PDA

View Full Version : Ơn gọi như lời ban cho



strawberrybaby
07-03-2010, 05:34 AM
Khi nghe tới ơn gọi, phần đông người trẻ nghĩ tới cổ cồn Rôma hay bộ áo dòng. Nhưng theo một vị giám đốc của một cơ quan quan sát quốc tế nhằm cổ vũ học thuyết xã hội Công Giáo, ta cần phải canh tân ý niệm rộng rãi hơn về ơn gọi. Đó là nhận định của ông Stefano Fontana, một trong các giám đốc của Cơ Quan Quan Sát Văn Thuận Quốc Tế đặt trụ sở tại Ý. Ông vừa cho xuất bản cuốn sách tựa là "Parola e communita politica. Saggio su vocazione e attesa" (Lời và Cộng Đồng Chính Trị. Khảo Luận về Ơn Gọi và Hoài Bão). Trong buổi ra mắt sách, Fontana, cũng là một cố vấn của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, cho rằng “cuộc khủng hoảng ơn gọi” là điều đáng lo ngại vì nó ngăn trở việc chung sống, ngăn trở “tính dễ tiếp nhận, lòng biết ơn và tính nhưng không”. Sách của ông nhằm đảo ngược lại khuynh hướng trên “vì ai không nghe thấy ơn gọi sẽ không biết phải đi đâu”

Theo Fontana, thế nào là ơn gọi? Ông bảo ơn gọi là một lời mời gọi, một lời nói ra nhằm tới tai ta và đòi ta một đáp ứng, một câu trả lời. Tự mình truyền đạt, ơn gọi lôi cuốn ta và mời ta tự thiết lập mình trong chính bản sắc mình. Đáp lại ý nghĩa từng lôi cuốn ta, ta tự thiết lập ta trong ý nghĩa của riêng mình. Khi khám phá ra một ý nghĩa mà chính ta không phải là người sáng chế, ta giáp mặt với một lời ngỏ với ta, một lời mời gọi, một ơn gọi. Ơn gọi là một hiện thân của thể vô điều kiện.

Trong cuốn sách, Fontana chủ trương rằng việc thiếu ơn gọi đã cản trở việc phát triển của con người, hạn chế việc chung sống xã hội và chính trị, và gây hại cho việc có một gia đình và cho việc dấn thân làm việc trong liên đới và trong liên hệ với người khác. Fontana chứng mình rằng hiện tượng đáng lo ngại nhất trong thời đại ta là khó khăn lắm ta mới đọc ra một lời ngỏ với ta, một ơn gọi, từ sự việc và từ cuộc sống của mình. Thật khó mà nhìn ra một ơn gọi trong những người ta yêu thương. Hôn nhân và gia đình càng ngày càng bị coi như những lựa chọn và quy ước, chứ không như những thực tại chứa đựng một đề nghị quan trọng mang ý nghĩa đối với nhân tính ta, một vẻ đẹp lôi cuốn và làm ta thích thú. Từ chính bản nhiên những con người nhân bản của ta, thật khó nhận ra một bài đọc cho thấy ta nên như thế nào, một định mức cho thấy con đường cần đi. Là một con người và là con người này phải chăng vẫn còn là một ơn gọi trước chủ nghĩa duy chủ quan và một nền văn hóa chỉ muốn ôm lấy duy nhất bản nhiên ở trong mình? Fontana cho rằng ngày nay, nhiều người không thấy trong bản sắc tính dục một ơn gọi nào, mà chỉ là một lựa chọn. Có một nhân tính được định hướng về tính dục không còn là điều để nói với ta và để thông truyền cho ta một kế hoạch, mà chỉ là một cấu trúc do chính ta tạo nên. Trọn cái thể lý của ta được coi như một cái gì đó để lên khuôn, lên kế hoạch, để đập bỏ và tái thiết, để phô trương trưng bày, chứ không phải như một ơn gọi để trân qúy.

Đức nết na giữ gìn (modesty) phát sinh do quan điểm coi thân xác như một lời ngỏ, nhưng thân xác ta chẳng còn điều gì để nói với ta, vì lời đầu và lời cuối trong nó ta phải đi tìm nơi son phấn và thuốc viên ngừa thai, trong viện thể thao thẩm mỹ và dao mổ, trong xilicon và trong những đường ngực thật thấp. Cả cái môi trường thiên nhiên đang ở trước mặt ta kia, cái thiên nhiên theo nghĩa hoàn toàn duy bản nhiên kia, cũng chỉ được nhìn như một toàn bộ những vật thể có tính chức năng. Cõi “tạo vật” không còn là ngôn từ của Ngôi Lời tạo dựng nữa, của lời hành động nữa, với một sứ điệp để loan truyền.

Trong xã hội ta đang sống, người ta đã quá đề cao cái tôi. Xem ra muốn hạnh phúc, người ta phải có toàn quyền đối với thực tại và sự việc, phải có khả năng vứt bỏ những con người và những thân xác, phải thể hiện chủ nghĩa hưởng lạc một cách trọn vẹn và toàn diện. Phải chăng đó là các động cơ dẫn tới việc dập tắt ơn gọi và làm nản lòng những người không tìm thấy ý nghĩa ở đời? Đối với câu hỏi này, Fontana cho rằng cơn khủng hoảng ơn gọi là điều hết sức đáng lo ngại, theo cả nghĩa xã hội lẫn chính trị, bởi nó kìm hãm ba thái độ chủ chốt để sống chung: tính dễ tiếp nhận, lòng biết ơn và tính nhưng không, không tính toán.

Thái độ đầu tiên là tính dễ tiếp nhận (receptivity). Cuộc khủng hoảng dân số đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều quốc gia và làm suy yếu các quốc gia này về phương diện luân lý trước sau mới là kinh tế chính là do cái tính khó chấp nhận hết sức phổ biến này. Các luật lệ cho phép “trợ tự sát” cho thấy rõ tính khó khăn của việc chấp nhận sự sống. Chủ nghĩa đa văn hóa và sự thất bại của nó cho thấy thái độ dửng dưng khoan dung không phải là một chấp nhận đúng nghĩa. Đàng khác, đối với chúng ta, việc chấp nhận người khác dường như là điều không thể có nếu ta không chịu tự chấp nhận chính mình và được người khác chấp nhận.

Thái độ thứ hai là lòng biết ơn (gratitude). Nếu các con người và các kinh nghiệm không nói với ta, ta sẽ không nhận ra mình như kẻ mắc mợ, và do đó thật khó để ta biết ơn vì đã gặp họ. Gia đình ta, nền văn hóa của ta, tư cách là đàn ông hay đàn bà của ta, việc có con của ta, việc làm của ta, việc ta xuất thân từ một lịch sử, việc ta tiếp nhận sự sống, tất cả đều là những đối tượng để ta biết ơn nếu ta tìm ra một gia tài ngôn từ nói, một mạc khải ý nghĩa đem lại cho ta ánh sáng cách nào đó. Nếu không, chỉ là bác bỏ, là từ chối tất cả những thứ ấy, ngay cả xấu hổ, ghét bỏ vì phải chịu đựng hàng loạt những áp đặt và bạo lực, có khi còn công khai bác bỏ hay chối bỏ (apostasy) chính mình và quá khứ của mình. Ta cũng có thể sống chính căn tính ta bằng lòng biết ơn. Ngày nay, xem ra Phương Tây đặc biệt bị cái hội chứng xấu hổ về chính mình và vô ơn này tác động. Nếu không cảm thấy biết ơn đối với những người đã chuyển giao cho ta một số giá trị nào đó, ta cũng sẽ không cảm thấy có bổn phận phải chuyển giao các giá trị này cho người khác. Thiếu lòng biết ơn là bẻ gẫy tính liên tục giữa các thế hệ và tạo ra tình thế “khẩn trương về giáo dục”.

Thái độ thứ ba là tính nhưng không, không tính toán (gratuitousness). Ơn gọi được ban cho ta như một quà tặng, một ơn phúc. Đánh mất ý hướng ơn gọi là đánh mất ý hướng quà tặng, ơn phúc, là nghĩ rằng ý nghĩa là điều luôn luôn và chỉ do ta sản xuất ra mà thôi. Nếu quá khứ của tôi, bản nhiên của tôi và người khác không nói với tôi, điều ấy có nghĩa là chính tôi đã tạo ra ý hướng cho họ hay chính chúng ta tạo ra nếu nói tới các cơ cấu văn hóa và xã hội. Tự do là điều người ta tiếp nhận nguyên tuyền như một ơn thánh, mà đối với nó, người ta tỏ lòng biết ơn vì đã có khả năng tiếp nhận được nó.

Ơn gọi là thứ đem lại tất cả các thái độ trên vì nó không phải là một “lời ta phát biểu” mà là một “lời được phát biểu với ta”; bởi thế, nó là một lời được ban cho.

Vũ Văn An