tràng chuỗi Mân Côi. Rồi người ta thấy cụ mặc áo mới trắng tinh. Cụ giải thích:
- Bọn giặc có thể bất thình lình xuất hiện nên lão phải luôn sẵn sàng để đón nhận cái chết vì Đức Tin.

Cụ Lưu phân phát tiền của cho các trẻ em trong làng. Cụ bảo chúng mua trái cây ăn như thầm bảo chúng cùng tham dự vào ngày vui trọng đại của cụ sắp tới.

Ngày 13-7-1900 bọn lính Quyền Phỉ đến thật. Họ xông vào nhà bắt cụ. Cụ bình tĩnh bước ra khỏi nhà dáng điệu thật uy nghiêm, tay cầm tràng chuỗi Mân Côi, tay cầm sách nguyện. Mấy tên lính cất tiếng hỏi:
- Ông có phải người Công Giáo không?

Cụ Lưu nặng tai nên không nghe rõ câu hỏi. Khi tên lính lập lại, cụ giơ bàn tay 5 ngón lên và nói:
- Từ 5 thế hệ qua chúng tôi là người Công Giáo!

Tên lính nói:
- Bây giờ ông phải sửa đổi lỗi lầm của 5 thế hệ qua bằng cách chối bỏ đạo THIÊN CHÚA.

Cụ Lưu lắc đầu nói KHÔNG.

Mấy tên lính dữ tợn lôi cụ ra khoảng đất trống trước nhà. Cụ Phaolô Lưu Tấn Đức cất tiếng cầu khẩn:
- Lạy Chúa, xin thương che chở phù hộ con.

Nghe vậy, một tên lính tức giận quát lớn:
- Giờ phút này mà ông còn dám đọc kinh sao?

Nói rồi, hắn rút gươm và chém cụ chết ngay tức khắc.



***************************


... Vị tử vì đạo thứ ba là ông Trương Hoài Lộc vốn là người ngoại giáo.

Khi bắt đầu học giáo lý để theo đạo Công Giáo, ông Trương đã gần 60 tuổi. Tuổi cao cộng với trí nhớ kém khiến ông học trước quên sau. Bù lại, ông rất khiêm tốn và hết lòng mộ mến đạo Công Giáo. Ông thường ngồi lẫn vào đám trẻ trai Công Giáo khi chúng đọc và hát kinh. Đám trẻ đọc làu làu các kinh nguyện. Ông Trương thì thầm đọc theo. Chỗ nào dễ mà ông thuộc lòng ông cất cao giọng đọc lớn tiếng.

Mọi người chế nhạo ông. Nhưng ông Trương không nản chí và không lùi bước trước vận mệnh cao quý mà ông nhất định chọn lựa. Ông phân bua với mọi người:
- Điều quan trọng là tôi thật lòng mến yêu THIÊN CHÚA và anh chị em sẽ thấy chính Ngài sẽ ra tay cứu độ mặc dầu tôi không thuộc kinh và không rành giáo lý Công Giáo.

Ngày 1-7-1900, nơi làng Công Giáo ông Trương trú ngụ, tràn ngập bọn giặc Quyền Phỉ. Chúng không buộc người Công Giáo phải chối đạo chỉ đòi tiền. Ông Trương cũng nộp số tiền như những người Công Giáo và giải thích:
- Tôi chưa phải Công Giáo nhưng thật ra tôi là người Công Giáo!

Bọn giặc sau khi thu tiền, bỏ đi. Mọi người Công Giáo trong làng thở phào mừng rỡ. Nào ngờ hơn một tuần sau bọn lính trở lại. Lần này chúng chẳng những đòi tiền mà còn buộc người Công Giáo phải chọn lựa: hoặc chối đạo hoặc phải chết.

Ông Trương tự đứng vào hàng ngũ người Công Giáo cùng làng. Thấy vậy, nhiều người ngoại giáo muốn cứu ông. Họ nói với bọn lính:
- Người này chưa được rửa tội. Ông không phải Công Giáo. Đừng bắt ông!

Một người Công Giáo giải thích thêm với bọn lính:
- Ông chưa biết đọc kinh, bắt ông làm gì!

Nghe người Công Giáo nói, ông Trương đỏ mặt vì xấu hổ. Nhưng ông không nản lòng. Ông còn chút hy vọng. Ông chắp tay nói gần như khẩn khoản van xin bọn lính:

- Thưa quý ông, xin quý ông tin lời tôi. Tôi là người Công Giáo. Tôi thờ phượng THIÊN CHÚA của người Công Giáo. Bằng chứng là tôi đã trả cho quý ông số tiền y như các tín hữu Công Giáo!

Quả thật, đúng như ông Trương hy vọng, đây là bằng chứng hùng hồn nhất đối với bọn giặc. Chúng xô ông ngã sấp xuống rồi dùng gươm giết chết ông.

Ông Trương Hoài Lộc dùng chính máu đào như giòng nước rửa tội tẩy sạch mọi lỗi lầm và đưa ông vào cõi trường sinh bất diệt.



... ”Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết. Anh em đừng sợ những kẻ giết chết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ Ai. Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục .. Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA .. Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Luca 12,4-11).

(Celestino Testore, S.I, ”Sangue e Palme e Corone sul Fiume Giallo”, Curia Generalizia della Compagnia di Gesù, 1955)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt