PDA

View Full Version : GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II - VĨ NHÂN THỜI ĐẠI



Gia Nhân
29-01-2010, 11:46 PM
Về tác phẩm


GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II - VĨ NHÂN THỜI ĐẠI của TRẦN PHONG VŨ


Giáo sư ĐỖ MẠNH TRI


SANTO SUBITO!


Cả thế giới đã chứng kiến những tấm biểu ngữ giương cao tại quảng trường thánh Phêrô, trong lễ an táng cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tuyên thánh ngay! Tuyên thánh lập tức!


Ý nguyện tha thiết ấy cũng là tâm tư của Trần Phong Vũ khi anh đặt tên cho tác phẩm của mình: GIOAN PHAOLÔ II, VĨ NHÂN THỜI ĐẠI. Nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động, tín hữu công giáo thuần thành, Trần Phong Vũ đã cho ra đời cách đây 8 năm tập biên khảo MỘT THOÁNG NHÌN VỀ GIÁO HỘI VIỆT NAM QUA BIỂU TƯỢNG ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II. Đọc tập sách này đủ thấy lòng mộ đạo, lòng yêu mến Quê Hương và Giáo Hội của anh gắn liền với lòng mộ mến vị Giáo Hoàng ngoại hạng của Giáo Hội Công Giáo.


http://tiengquehuong.com/portal/data/upimages/DGH.jpg


Hôm nay, Gioan Phaolô II đã đi bước sau cùng của hành trình Hy Vọng. Sự thúc bách của lòng tin, và phần nào sự thúc đẩy của thời cuộc, khiến Trần Phong Vũ lại một lần nữa đam mê, xúc động, chiêm ngưỡng, suy tư, nguyện cầu. Anh ngốn ngấu thu gom, chọn lọc trong rừng tài liệu quá phong phú để hoàn thành tác phẩm mới về cố Giáo Hoàng. Ngoài những phần viết về tiểu sử cùng những đóng góp quan trọng của Đức Thánh Cha trong sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Ba Lan, Đông Âu, rồi Liên Xô đã được trình bày trong tác phẩm trước, tác giả "đã khai triển thêm nhiều khía cạnh khác với ước mong phản ánh được trong muôn một công lao và sự nghiệp của một khuôn mặt từng được coi là vĩ nhân thời đại, là ngọn đuốc soi đường, không chỉ cho hơn một tỷ tín hữu Công Giáo mà còn cho toàn thể loài người trên mặt đất trong thời đại chúng ta". Và lần này cũng như lần trước, tác giả hoàn toàn ý thức về những hạn chế của mình. Tuy nhiên, viết về một con người như thế, ai không cảm thấy mình bị hạn chế? Đọc GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, VĨ NHÂN THỜI ĐẠI, tôi thấy Trần Phong Vũ vừa biên khảo, suy tư, bình luận vừa cầu nguyện. Chủ yếu, tôi thấy anh đang khiêm tốn dựng tấm bia kính nhớ người Cha chung của tín đồ công giáo vừa về nhà Cha. Kính như kính yêu và nhớ. Không nhớ tiếc. Nhớ ghi lòng tạc dạ: "Đừng Sợ!", "Hãy bước vào Hy Vọng!". Hy vọng vào sự sống. Hy vọng vào con người. Cậy trông vào Thiên Chúa.


Thật vậy, sức mạnh của Gioan Phaolô II trong bệnh tật, khổ đau dạy ta về ý nghĩa cuộc đời. Ngay cái chết của ngài, mà ngài muốn như Chúa Giêsu trên thập giá, không giấu diếm, trước mặt thiên hạ, như nói với ta một lần nữa: Đừng sợ! Và mời gọi ta giũ bỏ, phá vỡ tất cả những gì cản trở hay làm phương hại đến sự sống. Bằng một văn phong hăng say, bình dị, nhà văn Trần Phong Vũ cũng viết để mời người đọc, tuỳ theo khả năng và vị trí của mình, noi gương Gioan Phaolô II mà nỗ lực bảo vệ sự sống và phẩm giá con người.
Vĩ nhân thời đại.


Đúng thế. Gioan Phaolô II, đã không ngưng nghỉ dốc hết tâm lực đấu tranh chống lại tất cả những gì cản trở hay làm phương hại tới sự sống con người trong lãnh vực chính trị. Nạn nhân của hai chế độ toàn trị Đức Quốc Xã và Cộng Sản, từ thuở thiếu thời ngài đã phải đấu tranh chống Đức Quốc Xã và, với tư cách là Giáo Chủ đạo Công Giáo, ngài đã góp phần to lớn vào sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô. Nhưng ngài cũng đã không ngừng đấu tranh chống lại tất cả những gì trong kinh tế thị trường của thế giới tự do có khả năng dẫn tới "văn minh của sự chết". Cả thế giới kính phục ngài như vị Giáo Hoàng của nhân quyền. Chính vì bảo vệ nhân quyền mà ngài bênh vực quyền sống của con người, từ lúc thụ thai cho tới khi lìa đời.


Vĩ nhân thời đại.


Gioan Phaolô II là vĩ nhân của Giáo Hội Công Giáo và của mọi Giáo Hội Kitô Giáo. Ngài đã không ngừng đấu tranh chống lại tất cả những gì làm tổn thương đến đời sống tâm linh và tinh thần hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo; đã đắc lực triển khai đường hướng của Công Đồng Vatican II; đã khuyến khích những đặc trưng và thúc đẩy những sáng kiến của các giáo hội địa phương (quốc gia, miền, vùng, châu lục). Đã đẩy mạnh tinh thần đại kết, đối thoại liên tôn, đặc biệt với Hồi Giáo và Do Thái Giáo. Nhất là ngài đã làm công việc nhận diện và tẩy rửa quá khứ qua nhiều cử chỉ sám hối. Đặc biệt ngày 12 tháng 3 năm Toàn Xá 2000, trong một nghi lễ sám hối trang trọng, nhân danh toàn thể Giáo Hội Công Giáo, Gioan Phaolô II đã xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi con cái Hội Thánh đã vấp phạm từ hai ngàn năm qua, nhất là những tội phạm liên quan tới sự thật, sự hiệp nhất và những tội phạm đối với dân Do Thái và nhân quyền.
Vĩ nhân thời đại.


Gioan Phaolô II là vĩ nhân của Đức Tin. Ngài đã luôn luôn chống lại những gì làm tổn hại tới sự sống trong tương quan với Thiên Chúa. Lúc thuận cũng như lúc nghịch, ngài xác quyết và rao giảng Chúa Giêsu Cứu Thế là đường dẫn đưa ta tới Chúa Cha và tới con người. Tôn trọng tự do lương tâm, ngài không nhân nhượng khi phải khẳng định những đòi hỏi của chân lý. Tin tưởng vào con người, ngài luôn luôn chống lại sự buông thả và đề cao trí tuệ, ý chí dấn thân, lòng trung thành trong tình yêu đôi lứa.


Đối với Đất Nước và Giáo Hội Việt Nam, Gioan Phaolô II tỏ lòng ưu ái đặc biệt. Đúng ra, phải nói ưu tư, vì ngài có lòng ưu ái đặc biệt với từng quốc gia ngài viếng thăm, từng con người ngài gặp. Nhưng vì hoàn cảnh lịch sử đau thương, vì thời cuộc khắc nghiệt, Giáo Hội và con người Việt Nam đã chiếm một chỗ riêng trong trái tim ngài. "Trong chuyến bay qua Phi Luật Tân chủ tọa Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 1995, từ cửa sổ phi cơ nhìn xuống vùng biển Thái Bình Dương tiếp giáp Trung Quốc và bán đảo Đông Dương gồm ba quốc gia Việt Nam, Ai Lao, Căm Bốt, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã nhờ đức ông Trần Ngọc Thụ xác định vị trí lãnh thổ Việt Nam ở đâu với một thái độ hết sức quan tâm". Tiếc thay, ngài đã không tới được Việt Nam! Nhưng đọc giảng thuyết của ngài trong lễ tuyên Hiển Thánh 117 Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam (1988), diễn từ của ngài dành cho phái đoàn người trẻ Việt Nam tại Hoa kỳ, dịp Đại Hội Giới Trẻ ở Denver (1993), hay các diễn từ của ngài mỗi lần các giám mục Việt Nam tới viếng ad limina, rồi nếu lại nghĩ tới cảnh ngộ của ngài với đất nước Ba Lan, ta sẽ trân trọng biết bao và đồng cảm thâm sâu chừng nào với một lời ngài thốt lên tự đáy lòng :


Việt Nam trong trái tim tôi !


ĐỖ MẠNH TRI

Posted on 13 Sep 2008

Nguồn: http://tiengquehuong.com