PDA

View Full Version : Sứ vụ truyền giáo của anh em hèn mọn



Gia Nhân
17-02-2010, 07:37 AM
Sứ vụ truyền giáo của anh em hèn mọn







http://www.ofmvn.org/images/stories/2010/01/phanxico_truyengiao.jpg
800 năm làm chứng cho Tin Mừng


Thánh Phanxicô là Đấng lập Dòng đầu tiên đã đưa vào Luật Dòng một chương liên quan tới chủ đề mà hôm nay chúng ta gọi là “Sứ vụ truyền giáo cho muôn dân” (missio ad gentes), nghĩa là loan báo Tin Mừng cho các dân tộc và các nền văn hóa mới. Nói cho đúng, Dòng anh em hèn mọn là Hội dòng truyền giáo đầu tiên trong Giáo hội.
Hội dòng đã hoạt động truyền giáo liên tục suốt 800 năm (1209 – 2009), hầu như khắp mọi quốc gia trên hành tinh. Có lẽ các bạn khó tìm thấy một nơi nào mà lại không có dấu vết hoặc ký ức về chứng tá Phan sinh. Nếu “hoạt động truyền giáo là thước đo của đức tin” như Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố, thì khi nhìn vào sự hiện diện của anh em trên bản đồ thế giới, người ta mới hiểu được ý thức của Hội dòng trong việc thông truyền cho mọi người Lời Cứu độ của Đức Giêsu Kitô, không hề mệt mỏi hay bỏ cuộc khi phải đối mặt với những khó khăn hoặc nhiều cuộc bách hại.
Cùng với sự hiện diện liên tục tại những nơi mà hiện nay Giáo hội và Hội Dòng đã thiết lập cơ sở, trong thời gian qua chúng ta thiết lập những dự án mới, nhằm truyền bá đức tin và lập Dòng. Chúng ta đã hoạt động truyền giáo khắp Hạt dòng Thánh Địa, đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo Đông phương, loan báo Tin Mừng cho các thổ dân và các nền văn hóa Phi châu, vun đắp tương quan huynh đệ với các Giáo hội Chính thống.
Dưới đây là những đơn vị hiện nay do Tổng Phục vụ và Trung ương Dòng điều hành, với sự cộng tác của những anh em đến từ nhiều nơi trên thế giới.


Hạt dòng Thánh Địa

Được xem là “hồng ngọc” của công cuộc truyền giáo Phan sinh, Hạt dòng Thánh địa nay đã trở thành một đơn vị tự trị, có mặt tại Is-ra-en, Pa-lét-tin, Gióc-đan, Xi-ri, Li-băng, Ai-cập, Đảo Xíp và Hy-lạp. Anh em hoạt động tại 25 giáo xứ và nhiều nhà thờ. Thêm vào đó, anh em vừa đảm nhận thêm công tác mục vụ di dân, nhất là cho tín hữu Công Giáo di cư đến Is-ra-en để tìm kiếm công ăn việc làm. Hạt dòng đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người nghèo và vô gia cư, giúp học bổng cho những người trẻ muốn tiếp tục học hành, tiếp tục công tác giáo dục học đường (đã có từ thế kỷ 16) và tiếp đón các sinh viên và các thầy giáo thuộc mọi chủng tộc hoặc tôn giáo. Trong số đó có học viện “Magnificat” là nơi các nhạc sỹ trẻ đến học tập và nhờ có chung niềm đam mê, họ cũng học được nghệ thuật đối thoại và lòng khoan dung. Tuy nhiên, hoạt động chính yếu của anh em là chăm sóc Thánh địa ghi dấu cuộc sống tại thế của Chúa Giêsu, ngõ hầu Thánh địa mãi mãi là nơi thờ phượng, tiếp đón và mời gọi vô số khách hành hương đến tham dự những cử hành phụng vụ trọng thể. Sau hết, ở đây cũng không thiếu những cuộc gặp gỡ và đối thoại liên tục với những Kitô hữu ngoài Công giáo. Có tất cả 291 anh em hiện diện ở đây: 182 anh em thuộc Hạt dòng thánh địa và 109 anh em từ những Tỉnh dòng khác đến.


Liên hiệp “Thánh Phanxicô” tại Nga và tại Kazakhstan

Liên hiệp được chính thức thành lập năm 1997, nhưng anh em Phan sinh đã hiện diện từ năm 1991 nhằm cộng tác với Giáo hội địa phương trong hoạt động mục vụ. Mục tiêu chính là cộng tác với những linh mục và tu sĩ khác đang hoạt động tại địa phương, đối thoại đại kết với Giáo hội Chính thống Nga và đặt nền móng cho sự hiện diện Phan sinh. Ở Nga có 3 huynh đệ đoàn (St. Petersburg, Novosibirst, Ussurisk) và ở Kazakhstan có 2 huynh đệ đoàn (Almaty và Taldykorgan). Công tác chính yếu là hoạt động mục vụ tại những giáo xứ nhỏ của tín hữu Công Giáo, hoạt động tại Trung tâm Giới trẻ St. Petersburg (cộng tác với Giáo hội Chính thống và Anh giáo), mở trường dạy học cho trẻ em nghèo tại Novosibirsk, chăm sóc người già và bệnh tật tại trung tâm Ussurisk và làng ARK, chăm sóc trẻ em thiểu năng hoặc bị bỏ rơi tại trung tâm Talgar (gần Almaty) và phục vụ bữa ăn cho người nghèo tại Almaty. Có 25 anh em hoạt động trong những cơ sở này.


Cơ sở Phan sinh tại Thái-lan

Dự án được khởi sự từ năm 1985 nhằm thể hiện đoàn sủng Phan sinh giữa dân chúng với một thái độ hiếu hòa và hiếu khách, nhất là với những người túng thiếu. Một hoạt động quan trọng của dự án là Nhà tế bần Thánh Clara tại Lam-sai. Đây là nơi anh em cộng tác với người Hồi giáo và Phật tử để tiếp nhận và chăm sóc những bệnh nhân Aids giai đoạn cuối. Anh em cũng còn hiện diện tại Băng-cốc và Prachuab.
Cơ sở gồm 8 nhà truyền giáo, 3 anh em khấn tạm, 2 tập sinh, 1 sinh viên Thần học, 3 thỉnh sinh và 11 ứng sinh.


Cơ sở Phan sinh tại Myanmar (Miến-điện)

Từ thế kỷ thứ 17, Anh em Phan sinh đã tới đây truyền giáo, nhưng sau đó đã rút lui. Tháng 8.2005, anh em trở lại đất nước này dưới hình thức một huynh đệ đoàn quốc tế tại Yangoon. Mục tiêu của huynh đệ đoàn là trợ giúp Giáo hội địa phương non trẻ, nhất là các linh mục và tu sĩ, cũng như tăng cường sáng kiến mục vụ trong một đất nước mà phần lớn người dân theo đạo Phật.
Hiện nay, cơ sở gồm có 4 nhà truyền giáo ngoại quốc, 1 thỉnh sinh và 6 ứng viên thuộc những sắc dân khác nhau tại Myanmar.


Cơ sở “Thánh Phanxicô” tại Xu-đăng

Anh em Phan sinh đến Xu-đăng khoảng đầu năm 1647, nhưng sự hiện diện Phan sinh đã sớm chấm dứt. Sau đó, chiến tranh liên tục xảy ra, nên anh em không thể nào tái lập công cuộc truyền giáo được. Mãi tới năm 2006, anh em mới chính thức thiết lập cơ sở và những anh em đầu tiên đã đến Khartoum năm 2007. Mục đích của huynh đệ đoàn là lấy gương sáng làm chứng cho linh đạo Tin Mừng, đồng thời trợ giúp các linh mục, giáo lý viên và người trẻ trong giáo phận. Huynh đệ đoàn cũng muốn trình bày sứ điệp hy vọng và trợ giúp cụ thể cho nhiều người dân và người tị nạn sống trong sự nghèo đói cùng cực. Cơ sở có 4 anh em.


Liên hiệp Phan sinh tại Ma-rốc

Nếu Pooc-xi-un-cu-la là nơi khai sinh Hội dòng, thì Marrakesh là nơi Hội dòng lãnh nhận phép thánh tẩy, đó là nơi 5 vị tử đạo tiên khởi đã làm chứng. Khi nghe tin, Thánh Phanxicô đã thốt lên: “Bây giờ, tôi có thể khẳng định là chúng ta đã có 5 anh em hèn mọn!” Mục tiêu của Liên hiệp Phan sinh Ma-rốc là phục vụ Giáo hội địa phương và củng cố quan hệ với người Hồi giáo khi thực hiện một dự án chung. Anh em cũng có một văn phòng tiếp đón di dân đến từ vùng Tiểu sa mạc Sahara để đi học, lao động hoặc muốn đi lao động tại Châu Âu. Có 20 anh em và một giám mục Phan sinh.


Huynh đệ đoàn đối thoại tại Istanbul (Thổ-nhĩ-kỳ)

Vì những thách đố mới liên quan đến những tôn giáo và những giáo phái Kitô giáo, anh em đã tái hiện diện nơi đây từ năm 2003, dưới hình thức một huynh đệ đoàn quốc tế Santa Maria Draperis. Mục đích của Huynh đệ đoàn là trở thành nơi gặp gỡ và trao đổi với những tôn giáo hiện diện tại Thổ-nhĩ-kỳ, đặc biệt với Hồi giáo và Do Thái giáo. Cũng có nhiều cuộc tiếp xúc trong tinh thần đại kết với Tòa thượng phụ Chính Thống giáo Hy-lạp và cộng đồng Chính Thống giáo Ác-mê-ni-a. Hiện nay, huynh đệ có 4 anh em.
Ngoài những dự án trên đây, chúng ta còn có 16 dự án của các Tỉnh dòng và 3 dự án liên Tỉnh dòng đang được xúc tiến.
Thêm vào đó, Tòa Thánh còn giao cho Dòng anh em hèn mọn 11 giáo phận Đại diện Tông tòa (8 tại châu Mỹ La-tinh, 2 tại Li-băng và 1 tại Xi-ry) và 2 Phủ doãn Tông tòa tại Navar (Mê-xi-cô) và một Phủ doãn Tông tòa khác tại Galapagos (Ê-cu-a-đo). Tất cả 13 thực thể này được cai quản bởi 12 giám mục Phan sinh và 118 nhà truyền giáo.
Các nhà truyền giáo được đào tạo và chuyên tu tại Cộng đoàn Nôtre Dame des Nations, Brussels, Bỉ. Mục đích là để trang bị cho họ những phương tiện thích hợp để hoạt động truyền giáo trong những nền văn hóa khác nhau.


Nguồn: http://www.ofmvn.org (http://www.ofmvn.org)