PDA

View Full Version : Tìm Hiểu Mùa Chay



vũng_nước
22-02-2010, 03:23 AM
Trích từ Bản Tin Dũng Lạc (www.cgvnhouston.org (http://www.cgvnhouston.org/))




Tìm Hiểu Mùa Chay



“Đây là lúc Chúa thi ân, đây là ngày Chúa cứu độ”


I. Ý nghĩa của Mùa Chay:

Mùa Chay hay Mùa Bốn Mươi (Quadragesima) là thời gian chuẩn bị, thời gian lên đường, hành hương đến Núi thánh, xưa là Xinai, Khorép, Tabo hay Gongotha, nay là Giêrusalem thiên quốc, là cuộc sống với Thiên Chúa. Ý nghĩa và tinh thần sống Mùa Chay được nêu bật khi tìm về những biến cố cứu độ trong lịch sử dân Thiên Chúa gắn liền với con số 40. Trong Kinh Thánh, con số 40 xuất hiện trong những lần rất đáng chú ý:

1. Với ông Nôê : 40 ngày lụt Hồng Thủy để loài người được thanh luyện (St 7,11)
2. Với ông Môsê : hai lần lên núi Khorép, Xi nai sống 40 ngày đêm với Đức Gia-vê (Xh 24,15-18; 34,28)
3. Với dân Do Thái : 40 năm đi trong sa mạc để được thanh lọc (Xh 14;
Ds 13,25-28; 14,10-11; Tv 94)
4. Với ngôn sứ Êlia : 40 ngày đêm tiến về núi Khorép để được củng cố trong sứ mạng (1V 19,8)
5. Với dân Ninivê : 40 ngày chay tịnh để được tha thứ (Gn)
6. Với Đức Giêsu : 40 ngày trong hoang địa sống lại cuộc Xuất hành (Mt 4,2)
7. Và vẫn với Đức Giêsu : 40 ngày sau khi sống lại để chuẩn bị Hội Thánh (Cv)

II. Bốn mươi ngày chay tịnh của Hội Thánh:

Mầu nhiệm 40 ngày Đức Giêsu sống trong hoang địa được sống lại trong Hội Thánh. Người Kitô hữu sống mầu nhiệm cứu độ trong cuộc sống hôm nay dưới ánh sáng của những thực tại “40” trong Kinh Thánh.

Mùa 40 ngày chay tịnh là :

1. Một nơi chốn : sa mạc
2. Một thời gian : chay tịnh – chiêm niệm – chia sẻ
3. Một con đường : trở về giao hoà với Thiên Chúa là Cha, với mọi người là anh chị em, và với chính mình là con Thiên Chúa, trong lòng Giáo Hội, trong Bí tích Hoà giải.

Bước vào Mùa Chay cũng là nối kết giao ước vĩnh cửu với Thiên Chúa, được kết trong Máu Đức Kitô, mà chúng ta xứng đáng thông phần vào nhờ Bí tích Thánh Tẩy. Và cũng là bước theo Đức Giêsu Kitô, vượt qua cõi chết mà đi vào cõi hằng sống, vượt qua kiếp nô lệ tội lỗi mà đi vào cuộc sống tự do nhờ Chúa Thánh Thần và vượt qua tuyệt vọng để đi vào Nguồn hy vọng.

III. Có ba loại truyền thống xác định ý nghĩa Mùa Chay:

-Truyền thống giữ bầu khí chay tịnh trầm buồn.
-Truyền thống thực hành sám hối đặc biệt là ăn chay kiêng thịt.
-Những việc đạo đức tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu thương khó.
Những truyền thống này, nối kết với những truyền thống mới, mang lại cho Mùa Chay những chiều kích tích cực hơn.

Bầu khí chay tịnh
Bầu khí chay tịnh mang sắc thái trầm buồn. Trong phụng vụ, lời ca Alleluia và Kinh Vinh Danh bị tạm bỏ. Màu tím được sử dụng trong phụng vụ và trong những hình thức trang trí thánh đường. Mọi sự trang trí cách long trọng trong cung thánh được tháo gỡ. Tiếng nhạc cũng trầm lắng.
Gần đây trong Giáo Hội có thói quen che các ảnh tượng và tượng Chịu Nạn bằng tấm màn tím thẫm như tín hiệu u buồn khóc than. Khoảng đầu năm 900 tại một số Giáo Hội địa phương, từ đầu Mùa Chay nhà thờ treo một tấm màn lớn ngăn cách bàn thờ và giáo dân. Việc này nhằm tạm thời che khuất vinh quang thiên quốc minh họa do các ảnh tượng. Đồng thời, tấm màn che cũng tượng trưng việc tách rời tội nhân khỏi bàn thờ, giống như các tội nhân công khai bị tuyệt thông. Từ những năm 1600 việc che màn chỉ còn thực hiện từ Chúa nhật thứ năm Mùa Chay - ngày xưa gọi là “Chúa Nhật Vượt Qua.” Vào Chúa nhựt này, bài Tin Mừng kết thúc với câu sau đây: “Lúc đó họ lượm đá ném Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã ẩn mình và lướt qua khỏi hành lang đền thờ (Ga 8,59).

Kiêng thịt
Ăn chay và kiêng thịt luôn nối kết nhau. Nhưng có những quy định riêng. Ăn chay là ăn ít hay không ăn gì. Kiêng thịt là hạn chế một số loại lương thực - thí dụ thịt. Ăn chay là hình thức đạo đức phổ thông ngay từ Giáo Hội sơ khai. Việc từ chối một nhu cầu nhân bản trong một giai đoạn, mang nhiều ý nghĩa khác nhau: ăn chay để chuẩn bị cho một ngày đại lễ, để tự kềm chế bản thân, để nâng đỡ lời cầu nguyện. Ăn chay cũng giúp thanh tẩy bản thân khỏi những lạm dụng và tội lỗi. Những ý nghĩa này thành động lực đưa tới truyền thống chay tịnh trong Mùa Chay. Một động lực khác cũng góp phần trong truyền thống chay tịnh là: làm phước. Làm phước là trao tặng cho người thiếu thốn những gì ta dành dụm được nhờ ăn chay và kiêng thịt, hoặc cho đi phần thặng dư.

Ăn chay và kiêng thịt thuở đầu là những thực hành tự nguyện. Sau dần thành nghiêm nhặt và thành quy định của Giáo Hội. Từ những năm 400 tới 800. Giáo dân chỉ ăn một bữa mỗi ngày thường vào buổi chiều tùy tập tục địa phương. Phải cữ những thức ăn như thịt, cá tươi, rượu. Nhiều nơi giáo dân phải cữ cả trứng và những sản phẩm từ sữa. Từ đầu thế kỷ 10, giáo dân có thói quen khi ăn chay chỉ ăn bữa trưa. Thế kỷ 14, giáo dân được ăn thêm một bữa nhẹ vào buổi chiều. Thời Trung Cổ luật cấm ăn cá và các sản phẩm từ sữa bị hủy bỏ.

Quy chế ăn chay kiêng thịt khá nhiệm nhặt còn hiệu lực mãi tới 1966. Giáo dân từ 21 đến 59 tuổi chỉ được ăn một bữa chính suốt cả Mùa Chay, trừ ngày Chúa nhật. Tuy nhiên ta cũng được phép dùng hai bữa phụ khác không có thịt, để có đủ sức khỏe; nhưng hai bữa này cộng lại phải kém hơn một bữa ăn no đủ. Việc ăn chay đi kèm với kiêng thịt, nước cốt thịt, thịt xay vào Thứ Tư Lễ Tro và tất cả các thứ Sáu (luật kiêng thịt áp dụng với giáo dân từ 7 tuổi trở lên). Vào những ngày thường trong Mùa Chay, chỉ được ăn thịt trong bữa chính.


Những việc sám hối phổ thông

Những hình thức sám hối khác không được Giáo Hội quy định nhưng đã phổ thông trong nhiều thế kỷ nay. Phần lớn là những hình thức tư riêng trong các gia đình nhưng đang được nhiều tín hữu thực hành: không ăn món tráng miệng, kẹo bánh, nước ngọt, rượu. Ngoài ra, còn việc để dành tiền tặng người nghèo, hạn chế xem phim ảnh, truyền hình cũng là thái độ chay tịnh tốt đẹp.

Đàng Thánh Giá

Mùa Chay, giáo dân thường đi đàng thánh giá. Ngược dòng lịch sử, ta biết vào thời Thập Tự Quân (1095-1270) nhiều giáo dân có thói quen đi hành hương Đất Thánh và đi bộ theo bước chân Chúa Giêsu lên đồi Canvê. Trong hai thế kỷ tiếp theo, sau khi người Hồi giáo tái chiếm Đất Thánh, những cuộc hành hương tại đây rất nguy hiểm. Thời gian này, để thay thế việc hành hương, khắp Âu Châu giáo dân thiết lập những chặng đàng thánh giá ngoài trời, những chặng này nêu lên những biến cố thương đau dựa theo Thánh Kinh hay truyền thống về con đường thập giá của Chúa Giêsu. Giữa thế kỷ 18, những chặng đàng thánh giá được phép thiết lập ngay bên trong nhà thờ và thành nét đặc trưng của các nhà thờ Công Giáo. Vào những năm 1960, các nhà thờ thường thêm vào chặng thứ 15: Chúa Phục Sinh.

Đầu thập niên 60, Giáo Hội chú trọng tới mặt tích cực của quy luật Mùa Chay và những công trình bác ái, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chính thức chuẩn nhận chiều hướng này qua Tông Huấn Paenitemini. Theo đó, tín hữu chỉ buộc kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro và các thứ Sáu trong Mùa Chay. Việc ăn chay chỉ buộc vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Thánh. Các tín hữu cần lưu ý các hình thức chay tịnh tự nguyện. Những định hướng chung trong tinh thần Mùa Chay vẫn đề cao ý nghĩa bí tích Phép Rửa, cuộc trở về của bản thân, sám hối và sống mầu nhiệm thương khó, tử nạn của Chúa Giêsu.



TẠI SAO GIÁO HỘI CỦA CHÚA KITÔ LÀ DUY NHẤT, THÁNH THIỆN CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN?

Hỏi : xin cha giải thich : Những người chỉ trích Giáo Hội nêu lý do là trong Kinh Thánh không tìm đâu ra những từ ngữ như : duy nhất,thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Vậy từ đâu Giáo Hội Công Giáo có những đặc tính trên đây?
và nếu không gia nhập Giáo Hội Công Giáo thi có được cứu rỗi không?

Các giáo phái ngoài Công Giáo -trừ Chính Thống Giáo- thiếu đặc tính quan trọng này nên không thể có các bí tích Thánh Thể, Hòa giải, Thêm sức, và Sức dầu hữu hiệu ( valid) được vì họ không có Bi Tích truyền Chức Thánh (Holy Orders) mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong Bữa Tiêc Ly để nhờ đó các thừa tác viên loài người là linh mục và Giám mục được chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” ( Dt 5:10). Nhờ được chia sẻ Chức Linh Mục này mà Giáo Hội tiếp tục dâng Hy tế đền tội của Chúa Kitô trên bàn thờ mỗi ngày khi các thừa tác viên có chức linh mục là Giám mục và linh mục.cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn ( The Eucharist)

II- Về câu hỏi thứ hai :nếu không gia nhập Giáo Hội Công Giáo thì có được cứu rỗi hay không, xin được phân biệt 2 điều quan trọng sau đây:

1-Thứ nhất, đối với nhũng người không vì lỗi của họ mà không biết Chúa Kitô và Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội thật được Chúa thiết lập làm phương tiện hữu hiệu để ban ơn cứu chuộc, thì họ vẩn có thể được cứu độ theo lời dạy sau đây của Giáo Hội:

“ Đúng thế, những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngái, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Người mà hành động để làm trọn thánh ý của Chúa theo như lương tâm của họ mặc khải cho họ và truyền dạy họ, thì họ có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời. “ ( SGLGHCG số 847, LG 16)

Nói rõ hơn, trước khi Đạo Công Giáo được các thừa sai tây phương đem sang rao giảng ở ViệtNam vào cuối thể kỷ 16, thì tổ tiên chúng ta không có cách nào biết được Chúa Kitô và Phúc Âm của Người. Nhưng đó hoàn toàn không phải là lỗi của cha ông chúng ta vì không có ai rao giảng hay nói cho biết thì làm sao các ngài biết được. Tuy nhiên, nếu các ngài sống theo tiếng nói của lương tâm mình để làm điều lành tránh sự dữ, sự tội thì Chúa vẩn có thể cứu họ dù cho họ không được chịu phép rửa và gia nhập Giáo Hội của Chúa Kiô.

Ngược lại, “Những người đã biết Chúa, biết Giáo Hội của chúa là Giáo Hội thật, là phương tện cứu rỗi cần thiết mà vẩn không muốn gia nhập, hoặc đã gia nhập qua Phép Rửa nhưng lại không kiên trì sống đức tin trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.” (Sđd, số 846)

Nói khác đi, những ai đã được rửa tội và sống trong Giáo Hội Công Giáo rồi, nhưng vì một lý do bất mãn nào đó mà rời bỏ Giáo Hội để gia nhập một giáo phái khác, hoặc chối bỏ đức tin Công Giáo để sống như người vô thần, thì “không thể được cứu độ” như Giáo Hội dạy trên đây.

Nhưng cũng cần giải thích thêm là tuy việc gia nhập Giáo Hội qua phép Rửa là cần thiết cho sự cứu rỗi, nhưng gia nhập không thôi chưa đủ, cũng như được rửa tội rồi cũng chưa chắc chung cuộc sẽ được cứu rỗi, trừ các trẻ em nhỏ mới sinh hoặc chưa đủ trí khôn biết lành biết dữ đã chết sau khi được rửa tội. Đối vói những người đã có đủ trí khôn..thì gia nhập Giáo Hôi không giống như có Passport và xin được Visa là chắc chắc chắn được du lịch đến quốc gia nào đòi phải có Visa nhập cảnh. Được rửa tội và gia nhập Giáo Hội mới chỉ là bước đầu cần thiết cho một tiến trình dài để lớn lên trong đức tin và sống đức tin ấy qua nhiều thử thách của đời sống Kitô hữu giữa trần gian.

Muốn được cứu độ, thì trước hết phải có đức tin vì “ không có đức tin thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phát phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.” ( Dt 11:6)

Nhưng đức tin phải đi kèm với hành động cụ thể nói lên niềm tin ấy, nếu không thì “ đó là đức tin chết” như Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ dạy. ( Gc 2:17.).

Thật vậy, đức tin phải được thể hiện cụ thể bằng đức mến. Nghĩa là tin có Chúa thì phải yêu mến Người, cố gắng sống theo đường lối của Chúa, cụ thể là thực thi mọi giới răn của Người như Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ xưa :

“ Ai yêu mến Thầy,thì sẽ giữ lời Thầy
Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy
Cha của Thầy và Thầy sẽ đến ở với người ấy.( Ga 14:23)

Giữ lời Thầy có nghĩa là thực hành hai giới luật quan trong nhất là mến Chúa và yêu người như Chúa Giêsu đã trả lời cho một kinh sư kia.( Mc 12:28-31) Thực thi những giới răn của Chúa là chứng minh cách cụ thể đức tin và lòng mến Chúa thực sự của mình. Nếu không sẽ chỉ là người Công giáo có tên ( Nominal Catholics) chứ không phải là người tín hữu thực hành (practicing faithfuls).Và nếu chỉ là người tín hữu có tên thì việc gia nhập Giáo Hội và lãnh phép rửa sẽ chẳng giúp ích gì cho phần rỗi của ai, vì thiếu thiện chí cộng tác với ơn thánh để được cứu rỗi. Nói rõ hơn, được rửa tội và gia nhập Giáo Hội rồi, nhưng nếu không thi hành những cam kết ( baptismal promises) khi lãnh bí tích này là tin và yêu mến Chúa hết lòng đi kèm với quyết tâm xa lánh mọi tội lỗi và sự dữ thì ơn phép rửa cũng trỏ nên vô ích mà thôi.

Thật vậy, Chúa là tình thương và giầu lòng tha thứ. Công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô có giá trị tuyệt đối. Nhưng nếu ta không cộng tác với thiện chí muốn được cứu rỗi thể hiện qua nỗ lực chê ghét tội lỗi và quyết tâm sống theo đường lối của Chúa như Giáo Hội dạy thì Chúa không thể cứu ai được, căn cứ vào chính lời Chúa Giêsu phán dạy sau đây:

“ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa,lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”( Mt 7:21)

Đó là tất cả những gì người tín hữu chúng ta cần biết dựa trên giáo lý, tín lý và Kinh Thánh của Giáo Hội để giúp chúng ta thêm yêu mến Giáo Hội và vững tin để sống và thực hành đức tin trong Giáo Hội là con Tàu đưa chúng ta đến bến bờ hạnh phúc, nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô được ban phát dồi dào cho chúng ta qua sứ vụ của Giáo Hội là Thân Thể nhiệm mầu của Người ở trần gian. Ước mong những giải thích này thỏa mãn các câu hỏi được đặt ra.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.