PDA

View Full Version : HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY



dominico_dung
27-02-2010, 12:27 AM
Bài giảng cho CN Thứ 1 Mùa Chay – Ngày 21 tháng 2 năm 2010
Nguồn: http://hayyeuthuongnhau.org
---------------------------------------------------------------------------------------------------


HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY



Cuộc khủng hoảng về căn tính đang bùng nổ dữ dội trên khắp thế giới. Khi con người đánh mất chính mình, mọi tương quan đều tan biến. Ðó là nguyên nhân chính gây nên nỗi bất hạnh lớn lao cho nhân loại. Hình ảnh người ôm bom tự sát có thể dùng làm biểu tượng cho cuộc khủng hoảng đó. Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ niềm tin. Con người như bị xé rách thành trăm mảnh khi niềm tin châm ngòi cho những cuộc xung đột, căm thù và bạo động giữa các dân tộc. Khi niềm tin biến thành động lực phá hoại, tôn giáo còn đủ lý do chính đáng[1] (mid://00000074/#_edn1) để tồn tại hay không? Tôn giáo đã đánh mất tương quan siêu việt. Con người bị đẩy vào những tranh chấp bạo lực ngông cuồng. Tôn giáo đã bị tục hóa và hạ giá quá thấp. Muốn thăng tiến và phát triển toàn vẹn, con người không thể cắt đứt tương quan với quyền bính siêu việt. Phong trào tục hóa đang nỗ lực tách lìa con người khỏi Thiên Chúa và xóa nhòa tương quan siêu việt trong các sinh hoạt nhân loại. Nếu loại bỏ chiều hướng tới siêu việt ra khỏi cuộc sống, không thể hiểu được con người.[2] (mid://00000074/#_edn2) Thiếu chiều kích siêu việt, chỉ còn những hình ảnh què cụt về con người. Không hiện hữu toàn vẹn, làm sao con người hạnh phúc. Làm cách nào tìm lại hình ảnh toàn vẹn của con người bây giờ ?

Cuộc phấn đấu trong hoang địa hôm nay của Chúa Giêsu nhằm phục hồi hình ảnh toàn vẹn của con người. Càng theo dõi sát ba cơn cám dỗ và cuộc chiến thắng lớn lao của Chúa, càng thấy ý nghĩa và hạnh phúc cuộc đời nằm trong tầm tay.
Ba cơn cám dỗ xoay quanh lòng ham mê khoái lạc, của cải và quyền bính. Cả ba đều do Chúa dựng nên và rất cần thiết cho cuộc sống. Vậy tại sao Chúa từ chối ? Từ chối không phải tự bản chất những điều đó xấu xa tệ hại. Nhưng những thứ đó đã bị tên "quỷ cám dỗ" bóp méo nhằm phục vụ và thỏa mãn cái tôi nhất thời. Bởi thế, Chúa không thể nào chấp nhận được ! Người không bao giờ rời xa mục tiêu là Thiên Chúa. Mục tiêu cao cả đó lôi con người ra khỏi chính mình. Chúa không muốn sống cho mình. Người càng không muốn loại hạnh phúc nào vắng bóng Thiên Chúa.

Sau khi nhịn đói bốn mươi ngày, chắc hẳn Chúa Giêsu có đủ lý do chính đáng để biến đá thành bánh để đáp ứng nhu cầu sinh tồn. Tự bản chất, việc biến đá thành bánh chẳng có gì xấu xa. Nhưng giải quyết vấn đề phải hợp thời và hợp lý. Nếu không, Người sẽ phá hỏng chương trình Thiên Chúa. Giải quyết vấn đề quá cấp bách để thỏa mãn nhu cầu trước mắt, có thể đánh mất mục tiêu lâu dài. Hơn nữa, nhu cầu vật chất đó không phải là tất cả khát vọng của con người.

Con người toàn vẹn không thể thiếu niềm tin nơi Chúa. Khi niềm tin vươn lên, con người sẽ tìm được lối thoát cho mình. Lối thoát đó nằm ngay trong việc vâng phục Thiên Chúa. Ðối với con người Ðức Giêsu, sự vâng phục đó cần thiết để hoàn thành sứ mệnh cứu độ muôn dân. Con người toàn vẹn phải bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Chúa cho thấy một bức họa toàn bích về con người : "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, (Lc 4:4) nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4:4; Ðnl 8:3) Cơm bánh đáp ứng nhu cầu vật chất. Lời Chúa nuôi sống niềm tin.

Rất may Ðức Giêsu không thi thố quyền phép để biến đá thành bánh. Người cũng không chịu khuất phục hay thỏa hiệp với quỷ dữ để thống trị trần gian. Ðó không phải là con đường cứu độ. Trong lịch sử, rất nhiều lần Giáo hội đã thỏa hiệp để cầu an. Có khi Giáo hội hy sinh cả chân lý hay công lý để tìm một chút lợi lộc hay thỏa mãn chế độ "xin cho." Nhưng rõ ràng con đường thỏa hiệp đã làm cho công cuộc truyền giáo thất bại. Thỏa hiệp là con đường ngắn nhất dẫn đến suy vong. Bài học lịch sử còn đó. Không ai có thể chối cãi được ! Càng thỏa hiệp với quyền lực, càng làm cho muôn người xa lánh Giáo hội. Thỏa hiệp với đối phương là phản bội Thiên Chúa. Bổn phận duy nhất của Giáo hội là thờ phượng Thiên Chúa mà thôi (x.Lc4:8).

Trong hoang địa, Chúa đã dứt khoát phục vụ một mình Thiên Chúa là nguồn sống đích thực. Niềm tín thác vào tình yêu Thiên Chúa Cha đã cho Ðức Giêsu một cái nhìn toàn diện về con người. Bởi đấy, Người không hy sinh bất cứ phần nào trong toàn bộ cuộc sống để đổi lấy quyền lợi cho riêng mình.

Trong cả hai cơn cám dỗ đầu, Ðức Giêsu đã trích dẫn lời Chúa trong sách Ðệ Nhị Luật (8:30 và 6:13). Người dùng Luật để xác quyết sự sống con người quý trọng hơn phương tiện vật chất. Cả hai cám dỗ đó vẫn chưa chạm đến bản chất con người Ðức Giêsu. Sau này, khi "buồn rầu đến nỗi chết" trong Vườn Giệtsimani, Chúa như rơi vào tình trạng rối loạn tình cảm. Cơ hội đã tới. Quỷ tưởng bở. Nhưng, hắn không ngờ phải nếm mùi thảm bại ! Không có cách nào phá tan tương quan giữa Người với Chúa Cha. Tương quan tình yêu nổi bật và bền vững qua lời xin vâng thánh ý Thiên Chúa.

Cám dỗ thứ ba trong hoang địa mới làm cho kẻ yếu tin choáng váng. Choáng váng không phải vì cuộc thử thách diễn ra từ chóp đỉnh đền thờ, nhưng vì đụng tới phần cao cả nhất trong con người Ðức Giêsu. Người bị thử thách về chính địa vị làm Con Thiên Chúa. Quỷ dữ đã đánh mạnh vào tương quan tình yêu thâm sâu nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con : "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi !" (Lc 4:9) Một thử thách tương tự đã đến với Chúa vào lúc cuối đời: "Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào !" (Mt 27:40) Trong cả hai trường hợp, nếu nhảy xuống, Ðức Giêsu đã không vâng lời Chúa Cha. Không còn thử thách nào lớn hơn ! Thử thách đụng tới yếu điểm nhưng không phải là điểm yếu của Chúa !

Người không hề bị lay chuyển. Trái lại, tên cám dỗ đã vô cùng choáng váng như lãnh búa tạ khi nghe Chúa tỏ tất cả uy quyền : "Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi." (Ðnl 6:13) Chúa không gieo mình xuống đất theo lời xu nịnh của quỷ dữ. Nhưng Người sẽ gieo mình vào bàn tay nhân hiền của Chúa Cha từ cây Thánh Giá : "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha." (Tv 30) Phó thác như một người con thơ hay tín thác như một người đầy tớ (Is 50:10), dù phải bước đi trong đêm tối.

Cuộc thắng bại đã phân minh !

Chính trong lời vâng phục, con người có khả năng gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu trong thực tại toàn vẹn của mình. Con người có khả năng yêu như Thiên Chúa. Trong tình yêu Thiên Chúa, con người sẽ tìm được bình an và sự toàn vẹn. Nhờ vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha, Ðức Giêsu đã dùng "Thánh Giá mạc khải trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa. Sự chết đã biến thành hành vi yêu thương và tự do tột đỉnh của Ađam mới."[3] (mid://00000074/#_edn3) Như thế, "chết là một mối lợi" (Pl 1:21) tuyệt vời cho toàn thể nhân loại.

Chúa thà chết để bảo tồn tương quan siêu việt và sâu đậm với Chúa Cha, còn hơn sống mà phủ nhận uy quyền Thiên Chúa trên thân phận mình. Người không chọn con đường thỏa hiệp hay thỏa mãn tham vọng trước mắt.

Có chết đi như thế, Ðức Giêsu mới cho thấy con người có một định mệnh cao cả. Chúng ta không phải là tác giả hay người sáng tạo chính mình. "Chúng ta hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa đích thực của chúng ta."[4] (mid://00000074/#_edn4) Sự lệ thuộc này không làm con người mất tự do, vì "Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu là huyền nhiệm làm nên hạnh phúc chúng ta. Tuy thế, chỉ có xả thân và bước vào đường khổ giá, chúng ta mới có thể đi vào huyền nhiệm tình yêu này."[5] (mid://00000074/#_edn5) Phải đợi đến cơn cám dỗ cuối cùng trên thập giá, tất cả ý nghĩa và giá trị của cuộc chiến thắng trong hoang địa mới hoàn toàn được mạc khải .

Mạc khải đó cho thấy không ai hạnh phúc hơn Ðức Giêsu !

Hôm nay hạnh phúc đang chạy trốn con người, vì cuộc sống đang mất đi chiều kích siêu việt. Muốn tìm lại chiều kích siêu việt đó, phải tìm đến với Ðức Giêsu. Khi vâng lời Chúa Cha, Người đã sống trong tương quan sung mãn. Nhờ thế, không những Người không đánh mất chính mình, mà còn làm cho mọi người tìm thấy căn tính đích thực và chiều kích siêu việt, để có thể tin yêu Thiên Chúa.


Hạnh phúc nằm trong tầm tay !


Lạy Chúa, Chúa đã thương chia sẻ thân phận làm người, vừa tầm thường vừa cao cả, với chúng con. Xin sai Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn chúng con chiến thắng mọi thử thách trên sa mạc trần gian. Xin soi sáng cho chúng con tìm thấy nơi Lời Chúa thần khí và sự sống cần thiết cho hạnh phúc hôm nay và ngày mai. Amen.




đỗ lực 25.02.2007

dominico_dung
07-03-2010, 09:33 AM
Bài giảng cho CN Thứ 2 Mùa Chay – Ngày 28 tháng 2 năm 2010
Nguồn: http://hayyeuthuongnhau.org (http://hayyeuthuongnhau.org/)
---------------------------------------------------------------------------------------------------


LẮNG NGHE
(St 15, 5-12.17-18; Pl 3, 17-4,1; Lc 9, 28b-36)



http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/baigiang/C-2009-2010/chuahienlinh.jpg



Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa đầy quyền năng. Thiên Chúa vẫn bày tỏ quyền năng của mình bằng cách này hay cách khác, qua người này hay người kia để cho dân của Ngài biết rằng Ngài có quyền năng cũng như Ngài yêu thương dân của Ngài. Những ai được Thiên Chúa tỏ mình là những người được thương một cách đặc biệt, được chọn một cách hết sức là ưu ái.

Hôm nay, trang Tin mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Luca thuật lại chuyện "Chúa Giêsu biến hình" để cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài. Rõ ràng, các môn đệ hôm nay được Chúa dẫn lên núi là những môn đệ được Chúa yêu hơn. Sự lựa chọn các môn đệ đi theo cũng mang tính chất biểu tượng: "Phêrô, Gioan và Giacôbê" những môn đệ được kêu gọi đầu tiên, những người tại nhà Zairô, đã là chứng nhân của sự toàn thắng trên cái chết (8,31-56).

Trang Tin mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dung mạo khác, dung mạo tuyệt vời chưa từng có của Chúa Giêsu do Thánh Luca thuật lại. Nếu để ý, trừ hai ba chi tiết, Thánh Luca ba lặp lại y nguyên những chi tiết giống như Máccô và Matthêu để gợi lại một kinh nghiệm không diễn tả được.

Nơi biến cố diễn ra hoàn toàn có tính cách biểu tượng đó là một "ngọn núi". Theo truyền thống Thánh Kinh, núi chính là nơi con người gặp Thiên Chúa và cũng là nơi Thiên Chúa tỏ bày mạc khải của Người cho dân của Người.

Khung cảnh của biến cố này cũng mang tính chất biểu tượng: Đó là cảnh Chúa Giêsu cầu nguyện. Chỉ mình Luca đề cập đến chi tiết này. Theo Thánh Luca, lời cầu nguyện luôn đi theo những giây phút trọng đại trong sứ vụ Chúa Giêsu.

Lúc Người "cầu nguyện" trong ngày chịu phép rửa, trời mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người và có tiếng từ trời phán ra (3, 21-22). Sau khi lánh vào "núi rừng để cầu nguyện", Người đã chọn 12 môn đệ (6, 12- 16). Khi Người "cầu nguyện một mình" Người đã đưa ra câu hỏi dẫn tới lời tuyên xưng đức tin của Phêrô (9, 18-20). Và chẳng bao lâu nữa, ta sẽ thấy Người cầu nguyện trong vườn Giếtsêmani để tìm sức mạnh đảm đương cuộc chiến cuối cùng; biến hơi thở cuối cùng thành lời cầu nguyện (23.34 và 46); Phục sinh rồi giã từ môn đệ khi đọc lời nguyện chúc phúc cho họ (24,50-5 1).

Tại nơi đây, trên núi cao, chính "đang khi cầu nguyện" mà Chúa Giêsu chiếu lên luồng ánh sáng thần linh. Khác với Máccô và Mátthêu, Luca không nói về sự biến hình biến dạng; Thánh sử chỉ nói "dung mạo Người trớ nên khác thường" và "Y phục Người trắng rực rỡ". Sau đó Thánh Luca viết rằng : "Phêrô và các bạn tỉnh giấc và được thấy vinh quang Chúa Giêsu".

"Mặc lấy vinh quang" có nghĩa là tham dự vào ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa hằng sống, được nâng lên địa vị siêu tôn; y phục trắng ánh chớp, có nghĩa Chúa Giêsu đã tiến vào khung cảnh thiên đường. Như thế, Chúa Giêsu như được tạm thời mặc trước nguồn vinh quang Phục sinh mà Người sẽ được thừa hưởng khi sống lại. Tuy nhiên Luca nghĩ rằng có lẽ nguồn vinh quang này đã tiềm ẩn trong Chúa Giêsu từ trước Phục sinh và do kết quả của việc cầu nguyện, Chúa Giêsu không thể ngăn chặn luồng vinh quang ấy chiếu toả từ thân thể Người "Tin Mừng theo thánh Luca"

Một chi tiết khác rất giàu biểu tượng đó là : Sự hiện diện của hai khuôn mặt lớn trong Cựu ước: Môsê và Êlia, là hai nhân vật tóm tắt tất cả Lề Luật (Môsê) và các tiên tri (Êlia), hai nhân vật chính của Cựu ước đã loan báo rằng: "Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới bước vào vinh quang" (Lc 24,26-27).

Sự hiện diện của các ngài là bằng chứng hết sức sống động nói rằng lời tiên báo của Chúa Giêsu về tương lai của Người hoàn toàn phù hợp với Kinh Thánh.

Một chi tiết riêng của Thánh Luca đó là "cuộc lên đường của Người" mà hai nhân vật Cựu ước bàn tới. Môsê là một nhân chứng sống trong cuộc Xuất hành, của núi Si- nai, của cuộc vượt qua Biển Đỏ sao vì ông là người thay mặt cho Chúa để điều khiển dân và cũng là đại diện cho dân để gặp gỡ Thiên Chúa. Còn Êlia, Êlia chẳng là vị tiên tri lớn đã phải chịu đau khổ vì Thiên Chúa và vì dân tộc trước khi được cất lên trong vinh quang thần thánh.

Chúa Giêsu cũng được mời gọi chịu đau khổ trước khi được "cất lên" như một Êlia mới vậy. Trong vinh quang thiên quốc Người cũng là Môsê mới trong cuộc Xuất hành mới, trong lễ Vượt Qua mới của một Giao ước mới, sẽ vượt qua biển sự chết để giải phóng dân Người và dẫn đưa họ đến Đất Hứa thật sự là Vương quốc của Cha Người.

Phêrô đã nhớ đến lễ Lều như một biểu tượng báo trước sự chấm dứt của lịch sử, đã đề nghị nắm chặt khoảnh khắc hiện tại bằng cách dựng "ba lều". Nhưng Luca đã ghi nhận rằng mong ước cuộc thần hiển này kéo dài "ông không biết phải nói gì" vì ông vẫn chưa nhìn thấy viễn cảnh hổ nạn như một đoạn đường bắt buộc phải đi qua.

Lúc ấy Phêrô, Gioan và Giacôbê bị bao phủ trong "một đám mây" - Trong Thánh Kinh đó là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa - giống như Đức Maria trong ngày truyền tin, đám mây ấy "phủ bóng che rợp" các ngài. Các ngài "sợ hãi".

Chính lúc ấy "một tiếng nói" vang lên trong đám mây cũng là tiếng nói khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan. Nhưng hôm nay, tiếng ấy không còn nói với Chúa Giêsu nữa ("Con là Con Ta, hôm nay Cha đã sinh ra Con") nhưng nói với các môn đệ của Người : "Đây là Con Ta mà Ta đã tuyển chọn". Người Tôi Tớ đau khổ (Is 42,1-8). Chúa Giêsu, Người đang đồng hành với họ, thường che giấu vinh quang của mình, nay đã thoáng tỏ ra cho họ. là Người con, nơi Người, Cựu ước được hoàn thành; Người là Đấng nói năng với một uy quyền lớn hơn Môsê và Êlia nên ta phải "lắng nghe" Người là Đấng ta phải đi theo trên con đường dẫn về Giêrusalem: về vinh quang, qua thập giá.

Những trải nghiệm hôm nay của các môn đệ cách riêng của Phêrô là trải nghiệm hết sức tuyệt vời vì đã được tận mắt chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Thầy của mình. Trong hạnh phúc tuyệt vời ấy Phêrô đã có ý muốn dựng 3 cái lều, muốn được ở lại trong vinh quang của Chúa Giêsu lắm nhưng khi trở về với đời thường thì khác. Trong hành trình theo Chúa, trong hành trình loan báo Tin mừng, đã hơn một lần Phêrô đã cản Chúa không cho Chúa lên Giêrusalem chịu nạn và cũng đã chối Chúa. Cuộc đời của Phêrô vẫn đâu đó vấp phải những điều chẳng hay chẳng lành.

Những điều mà Phêrô vấp phải cũng là những điều mà chúng ta cũng phải kinh qua. Nhìn lại cuộc đời của chúng ta, đã hơn một lần chúng ta cũng được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong đời mình nhưng sau đó chứng nào vẫn tật nấy, chuyện gì cứ y như cũ vậy và thậm chí còn tệ hơn trước nữa là đàng khác.

Từng say sưa với những thành công vang dội của Thầy, giờ đây họ chán nản khi gặp chống đối dữ dội. Đã hơn một lần các môn đệ thán phục và đón nhận Đấng Mêsia bây giờ vỡ mộng khi thấy Người bị phản đối. Cứ phân vân chọn lựa giữa "những sự dưới đất" và "những sự trên trời". Cuộc đời mình có thể tin tưởng vào ai, tin tưởng cái gì? Đây là lúc thuận tiện để tỉnh cơn mê, vươn vai đứng dậy để chiêm ngưỡng "dung nhan của Chúa" và sẵn sàng lắng nghe Lời Người. Ánh sáng chói chan, làn sóng hạnh phúc khôn tả, thị kiến thoáng qua về "thế giới khác" với cõi phàm trần nơi các môn đệ cư ngụ. Bỗng dưng quá hạnh phúc khi thấy Thầy mình biến đổi và rồi cơn cám dỗ muốn bám vào cái kinh nghiệm tuyệt vời trong phút chốc lại đến. Từ nay các môn đệ đã biết rằng Chúa Giêsu là Đấng được Cha sai đến. Các môn đệ đã nhìn thấy vinh quang của Người khiến dung mạo Người ra khác. Tuy đã thấy dung nhan đời đời thực sự của Người, nhưng từ nay họ vẫn chỉ được nhìn khuôn mặt xác phàm của Người, khuôn mặt chẳng bao lâu nữa sẽ rướm máu cùng với đầu đội triều thiên là vòng gai.

Sau ngày Chúa Giêsu chịu khổ nạn và nhất là chịu chết ấy thì các môn đệ đã ra chán nản, thất vọng nhưng nhớ lại quyền năng và đặc biệt là Lời của Chúa Giêsu thì các môn đệ hăng hái lên đường rao giảng Tin mừng. Lời của Chúa mà hôm nay Chúa Cha nhắc cho các môn đệ cũng như nhắc cho mỗi người chúng ta thật tuyệt vời.

Hãy nghe Lời Người ! Nghe Người và theo Người trở về với con con đường đầy chông gai của cuộc đời. Chỉ có Lời của Chúa Giêsu, giáo huấn của Ngài mới có thể khoả lấp mọi khát vọng của con người, mới lấp đầy mọi khoảng trống trong lòng của nhân loại. Nếu chúng ta để cho Lời của Chúa chi phối trong cuộc đời của chúng ta thì bảo đảm cuộc đời của chúng ta bình an và hạnh phúc và bình an đó, hạnh phúc đó là bình an và hạnh phúc thật chứ không như bình an và hạnh phúc của trần gians.
Nguyện xin Chúa ban thêm sức cũng như lòng tin nơi mỗi người chúng ta để cuộc đời của chúng ta dẫu thế nào đi chăng nữa cũng biết vâng nghe theo lời Chúa nói với chúng ta để chúng ta cũng như các môn đệ xưa hăng hái đi theo Chúa cho đến cuối cuộc đời dẫu cuộc đời của chúng ta còn nhiều chông gai, còn nhiều cạm bẫy.

Anmai, CSsR

dominico_dung
07-03-2010, 09:44 AM
Bài giảng cho CN Thứ 2 Mùa Chay – Ngày 28 tháng 2 năm 2010
Nguồn: http://hayyeuthuongnhau.org (http://hayyeuthuongnhau.org/)
---------------------------------------------------------------------------------------------------


Đợi Chờ
(Xh 3, 1-8a.13-15; 1 Cr 10, 1-6.10-12; Lc 13, 1-9 )

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/baigiang/gods_grace.jpg


Trải dài lịch sử cứu độ, chúng ta thấy phảng phất một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài chậm bất bình và đầy tình nhân ái. Một bằng chứng cụ thể cho chúng ta thấy đó chính là vua Đavit. Đavit đã cảm nhận được tình thương của Chúa để rồi với Thánh Vịnh 103 ông nói




Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi.

Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,

ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.

Chúa phân xử công minh, bênh quyền lợi những ai bị áp bức,

mặc khải cho Môsê biết đường lối của Người,

cho con cái nhà Israel thấy những kỳ công Người thực hiện.

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương,

chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.

Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.

Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.

Người xử công minh cả với đời con cháu, cả những ai giữ giao ước của Người

và nhớ tuân hành mệnh lệnh Người ban ...



Tình thương, lòng nhân hậu, sự chậm giận ấy ngày hôm nay được Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn trong đoạn Tin mừng theo Thánh Luca mà chúng ta vừa nghe. Chúa Giêsu luôn luôn chờ đợi con người ta hoán cải để đón nhận Nước Trời.



Một bằng chứng hết sức sống động về sự chờ đợi, về sự chậm bất bình và giàu lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta vừa được nghe trong sách Xuất hành. Dân Do Thái dù ngỗ nghịch, dù phản trắc nhưng Thiên Chúa đâu nỡ bỏ rơi. Thiên Chúa có một chương trình, một hành động riêng của Ngài để cứu dân. Thiên Chúa đã chọn một Môsê để Môsê đứng lên lãnh đạo dân của Ngài. Nếu có thời gian, chúng ta đọc lại cũng như ngẫm nghĩ về câu chuyện mà Thiên Chúa chọn Môsê thật hấp dẫn. Đoạn sách trích hôm nay chỉ kể lại cho chúng ta đoạn đối thoại giữa Thiên Chúa và Môsê.



Môsê sau khi bị phát hiện là đã giết người Ai cập vì người Ai Cập hà hiếp người Do Thái và còn giết thêm người Do Thái khi thấy hai người Do Thái gây gỗ nhau thì Môsê đã bỏ xứ qua Mađian để chăn chiên cho bố vợ. Tưởng chừng là an phận nhưng Thiên Chúa đã gọi ông trở về Ai Cập để giải thoát cho dân. Hoảng sợ, ngập ngừng, nghi ngờ với "ơn gọi" mà Thiên Chúa gọi nên ông cứ hỏi đi hỏi lại cho ăn chắc và cuối cùng Thiên Chúa đã khẳng định với ông : "Ta sẽ ở với ngươi ... Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này ... Ta là Đấng Hiện Hữu, Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia ..."



Thiên Chúa không như con người, Thiên Chúa nói và Thiên Chúa đã phán thì lời của Ngài bền vững muôn năm, tình thương của Ngài muôn ngàn đời vẫn còn mãi. Và, tiếp tục theo dõi lịch sử cứu độ, hành trình cứu độ chúng ta thấy Thiên Chúa vẫn cứ chờ đợi và chờ đợi sự hoán cải, sự trở lại của con người.



Trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe một lần nữa khẳng định về thái độ chờ đợi, sự kiên nhẫn, tấm lòng thứ tha của Thiên Chúa qua lời của Chúa Giêsu.



Sau biến cố hiển dung trên núi, Chúa Giêsu quả quyết lên đường đi Giêrusalem, nơi sẽ diễn ra cuộc "xuất hành", cuộc "ra đi" của Ngài. Ngài khuyên đám đông hãy biết phân định những dấu chỉ của Nước Trời và hãy đón nhận Tin Mừng đừng chậm trễ .



Một sự kiện được các thính giả trình lên: Philatô tàn sát mấy người xứ Galilê tại Đền thờ các sử gia xác nhận ông đã dùng những cực hình tàn bạo - và lấy máu của họ hoà vào máu các lễ vật của họ. Phải chăng họ là "những người tội lỗi hơn những người Galilê khác ?".



Thay vì trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Chúa Giêsu dẫn sang một sự kiện khác đã diễn ra tại Giêrusalem: tháp Siloê đổ đè chết 18 người. Ngài kết luận bằng cách nhắc lại lời cảnh báo nghiêm trọng: "Ta bảo cho các ngươi biết : nếu các ngươi không hoán cải, các ngươi cũng sẽ chết như họ".

Lẽ tự nhiên và hết sức tự nhiên của con người, khi đứng trước những bất hạnh những khổ đau của của người khác, người ta thường đi tìm xem đâu là lỗi lầm của nạn nhân. Họ đã chết như thế, có lẽ đó là hình phạt do tội lỗi của họ. Và ta tự cho mình là công chính vì ta đã bình an, ta thoát nạn. Chúa Giêsu đã thẳng thắn mời gọi hay nói đúng hơn là khuyên họ đừng nên tìm giải thích những cái chết tức tưởi mà họ đặt ra nhưng tốt hơn hết hãy năng nhận biết mình tội lỗi và mau mắn hối cải.



Hai kiểu chết khốc liệt nói trên phải là lời cảnh báo cho những ai không mau mắn thay đổi đời sống, lượng xét lại ý kiến và những hoài vọng lầm lạc của họ. Như đã nhìn nhận, hai thảm kịch kia diễn ra không có nghĩa là các nạn nhân đã phạm phải một tội nặng nề nào, thì việc không gặp hoạn nạn cũng không phải là dấu chỉ về sự vô tội của những "người sống sót". Mọi người đều là tội nhân là cần hoán cải trước khi bị Thiên Chúa phán xét. Trước khi gặp tai nạn, khi cuộc đời xem ra tươi sáng, đã cần phải sám hối và đón nhận Lời cứu độ của Thiên Chúa do Chúa Giêsu loan báo. Để sau, e rằng qúa muộn.



Tiếp liền theo sau là dụ ngôn cây vả không trái. Dụ ngôn này làm dịu lại những lời lẽ nghiêm khắc của Chúa Giêsu. Người thợ làm vườn mà dụ ngôn trình bày cho ta luôn hy vọng rằng cây vả của ông, dù vẫn chưa ra trái, sẽ có ngày sinh hoa kết quả. Ông thuyết phục người chủ vườn hãy hoãn lại quyết định đốn cái cây ăn hại đất một cách vô ích ấy; và ông đã nhận được một án treo : "Xin hãy để nó sống thêm năm nay nữa... Biết đâu nó sẽ ra trái ? nếu không, lúc ấy ông hãy đốn nó đi ".



Thiên Chúa là như thế. Thiên Chúa mong ước người ta hoán cải đừng chậm trễ và hãy đem tình yêu đáp lại tình yêu đi bước trước của Người. Thiên Chúa của Chúa Giêsu chờ đời, nhẫn nại vô biên đối với người tội lỗi. Ngài chấp thuận cho họ một sự trì hoãn ân huệ. Ngài không tuyệt vọng vì bất kỳ ai.



Nếu giờ phán xét chưa đến ngay, đó là vì Thiên Chúa ban cho ta một ân huệ sau cùng để ta hoán cải chứ không phải là Người đã chấp thuận các hành vi của ta... cây vả không trái chưa bị nhổ ngay là do lòng nhân hậu khôn tả, tuy nhiên nó vẫn còn bị đe doạ phải chết nếu năm sau vẫn không ra trái... Lời khiển trách cây vả vì không ra trái - là lời cảnh báo cho thính giả của Chúa Giêsu : họ không được trì hoãn việc chính yếu đến ngày mai là phải quyết định sinh hoa kết quả cho Chúa ngay.



Chúa Giêsu đã trả lời cho những kẻ đến hỏi người: Còn anh em, anh em nghĩ rằng anh em là thánh, là những người được Chúa Quan phòng sủng ái vì anh em không bị nạn ư? Tất cả anh em đều đáng bị kết án vì có tội. Đừng lừa dối mình về ý nghĩa của các biến cố và nội dung của các dấu chỉ'? Thiên Chúa không phải là một "ông chủ " khắc nghiệt và nóng vội trừng phạt tức khắc là từ chối khoan giãn. Hình phạt và phần thưởng, sẽ có, nhưng không phải theo cái lối mau chóng tức thời ấy. Đừng gán ghép bất hạnh với tội lỗi, thành công với Chúa quan phòng. Những kẻ thoát nạn không phải là những người được khen thưởng, cũng không phải là những người khốn khổ vì có tội. Chẳng có ai vô tội. Tất cả mọi người đều được mời gọi hoán cải và sinh hoa kết quả. Đó mới là chính vấn đề.



Thiên Chúa là người thợ làm vườn nho đã bài bác lý lẽ của người chủ vườn và đã đề nghị một khoan giãn ân huệ mới cho cây vả. Thật là một Thiên Chúa nhẫn nại. Nhẫn nại nhưng lại rất đòi hỏi, phối kết hài hoà sức mạnh và sự dịu dàng, công lý và xót thương, tình yêu con người và cương quyết chống lại điều ác.



Vấn đề đã rõ, quan trọng là chuyện sửa đổi, sự quay về với Thiên Chúa vì Thiên Chúa vẫn nhẫn nại, vẫn chờ đời. Thời gian còn lại của cuộc đời là thời gian chúng ta cần dừng lại để suy gẫm về cuộc đời để hoán cải, để từ bỏ con đường xấu xa tội lỗi như Thánh Phaolô vừa mời gọi :



Anh em đừng trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng, như một số trong nhóm họ, theo lời đã chép: Dân đã ngồi xuống để ăn uống, rồi lại đứng lên chơi đùa.


Ta đừng gian dâm, như một số trong nhóm họ đã gian dâm: nội một ngày, hai mươi ba ngàn người đã ngã gục.


Ta đừng thử thách Chúa, như một số trong nhóm họ đã thử thách Người và đã bị rắn cắn chết.

Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách: họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt.

Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này. Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã. Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng. Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót và đầy tính nhẫn nại đến và ở lại với mỗi người chúng ta và xin Chúa biến đổi con người chúng ta trở nên cây vả tốt, trở nên sinh hoa kết quả như lòng Chúa mong nuốn.



Anmai, CSsR

dominico_dung
13-03-2010, 03:23 PM
Bài giảng cho CN Thứ 4 Mùa Chay – Ngày 14 tháng 3 năm 2010
Nguồn: http://hayyeuthuongnhau.org (http://hayyeuthuongnhau.org/)
---------------------------------------------------------------------------------------------------


LÀM HÒA
(Gs 5, 9a.10-12; 2 Cr 5, 17-21; Lc 15, 1-3.11-32)


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/baigiang/C-2009-2010/duaconhoangdang.jpg



Đại Lễ Vượt Qua đã đến gần và niềm vui của ngày Đại Lễ ấy sắp đến. Tâm trạng của chúng ta như thế nào trong trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe. Trang Tin mừng này hết sức quen thuộc, hết sức gần gụi với mỗi người chúng ta. Trang Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện hết sức đời thường trong gia đình. Gia đình ấy được kể ra với hình ảnh của người cha và hai người con, không hề nhắc đến người mẹ và mỗi người chúng ta được mời gọi vào vai của cả ba người. Ta có thể là người cha giàu lòng thương xót bao dung, ta có thể là người con út ngỗ nghịch và ta cũng có thể là người anh cả trong gia đình ấy.


Như dân Do Thái ngày xưa trong cái hành trình vượt qua sa mạc để về Đất Hứa, cũng đã đôi lần ta ngỗ nghịch như người con út, ta ganh tỵ như người con cả và ta cũng bao dung như một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Qua hồi tâm, qua hối hận, qua ăn năn, qua thanh luyện, qua tái tạo, qua tha thứ, qua cử chỉ làm hoà với Chúa, với anh chị em đồng loại ta sẽ được trở thành con người mới tốt hơn như lòng Chúa mong muốn.


Làm hoà với anh em chính là bước đầu tiên để có thể đến hòa giải với Thiên Chúa. Trong mỗi Thánh Lễ chúng ta cử hành, trước khi để tiến dân Thánh Lễ cho xứng đáng, chúng ta xin ơn tha thứ của Chúa, của anh chị em đồng loại.
Trong các từ ngữ chỉ đức tin Kitô giáo, thì ngôn từ tha thứ, làm hoà đóng một vị trí hết sức quan trọng. Không phải tình cờ mà nó nằm trong kinh Lạy Cha nhưng nó có ý giúp con người chạy đến với Thiên Chúa là Cha nhân lành tha thứ cho mình những yếu đuối của phận người. Điều quan trọng để đón nhận ơn tha thứ, ơn làm hoà với Thiên Chúa là con người phải biết tha thứ, làm hoà với anh chị em đồng loại đã xúc phạm đến mình.



Con chiên lạc, người con đi hoang, người phụ nữ ngoại tình, Dakêu trên cây sung, người bại liệt được ròng xuống từ trên mái nhà ... Chúa Giêsu đã gặp tất cả nhưng người này. Họ là những người tội lỗi, lầm lạc, hư mất. Nhưng, Thiên Chúa tha thứ cho họ trong Chúa Giêsu mà không cần một điều kiện tiên quyết nào. Người không đòi hỏi gì. Chúa Giêsu không bảo: "Làm cái này rồi tôi tha thứ cho". Không ? Người tha thứ rồi mới nói: "Hãy về và đừng phạm tội nữa ".



Người ta có thể chất vấn: tại sao tha thứ lại là một điều thần thiêng như vậy? Tại sao tha thứ lại đưa người ta đến gần Thiên Chúa thế?



Câu trả lời có lẽ nằm trong chính từ ngữ: tha thứ vì tha thứ là một ân huệ ở trên cao, siêu việt.


Ơn huệ thứ nhất ta được là hiện hữu của ta như một tạo vật. May mắn là chúng ta vẫn là vậy. Nhưng cách cư xử, phong tục, lỗi lầm của chúng la có thể phá hủy ơn huệ đầu tiên này nơi ta, làm chúng ta bị "tha hóa "
Chính lúc đó ơn tha thứ đến, một loại ơn tái tạo. Chúng ta đã chết mà nay sống lại. Chúng ta không còn phải chịu đựng lẫn nhau nữ, chúng ta lại chấp nhận lẫn nhau và lại thương yêu nhau. Đó là một cuộc tái sinh, một sự Phục Sinh, một bước dẫn vào đời sống mới.



Thật tối đẹp nếu như chúng ta được tha thứ. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, liệu chính chúng ta có thể tha thứ được không? Tha thứ đây không phải là quên, cũng không phải là chối bỏ những xác tín của chúng ta, mà là tìm đến với kẻ xúc phạm ta. Và không cần để mất một chút gì về chân lý, hoặc về lương tri phân biệt tốt xấu, để nói với kẻ phạm lỗi: bạn là anh, là chị tôi. Và có thể thêm một lời phi thường này: chính bạn hãy tha cho tôi, vì bạn đã không xúc phạm đến tôi nếu trước đó tôi đã không xúc phạm đến bạn.



Trang tin mừng hôm nay hết sức hấp dẫn, dụ ngôn hôm nay chúng ta nghe không phải là lần đầu mà nghe đi nghe lại quá nhiều lần. Dụ ngôn về người cha và hai người con vẫn để ngỏ! không ai xác định được câu chuyện sẽ kết thúc thế nào.



Chúng ta bắt đầu vào vai. Cả hai người con cùng hiện diện trong ta. Chúng ta có thể nhận ra mình trong những ảo tưởng của họ. Cả hai cùng hiểu lầm về bản chất của mối tương quan giữa họ với cha và không biết tình yêu của cha mình. Hãy theo dõi tâm tính của người con khi trở về. Anh đã sống lại nhờ người cha hân hoan loan báo sự tha thứ. Nhưng cũng có thể chúng ta cũng là người anh, xơ cứng trong kiêu căng vì đã trung thành với cha. Anh sẽ cải mở là chọn một chỗ ngồi trong bàn tiệc tập thể vì những kẻ mời đến, những kẻ từ xa trở về. Còn đối với chúng ta, ai sẽ là "những người khác" mà cộng đoàn chúng ta phải mở rộng cửa đón tiếp ?



Khuôn mặt của người con thứ khá cường điệu được vẽ nên trong cảnh một của dụ ngôn này. Anh ta đòi cha chia gia tài ngay khi cha anh còn sống để anh ta được sống tự do hoàn toàn. Với cuộc sống buông thả và phóng đãng thì chẳng chóng thì chầy, tiền núi cũng phải hết. Tiền hết thì anh ta rơi vào tình cảnh hết sức bi đát. Chẳng đặng đừng nên anh ta phải làm công cho một người ngoại giáo ở đất khách quê người, và miễn cưỡng phải "chăn heo " cho chủ - đối với một người Do Thái, đây là công việc hèn hạ - vì heo là một con vật dơ nhớp đối với Do thái giáo. Bị dằn vặt bởi ý nghĩ: ở nhà cha thì đồ ăn dư thừa, người làm công ăn không hết, thế mà ở đây anh đói khát, chỉ mong được "tống đầy bụng những thứ heo ăn" mà không được.



Anh đã ân hận, sau khi suy nghĩ hết sức cẩn thận anh quyết định trở về nhà sau khi cảm thấu được sự đói khát, thiếu thốn. Để chuẩn bị cho cuộc trở về, anh ta đã vẽ lên trong đầu anh ta những lời thống thiết nhất để xoa dịu cơn giận của người cha: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đón trời và đến cha, con thật không xứng đáng được gọi là con cha nữa. Hãy coi con như một người làm công trong nhà thôi". Khác với những gì anh nghĩ trong đầu, khi trở về, chưa kịp thốt lên một lời, người cha đã giang rộng vòng tay xiết chặt lấy anh. Cho tới bây giờ, anh chưa một lần nghi ngờ tình yêu vô bờ bến của cha anh. Con tim anh rộn ràng những nhịp đập thổn thức. Không phải đứa làm thuê ? Con ta chứ! Hãy mặc áo đẹp ngày đại lễ. Đeo nhẫn vào tay, biểu hiệu quyền uy. Xỏ giầy vào chân, biểu hiệu người tự do. Hãy ngồi vào bàn tiệc. Mọi thành phần gia đình đang quây quần bên bàn ăn cùng chia sẻ niềm vui của người cha.



Chúng ta chuyển sang vai diển của người anh. Đại tiệc đang diễn tiếng thì người anh "từ ngoài đồng" về đến nhà. Nghe trong nhà có nhạc vui, anh hỏi xem có chuyện gì? Hiểu ra, tâm trạng anh chuyển từ ngạc nhiên sang "giận dữ". Lại có thể cư xử như vậy với thằng con hư đốn ư? Như phản ánh thái độ của các kinh sư và những người Pharisêu luôn chỉ nghĩ đến phụng sự Chúa không sai một lời, nên, anh cằn nhằn với cha mình: "Đã bao năm con phụng dưỡng cha, không bao giờ bất tuân hay trái lệnh, mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê để vui với bạn bè". Để ở lại nhà cha, anh đã cư xử thật không khác một người làm công, cần mẫn, nhưng vô tình, xa lạ. Anh không thể hiểu được ngôn ngữ của Giao ước mà cha anh nói với anh: "Con ơi! Con luôn ở bên cha, mọi sự của cha là của con mà". Anh chỉ nói bằng ngôn ngữ của quyền lợi và nghĩa vụ, của mệnh lệnh và phần thưởng. Như các kinh sư và những người Pharisêu đối với tội nhân, anh cũng giữ khoảng cách với đứa em mới trở về mà mọi người đang ăn mừng. "Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo để ăn mừng".



Nếu chỉ để tâm coi hình ảnh của hai đứa con mà không nhìn đến hình ảnh người bố trong nhà này quả là điều thiếu sót thật lớn. Chúng ta bước sang một bên để nhìn đến chân dung người cha. Người Cha trong dụ ngôn này chính là nhân vật trung tâm, nhân vật chính. Ông là một người cha sống nặng tình cảm hơn lý trí, ông là một người cha mà tình yêu luôn thôi thúc ông hướng về các con. Ông không chỉ ngồi chờ. Phải "chạy ra" coi, và ông phải chạy ra đến hai lần. Ông chạy ra. hấp tấp, một thái độ đặc biệt đối với người Đông phương. Ôm lấy cổ đứa con hoang đàng. Hôn nó tới tấp Nâng nó lên, ngắt quãng những lởi nó định nói, đưa nó vào nhà. Nhà của nó mà. "Mau lên!" ông nói với các đầy tớ không chần chừ một giây. Phải mặc cho cậu chiếc áo đẹp nhất đúng với cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, mang giầy vào chân cậu. Giết bê béo. Dọn tiệc ăn mừng. "Mau lên!" vì một niềm vui đang trào ngập lòng ông: "Con ta đây đã chết nay sống lại đã mất nay lại tìm thấy". Ông lại chạy ra để nài người anh vào nhà, để người anh nhìn nhận đứa em mà anh ta đã miệt thị, để dự tiệc chung vui với mọi người.



Dụ ngôn người con hoang đàng mà chúng ta vừa nghe mang đậm chất thần học. Dụ ngôn của ân huệ Chúa ban tặng con người. Dụ ngôn này diễn tả tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, tình yêu nhưng không không Cha ban cho mọi người, dầu tội lỗi mấy đi nữa. Cha muốn họ tham dự niềm vui, muốn mời họ khám phá ra : anh huynh đệ chân chính. Làm sao không nhìn ra qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn trao cho chúng ta bí mật trong cách cư xử và đời sống của Ngài ? Ngài là Người Con được Cha sai đến loan báo sự hòa giải cho các tội nhân. Đó là những người mà Chúa Giêsu khắc họa hình ảnh nơi người em và đó cũng là những người được mời gọi nhận ra chính mình nơi hình, ảnh của người anh!



Thật ra, dụ ngôn còn để ngỏ đó. người anh cả có thuận theo lời khuyên dụ của cha anh không? Anh có bằng lòng vào chung vui không? Anh có ưng thuận chung bàn với người em đã trở nên "dơ" không? Hay anh vẫn giận dữ... Tường thuật của Tin Mừng không trả lời... Có lẽ mục đích của Tin Mừng là để chúng ta tự phác họa cách chúng ta sẽ đối xử với anh em mình.



Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của người anh: chính tôi sẽ ưng thuận lời thỉnh cầu của người cha hay không. Thuận thì không dễ đâu, có khi khổ nữa. Dụ ngôn cho thật sự đáp ứng ý cha không tự đến cách dễ dãi. kết thúc của dụ ngôn đặt chúng ta vào vị thế người anh. Phụng vụ Mùa Chay như chẳng hoan hỉ đặt chúng ta vào vị thế này mà trái lại, như muốn chúng ta thấy mình trong tâm trạng người em. Thánh Luca thì chắc chắn nhấn mạnh hơn đến thái độ người anh. Dẫu sao, qua suốt câu chuyện, chúng ta vẫn thấy nổi bật lên tình yêu là lòng cảm thương của người cha đối với từng người. Chính nhờ tình thương này mà tội nhân hối cải, là chúng ta vui vì họ trở về dù đôi khi rất khó mà vui được."



Thánh Phaolô vừa nhắc nhở chúng ta : "Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người."



Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chậm bất bình và đầy tình thương, chúng ta hãy chạy đến với Ngài như đứa con thứ ngày hôm nay trong Tin mừng để xin Cha tha thứ, xin Cha bỏ qua những lầm lỗi của ta trót phạm đến Cha và chúng ta cũng xin cũng hãy bớt đi một chút sự xét đoán, hơn thua của người anh để tha thứ cho những đứa em ngỗ nghịch trong đời ta. Chúng ta hãy chạy đến Chúa, chạy đến và xin Chúa tha thứ tất cả để ta được làm hoà cùng Chúa và anh chị em đồng loại.



Ôi Thần Linh Thánh Ái, xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí : Ơn An Bình. Xin Chúa thương tha thứ những lầm lỗi ta đã xúc phạm đến Chúa cũng như anh chị em để chúng ta có được sự bình an thật trong tâm hồn để chờ đón ngày Chúa lại đến trong Vinh Quang của Ngài.





Anmai, CSsR