PDA

View Full Version : Để Trở Nên Tông Đồ Của Đức Kitô



Hai Lua
07-02-2010, 07:09 PM
ĐỂ TRỞ NÊN TÔNG ĐỒ CỦA ĐỨC KITÔ


Để trở nên người Tông Đồ của Đức Ki-tô, mỗi Ki-tô hữu phải ý thức sống 5 điều sau đây :





Làm Tông đồ của Đức Ki-tô là một ơn phổ quát của mọi Ki-tô hữu.





Mọi hoạt động cuộc sống phải dựa vào Lời Chúa được đón nhận từ giáo huấn của Hội Thánh.





Hoạt động tông đồ gặt hái được ơn cứu độ.





Biết chân thành sám hối tội mình để được thanh tẩy nhờ Phụng vụ của Hội Thánh .





Mau mắn đặt hoạt động tông đồ trên mọi hoạt động khác.


I. LÀM TÔNG ĐỒ CỦA ĐỨC KI-TÔ LÀ MỘT ƠN PHỔ QUÁT CỦA MỌI KI-TÔ HỮU.

Chúa bảo ngư phủ Phê-rô : “Từ nay con sẽ là kẻ chài lưới người!” (Lc 5,10). Câu trên có nghĩa là người ta làm Tông Đồ cho Chúa ngay trong nghề nghiệp đang có :





Các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đang bắt cá (x Tin Mừng).
Ông Phao-lô đang lùng bắt những người mà ông cho là lạc đạo để thanh trừng, hầu bảo vệ Luật Mô-sê (x Bài đọc II).
Ngôn sứ Isaia đang cầu nguyện trong Đền Thờ, Thiên thần gắp than hồng bỏ vào lưỡi ông, làm cho miệng ông được thanh sạch để cùng với tạo vật ca tụng Thiên Chúa (x Bài đọc I).


Do đó, nếu Chúa gặp một kiến trúc sư, Ngài sẽ bảo ông ta : “Từ nay con trở thành ngừơi xây dựng con người” ; Nếu Chúa gặp một người nấu ăn, Ngài sẽ nói với họ : “Từ nay con hãy nuôi người ta bằng Lời Ta và Mình Ta” …

Chính vì vậy mà Hiến Chế Hội Thánh số 35 dạy : “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao qúy là truyền giảng Tin Mừng cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế ”.

Vậy không ai còn sợ mình bất xứng không đáng được Chúa kêu gọi làm Tông Đồ cho Ngài, bởi lẽ khi Đức Giê-su gọi ông Phê-rô, bỏ nghề chài lưới bắt cá để đi chài lưới bắt người, Ngài cũng nói : “Đừng sợ !” Vì Ngài biết ông có mặc cảm là người tội lỗi, không đáng được Thầy Giê-su gọi lại gần (x Lc 5,10 : Tin Mừng).

II. MỌI HOẠT ĐỘNG CUỘC SỐNG PHẢI DỰA VÀO LỜI CHÚA ĐƯỢC ĐÓN NHẬN TỪ GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH.

Ông Phê-rô thưa cùng Đức Giê-su : “Thưa Thầy suốt đêm chúng con không bắt được gì, nhưng bây giờ vâng lời Thầy con xin thả lưới !” (Lc 5, 5 : Tin Mừng).

Vì Lời Đức Giê-su ra lệnh cho ông Phê-rô bủa lưới bắt cá, ông đã kéo lên một mẻ cá nhiều chưa từng thấy : cá chất đầy hai thuyền suýt chìm ! Như vậy không phải do kinh nghiệm nghề nghiệp mà ông Phê-rô thành công mà là do ông tin tuyệt đối vào Lời Chúa là Lời quyền năng, ông đã thi hành.

Đối với chúng ta, phải nghe Lời Chúa ở đâu ? Nếu không xác tín rằng chỉ nghe giáo huấn của Hội Thánh mới thực là nghe Lời Chúa. Bởi vì có quá nhiều người vây quanh Đức Giê-su, lúc đó có hai chiếc thuyền cùng đậu gần bờ, mà Đức Giê-su chỉ chọn thuyền của Phê-rô, bảo ông chèo ra xa để Ngài giảng cho những người đứng trên bờ (x Lc 5,3). Đó là dấu chỉ Đức Giê-su muốn mọi người phải nghe Lời Chúa từ “thuyền Hội Thánh” – thuyền của Phê-rô- công bố. Thực vậy, Tân Ước đã có nhiều cách nói để nhấn mạnh : ai nghe Lời Hội Thánh dạy mới là nghe Lời Chúa (x Lc 10,16). Vì tuy Hội Thánh là một đoàn chiên nhỏ bé (x Lc 12,32), nhưng đó mới là cộng đoàn được Cha trên trời mạc khải cho. Do đó Chúa Giê-su hân hoan tạ ơn Chúa Cha đã không mạc khải cho hạng khôn ngoan thông thái, mà chỉ mạc khải cho đoàn chiên bé nhỏ (x Mt 11,25-26). Đặc biệt là Cha trên trời đã mạc khải cho ông Phê-rô – vị Giáo hoàng tiên khởi – để ông tuyên xưng đức tin về Chúa Giê-su : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống ” (Mt 16,17), vì ông Phê-rô là vị Thủ lãnh, được Chúa đặt lên chăm sóc mọi phần tử trong Hội Thánh (x Ga 21,15t), nên Ngài đã ưu ái cầu nguyện riêng cho ông, vì ông có nhiệm vụ củng cố đức tin của Hội Thánh để không bị Sa-tan sàng sẩy đến lung lạc! (x Lc 22,31-32). Sứ mệnh của thủ lãnh Phê-rô củng cố đức tin dân Thiên Chúa, hằng ngày được thể hiện qua Phụng vụ Hội Thánh cử hành. Vì thế ông Luca nhấn mạnh : “các Tông Đồ hằng ngày trong nhà thờ – cử hành Phụng vụ – mà chúc tụng Chúa” (x Lc 24,53), chứ không nhất thiết chỉ đi khắp thế gian mới làm tròn sứ mệnh Tông Đồ (x Mt 28,19). Bởi vậy Đức Giê-su dạy : “Ai muốn nghe giáo lý của tôi, cứ vào nhà thờ hỏi những người nghe tôi nói –chính là môn đệ của tôi – vì hằng ngày tôi giảng trong đó” (x Ga 18,19-21). Đến cả như ông Phao-lô một kẻ trước đó đã bách hại Hội Thánh, ông bị Chúa xô té và hỏi tội : “Tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa lại : “Con phải làm gì ?” Chúa Giê-su trả lời : “Ngươi phải đi học lại giáo lý nơi môn đồ của Ta” (x Cv 9), từ lúc đó ông xác tín rằng : “Cho dù các Thiên thần ở trên trời, mà đến trần gian giảng một thứ giáo lý khác với Hội Thánh, thì nó là đồ Chúa chúc dữ !” (Gl 1, 8).


III. HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GẶT HÁI ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ DO LÒNG TIN.

♦ Lời Chúa là Lời quyền năng : các Tông Đồ nối tiếp sứ mệnh của Đức Giê-su đi loan báo Lời, thì điều các ông rao giảng đòi buộc ai cũng phải nghe và thi hành, để tập họp mọi sự về cho Chúa.

Thực vậy, Chúa Giê-su bảo ông Phê-rô : “Hãy ra khơi và thả lưới chỗ nước sâu mà bắt cá ” (Lc 5,4), và ông đã kéo lưới chất đầy hai thuyền cá (x Lc 5, 7).

Như vậy, xem ra cả cá cũng muốn đến nghe Lời Chúa. Nói cách khác, chính Lời Chúa tập họp vạn vật về cho các môn đệ, để các ông cộng tác với Đức Giê-su làm hoàn tất chương trình cứu độ, như lời thánh Phao-lô nói : “Mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô thuộc về Chúa Cha” (1 Cr 3,21-23).

Rõ ràng Lời Chúa điều khiển được cả vạn vật, không những quy tụ được toàn thể các loại cá dưới biển đến bên thuyền các môn đệ, mà cả những vật vô tri vô giác, khi đụng tới Lời Chúa, chúng cũng phải tùng phục. Điển hình như ông Giosua ra lệnh cho các tư tế nhúng hai bia đá ghi Lời Chúa xuống sông Giođan, nước đang chảy đụng vào bia đá, nó liền chảy ngược lại, lộ ra một khoảng đất trống giữa lòng sông cho dân Do-thái đi qua (x Gs 3,1-6). Vì vậy mà lời kinh của người Do-thái thường đọc : “Biển kia ơi, việc gì mà trốn chạy ? Gio đan hỡi, cớ chi chảy ngược dòng?” (Tv 114/113A, 5-6), và “nước đã thấy Ngài, vâng lạy Chúa, thấy Ngài nước rùng mình khiếp sợ, cả vực sâu cũng run rẩy kinh hoàng” (Tv 77/76,17).

♦ “Thả lưới chỗ nước sâu” : Hy-ngữ là “eis to bathos”, cũng có nghĩa là vực thẳm! Đây là sào huyệt của ác thần (x Tv 74/73,13 ; G 38,16 ; Gn 2,2 ; Kh 21,1). Vậy các Tông Đồ “bủa lưới Lời Chúa” xuống vực thẳm, chắc chắn “bắt được cá người”, mà ai có quyền bắt thì người ấy có quyền tha. Như Đức Giê-su đã ban quyền cho các môn đệ : “Chúng con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, chúng con cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm lại” (Ga 20,23). Đúng với lời kinh ta thường đọc : “Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.” (Tv 30/29,4) [Kinh Vực Sâu].

♦ “Hai thuyền cá đầy” là dấu chỉ việc Tông Đồ luôn đem lại hai ơn cho mọi người biết đón nhận và thực hành Lời Chúa :





Ơn cho linh hồn và thể xác.





Diễn tả vinh quang Thiên Chúa và đem lại hạnh phúc cho con người.





Được lợi đời này và nhất là đời sau.


Đúng như lời Thánh Kinh dạy : “Ai suy gẫm Lời Chúa và đem ra thực hành, người ấy làm gì cũng thành công!” (x Tv 1,2-3). Vì thế thánh Tông Đồ nói với giáo đoàn : “Tôi phó thác anh em cho Chúa và cho Lời ân sủng của Ngườii, Lời có sức xây dựng và ban phần cơ nghiệp giữa những kẻ được tác thánh” (Cv 20, 32).


IV. BIẾT CHÂN THÀNH SÁM HỐI TỘI MÌNH ĐỂ ĐƯỢC THANH TẨY NHỜ PHỤNG VỤ CỦA HỘI THÁNH.


Cả ba người : ngôn sứ Isaia (Bài đọc I) ; ông Phao-lô (Bài đọc II) và ông Phê-rô (Tin Mừng) đều được Chúa sai đi làm Tông Đồ, dù Chúa biết họ là những kẻ có tội, nên nếu họ không được Chúa tha thứ, thì không ai có thể làm được công việc Chúa trao. Chính vì thế mà :

* Ông Phê-rô đã thưa cùng Chúa : “Lạy Thầy, xin xa con, vì con là kẻ có tội!” (Lc 5, 8).

* Ông Phao-lô thú nhận đã bách hại Hội Thánh, ông thấy mình không xứng đáng là Tông Đồ của Chúa. Trong thư gởi giáo đoàn Corintho, ông đã vẽ lên một đoàn chứng nhân cho Chúa Phục Sinh đi đầu là “tên sa-tan Phê-rô”, kế đó là các Tông Đồ và hơn 500 giáo dân, và người sau chót là “tên vũ phu Phao-lô” (x Bài đọc II : 1Cr 15,1-11). Ta có thể liên tưởng đến đoàn tầu hỏa đang chạy : cái máy kéo đầu tầu là “sa-tan Phê-rô” (x Mt 16,23) ; còn máy để đẩy đoàn tầu là “sói Phao-lô” (x Cv 8,1-3 ; Cv 9,1t).

* Ông I-sai-a vào Đền Thờ thấy mình lạc lõng, không được cùng với các thiên thần, với muôn tạo vật cất tiếng chúc tụng Chúa là Đấng Chí Thánh, bởi vì ông nhận biết môi miệng mình chỉ ăn tục nói phét. Nhưng nhờ biết sám hối, Chúa đã cho Thiên thần gắp than hồng từ bàn thờ bỏ vào miệng lưỡi ông, tức khắc lưỡi ông được thanh tẩy, để ông được cung với muôn tạo vật cất lời chúc tụng Thiên Chúa, và ông đã thấy tà áo Chúa phủ kín Đền Thờ – dấu Chúa cứu độ dân – đến nỗi các thần Sê-ra-phim – thần dân ngoại tôn thờ – còn phải phủ phục trước tôn nhan Chúa mà ngợi khen Ngài (x Bài đọc I : Is 6).

Nhưng đó mới là dấu chỉ, còn thua xa nay người Ki-tô hữu đến Nhà Chúa được Linh mục đặt Lời và Thánh Thể vào miệng, đó mới thực là Chúa thanh tẩy tội lỗi của chứng nhân Ngài trước khi họ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Vì thế mà Linh mục nào cũng phải cúi sâu trước bàn thờ xin ơn thanh tẩy trước khi đến giảng đài công bố Lời Chúa. Để nói được như Isaia : “Chúa ban tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói mà nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Ngài đánh thức tôi, Ngài thức tỉnh tai tôi, để nghe Lời Ngài giáo huấn” (Is 50,4)


V. MAU MẮN ĐẶT HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ TRÊN MỌI HOẠT ĐỘNG KHÁC.


Hình ảnh ông Phê-rô đã dứt bỏ nghề chài lưới, dù ông mới bủa được mẻ cá lạ lùng làm dồi dào kinh tế gia đình, nhưng ông đã bỏ tức khắc hai thuyền cá đầy cùng với các bạn chài mà lên đường với Đức Giê-su ngay ! (x Lc 5,11). Như thế ông Phê-rô ý thức rằng : việc đi loan báo Tin Mừng là việc quan trọng nhất, đứng hàng đầu trong các bổn phận người Ki-tô hữu. Làm như thế là ông đã thực hành Lời Đức Giê-su dạy :




“Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hư nát, nhưng vì lương thực lưu lại mãi đến sự sống đời đời” (Ga 6,27).





Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4,4).





Phải nói được như Đức Giê-su đang lúc bụng đói : “Lương thực của tôi là làm theo ý Thiên Chúa đã sai” (Ga 4,31-34).


Ai sống được như trên là người đã lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước, thì chắc chắn những sự khác Chúa sẽ ban thêm cho (x Mt 6,33), nhất là được Chúa thanh tẩy khỏi lối sống bất xứng như ông Isaia, hầu chung với muôn tạo vật ca tụng Thiên Chúa : “Lạy Chúa, giữa chư vị Thiên thần con đàn ca kính Chúa” (Tv 138/137,2c : Đáp ca).

Vì kẻ nào chần chừ, tính toán hơn thiệt khi làm việc tông đồ, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa ! Do đó Tông Đồ Phao-lô nhắc nhở : “Ai lừng khừng sẽ làm mất ơn Chúa, trở nên kẻ cay đắng, gây xáo trộn và làm hư hỏng nhiều người” (Dt 12,15).

THUỘC LÒNG

Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội ! (Rm 5, 20)



Tác giả Đinh Quang Thịnh, Lm.