PDA

View Full Version : hãy cùng nhau giúp Già trong mùa chay



onggiachonggay_99
15-02-2010, 05:14 AM
thân chào các anh chị trong diễn đàn xin các anh chị bỏ ra vài phút để góp ý cho Già để Già biết cách thức ĂN CHAY , phải giữ chay thế nào ?kiêng giữ ra sao? thế nào là một ngày chay trọn vẹn ....
xin quý anh chị giúp ý cho Già
khoanh tay cúi đầu cảm ơn
:77::77::77::77::77::77::77::77::77::77:

halleluyah
15-02-2010, 07:12 AM
-Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng . Xin hãy giúp chúng con biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. (lời nguyện nhập lễ thứ tư Lễ tro)
-Cha muốn chúng con dùng việc hãm mình để cảm tạ Cha. Nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi giảm bớt được tính kiêu căng, và khi giúp nuôi dưỡng nhưng con người thiếu thốn, chúng con biết noi theo lòng nhân hậu của Cha. (Kinh Tiền tụng mùa Chay)
Đó là tinh thần ăn chay của Giáo Hội, không nặng về hình thức. Trong ngày chay thì ăn ít. Thắng cái thèm và cái đói để thắng cái yếu đuối. Trong những ngày ấy chỉ nên ăn rau mà thôi.Ăn khem khổ để dành ra được chút tiền san sẻ cho người nghèo (LM Piô Ngô Phúc Hậu)
Chúc mọi người một mùa Chay thánh tràn đầy hồng ân của Chúa....

Gia Nhân
15-02-2010, 08:07 AM
Hi,...con tìm được một số tài liệu nói về vấn đề này, giử bác tham khảo tí.

Luật Ăn Chay & Kiêng Thịt
(Trích Thông cáo Của Hội Đồng Giám Mục Anh Quốc & Wales ngày 24-1-1985 về các khoản Giáo Luật 1249-1253)


1. Bộ Giáo Luật mới nhắc chúng ta rằng mọi tín hữu buộc phải làm việc đền tội. Luật buộc này bắt nguồn từ việc noi gương chính Chúa Kitô và nhằm đáp trả lại tiếng Chúa mời gọi. Lúc còn tại thế, đặc biệt là lúc bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã tự nguyện làm việc đền tội. Ngài mời gọi những kẻ theo Ngài cũng hãy làm như vậy. Việc đền tội mà Ngài mời gọi là thông phần vào cuộc khổ nạn với Ngài, là biểu hiện của việc hoán cải nội tâm và là một dạng đền bù tội lỗi. Đó là một việc hy sinh cá nhân vì lòng mến Chúa yêu người. Vì thế những Kitô hữu đích thật theo tinh thần của Đức Kitô thì phải thực hành việc đền tội.

2. Vậy để hiệp nhất với Đức Kitô và với nhau trong cùng một cách thức đền tội chung, Giáo Hội đã dành ra một số ngày để làm việc đền tội. Trong những ngày đó các tín hữu sẽ đặc biệt dành cho việc cầu nguyện, hãm mình, và làm việc bác ái. Những ngày dành riêng này không nhằm khu trú hay tách riêng việc đền tội ra, mà là để nhấn mạnh việc đền tội trong đời sống của Kitô hữu trong suốt năm.

3. Theo truyền thống thì mùa Chay là mùa canh tân và đền tội trong Chúa Kitô. Bộ Giáo Luật mới đã tái xác nhận như vậy. Giáo Luật đã quy định Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ăn chay và kiêng thịt. Ăn chay có nghĩa là giảm một số lượng đáng kể thực phẩm chúng ta dùng. Kiêng có nghĩa là không ăn hay không uống một loại thực phẩm hay bỏ đi một loại giải trí nào đó. Những người trên 18 tuổi thì luật buộc phải ăn chay cho đến khi bắt đầu 60 tuổi, còn những người trên 14 tuổi thì buộc phải kiêng thịt. Các linh mục và phụ huynh cũng nên khuyến khích nuôi dưỡng tinh thần và tập thói quen đền tội cho những trẻ em chưa đến tuổi buộc ăn chay kiêng thịt.

4. Vì mỗi ngày thứ sáu nhắc chúng ta nhớ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nên cũng là ngày đền tội. Tuy nhiên Giáo Hội không buộc phải ăn cá vào ngày thứ sáu. Giáo Hội chưa bao giờ buộc như vậy cả. Kiêng có nghĩa là không ăn thịt chứ không phải ăn cá để thay thế. Theo bộ Giáo Luật mới, điều mà Giáo Hội buộc là mỗi ngày thứ sáu các tín hữu phải kiêng thịt, hay một loại thực phẩm, hay làm một việc đền tội nào đó theo quy định của Hội Đồng Giám Mục.

5. Trong tinh thần hiệp nhất với Giáo Hội hoàn vũ, Hội Đồng Giám Mục Anh Quốc & Wales nhắc nhở các tín hữu về luật buộc đền tội vào các ngày thứ sáu, và quy định rằng luật này có thể được chu toàn bằng một hay những cách sau đây:

a) Kiêng thịt hay một loại thực phẩm nào đó.
b) Kiêng rượu, kiêng hút thuốc, hay loại giải trí nào đó.
c) Cố gắng tham gia cách đặc biệt vào việc đọc kinh gia đình, tham dự thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa, hay ngắm đàng Thánh Giá.
d) Kiêng tất cả các loại thực phẩm trong một thời gian lâu hơn bình thường và dùng số tiền tiết kiệm này để giúp những người thiếu thốn.
e) Nỗ lực một cách đặc biệt để giúp đỡ người nghèo, đau yếu, già cả, hay đơn côi.

6. Cách thức làm việc đền tội mỗi ngày thứ sáu là một sự lựa chọn cá nhân và không nhất thiết phải giữ y một cách thức đã chọn cho tất cả các ngày thứ sáu. Nếu lỡ quên hoặc vì lý do chính đáng không thể làm việc đền tội vào ngày thứ sáu thì không phải là tội. Tuy nhiên, làm việc đền tội là một phần trong đời sống Kitô hữu, và luật buộc là phải có ý muốn làm việc đền tội vào những ngày thứ sáu. Hội Đồng Giám Mục Anh Quốc & Wales tin rằng các tin hữu sẽ ghi nhớ và thực hành luật này để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.



Lm J. Nguyễn Minh Hoàn dịch từ Niên Giám Công Giáo Anh và Wales năm 2002




Ăn chay kiêng thịt

15/02/2008 19:30Tại sao người Công Giáo chỉ ăn chay có 2 ngày và kiêng thịt thì lại cho ăn những món ăn khác như tôm, cua, cá… đôi khi còn ngon và đắt tiền hơn thịt nữa, trong khi các đạo khác ăn chay khắc khổ hơn. Thực hành việc ăn chay phải như thế nào mới đúng:

Việc ăn chay và kiêng cữ thường đi chung với nhau nhưng là hai việc khác nhau.

Ăn chay vốn là một từ bên Phật Giáo và đã được cha Alexandre de Rhodes giảng trong Từ điển Annam-Bồ Đào Nha - Latinh như sau : Ăn chay. Đích thực có nghĩa là kiêng thịt và cá, nhưng bây giờ để chỉ sự ăn chay của những Kitô hữu. Ăn chay (jejunium) có nghĩa là giới hạn lượng lương thực được ăn vào những ngày cụ thể. Còn kiêng cữ (abstinentia) có nghĩa là từ bỏ một thức ăn khoái khẩu như thịt, cá, tôm…

Ăn chay là việc thực hành phổ biến của hầu hết các tôn giáo. Tuy nhiên, mục đích của việc ăn chay lại không giống nhau. Đối với những tu sĩ Phật Giáo hay nhiều Phật tử có thói quen ăn chay trường là cữ sát sinh không dùng những thức ăn có nguồn gốc từ động vật hoặc không có sự giết chóc động vật trong quá trình chế biến vì lòng từ bi đối với tất cả mọi loài chúng sinh. Trong khi đó người Công Giáo ăn chay để biểu lộ lòng sám hối, ăn năn, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Vì thế mà việc ăn chay hai bên khác nhau nên không thể so sánh vì không cùng mục đích.

Đối với Kitô giáo, ban đầu đó là một việc làm tự nguyện của giáo dân lâu dần mới thành thói quen trong Hội Thánh. Sau đó ăn chay trở thành luật buộc. Việc ăn chay được ấn định cho suốt Mùa Chay. Từ Thế Kỷ V đến Thế Kỷ IX, ngoại trừ ngày Chúa Nhật, mùa này chỉ được dùng một bữa ăn, thường là bữa tối. Không được có thịt, cá trong bữa ăn và có nơi còn cấm cả trứng cũng như các sản phẩm từ sữa. Đầu Thế Kỷ X, bữa này chuyển về buổi trưa. Khoảng Thế Kỷ XIV, buổi tối có thể dùng một bữa ăn nhẹ. Đến thời Trung Cổ thì bãi bỏ luật cấm ăn cá và các sản phẩm từ sữa như bơ, phó mát…

Theo Giáo Luật 1917 thời đó chỉ được dùng một bữa chính ăn no trong các ngày mùa Chay trừ Chúa Nhật và hai bữa ăn khác không có thịt và cũng không ăn nhiều như các bữa ăn thông thường. Các ngày kiêng thịt là các ngày thứ sáu quanh năm còn trong mùa Chay thêm ngày thứ Bẩy (x. Giáo Luật cũ 1250 – 1254).

Luật kiêng cữ nghiêm nhặt vẫn được tuân giữ cho tới ngày 17 tháng 2 năm 1966. Với Tông Hiến Poetemini của Đức Giáo Hoàng Paul VI đã có sự thay đổi về việc ăn chay và kiêng thịt.

Ngày nay, việc ăn chay và đã được giảm bớt đi chỉ còn 2 ngày là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh theo qui định của Giáo Luật điều 1251 như sau :

Phải kiêng thịt, hay kiêng của ăn nào khác theo qui định của Hội Đồng Giám Mục, các ngày thứ sáu trong năm, trừ khi những ngày ấy trùng với một ngày nào khác trong số những ngày lễ trọng; còn luật kiêng thịt và ăn chay thì phải giữ ngày Lễ Tro và ngày thứ Sáu kính cuộc Khổ Nạn và sự chết của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Bạn có hỏi tại sao ăn chay ít thế chỉ có hai ngày một năm ? Đọc lại lịch sử chắc bạn cũng thấy rằng đã có thời gian việc ăn chay khá nhiệm nhặt. Ăn chay suốt mùa Chay vào thời kỳ mà lương thực không lấy gì làm sung túc lắm. Tuy nhiên, nếu ăn chay trở thành một sự áp đặt cứng ngắt thì cũng tạo ra một sự tuân thủ miễn cưỡng và giả tạo. Đôi khi còn dẫn đến hình thức luồn lách để tránh né thí dụ như như luật không qui định thời gian của bữa ăn nên người ta có thể kéo dài một bữa ăn vài giờ đồng hồ.

Chắc bạn cũng từng gặp trường hợp có những người ăn chay đã phải thức chờ sau 12 giờ đêm ngày thứ Tư lễ tro để ăn cho đỡ đói. Việc ăn chay hẳn không phải lúc nào cũng dễ dàng với nhiều người. Vậy thì việc qui định bắt buộc chỉ còn 2 ngày cho thấy Giáo Hội giảm đi việc bó buộc nhưng vẫn cho bạn được tự do ăn chay thêm vào những ngày bạn muốn hãm mình để giúp bạn làm chủ các bản năng và tiến tới sự tự do nội tâm, diễn tả lòng thống hối và hiệp thông với cuộcTử Nạn của Chúa. Nếu thấy ít, bạn vẫn có thể tự nguyện ăn chay nhiều hơn. Đâu có ai cấm bạn ! Miễn là đừng làm hại sức khoẻ thôi. Đó chính là việc ăn chay tự nguyện như đã được thực hiện thuở ban đầu của Hội Thánh khi chưa có luật buộc.

Về việc kiêng thịt

Điều 1251: Phải kiêng thịt, hay kiêng của ăn nào khác theo qui định của Hội Đồng Giám Mục, các ngày thứ sáu trong năm, trừ khi những ngày ấy trùng với một ngày nào khác trong số những ngày lễ trọng…

Điều 1252: Ai đã trọn 14 tuổi buộc phải giữ luật kiêng thịt; còn luật ăn chay buộc tất cả những người thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi. Tuy nhiên, các vị Chủ chăn và cha mẹ phải lo sao để cả những người vị thành niên không buộc ăn chay kiêng thịt cũng được thấm nhuần tinh thần sám hối đích thực.

Điều 1253: Hội đồng Giám mục có thể ấn định rõ hơn luật giữ chay và kiêng thịt, cũng như có thể thay thế toàn phần hay một phần việc kiêng thịt và ăn chay bằng những hình thức sám hối khác, nhất là bằng những việc bác ái và việc đạo đức.

Như vậy mục đích của việc kiêng thịt hay kiêng một thức ăn nào khác là một sự hãm mình, từ bỏ bản thân trong ngày sám hối chung của toàn thể Giáo Hội là ngày thứ sáu. Cho nên điều quan trọng là thấm nhuần tinh thần sám hối như được nói đến trong điều 1252 chứ không chỉ tuân thủ một qui định thuần tuý luật lệ.

Giáo Luật cũng đã đề cập đến việc kiêng một thức ăn khác cũng như có thể được thay thế bằng những việc bác ái và đạo đức theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục ( điều 1253). Vì vậy mà có nơi không nói đến kiêng thịt nữa nhưng không vì thế mà không cần nghĩ đến sám hối và làm các việc đạo đức, bác ái... Và như đã bạn thắc mắc kiêng thịt mà lại tìm những món ăn ngon hơn như tôm, cua… mà ăn thì còn đâu là ý nghĩa của ngày thống hối chung và ăn kiêng như thế cũng coi như chưa kiêng gì cả !

Tóm lại

TUỔI GIỮ CHAY: Từ 18 tuổi trọn đến hết 59 tuổi.

TUỔI KIÊNG THỊT: Từ 14 tuổi trở lên

CÁCH GIỮ CHAY: Trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no(chọn bữa nào cũng được), còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Trong ngày chay không được ăn vặt như kẹo, bánh v.v

CÁCH KIÊNG THỊT: Cấm ăn thịt loài máu nóng (heo, bò, gà, vịt…) bao gồm thịt và tất cả những thứ khác như tim, gan, lòng chay.... Nhưng được dùng các nước thịt và các đồ ăn có pha chất thịt, như cháo nước thịt. Được ăn cá và loài máu lạnh (như ếch, rùa, sò, cua, tôm). Ngày kiêng thịt cũng được phép dùng trứng và các sản phẩm từ sữa như bơ và phó mát ...

NGÀY BUỘC GIỮ CHAY VÀ KIÊNG THỊT : Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh

(Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích)

Gia Nhân
15-02-2010, 10:42 AM
ĂN CHAY, KIÊNG THỊT


TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ???



1. Xin cho biết Mục đích và Ý nghĩa việc ăn chay kiêng thịt trong GHCG:
-Trong Giáo hội Công giáo, Ăn chay kiêng thịt là một hình thức hãm mình theo chiều hướng 1/ "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo"(Mt 16,24), 2/ "Từ bỏ bản thân" (Giáo luật (Gl) khoản 1249), và 3/ "dẹp tính mê ăn uống" đó là một trong 7 mối: Thứ 5 Kiêng bớt chớ mê ăn uống.

2. GHCG dạy ăn chay kiêng thịt bao nhiêu lần trong một năm?
-Giáo hội dạy các giáo dân thuộc về GH: ăn chay và kiêng thịt một năm 2 lần: Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh (Gl 1251).

3. Tại sao Giáo hội buộc kiêng thịt mà lại cho ăn những món khác như tôm, cá, cua…đôi khi còn ngon và đắt tiền hơn thịt nữa?
- Thông thường người ta từ nhỏ tới lớn thích ăn thịt hơn ăn cá (trừ người Do thái, cậu bé khi đi chơi cũng đem 5 chiếc bánh mì đen và 2 con cá (Gioan 6,9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá), đàng khác theo y học, đạo đức học: thịt bò, thịt heo có nhiều chất kích thích tình dục hơn cá, tôm, cua (cá có máu lạnh). Có thể là một lí do Giáo hội dạy kiêng thịt như một hình thức hãm mình.
*Nhưng nếu vì kiêng thịt mà có người tránh miền này để qua miền khác mà ăn, hoặc đi tìm cách ăn cho sang, cho ngon thì "hết ý kiến" như truyện vui như sau:
Ngày thứ sáu mùa Chay kiêng thịt, một thanh niên khỏe mạnh vào quán ăn. Người tiếp viên tới hỏi: Thưa ông dùng chi? Ông khách nói: Cho tôi đĩa cá sấu?- Xin lỗi, chúng tôi không có.- Cho tôi đĩa cá voi?- Xin lỗi, chúng tôi không có.- Cho tôi đĩa cá mập.- Xin lỗi, chúng tôi cũng không có.- Tiệm gì lạ vậy, Chúa ơi, xin Chúa chứng giám, hôm nay con đành phải ăn thịt. Thế rồi anh gọi tiếp: Thôi, cho tôi một đĩa thịt bò bít tết và một chai uýt ki. Làm dấu Thánh giá nghệch ngoạc xong, ông ta ăn uống tỉnh bơ, và cảm thấy lương tâm yên ổn hơn khi nào hết! :)))

4. Mấy tuổi thì ăn chay, kiêng thịt?
- 18 tuổi trọn tới hết 59 là tuổi ăn chay (Gl 1252).
- 14 tuổi trọn (không nói kết thúc) là tuổi kiêng thịt.(Gl khoản trên)

5. Ăn chay sao cho đúng, người nói ăn no, người nói ăn đói?
- Ngày ăn chay: Nếu bữa trưa là bữa chính, thì được ăn no. Bữa sáng và bữa chiều, ăn ít hơn bữa trưa. Nếu bữa tối là chính thì 2 bữa kia cũng được ăn ít hơn.
Phẩm và lượng đồ ăn tùy phong tục địa phương (Đức Phaolô VI, Tự Sắc về Đền tội Paenitemini ngày 17.2.1966).
Trong ngày chay cũng không được ăn vặt như kẹo, bánh v.v. Cần để ý đến tinh thần hi sinh, hãm mình, khắc khổ, tự chế.

6. Kiêng thịt sao cho đúng?
- Ngày kiêng thịt: Kiêng các thứ thịt loài vật máu nóng: như trâu, bò, heo, gà, vịt… (loài có vú và chim) kể cả bộ lòng...
nhưng được ăn trứng và các thứ biến chế từ sữa, được ăn những đồ gia vị, những thứ biến chế từ mỡ loài vật (theo Tông hiến Paenitemini 3,1 của ĐGH Pholô 6, về việc ăn chay và kiêng thịt.

7. Khi không thể ăn chay, kiêng thịt thì sao?
- Giáo hội không buộc người không thể giữ những luật buộc như ăn chay, kiêng thịt. Giáo hội tha chung cho những người sau:
- Được tha giữ chay:
a Những người vì sức khỏe, (mẹ nuôi con thơ cần bú…)
b Những người phải làm việc nặng nhọc,
c Những người nghèo khó vẫn khổ sở vì đói,
d Những người được cha xứ, Bề trên Dòng, Giám mục tha.
- Được tha kiêng thịt:
a Mọi người trong Ngày Thứ Sáu gặp lễ buộc, Vd lễ Truyền tin trong mùa Chay.
b Người vì sức khỏe, hay công việc nặng nhọc cần phải ăn thịt,
c Người mà chủ nhân không cho đồ ăn khác, ví dụ: Tôi tớ, trẻ con, người vợ.
Ngoài ra, ai cần tha thì xin phép linh mục xứ, cộng đoàn nơi mình đang ở.

8. Luật ăn chay kiêng thịt bên Mỹ thế nào?
- Nói chung, Giáo hội (Gl 1250) lấy các thứ Sáu trong năm và mùa Chay làm ngày và mùa Thống hối cho mọi con cái thuộc Giáo hội trong mọi dân mọi nước.
*Riêng trong nước Mỹ, HĐGM chỉ định: giáo dân chỉ kiêng thịt các Thứ Sáu Mùa Chay (5 thứ 6, cộng thêm thứ Tư lễ Tro và Thứ 6 Tuần thánh).
Được ăn cháo lỏng có mùi thịt, meat gravy and sauces. (Catholic Almanac 1989, coi Abstinence).

*Dễ hơn nữa, theo quyết định của Hội đồng Giám mục, "Không cần xin phép miễn ăn chay, kiêng thịt. Để tùy lương tâm cá nhân xác định, khi có lý do đủ (sufficient reason), người ta có thể tự miễn ăn chay, kiêng thịt vào ngày buộc. Nhưng Các Giám mục (Gl 1253) mạnh mẽ khuyến khích dự lễ misa hàng ngày và giữ chay kiêng thịt vào ngày khác trong tuần để bù lại". (Theo Tuần báo North Texas Catholic Feb. 24, 1995. P. 13).

9. Kết: Ăn chay là hình thức đền tội của Cựu Ước và Tân Ước.
*Chúa Giêsu giữ chay 40 đêm ngày trước khi đi truyền đạo công khai trong nước Do thái.
*Đối với chúng ta, chẳng ai là không phải đền tội, tội đầy đầu trong tư tưởng, lời nói, việc làm sai trái, thiếu sót bỏ không làm việc tốt phải làm..."lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng". Do đó, nếu Giáo hội không buộc, thì tự mình cũng nên tìm cách hãm mình đền tội cách nhẹ ở đời này, hơn là để đền tội "cách nặng" trong luyện ngục đời sau!

Gl khoản 1249 viết thêm: Luật Chúa buộc mọi tín hữu làm việc thống hối theo các thức riêng của mỗi người. Nhưng để các tín hữu liên kết với nhau trong một vài nghĩa vụ thống hối chung, luật qui định những ngày thống hối , để trong những ngày ấy, các tín hữu chú trọng đặc biệt đến sự cầu nguyện, thi hành việc đạo đức và việc bác ái, từ bỏ bản thân, bằng các trung thành chu toàn các bổn phận riêng và nhất là bằng cách giữ chay và kiêng thịt".

Gl khoản 1251 cũng khuyên các chủ chăn và các phụ huynh dạy cho các em dù chưa đến tuổi buộc ăn chay và kiêng thịt để chúng hiểu biết ý nghĩa đích thực của việc thống hối.

Ăn chay, kiêng thịt trong đạo Công giáo, dù không nhiều như luật giữ chay của mấy đạo khác...(Phật giáo: tín đồ ăn chay nhiều ngày…đạo Cao đài: tín hữu ăn chay từ 2-10 ngày trong một tháng, hoặc ăn chay trường, nếu là bậc chức sắc. Đạo Hồi có cả tháng cha Ramadan (không ăn, không uống, không hút thuốc và kiêng việc chăn gối).

Hy vọng những người "con Chúa" không ai thấy ăn chay kiêng thịt đạo mình là khó quá rồi kêu ca hay khinh thường phạm đến luật Hội thánh mà mang tội.

(Linh mục. Đoàn Quang, CMC
http://xuanha.net)








Ăn chay thế nào cho đúng ý Thiên Chúa?



Theo lịch Phụng Vụ của Giáo Hội, Thứ Tư Lễ Tro là ngày đầu tiên của Mùa Chay. Mùa Chay kéo dài khoảng 5 tuần lễ, trong đó toàn Giáo Hội thực hiện đời sống chay tịnh, sám hối, chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa sống lại. Vấn đề phải đặt ra và suy nghĩ là: phải ăn chay thế nào cho đúng tinh thần Kitô giáo, đúng tinh thần của Thánh Kinh.




1. Việc ăn chay trong Thánh Kinh

Trong Thánh Kinh, ta thấy các tín đồ ăn chay là để thờ phượng Thiên Chúa (x. Ds 29,7; Cv 13,2), làm đẹp lòng Thiên Chúa (x. Tl 20,26; Gđt 8,6), như một việc đạo đức, một nghi thức tôn giáo (x. Mc 2,18; Lc 2,37; Lc 18,12), để được nhậm lời khi cầu nguyện (x. 2Sm 12,16-22; 2Sb 20,3; Er 8,21; Gđt 4,9; Et 4,16; 9,31; 1Mcb 3,47; 2Mcb 13,12; Tv 35,13; Br 1,5; Đn 9,3; Cv 13,3; 14,23), đi kèm với cầu nguyện để trừ quỉ (x. Mt 17,21), để tỏ lòng ăn năn, sám hối (x. 1Sm 7,6; 1V 21,27; Nkm 9,1; Gn 3,5), để đền tội, xin Thiên Chúa tha tội (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2; Hc 34,26; Đn 10,2), và đi kèm với than khóc để tỏ lòng buồn bã, thương tiếc, lo sợ (x. 2Sm 1,12; 1Sb 10,12; Nkm 1,4; Et 4,3). Đức Giêsu đã ăn chay 40 đêm ngày để chuẩn bị sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Riêng ngôn sứ Isaia quan niệm ăn chay theo một ý nghĩa hoàn toàn mới, với mục đích đầy tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7). Ông cho rằng cách ăn chay ấy rất đẹp lòng Thiên Chúa: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”(Is 58,6-7). Vậy, theo Isaia, ăn chay đúng nghĩa chính là thực hiện công bằng xã hội, là tỏ tình yêu thương với người chung quanh bằng những hành động cụ thể.




2. Mục đích của việc ăn chay

Như vậy, mục đích của việc ăn chay có thể là:




• Thờ phượng Thiên Chúa, làm đẹp lòng Thiên Chúa: coi việc nhịn đói như một của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa.


• Hỗ trợ cho việc cầu nguyện:lời cầu nguyện đi kèm với ăn chay sẽ trở nên hữu hiệu hơn, đặc biệt khi trừ quỉ.


• Ăn năn sám hối, đền bù tội lỗi: việc ăn chay được coi như một hình phạt tự ý để đền bồi những lầm lỗi mình hoặc thay cho người khác.


• Thánh hóa bản thân: giúp luyện tập đức tự chủ, sống đơn giản, siêu thoát… là những đức tính rất cần thiết cho việc nên thánh.


• Đi đôi với cầu nguyện để chuẩn bị một công việc hệ trọng, một giai đoạn mới trong cuộc đời.


• Thực hiện tình yêu đối với tha nhân: chấp nhận sống kham khổ, thiếu thốn để có phương tiện giúp đỡ người nghèo, những người cần được giúp đỡ; giảm bớt tính vị kỷ, tập sống yêu thương, vị tha, tập hy sinh cho tha nhân. Đây là một ý hướng tối cần thiết cho việc nên thánh.




3. Cần ăn chay với mục đích cao thượng

Bài Tin Mừng cho thấy những người ăn chay, hay làm bất kỳ một hành động tốt nào với mục đích để được người đời khen ngợi, ca tụng, thì việc ấy sẽ không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngài không ân thưởng cho những hành động ấy, vì họ “đã được phần thưởng rồi”. Để việc ăn chay hay bất kỳ hành động tốt nào có giá trị trước mặt Thiên Chúa, thì việc tiên quyết là phải làm việc ấy với động lực yêu thương, nghĩa là với mục đích cuối cùng là phụng sự Thiên Chúa, thánh hóa bản thân, hay phục vụ tha nhân, nghĩa là phải ăn chay với những mục đích đã kể trên. Thật vậy, thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

Theo tinh thần câu Kinh Thánh này, nếu tôi ăn chay, hãm mình, thậm chí làm ân làm phúc, bố thí cho người khác, không phải vì tình yêu thương, mà vì một động lực nào khác, như để được tiếng khen là ngoan đạo, hay chỉ để chu toàn luật Giáo Hội một cách nô lệ, sợ sệt (nghĩa là một cách miễn cưỡng, không làm thì sợ bị Chúa phạt), để không bị ai chê mình là khô đạo, là thiếu đạo đức, v.v… thì việc ăn chay đó chẳng mấy đẹp lòng Thiên Chúa, chẳng có giá trị lắm trước Thiên Chúa.

Thật vậy, nhiều Kitô hữu ăn chay chỉ vì luật buộc, nên việc ăn chay của họ chỉ hoàn toàn là hình thức. Ngày thứ ba trước đó và thứ năm sau đó, họ ăn cho thật nhiều, thật ngon, thật bổ, để bù cho việc nhịn ăn ngày thứ tư. Vì thế, thứ ba đó gọi là “thứ ba béo” (mardi gras). Việc ăn bù trước và sau thứ tư lễ tro khiến cho lượng thực phẩm và chất bổ ăn trong ba ngày đó còn cao hơn ba ngày bình thường khác cộng lại.

Nếu ăn chay chỉ vì luật Giáo Hội buộc phải ăn chay, thì như thế là ăn chay vì lề luật chứ không phải vì tình yêu. Điều đó không làm cho ta nên công chính trước mặt Thiên Chúa chút nào. Thánh Phao-lô viết: “Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng”(Gl 5,4). Nếu ăn chay chỉ vì Giáo Hội buộc phải ăn chay, thì ta sẽ chỉ ăn chay một cách hình thức, lấy lệ, không có nội dung tinh thần. Việc đi dâng lễ các ngày Chúa Nhật cũng vậy: nếu chỉ đi lễ để khỏi lỗi luật Giáo Hội, để khỏi mắc tội trọng, chứ chẳng phải đi vì yêu mến Thiên Chúa, thì giá trị việc đi lễ ấy trước mặt Thiên Chúa thật là ít!




4. Ăn chay để có phương tiện phục vụ Thiên Chúa và tha nhân

Ăn chay, theo nghĩa đen, chính là tự nguyện nhịn ăn hoàn toàn hay ăn ít hơn bình thường. Ăn chay, theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là tự nguyện nhịn ăn, mà còn là tự nguyện nhịn tiêu xài ăn mặc, chấp nhận sống kham khổ hơn, thiếu thốn hơn. Như thế việc ăn chay sẽ khiến ta dư ra một chút tiền hay chút thức ăn. Chút tiền hay thức ăn dư ra ấy nên dùng làm gì? Nếu ta lại cất tiền hay thức ăn ấy vào tủ để mai mốt đem ra dùng, thì việc ăn chay ấy có ích lợi cho ai đâu! Ăn chay như thế thì chẳng phải vì yêu thương chút nào! Ăn chay như thế có khác nào một hành vi tiết kiệm hay hà tiện? Số tiền hay thức ăn tiết kiệm được do ăn chay cần được dành để lo việc Chúa, việc Giáo Hội (như truyền giáo, nâng đỡ đời sống các giáo lý viên, những người tình nguyện không công phục vụ nhà thờ…), để xây dựng xã hội (lập các bệnh viện, trường học, cơ sở từ thiện…) hay cho việc giúp đỡ tha nhân (những người nghèo khổ, bệnh tật, tàn tật…). Có như thế, việc ăn chay mới có ý nghĩa bác ái, yêu thương, và nhờ vậy trở nên giá trị hơn trước Thiên Chúa.

Thiết tưởng trong thời đại chúng ta – con người trở nên rất gần nhau nhờ những phương tiện giao thông và truyền thông hết sức tân tiến – việc ăn chay phải mang chiều kích xã hội và Giáo Hội hơn bao giờ hết. Nói cách khác, việc ăn chay phải nhằm xây dựng Nước Trời ở trần gian này, nghĩa là phải biến việc ăn chay thành một phong cách sống nhằm xây dựng xã hội hay Giáo Hội ngày càng tốt đẹp hơn, càng có nhiều công lý và tình thương hơn.



***




Ngày nay Giáo Hội chỉ buộc các tín đồ Công giáo ăn chay mỗi năm 2 lần mà thôi. Điều ấy thật hữu lý vì ăn chay phải mang tính tự nguyện chứ không thể ép buộc được. Nhưng chắc chắn Thiên Chúa muốn cách ăn chay của chúng ta mang tính tâm linh hơn. Nghĩa là việc ăn chay – hiểu theo nghĩa bớt ăn bớt tiêu để có nhiều phương tiện yêu thương, phục vụ, giúp đỡ tha nhân một cách cụ thể hơn – phải trở thành một thói quen, một phong cách sống của chúng ta. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta đủ quảng đại để thực hiện điều ấy.


Nguồn: http://nguyenchinhket4.blogspot.com (http://nguyenchinhket4.blogspot.com)

onggiachonggay_99
17-02-2010, 09:49 AM
hôm nay già đi lễ nghe cha ở giáo xứ giảng với các em hoc sinh tiểu học va cha xứ có kêu gọi các em hay tham gia vào viêc an chay cha xứ dậy ăn chay thì già chịu liền không phai quá khắt khe lămcha xứ nói
Người ăn chay thì hãm mình các con thân mến các con hay ăn chay, hãm mình để có của bố thí đó mới là điểm chính của sự ăn chay . trung bình mỗi ngày một gia đình chi tiêu hết $70.00 thì hôm nay ngày chay chúng ta có thể tiết kiệm đến mức tối đa sư chi tiêu trong gia đình và dùng số tiền đã tiết kiệm được đó để mà bố thí cho những người đói khổ những nước đang bị thiên tai, chiến tranh tàn phá ... vậy là các con đã giữ chay trọn vẹn rồi
Vâng như vậy thì Già sẹ chọn theo cách ăn chay mà già học được hôm nay hy vong không bị trái luật